(54) Hôm nay là ngày các Phật tử đến đây để tu giữ tám giới hạnh (uposatha)(55) và lắng nghe Giáo Pháp, theo như lệ thường ở đây. Lý dó lắng nghe Giáo Pháp là để trước tiên hiểu được những điều chúng ta chưa hiểu, để làm rõ chúng; và thứ hai là cải sửa sự dính chấp của chúng ta vào những điều mà chúng ta đã hiểu ra. Chúng ta phải nhờ có các bài pháp thoại như vầy mới nghe và hiểu được, và do đó phần lắng nghe là quan trọng nhất.
Trong bài nói chuyện hôm nay, xin quý vị đặc biệt chú tâm để nghe, trước hết quý vị nên ngồi thẳng thớm để tạo tư thế tốt cho việc lắng nghe. Nhưng cũng đừng ngồi theo kiểu quá nghiêm nghị, cứng đơ. Giờ thì việc còn lại là thiết lập cái tâm, làm cho tâm của quý vị tập trung vững vàng. Đó là định tâm (samadhi). Tâm là phần quan trọng. Tâm chính là cái nhận thức đúng sai, thiện ác. Nếu chúng ta thiếu chú tâm chánh niệm (sati) trong nửa giờ thì chúng ta sẽ phát điên trong nửa giờ đó. Tuy nhiên, phần lớn tâm của chúng ta không có chú tâm chánh niệm (sati), cho nên chúng ta cứ luôn bị điên đảo. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải chú tâm khi đang lắng nghe Giáo Pháp.
Tất cả mọi chúng sinh trên thế gian này đều bị vây kín bởi khổ. Chỉ có sự khổ gây phiền não cho cái tâm. Tu học theo Giáo Pháp là nhằm mục đích tiêu diệt hết sự khổ đó. Nếu có khổ khởi sinh là do chúng ta chưa hiểu biết rõ ràng về nó. Dù chúng ta có cố chống chế hay kiểm soát bằng sức mạnh ý chí của mình hay bằng của cải và tiền bạc gì gì đi nữa, thì ta cũng không làm gì được. Chừng nào ta còn chưa hiểu biết về khổ và nguyên nhân khổ thì không có cách nào làm gì cho hết khổ, cho dù có chúng ta có đi cúng hiến của cải vật chất, hay làm thiện nghĩ thiện theo kiểu gì gì đó. Chỉ có bằng sự hiểu biết rõ ràng và sự tỉnh giác, bằng sự hiểu biết sự thật về khổ, thì khổ mới biến mất. Và lý này không những chỉ áp dụng cho các tu sĩ xuất gia, mà cũng tương tự cho các Phật tử tại gia: cho bất cứ ai—nếu ai hiểu được bản chất sự thật của mọi thứ thì khổ sẽ tự động chấm dứt.
Bây giờ, những trạng thái đúng và sai, thiện và ác, đều là những sự thật thường hằng. Giáo Pháp có nghĩa là những điều thường hằng, bản thân những điều đó là luôn luôn đúng, là chân lý. Sự động vọng luôn giữ tính động vọng của nó, sự tĩnh lặng luôn giữ tính tĩnh lặng của nó. Thiện và ác luôn giữ tính chất thiện và ác riêng biệt của chúng. Giống như nước nóng: nó luôn giữ tính chất nóng của nó, đối với ai thì nó vẫn vậy, nó không thay đổi sự nóng đó vì ai hết. Dù ai trẻ hay già uống nó, nó vẫn nóng như vậy. Do vậy, Giáo Pháp được định nghĩa là cái luôn duy trì trạng thái của nó. Trong sự tu tập của chúng ta, chúng ta phải hiểu biết về tính nóng và tính lạnh, tính thiện và tính ác. Ví dụ, sau khi hiểu về tính ác, chúng ta sẽ không tạo nguyên nhân gây ra ác, và do đó ác sẽ không khởi sinh.
Những người tu hành Giáo Pháp (Dhamma) cần hiểu biết nguồn gốc của những thứ khác nhau, nguyên nhân của những pháp (dhamma) khác nhau. Nếu ngăn chặn được nguyên nhân nóng, thì sự nóng không còn khởi sinh. Tương tự với tính ác: nó khởi sinh từ một nguyên nhân. Nếu chúng ta tu tập cho đến khi thấy biết Giáo Pháp thì chúng ta sẽ thấy biết nguồn gốc của mọi thứ, nguyên nhân gây ra chúng. Nếu chúng ta dập tắt nguyên nhân ác thì sự ác cũng bị dập tắt, chúng ta không cần chạy theo cái ác để giải quyết nó.
Đây là cách tu tập theo Giáo Pháp, tu tập từ nguyên nhân gốc rễ của mọi sự. Nhưng nhiều người nghiên cứu Giáo Pháp, học hiểu nó, thậm chí thực hành nó, nhưng họ không có mặt với Giáo Pháp, và đó là những người chưa giải quyết được nguyên nhân của cái ác và những sự động vọng trong tâm và trái tim của họ. Chừng nào nguyên nhân nóng vẫn còn, thì chúng ta không thể nào ngăn được sự nóng ở đây. Tương tự cách đó, chừng nào nguyên nhân của sự ngu mờ vẫn còn trong tâm chúng ta, thì chúng ta không thể nào ngăn chặn sự ngu mờ có mặt ở đây, bởi nó bắt nguồn từ nguyên nhân ở đây... Chừng nào cái nguồn gốc vẫn chưa được chấm dứt, thì sự ngu mờ vô minh vẫn có mặt trở lại.
Khi chúng ta làm việc thiện, tính thiện khởi lên trong tâm. Nó khởi sinh từ nguyên nhân của nó. Đây được gọi là tính thiện (kusala).(56) Nếu chúng ta hiểu biết những nguyên nhân theo cách này, thì chúng ta có thể tạo ra những nguyên nhân đó và kết quả sẽ tự nhiên xảy đến.
Nhưng người ta thường không tạo ra những nguyên nhân đúng đắn. Họ rất muốn sự tốt thiện, nhưng họ chưa biết cách tạo nguyên nhân tạo ra nó. Tất cả những gì họ có được chỉ toàn những kết quả xấu, bao lấy cái tâm trong khó khổ. Thời bây giờ ai cũng chỉ muốn tiền. Họ cứ nghĩ rằng khi có nhiều tiền thì mọi thứ sẽ đâu vô đó; do vậy ai cũng dành hết thời gian vô việc kiếm tiền, họ không tìm kiếm sự tốt thiện. Kiểu đó giống như họ muốn có thức ăn để ăn, nhưng không chịu bỏ công cất giữ nó: họ cứ để mặc thức ăn nằm đó cho đến lúc thức ăn hư thối. Người muốn tiền thì không nên chỉ biết kiếm tiền mà phải nên biết cách giữ tiền. Nếu bạn muốn có thức ăn thì không chỉ biết đi mua nó mà còn phải biết bảo quản nó, chứ không phải mang về quăng vào chỗ nào đó trong nhà. Nó sẽ bị hư. Cách suy nghĩ như vậy là sai. Kết quả của sự nghĩ sai (tà tư duy, tà kiến) là sự động vọng, sự bất ổn và sự ngu mờ, vô minh. Phật đã dạy Giáo Pháp để mọi người đưa vào thực hành, để biết và thấy nó, và trở thành một với nó, để làm cho tâm trở thành Giáo Pháp. Khi tâm là Giáo Pháp, thì nó sẽ đạt đến sự hạnh phúc và hài lòng. Sự khổ đau bất an của vòng luân hồi sinh tử nằm trong thế giới này, và sự chấm dứt khổ đau cũng nằm ngay trong thế giới này.
Việc tu hành theo Giáo Pháp là dẫn dắt cái tâm đạt đến sự chuyển hóa khổ đau, vượt lên khỏi khổ đau. Thân thì không thể chuyển hóa hay vượt trên khổ đau được—sau khi thân này được sinh ra thì nó phải chịu khổ đau, bệnh tật, già, chết. Chỉ còn cái tâm là có thể chuyển hóa và vượt qua những dính chấp, gông cùm. Tất cả những giáo lý của Phật được chép lại trong kinh điển chúng ta gọi là phần Pháp học (pariyatti),(57) đó là những phương tiện để dẫn đến chấm dứt khổ đau.
