Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill

Trang chủ »» Danh mục »» NGHIÊN CỨU VÀ TÌM HIỂU PHẬT HỌC »» Nhật ký Dharamsala »» 13. Ngày 24 tháng 2, 2008 »»

Nhật ký Dharamsala
»» 13. Ngày 24 tháng 2, 2008

Donate

(Lượt xem: 3.388)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Nhật ký Dharamsala - 13. Ngày 24 tháng 2, 2008

Font chữ:

Sáng sớm thức dậy, cảm thấy thật là lạnh. Cả đêm qua tôi vẫn bị ho thật nhiều và có đờm, dù sáng sớm cũng như đêm tối trước khi ngủ, tôi đã súc miệng cẩn thận bằng thuốc rửa miệng tiệt trùng cực mạnh “Listerine”.

Thời tiết buốt giá vì mấy hôm liền mưa liên miên và gió rét thổi rất mạnh. Trong phòng trên lầu 3, suốt đêm gió thổi đùng đùng tứ phía. Phòng không có lò sưởi nên chỉ nhờ ánh mặt trời để sưởi ấm được chút nào hay chút ấy, mà mấy hôm nay vì không có mặt trời nên nhiệt độ trong phòng hạ xuống rất thấp. Lạnh đến mức mà tôi không dám thả mép mền ngoài thành giường vì hơi lạnh từ sàn bốc lên trong đêm làm tôi không ngủ được. Kinh nghiệm cho biết là muốn giữ hơi ấm trong giường ở đây, tôi phải quấn mép chăn chung quanh người để thân nhiệt được giữ lại trong chăn, như thế ban đêm tôi mới ngủ được, mặc dù cả đêm không dám thay bộ quần dài và áo bông cho thoải mái.

Tuy vậy, sáng nay tôi vẫn thức sớm để thiền tọa. Thân và tâm cũng đã huân tập phần nào với cái lạnh buốt xương, thịt da đã cảm thấy quen thuộc dần với cái lạnh cắt buốt, các cảm giác của thân thể đã bớt than vãn kêu la. Tất cả chỉ là huân tập, chỉ là tập khí, và tạng thức chứa các tập khí ấy. Rửa sạch tập khí đi để mà an tĩnh...

Sau khi rửa ráy sạch sẽ, tôi an ổn thiền tọa. Lòng hướng về đức Đạt Lai Lạt Ma, với tâm niệm an bình, với một ngày mới, như sự sống khởi sinh – sinh và diệt – chuyển hóa. Vô thường chẳng phải là vô thường, vô thường chỉ là chuyển hóa giữa các sinh khởi và diệt. Dòng chuyển hóa không ngừng là đặc tính nhất thiết của luân hồi.

Tôi tự nhiên khởi lên, làm trong tâm bài thơ:

Chuyển hóa

Giữa giòng chuyển hóa,
Sinh và diệt không ngừng.
Tịch mặc an nhiên.
Dòng sống bình thản,
Thường chuyển buông trôi.
Mỉm cười,
Giăng tâm ôm vòng vũ trụ,
vuốt ve dòng chuyển hóa.
Sự sống,
Ôi, niềm nhiệm mầu sáng ngời...

Sau đó tôi đi vào hành trì thiền quán các pháp môn hứa nguyện. Niềm mầu nhiệm vẫn ngời sáng trong tâm như ánh sáng mặt trời. Dòng sống đang khởi sắc trong bài cầu nguyện nghi thức hành lễ cho đến khi có tiếng gõ cửa.

Theo lệnh của thầy viện trưởng, vị thầy phụ tá mang cho tôi ít nước sôi để uống cà phê bột sáng sớm cho tỉnh, miếng bánh mì phô mai và ít mứt gừng giúp chống ho. Hôm qua, khi tôi ghé phòng thầy để vấn an, ngài đã dặn tôi đừng làm việc quá sức vì lớp học ôn giảng kéo dài đến hơn 6 giờ tối. Ngài muốn tôi nghỉ ngơi vì các điều kiện ẩm thực ở Dharamsala không cho phép phung phí sức khoẻ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất thích đi học lớp ôn giảng vì Geshe Tamdul rất uyên bác.

Rời phòng lúc 7 giờ 45 sáng, tôi ghé sang phòng thầy cảm ơn và lên đường đi đến chùa chính sau đó.

Buổi sáng, đức Đạt Lai Lạt Ma mở đầu bằng bài học: “đừng làm bạn với người ác, mà hãy gần gũi với thiện tri thức”. Mặc dầu vậy, ngài dặn thêm là đừng phân biệt, hãy mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả mọi người, đối xử với mọi chúng sinh như nhau. Nhưng khi học hỏi thì hãy chọn gần gũi các thiện tri thức, chọn các bậc thầy chứ đừng theo bạn xấu.

Sau đó ngài giảng sang kinh Pháp cú, phẩm 24 – Bỉ dụ[40] cho đến phẩm cuối cùng là phẩm 33 – Bà-la-môn. Như vậy đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng hết kinh Pháp cú.

