(Giảng ngày 19 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 84, số hồ sơ: 19-012-0084) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua đã giảng đến đoạn cuối cùng nói về quả báo hiền thiện trong Cảm ứng thiên: “Sở tác tất thành, thần tiên khả ký.” (Việc làm ắt thành tựu, có thể thành thần tiên.) Tu hành theo Đạo giáo, mục đích cuối cùng là mong được làm thần tiên. Mục đích tu hành của đạo Phật là để thành Phật. Mục đích tu dưỡng của Nho gia là hướng về thánh hiền. Nói tóm lại, tất cả đều là những cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Trong Tam giáo, cách giảng nói tuy không giống nhau, nhưng nguyện vọng tu tập hết sức tương tự, tất cả đều dạy người dứt ác tu thiện, tu dưỡng tâm tánh, như vậy mới mong đạt đến mục đích tu tập cuối cùng.
Thế nhưng, trong Phật pháp giảng giải đặc biệt tinh tế, đề cập đến những phiền não hết sức vi tế, nhỏ nhặt, không chỉ là không dễ dứt trừ, mà trong thực tế còn là rất khó phát hiện. Những phiền não thô tháo, nặng nề rất dễ phát hiện, vừa nói ra thì chúng ta đều có thể lý giải được, còn với các phiền não vi tế chúng ta không có cách gì lý giải được. Chẳng hạn như đức Phật giảng rằng vọng tâm, vọng niệm sinh khởi và diệt mất trong từng sát-na, đó là điều chúng ta không cách gì thấy được, cũng không cách gì thể hội, cảm nhận được.
Thần tiên cũng chưa ra ngoài ba cõi. Nói cách khác, họ có khả năng hàng phục được phiền não, đó là kiến hoặc và tư hoặc, có thể hàng phục được nhưng chưa dứt trừ hết. Trong kinh Phật dạy rằng, những cảnh giới của Tứ thiền và Bát định đều là công phu thiền định rất cao sâu, không phải loại công phu của người bình thường. Hành giả đi vào cảnh giới ấy rồi có khả năng thấy rõ được trạng huống của sáu đường luân hồi. Trong sáu đường luân hồi thì đặc biệt là cõi Địa ngục. Kinh Địa Tạng nói rất rõ, cảnh giới địa ngục nếu như không phải hàng Bồ Tát, không phải những tội nhân đã tạo ác nghiệp phải vào đó, thì không ai khác có thể nhìn thấy được. Thế nhưng đối với hành giả có công phu thiền định rất sâu [như nói trên], các vị khi nhập định có thể thấy được cảnh giới địa ngục ấy. Điều này cho chúng ta biết, cảnh giới trong thiền định đột phá vượt qua các chiều kích không gian và thời gian, cho nên hành giả trong định có thể thấy được sáu đường luân hồi, có thể thấy được quá khứ, có thể thấy được tương lai.
Thiền định trong Phật pháp so với các mức định ấy còn sâu xa hơn, những gì hành giả nhìn thấy được so ra còn rộng hơn. Hết thảy tâm hành của chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không đều có thể nhìn thấy.
Trong kinh Lăng Nghiêm giảng về “Tịnh cực quang thông đạt”, an tịnh đến mức cùng cực. Trong thực tế, nói an tịnh đến mức cùng cực đó cũng chính là bình thường chúng ta gọi là buông xả, buông xả hết mức. Cho đến tự thân ý niệm buông xả cũng buông xả luôn, bản năng của tự tính khôi phục hoàn toàn rồi thì việc dứt ác tu thiện, tu tâm dưỡng tính liền có hiệu quả viên mãn hiện tiền.