Ví dụ, Phật đã dạy về những sinh trạng có chú tâm (upadinnaka sankhãrã, sinh trạng có tâm thức) và những sinh trạng không có chú tâm (anupãdinnaka sankhãrã, sinh trạng không tâm thức). Những sinh trạng không tâm thức thường được định nghĩa là những thứ như cây cỏ, núi non, sông suối, vân vân—những thứ vô tình. Còn những sinh trạng có tâm thức thường được định nghĩa là những loài động vật, con người, vân vân—những loài hữu tình. Đa số người học Phật giáo đều chấp nhận suông những định nghĩa đó, nhưng nếu chúng ta chịu suy xét vấn đề một cách thấu đáo, về cách cái tâm con người bị dính theo những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những cảm giác và những trạng thái tâm, thì ta sẽ hiểu ra được rằng thực ra không có thứ gì là không có tâm thức hết. Hễ khi nào có dục vọng trong tâm thì mọi thứ trở thành có tâm thức.
Học về Giáo Pháp nhưng không thực hành nó thì chúng ta sẽ không biết về những ý nghĩa thâm sâu của nó. Ví dụ, có thể chúng ta nghĩ rằng những thứ như những cột nhà, bàn, ghế và tất cả những thứ phi động vật đều là “không tâm thức.” Chúng ta chỉ nhìn thấy một mặt của những thứ đó. Nhưng nếu bạn lấy búa đập bể vài thứ, bạn sẽ thấy chúng là có tâm thức hay không!
Chẳng qua đó là do cái tâm của chúng ta, vì dính chấp vào những thứ bàn, ghế và mọi thứ của cải, nên nó chú tâm vào những thứ đó. Ngay cả một cái ly bể cũng làm chúng ta 'xót ruột', bởi cái tâm chúng ta đang “chú tâm” vào cái ly đó. Dù là cây cỏ, núi non, hay là bất cứ thứ gì, bất cứ thứ gì chúng ta cảm giác là 'của ta', thì chúng cũng có một cái tâm đang chú tâm vào chúng—nếu không phải là tâm của chúng, thì cũng là tâm của ai đó. Tất cả những thứ đó đều là “những sinh trạng có tâm thức”, chứ không phải là “không tâm thức”(58), không phải tuyệt đối vô tình.
Tương tự như thân của chúng ta. Chúng ta thường nói rằng thân này có là có tâm thức. Thực ra, cái “tâm” chú tâm về thân không phải là gì khác mà chỉ là sự dính chấp (upãdãna), đó là sự gắn gán vào thân và chấp lấy thân này là 'ta' và 'của ta'.
Cũng giống như người mù không nhận biết được màu sắc—dù có nhìn kiểu gì thì cũng không thấy màu gì. Điều này giống như cái tâm khi đang bị che mù bởi dục vọng và ngu dốt (tham và si), thì tất cả mọi đối tượng của tâm thức đều bị chú tâm. Bởi vì tâm bị dính dơ bởi dục vọng (tham) và bị ngăn che bởi sự ngu tối (si), nên mọi thứ đều trở nên bị chú tâm... Tất cả những thứ bàn, ghế, thú vật, và tất cả mọi thứ khác. Nếu chúng ta cứ chấp rằng mình có một cái 'ta' cố hữu truyền kiếp (như linh hồn, bản ngã), thì tâm sẽ luôn dính chấp vào mọi thứ. Lúc đó tất cả mọi thứ đều trở thành bị chú tâm, do vậy sự dính chấp và ràng buộc luôn luôn có mặt.
Phật đã dạy về những thứ có điều kiện (những pháp hữu vi, sankhata dhammas) và những thứ vô điều kiện (những pháp vô vi, asankhata dhammas). Có điều kiện (hữu vi) thì vô số kể— vật chất, phi vật chất, lớn, nhỏ— nếu tâm chúng ta đang bị che mờ bởi sự ngu tối thì tâm sẽ nhân phóng đủ hướng theo những thứ hữu vi tạo tác đó, phân chia phân biệt thành đủ thứ tốt xấu, ngắn dài, lớn nhỏ, thô tinh, này nọ... Tại sao tâm này nhân phóng đến như vậy? Bởi vì tâm không hiểu biết về sự thật của thế tục, đó là sự thật do con người quy ước (tục đế)(59), nó chưa nhìn thấy Giáo Pháp. Vì không nhìn thấy Giáo Pháp nên tâm còn đầy những dính chấp. Khi nào tâm còn những dính chấp (gông cùm) thì không có đường giải thoát, thì vẫn còn đầy sự ngu mờ (vô minh), còn sinh, già, bệnh, chết...thậm chí ngay trong tiến trình ý nghĩ (tư duy). Loại tâm này được gọi là tâm hữu vi hay pháp hữu vi (sankhata dhamma), tức là tâm còn tùy duyên, tâm do tạo tác, tâm có điều kiện.
Trạng thái không còn tùy duyên, không do tạo tác, không bởi điều kiện thì được gọi là trạng thái vô vi hay pháp vô vi (asankhata dhamma). Chỗ này là chỉ trạng thái cái tâm đã nhìn thấy Giáo Pháp, nhìn thấy sự thật của năm tập hợp uẩn (khandha) đúng như chúng là. Chúng đích thực là luôn biến đổi, không hoàn hảo và không là gì hay thuộc ai cả [vô thường, khổ và vô ngã]. Tất cả những ý nghĩ như 'ta', 'tôi', 'của tôi', 'của họ'... đều thuộc về sự thật do quy ước (tục đế). Chúng thực sự chỉ là những trạng thái có điều kiện, do tạo tác và tùy duyên mà có rồi mất. Khi chúng ta biết rõ sự thật về những trạng thái có điều kiện (hữu vi) đó, biết rõ chúng chẳng phải là cái 'ta' hay là gì 'của ta' cả, thì chúng ta có thể buông bỏ những thứ có điều kiện (hữu vi) và những thứ do quy ước (tục đế) đó. Khi nào buông bỏ (không còn chấp) những thứ hữu vi thì chúng ta đạt đến Giáo Pháp, chúng ta bước vào giác ngộ Giáo Pháp. Khi chúng ta đạt đến Giáo Pháp thì chúng ta hiểu biết mọi sự rõ ràng. Hiểu biết là biết cái gì? Chúng ta biết rằng mọi thứ chỉ là những thứ có điều kiện (hữu vi) và do quy ước (chỉ đứng với thế tục), không phải là 'cái gì' hay 'ai' cả, không phải là cái 'ta', 'chúng ta', hay 'ai' gì hết. (Chẳng là gì cả: vô ngã). Đây là sự hiểu biết (tri kiến) về đường lối của mọi thứ trên thế gian.
Sau khi nhìn thấy theo cách như vậy, tâm chuyển hóa vượt trên mọi thứ thế gian. Thân có thể già, bệnh, chết, nhưng tâm vượt trên những chuyện khổ đau sinh tử này. Khi tâm đã chuyển hóa và vượt lên trên những thứ hữu vi tạo tác, nó sẽ thấy biết trạng thái vô vi. Tâm trở thành vô vi (không còn tạo tác, không còn tùy duyên)—đó là trạng thái không còn các yếu tố điều kiện nhân duyên nữa. Tâm không còn bị tạo tác bởi những lo âu của thế giới, những điều kiện đổi thay không còn làm ô nhiễm tâm nữa. Sướng hay khổ không còn ảnh hưởng đến tâm. Không còn thứ gì có thể tác động hay thay đổi nó nữa, tâm đã được an toàn, nó đã thoát khỏi tất cả mọi sự tác thành, trở thành, tạo tác. (Không còn trở thành, không còn tạo nghiệp). Sau khi đã nhìn thấy bản chất của những thứ có điều kiện (hữu vi) và do quy ước thế gian, tâm được tự do và giải thoát.
Cái tâm được tự do này được gọi là trạng thái Vô Vi, đó là trạng thái vượt trên sức mạnh mọi thứ tạo tác. Nếu tâm chưa thực sự hiểu biết về những pháp hữu vi (giả lập, có điều kiện) và pháp thế gian (tục đế), thì nó vẫn còn bị tác động bởi chúng. Khi đó tâm gặp những thứ (coi là) tốt, xấu, sướng, khổ... nó liền nhân phóng theo những thứ đó. Tại sao tâm phóng túng chạy theo mọi thứ như vậy? Bởi vì vẫn còn một nguyên nhân. Nguyên nhân gì? Nguyên nhân là nó vẫn còn cho rằng (sắc) thân này là 'ta', là 'thân của ta' (là 'xác của hồn ta'); rằng những cảm giác (thọ) này là 'ta', là 'của ta'; rằng những nhận thức (tưởng) này là 'ta', là 'của ta” rằng những ý nghĩ (hành) này là 'ta', là 'của ta'; rằng tâm thức (thức) này là 'ta', là 'của ta'. Cái khuynh hướng (gông cùm) nhận biết mọi sự mọi thứ dựa trên cơ sở cái 'ta' (ngã kiến, ngã chấp) chính là nguồn gốc tạo ra sướng, khổ, sinh, lão, bệnh, tử. Đây là cái tâm thế tục, nó luôn điên đảo quay cuồng và thay đổi theo sự dẫn dắt và tạo tác của những điều kiện của thế gian thế tục. Đây là cái tâm hữu vi, (nó còn tùy duyên, còn tạo tác trong vòng sinh tử).
