Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 57. Quy ước Thế Gian & Sự Giải Thoát »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 57. Quy ước Thế Gian & Sự Giải Thoát

Donate

(Lượt xem: 3.671)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 57. Quy ước Thế Gian & Sự Giải Thoát

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
(22)Tất cả mọi thứ trên đời này đều chỉ là những quy ước do con người đặt ra. Sau khi đặt ra chúng, con người bị lạc vào trong chúng, và không chịu buông bỏ, làm sinh ra những sự chấp thủ này nọ đủ kiểu theo những cách nhìn và ý kiến của mỗi người. Sự chấp thủ này không bao giờ kết thúc, đó chính là dòng luân hồi (samsãra) trôi dài vô tận. Chẳng bao giờ kết thúc. Do vậy, bây giờ nếu chúng ta hiểu biết về thực tại đích thực của những quy ước, thì chúng ta có được sự Giải Thoát. Nếu chúng ta hiểu biết được sự Giải Thoát là gì, thì chúng ta hiểu biết về sự quy ước. Điều này là hiểu biết Giáo Pháp. Ngay đây là chỗ kết thúc.

Lấy ngay con người làm ví dụ. Đúng thực tại, con người không có tên, chúng ta được sinh ra trần trụi vào trong thế gian. Nếu chúng ta có tên thì chẳng qua đó là do quy ước, do đặt tên mà có. Tôi đã suy xét chánh niệm về điều này và nhận thấy rằng nếu chúng ta không hiểu biết sự thật về sự quy ước đó, thì có thể sẽ thực sự nguy hiểm đối với ta. Tên đó chỉ đơn giản là cái chúng ta dùng cho thuận tiện mà thôi. Không có tên và những quy ước thì chúng ta khó có thể giao tiếp với nhau, không có gì để gì để nói, không ngôn ngữ.

Tôi từng thấy những người phương Tây khi họ thiền tập ở châu Âu. Khi hết giờ thiền, họ đứng dậy, cả nam lẫn nữ, nhiều lúc họ vừa đi vừa xoa đầu nhau!(23) Khi tôi nhìn thấy tôi nghĩ rằng, "À nếu cứ làm theo quy ước truyền thống sẽ làm khởi sinh ô nhiễm ở ngay đó". Nếu chúng ta biết bỏ đi những cách truyền thống đó, bỏ đi những quy ước và ý kiến, chúng ta sẽ được bình yên.

Cũng như những vị tướng và tá, là những người theo cấp bậc, họ đã đến gặp tôi. Khi gặp họ nói "Xin thầy hãy đặt tay lên đầu chứng tôi."(24) Khi họ yêu cầu vậy thì chẳng có gì sai trái, họ vui mừng vì được sư thầy đặt tay lên đầu. Nhưng nếu bạn 'vỗ' lên đầu họ giữa đường thì lại là câu chuyện khác! Điều này là do dính chấp. (Cũng là có người đụng tay lên đầu, nhưng lúc thì mừng lạy, lúc thì tức giận). Do vậy tôi cảm thấy bỏ đi hết mấy chuyện đó mới thực sự là cách bình an. Việc đụng tay lên đầu là không đúng trong truyền thống của người Thái, nhưng thực ra thì nó chẳng là gì. Khi họ đồng ý để đầu họ được người khác đụng tay lên thì không sao hết, chỉ giống như đụng tay vào một bắp cải hay củ khoai mà thôi.

Từ bỏ, buông bỏ - đây là cách nhẹ nhàng. Khi bạn cứ chấp đúng chấp sai, ngay đó tạo ra sự trở thành và sự sinh. Nguy hiểm là chỗ đó. Đức Phật đã nói về những quy ước tục lệ và Phật dạy cách bỏ đi những quy ước tục lệ đó là cách đúng đắn, và là cách để đạt đến sự Giải Thoát.

