Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 45. Hai Mặt Của Hiện Thực »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 45. Hai Mặt Của Hiện Thực

Donate

(Lượt xem: 4.192)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 45. Hai Mặt Của Hiện Thực

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
(14) Trong đời chúng ta có hai khả năng: hưởng lạc trên thế gian và vượt lên khỏi thế gian. (Thế tục và siêu thế). Phật là người đã tự mình có thể giải thoát khỏi thế gian và vì vậy đã nhận ra con đường giải thoát tâm linh.

Tương tự, có hai loại hiểu biết: sự hiểu biết thế tục và sự hiểu biết về tâm linh, đó là trí tuệ đích thực. Nếu chúng ta chưa tu tập và huấn luyện bản thân, thì dù chúng ta có được hiểu biết gì, đó cũng chỉ là kiến thức thế tục, và loại kiến thức đó không giúp giải thoát chúng ta.

Hãy suy nghĩ và nhìn kỹ về điều này! Đức Phật nói rằng mọi thứ trên thế gian làm quay cuồng điên đảo thế gian. Nếu chạy theo thế gian, tâm sẽ bị dính mắc và điên đảo theo thế gian, nó tự làm ô nhiễm nó theo mọi hướng, chẳng bao giờ hài lòng hay bình an. Người thế tục luôn luôn tìm kiếm đủ thứ, đó là những người chẳng bao giờ thấy đủ. Kiến thức phàm tục thực sự chỉ là sự si mê vô minh; nó không phải là loại kiến thức với sự hiểu biết rõ ràng và đúng đắn (chánh kiến), do vậy nó chẳng đi đến đâu (về mặt giải thoát). Loại kiến thức đó chỉ dùng cho việc sinh tồn, chỉ để xoay sở những mục tiêu phàm tục như tích cóp của cải, để làm ra tiền bạc, để đạt đến chức vị, bằng cấp, danh vọng, để được khen ngợi và được hưởng dục lạc; đó chỉ là một đống si mê và vô minh cứ thúc giục chúng ta lăn xả vào đời sống phàm tục liên tục và liên tục.

Ngay khi chúng ta đạt được thứ gì, lập tức có mặt sự ghen tỵ, lo lắng và ích kỷ. Và khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa và không thể phòng hộ bằng tay chân, chúng ta dùng tâm trí để chế tạo ra đủ loại dụng cụ, vũ khí và thậm chí bom nguyên tử, đạn hạt nhân, chỉ để tàn sát lẫn nhau. Tại sao nhân loại chúng ta lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, khó khổ và bế tắc như vậy?

Đó là đường lối của thế gian. Thế gian cứ quay cuồng vì si mê, dục vọng và dính chấp. Phật đã nói nếu ai cứ chạy theo thế gian quay cuồng thì chẳng biết khi nào mới kết thúc khổ đau.

Vậy sao không bước vào tu tập vì mục đích giải thoát! Không dễ gì sống theo sự hiểu biết (trí tuệ) đích thực, (vì sự thật phũ phàng về sự sống, về thế gian và về cái 'ta' dễ làm người ta hụt hẫng, bi quan và lo sợ). Nhưng những ai thiệt tâm đi tìm con đường đạo và đạo quả và nguyện hướng về phía Niết-bàn thì có thể chịu đựng, chịu khó và chịu nỗ lực tu hành. Đó là những người biết hài lòng và sống với những điều kiện giản dị, không ăn uống nhiều, không ngủ nhiều, không nói nhiều, và sống thanh đạm. Bằng cách sống như vậy, những người đó có thể chấm dứt những điều phàm tục.

Nếu hạt giống (chủng tử) phàm tục chưa được bứng nhổ tận gốc thì chúng ta vẫn còn bị phiền khổ và ngu mờ trong vòng luân hồi sinh tử bất tận. Ngay cả đối với những người xuất gia thọ giới vào tăng đoàn trở thành những tăng ni thoát tục, hạt giống phàm tục đó vẫn còn tiếp tục níu kéo, thúc đẩy bên trong họ. Chính nó tạo ra những ý kiến, cách nhìn, nó tô màu và thêm thắt vào trong mọi ý nghĩ của chúng ta—đó là đường lối của nó.

Người ta không nhận ra! Họ nói rằng họ sẽ hoàn thiện mọi thứ trên thế gian này. Họ luôn có kỳ vọng làm xong mọi thứ trên thế gian này. Cũng giống như một vị bộ trưởng (ở Thái Lan) mới nhậm chức luôn luôn nôn nóng bắt tay vào làm và làm mọi thứ với đội ngũ mới của ông. Ông ta nghĩ mình có thể đáp ứng và giải quyết được mọi vấn đề, vì vậy ông ta dẹp bỏ hết mọi thứ mà những người tiền nhiệm đã làm. Dẹp hết, tôi sẽ tự mình làm lại mọi thứ. Cứ như vậy, hết người này xuống đến người khác lên làm bộ trưởng, họ cứ bỏ cái này, đưa vào cái kia, sửa cái này, chỉnh cái khác. Rốt cuộc, chẳng ai trong họ làm xong mọi việc ở đó. Họ đã cố gắng, nhưng chẳng bao giờ hết việc, chẳng bao giờ mọi việc hoàn tất theo ý họ.

Bạn khó bao giờ có thể làm được cái gì làm hài lòng một ai. Chín người mười ý. Người thích ít, người thích nhiều; người thích ngắn, người thích dài; người thích mặn, người thích cay. Để gom mọi người lại với nhau để đồng ý đồng tình về một điều gì đó là điều không thể làm được.

Tất cả chúng ta đều muốn hoàn tất việc gì đó trong đời, nhưng thế gian, với tất cả mọi thứ phức tạp và phức hợp của nó, thì không dễ gì cho chúng ta hoàn tất sự nghiệp mà ta vẫn đang cố làm. Ngay cả Đức Phật đã được sinh ra với rất nhiều cơ hội và lợi thế là một thái tử, nhưng Phật đã nhận thấy không thể nào hoàn thiện một việc gì trong đời sống thế gian này.

• Cạm Bẫy của Các Giác Quan

Đức Phật nói về dục vọng và sáu thứ làm dục vọng thỏa mãn, đó là: hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc, và những đối tượng của tâm. (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Dục vọng và tham muốn được sướng, được khổ, được tốt, xấu, và vân vân, nằm bên trong tất cả mọi sự!