Nếu chúng ta tình cờ nhận được một số tiền của (ví dụ như trúng số) thì tâm chúng ta sẽ bị tác động bởi điều đó. Đối tượng (số tiền đó) tác động tâm ngay, tạo tác tâm đến một cảm giác mừng vui, khoái sưóng; nhưng khi sự sướng không còn nữa, sự hết sướng lại tạo tác tâm đến cảm giác khổ. Tâm trở thành nô lệ của các trạng thái, điều kiện, là nô lệ của dục vọng. Thế tục mang đến bất cứ cái gì, tâm cũng bị tác động hoặc chạy theo thứ đó. Loại tâm này không có chỗ nương tựa, nó không tự bảo vệ được chính mình, nó chưa được tự do. Nó vẫn còn thiếu một nền móng vững chắc. Loại tâm này chưa hiểu biết sự thật của những thứ điều kiện, những thứ hữu vi, giả lập. Nó còn bị tạo tác, còn tùy phóng theo các điều kiện thế tục. Đó là cái tâm hữu vi.
Tất cả quý vị đang ngồi đây nghe Giáo Pháp, xin hãy suy xét một chút rằng... ngay cả một đứa bé cũng có thể làm mình tức giận, đúng vậy không? Ngay cả một đứa bé nằm nôi cũng đánh lừa được (tâm) bạn. Nó có thể đánh lừa (làm cho) bạn cười, bạn khóc—nó có thể làm bạn dính theo những trạng thái khác nhau. Ngay cả những người già cũng bị lừa bởi những 'trò' đó. Đối với những người còn ngu mờ, không nhìn thấy sự thật thế tục, họ cứ để tâm dính vào vô số những phản ứng như thương, ghét, sướng, khổ, khoái, đau... Mọi thứ bắt tâm chúng ta phải phản ứng liên tục như vậy bởi vì chúng ta bị nô lệ cho chúng. Chúng ta là nô lệ của dục vọng (tanhã). Dục vọng ra tất cả mệnh lệnh và chúng ta chỉ biết làm theo nó.
Tôi nghe nhiều người kể công than rằng: “Ôi, tôi khổ quá. Ngày đêm tôi đều phải ra đồng, tôi chẳng có thời gian được ở nhà. Giữa trưa đứng bóng tôi cũng phải ra đồng để làm với cái nắng như thiêu đốt. Dù ở nhà mát mẻ nhưng số tôi không được ở nhà, tôi phải đi làm. Tôi thiệt là quá khổ.”
Nếu như tôi hỏi họ: “Tại sao bà không rời bỏ nhà và đi tu cho rồi?”, họ sẽ nói: “Tôi không thể bỏ nhà đi được. Tôi còn nhiều trách nhiệm.” Dục vọng (tanhã) kéo họ ở lại. Nhiều lúc chúng ta đang cày ruộng nhưng lại mắc tiểu quá chừng (một dục vọng được tiểu tiện) đến nỗi ta vừa đi vừa cày vừa tiểu luôn, giống như mấy con trâu vậy. Thiệt đúng là dục vọng muốn ta làm gì thì ta phải làm, ta là nô lệ của nó.
Khi tôi hỏi mấy người: “Các chú mạnh giỏi không, dạo này bận quá phải không, không thấy các chú đến chùa?” Họ trả lời kiểu dân dã: “Thưa thầy, thiệt tình con bận lún sâu luôn.” Tôi chẳng hiểu họ bị lún sâu vào những thứ gì! Đó chỉ là những điều kiện, những sự tạo tác. Phật đã dạy phải nhìn những bề ngoài giả lập đúng như chúng là và nhìn thấy những điều kiện giả tạm đúng như chúng là. Đây là cách nhìn thấy Giáo Pháp, nhìn thấy mọi thứ mọi sự đúng như chúng đích thực là. Nếu bạn thực sự nhìn thấy cả hai cái (bề ngoài giả lập và các điều kiện giả tạm) thì bạn phải vất bỏ cả hai, buông bỏ cả hai thứ.
Dù bạn có tiếp nhận thứ gì thì nó cũng không có một thực thể hay bản thể hay là 'cái gì' thực cả. Lúc đầu nó có vẻ là tốt, nhưng sau đó nó cũng thành xấu mà thôi. (Ngon rồi cũng thành dở, sướng rồi cũng thành chán...). Nó cứ khiến ta thích, rồi khiến ta ghét; làm ta cười, rồi làm ta khóc; nó khiến ta chạy theo đủ thứ kiểu, nó lôi kéo ta. Tại sao như vậy? Bởi vì cái tâm chưa được tu tập và phát triển. Những điều kiện thế tục trở thành những yếu tố tạo tác của tâm, làm cho nó thấy to, thấy nhỏ, thấy sướng, thấy khổ, thấy buồn, thấy này, thấy nọ... cảm nhận đủ thứ, đủ kiểu.
Vào thời cha ông chúng ta ngày xưa, khi có ai chết họ đi mời sư thầy đến tụng những câu về lẽ vô thường, như sau:
Aniccã vata sankhãra
Uppãda vaya dhammino
Uppajjitvã nirujjhanti
Tesam vũpasamo sukho.
Tất cả mọi thứ trên đời (mọi thứ có điều kiện, pháp hữu vi) đều là vô thường.Đều thuộc bản chất sinh và diệt.Sau khi khởi sinh, chúng sẽ ngừng diệt (có sinh có diệt).Sự chấm dứt các điều kiện đó (sự tắt bặt các duyên) là hạnh phúc thực sự. Tất cả các điều kiện đều là vô thường. (Các sinh trạng trên thế gian đều là vô thường, vì chúng có điều kiện và thay đổi tùy theo các điều kiện). Thân này và tâm này cũng là vô thường. Chúng vô thường bởi chúng không cố định, không bền chắc và luôn luôn biến đổi. Mọi thứ được sinh ra thì tất yếu phải biến đổi biến hoại—đặc biệt dễ thấy như thân này của chúng ta. Có một cái nào không thay đổi trong thân này? Tóc, móng, răng, da... có giữ nguyên không thay đổi không? Tình trạng thân thể thay đổi liên tục và già đi mỗi ngày, do vậy thân là vô thường. Thân có bền chắc đâu? Tâm có ổn định không? Hãy suy xét về điều này. Biết bao nhiêu lần sinh và diệt xảy ra trong mỗi ngày? Cả thân và tâm đang sinh và diệt liên tục mỗi ngày, tình trạng của chúng là luôn luôn biến động liên tục.
Lý do chúng ta không thể nhìn thấy những điều này theo đúng sự thật là bởi chúng ta vẫn luôn tin vào điều không phải sự thật. Giống như mình bị dẫn dắt bởi một người mù. Làm sao mà đi đúng đường an toàn? Người mù chỉ dắt ta đi vào rừng vào bụi thôi. Làm sao người mù dắt chúng ta đi đúng đường khi bản thân ông ta không nhìn thấy gì? Tương tự vậy, tâm chúng ta đang bị che mờ bởi những điều kiện thế tục, chỉ tạo ra khổ đau khi ta đi tìm cái sướng, chỉ tạo khó khăn khi ta đi tìm sự dễ chịu. Cái tâm (ngu mờ) như vậy thì chỉ tạo ra khó khăn và khổ sở. Thiệt lòng chúng ta muốn trừ bỏ những khó khổ, nhưng thay vì vậy chỉ tạo thêm những thứ đó. Chỉ còn cách ngồi than thở. Chúng ta tạo nên những nguyên nhân xấu, bởi vì chúng ta không hiểu biết sự thật của những' bề ngoài giả lập' và những 'điều kiện giả tạm' của mọi thứ trên thế gian.
