(Giảng ngày 20 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 33, số hồ sơ: 19-012-0033) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm nay chúng ta tiếp tục bàn về nội dung tiên sinh Liễu Phàm gọi là “thiện hữu bán mãn” (việc thiện có một phần khác với trọn vẹn). Chữ “mãn” là “viên mãn”, nghĩa là tròn đầy trọn vẹn, nên hết thảy những việc gì chưa được hoàn toàn trọn vẹn đều nói chung là một phần.
Tiên sinh trích dẫn hai câu trong kinh Dịch: “Thiện bất tích, bất túc dĩ thành danh; ác bất tích, bất túc dĩ diệt thân.” (Điều thiện không tích chứa thì không đủ tạo thành danh thơm tiếng tốt; điều xấu ác không tích chứa thì không đủ gây thành họa diệt thân.) Hai câu này quả là danh ngôn chí lý, người tu hành nhất định phải khắc ghi bền bỉ trong lòng.
Nói chung, không tích chứa thì không đủ để tròn đầy, tức là không trọn vẹn. Cho nên mới dạy chúng ta phải tích lũy công đức. [Người có] đức hạnh phải gìn giữ mỗi niệm không quên, thời thời khắc khắc luôn duy trì tâm nguyện làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho chúng sinh, lợi ích cho xã hội, phải buông xả hết ý niệm giành lợi ích riêng cho mình.
Người đời nói chung không phải không hiểu rõ ý nghĩa này, cũng không phải chưa từng đọc qua sách vở thánh hiền. Rất nhiều người đã đọc sách thánh hiền, đã hiểu rõ ý nghĩa này, nhưng chỉ là họ không làm được. Vì sao không làm được? Đó là vì lòng dục riêng không buông bỏ được. Do đó có thể biết rằng khuynh hướng giành lợi ích riêng cùng với đủ điều ham thích ưa muốn không chỉ là chướng ngại lớn lao cho người tu hành, mà cũng là trở ngại khiến người đời không được phước báo.
Chúng sinh vì sao phải đọa vào ba đường ác? Nguyên nhân trong việc này chúng ta không khó để lý giải. Kinh Phật giảng giải về ba đường ác, về địa ngục rất rõ ràng, minh bạch, nhưng chúng ta đọc qua rồi, nghe qua rồi vẫn không thể đề cao sự cảnh giác [đối với những việc xấu ác]. Đây chính là trơ trơ vô cảm, chỉ chú trọng chút lợi nhỏ trước mắt mà không biết tương lai phải chịu hại lớn.
Cho nên, đối với [những ý nghĩa] thiện ác, lợi hại, chân lý sự thật, nào có mấy ai nhận thức được rõ ràng, sáng tỏ? Có mấy ai làm được trọn vẹn? Người đời hiện nay không làm được, nói thật ra cũng không thể trách họ, cũng không lấy gì làm lạ. Vì sao vậy? Vì không ai dạy dỗ họ. Những ý nghĩa lớn lao như vậy phải được giáo dục từ thuở nhỏ, đó gọi là tập quen từ lúc nhỏ mới được như bẩm tính trời sinh.
Điều này rất có ý nghĩa. Đợi đến tuổi trung niên hoặc tuổi già, ở giữa xã hội ô nhiễm nên đã bị nhiễm ô nghiêm trọng, dù được nghe qua [những ý nghĩa này] cũng biết là hợp lý, cũng gật đầu tán thành, nhưng khi gặp việc đưa đẩy trước mắt thì vẫn mê hoặc điên đảo, vẫn không thể buông xả. Nguyên nhân đều do nhận biết chưa thấu triệt nên mới có hiện tượng như thế. Từ đó có thể biết rằng việc giáo dục thật quan trọng biết bao.
Thời cổ đại ở Trung quốc, giáo dục được xem là việc quan trọng nhất trong đời người, bất kể là trong gia đình hay [kế sách] quốc gia, nhờ đó mà dân tộc [Trung quốc] mới có thể trải qua được mấy ngàn năm đến hôm nay mà không bị diệt vong. Chúng ta xem lại sự hưng khởi của [chủ nghĩa] đế quốc phương Tây, chưa kéo dài được bao lâu đã suy thoái. Chúng ta có thực sự nhận ra được nguyên nhân dẫn đến sự hưng khởi hay suy thoái đó là gì hay không? Vì sao họ hưng khởi? Vì sao họ suy vi? Trung quốc cũng từng bị suy vi một lần, nhờ đâu lại có thể phục hưng? Nguyên nhân nằm ở cội gốc văn hóa [của dân tộc] rất sâu vững.