Hình sắc
Chẳng có gì sánh bằng hình sắc của một người phụ nữ. Không phải vậy sao? Không phải một người phụ nữ quyến rũ làm cho ta muốn nhìn ngắm hay sao? Một người phụ nữ với thân hình quyến rũ bước qua tha thướt - bạn chẳng thể nào cưỡng lại không ngắm nhìn!. Còn âm thanh thì sao? Chẳng có thứ âm thanh nào làm xao động thân tâm mình bằng tiếng nói của một người phụ nữ. Nó đâm xuyên qua trái tim bạn! Mùi hương cũng vậy; mùi của một phụ nữ là lôi cuốn người ta nhất. Chẳng có mùi nào sánh được mùi hương của thân thể một phụ nữ. Mùi vị, mùi vị của những thức ăn thơm ngon nhất cũng không quyến rũ đàn ông bằng mùi vị của đàn bà. Chạm xúc còn hơn nữa; khi bạn chạm xúc với một phụ nữ, bạn sẽ bị kích thích, đầu óc bay bổng, quay cuồng, tim đập không kịp, tâm trí ngu mờ.

Xưa có một thầy bùa đến từ xứ Taxila thời Ấn Độ cổ xưa. Ông ta đã dạy tất cả mọi kiến thức, bí kíp hành nghề và thần chú cho người học trò của ông. Khi người học trò đã thông thuộc và sẵn sàng ra đường tự mình hành nghề, vị thầy căn dặn một điều cuối cùng: "Ta đã dạy cho anh tất cả mọi thứ ta biết về bùa giải và thần chú hộ mệnh. Khi gặp những loài vật có răng nanh, răng nhọn, ngà to, sừng cong... anh không cần phải sợ. Anh đã được hộ mệnh khỏi tất cả những loài nguy hiểm đó. Nhưng chỉ còn một thứ ta không bảo đảm anh đã được phòng hộ, đó là sắc đẹp của đàn bà. (15) Ta không thể giúp gì được anh. Chẳng có thứ bùa giải hay thần chú nào có thể đối trị được sắc đẹp của phụ nữ, anh phải tự mình bảo trọng."

Những đối tượng của tâm khởi sinh trong tâm. Chúng phát sinh từ dục vọng: dục vọng được của cải giàu có, dục vọng có được danh vọng, được ăn ngon, được ngủ sướng, (bốn dạng dục vọng trong năm dạng ngũ dục "tài, sắc, danh, thực, thùy"), và vì vậy suốt đời cứ chạy theo tìm kiếm mọi thứ. (Người nghèo luôn khát vọng có được những thứ đó. Người giàu cũng không ngừng tìm kiếm tìm thêm những thứ đó cho đến phút gần chết). Nhưng những dạng dục vọng đó vẫn còn nhẹ đô, không sâu nặng, không mạnh bạo, không đủ làm bạn điên dại, quay cuồng và mất trí ngay. Chỉ có thứ dục vọng còn lại, đó là sắc dục hay tính dục, khi nó đã khởi lên, nó làm bạn mất phương hướng, mất cân bằng, mất lý trí, mà người ta hay gọi là si mê. Khi đã dính vào vòng ái dục, ta thậm chí không còn nhớ đến cha mẹ mình, những người đã có công nuôi dưỡng ta!

Đức Phật dạy rằng những đối tượng của giác quan là cạm bẫy—cạm bẫy của ma vương Mara.(16) Mara nên được hiểu là những thứ làm hại chúng ta. Cạm bẫy là trói buộc chúng ta, giống như một bẫy hầm, bẫy sập, bẫy lưới để bắt chết thú vật, chim, cá. Đó là bẫy của Ma Vương, bẫy của kẻ săn, và kẻ săn là Ma Vương.

Nếu bị dính vào bẫy của kẻ săn thì đó là một tình cảnh đau thương. Thú vật, chim muông, cá tôm một khi đã dính bẫy, dính lưới, không còn đường để sống thoát! (Vì vậy Ma Vương cũng có nghĩa là hiện thân của sự chết chóc).

Cạm bẫy của những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những đối tượng của tâm cũng giống như vậy. Chúng bẫy dính ta và trói buộc ta ngay tức khắc. Nếu chúng ta dính vào các giác quan thì cũng giống như cá cắn câu biết đâu mà gỡ vậy. Khi người câu đến bắt, dù ta có cố vùng quẫy để thoát ra, ta vẫn không thể nào thoát khỏi được lưỡi câu hàm ếch. Thực ra thì ta không bị bắt như một con cá, mà giống như một con ếch. Cá chỉ bị mắc lưỡi câu ở miệng, nhưng ếch thì bị lưỡi câu móc xuống tận ruột gan. (Cá còn có khi vùng vẫy rách miệng và thoát khỏi lưỡi câu còn sống thêm một thời gian bị thương. Nhưng ếch thì vô phương thoát ra khỏi lưỡi câu, vì lưỡi câu nuốt vào đã móc sâu vào trong ruột, có vùng quẫy thì cũng đứt ruột chết ngay).

Ai bị dính vào các giác quan đều giống vậy. Nhưng họ cứ nghĩ là chuyện nhỏ. Giống như người uống rượu có lá gan vẫn còn sống được ít lâu—nhưng người đó chẳng biết đến lúc gan sẽ bị xơ cứng, nên cứ tiếp tục nhậu nhẹt một cách bất cẩn, rồi đến lúc ngã bệnh và chết trẻ. Anh ta bị dính vào con ma rượu và sau đó là bệnh, đau và chết.

Một người đang đi trên đường, rất khát nước và đang thèm uống nước. Gặp người có nước nói với anh ta rằng: "Anh có thể uống nước này nếu muốn, nước này màu trong sạch, mùi trong sạch, vị ngon sạch, nhưng uống vào sẽ bệnh. Tôi phải nói anh trước về điều này, uống vào sẽ bệnh thập tử nhất sinh đó." Người đàn ông đang khát chả thèm nghe. Cứ uống cho đã cơn khát. Anh ta đang khát còn hơn người bệnh bị mổ trong nhà thương đã nhiều ngày không được uống nước vậy, giờ người đó đang gào thét đòi uống nước!

Đó cũng giống như người khát dục, thèm muốn khoái lạc giác quan, chạy theo cảm giác của các giác quan. Phật đã dạy các giác quan (sáu căn) là những thứ độc hại—những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những đối tượng của tâm; chúng là những cạm bẫy nguy hại. Nhưng nếu người đang khát cháy và chả thèm lắng nghe nước đó là nguy hại; cũng giống như người bệnh kia đang gào thét "nước đâu, đưa nước đây, tôi uống xong chết cũng được!" Rồi họ cứ uống vào, từng hớp nhỏ, từng hớp lớn, cho đến khi "đã" cơn khát, họ bắt đầu dính bệnh dễ chết hơn sống. Họ không biết lắng nghe, không biết kiềm chế bởi vì sự thèm muốn đã áp đảo lý trí.