Những điều kiện là vô thường, những trạng thái sống đều là vô thường, cả hai dạng sinh trạng có tâm thức và sinh trạng không tâm thức đều là vô thường. Về thực tế, những sinh trạng không tâm thức là không tồn tại. Loại không tâm thức là ở đâu? Ngay cả trong nhà vệ sinh, bạn nghĩ cái gì là không tâm thức... hãy để anh nào mang búa vào đập bể thử coi! Coi chừng anh đó phải đối diện vói bên “quản lý” khu nhà đó. Tâm chú tâm vào mọi thứ, ngay cả những thư ô uế trong nhà vệ sinh. Ngoại trừ người nào nhìn thấy rõ ràng đường lối của mọi sự vật, đối với người thường thì không bao giờ có những thứ gọi là không có tâm thức.
Những bề ngoài giả lập là do quy định quy ước mà có. (Đó là giả danh của mọi thứ). Tại sao chúng ta phải quy ước chúng? Bởi vì về sự thật chúng không có thực. Ví dụ, có ai muốn làm dấu chỗ này. Anh ta lấy miếng gỗ hay đá đặt lên chỗ sân này, và gọi nó là cái mốc hay cột mốc. Nhưng thực sự nó đâu phải là cái mốc hay cột mốc gì, đó chỉ là miếng đá hay miếng gỗ, nhưng chính do vậy chúng ta phải quy định nó thành một cái mốc hay cột mốc như vậy. Tương tự, chúng ta “quy định” gọi các thành phố, dân chúng, bầy súc vật... đủ loại tên gọi theo quy ước (giả danh)! Tại sao chúng ta cứ quy ước vô số thứ trên đời như vậy? Bởi chúng không có mặt, không có thực, nên phải quy ước đặt tên cho chúng thành có.
Những khái niệm như “thầy tu” và “cư sĩ” cũng là do “quy ước” mà có. Chúng ta quyết định đặt cho chúng từ không thành có (giả danh), chứ trong tự nhiên chúng không phải thực là những thứ đó (không phải thực danh). Giống như có cái dĩa trống, ai muốn bỏ cái gì lên đó thì bỏ. (Bỏ xoài lên rồi gọi thành dĩa xoài, bỏ cơm lên gọi là dĩa cơm. Thực chất chẳng có dĩa xoài dĩa cơm nào cả. Bản thân cái 'dĩa' còn chưa là thực nữa, họ lấy đất cát nhào nặn nung nấu gì đó làm thành cái để đựng đồ ăn, rồi đặt tên thành 'dĩa', chứ thực sự cái dĩa cũng không phải thực danh gì cả).
Đó là bản chất của những thứ do quy ước (tục danh, giả danh), bản chất của sự thật do quy ước (tục đế). Đàn ông và đàn bà cũng là những danh từ do quy ước, chỉ là những thứ đổi thay xung quanh chúng ta mà thôi.
Nếu chúng ta biết rõ sự thật của những thứ do quy ước thì ta sẽ biết rõ rằng không có 'ai' thực hay 'người' thực nào cả, bởi những cái 'người' đó là những cái do quy ước. Hiểu rõ ràng những thứ đó chỉ là do quy ước, thì ta sẽ được bình an. Nhưng nếu chúng ta cứ tin rằng 'ta', 'ai đó', 'người', 'thực thể', cái 'của ta', cái 'của họ'... là thực, là những thực thể cố hữu tự nhiên, thì ta cứ phải cười phải khóc liên tục suốt đời với những thứ đó. (Vì nhận lầm chúng ta thực, nhận lầm cái 'ta' là bản ngã thực, nên suốt đời chúng ta cứ liên tục khổ, sướng, buồn, vui, sầu não... khi chúng thay đổi liên tục và liên tục). Mọi thứ chỉ là sự nhân phóng của các yếu tố tạo tác. Nếu chúng ta cứ nhận những thứ đó là 'của ta' thì suốt đời phải khổ sở vì chúng. Đó là cách nhìn sai lầm, đó là tà kiến (micchãditthi). Tên gọi chỉ là giả danh, không phải là những thực tại thực chất, đó chỉ là những sự thật do quy ước giả lập của thế gian. Chỉ sau khi được sinh ra chúng ta mới có tên tuổi, đúng không? Hay chúng ta đã có tên trước khi được sinh ra? Tên có sau, đúng không? Tại sao chúng ta đặt tên, đặt danh như vậy? Bởi do trước đó chưa có tên, không có tên thực là gì trước khi sinh ra.
Chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng những quy ước thế gian này. Tốt, xấu, cao, thấp, đen, trắng... đều là những quy ước của thế tục. Chúng ta đều bị lạc trong những rừng quy ước. Bởi vậy nên chỗ đám chết các thầy tu thường tụng đọc Aniccã vata sankhãrã... (Mọi thứ hữu vi đều là vô thường, chúng sinh rồi diệt...). Điều đó là đúng, điều đó là lẽ thực; mọi thứ đều là như vậy. Có cái nào sinh ra mà không hoại diệt? Trạng thái tâm tốt... cũng khởi sinh rồi biến mất. Khóc rồi cũng hết, hoặc chuyển thành cười. Bạn có thấy ai khóc liên tục ba, bốn năm không? Cùng lắm chỉ thấy có người khóc liên tục một đêm, rồi cũng hết nước mắt, rồi thân thể cũng mệt mỏi. Không có gì kéo dài hay tồn tại y hệt dài lâu. Có sinh là có diệt...
Tesam vũpasamo sukho....(60) Nếu chúng ta hiểu biết các điều kiện tạo tác (các hành tạo tác, sankhãras), về sự nhân phóng (tâm) theo các điều kiện tạo tác, và nhờ đó ta chế ngự được chúng, thì đó mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Chỗ này mới là công đức thực thụ, là không còn và lắng lặng hết tất cả những sự phóng tâm tạo tác, là không còn và lắng lặng cái quan niệm 'con người', là không còn và lắng lặng hết quan niệm về cái 'cá nhân' hay 'ai', không còn gánh nặng về cái 'ta' hay cái 'của ta' nào nữa. Sau khi vượt qua những điều đó thì người tu sẽ nhìn thấy chỗ Vô Vi. Có nghĩa là dù cho có thứ gì xảy đến, tâm cũng không còn phóng túng này nọ theo nó nữa. Chẳng còn thứ gì có thể xô dạt cái tâm khỏi điểm cân bằng tự nhiên [buông xả] của nó. Vậy ta còn muốn gì hơn nữa? Đến đó là hết rồi, đó đã là đích đến.
Phật chỉ dạy chúng ta về sự thật diễn ra của mọi thứ trên đời. Chúng ta đi chùa cúng dường và lắng nghe Giáo Pháp là cũng để tìm thấy và nhận thấy sự thật đó. Nếu chúng ta nhận ra sự thật đó, chúng ta không cần phải tìm tòi tu học về thiền tuệ minh sát (vipassanã) gì nữa, nó sẽ tự hiển lộ cho chúng ta. Cả hai thiền định (samatha) và thiền tuệ minh sát (vipassanã) cũng chỉ là do quy ước mà có, cũng chỉ là những danh từ do người ta đặt ra. Một cái tâm hiểu biết, nó vượt trên những thứ quy ước, đối đãi và giả lập của thế gian; đó là mục tiêu cao nhất của việc tu hành.
Sự tu tập của chúng ta, sự điều tra quán xét của chúng ta là để vượt qua sự khổ. Khi sự dính chấp đã chấm dứt, thì trạng thái cái 'ta là' cũng chấm dứt. Khi trạng thái cái 'ta là' đã chấm dứt, thì không còn cái 'ai' để tiếp tục sinh tử. Khi mọi sự tốt đẹp tâm cũng không vui mừng, khi mọi sự xấu tệ tâm cũng không sầu não. Cái tâm không còn bị kéo trôi theo những rắc rối phiền não của thế gian, và lúc này sự tu tập đã xong. Đây là nguyên lý căn bản mà Phật đã chỉ dạy.
Đức Phật chỉ dạy Giáo Pháp để áp dụng vô đời sống của chúng ta. Ngay đến lúc chết ta vẫn còn nghe được lời Phật dạy: 'Tesam vũpasamo sukho...’ (Làm lắng lặng các hành tạo tác là hạnh phúc đích thực). Nhưng, chúng ta không biết chế ngự các hành (điều kiện) tạo tác đó, chúng ta chỉ mang vác chúng theo suốt đời; hỏng lẽ các sư thầy xúi chúng ta làm vậy sao? Chúng ta cứ mang vác chúng đi khắp nơi và khóc than vì chúng. Đó là bị lạc lối vào trong mớ các điều kiện tạo tác, đó là bị lạc tâm theo mọi thứ trần cảnh, là quên mình theo vật. Thiên đường, địa ngục hay Niết bàn đều từ ngay chỗ này mà ra.