Buổi chiều, đức Đạt Lai Lạt Ma giảng kinh Hiền ngu, phẩm 1 – Hổ mẫu,[41] cho đến phẩm 7 – Ajastya, vị tu sĩ khổ hạnh.

Sau đó tôi đi học lớp ôn giảng. Buổi chiều hôm nay, Geshe Tamdul tiếp tục ôn lại phần đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về đề tài chấp ngã. Chúng sinh khổ vì phiền não khởi sinh. Chấm dứt mọi phiền não là Niết-bàn tịch tĩnh. Phiền não đến từ 4 tà kiến (những cái nhìn điên đảo, sai lầm), có thể tóm gọn như sau:

1. Thấy cái bất tịnh, mà cho là tịnh.

(Thân xác của mình vốn bất tịnh, mà mê đắm vào thân xác, cho là thơm tho sạch sẽ.)

2. Thấy cái khổ, mà cho là sướng.

(Cảm thọ luôn luôn đưa đến khổ đau, trừ cảm thọ vô ký.)

3. Thấy cái vô thường, mà cho là thường còn mãi mãi.

(Tâm thức thay đổi, mới sướng đây đã thành khổ, nhưng lúc sướng thì cứ nghĩ là sướng mãi, còn lúc khổ thì thấy quá khổ, không thoát ra được, phát điên luôn.)

4. Thấy cái vô ngã mà cho là có tự ngã.

(Thấy thân mình có thật, có cái tôi, thấy mọi sự vật có thật, chẳng biết là người và vật đều tùy duyên mà sinh, cho nên chấp vào ngã, chấp vào pháp, chẳng biết là nhân vô ngã, pháp vô ngã.)

Nhưng tựu trung lại thì tà kiến nặng nhất vẫn là chấp ngã, cho rằng cái tự ngã của mình là có thật, rồi từ đó mà suy nghĩ hành động ích kỷ để thỏa mãn những đòi hỏi của tự ngã. Chính nơi đó mà tạo tâm phiền não biến kế.[42] Bản chất tâm biến kế có 3 đặc điểm:

1. Là tâm khái niệm: tà kiến cho là mọi sự vật đều có thật, từ ngã đến chư pháp đều thấy có. Không hiểu mọi sự vật đều là do duyên hợp, cho nên giả huyễn. Còn cái thấy có thật đó chỉ là sự gán ghép sai lầm của tâm thức. Như khi nhìn đóa hoa trên mặt bàn, thấy hoa có thật, khởi tâm tham ái chiếm đoạt.

2. Là tâm phóng đại (hoặc hạ thấp): khi ưa thích thì phóng đại, khi ghét thì hạ thấp, thí dụ là nhìn đóa hoa trên bàn thấy là đẹp vô cùng mà thực ra hoa chỉ tương đối.

3. Là tâm cố chấp: tâm này đưa đến hành động và tạo nghiệp. Khi ưa thích thì tìm cách thủ hữu, khi ghét thì tìm cách tống khứ đi hoặc hãm hại.

Như vậy, tiến trình của phiền não khởi lên trong tâm và gây nghiệp là: 

1. Nhận thức và quy kết (gán ghép), (perceive and impute),

2. Ngộ nhận và biến kế, (misconceive and mental fabrication),

3. Phóng đại, (exaggerate),

4. Tạo tác, (create action),

5. Tích nghiệp, (accumulate karma).

Gốc rễ của tất cả các phiền não trên là vô minh.

Geshe Tamdul nhắc lại, hôm qua đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về chấp ngã có nói là “quý vị thấy tôi có thực quá”. Thầy giải thích thêm là khi thấy đức Đạt Lai Lạt Ma là có thật, quý vị khởi tâm tham ái được gần bên ngài và quý vị bon chen, giành giựt để được diện kiến, để được ngài ban phép lành hay là nắm tay ngài. Tất cả đều đến từ cái nhìn sai lầm điên đảo, thấy có, và chấp là có thực. Không hiểu là tất cả như trong mộng huyễn: như khi ngủ mơ, quý vị thấy bị hại, khởi tâm vô cùng sợ hãi, giật mình tỉnh giấc, thấy là không thật.

Khi nghe đến đây, tôi lại không khỏi nghĩ là thực tâm, tôi không ưa thích bon chen, và nhớ đến lần tôi được mời sang vùng Đông Hoa Kỳ để diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma. Lúc đầu thì tôi nhận lời, nhưng sau đó tôi đã từ chối không đi. Lý do là vì tôi không có nhiệm vụ gì thiết thực trong buổi họp, mà thấy số người xin được về diện kiến quá đông, ban tổ chức phải lo liệu chỗ ăn ở. Sau này, có vài người bạn hỏi tại sao tôi “gàn” thế, có dịp được diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma mà bỏ qua. Tôi chỉ cười và nghĩ là, nếu cứ lấy tâm đời mà xét thì quả là tôi kỳ cục thật. 