Đó là cách một người sống trong từng giây phút hằng ngày bị dính vào cạm bẫy của khoái lạc giác quan. (Cái sướng của giác quan chỉ là cạm bẫy). Người đó uống với tất cả hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những đối tượng của tâm—tất cả chúng đều quá ngon, quá sướng, quá "đã"! Chúng ta cứ thèm muốn và uống vào những thứ đó một cách không ngừng, rồi đến một ngày chúng ta dính nặng bệnh (bệnh tham, sân, si càng trở nên nặng "đô"), hết thuốc chữa, và chúng ta chết. Mang theo cả những căn bệnh nan y đó. (Đời ngưòi là vậy. Sống và chết. Và mang theo một đống nghiệp và mầm bệnh (chủng tử) tham, sân, si, và tà kiến).

•Đường Lối Thế Tục và Sự Giải Thoát

Có người đã chết, những người khác rồi cũng chết—đó là cách mọi người bị dính kẹt trên thế gian này, đó là đường lối của thế gian. Trí khôn thế tục là để chạy theo những giác quan và những đối tượng giác quan. (Tiền tài, danh vọng, sắc dục, thức ăn và ngủ, để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc của các giác quan). Tuy nhiên, dù khôn trí đến đâu thì đó cũng chỉ là trí khôn thế tục. Dù trí khôn đó có tinh diệu và hiệu quả đến đâu, thì nó vẫn là trí khôn của thế tục. Dù cho sướng khoái đến mức nào, thì những khoái lạc đó cũng chỉ là hạnh phúc phàm tục. Đó không phải là hạnh phúc của sự giải thoát; loại hạnh phúc đó không giúp ta giải thoát khỏi thế gian.

Chúng tôi trở thành những tăng ni là để thâm nhập vào cái trí tuệ đích thực, để mong giải thoát chúng tôi khỏi những ràng buộc với thế gian ô trược này. Tu hành là để giải thoát khỏi sự ràng buộc đó! Điều tra quán xét về thân, điều tra quán xét về mọi thứ xung quanh cho đến khi ta trở nên chán ngán và chán chường với tất cả mọi thứ và tâm bắt đầu từ bỏ, chán bỏ, và không còn mê đắm vào bất cứ thứ gì ở trên đời. Sự không còn tham đắm (vô tham, từ bỏ) sẽ không khởi sinh nếu tâm không nhìn thấy được bản chất giả tạm, giả lập, phù du, vô thường, khổ và vô ngã của tất cả mọi sự thể ở trên đời, kể cả thân và tâm của ta.

Chúng tôi đến đây và thọ giới vào tăng đoàn—chúng tôi học, chúng tôi đọc, chúng tôi tu tập, chúng tôi thiền. Chúng tôi đã quyết tâm làm cho tâm kiên định, nhưng điều này cũng không dễ làm. Chúng tôi quyết tâm tu tập một số phương pháp, chúng tôi tâm nguyện sẽ tu tập theo bài bản đó—nhưng chỉ sau vài ngày, thậm chí vài giờ, chúng tôi đã quên mất lời tâm nguyện đó. Rồi sau đó chúng tôi nhớ lại và tiếp tục cố gắng làm cho tâm vững chắc, chúng tôi nghĩ rằng "Đây là lúc phải tu tập rồi, còn chờ đến lúc nào nữa!" Nhưng liền sau đó, chúng tôi bị kéo đi bởi một giác quan nào đó, và tất cả kế hoạch tu tập đều bị "bể". Rồi chúng tôi bắt đầu trở lại từ đầu. Đó là cách mọi chuyện tu hành thường diễn ra. (Nên tôi đã nói đó là việc không dễ làm).

Cũng giống như con đập nước được xây sơ sài, sự tu hành của chúng tôi lúc đầu còn rất yếu. Chúng tôi vẫn không thể nhìn ra cách tu tập thực thụ để tu theo đó. Và cứ như vậy, chúng tôi cứ tu và chẳng đi đến đâu, tu rồi 'bể', tu đi, tu lại... cho đến khi chúng tôi đạt đến trí tuệ thực thụ. Nhưng khi đã đạt đến trí tuệ thực thụ, khi chúng tôi đã thâm nhập nhìn thấy vào sự thật thì chúng tôi mới được tự do và giải thoát khỏi mọi sự trên đời. Chỉ còn lại sự bình an.

Tâm chúng ta không được bình an bởi do những thói tâm cố hữu của chúng ta. Chúng ta kế thừa những thói tâm (tập khí) bởi do những hành động (nghiệp) quá khứ, và vì vậy những thói tâm cứ theo chúng ta suốt đời, suốt kiếp, trong từng giây phút và phủ hại cả đời ta. Chúng ta cố chống chế và tìm cách thoát ra khỏi chúng, nhưng chúng ta bị trói chặt vào chúng và chúng cứ kéo giựt chúng ta. Những thói tâm đó không bao giờ quên căn cơ cố hữu của chúng. Chúng vớ lấy tất cả mọi thứ quen thuộc cố hữu để dùng, cứ theo thói xưa tật cũ đã nằm trong máu, chứng nào tật nấy—đó là cách chúng ta sống. (Chúng ta sống với những thói tâm, thói tật, tánh khí, khuynh hướng, tà kiến, tà chấp... đã được tích tụ từ trong nhiều kiếp quá khứ và một phần trước của kiếp sống này).

Đàn ông và phụ nữ— phụ nữ làm khó khổ cho đàn ông, đàn ông làm khó khổ cho phụ nữ. Đó là đường lối của mối quan hệ nam giới và nữ giới, vì họ đối ngược với nhau. Nếu nam sống gần nam, có chuyện gì không. Nếu nữ sống gần nữ, có chuyện gì không. (Chắc cũng có đấy, nhưng có lẽ cũng ít chuyện hơn khi nam và nữ ở gần nhau). Khi một đàn ông nhìn thấy một phụ nữ, tim anh ta đập như cối giã gạo. Cái gì vậy? Tại sao có những xung lực đó? Rồi người nam đó dính vào luyến ái—nhưng không ai để ý cái giá phải trả sau đó suốt cả đời là gì!

Điều này cũng tương tự với mọi thứ khác. Dù bạn có cố giải thoát mình như thế nào, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được, cho đến khi nào bạn nhìn thấy rõ thế nào là sự khổ đau của sự ràng buộc và giá trị của sự tự do giải thoát. Người ta thường tu theo kiểu chịu khổ, cố giữ giới luật, làm theo rập khuôn một cách mù quáng và không đúng với mục đích theo hướng giải thoát. Trước hết, bạn phải nhìn thấy được giá trị của sự buông bỏ những tham dục của mình trước khi bạn có thể bắt tay vào tu tập thực sự; chỉ có như vậy thì mới có một sự tu tập thực sự.