Công danh phú quý mà người thế gian mong cầu, hay sống lâu khỏe mạnh, đều là chuyện nhỏ nhặt, đương nhiên có thể cầu được. Quý vị xem trong Liễu Phàm tứ huấn có thể thấy được. Trong phần chú giải của Cảm ứng thiên cũng có rất nhiều trường hợp điển hình. Vận mạng có thể thay đổi, trong thực tế đó là quả báo, quả báo đó có thể thay đổi. Vì sao quả báo còn có thể biến hóa thay đổi? Vì nhân thay đổi, mà nhân với quả lại tương ưng. Nhân ở đây là mọi sự khởi tâm động niệm. Trong quá khứ [chúng ta] không hiểu được ý nghĩa này, khởi tâm động niệm đều tạo tác ác nghiệp, tùy thuận phiền não, cho nên quả báo không được như ý. Ngày nay [chúng ta] tiếp nhận được sự răn dạy của thánh hiền, đối với việc này hiểu biết rõ ràng, biết rằng những ý niệm xấu ác, hành vi xấu ác đều là sai trái, có thể sửa đổi tất cả thành chân chánh, đó là khởi sự công phu [sửa đổi vận mạng] từ việc gieo nhân. Nhân đã được thay đổi, sửa chữa, quả đương nhiên phải khác đi. Nhân lành được quả lành, nhân ác phải chịu quả xấu ác, đó là sự thật. Tại Trung quốc, các bậc thánh nhân của Tam giáo đều dạy chúng ta như vậy. Trong Cảm ứng thiên có dẫn chứng rất nhiều sự việc, quý vị có thể lấy đó tham khảo.
Trong phần đầu [của chú giải đoạn này] dẫn chuyện Lý Đoan Nguyện vào triều Tống hỏi thiền sư Đạt Quán: “Thiên đường, địa ngục rốt lại là có hay không?” Đây không phải vấn đề của riêng ông này, mà là nghi vấn của rất nhiều người. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, có rất nhiều người nêu ra vấn đề này. Có lẽ trong tương lai chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều người đưa ra câu hỏi này. Như vậy [thiên đàng và địa ngục] rốt lại là có hay không có?
Ngài Đạt Quán là thiền sư nên câu trả lời của ngài đầy thiền ý, là cảnh giới của thiền. Ngài đáp không sai, nhưng ý tứ quá cao siêu, người hiện nay có thể nghe qua mà hiểu được tôi cho là không nhiều. Câu trả lời của ngài là: “Chư Phật nhắm vào chỗ không mà nói có, như mắt thấy hoa đốm. Thái úy lại đi tìm cái không từ trong chỗ có.”
Lý Đoan Nguyện thời ấy làm chức Thái úy, là một vị quan lớn, địa vị rất cao. Thiền sư bảo: “Ông đi tìm không trong chỗ có, như mò trăng đáy nước.” Câu trả lời này rất hay. Thế nhưng ngày nay nếu có người hỏi chúng ta vấn đề này, nếu dùng hai câu trên để trả lời, chắc chắn là họ không thể hiểu được.
Trả lời với người đời nay phải nói thẳng rằng những sự việc [như thiên đàng, địa ngục] chắc chắn thật có. Vì sao nói khẳng định là có? So với câu trả lời của thiền sư không giống nhau. Thiền sư trả lời đó là chẳng có chẳng không, là cảnh giới cao tột. Vì sao nói khẳng định là không? Là vì quý vị có tâm. Quý vị có tâm là những việc ấy có, quý vị không có tâm thì không có. Sự thật là như vậy.
Nói có tâm, tâm đó là ý niệm. Quý vị có ý niệm là những sự việc ấy có. Quý vị không có ý niệm thì không có. Ý niệm là gì? Là những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp [của quý vị]. Sáu đường luân hồi là do vọng tưởng, phân biệt, bám chấp biến hiện mà có. Bốn thánh pháp giới cũng do vọng tưởng, phân biệt biến hiện, nhưng trong đó không có sự bám chấp. Cho nên, lìa dứt được vọng tưởng, phân biệt, bám chấp thì không chỉ sáu đường luân hồi không còn nữa, mà cho đến mười pháp giới cũng không còn. Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa này.