Đó là sự tự do, không còn dính vào những quy ước, truyền thống, tục lệ nào nữa. Tất cả mọi thứ trên thế gian đều là hiện thực thuộc về quy ước, do những quy ước mà có. Sau khi con người đã đặt ra muôn vàn quy ước thì họ không nên bị dính vào trong đó, bởi khi đã bị dính vào những quy ước thì sẽ thực sự dẫn đến khổ. Về điểm này, những quy tắc, tục lệ và quy ước thực sự là rất hệ trọng. Ai buông bỏ và vượt trên những thứ đó thì sẽ vượt qua khổ.

Tuy vậy, chúng vẫn là một thuộc tính của thế gian con người. Lấy ví dụ ông Boonmah; ông vốn là một dân thường, nhưng giờ ông đã được bầu thành một quận trưởng. Điều đó là do quy ước của mọi người và chúng ta phải tôn trọng theo. Đó là một phần của cuộc sống xã hội của con người. Nếu bạn nghĩ rằng: "A, trước kia ông ấy là bạn tôi, chúng tôi cùng làm trong tiệm may, bạn bè mà", và rồi bạn đi đến gõ lên đầu ông ấy giữa đường giữa chợ, thì ông ấy sẽ nổi giận. Điều đó không đúng, ông ấy sẽ bực tức. Do vậy chúng ta phải tuân theo quy ước chung (giờ ông ấy là ngài Quận Trưởng) để tránh gây ra rắc rối vì làm ông ta nổi giận. Điều hữu ích là phải hiểu rõ quy ước, luật lệ của xã hội. Phải biết rõ về các quy ước, luật lệ đúng lúc, đúng nơi, đúng người.

Tại sao làm trái quy ước luật lệ là điều sai trong xã hội? Sai là bởi do con người! Bạn phải nên khôn khéo, hiểu biết rõ về cả sự quy ước và sự Giải Thoát. Biết rõ mỗi thứ đúng lúc. Nếu chúng ta biết cách sử dụng các quy ước, luật lệ trên đời một cách dễ dàng thì chúng ta là khôn khéo.

Nhưng tôi vẫn thường nói, trước kia chúng tôi là người tại gia, nay là người xuất gia. Chúng tôi từng sống theo những quy ước của 'người tại gia' và nay chúng tôi sống trong quy ước của Tỳ kheo'. Chúng tôi là những tu sĩ do quy ước, chứ không phải là tu sĩ bằng sự Giải Thoát. Lúc đầu chúng tôi chỉ quy ước như vậy để trở thành Tăng, Ni, nhưng điều đó không có nghĩa là sau khi thọ giới vô chùa là chúng tôi đã được trong sạch, đã hết ô nhiễm. Nếu chúng ta nắm một nắm cát và đồng ý với nhau gọi đó là muối, điều đó có biến cát thành muối không? Là muối, nhưng chỉ là tên đó chúng ta gọi mà thôi, chứ thực tại không đúng là muối. Bạn không thể dùng nó để nêm nếm thức ăn. Vì tên 'muối' đó chỉ là quy ước, thực tại thì nó là cát. Chúng ta thích gọi nó là muối vậy thôi, chứ không phải là muối.

Bản thân chữ "Giải Thoát" cũng chỉ là quy ước, nhưng nó diễn đạt ý nghĩa "vượt trên quy ước, thoát khỏi quy ước". Sau khi đạt được sự tự do, sau khi đã đạt đến sự Giải Thoát, chúng ta vẫn còn phải dùng chữ quy ước này để diễn tả về ý nghĩa của sự Giải Thoát. Nếu chúng ta không có những quy ước thì chúng ta không thể nào giao tiếp, truyền thụ; do vậy những quy ước thế gian cũng có công dụng của nó.

Ví dụ, người ta có nhiều tên khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều như nhau. Nếu chúng ta không có tên để phân biệt họ với nhau thì cũng khó; chẳng lẽ chúng ta muốn gọi một người đứng giữa đám đông thì cứ kêu: "Ê, người ơi, người ơi!" vậy thì ai biết ta đang gọi ai, bởi vì tất cả họ đều là những 'người'. Nhưng nếu bạn kêu: "Ê, A ơi, anh A!", thì người tên A đang đứng ở hướng đó sẽ quay lại với chúng ta, còn những người khác thì không cần quay lại, vì họ có tên khác. Tên chỉ có công dụng đó. Nhờ có các tên, chúng ta dễ giao tiếp nhau, tên cung cấp cơ sở cho giao tiếp và cho nhu cầu tổ chức của xã hội.