Mọi thứ làm phải được làm bằng một sự hiểu biết rõ ràng và sự tỉnh giác. Khi bạn nhìn thấy rõ ràng thì bạn không còn cần phải ép mình chịu khổ trong tu hành như vậy. Bạn gặp khó khăn và chịu khổ trong khi tu là do bạn không hiểu được lý tu hành chỗ này! Sự an lạc chỉ có khi đã làm một cách hoàn thiện mọi việc với thân và tâm của mình. Điều gì còn dang dở sẽ khiến cho bạn cảm thấy không hài lòng. Những điều đó cứ ràng buộc, làm bạn lo lắng mọi lúc mọi nơi. Bạn muốn hoàn thành mọi thứ, nhưng khó mà làm tất cả mọi thứ được hoàn thành.

Lấy ví dụ những người thương buôn hay đến gặp tôi. Họ nói với tôi: "À, khi nào nợ nần đã được trả hết và nhà cửa được đàng hoàng, con sẽ đi tu." Họ cứ nói vậy, nhưng biết bao giờ họ mới làm xong những điều đó một cách rốt ráo cho được? Chẳng bao giờ hết việc, chẳng bao giờ chấm dứt. Họ vay mượn để trả nợ, trả hết cái này, lại vay mượn và trả cho việc làm ăn khác, cứ liên tục như vậy, dễ gì thoát ra khỏi cái vòng làm ăn. (Những nhà kinh doanh cứ nghĩ khi nào hết nợ nần và hết việc, họ sẽ đi tu. Nhưng những nhà kinh doanh đang phát đạt cũng đâu có bao giờ ngừng lại để đi tu đâu. Họ thậm chí không muốn ngừng công việc một ngày. Nhiều người nằm trên giường bệnh chờ chết còn luyến tiếc duy nhất sự nghiệp đang phát đạt và dở dang. Lấy đâu ra chờ đến lúc họ trả hết nợ và kết thúc mọi việc để đi tu. Con người là vậy). Đó là đường lối thế gian cứ cám dỗ, lôi kéo, thúc giục ta. Chúng ta cứ đi trong cái vòng lẩn quẩn mà chẳng bao giờ nhận ra tình cảnh của mình.

•Tu Tập Đều Đặn

Trong cách tu tập của chúng tôi, chúng tôi chỉ nhìn trực chỉ vào tâm. Khi nào sự tu tập bắt đầu chểnh mảng, chúng tôi nhìn tâm. Nhưng sau khi ổn định lại, sau một thời gian ngắn, việc tu tập cũng lại bị chểnh mảng. Đó là cách việc tu tập cứ kéo xô chúng tôi, lúc được lúc không, lúc tốt lúc xấu. Nhưng một người tu có sự chánh niệm tốt sẽ luôn luôn giữ chắc tâm, thường xuyên thiết lập bản thân mình hướng về việc tu tập nghiêm túc, kéo mình về lại mỗi khi bị chểnh mảng. Luyện tập, thực hành, tu tập và phát triển bản thân theo một cách kiên trì và đều đặn như vậy.

Người có chánh niệm yếu thì dễ buông xuôi, để mặc cho mọi sự chểnh mảng, người ấy luôn bị thất niệm, trầy trật, trật hướng khỏi con đường. Người ấy không mạnh mẽ để giữ chắc tâm theo hướng tu tập kiên trì. Người ấy dễ bị lôi kéo bởi những tham dục thế tục—thứ này cám dỗ, thứ kia lôi kéo anh ta khỏi sự tu tập. Người ấy tu, nhưng thực ra sống theo những dục vọng và thói tật của tâm mình, chẳng bao giờ chấm dứt được cái vòng luân hồi phàm tục.

Đi tu không phải là việc dễ làm. Bạn phải quyết tâm, làm cho tâm vững chắc. Bạn phải tin tưởng vào việc tu hành và kết quả tu hành. Phải có lòng tự tin vào việc tu tập, tự tin đủ để tiếp tục việc tu tập mỗi khi bị chểnh mảng, tu tập cho đến khi nào bạn nhìn thấy lẽ thực của mọi sự sống và bạn bắt đầu thấy chán ngán với tham và sân của mình, thấy chán chường với những cảm nhận thích/ghét, sướng/khổ... của tâm mình, và bắt đầu nhìn mọi thứ đúng như chúng đích thực là. Thường thì khi ta bất mãn với thứ ta không thích, nếu ta thích thứ gì thì ta không dễ gì buông bỏ nó. Nhưng ta đã tu tập đến mức tâm đã nhìn thấy bản chất thực sự của mọi thứ và của mọi cảm nhận của tâm, nhờ đó bạn trở nên chán chường và từ bỏ cả sự thích và không thích, cả sướng và khổ. Không thiên về bên nào.

Quý vị chưa nhìn ra chính chỗ này là cốt lõi của Giáo Pháp! Giáo Pháp của Phật là thâm sâu và tinh tế. Mới nói ra thì không dễ hiểu ngay. Khi trí tuệ đích thực chưa khởi sinh, ta vẫn chưa thể nhìn thấy giáo pháp đó. Đừng nhìn tới, nhìn lui. Đừng nhìn này thành nọ, đừng phóng tâm này nọ. Khi trải nghiệm sướng, chỉ biết đó chỉ là sướng. Khi trải nghiệm khổ, chỉ cần biết đó chỉ là khổ. Đừng đánh giá hay "để tâm" theo một cảm nhận hay trạng thái nào cả. Bạn không biết rằng, mọi thứ chỉ là vậy, hễ có lớn là có nhỏ, có nhỏ là có lớn. Không cần phải bận tâm đối đãi. Bạn chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề, do vậy chẳng bao giờ chấm dứt được mọi sự trong tâm.

Mọi thứ đều có hai mặt; ta phải nhìn cả hai. Rồi, khi sướng khởi sinh, ta không bị lạc tâm; khi khổ khởi sinh, ta không bị lạc tâm. Khi sướng khởi sinh, ta không quên khổ, bởi vì sướng chỉ là mặt kia của khổ, chúng tương quan với nhau.

Ví dụ, thức ăn là có lợi cho tất cả sinh vật để duy trì cơ thể và sự sống. Nhưng thực ra thức ăn cũng chính là nguồn độc hại, vì tất cả những bệnh tật cũng phần lớn do thức ăn mà ra. (Ăn ít cũng bệnh, ăn nhiều cũng bệnh. Ăn không đúng cách càng bệnh nhanh hơn, nặng hơn. Thực ra đa số những món ngon, béo, ngọt, cao lương mỹ vị thường là những món gây ra các bệnh nặng). Khi ta nhận biết sự thuận lợi của thứ gì, ta cũng nhận biết luôn sự khó khổ mà thứ đó mang lại, và ngược lại. Mọi thứ đều có hai mặt. Khi bạn đang thù ghét, sân hận, bạn nên quán niệm về tình thương, lòng từ bi và sự hiểu biết cùng là đồng loại. Theo cách như vậy, ta sẽ trở nên được cân bằng hơn, và tâm ta sẽ được an định hơn nhiều.