Hiểu rõ được ý nghĩa này rồi thì sẽ hiểu được việc dứt trừ hết thảy mọi việc xấu ác, tu tập hết thảy mọi pháp lành là lẽ đương nhiên phải vậy. Lợi ích cho hết thảy chúng sinh là sự nghiệp duy nhất của chúng ta trong đời này. Bất kể thân phận hiện nay của chúng ta là gì, bất kể ta đang làm công việc gì, nói chung đều là vì chúng sinh phục vụ, vì xã hội phục vụ, giúp đỡ hết thảy chúng sinh sửa lỗi, hướng thiện, giúp đỡ xã hội được bình an, ổn định và phồn vinh. Nếu không như vậy thì sinh ra ở thế gian này để làm gì?
Nhưng việc giúp đỡ chúng sinh, hỗ trợ xã hội có nhiều phương thức, cách làm không giống nhau, linh hoạt biến hóa vô cùng. Phần cuối kinh Hoa Nghiêm với 53 lần tham vấn [của Đồng tử Thiện Tài] chỉ bày cho chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta xem trong kinh thấy có những người hiền thiện, làm việc thiện, nhưng dường như cũng thấy những người rất giống như xấu ác, làm việc ác. Những vị ấy tất cả đều là Bồ Tát, đều là Phật, [việc làm] không gì là không lợi ích xã hội. Trong xã hội ấy căn tánh chúng sinh không tương đồng. Có những người đem lời hiền thiện khuyên bảo thì họ quay đầu hướng thiện. Lại có những người dùng lời hiền thiện khuyên bảo thì họ hết sức xem thường, phải dùng biện pháp dữ dội xấu ác thì họ mới chịu khuất phục, nghe lời. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát gặp người hiền thiện thì đối với họ cũng hiền thiện, họ liền mến phục. Gặp người xấu ác, các ngài dùng biện pháp xấu ác với họ, người xấu ác cũng khuất phục. Cho nên các ngài thị hình hình tướng dù là thiện hay ác, vẫn thuần một tấm lòng lành, thuần nhất thiện tâm.
Chúng ta xem tượng Bồ Tát Quán Âm mười một khuôn mặt, trên đầu lại có thêm đầu khác, những khuôn mặt không giống nhau. Có khuôn mặt hết sức hiền từ, có khuôn mặt hết sức hung ác. Bồ Tát lẽ nào lại có nhiều đầu đến thế? Đó chỉ là phương pháp biểu trưng thôi, để cho chúng ta biết rằng, khuôn mặt [Bồ Tát] linh hoạt biến hóa vô cùng, gặp người như thế nào thì có khuôn mặt [thích hợp] như thế ấy. Khuôn mặt linh hoạt biến hóa vô cùng, phương cách [giáo hóa] cũng linh hoạt biến hóa vô cùng, nhưng tâm bất biến. Tâm địa [các ngài] luôn chân thành, thanh tịnh, từ bi, bình đẳng, điều này vĩnh viễn không thay đổi. Chúng ta phải học tập ở điểm này.
Người đời nói học để làm người, chúng ta trong Phật pháp phải học làm Bồ Tát, như vậy mới thành tựu được bản thân mình. Chỗ cao tột sáng suốt của chư Phật Bồ Tát là từ trong sự không phân biệt khởi sinh phân biệt, phân biệt mà không phân biệt; từ trong chỗ không bám chấp khởi sinh bám chấp, bám chấp mà không bám chấp.
Không bám chấp, không phân biệt là từ nơi chân tâm các ngài lưu xuất hiển lộ. Phân biệt, bám chấp là phương tiện cách thức để giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh. Cho nên, chỉ là một thể đồng nhất, không phải hai việc khác nhau.
Ma chướng phiền não của chúng ta hôm nay đều là vì không có được trí tuệ như thế, đem sự phân biệt với không phân biệt, bám chấp với không bám chấp, nhất định phân chia thành hai việc khác nhau, không hiểu được rằng đó chỉ là một thể đồng nhất. Như thế chẳng những không thể làm lợi ích chúng sinh, mà đối với chính bản thân mình cũng hết sức bất lợi, vậy nên vọng tưởng, phân biệt, bám chấp vĩnh viễn không dứt trừ được.