Chúng ta nên hiểu rõ cả hai ý nghĩa quy ước và giải thoát. Những quy ước có một công dụng, nhưng về thực tại thì chẳng là gì cả. Ngay cả con người cũng không-tồn-tại. 'Con người' chỉ là một tập hợp những yếu tố tứ đại (đất, nước, khí, nhiệt), được sinh ra nhờ các điều kiện nhân duyên, lớn lên nhờ vào các điều kiện, tồn tại trong một khắc rồi biến đổi, rồi chết đi sau một thời gian ngắn ngủi theo quy luật của tự nhiên. Chẳng ai có thể chống chọi lại hay kiểm soát được tiến trình đổi thay vô thường đó. Nhưng không có những quy ước chúng ta chẳng có gì để nói, chúng ta không có các tên tuổi, công việc. Những luật lệ và quy ước được lập ra để tạo ra những ngôn ngữ, làm chúng ta dễ dàng giao tiếp, và chỉ có vậy.

Lấy ví dụ tiền. Thời cổ xưa không có tiền cắc hay tiền giấy. Chúng ta trao đổi hàng hóa, vật dụng, nhưng khó mà trao đổi ngang mọi thứ, nên con người đã tạo ra tiền. Tiền là những quy ước giá trị, chứ bản thân đồng cắc và tiền giấy thì đâu có giá trị thực gì.

(Sau này người ta còn thậm chí dùng thêm thẻ bằng nhựa chứa đựng những thông tin quy ước giá trị trong đó dùng để thanh toán, mua bán; thậm chí qua những đường dây kết nối bằng điện tử... Ajahn Chah đã giảng những bài pháp vào những thập niên 1960, 1970 khi việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ tín dụng còn chưa phổ biến).

Nói tóm lại, con người có thể dùng bất cứ thứ gì để làm quy ước giá trị để mua bán. Nói cho vui, ngay cả khi thế giới trở nên khan hiếm gà, người ta có thể dùng phân gà để làm đơn vị tiền tệ! Rồi không chừng lúc đó mọi người lại chém giết nhau vì phân gà!

Vậy đó, chúng ta có thể dùng rất nhiều ví dụ để tả về sự quy ước là gì. Cái chúng ta gọi là tiền chỉ là quy ước được lập ra, nó chỉ có giá trị và công dụng trong quy ước đó thôi. Nó được quy định là tiền, nên nó trở thành tiền. Nhưng thực tại thì, tiền là cái gì? Chẳng ai nói được. Chúng chỉ là mớ kim loại và mớ giấy làm từ cây cỏ. Nhưng khi có số đông đã quy ước nó là giá trị, thì quy ước đó đều được tuân theo để thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Thế gian chỉ là vậy.

Đó là quy ước, nhưng để làm cho những người bình thường hiểu được sự Giải Thoát là rất khó. Tiền của ta, nhà của ta, gia đình của ta, con cái của ta, dòng họ của ta... thực ra chỉ là những quy ước mà chúng ta lập ra; nhưng nếu nhìn mọi thứ dưới ánh sáng của Giáo Pháp (và thực tại) thì tất cả những thứ đó không thuộc về chúng ta. Có thể khi nghe điều này ta không thấy dễ chịu và đáng phải tin, nhưng thực tại đúng là như vậy. Những thứ đó chỉ có giá trị theo những quy ước mà chúng ta đã lập ra trên đời. Nếu chúng ta quy ước những thứ đó không có giá trị, thì chúng sẽ không có giá trị. (Nếu chúng ta quy ước một người họ hàng là kẻ thù của mình, thì người đó không có giá trị với ta). Nếu chúng ta quy ước những thứ đó là có giá trị, thì chúng sẽ có giá trị theo quy ước đó. (Nếu chúng ta quy ước kẻ thù của mình là bạn bè thân thiết, thì người đó trở thành có giá trị với ta). Chỉ là như vậy, con người chúng ta đưa những quy ước vào trong thế gian để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau như giao tiếp, truyền thừa, xã hội, kinh tế, tình cảm, an ninh, tâm linh...