Tu hành theo Giáo Pháp là để chuyển hóa và vượt qua sự khổ trong tâm. Nếu chúng ta hiểu biết sự thật của mọi thứ theo cách tôi vừa nói trên thì tự động chúng ta biết được Bốn Sự Thật. Khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ.
Người đời thường ngu mờ khi gặp phải những thứ do quy ước mà có, họ cứ nghĩ rằng tất cả những thứ đó tự chúng là thực, thực từ trong bản chất tự nhiên. Khi kinh sách nói rằng cây cỏ, núi non và sông ngòi là những trạng thái không tâm thức, thì đó là cách nói gom lại để làm đơn giản phân loại. Nhưng những điều đó chỉ là giáo lý bề ngoài, nó không đề cập đến khổ, làm như không có khổ trên đời này vậy. Đó chỉ là cái vỏ ngoài của Giáo Pháp. Nếu chúng ta phải giải thích theo nghĩa sự thật rốt ráo, chúng ta sẽ thấy rằng chính con người ta đã đi bó buộc các thứ lại bằng sự ràng buộc dính chấp của họ. Làm sao chúng ta có thể nói những thứ đó không có năng lực tạo ra các sự kiện, làm sao có thể nói những thứ đó là không tâm thức, trong khi người ta có thể đánh một đứa bé chỉ vì làm mất một cây kim nhỏ xíu? Một cái dĩa, một cái ly hay một miếng gỗ... tâm chú tâm vào tất cả những thứ đó. Hãy nhìn coi điều gì xảy ra khi có ai lấy búa đập bể một trong những thứ này, và lúc đó bạn sẽ tìm ra câu trả lời. Mọi thứ đều có khả năng tác động đến chúng ta theo cách như vậy. Việc hiểu biết hoàn toàn về mọi thứ là việc tu tập của chúng ta, chúng ta phải xem xét hết những thứ có điều kiện (hữu vi), không điều kiện (vô vi), có tâm thức (hữu tình) và không có tâm thức (vô tình).
Phần này là phần “giáo lý bề ngoài”, như Đức Phật đã từng đề cập về chúng. Một lần Phật đang ở trong rừng, Phật nắm một nắm lá đưa lên và hỏi các Tỳ kheo rằng nắm lá trong tay Phật nhiều hay số lá ở trong rừng nhiều hơn. Các Tỳ kheo trả lời rằng nắm lá trong tay Phật chỉ một số lá, nhưng lá trong rừng là nhiều hơn rất nhiều.
Phật nói rằng: “Cũng giống vậy, này các Tỳ Kheo, toàn bộ giáo lý của Phật là nhiều, nhưng những thứ đó không phải là cốt lõi của mọi thứ, chúng không trực tiếp liên quan đến con đường dẫn đến giải thoát khỏi khổ. Có rất nhiều phương diện để nhìn vào giáo lý, nhưng điều Như Lai (Tathãgata, Phật) thực sự mong muốn các thầy làm là chuyển hóa khổ, điều tra vào tất cả mọi thứ và buông bỏ sự dính chấp và ràng buộc vào sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và tâm thức.”(61) Tháo bỏ hết những dính chấp vào những thứ đó thì bạn có thể chuyển hóa sự khổ. Những giáo lý giống như số lá trong nắm tay Phật. Nhưng bạn không cần hết số lá đó, chỉ cần một vài lá nhỏ là đủ. Những phần còn lại của giáo lý bạn không cần lo về chúng. Cũng giống như trên trái đất bao la, cỏ cây, sông ngòi, núi rừng, đất đai phì nhiêu trùng trùng. Chẳng bao giờ thiếu đá sỏi, nhưng đá sỏi bao la đó không bằng một miếng ngọc nhỏ xíu. Giáo Pháp của Phật thì bao la như vậy, song bạn chỉ cần có một chút, một chút thấy biết thực sự là quý như ngọc, là đã đủ rồi.
Do vậy, dù bạn đang nói, đang dạy hay đang nghe Giáo Pháp, bạn phải nên hiểu biết Giáo Pháp. Đừng nghĩ đến Giáo Pháp nằm ở chỗ cao xa nào, nó ở ngay tại đây. Dù bạn có đi tu học Giáp Pháp ở đâu, ở Thái Lan hay Ấn Độ, nó thực sự ở ngay trong tâm bạn. Tâm là kẻ dính chấp, tâm là kẻ phóng đoán này nọ, nhưng cũng chính tâm là ngưòi chuyển hóa, tâm là người buông bỏ. Tất cả những giáo lý bề ngoài đều nói về cái tâm. Dù bạn có học Ba tạng kinh (Tipitaka) hay học tới Vi Diệu Pháp tạng (Abhidhamma)(62) thì chúng cũng nói về tâm, đừng quên chúng được nói ra từ đâu.
Khi đi vô thực hành tu tập, những thứ bạn thực sự cần có là sự chân thật và chánh trực, bạn không cần phải tự đánh lừa hay gây rắc rối cho chính bản thân mình.
(Đạo Phật không phải là một tôn giáo có đấng phán xét công tội, bạn chỉ cần làm trong sạch cái tâm khỏi tham, sân, si, và do vậy chỉ có chính bạn mới tự biết và phán xét về chính mình. Công đức hay không công đức, thoát khổ hay không thoát khổ là do chính bạn. Không phải tu là vì phải tu, không phải tu để mọi người hay Phật trời nhìn thấy và ghi công mình. Vậy nên, chân thật và chánh trực với chính mình là điều quan trọng nhất).
Đa số Phật tử tại gia không học gì về Ba Tạng kinh điển, nhưng các Phật tử vẫn có thể trừ bỏ được tham, sân, si, đúng không? Quý vị đâu cần phải học Ba tạng kinh hay Vi Diệu Pháp tạng thì mới biết về tham, sân, si, đúng không? Những thứ tham, sân, si là có sẵn trong tâm quý vị, đâu cần phải đọc kinh sách mới biết về chúng, mới thấy chúng nằm trong đầu này. Những giáo lý của Phật cũng nhằm mục đích điều tra, quán xét và buông bỏ những thứ tham, sân, si đó.
Hãy để sự hiểu biết lan tỏa bên trong và bạn sẽ thực hành đúng đắn. Nếu bạn muốn nhìn thấy con tàu, cứ đi thẳng đến ga xe lửa, đâu cần phải đi dọc hết các tuyến đường ray Bắc Nam, Đông Tây, Đông Nam, Tây Bắc thì mới nhìn thấy hết những con tàu. Nếu bạn muốn nhìn thấy từng con tàu, cứ đến thẳng Ga Trung Tâm, tất cả chúng đều chạy về đậu ở đó.
Giờ có một số người hỏi tôi: “Con muốn tu tập nhưng con không biết cách. Con chưa học kinh điển, giờ con già quá rồi, trí nhớ không còn tốt để học....” Chỉ cần nhìn ngay đây, nhìn chỗ Ga Trung Tâm. Tham khởi sinh ngay đó, sân khởi sinh ngay đó, si khởi sinh ngay đó. Chỉ cần ngồi đây và bạn có thể thấy những chuyến tàu ra vào, nhìn thấy tất cả mọi sự khởi sinh ở ngay đó. Hãy tu tập ngay chỗ này, bởi chỗ này là chỗ dính kẹt của quý vị. Ngay đây là chỗ những thứ thế tục (do quy ước) khởi sinh, và Giáo Pháp cũng khởi sinh ngay chính chỗ này.
Bởi vậy, việc tu hành theo Giáo Pháp là không phân biệt giai cấp hay sắc tộc, tất cả yêu cầu chỉ là chúng ta nhìn sâu vào, để nhìn thấy và hiểu biết. Trước hết, chúng ta tu tập thân và lời nói cho sạch khỏi những bất thiện, đó là giữ giới (sila). Nhiều người nghĩ rằng giữ giới là phải học thuộc kinh kệ và tụng niệm suốt ngày suốt đêm, nhưng thực ra những gì cần làm là làm cho thân và lời nói của mình không còn bất thiện hay dính vào tội lỗi, đó là giữ giới. Điều này không quá khó hiểu, cũng giống như nấu món ăn... bỏ một chút này, bỏ một chút kia cho đến khi thấy vừa vị và vừa ăn! Bạn không cần phải bỏ thêm nhiều thứ khác để làm nó ngon, nó đã ngon rồi, chỉ cần nêm nếm vừa đủ là nó ngon. Tương tự, chỉ cần kiêng cữ, để ý đến những hành động và lời nói của mình thì bạn đã làm được việc giữ giới tốt lành rồi.
