Hai ngày đã qua đi tại tu viện Sera Mey. Sáng nay tôi tọa thiền và hành
trì trong sự an bình nhẹ nhàng. Niềm an vui trong đời sống tu viện và
nếp sống xa mọi thị phi trong hai ngày vừa qua đã mang lại cho tôi một
sự an ổn rất tĩnh lặng của tâm. Thực là một điều kỳ diệu khi tâm cảm
thấy an ổn và được che chở, khi trong lòng thấy rõ những pháp môn và sự
hộ trì không đứt đoạn mà chư tổ và chư bổn sư trong dòng truyền thừa ban
cho mình, liên tục từ thời Phật Thích ca đản sanh cho đến bây giờ. Vì
mình nằm trong dòng liên tục đó, nên tâm rất an bình và sung sướng trong
sự hành trì mỗi ngày. Sự quán tưởng sùng kính không thể thiếu sót vào
bốn lễ quán đảnh của đức Bổn Sư Kim Cang Trì, đức Phật Bổn sơ của dòng
Kim Cang thừa làm cho buổi thiền quán trở thành niềm thích thú say mê vì
thấy rõ ràng là ngài ban cho mình một sự hộ trì không gián đoạn…
Hôm nay, tôi tham dự với phái đoàn đi thăm tu viện Zongkar Choede, là
một tu viện nhỏ gần Sera Mey, và cũng nhân cơ hội đi thăm Hạ Mật Viện
(Gyumed).
[18] Năm 2002, tôi đã có dịp đi thăm
Zongkar Choede và tham quan những pháp khí cổ của chùa như là tượng Phật
thiên thủ thiên nhãn, tượng Phật Tara biết nói, tượng Phật Tara đứng,
các dấu chân của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm... Những pháp khí này
đều được giữ gìn kỹ lưỡng và chỉ mở ra cho các phái đoàn hành hương đến
tham bái.
Chuyến đi cũng khá dài. Trên đường đi, tôi nhắm mắt thiền quán. Các vị
phụ nữ trong phái đoàn trêu ghẹo tôi, hỏi là sao anh ngủ hoài thế. Tôi
cười nói rằng tôi không ngủ, và có nghe biết quý vị, nhưng tôi thường đi
vào trong một tình trạng định trong sự chú tâm, lúc đó tâm rất là an
bình sung sướng, trong lòng thấy rất là an lạc. Những lúc nhắm mắt như
thế, tôi như đi vào một vùng sâu thẳm của của tiềm thức và rất an bình
sung sướng. Tôi có thể ở trong trạng thái an lạc của thiền định đó rất
lâu. Tuy không chú tâm vào chuyện quý vị nói hay vào những chuyện xung
quanh mình nhưng tôi vẫn nghe và biết mọi sự.
Các vị đó lại càng trêu tôi, nói là thiền ngủ hả anh. Tôi cười nói: Ấy,
quý vị cũng biết là một trong Sáu pháp du già của tổ Naropa là pháp môn
Thùy Miên Du Già, bất cứ ai đã từng thọ lễ quán đảnh Tối thượng Du Già
đều phải hành trì. Và để tôi kể lại hầu chuyện quý vị về chuyện của Tổ
Tịch Thiên (Shantideva) như sau:
Lúc còn ở trong tu viện Nalanda, Tổ thường bị tăng chúng chê cười là
suốt ngày chỉ ngủ, ăn và đi nhà cầu. Một hôm tăng chúng muốn mang Tổ ra
làm trò cười và mong là sau đó, Tổ vì bị chê cười mà phải tự bỏ ra đi
khỏi tu viện. Tăng chúng viện cớ mời Tổ lên tòa thuyết pháp. Tổ nhận
lời, và không hề biết là họ đã xây một pháp tòa cao khổng lồ, nhưng
không có bậc thang nào để cho Tổ bước lên. Hôm đó, họ mời một tăng đoàn
đông đảo đến tham dự và định bụng sẽ làm một trận cười lớn. Khi Tổ đến
nơi hội trường và thấy tình cảnh như vậy, Tổ đột nhiên vươn cánh tay,
biến thành dài cho đến khi chạm vào tòa ngồi và biến tòa trở thành kích
thước nhỏ lại bình thường. Tổ lên ngồi trên đó thuyết giảng và hỏi: Quý
vị muốn nghe một bài giảng bình thường, trước đó đã từng nghe qua, hay
là muốn nghe một bài giảng phi thường, trước đó chưa từng nghe bao giờ?