• Gió Động hay Phưón Động

Có lần tôi đọc một quyển sách của Thiền Tông. Trong Thiền Tông, họ không dạy bằng nhiều chữ nghĩa ngôn từ. (chủ trương bất lập văn tự). Chẳng hạn, khi một thiền sinh ngủ gục khi đang thiền, người thầy đến "quất" một roi xuống lưng. Khi thiền sinh ngủ gục bị đánh, anh ta nhận ra lỗi của mình, và cảm ơn người thầy hay người quản thiền đã đánh mình. Trong Thiền Tông, một người tu được dạy phải nên biết ơn với tất cả mọi cảm thọ vì chúng là cơ hội để mình tu tập tiến bộ.

Một lần có một nhóm nhà sư đang ở trong thiền đường. Bên ngoài sảnh có một tấm phướn (cờ vải) đang bay phất phơ trong gió. Có hai nhà sư tranh luận với nhau, một nhà sư nói đó là do gió động, nhà sư kia thì nói là do phướn động. Họ cứ cãi nhau như vậy mà không ai chịu đồng ý với người kia. Họ bèn hỏi vị sư thầy (đó là Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông Trung Hoa), Huệ Năng liền nói: "Chẳng ai đúng cả. Không phải gió động cũng không phải phướn động, mà là tâm của hai thầy động thôi."

Đây là sự thực hành, không có gì cả, không có gió động cũng không có phướn động. Nếu có phướn thì có gió; nếu có gió thì có phướn. Chúng ta cần quán xét xuyên suốt điều này để nhìn thấy theo đúng như sự thật. Nếu quán xét một cách khéo léo, thì chẳng có gì cả. Tất cả là trống không—tính không; sự không có cờ và không có gió. Đó là cái tính không lớn lao không có cờ, không có gió. Không có sinh, không có già, không có bệnh, không có chết. Cách nhìn bình thường về phướn và gió chỉ là khái niệm. Hiện thực thì không có gì. Tất cả chỉ là vậy. Chẳng có gì ngoài tính không.

Nếu chúng ta tu tập theo hướng như vậy, chúng ta sẽ đạt đến kết quả và tất cả mọi vấn đề khó khổ đều chấm dứt. Trong cái tính không tuyệt vời đó, Thần Chết sẽ không còn tìm ta nữa. Chẳng còn già, bệnh, chết theo ta nữa. Khi chúng ta nhìn thấy và hiểu rõ theo đúng sự thật, tức bằng chánh kiến, thì chỉ thấy mọi sự chỉ là sự trống không. Rằng không có cái "ta", "chúng ta", "họ", không còn cái "ngã" nào cả.

•Rừng Cảm Giác

Thế gian với những đường lối bất tận của nó cứ tiếp diễn và tiếp diễn. Nếu chúng ta cố hiểu tất cả thế gian thì điều đó chỉ làm chúng ta quẫn trí và ngu mờ thêm mà thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta quán xét thế gian một cách rõ ràng thì trí tuệ sẽ khởi sinh. Bản thân Đức Phật lịch sử là người hiểu rõ thế gian. Phật có nhiều khả năng ảnh hưởng và dẫn dắt người khác bằng kiến thức thế gian. Phật đã chuyển hóa kiến thức thế gian thành trí tuệ siêu thế, Phật đã thâm nhập và chứng ngộ trí tuệ siêu thế, để trở thành một người siêu xuất thực sự.

Vậy, nếu chúng ta tu tập theo giáo pháp của Phật, đưa giáo pháp vào bên trong để quán xét, thì chúng ta có thể đạt đến một sự hiểu biết hoàn toàn theo một mức độ mới. Khi chúng ta nghe âm thanh, không có âm thanh. Khi ngửi, chúng ta có thể nói không mùi hương. Tất cả các giác quan đều hiện diện, nhưng chúng không phải là thứ gì ổn định. Chúng chỉ là những cảm nhận khởi sinh và biến mất.

Nếu chúng ta hiểu theo đúng hiện thực thì các giác quan không còn là thứ gì nữa. Chúng chỉ là những cảm nhận đến và đi, sinh và diệt. Thực ra, chúng chẳng là "thứ gì" cả. Nếu không có cái 'ta' nào như là một thực thể 'con người' cố định, thì chẳng có gì là thuộc cái 'ta' cả. Hiểu ra như vậy thì mọi sự khó khổ cũng đâu còn. Khổ cũng được diệt. Chẳng có 'ai' bị dính khổ, vậy thì đâu có cái 'ai' nào phải chịu khổ?

Khi khổ khởi sinh, chúng ta dính theo sự khổ và do vậy chúng ta mới thực thụ bị khổ. Tương tự, khi sướng khởi sinh, chúng ta dính theo sự sướng và do đó chúng trải nghiệm sự sướng. Do sự dính chấp theo những cảm giác như vậy làm khởi sinh cái khái niệm về một cái 'ta' (ngã) và do đó những ý nghĩ về cái 'ta' (chúng ta, họ, anh kia, bà kia, ông A...) tiếp tục hiển hiện. Rắc rối là từ đó. Đó là nơi tất cả bắt đầu và rồi chúng mang chúng ta đi quay cuồng trong vòng luân hồi sinh tử bất tận.

(Nếu không có khái niệm cái 'ta' (ngã kiến, ngã chấp) thì không có gì. Chính do có ý nghĩ cái 'ta' nên mới sinh ra mọi thứ cảm giác sướng, khổ, buồn, vui, nóng, lạnh, tranh đấu, tham, sân... Ngã kiến và ngã chấp chỉ là một sự si mê, ngu mờ mà thôi.)

Do vậy, chúng tôi cần đến để thiền tập và sống theo Giáo Pháp. Chúng tôi rời bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em để vào sống trong rừng và tìm thấy sự bình an. Chúng tôi xuất gia đi tu là để hài lòng với bản thân mình, chứ không phải vì sợ hãi, sợ chết, hay vì trốn chạy. Nhưng một số người sống tu quen trong rừng và dần dà bị dính chấp theo lối sống trong rừng; cũng giống như những người ở phố thị thì bị dính theo lối sống phố thị. Họ đánh mất lối sống của mình theo phố thị khi ở phố thị, họ đánh mất lối sống của mình theo rừng khi ở trong rừng.