Ngay cả thân này của chúng ta cũng không phải là của chúng ta, chỉ là do chúng ta 'quy định' nó là vậy. Đó chỉ là sự quy định của chúng ta. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sâu sát để tìm ra một cái 'ta' thực chất nằm bên trong nó, thì chúng ta đâu tìm ra gì. Đó chỉ là những yếu tố được sinh ra, tiếp tục tồn tại trong một thời gian, rồi chết đi. Tất cả mọi thứ trên đời đều như vậy. Không có một thực-chất hay một thực- thể nào thực sự gắn bên trong hay đằng sau chúng. Giống như cái ly này. Đến lúc nào đó nó cũng cũ đi và bể nát, nhưng khi nó còn đây thì chúng ta vẫn còn gọi là cái ly, vẫn còn lo giữ và sử dụng nó. Nó chỉ là một công cụ để ta dùng. Nó bể thì ta buồn, nhưng dù biết trước sau nó cũng cũ và bể, ta vẫn cứ giữ gìn nó kỹ lưỡng lúc này.

Phật dạy chúng ta nhiều lần phải chánh niệm về bốn thứ trợ sinh của chúng ta: y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc men. Đó là bốn thứ trợ giúp các tu sĩ giữ thân này khỏe mạnh để tiếp tục tu hành. Khi nào còn sống, chúng ta phải nhờ vào bốn thứ đó, nhưng chúng ta cần nên hiểu biết rõ về chúng. Đừng tham nắm, đừng dính chấp vào chúng, đừng khởi sinh lòng tham vì chúng. (Đừng nên tham muốn có đủ nhiều y phục mới, thức ăn rất ngon, chùa to đẹp, và thuốc men y tế hiện đại.)

Quy ước và sự giải thoát liên quan vói nhau liên tục như vậy. Dù chúng ta đang sử dụng những thứ do quy ước vì đời sống, chúng ta cũng không nên đặt lòng tin vào những thứ đó là thực. Nếu chúng ta cứ tham muốn hay dính chấp vào chúng, khổ đau lại khởi sinh. Lấy ví dụ về đúng và sai là hay nhất ở đây. Nhiều người coi cái sai là đúng và coi cái đúng là sai, nhưng rốt cuộc thì ai biết được cái nào là đúng và cái nào là sai? Chúng ta không biết được. Những người khác nhau thì có những quy ước khác nhau về sự đúng và sự sai; còn Phật thì không đặt nặng chữ đúng chữ sai là gì, mà đặt ra vấn đề là khổ hay không khổ để hướng dẫn chúng ta! (Chỗ này người học Phật cần lưu ý!) Nếu ai cũng muốn cãi nhau về đúng và sai thì cãi cho đến chết cũng không bao giờ hết.

(Hàng tỷ người vẫn đang cãi nhau về những điều đúng điều sai; hàng trăm quốc gia vẫn đang tranh chấp và chiến tranh với nhau những điều bên này cho là đứng, bên kia cho là sai. Hàng tỷ quan điểm đúng và sai về hàng tỷ điều trên thế gian đang tồn tại trên thế gian). Người thì cho là đúng, người thì cho sai. (Hàng tỷ những đối thoại như vậy bởi hàng tỷ người diễn ra trên trái đất này trong một lần mặt trời mọc và lặn. Hầu hết những đối thoại của loài người luôn luôn là về đúng và sai). Nhưng đích thực, chúng ta chẳng biết điều gì là đúng hay sai là gì. (Đúng hay sai chỉ là quy ước thế gian, và nó còn tùy thuộc vào quy ước của từng người, từng nhóm người, từng địa phương, từng dân tộc, và từng mỗi người trong từng mỗi dân tộc đó...) Về mặt tu hành, để hữu ích và thiết thực, chúng ta có thể nói nôm na rằng: điều đúng là điều không làm hại mình và không làm hại người; và điều sai là điều ngược lại. Cách nghĩ này là của đạo Phật và nó sẽ giúp thỏa mãn mục đích tu tâm tích cực của chúng ta.