Việc tu tập có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào. Ngày xưa tôi phải đi khắp nơi để tìm sư thầy bởi tôi chưa biết cách tu tập. Tôi cứ sợ mình sai đường. Tôi cứ đi hết núi này đến núi khác, vùng này đến vùng khác để tìm nơi thích hợp để tu tập. Đến lúc tôi dừng lại và suy xét về việc đó. Giờ tôi đã hiểu. Trước kia tôi quá ngu khờ, tôi cứ lo đi tìm chỗ thích hợp để tu thiền. Lúc đó tôi không nhận ra nơi thích hợp chính là ngay đây—ngay chính tâm này và trái tim này. Tất cả những gì bạn muốn thiền là ngay bên trong ta. Có sự sinh, già, bệnh, chết ngay bên trong ta. Bởi vậy nên Phật đã nói câu “Paccattam veditabbo vinnũhi” người có trí phải tự biết rõ chính mình. Tôi đã đọc câu này nhưng hồi đó tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Tôi cứ lo đi tìm chỗ này chỗ nọ đến lúc mệt mỏi ngã quỵ và chỉ đến khi đó tôi mới tìm ra chỗ mình cần tìm, đó là ngay bên trong bản thân mình. Do vậy, giờ tôi có thể chỉ lại cho quý vị.
Như vậy về giữ giới, cứ tu tập theo tinh thần tôi vừa nói. Đừng hoài nghi về sự tu tập. Ngay cả khi có người cho rằng khó mà tu tập ở nhà, rằng ở nhà có nhiều điều trở ngại... nếu vậy ăn uống ở nhà cũng là trở ngại hay sao? Nếu ăn mà cũng là trở ngại thì đừng ăn! Tu tập theo Giáo Pháp sẽ mang lại lợi lạc cho tất cả mọi người, bất kể họ là giai cấp nào. Hơn nữa, càng tu tập nhiều ta càng hiểu biết nhiều về sự thật.
Nhiều người nói người tại gia rất khó tu tập, bởi người tại gia sống giữa cộng đồng đông đúc. Nếu bạn đang sống giữa đông người, hãy nhìn vào sự đông đúc đó, mở rộng nó ra. Cái tâm bị che mờ bởi sự đông đúc, vậy hãy tập luyện nó để hiểu biết sự thật của sự đông đúc đó. Càng lơ là tập luyện, càng lười biếng đến chùa để nghe học Giáo Pháp, thì tâm bạn càng lún sâu xuống bãi lầy, giống như con ếch ngồi dí trong hang. Ai đó đi qua đưa lưỡi móc vào hang... và con ếch hết đời, nó đâu có đường nào tránh né hay chạy thoát. Lúc nó nó chỉ biết đưa cổ đưa bụng ra cho người ta móc thôi. Vì vậy, các bạn hãy coi chừng, đừng có để mình rơi vô thế kẹt hang cùng như vậy—có chuyện gì xảy đến là không có đường giải thoát. Ở nhà bị quấy rầy bởi con cháu, bạn có thể còn khổ kẹt hơn cả con ếch! Bạn không biết cách nào để tách khỏi những ràng buộc đó, (không tu tập gì được). Đến khi già, bệnh, rồi chết, thì bạn làm gì được? Đó là lưỡi móc đang đợi móc chết bạn. Vậy bạn phải làm gì khác đây?
Đây là chỗ khó xử rắc rối của tâm. Bị bao vây bởi con cái, người thân, của cải, nhà cửa... và hầu hết chúng ta chẳng biết cách nào để buông bỏ những thứ đó. Không tu tập được giới hạnh và trí tuệ hiểu biết để thoát khỏi mọi thứ thế tục thì không có lối thoát nào cho chúng ta. (Thoát là thoát khỏi vòng sinh tử bất tận đầy khổ đau). Khi những thứ tạo tác như cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và tâm thức [thọ, tưởng, hành, thức] tạo ra khổ, ta cứ luôn bị dính theo nó. Tại sao có khổ? Nếu ta không biết điều tra quán xét thì ta không hiểu biết. Hễ có gì sướng khởi lên, ta chỉ biết chạy dính theo nó, chỉ biết tham chìm theo nó. Ta chẳng bao giờ tự hỏi: “Cái sướng đó đến từ đâu?”, “Sướng đó đâu còn hoài, nó sẽ hết nhanh, rồi cũng chuyển thành khổ?”
Vậy đó, phải đổi cách hiểu biết của mình. Bạn có thể tu tập bất cứ đâu, bởi ở đâu tâm cũng đi theo mình. Ta ở đâu, tâm ở đó, sao lại không tu tập nó được? Khi nghĩ những ý nghĩ tốt, bạn có thể ý thức biết rõ về chúng; còn khi nghĩ những ý nghĩ xấu, bạn cũng có thể ý thức rõ biết về chúng. Những thứ đó có mặt nơi bạn. Khi đang nằm, khi nghĩ những ý nghĩ tốt hay xấu, bạn có thể biết rõ về chúng, bởi chỗ tu tập là chính ngay trong tâm này. Nhiều người cứ nghĩ tu là phải ở chùa hằng ngày. Điều đó không cần thiết, cứ nhìn vào tâm này của bạn. Nếu bạn biết chỗ tu tập là ngay tâm này thì bạn chắc chắn có kết quả.
Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn vào mình, quan sát bản thân mình, không nên chạy theo những điều dị đoan và mê tín. Vì lẽ đó Phật đã nói mấy câu kinh với đại ý như vầy:(63)
Sĩlena sugatim yanti
Sĩlena bhogasampadã
Silena nibbưtim yanti
Tasmã sĩlam visodhaye
Giới Hạnh dẫn đến sự an lạcGiới Hạnh dẫn đến sự giàu cóGiới Hạnh dẫn đến Niết bànVậy, hãy giữ giới hạnh của mình cho trong sạch Giới Hạnh (sila) chỉ về những hành động của chúng ta. Hành động tốt dẫn đến kết quả tốt, nghiệp xấu dẫn đến nghiệp quả xấu. Đừng mong đợi trời Phật, thánh thần hay hộ pháp nào giúp đỡ, hoặc đợi ngày lành vận tốt sẽ giúp mình. Những điều đó là không đúng, đừng tin. Nếu tin vào những điều đó thì chỉ là mê tín, sẽ càng khổ thêm. Quý vị cứ ngồi chờ đến ngày lành, tháng tốt, năm thuận, thánh thần, hộ pháp... thì càng thêm khổ mà thôi. Hãy tự nhìn vào những hành động và lời nói của mình, nhìn ngay vào những nghiệp của mình. Làm lành mang lành, gieo ác thì gặt ác.
Nếu đã biết điều thiện và ác, điều đúng và sai đều nằm trong tâm mình, thì bạn đâu cần phải đi tìm những điều đó từ chỗ khác bên ngoài. Chỉ cần nhìn vào những điều đó ngay chỗ chúng khởi sinh. Nếu mất cái gì ở đây thì phải nên tìm ngay ở đây chứ. Ngay cả không tìm ra ngay, bạn vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm ngay nơi mình làm rớt chứ. Nhưng ít ai chú tâm thực sự vào hành động của mình, nên thường khi mất chỗ này lại đi tìm chỗ khác. Khi nào bạn mới tìm ra nó ở chỗ (63) khác? Thiện và ác, xấu và tốt, đúng và sai đều nằm ngay bên trong bạn. Một ngày bạn chưa tìm ra, nhưng hãy tiếp tục tìm nữa, vì ở đây là đúng chỗ.
Tất cả mọi chúng sinh hành xử theo nghiệp của mình. Nghiệp (kamma) là gì? Mọi người thường quá nhẹ dạ cả tin. Khi thấy ai làm điều xấu ác, họ nói rằng Diêm Vương (Yama) sẽ ghi tội vào sổ địa ngục. Khi bạn bị tái sinh xuống đó, ngài sẽ lấy sổ ra và tính tội của bạn... Nghe vậy ai cũng thấy sợ hãi nếu làm việc ác sẽ gặp Diêm Vương kiếp sau, nhưng chẳng ai chịu tìm hiểu cái 'Diêm Vương' ngay trong tâm mình. Nếu bạn làm điều xấu, dù có núp bóng làm một mình không ai biết, 'Diêm Vương' trong tâm này mới ghi sổ tính tội bạn. Có thể trong số quý vị đang ngồi đây đã từng lén lút hay bí mật làm những điều xấu ác, không để người khác thấy hay biết. Nhưng chính mình thì thấy, phải không? Chính cái 'Diêm Vương' trong tâm mình thấy rõ tất cả. Quý vị tự mình biết mình, phải không? Tất cả quý vị, ai cũng vậy phải không, hãy dành một phút suy nghĩ về điều này...! Chính cái 'Diêm Vương' của tâm mình đã tính sổ tất cả, đúng không? Mình không bao giờ thoát được. Dù bạn có lén làm điều xấu một mình hoặc với nhiều người, dù bạn có làm ngoài đồng vắng, trong hang động, trong phòng kín hay bất cứ chỗ nào...