Tôi nhớ đến chuyện của ngài Tu Bồ Đề:

“...Tương truyền một hôm Tu Bồ Đề đang ngồi vá áo trong động Kỳ Xà trên núi Linh Thứu thì bỗng nhiên ngài quán thấy Phật du hóa phương xa đang trên con đường trở về. Ngài định rời động xuống núi đón Phật, nhưng lại nghĩ rằng Phật dạy không có cái ta, cũng không có cái của ta. Đã không có cái ta và cái của ta thì tướng các pháp vốn không tịch vắng lặng. Phật đã chứng được thật tánh không tịch vắng lặng tuyệt đối ấy mà thực hiện tự ngã vô ngã siêu tuyệt không hai trong nhân loại, thì không có cái gì mà không phải là Phật, không ở đâu mà không có Phật. Vậy hà tất phải xuống núi mới gọi là đi đón Phật. Nghĩ như thế xong, ngài bình thản ngồi tiếp tục vá áo.

“Bấy giờ Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nhờ đã chứng được thần thông như Mục Kiền Liên, biết được Phật sắp về, liền xuống núi nghênh đón. Bà lấy làm tự hào nghĩ rằng trong Thánh chúng chỉ có mình bà hay tin Phật về và đi đón Phật trước hơn ai hết. Phật nhìn Liên Hoa Sắc mỉm cười bảo rằng: Trước nhà ngươi đã có Tu Bồ Đề đón ta rồi...”[43]

Tôi nhớ thêm đến kinh Kim Cang, đức Phật đã dạy:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã;
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai”
Dịch nghĩa là:
(Nếu nhìn ta qua sắc tướng,
Nếu cầu ta qua âm thanh,
Những kẻ đó hành tà đạo,
Không thể thấy được Như Lai)

Ngày hôm nay, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhắn nhủ: “quý vị thấy tôi có thực quá..., chấp vào thân tôi qua hình danh sắc tướng. Mà đó chỉ là thân giả duyên, sinh diệt ngũ uẩn.”

Ngay ở Dharamsala đây, tôi cũng đã thấy một lần, cô Phật tử đòi chỗ ngồi hôm trước, đột nhiên đứng dậy và đẩy mọi người ra, đạp lên cả giày dép của mọi người mà chạy lại phía hàng rào nơi mọi người đang sắp hàng chờ đức Đạt Lai Lạt Ma đi ngang... Hoặc trong chùa, tôi cũng thấy những mẫu người bon chen tu học, trong các buổi tụng kinh, họ thường đóng các kinh sách lại để trước mặt để kín đáo khoe rằng, tôi thuộc kinh gốc bằng tiếng Tây Tạng, tôi hành trì giỏi nhất, trong khi thầy Geshe Tây Tạng chính gốc, thuộc lòng kinh như cháo, thì vẫn mở cuốn kinh để trước mặt và lật từng trang để đọc tụng. Nhìn những cảnh tượng như vậy, tôi thường rút lấy bài học cho bản thân, sờ lên gáy mình và tự nhắc nhủ: cẩn thận nhé, hãy cẩn thận... hãy nhìn cho kỹ cái bản ngã của mình xem nó đang làm gì...

Và chính như là bài giảng “hãy thấy mọi chuyện như mộng huyễn” của đức Đạt Lai Lạt Ma dạy, trong kinh Kim Cang, đức Phật cũng nói:

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Dịch nghĩa là:

(Tất cả các pháp hữu vi, sanh diệt
Đều như mộng huyễn, bọt, ảnh
Như sương mai, và cũng như ánh chớp
Hãy nên luôn quán chiếu như thế.)

Thật tình, đức Phật đã dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Tất cả rồi sẽ tuần tự thành tựu Phật quả mà thôi, vậy thì có gì mà phải bon chen? Chẳng qua là mạt-na thức[44] của mình thúc đẩy, muốn làm thỏa mãn tâm tự ngã. Cho nên mình cần nhìn kỹ lại mình trong hành động của đời sống hằng ngày. Cần giữ chánh niệm (awareness), và tỉnh giác (alertness), đâu phải chỉ cứ trong lúc thiền tọa mới chánh niệm.

Trước khi dứt buổi học ôn, thầy Tamdul nhắc lại lời của tổ Long Thọ, nói là “Vị hành giả nào, khi nhập vào được tánh không mà vẫn tôn trọng, tuân thủ luật nhân quả, thì mới thực sự chứng ngộ Tánh Không.” và kể câu chuyện lý thú như sau:

Một vị học trò theo lời dạy của thầy mình, ngồi thiền định vào Tánh Không. Khi hết sức chú tâm vào Tánh Không, vị học trò thấy mình bị mất tiêu luôn, sợ quá, ngồi khóc hu hu vì đã đánh mất mình. Vị thầy đi ngang qua, hỏi chuyện gì? Học trò vừa khóc vừa nói “Con bị mất tiêu rồi (không còn tồn tại)”. Thầy liền hỏi: “Vậy ai đang khóc thế?” Học trò nói “Con đang khóc.” Thầy trả lời ngay “Ồ, vậy thì con làm gì có mất tiêu hồi nào đâu!”

Mọi người đều cười ồ lên vui vẻ, và sau đó ra về.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Dưới cội Bồ-đề

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.148.180 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...