Tăng chúng trả lời là muốn nghe bài giảng phi thường, mong rằng Tổ sẽ bị
thất bại và phải xấu hổ mà bỏ tu viện ra đi.
Tổ bèn bắt đầu giảng về “Nhập Bồ Tát Hạnh” và khi tăng chúng nghe, họ
đều ngạc nhiên cảm thấy bài giảng thật là kỳ diệu. Khi Tổ giảng đến
chương Trí tuệ và đọc đến câu: “...những gì hiện hữu và không hiện
hữu...” thì thân của Tổ bay lên lơ lửng trong không gian, trụ giữa đám
mây, không còn thấy được. Tổ tiếp tục giảng chương 10 và chương cuối của
“Nhập Bồ Tát Hạnh” trong trạng thái vô hình mà người thường không thể
thấy được đó, chỉ có những vị có trình độ chứng ngộ cao mới có thể nghe
được hai chương cuối và thấy được Tổ trong đám mây...
Tôi nói tiếp, quý vị cẩn thận nhé, nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy,
cho nên “thấy vậy mà không thấy vậy mới là thấy vậy” đó... Và mọi người
đều cười vang!
Sau khi thăm tu viện Dzongkar Choede, được thầy viện trưởng của tu viện
cho xem những pháp khí cổ xưa quý báu của chùa, mọi người ai cũng hoan
hỷ và cúng dường thật nhiều. Chưa kể là còn được tu viện hậu đãi một bữa
ăn trưa rất ngon.
Trên đường đi trở về tu viện Sera Mey, trong khi tôi đang nhắm mắt trì
chú thì các chị đằng sau lại kêu réo và nói anh kể chuyện nghe nữa đi.
Tôi nói kể chuyện gì bây giờ, thì một chị hỏi là tại sao anh không chịu
đi hành hương với phái đoàn, anh có tướng khuôn mặt rất lạ, hai lông mày
phượng thật dài và cong vút, ai nhìn anh cũng phải sợ tướng mặt Quan
Công của anh, nếu chịu đi với phái đoàn thì đỡ lắm, vì kẻ gian trông
thấy là sợ mà không dám đụng vào.
Tôi cười nói là, tôi cũng đã từng nghiên cứu về tướng học trước khi từ
bỏ để theo đạo Phật, bây giờ quý vị muốn nói về tướng mạo, thì cho phép
tôi hỏi là quý vị có bao giờ nghe tướng “thập trọc nhất thanh” và “thập
thanh nhất trọc” chưa? Một chị trả lời, hình như là cái tướng trước tốt
hơn cái tướng sau.
Tôi cười nói, đúng rồi, “thập trọc nhất thanh” là quý tướng, còn “thập
thanh nhất trọc” là phá tướng. Mọi người hỏi tại sao vậy và tôi giải
thích là vì “thập trọc nhất thanh” nghĩa là mười phần tướng xấu mà ở
trong lại ẩn một quý tướng thì như đá ẩn ngọc quý, còn “thập thanh nhất
trọc” là mười phần tướng tốt đẹp, lại phô bên trong một cái tướng rất
xấu, cho nên gọi là phá tướng, vì chỉ một tướng xấu mà phá đi mất tất cả
các tướng đẹp.
Và tôi kể chuyện là ngày xưa vua Càn Long thường hay trốn ra khỏi cung
đình, cải trang để đi xem dân tình. Một hôm nhà vua cải trang thành dân
thường đi ra ngoài thành, thấy một ông thầy bói ngồi xem tướng, mọi
người bu lại đông đảo xin xem và khen hay. Vua cũng chen vào và chờ khi
thầy bói rảnh một chút để hỏi là ông xem tướng tôi ra sao? Thầy tướng
nhìn kỹ nhà vua xong nói rằng, tướng ông là tướng ăn mày. Nhà vua nghe
xong phá lên cười ha hả và quay đi. Ông thầy tướng gọi giật lại và bảo,
thưa ngài, tôi đã lầm, vì ban đầu xem tướng ngài thấy không có gì xuất
sắc, nhưng khi ngài cười ha hả và quay đi thì tôi mới nhận ra, ngài có
bộ hàm răng của rồng, long nha, cho nên đó là tướng “thập trọc nhất
thanh”, và tướng của ngài là tướng làm vua.