Ai ở đây đã từng ăn cắp cái gì chưa? Có thể một số trong chúng ta đã từng ăn cắp. Nếu không ăn cắp đồ của người khác thì có thể cũng ăn cắp đồ của chính mình. Tôi cũng có vướng tật đó, nên tôi đoán quý vị cũng có thể như vậy. Có thể quý vị đã từng lén làm điều xấu trước kia, không bao giờ nói cho ai biết về điều xấu đó. Nhưng dù không nói cho ai biết, chính mình biết rõ điều đó. Cái 'mình' đó chính là Diêm Vương theo dõi và ghi sổ tất cả. Dù bạn có làm ở đâu, có trốn đi đâu, ông ấy cũng ghi đủ tất cả vào sổ. Chúng ta biết rõ những ý định (ý hành) của mình. Khi làm việc xấu ác, sự xấu có ngay ở đó; khi làm điều tốt thiện, sự lành có ngay ở đó. Bạn không thể giấu ở đâu được. Dù không ai thấy điều mình làm, nhưng mình thấy mình. Dù bạn có chui vào hang sâu bạn vẫn tìm thấy mình ở đó. Không có cách nào làm điều xấu tạo nghiệp xấu và có thể trốn thoát. Tương tự như nhìn thấy những tâm tính xấu của mình, tại sao bạn không biết nhìn sự trong sạch của mình? Bạn có thể nhìn thấy tất cả các tâm tính khác nhau—sự bình an, sự sân, sự tham, sự ràng buộc hay sự giải thoát—chúng ta phải tự mình nhìn vào trong tâm để nhìn thấy mình.
Trong đạo Phật, chúng ta phải ý thức rõ biết về tất cả mọi hành động của mình. Chúng ta không làm như các Bà la môn, cứ bước đến nhà và đọc: “Cầu cho quý ông bà mạnh giỏi, cầu cho quý ông bà được sống lâu.” Phật không nói kiểu đó. Làm sao một căn bệnh lại có thể biến mất chỉ với những lời nói như vậy? Phật trị liệu căn bệnh theo cách có lý như vầy: “Trước khi anh bệnh điều gì xảy ra? Điều gì là nguyên nhân dẫn đến bệnh?” Lúc đó bạn nói với Phật cách mọi sự diễn ra cho đến khi bệnh. “À vậy hả, vậy hãy lấy thuốc này và về uống thử có đúng không.” Nếu thuốc không đúng bệnh, Phật sẽ dùng thuốc khác, liều khác (tùy theo cơ địa nặng nhẹ của mỗi người). Nếu thuốc đó làm bệnh thuyên giảm, nếu thuốc trị được bệnh, thì đó là thuốc đúng. Cách này nghe có lý khoa học. Không phải như các thầy Bà la môn ngày xưa, họ lấy dây cột quanh cổ tay bạn và đọc chú: “Nào, khỏe đi, mạnh đi, sau khi tôi đi khỏi, hãy ngồi thẳng dậy và ăn một bữa cơm ngon lành và sẽ hết bệnh.” Bạn có trả bao nhiêu tiền cho mấy ông thầy kiểu đó thì cũng tiền mất tật mang thôi, bởi trị cách như vậy đâu có cơ sở khoa học gì. Vậy mà có rất nhiều người tin đó; khi bệnh là kêu thầy pháp, thầy cúng, thầy đồng đến nhà ngay.
Phật cũng không muốn chúng ta tu học đại trà, chất chứa trong đầu cả đống những chuyện đúng sai như vậy. Phật chỉ muốn chúng ta tu tập có lý, đúng lý—lý tu hành phải đúng đắn. Đạo Phật đã có mặt mấy ngàn năm rồi, và mọi người vẫn luôn tu tập rập khuôn theo cách mấy ông sư chỉ dạy, không cần biết là đúng hay sai. Điều đó là ngu xuẩn. Họ chỉ biết tu rập khuôn theo các thầy tổ của bao đời trước đó.
Phật cũng không khuyến khích kiểu tu rập khuôn như vậy. Phật muốn chúng ta tu theo lý, có lý, đúng lý. Ví dụ, một lần đang giảng pháp cho các Tỳ kheo, Phật quay qua hỏi ngài Xá-lợi-phất: “Này Xá-lợi-phất, thầy có tin giáo lý này không?” Ngài Xá-lợi-phất trả lời: “Không, con không tin.” Phật khen ngợi câu trả lời: “Lành thay, này Xá-lợi-phất. Người khôn trí không vội tin vào một điều gì. Người ấy nhìn vào mọi thứ, nhìn vào những nhân duyên của chúng, và nhìn thấy bản chất đích thực của chúng trước khi tin hay không tin.”
Nhưng thời bây giờ mấy vị sư thầy sư phụ thường hay quát: “Cái gì?!!! Anh không tin ta sao? Vậy thì đi chỗ khác, chứ ở đây làm gì!” Hầu hết mọi người đều rất sợ thầy, sợ sư phụ. Thấy sư phụ sư huynh làm cái gì họ làm theo răm rắp một cách mù quáng. Phật không dạy bám rập khuôn, mà phải bám vào sự thật. Lắng nghe giáo lý và sau đó coi xét một cách kỹ càng, kiên nhẫn, điều tra tìm hiểu điều đó là đúng hay sai. Cũng giống như những gì tôi nói về Giáo Pháp—hãy về và suy xét, chứ đừng tin vội. Những điều tôi nói là đúng, phải không? Bạn phải thực sự nhìn sâu vào những điều đó, nhìn vào bản thân mình để thấy những điều đó có đúng hay không.
Bởi vậy nên Phật thường nói phải phòng hộ cái tâm. Ai phòng hộ cái tâm sẽ được tự do khỏi Diêm Vưomg. Chỉ là do cái tâm chạy theo và nắm chấp mọi thứ, biết mọi thứ, thấy mọi thứ, nếm trải mọi thứ sướng và khổ... chỉ là do cái tâm này. Khi nào chúng ta hoàn toàn hiểu được những thứ do quy ước và nhũng điều kiện trên thế gian, thì chúng ta sẽ tự nhiên trút bỏ hết sự khổ.
Mọi thứ chỉ là như chúng là. Tự chúng không gây ra khổ, cũng giống như mũi chông nhọn, tự nó không gây khổ cho ai hết. Nó chỉ là mũi chông, nó chẳng liên quan đến ai. Nhưng ai biểu bạn đến bước lên nó thì bạn dính khổ đau chứ ai. Cái mũi chông chỉ là nó, nó đâu làm hại ai. Chỉ khi nào bạn tự bước lên nó thì bạn bị đau. Đau là do chính bạn. Sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, tâm thức [sắc, thọ, tưởng, hành thức]...và tất cả mọi thứ trên đời đều chỉ là chúng, như chúng là. Chỉ là do ta cứ luôn phản ứng va chạm này nọ với chúng. Và nếu ta chống chọi với chúng, chúng sẽ chống trả lại. Nếu chúng ta để chúng yên như chúng là, nếu chúng ta chỉ nhìn chúng và buông bỏ chúng, thì chúng đâu có làm phiền làm khổ ai đâu; giống như, chỉ có kẻ say rượu (không tỉnh táo) thì mới tự gây rắc rối và tự làm khổ mình thôi. Tất cả mọi điều kiện nhân duyên đều xảy ra theo bản chất tự nhiên của nó. Bởi vậy nên Phật mới nói: ‘Tesam vupasamo sukho - Nếu chúng ta làm lắng lặng tất cả các điều kiện (các hành tạo tác), nhìn thấy bản chất những thứ do quy ước và những điều kiện thế gian đúng như chúng là, đúng là không phải cái 'ta' hay 'của ta', hay 'của ai'— nhìn thấy rằng chính chúng ta cứ nhận chúng là mình rồi dính líu theo chúng, chỉ bởi do cái niềm tin sai lầm về cái 'ta' hay thân kiến (sakkãya ditthi)— Nhìn thấy được như vậy ta sẽ không còn bị ngu mờ, si mê.