Vậy, cuối cùng, tất cả những luật lệ và quy ước và sự giải thoát chỉ đơn giản là những pháp. Cái này hơn cái kia, nhưng chúng đi chung với nhau. Không có gì chúng ta có thể bảo đảm cái gì là nhất định như vầy, và cái kia là nhất định như kia; do vậy Phật dạy rằng cứ để yên mọi sự. Cứ coi chúng là không chắc chắn, tất cả đều vô thường. Cứ vậy, dù bạn có thích hay ghét chúng bao nhiêu, hãy luôn nhớ rằng chúng là không chắc chắn, vô thường.

Dù bất cứ ở đâu và khi nào, toàn bộ việc tu hành Giáo Pháp của đạo Phật là để đi đến nơi kết cuộc là nơi không có gì. Đó là nơi của sự từ bỏ, nơi của sự trống không, nơi đã đặt xuống mọi gánh nặng. Đây là đích đến của việc tu hành theo đạo Phật. Chứ việc tu hành không phải để ngồi đó tranh cãi về đúng và sai: ví dụ như câu chuyện các nhà sư ngồi cãi với nhau "Tại sao phướn bay? Tôi chắc là do gió thổi". Người thì nói là do phướn động, người thì nói là do gió động. Để cho vị sư phụ phải nói là do tâm mấy người cãi động. Chẳng bao giờ kết thúc chuyện tranh biện đúng sai. Cũng giống như chuyện cãi "Con gà có trước hay quả trứng có trước?", làm sao chúng ta biết chắc được mà ai cũng đi cãi qua cãi lại. Chẳng có cách nào đi đến một kết luận cho mọi người khác nhau: Đó chỉ là tự nhiên.

Tất cả những điều chúng ta đang nói cũng là những quy ước. Nếu bạn hiểu được những điều này bằng trí tuệ, bạn sẽ biết về lẽ thật vô thường, khổ và vô ngã. Đây chính là tầm nhìn để dẫn đến sự giác ngộ.

Quý vị biết đó, huấn luyện và chỉ dạy nhiều người với nhiều trình độ hiểu biết khác nhau thì thực sự khó. Một số người có sẵn những ý tưởng trong đầu, nên khi mình nói họ điều gì, họ không chịu tin. Mình nói sự thật cho họ, họ nói đó không phải thật. Họ cứ nói họ đúng, mình sai. Cứ như vậy không bao giò kết thúc.

Nếu bạn không biết buông bỏ, khổ sẽ có mặt hoài. Tôi có lần kể cho quý vị nghe chuyện bốn người đi vô rừng. Họ nghe tiếng gà rừng kêu crọt-crọt. Một người hỏi: "Đó là gà cồ hay gà mái vậy?" Ba người kia nói đó là gà mái, nhưng người đó khăng khăng phải là gà cồ. "Gà mái làm sao kêu như vậy được?" Ba người kia tiếp tục: "Thì nó có miệng nó kêu như vậy, bộ gà mái không có miệng sao?" Họ cứ cãi chày cãi cối cho đến khi khô miệng, chảy nước mắt vì bực tức, nhưng rốt cuộc tất cả họ đều sai. Sai là vì cứ dựa vào quy ước riêng của mình về gà cồ, gà mái. Ai cũng bảo thủ rằng gà cồ phải kêu như vầy, gà mái phải kêu như vậy. Thực ra chỉ là gà, gà cồ và gà mái là do họ đặt ra và quy kết cái tiếng kêu của mỗi loại họ quy ước trong đầu. Và cứ như vậy, họ cứ dính theo thế giới. Hãy nhớ kỹ điều này. Thực ra chỉ cần không chấp gì gà cồ gà mái thì câu chuyện sẽ không rắc rối như vậy.

Trong môi trường thực tại do quy ước thì có một bên đúng và một bên sai, và không bao giờ có sự đồng ý hoàn toàn. Cứ tranh cãi cho đến khi khô miệng, chảy nước mắt (thậm chí thù hận nhau) thì chẳng ích gì.