Không thể dứt trừ vọng tưởng, phân biệt, bám chấp thì cho dù chúng ta có dứt ác tu thiện, trì giới, niệm Phật, hết thảy đều là những việc thiện [hưởng phước báo] trong sáu đường luân hồi. Điều này chúng ta không thể không rõ biết.
Những việc thiện trong sáu đường luân hồi chiêu cảm quả báo tốt đẹp trong ba đường lành. Chúng ta học Phật, mục đích là thành Phật, thành Bồ Tát, đối với mục đích [hưởng phước báo trong ba đường lành] là mâu thuẫn nhau. Làm thế nào để phá trừ được sự mê chấp này là điều hết sức khó khăn. Nhưng nếu chúng ta thực sự phát tâm muốn thành tựu [đạo nghiệp] ngay trong một đời mà không giải quyết được [mê chấp] này thì nguyện vọng của chúng ta sẽ vĩnh viễn không thể nào đạt được.
Nếu muốn đột phá vượt qua cửa ải này, đức Phật dạy chúng ta biện pháp duy nhất là tụng đọc Kinh điển Đại thừa. Nhưng trong việc tụng đọc Kinh điển Đại thừa phải có đủ các yếu tố “tín, giải, hành, chứng” (tin nhận, hiểu rõ, hành trì, chứng nghiệm), như vậy mới thực sự là tụng đọc.
Phải tin nhận lời Phật răn dạy trong kinh. Bằng cách nào có thể khởi sinh lòng tin? Quý vị nhất định phải nhận hiểu, lý giải thật chính xác. Sự tin nhận được phát sinh từ sự hiểu rõ, sự hiểu rõ lại từ sự tin nhận mà đạt được. Tín và giải phụ thuộc lẫn nhau và thành tựu cho nhau. Nếu như lý giải, nhận hiểu được chính xác, nhất định sẽ y theo lời dạy vâng làm. Nhận hiểu được một phần, quý vị sẽ có thể thực hành được một phần. Thực hành được một phần sẽ có thể lý giải nhận hiểu lên được hai phần. Cho nên, giải và hành cũng phụ thuộc lẫn nhau và thành tựu cho nhau.
Chỗ học được của chúng ta nếu không thể vận dụng vào thực tế thì sẽ không có cách gì hướng thiện nâng cao hơn nữa. Sự vận dụng thực tế này, Khổng tử nói rất đơn giản, nói rất hay, rằng vận dụng thực tế chính là dạy người khác học và sửa lỗi [của chính mình]. Vui vẻ giảng giải cho người khác, mỗi ngày đều tự phản tỉnh sửa chữa lỗi lầm. Đó là cái học thực sự, thực sự được lợi lạc. Nếu không chịu giảng giải cho người khác [những điều mình học được], không thể sửa chữa được lỗi lầm của mình. Như vậy không chỉ là không phù hợp với cảnh giới của thánh hiền, mà ngay cả những lời giảng dạy của thánh hiền quý vị cũng không có cách gì lý giải, nhận hiểu được. Cho nên, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” (nguyện hiểu được ý nghĩa chân thật [trong lời dạy của] Như Lai) là việc không dễ dàng.
Hai câu cuối cùng, [đoạn thứ 36] là: “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện. Dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện.” (Nếu muốn thành thiên tiên, phải làm một ngàn ba trăm điều thiện. Nếu muốn thành địa tiên, phải làm ba trăm điều thiện.) Trong phần chú giải có chú thích rất hay về thiên tiên và địa tiên, trích dẫn kinh Lăng Nghiêm nói về mười loại thần tiên. Hán Chung Ly là một vị trong Bát tiên, từng nói rằng có năm hạng thần tiên. Những điều này chúng ta có thể tham khảo. Chúng ta hiểu được cảnh giới tu học của những người theo Đạo giáo, đó cũng là những hiểu biết thường thức rất tốt.