Sau một đêm ngủ và nghỉ ngơi thật thoải mái, hôm sau tôi thiền tọa vào
sáng sớm và cảm nhận thật rõ ràng sự gia hộ của dòng chư tổ truyền thống
Giới đức.
[10] Ngồi thiền tại Sera Mey thật là an
lạc trong sự hộ trì, được cảm nhận từ tầng lớp sâu thẳm của tâm thức:
niềm hỷ lạc thật là sâu đậm và nhẹ nhàng, tâm thức an bình trong thiền
duyệt,
[11] lìa xa thế sự, thị phi của cuộc đời.
Thời tiết thật dễ chịu, tuy hơi lành lạnh vào sáng sớm, nhưng vẫn còn
khá ấm áp.
Tu viện Sera được chia làm hai phần: Sera Mey khoảng 2.000 vị tăng và
Sera Je khoảng 2.500 vị tăng. Điều kỳ diệu nhất là chu vi tu viện Sera
(Mey và Je) bao gồm khoảng vài ba cây số vuông. Trong đó có tổng cộng
4.500 nam tăng sĩ ở rải rác trong các căn nhà lớn nhỏ.
[12]
Khi ra đường vào những ngày lễ lớn, chúng ta sẽ thấy 4.500 vị tăng sĩ tụ
họp về chánh điện để làm lễ. Toàn một màu áo tu đỏ tràn ngập đường sá mà
không hề có một bóng dáng một ông cảnh sát đeo dùi cui, súng ống nào cả!
Cảnh tượng những con đường tràn ngập áo tu màu đỏ đã để lại một ấn tượng
sâu sắc trong lòng tôi. Không hề có chuyện tranh chấp đánh nhau hay cãi
nhau. Chư tăng sống rất an hòa và dễ thương, hiếu khách.
Nhưng chưa kịp xả cữ thiền tọa buổi sáng thì chư vị phái nữ trong phái
đoàn đã quay trở lại tu viện và cười nói vui vẻ ồn ào. Chúng tôi dùng
bữa ăn sáng xong là đi đến Đại Hùng Bảo Điện ngay vào lúc 8 giờ sáng để
dâng lễ trường thọ cho thầy cựu viện trưởng Ngawang Thetchok. Ngài là
thầy của thầy đương kim viện trưởng. Trong buổi lễ, chư tăng và chúng
tôi cầu nguyện Lễ cúng dường đức Bổn sư.
[13] Buổi
lễ thật là cảm động và sau đó chúng tôi lên dâng khăn và cúng dường thầy
cựu viện trưởng. Ngài nhận ra phái đoàn chúng tôi và rất là hoan hỷ.
Thầy cựu viện trưởng Ngawang Thetchok là một vị cao tăng hiếm có. Ngài
là một tăng sĩ nghiêm túc, và với tôi, ngài là một thần tăng. Người Đài
Loan biết rất nhiều câu chuyện kể lại về những thần thông của ngài. Ngài
có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đối với người Đài Loan, trong khi thầy
đương kim viện trưởng lại có ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đối với cộng
đồng người Việt tại Bắc Mỹ, kể cả Canada, và nhất là vùng Orange County
và San Jose tại California.
Tôi ngồi nhớ lại câu chuyện kỳ lạ sau: Năm 2003, tôi có qua Wesminter,
vùng Orange County sửa chữa và xây cất cho thầy đương kim viện trưởng
ngôi chùa tên là Geden Shoeling.