Đức Phật dạy không dính chấp. Làm sao chúng ta tu tập sự không dính chấp? Đơn giản là chúng ta tu tập dẹp bỏ sự dính chấp, nhưng sự không dính chấp là rất khó hiểu. Nó phải cần có trí tuệ sắc bén để điều tra và thâm nhập vào bên trong nó để thực sự đạt đến sự không dính chấp, đạt đến sự buông bỏ.

Hãy nghĩ về điều này, người ta sướng hay khổ, vui hay buồn thực ra không phải do có nhiều hay ít, giàu hay nghèo, mà là tùy thuộc vào trí tuệ hiểu biết. Tất cả mọi sự phiền não đau thương chỉ có thể được chuyển hóa thông qua trí tuệ, thông qua sự nhìn thấy sự thật của tất cả mọi sự trên thế gian.

Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta nên điều tra, suy xét, quán xét. Chữ 'quán xét' ở đây đơn giản có nghĩa là nỗ lực giải quyết vấn đề khó khổ một cách đúng đắn. Đó là việc tu hành của chúng ta. Giống như sinh, già, bệnh, chết— tất cả mọi thứ trên thế gian đều đi theo tiến trình tự nhiên và giống nhau như vậy. Phật dạy phải quán xét, phải chánh niệm về sinh, già bệnh, chết, nhưng nhiều người không hiểu được lẽ này. "Quán xét chánh niệm cái gì?", họ hỏi lại. Họ được sinh ra nhưng họ không biết sự chết, họ sẽ chết nhưng họ không biết sự chết.

Người chuyên cần điều tra về những lẽ thật này thì sẽ nhìn thấy. Sau khi nhìn thấy những lẽ thật đó, người ấy sẽ dần dần giải quyết những vấn đề khó khổ. Ngay cả khi người ấy vẫn còn nhiều dính chấp, nhưng khi người ấy đã có trí tuệ nhìn thấy lẽ 'sinh, già, chết' là lẽ thật và đường lối của tự nhiên, thì người ấy có thể giải tỏa những khó khổ. Chúng ta tu học Giáo Pháp chỉ vì mục đích này—chữa trị những khổ đau.

Chỗ này hầu như là căn bản của đạo Phật, rõ ràng có sinh, già, bệnh, chết; đó là lẽ thật. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; đó là lẽ thật. Người ta không nhìn thấy sự khổ này là sự thật. Nếu chúng ta hiểu biết sự thật, thì chúng ta hiểu biết về khổ.

Sự 'tự ta' trong ý kiến của mình, sự tranh chấp, biện cãi, sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Để làm cho tâm chúng ta được yên nghỉ, để tìm thấy sự bình an, chúng ta phải quán xét chánh niệm về quá khứ, hiện tại, và những thứ (nghiệp) đã được tàng tích trong chúng ta. Cũng giống như quán xét về lẽ sinh, già, bệnh, chết. Chúng ta làm sao có thể tránh được những điều không tránh khỏi đó? Chúng ta vẫn còn lo lắng ít nhiều về những điều không tránh khỏi đó (và chắc vẫn luôn dính chấp ám ảnh về những điều đó). Nhưng nếu chúng ta nỗ lực điều tra suy xét cho đến khi chúng ta hiểu biết đúng theo sự thật, thì tất cả mọi khổ đau sẽ biến dần, bởi chúng ta không còn dính chấp hay ám ảnh vào chúng.

Nếu chúng ta có sự chuyên cần trong tu tập thì khi được khen, đó chỉ là lòi khen, nếu bị chê, đó chỉ là lời chê. Chúng ta không cần phản ứng này nọ với điều đó, cứ an trú ở đây. Vì sao? Bởi chúng ta thấy được nguy cơ của sự phản ứng này nọ, chúng ta thấy trước kết quả của việc phản ứng. Chúng ta liên tục ý thức tỉnh giác về sự nguy hiểm của cả lời khen và lời chê. Thông thường, nếu chúng ta có một trạng thái tốt, tâm cũng tốt, chúng ta thấy cả hai đều tốt, chúng ta thích. Nếu chúng ta có một trạng thái xấu, tâm cũng xấu, chúng ta không ưa thích. Ngay chỗ này là cách tu tập không cân bằng, thiếu bình tâm.