Đức Phật khen ngợi việc vô sống trong rừng vì đó là nơi yên tĩnh để dễ tu tập giải thoát. Tuy nhiên, Phật không phải muốn chúng ta bị dính hay phụ thuộc vào lối sống ở rừng, hoặc thậm chí bị dính hay tham đắm vào sự tĩnh lặng và bình an mà chúng ta có được khi ở trong rừng. Mục tiêu chúng ta đến đây là tu tập để trí tuệ khởi sinh. (Đó là mục tiêu của việc tu hành và thiền tập). Ở trong rừng này, chúng tôi có thể cày cấy, gieo trồng hạt giống trí tuệ. Sống ở nơi phố thị đông đúc ồn ào những hạt giống đó khó mọc lên được. Nhưng sau thời gian chúng tôi tu sống trong rừng, chúng tôi có thể trở lại phố thị và có thể sống hài lòng vói cảnh trần ở đó và hài lòng với những kích thích giác quan khi ở đó. Sống tu trong rừng có nghĩa là làm cho trí tuệ khởi sinh và phát triển. Sau đó, chúng ta có thể dùng những trí tuệ đó ở bất cứ nơi đâu chúng ta đi đến.

Thói thường, khi các giác quan bị kích thích chúng ta bị kích động và các giác quan trở thành những kẻ quấy động chúng ta. Chúng quấy động chúng ta vì chúng ta vẫn là những kẻ ngu và không có trí tuệ để xử lý chúng. Nhưng thực ra, chúng là những người thầy của chúng ta, nhưng, lại nữa, do chúng ta còn ngu si, nên chúng ta không nhìn thấy điều đó. Trước kia chúng tôi tu sống ở phố chợ nhưng chúng tôi chẳng nghĩ ra các giác quan có thể dạy chúng tôi. Khi đó trí tuệ vẫn chưa có nên chúng tôi cứ coi những giác quan và những đối tượng giác quan là những kẻ thù của chúng tôi, kẻ thù của người tu hành. Khi đã có trí tuệ, các giác quan không còn là kẻ thù của chúng tôi nữa, mà trở thành cánh cửa để đi đến trí tuệ minh sát và sự hiểu biết rõ ràng.

Ví dụ về con gà rừng ở trong khu rừng này. Chúng ta đều biết gà rừng rất sợ người. Tuy nhiên sống lâu ở đây, tôi có thể dạy chúng và học được nhiều từ chúng. Lúc đầu tôi rãi gạo ra cho chúng ăn, chúng còn sợ và không dám đến gần. Sau này những con gà thấy quen và đến ăn và hằng ngày vẫn đến chờ để được rãi đồ ăn. Bạn thấy không, chúng ta học được điều ở đây—ban đầu gà tưởng gạo là thứ nguy hiểm với chúng. Thực tế thì không có nguy hiểm gì trong gạo hết. Sau này gà biết được nên đến ăn tự nhiên.

Gà rừng học cách như vậy một cách tự nhiên. Sống trong rừng chúng tôi cũng học cách như vậy. Trước kia chúng tôi nghĩ các giác quan là vấn đề khó khăn, và chúng tôi không biết cách dùng chúng, cho nên chúng mới quấy động chúng tôi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm chúng tôi bắt đầu học cách sống thuận theo với lẽ thật. Chúng tôi học cách dùng theo các giác quan như cách những con gà học cách quen dần với gạo, với người. Khi các giác quan không còn đối nghịch với chúng tôi nữa thì vấn đề khó khăn không còn nữa.

Khi nào chúng ta còn nghĩ, suy xét, điều tra và hiểu biết một cách sai lạc, thì mọi sự sẽ đối nghịch với chúng ta. Nhưng khi chúng ta bắt đầu suy xét, điều tra một cách đúng đắn, thì sự trải nghiệm của ta sẽ mang lại trí tuệ và sự hiểu biết rõ ràng, cũng giống như những con gà rừng sau đó đã hiểu được sự thật về gạo, về người. Tu tập theo cách như vậy được gọi là sự "minh sát" (vipassanã). Chúng ta nhìn thấy và hiểu biết sự thật một cách rõ ràng, một cách minh bạch và minh mẫn, đó là trí tuệ minh sát của chúng ta. Những con gà hiểu ra sự thật về người, về gạo, đó là trí tuệ của chúng.

Trong tu tập, chúng ta có các giác quan (sáu căn) làm công cụ, nếu biết dùng chúng một cách đúng đắn, trí tuệ sẽ khởi sinh và chúng ta trở nên giác ngộ Giáo Pháp. Đây là điều mà tất cả mọi thiền sinh phải nên tâm niệm. (Đây là lý tu hành). Nếu chúng ta không nhìn ra lý này, chúng ta cứ lẩn quẩn, loay hoay, xung khắc với sự tu hành của mình.

Do vậy, chúng tôi sống ở nơi tĩnh mịch trong rừng núi, chúng tôi tiếp tục tu tập những cảm thọ vi tế và chuẩn bị nền tảng cho việc tu dưỡng trí tuệ. Đừng nghĩ rằng sống tu ở trong rừng tâm được bình an là đủ, là tu xong. Đó không phải là mục tiêu! Hãy luôn nhớ rằng mọi sự ta làm và tu tập là để gieo trồng những hạt giống trí tuệ.

Khi trí tuệ chín muồi và ta bắt đầu hiểu biết theo đúng lẽ thật của thế giới thì ta sẽ không còn trồi lên hụp xuống theo mọi sự xảy ra trong sự sống của ta. Thói thường, khi ta có một trạng thái dễ chịu, chúng ta phản ứng theo một cách; khi chúng ta có một trạng thái khó chịu, chúng ta phản ứng theo một cách khác. Khi chúng ta thích cái gì, chúng ta vui lên; khi chúng ta không thích cái gì, chúng ta xìu xuống. Cứ như vậy, chúng ta cứ luôn xung khắc với những kẻ thù. Khi mọi thứ không còn đối nghịch với chúng ta, mọi thứ trở nên ổn định và cân bằng. Chẳng còn gì lên và xuống, vui và buồn, cao và thấp, thích hay ghét, sướng và khổ gì gì nữa. Chúng ta hiểu rõ những lẽ thực của thế giới và biết rõ đó chỉ là cách mọi thứ diễn ra theo tự nhiên. (Còn lên xuống, buồn vui, sướng khổ, thích ghét...chỉ là do cái cảm nhận của thân (thân thọ) và nhận thức của tâm (tâm tưởng) của chúng ta mà thôi). Đó chỉ là "pháp của thế gian".

"Pháp thế gian" (dhamma) (17) thay đổi để trở thành con đường "đạo" (18). Pháp thế gian có tám cách. Con đường đạo (Bát chánh đạo) cũng có tám phần. Hễ khi nào còn những pháp thế gian thì vẫn còn có con đường đạo. Khi chúng ta sống với sự hiểu biết rõ ràng, thì tất cả mọi trải nghiệm thế tục của chúng ta trở thành sự thực hành của con đường tám phần (Bát chánh đạo) đó. Khi sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) khởi sinh, sự giải thoát (khỏi khổ đau) đang nằm ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể nào tìm thấy sự giải thoát bằng cách chạy đi tìm kiếm chỗ kia chỗ nọ!