[14] Chùa hoàn tất
theo ý thầy hai tháng sau đó. Nhờ thế, tôi quen nhiều bạn đạo ở tại đó
và thường liên lạc với nhau khi có tin tức gì, hay là giúp họ dịch kinh
sách v.v... Một hôm, tôi nhận được điện thư của một vị bạn đạo kể chuyện
lạ. Chuyện này cũng xảy ra mới đây vào tháng 11 năm 2007 thôi. Lá thư
như sau:
“Sáng nay em đi nghe Khen Rinpoche
[15] thuyết pháp
về Bát Nhã Tâm Kinh. thầy giảng rất hay và rất kỹ. Vẫn theo thường lệ,
sau buổi giảng thì mọi người lên dâng khăn, cúng dường và thọ phép lành
của thầy. Em cũng nối đuôi để lên dâng khăn. Đến lượt một chị Phật tử
kia, (chị này, thỉnh thoảng em cũng thấy chị tham dự buổi thính pháp một
vài lần, trông cũng khá lớn tuổi, mắt, mũi sửa chữa tùm lum nên trông
không được tự nhiên cho lắm). Khi chị lên dâng khăn và thầy ôm lấy đầu
chị để ban phép lành hộ trì thì chị bật khóc. Người run lên bần bật, chị
loạng choạng bước né qua một bên để nhường cho người khác lên dâng khăn.
Nhưng chị vẫn khóc, gần như là đi không muốn nổi nữa. Mọi người phải dìu
chị đi xuống cuối phòng. Mọi người cứ nghe chị nói lảm nhảm cái gì không
rõ và cứ khóc mãi. Sau khi người cuối cùng lên dâng khăn, cúng dường,
thì thầy ra lệnh (trông lúc đó mặt thầy nghiêm làm em sợ lắm). Thầy bảo
đem cái chị kia lên đây. Chị đó run tới quỵ cả chân, phải 2 người dìu
hai bên chị mới đi nổi, vừa đi, vừa khóc, vừa lảm nhảm eo éo nói gì đó
mà không ai nghe rõ. Lên chỗ thầy, chị không còn quỳ được nữa mà ngồi
phệt xuống đất, người cứ run lên bần bật, ré lên khóc rõ to. Thầy Khen
Rinpoche và thầy Norbu bắt đầu tụng kinh gì đó mà em không biết. Tụng
rất to, em có cảm tưởng từng câu tụng là từng cơn bão có lực rất mạnh
hất vào người chị... Tụng khoảng 5 phút thì cả hai thầy đều vỗ hai bàn
tay vào nhau mấy cái. Chị kia hét lên một tiếng rồi ngã ngửa lên sàn.
Hai tay chị dơ lên khỏi đầu. Chị hổn hển nói “Nam mô A Di Đà Phật” rồi
khóc rức lên. Lần này em nghe tiếng nói của chị khác với cái tiếng nói
trước khi chị bị ngã. Xong thầy Khen Rinpoche tụng thêm một ít nữa rồi
đứng lên lấy tấm áo choàng màu vàng của mình quất lên người chị kia mấy
cái và nói lớn “NO TALK!!” “STOP!”.
Tất cả mọi người trong chánh điện đều vẫn tiếp tục niệm câu Bát nhã tâm
kinh: “Tayatha, Gate, Gate...” trong khi Khen Rinpoche bước ra khỏi
chánh điện.
Đây là lần đầu tiên em thấy thầy trừ ma. Trông thầy nghiêm lắm. Sau đó,
em có vào phòng chào thầy, Lisa (là người thông dịch ra tiếng Việt) vào
sau, hỏi thầy, chị kia bị sao thế thầy? Chị ấy có OK không? Thầy bình
tĩnh như không có gì, và bảo, bà ta không sao cả, mọi sự xong rồi. Don’t
worry. Lisa tò mò hỏi tiếp, có phải bà ta bị ma nhập không? Thầy trả
lời: Thì đại khái là như vậy, nhưng bây giờ thì không sao cả.
Em nghe xong cũng hú hồn!
(Trước khi viết về câu chuyện này, tôi cũng khá đắn đo suy nghĩ nên hay
không nên viết ra... Vì bản thân của tôi vốn không thích mê tín. Nhưng
vì dù tôi có thích hay không, thì đó cũng là một sự thật đến từ chư vị
cao tăng, và viết ra trong ý hướng tỏ lòng kính trọng đến chư vị, một
đời hoằng hóa cứu độ chúng sinh, và mình không thể không cảm nhận thấy
chư vị làm mọi thứ giúp đời hoằng hóa độ sinh mà không hề có mảy may suy
nghĩ, hay cho là mình có gì đặc biệt hơn người. Chư vị làm những kỳ tích
xong là xả bỏ ra khỏi tâm, không hề dính mắc).