Tuy nhiên, trong thời cận đại, mọi người nhìn thấy người phương Tây với súng trường, súng lớn, bị khuất phục trước vũ lực của họ nên đánh mất đi lòng tự tin dân tộc. Nhưng Trung quốc vẫn còn được một số người lớn tuổi trong lòng hiểu rõ, vẫn luôn giữ bền mạng mạch văn hóa dân tộc, chờ đợi nhân duyên cơ hội để phát triển lớn mạnh. Điều gì là nhân duyên cơ hội? Đó là khi mọi người tỉnh ngộ, có thể quay lại tiếp thụ [văn hóa dân tộc], đó chính là nhân duyên cơ hội thành thục. Trong hoàn cảnh chung của cả đất nước Trung quốc, đã qua mấy ngàn năm hun đúc, nói thật ra là cũng dễ dàng giác ngộ, bừng tỉnh ra. Đó là phước báo của người Trung quốc. Người Trung quốc có phước thì nhân loại cũng có phước.
Những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa [ở Trung quốc] so với quan niệm của người phương Tây thật không tương đồng. Người Trung quốc từ xưa đến nay vẫn cho rằng “thiên hạ là việc chung”, lại dạy ta “yêu người thương vật, suy mình hiểu người”. Tâm lượng như thế thật rộng lớn biết bao, [được như vậy thì có thể] thành tựu công đức trọn vẹn. Cho nên, dù có nhất thời bị mê hoặc, trong thời gian ngắn gặp phải tai nạn thì cuối cùng cũng có thể tỉnh ngộ hồi tâm.
Nói đến [việc làm thiện] một phần hay trọn vẹn, thật ra đều là do tu dưỡng tâm. Trong chú giải, phần này nêu ra một ví dụ. Có cô gái lên chùa dâng hương, cúng dường hai văn tiền. Nói hai văn thì người thời nay không hiểu. Hai văn là bao nhiêu? Vào cuối triều Thanh, mười văn tiền là một xu, mười xu là một hào, [mười hào là một đồng]. Như vậy, quý vị có thể thấy hai văn là một số tiền rất nhỏ. Từ đó ta có thể hình dung được cô gái này gia cảnh hết sức nghèo khó. Nhưng cô cúng dường với tâm chân thành nên hòa thượng trụ trì đích thân làm lễ tiêu tai cho cô.
Về sau, cô gái trở nên giàu có, quay lại chùa này dâng hương hoàn nguyện. Lần này cô cúng dường 1.000 lượng bạc. Hòa thượng trụ trì cử một vị tăng trong chùa làm lễ tiêu tai cho cô. Nghi lễ hoàn tất, cô gái đến thưa hỏi thầy trụ trì: “Bạch hòa thượng, lúc trước con cúng dường hai văn tiền, thầy đích thân làm lễ tiêu tai cho con. Hôm nay con cúng dường nhiều đến thế này, vì sao thầy chỉ tùy tiện sai một vị tăng làm lễ tiêu tai, có vẻ như hời hợt với con quá chăng?”
Hòa thượng đáp: “Ngày trước tuy con cúng dường rất ít nhưng với tâm chân thành. Nếu ta không đích thân làm lễ tiêu tai thì thật phụ lòng con. Hôm nay tuy con cúng dường rất nhiều nhưng tâm thành kính không được như xưa, nên chỉ tùy tiện nhờ một vị tăng làm lễ cho con là đủ rồi.”
Từ câu chuyện này chúng ta có thể thấy được, [công đức] một phần hay trọn vẹn không do ở chỗ cúng dường nhiều hay ít, mà do ở tâm chân thành. Bài pháp này rất hay. Chẳng phải cứ có tiền, có thế lực là có thể tu tạo được công đức lớn, được công đức viên mãn, còn người nghèo hèn thì không có cơ hội tu tập. Sáng tỏ ý nghĩa này thì mới biết rằng người nghèo khó vẫn thường có thể tu tạo công đức tròn đầy trọn vẹn, nhưng người giàu sang phú quý có khi thường chỉ tu tạo được một phần công đức.
Chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa này, thông suốt được chân tướng sự thật, người giàu sang chưa hẳn đã đời đời sinh ra đều giàu có, người nghèo hèn cũng không hẳn đời đời sinh ra đều nghèo hèn. Người nghèo khó [có khi] đời sau được giàu sang, người giàu sang [có khi] đời sau sinh ra nghèo khó. Quý vị có thể thắc mắc, điều này có ý nghĩa gì? Chính là ý nghĩa muốn nói lên trong đoạn [chú giải] này.
Thông thường, người giàu sang thường nhiều kiêu mạn. Người nghèo hèn thì đa số đều khiêm hạ, cung kính. Đâu biết rằng khiêm cung là đức, kiêu mạn làm hao tổn phước báo, cho nên [lòng kiêu mạn thì] dù tu tập thế nào cũng chỉ được một phần [công đức], không thể đạt đến trọn vẹn.
Tiên sinh Liễu Phàm cũng nêu ra một câu chuyện xưa, là chuyện Lã Động Tân, rất đáng để chúng ta suy xét phản tỉnh sâu sắc. Lã Động Tân là một trong Bát tiên của Đạo giáo. Thuở trước khi vừa gặp được Chung Ly, cũng là một vị trong Bát tiên, ông này liền dạy cho Lã Động Tân một phép thuật có thể biến sắt thành vàng. Quý vị muốn bố thí cứu giúp người nghèo khó mà có được khả năng này thì rất thuận tiện.
Lã Động Tân khi ấy hỏi Chung Ly: “Tôi biến sắt thành vàng, có khi nào vàng hóa lại thành sắt không?” Chung Ly đáp: “Sau 500 năm thì vàng mới trở lại thành sắt.” Lã Động Tân tự nghĩ, như vậy chẳng phải ta làm hại người của 500 năm sau rồi ư? Liền nói với Chung Ly: “Phép thuật này không cần đâu, tôi không học nữa.” Chung Ly khen ngợi, nói: “Người tu tiên phải tích lũy đủ 3.000 công đức. Chỉ một ý niệm tốt đẹp này của ông thì 3.000 công đức đã được trọn vẹn rồi.”
Tôi thấy người thời nay không có được tâm niệm này. Đừng nói chi việc làm hại người sau 500 năm họ không chịu trách nhiệm, cho đến người hiện tại trước mắt đây họ cũng làm hại cả. Từ câu chuyện xưa đó chúng ta thể nhận được một điều, chư Phật, Bồ Tát, các vị thần tiên đều đem lòng thương yêu đối đãi với con người, dù là chúng sinh của trăm ngàn năm sau cũng quyết không có ý niệm làm tổn hại, huống chi là ngay trong hiện tại. Đó là điều mà chúng ta phải học theo.
Phần sau có câu kết luận rất hay: Chỉ cần có tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi, thì bố thí một đồng xu cũng có thể tiêu trừ tội lỗi trong ngàn kiếp. Do đó có thể biết rằng, không do nơi việc bố thí ít hay nhiều, mà do nơi tâm niệm chân thành. Nếu như tâm không chân thành, cho dù vàng ròng vạn dật, ý nói rất nhiều, như ngày nay chúng ta gọi là tiền muôn bạc vạn, mang hết ra bố thí cúng dường, cũng chỉ được phước một phần, chẳng được trọn vẹn.
Ý nghĩa này trong Phật pháp giảng giải rất rõ ràng. Chân thành, thanh tịnh, từ bi, không bám chấp hình tướng, chính là trường hợp mà trong Phật pháp gọi là “cảnh tùy tâm chuyển”. [Người như vậy] tâm lượng rất lớn, trong lòng không có chướng ngại, không có phân biệt, không có bám chấp, mỗi một niệm đều tương ưng với pháp giới trong khắp hư không, công đức như vậy là tròn đầy trọn vẹn.
Nếu như trong tâm không buông bỏ được vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, tâm lượng nhỏ hẹp, cho dù bố thí tiền muôn bạc vạn, vàng bạc châu báu, cũng không cách gì đột khởi khai thông được tâm lượng [nhỏ hẹp] ấy. Cho nên phước báo không thể tròn đầy trọn vẹn, ý nghĩa là ở chỗ này.