Mọi người nghe xong thích thú lắm, nói anh kể nữa nghe đi và hãy coi
tướng cho chị em chúng tôi. Tôi cười, nói đó là ngày xưa, tôi nghiên cứu
tướng số, còn bây giờ theo đạo Phật, đâu còn coi tướng làm gì? Đức Phật
đã dạy: Muốn biết đời trước ra sao thì hãy nhìn đời nay mình chịu quả
gì, còn muốn biết đời sau ra sao, hãy nhìn mình đang tạo nhân gì đời
nay. Vậy quý vị còn đòi coi làm chi?
Thấy mọi người ỉu xìu, tôi tội nghiệp bèn nói thêm, thôi vậy tôi đố quý
vị: Tướng đàn bà kỵ nhất cái gì? Mọi người nhìn nhau, không ai trả lời
được. Tôi mới thủng thẳng nói, nữ nhân kỵ nhất là tướng “tỵ tước, quyền
cao, thanh thích nhĩ...”. Thấy mọi người ngơ ngác, tôi cười nói, “tỵ
tước” nghĩa là mũi mỏng như sống dao, “quyền cao” nghĩa là lưỡng quyền
nhô cao quá khổ, và “thanh thích nhĩ” nghĩa là tiếng nói cao the thé đâm
vào lỗ tai. Đó là tướng đàn bà khắc chồng khắc con... đàn ông nào đụng
vào thì tiêu cuộc đời. Mọi người nhao nhao hỏi, vậy chứ đi sửa mũi cho
cao lên thì sao? Tôi trả lời là, mắt mũi gò má miệng và các đường rãnh
trên mặt như là sông núi, nguồn mạch, tất cả phải hoà hợp và thông suốt,
nếu sửa và cắt đi thì chưa kể hình dạng bị thay đổi, phá các hòa hợp tự
nhiên mà còn làm cho các nguồn mạch đó bị tắc nghẽn, và theo tướng số
thì như vậy là phá tướng, ngay cả các sẹo khi bị thương tích cũng phá
tướng của mình. Nói đến đây, tôi cũng phải nhắc nhở là thôi, các thầy
thắc mắc mình làm gì mà ồn ào quá kìa!
(Trên xe buýt, vị trí của tôi là ngồi ở hàng ghế thứ hai, bên trong,
cạnh cửa sổ. Còn Geshe Norbu thì ngồi ghế ngoài để dễ điều khiển phái
đoàn. Do đó mà khi các vị phụ nữ ngồi sau hỏi gì, tôi phải hơi nhổm lên
để trả lời. Các thầy thấy chúng tôi ồn ào, nên cũng nhìn chúng tôi như
là hỏi, chuyện gì mà vui vẻ thế kia.)
Lúc đó, xe buýt đã gần về đến chùa và sau đó thì chúng tôi thủng thẳng
chia tay nhau, đi về phòng. Hai vị Geshe dặn dò mọi người là người trong
phái đoàn là phải tập hợp lúc 9 giờ đêm để lên đường đi hành hương theo
chương trình. Ngay đêm đó, phái đoàn sẽ đi về Bangalore để hôm sau đi
Kalkutta. Còn tôi thì không còn đi chung với phái đoàn nữa, và sáng sớm
hôm sau, ngày 16 tháng 2 cũng sẽ rời Sera Mey để theo thầy viện trưởng
đi Bangalore, và từ đó lấy vé xe lửa để đi về New Delhi và sau đó đi về
Dharamsala.
Tôi về phòng nghỉ ngơi sau một ngày thăm viếng, đi bộ mệt mỏi và sau đó
thiền quán như thường lệ trước khi vào giấc ngủ êm đềm trong bầu không
khí an lành của tự viện.