Nếu bạn nghĩ “Tôi tốt”, “Tôi xấu”, “Tôi hay”, “Tôi giỏi nhất” thì bạn đang nghĩ một cách sai lầm. Nếu bạn nhìn ra tất cả những ý nghĩ đó chỉ là những quy ước và điều kiện, thì khi có ai nói ai “tốt” hay “xấu”, thì bạn sẽ có khả năng không chấp gì hết. Chừng nào bạn còn tin có cái 'ta' (chấp thân này là 'ta' và 'ta' là thân này) thì bạn sẽ còn dính chấp mọi thứ, giống như bạn vẫn đeo bên mình ba tổ ong ngựa— ngay khi bạn nói điều gì, chúng sẽ bay ra bu kín và chích bạn đủ phía. Ba tổ ong ngựa đó là: sự chấp thân là ta (sakkãyaditthi), sự nghi ngờ (viccikicchã), và sự mê tín dị đoan (sĩlabbata parãmãsa). Đó là ba gông cùm trói buộc và cản trở sự tu tập và trí tuệ của chúng ta.
Một khi bạn đã nhìn vào bản chất đích thực của những thứ quy ước và những điều kiện thế gian, tính tự ta tự đại cũng không còn. Cha mẹ những người khác cũng như cha mẹ của ta, con cái của họ cũng giống như con cái chúng ta. Ta nhìn thấy sự sướng khổ vui buồn của người khác cũng giống như sự sướng khổ vui buồn của chính ta. Hiểu đúng như vậy thì tự khởi sinh sự đồng cảm và lòng bi mẫn.
Nếu nhìn theo cách như vậy thì chúng ta đang đối diện với vị Phật tương lai, điều này không phải là điều cực kỳ khó. Ai cũng như ai, tất cả đều đang ở trên một chiếc thuyền. Hiểu vậy thì thế giới này sẽ êm ái như mặt một cái trống. Nếu ai muốn chờ để gặp Đức Phật Di Lặc (Phra Sri Ariya Metteyya), vị Phật tương lai, thì cứ ngồi đó khỏi cần tu gì hết... Bộ quý vị nghĩ mình có thể sống lâu đến đó để gặp Đức Phật Di Lặc sao? Nhưng nếu có chuyện đó thì ngài chắc cũng không nhận những kẻ như vậy làm đệ tử của ngài đâu! Ai cũng còn đầy nghi ngờ. Nếu bạn không còn nghi ngờ về sự thật rằng “không có cái 'ta' cố định hằng hữu nào hết”, thì dù ai có nói gì về mình, mình cũng đâu quan tâm, bởi tâm bạn đã buông bỏ, nó đã được bình an. Những điều kiện tạo tác đã lắng lặn. Bạn không còn phải chấp dính theo 'pháp môn' hay cách thức tu tập nào nữa, không còn chê chấp ông thầy này dở, chỗ chùa này không linh, điều này đúng, điều kia sai, phái này vầy, phái kia vậy... Hết, không còn mấy thứ chấp nê đối đãi đó nữa. Tất cả mọi thứ tư duy suy nghĩ đã được làm yên ả trơn tru như vậy. Bạn đang gặp Đức Phật tương lai. Còn mấy người chỉ biết chắp tay và vái lạy thì sẽ không bao giờ gặp được.
Vậy đó, đây là cách tu tập. Nếu tôi có nói thêm nữa thì cũng vậy thôi. Nói theo nhiều cách thì cái chính cũng vậy thôi. Nói thêm thì cũng là nói lại lý tu tập là như vậy. Tôi đã trình bày đến tận đích đến cho quý vị, giờ quý vị hãy tự suy xét về những điều đó. Tôi đã đưa quý vị lên đường, còn đi hay không là tùy ở quý vị, con đường vẫn luôn ở đó. Ai không chịu đi thì có thể ở lại. Phật chỉ tiễn bạn ở đầu đường. 'Akkhãtaro Tathãgatã - Như Lai chỉ chỉ ra con đường, (còn mỗi người phải tự mình bước đi). Việc tu hành của tôi cũng vậy. Phật chỉ chỉ ra con đường như vậy. Phần còn lại là tôi phải tự làm, tự tu, tu được nhiều hay ít là do tôi. Giờ tôi chỉ lại cho các quý vị, tôi cũng chỉ được bao nhiêu đó. Tôi chỉ có thể dắt bạn ra tới đầu đường, ai muốn quay lại thì cứ quay lại, còn ai tiếp tục đi thì đi, tất cả là tùy nơi quý vị. Bây giờ thì tùy ở quý vị.
---------------
(54) [Được giảng vào đêm rằm Lễ Giữ Tám Giới (Bát Quan Trai Giới) tại chùa Wat Pah Pong năm 1976.] (55) [Upsatha là Tám Giới (HV: Bát Quan Trai giới), bao gồm Năm giới căn bản (không sát sinh, không lấy cắp, không nói dối, không tà dâm, và không uống rượu hay dùng các chất độc hại) cộng thêm ba giới nữa là: không trang điểm, son phấn và không tham gia kịch nghệ, múa hát; không ngồi nằm trên giường cao ghế đẹp xa hoa; và không ăn quá giờ 12 giờ trưa (ngọ). Những Ngày Upsatha hay dịp Lễ Bát Quan Trai giới là thời gian các Phật tử thường đến chùa để tu giữ không phạm vào tám giới trên để tâm được trong sạch, lắng nghe Giáo Pháp từ các sư thầy, và để thiền tập.] (Việc giữ tám giới được thực hiện bốn ngày trong một tháng Phật lịch là mồng 1 (đầu trăng), mồng 8 (giữa kỳ trăng đầy lên), rằm 15 (trăng tròn) và 23 (giữa kỳ trăng khuyết đi). (Các nước Phật giáo Đại thừa thì chọn sáu ngày trong một tháng, đó là mồng 8, 14, 15, 23 và hai ngày cuối của tháng âm lịch đó). (56) (Kusala là thiện, lành, tốt, khéo léo, khôn khéo, thiện xảo. Ngược lại là akusalà). (57) [Pariyatti là phần giáo lý được ghi lại trong kinh điển hoặc được truyền thụ từ người này sang người khác. Đây là phần lý thuyết của Phật giáo (Pháp học). Pháp học chỉ dạy về hai phần khác, đó là phần thực hành (Pháp hành, Patipatti) và phần chứng ngộ (Pháp giác ngộ, Pativedha). Vậy tất cả có ba phần: Học Tu Chứng]. (58) upãdinnaka sankhãrã: sinh trạng, sinh vật, chúng sinh có tâm thức (có thức, có ý thức, hữu thức, hữu tình), aupãdinnaka sankhãrã: sinh vật, chúng sinh không có tâm thức (không có thức, vô thức, vô tình). (Chỗ này theo cách giảng bình dân của thiền sư được dịch ra tiếng Anh (mind attended và not mind attended) là: “có chú tâm” và “không có chú tâm”, nghĩa là loài sinh vật có tâm thức thì có thể chú tâm, và dạng không tâm thức thì không thể có chú tâm). (59) (Samutti sacca: sự thật do quy ước, do cách nghĩ và cái tâm đối đãi so sánh của con người quy định, đó là tục đế. Ví dụ, “cái ly” chỉ là do cách con người đặt tên để gọi và phân biệt với những thứ khác, nhưng về bản chất thực sự nó không phải là một “cái ly”. Ví dụ những dân tộc khác lại gọi nó bằng chữ khác. Đó chỉ là sự thật do quy ưóc, là tương đối, không phải là sự thật tuyệt đối hay chân đế (paramattha sacca). (60) [Như chú thích 32]. (61) [Nhìn sâu, suy xét và buông bỏ năm uẩn dính chấp 'sắc, thọ, tưởng, hành, thức'] (62) [Tipitaka: là Ba Rỗ Kinh, Ba Kho Tàng Kinh, Tam Tạng Kinh, gồm có ba phần Kinh tạng (Sutta pitaka), Luật tạng (Vinaya pitaka) và Vi Diệu Pháp tạng (Abhidhamma pitaka). Phần thứ ba có thể coi là phần cao học của triết học và tâm lý học Phật giáo]. (63) [Các câu kinh Pali này thường được đọc tụng ở các đạo tràng sau giờ dạy về giới hạnh].