Đời sống chư tăng trong tu viện khá nghiêm ngặt và chặt chẽ. Trừ những
ngày lễ chư tăng được nghỉ ngơi như là Tết Tây Tạng (Losar), chư tăng
được theo học một chương trình huấn luyện kỹ lưỡng. Sáng thường thức dậy
vào lúc 5 giờ và làm vệ sinh cá nhân xong là nghe tiếng kèn lớn, tiếng
rất trầm, (Tạng ngữ gọi là Radong) báo hiệu là lúc phải vân tập tại
Chánh điện để hành lễ và cầu nguyện (kinh nào thì tùy theo hôm). Sau đó
7 giờ sáng thì dùng điểm tâm cho đến 9 giờ thì chư tăng sẽ tụ họp để
luận đạo (debate), đây là lúc mỗi vị sẽ phải mang hết sở trường học đạo
của mình ra để tranh luận và đào sâu đề tài đã học. Cách luận đạo như
vậy giúp cho chư tăng nhuần nhuyễn sở học của mình. Sau đó là ăn trưa và
nghỉ ngơi đến 2 giờ chiều. Sau đó, chư tăng theo học các lớp học chung
hoặc là theo học lớp riêng với vị bổn sư của mình. Sau đó là bữa cơm
tối, và từ 9 giờ tối trở đi, chư tăng sẽ tiếp tục họp nhau luận đạo đến
11 giờ tối mới đi ngủ, để sáng hôm sau thức dậy từ 5 giờ sáng tiếp tục
một ngày mới trong tu viện.
Ngày tôi đến tu viện thì chư tăng vẫn còn trong dịp nghỉ Tết Tây Tạng.
Nhưng tôi vẫn cố gắng theo thời khóa biểu mà chư tăng thường theo, mong
là mình gieo duyên để đời sau được tu học trong dòng truyền thừa. Các bộ
môn nằm trong chương trình tu học là luận đạo bao gồm Ngũ Đại Luận:
[16]
1. Lượng học: môn học về Biện chứng pháp của Phật giáo và Nhận thức
luận, bao gồm cả các luận thuyết ngoại đạo.
2. Bát nhã ba la mật: bao gồm các bộ Đại Bát Nhã Luận và các hành trì
của Bồ tát đạo (như Lục độ ba la mật).
3. Trung quán luận và Tánh không.
4. A tỳ đàm Câu xá luận: là bộ luận lớn bao gồm vũ trụ quan, siêu hình
học và hiện tượng luận.
5. Luật: là những giới luật và kỷ luật trong tu viện.
Trong lần này, phái đoàn người Đài Loan về tham dự khá đông. Trong bữa
ăn trưa chung, tôi nhận thấy mỗi người nâng niu cầm trên tay một cuốn
sách, họ có vẻ rất là quý cuốn sách. Tôi bập bẹ vài câu tiếng phổ thông
và hỏi họ về cuốn sách mới biết ra là họ vừa xuất bản cuốn này, viết
tiểu sử và cuộc đời của thầy cựu viện trưởng Ngawang Thetchok. Tôi cũng
xin họ một cuốn, mặc dù sách viết bằng Tạng ngữ và tôi không hiểu, nhưng
vì lòng kính trọng thầy cựu viện trưởng, tôi vẫn xin một cuốn mang về để
trên bàn thờ.
Buổi tối, sau thời cơm chung, chúng tôi lại chia tay giã từ các vị phụ
nữ đi về khách sạn. Còn tôi quay về phòng hành trì thời công phu Tối
thượng Du già thiền quán và sau đó đi vào trong giấc ngủ an bình trong
sự gia hộ của chư thiên nữ.
[17]