Do vậy, đừng cố hấp tấp hay cố ép sự tu tập của mình. Cứ thiền tập một cách nhẹ nhàng, từ từ, từng bước, từng bước. Đối với sự bình an, nếu bạn được bình an, chấp nhận nó. Nếu bạn không được bình an, chấp nhận nó. Đó là bản tính tự nhiên của tâm. Chúng ta phải tìm cách tu tập phù hợp cho mình và kiên trì thực hành theo đó.

Thường thì trí tuệ không dễ khởi sinh! Tôi đã thường nghĩ rằng, đối với sự tu tập của tôi, khi không phát sinh trí tuệ thì tôi có thể thúc ép mình tu tập để có thể đạt được trí tuệ. Nhưng điều đó không có tác dụng gì, vẫn không đạt được gì đâu. Sau đó, sau khi đã xem xét kỹ càng, tôi thấy rằng để quán xét về những thứ mình không có đều không thể làm. Vậy thì cách nào là tốt nhất? Cách tốt hơn là cứ tu tập với một sự buông xả, thư thái. Nếu chẳng có gì làm chúng ta lo lắng thì cũng chẳng có gì cần giải pháp. Nếu chẳng có khó khăn gì, chúng ta cũng chẳng cần phải giải quyết. Chỉ khi nào có vấn đề khó khăn, thì ta mới cần giải quyết nó! Đừng cố đi tìm thứ gì đặc biệt, mang nghĩa cao siêu to tát, chỉ cần sống một cách bình thường. Nhưng biết rõ tâm mình là gì! Sống một cách chánh niệm, tỉnh giác và hiểu biết rõ ràng. Hãy để trí tuệ tự khởi sinh và dẫn dắt chúng ta, đừng dính sâu vào những trạng thái của mình. Luôn chú tâm và tỉnh giác! Nếu chẳng có gì, tốt thôi; nếu có gì khởi sinh, quán xét và chánh niệm về nó.

•Hướng Về Trung Tâm, Hướng về Tâm

Thử quan sát con nhện. Con nhện giăng tơ thành mạng nhện và ngồi ở giữa trung tâm mạng nhện, yên lặng và bất động (tĩnh lặng và tĩnh tại). Lát sau có con ruồi bay qua và đậu lên mạng nhện. "Bụp!"- con nhện nhún mạnh và cuộn dính con ruồi vào mạng nhện. Nó bắt dính con ruồi ở đó và tiếp tục quay lại trung tâm mạng nhện ngồi yên lặng và bất động.

Quan sát con nhện làm vậy có thể làm khởi sinh trí tuệ trong ta. Sáu giác quan có tâm là trung tâm với mắt, tai, mũi, miệng, lưỡi và thân ở xung quanh. Khi một giác quan bị kích thích, ví dụ như khi có hình sắc tiếp xúc với mắt, nó kích hoạt và truyền đến tâm. Tâm là cái biết, là cái biết về hình sắc đó. Chỉ điều này cũng có thể khởi sinh trí tuệ. Đơn giản là vậy.

Giống như con nhện trên mạng nhện, chúng ta phải sống giữ mình hướng vào chính mình. Ngay khi con nhện cảm giác một con côn trùng tiếp chạm vào mạng nhện, nó lập tức chụp bắt ngay, bắt kịp, và tiếp tục quay về ngồi giữa trung tâm mạng nhện. Cách đó cũng không hề khác cách cái tâm của chúng ta phản ứng. "Hướng về tâm" có nghĩa là sống một cách chánh niệm với sự hiểu biết rõ ràng, luôn luôn tỉnh thức và làm mọi thứ với một sự chính xác và đúng đắn—đây là trung tâm của chúng ta. Không cần phải làm gì nhiều; chúng ta chỉ cần cẩn thận sống theo cách như vậy. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta sống 'vô tư', không để tâm, không chú tâm; không cần phải ngồi thiền hay đi thiền gì cả; và rồi quên hết việc tu tập của mình. Đó là sự chểnh mảng. Chúng ta không thể chểnh mảng! Chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, giống như con nhện đợi bắt con mồi để làm thức ăn.

Đó là những gì chúng ta phải biết—ngồi và quán sát về con nhện. Chỉ cần như vậy trí tuệ cũng khởi sinh ngay. Tâm chúng ta có thể ví như con nhện; những trạng thái và tâm tưởng của chúng ta thì giống như những con côn trùng khác nhau. Tất cả chỉ là vậy! Khi các giác quan 'chụp bắt' các đối tượng và liên tục kích thích cái tâm; khi bất kỳ giác quan nào tiếp xúc với thứ gì, nó liền lập tức truyền đến cái tâm. Rồi cái tâm điều tra, xem xét đối tượng đó một cách thấu suốt, sau đó tâm quay trở lại trung tâm. Đây là cách chúng ta sống (an trú)—tỉnh thức, hành động với một sự chính xác và luôn luôn hiểu biết một cách chánh niệm bằng trí tuệ. Chỉ cần như vậy và sự tu tập của chúng ta sẽ thành tựu.

Chỗ này rất quan trọng! Đó không phải là chúng ta phải ngồi thiền suốt ngày suốt đêm, hoặc phải đi thiền suốt ngày suốt đêm. Nếu hiểu như vậy thì bạn đã tự chuốc lấy khó khăn cho mình. Chúng ta cứ làm như có thể, tùy theo sức lực và năng lực của mình, dùng khả năng của mình một cách phù hợp.

Điều rất quan trọng là phải biết rõ về tâm và các giác quan của mình. Biết rõ cách nó sinh và diệt, cách nó đến và đi, cách nó khởi sinh và biến mất. Hiểu rõ điều này một cách thấu suốt! Theo ngôn ngữ của Giáo Pháp chúng ta cũng có thể nói rằng, giống như con nhện đang bẫy bắt những côn trùng khác nhau, tâm cũng đang trói buộc các giác quan bằng lý "vô thường-khổ-vô ngã" (anicca-dukkha-anattã). Chúng có thể chạy đâu? Chúng ta 'giữ' chúng để làm thức ăn, những thức ăn đó được giữ đó để làm thực dưỡng. (19) Như vậy là đủ; không cần phải làm gì nữa, chỉ cần làm như vậy!