Chúng ta phải suy ngẫm thật kỹ lưỡng, quan sát thật kỹ lưỡng. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, bất kể là tài thí, pháp thí hay bố thí theo cách nào, cũng đều tùy theo tâm lượng mà biến hiện đầy khắp pháp giới mười phương, thành tựu đại viên mãn: mỗi một ý niệm đều là đại viên mãn, mỗi một sự việc đều là đại viên mãn. Nếu chúng ta không hiểu rõ được ý nghĩa này thì biết tu tập thế nào? Cho nên, học Phật không thể không rõ lý lẽ, tu phước cũng không thể không rõ lý lẽ.
Dưới đây nói tiếp [về ý nghĩa] việc thiện có lớn lao khác với nhỏ nhặt, cũng đều ở trong một ý niệm chí thành mà phân biệt. Một niệm vì lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh, như thế mà làm là [việc thiện] lớn lao. Mỗi niệm đều vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình, như vậy thì dù làm rất nhiều việc thiện, phước báo vẫn là nhỏ nhặt.
Trong Vị biên dẫn một chuyện công tích của Vệ Trọng Đạt, người triều Tống. Câu chuyện này chúng ta gặp trong rất nhiều thư tịch, bút ký của người xưa, nên có thể thấy là chuyện được rất nhiều người biết đến.
Vệ Trọng Đạt làm quan rất lớn, gặp phải nhân duyên bị tiểu quỷ bắt dẫn đến chỗ Diêm vương. Diêm vương sai phán quan mang hồ sơ ghi chép về ông ra. Hồ sơ ấy chia làm hai phần, một phần ghi chép những việc ác, một phần ghi chép những việc thiện. Phần ghi những việc ác nhìn qua thấy quá nhiều, trong khi việc thiện rất ít, chỉ ghi chép trong một quyển duy nhất.
Diêm vương nhìn thấy tình trạng như vậy rất không hài lòng, bảo phán quan mang cân ra để so sánh. Kết quả là những việc ác tuy rất nhiều, quả thật là quá nhiều, còn việc thiện chỉ thấy ghi trong một tờ giấy mỏng, nhưng tờ giấy mỏng ấy lại nặng hơn tất cả những [hồ sơ ghi chép] việc ác. Diêm vương thấy vậy thì liền tươi cười nói: “Ngươi cũng không tệ.”
Vệ Trọng Đạt liền thưa hỏi phán quan: “Tôi năm nay chưa được bốn mươi tuổi, làm sao có thể tạo quá nhiều việc ác đến thế?” Phán quan đáp: “Việc ác không nhất thiết là ông đã làm, chỉ cần khởi lên một ý niệm ác, nơi âm tào địa phủ đã có hồ sơ ghi chép rồi.”
Trọng Đạt lại hỏi: “Vậy việc thiện của tôi là việc gì?”
Đáp: “Đó là khi triều đình muốn xây dựng một công trình lao nhọc sức dân, tốn hao tiền của, ông đã dâng biểu lên xin hoàng đế đừng làm.”
Trọng Đạt nói: “Nhưng hoàng đế đâu có nghe lời tôi?”
Phán quan giải thích: “Dù hoàng đế không nghe theo, nhưng tâm niệm của ông là vì số đông dân chúng mà lo nghĩ, không phải vì nghĩ đến lợi ích riêng tư, quả thật vì lợi ích cho muôn vạn dân đen. Biết bao dân lành [sẽ khổ vì việc này], ông vì họ mà khởi tâm chân thành lo lắng. Chỉ một ý niệm [hiền thiện] đó, công đức đã vượt hơn rất nhiều tội lỗi của ông. Cho nên, một niệm thiện đó là lớn lao, bao nhiêu niệm xấu ác bình thường kia đều là nhỏ nhặt.”
Chúng ta nếu hiểu rõ ý nghĩa này thì sẽ có lòng tin nơi việc sửa lỗi hướng thiện, cũng biết được tự mình phải làm như thế nào, biết rằng việc sám hối không khó. Vệ Trọng Đạt bất quá cũng chỉ tích lũy nghiệp ác [chưa được] 40 năm, chúng ta ngày nay phải nói là nghiệp ác đã tích lũy từ vô lượng kiếp, nhưng trong một ý niệm cũng có thể hối cải.
Câu chuyện này đối với việc tự sửa mình, hướng thiện bỏ cũ làm mới, sám hối lỗi lầm, tu tạo phước báo của mỗi chúng ta đã mang lại niềm tin lớn lao. Chỗ thấy biết của chư Phật, Bồ Tát, của thần minh trong trời đất so với chúng ta thật không giống nhau. Hy vọng tất cả chúng ta đều cố gắng học tập.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.