Giải quyết những khác biệt
Bảo thủ là khuynh hướng không muốn xem xét đến một ý tưởng hay sự kiện mới. Khuynh hướng khiến ta trở nên cứng nhắc, định kiến và luôn giữ thế phòng vệ. Chẳng hạn, khuynh hướng bảo thủ được khơi dậy khi những chủ đề tranh luận nào đó được nêu lên trong bàn ăn, và chúng ta sẽ phản ứng như một con đà điểu, ta muốn “vùi đầu vào trong cát” và không xem xét bất kỳ ý tưởng mới nào có thể làm lung lay những quan niệm cứng nhắc của ta.
Một khuynh hướng như thế sẽ mang đến nhiều bất ổn cho cuộc sống chúng ta. Xem xét trong lịch sử, ta có thể thấy là sự bảo thủ đã gây hại như thế nào đối với sự phát triển của nhân loại. Sự bảo thủ đã khiến người ta chống lại khảo sát khoa học vào thời Trung cổ; sự sợ sệt bảo thủ đã khiến người dân châu Âu làm ngơ trước sự giết hại hàng triệu người vô tội dưới chế độ Quốc xã. Sự bảo thủ cũng bỏ qua cho những định kiến phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giới tính.
Nấp sau khuynh hướng bảo thủ là một định kiến rằng chúng ta đã nắm rõ được hết thảy mọi việc và không muốn bị lay chuyển bởi những ý tưởng mới. Ta có một nỗi sợ tinh tế rằng, nếu tòa lâu đài thế giới quan mong manh của ta sẽ bị xô đổ bởi một ý tưởng mới, ta sẽ đánh mất chính mình. Vì thế, chúng ta thà là cố chấp và không chịu lắng nghe, hoặc quên đi sự việc và lao vào xem ti vi, đánh bạc hoặc say xỉn. Rõ ràng là sự bảo thủ làm ta trở nên cứng nhắc và khó chịu biết bao.
Khi thấy được những nguy hại của sự bảo thủ, chúng ta sẽ nỗ lực xây dựng một phương thức tiếp cận có lý trí với các ý tưởng và sự kiện mới. Chúng ta sẽ lắng nghe những ý tưởng mới và xem xét chúng theo cách hợp lý, sáng suốt và không thiên lệch. Với ý nguyện hoàn thiện sự hiểu biết và đóng góp cho nền hòa bình thế giới cũng như sự phát triển của nhân loại, chúng ta sẽ lắng nghe các ý kiến và đề xuất mới. Cho dù sau đó ta có chấp nhận một ý kiến nào đó hay không, ta vẫn học hỏi được đôi điều qua việc xem xét ý kiến ấy một cách có lý trí, và qua đó ta càng hiểu biết vấn đề rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, khuynh hướng rộng mở lại không có nghĩa là ta chấp nhận mọi ý tưởng mới đến với ta. Điều này đặc biệt đúng trong thực trạng “siêu thị tâm linh” hiện đang tồn tại ở phương Tây. Sự rộng mở cũng không có nghĩa là chúng ta quá sức mong muốn hiện đại hóa, đến nỗi vất bỏ di sản văn hóa phong phú của mình và mù quáng chạy theo mọi ý tưởng, đề xuất mới.
Với tâm rộng mở, ta sẽ luôn khoan dung. Sau khi đã xem xét tính hợp lý của một ý tưởng mới và kiểm chứng, đánh giá nó, nếu quyết định không tán thành, chúng ta vẫn có thể giữ sự điềm tĩnh và thân thiện với người nào chấp nhận ý kiến đó. Không tán thành một ý kiến, không có nghĩa là ta ghét bỏ người nào chấp nhận nó. Ý kiến đó không hề đồng nhất với người chấp nhận nó. Hơn nữa, con người thường thay đổi ý kiến. Chúng ta có thể trân trọng những gì người khác nói ra, cho dù là những điều đúng đắn hay vô nghĩa, vì điều ấy luôn buộc ta phải suy xét và nhờ đó giúp ta khôn ngoan hơn.
Khi đối diện với người đang nói về một chủ đề hoặc ý tưởng mới, chúng ta có thể tiếp nhận với niềm vui được học hỏi, thay vì với khuynh hướng phán xét vốn luôn giữ định kiến rằng người kia không đúng. Chúng ta sẽ mở lòng lắng nghe, thẩm xét, phát triển và chia sẻ, trong khi xem xét lại những ý kiến trước đây của mình.
Cách tiếp cận như vậy sẽ lợi lạc trong rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn, chúng ta sẽ khuyến khích các đồng nghiệp, cấp trên cũng như cấp dưới của mình cho ý kiến phản hồi về những dự án đã qua và đề xuất những hoàn thiện trong tương lai. Sự cởi mở như vậy giúp cải thiện môi trường làm việc. Với tâm rộng mở, ta có thể thẩm định chính xác ý kiến của mọi người và có thể cùng hợp tác vì lợi ích chung. Cho dù một người đứng đầu vẫn nắm giữ quyền hạn, nhưng với cách tiếp cận này thì người ấy không còn độc đoán nữa.
Chúng ta không cần phải bảo vệ ý kiến hoặc niềm tin của mình. Trong một ý kiến, không có yếu tố nào để biến nó thành cố hữu của ta. Nếu ai đó phê phán những ý kiến của ta, điều đó không có nghĩa là ta ngu ngốc. Hơn nữa, cũng không cần phải sợ mất mặt khi ta xem xét lại một ý kiến và thay đổi quan điểm. Khi ta lo sợ bị xem là ngu ngốc nếu ý kiến của mình bị chứng minh là sai lầm, thì điều đó xuất phát từ sự tham danh hơn là nhận hiểu sự thật. Với tâm rộng mở, chúng ta sẽ đến với mọi ý kiến và tình huống như một cơ hội để học hỏi và chia sẻ cùng người khác.