(Ý là: chỉ cần hướng vào trung tâm, hướng về cái tâm của mình. Đối với mọi đối tượng kích thích các giác quan và các giác quan truyền kích thích về tâm, tâm chỉ cần 'bắt lấy' và quán xét bằng sự hiểu biết về lẽ thật "vô thường-khổ-vô ngã"; và sau đó tâm trở lại vị trí trung ương của mình trong sự tĩnh lặng và tĩnh tại. Cứ minh sát như vậy, giống như con nhện ở trung tâm mạng nhện đã làm.)

Đây là cách nuôi dưỡng (thực dưỡng) cho cái tâm của chúng ta, là thực dưỡng cho người tỉnh giác và hiểu biết.

Nếu chúng ta biết được mọi thứ đó đều là vô thường, đều bị trói chặt trong sự khổ và chẳng có thứ nào là 'ta' (vô thường, khổ và vô ngã), thì chúng ta có điên khùng mới còn chạy theo thứ đó nữa! Nếu chúng ta không thấy rõ bản chất của mọi thứ theo cách này, chúng ta còn bị khổ hoài. Khi chúng ta nhìn kỹ và nhìn thấy mọi thứ đích thực là vô thường, thì ngay cả chúng trông có vẻ chắc chắn, ngon lành, đáng chạy theo đi nữa, chúng đích thực không phải là như vậy. Sao chúng ta còn tham muốn những thứ đó trong khi ta đã biết rõ bản chất của chúng là khổ đau và đau khổ? Chứng không phải là 'ta', không phải là 'của ta', chẳng có gì thuộc về 'ta' hay 'của ta' gì hết. Vậy thì mình chạy theo chúng làm gì? Mọi khó khổ sẽ chấm dứt ở đây (khi chúng ta không còn chạy theo thứ gì ở thế gian nữa). Đây chính là chỗ kết thúc khổ. Chứ còn chỗ nào khác để làm việc này?

Chỉ cần nhìn vào con nhện và quay vào trong bên trong tâm mình. Khi tâm đã nhìn thấy bản tính vô thường-khổ-vô ngã, nó sẽ buông bỏ mọi thứ và giải tỏa chính nó. Nó không còn dính theo khổ hay sướng. Đây chính là thực dưỡng của cái tâm của người đang tu tập và đang thực sự huấn luyện tâm mình. Chỉ có vậy, đơn giản là vậy! Bạn không cần tìm kiếm ở nơi nào! Do vậy, dù bạn có đang làm gì, bạn đang ở đâu, không cần phải bận tâm này nọ. Bằng cách thực hành theo lý như vậy, động lực và năng lượng tu tập của bạn sẽ tiếp tục tăng trưởng và chín chắn.

•Trốn Thoát

Động lực (cái đà) tu tập như vậy sẽ giúp chúng ta đi đến và đạt đến sự tự do giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta hiện chưa thể thoát khỏi vòng sinh tử đó bởi vì chúng ta vẫn còn dính chấp vào tham muốn và dục vọng. Chúng ta không còn làm những việc bất thiện thất đức, nhưng như vậy thì chúng ta chỉ mới sống được đúng theo Giáo Pháp về mặt giới hạnh mà thôi. Ví dụ nhiều người vẫn còn tụng niệm cầu xin cho mình khỏi bị chia cách với những người mình yêu thương và những thứ gì yêu thích. Kiểu tụng niệm đó cứ như con nít. Đó là cách và ý của những người còn chưa chịu buông bỏ.

Bản chất tham dục của con người là: muốn mọi thứ trở thành theo cách mình muốn chứ không muốn mọi thứ theo cách tự nhiên của chúng. Chúng ta cứ muốn được trường thọ, muốn không bị chết, muốn không bị bệnh: điều đó là trái với tự nhiên. Tự nhiên của sự sống là sinh, già, bệnh, chết. Đó, con người cứ kỳ vọng (ảo vọng) và tham muốn như vậy, cho đến khi mọi sự không diễn ra theo như ảo vọng và tham muốn của họ, họ trở nên khổ sở, sầu muộn, thậm chí điên tiết. Họ có thể nói gì? Chẳng nói gì được, bởi đó là lẽ thật tự nhiên của mọi sự sống! Đó là sự thật. Chúng ta hãy chỉ thẳng vào cái tham muốn của con người.

Khi nói về tham dục, chúng ta biết rằng ai cũng có những tham dục và muốn những tham dục đó được thỏa mãn. Nhưng chẳng có ai chịu dừng tham muốn, chẳng có ai muốn thoát khỏi những tham muốn đó. Do vậy, chúng ta phải cố tu tập từ từ từng bước để dần dần rửa sạch bớt những tham dục. Những người tu tập chuyên cần, đều đặn, liên tục, không thoái chí, không lạc lối, không chểnh mảng, và luôn giữ phong cách nhẹ nhàng và kiềm chế, luôn luôn vững tâm, đó là những người sẽ đi đến sự thấy biết và giác ngộ. Dù cho có chuyện gì khởi sinh, dù đang thăng trầm trong tám pháp thế gian, họ vẫn vững tâm và không bị lay chuyển.

-----------

(14) [Bài thuyết giảng này được nói cho nhóm các tăng sĩ sau lễ đọc tụng Giói Luật Tỳ Kheo (jpãtimokkha), tức lễ Tự Tứ, ở chùa Wat Pah Pong trong mùa An Cư Kiết Hạ năm 1976].

(15) Nguyên văn trong câu chuyện: "đó là loài có hai sừng mềm trên ngực".

(16) [Ma vương (Mara) trong Phật giáo là hình tượng ma qưỷ phá phách cản trở những người đang tu tập đời sống tâm linh thánh thiện bằng cách cám dỗ họ bằng những thứ khoái lạc phàm tục như sắc đẹp và những thứ lừa ảo khác. Thực ra, 'Ma vương' là hiện thân của những thói tâm phàm tục, bất thiện, không thiện khéo, chết chóc... cản trở tiến trình tu tập tâm linh của một người. Ma Vương là 'kẻ' cố cám dỗ và phá phách Phật ngay trươc lúc Phật giác ngộ dưới Cây Bồ-Đề].

(17) (Nhân tiện, Dhamma (viết Hoa) có nghĩa là: Giáo Pháp, Phật Pháp. Còn dhamma (viết thường) có nghĩa là: pháp, các hiện tượng tự nhiên, lẽ thật, chân lý, sự thật, quy luật tự nhiên của thế gian).

[Pháp thế gian bao gồm tám trạng thái thăng trầm của thế tục: được/mất, vinh/nhục, sướng/khổ, khen/chê.]

(18) [Con đường "đạo" ở đây là Bát Chánh Đạo, gồm tám phần: Chánh kiến, chánh tư duy; Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; Chánh tin tẩn, chánh định, chánh niệm.]

(19) [Thực dưỡng để quán xét, chánh niệm; để nuôi dưỡng trí tuệ.]



    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.186.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...