Nếu chúng ta có sự chuyên cần tu tập đủ để hiểu biết những trạng thái của chúng ta, và hiểu biết rằng chúng ta đang dính mắc vào các trạng thái, thì đó là cách tu tập tốt hơn. Đó là chúng ta có được sự tỉnh giác, chúng ta biết cái gì đang diễn ra, nhưng chúng ta vẫn chưa buông bỏ được. Chúng ta nhìn thấy mình đang dính chấp vào những thứ tốt và xấu, và chúng ta biết rõ về điều đó. Chúng ta dính chấp theo cái tốt và biết rằng đó không phải là cách tu tập đúng đắn, nhưng chúng ta vẫn chưa buông bỏ được. Nhưng được như vậy là cũng tu tập được 50% hay 70% rồi. Vẫn chưa giải tỏa được, nhưng chúng ta đã biết nếu buông bỏ được thì chúng ta sẽ đạt đến sự bình an. Chúng ta tiếp tục quán sát tất cả những trạng thái thích và không thích, tham và sân, khen và chê của chúng ta một cách liên tục. Dù ở trong hoàn cảnh nào, tâm lúc nào cũng chuyên cần liên tục như vậy.

Đối với những người thế gian, khi họ bị chê bai hay chỉ trích họ thực sự bực tức. Nếu họ được khen thì họ vui mừng. Nếu chúng ta hiểu biết rõ sự thật của những trạng thái khác nhau, nếu chúng ta biết về những hậu quả của việc dính chấp theo những sự chê khen, về những sự nguy hiểm khi dính chấp vào bất cứ thứ gì, thì chúng ta sẽ luôn nhạy cảm về những trạng thái của chúng ta. Chúng ta sẽ biết rằng dính chấp theo những trạng thái sẽ thực sự gây ra khổ đau. Chúng ta nhìn thấy sự khổ đau, và nhìn thấy sự dính chấp chính là nguyên nhân tạo ra khổ đau đó. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy những hậu quả của việc nắm giữ và dính chấp vào những cái tốt cái xấu—đó không phải là hạnh phúc thực sự. Dính chấp, tham chấp, ràng buộc không phải là cách hạnh phúc. Bởi vậy bây giờ chúng ta phải tìm cách buông-bỏ.

Vậy 'cách buông bỏ' nằm ở đâu? Trong nhà Phật, chúng tôi nói là "Đừng dính vào thứ gì". Chúng ta không bao giờ hết nghe về câu này, "Đừng dính chấp vào thứ gì!" Điều này có nghĩa là "nắm bắt" hay "bắt kịp", nhưng đừng nắm dính hay dính theo nó. Ví dụ như cái đèn pin này. Chúng ta thấy nó và nghĩ "Cái gì đây?" Chúng ta nắm nó lên và nhận biết đó là đèn pin, rồi chúng ta bỏ xuống lại, không nắm riết nó. Chúng ta nắm bắt hay bắt kịp mọi sự theo cách như vậy. (Bắt kịp, nhận biết và buông bỏ).

Nếu chúng ta không nắm giữ điều gì, vậy chúng ta có thể làm gì được? Chúng ta không thể thiền hay làm bất cứ điều gì, nên chúng ta phải nắm bắt sự vật trước. Nắm bắt cũng là tham muốn, phải, đúng vậy, nhưng sau đó dẫn đến công hạnh tốt, dẫn đến sự hoàn thiện và đức hạnh, tức là dẫn đến ba-la-mật (pãramĩ). Ví dụ, cũng giống như vì có tham muốn đến đây nên Thầy Jagaro(25) đã đến chùa Wat Pah Pong này. Trước tiên thầy ấy phải có sự muốn đi. Nếu thầy ấy cảm thấy mình không muốn đi đến đây, thầy ấy đã không đi. Những người khác cũng vậy, họ đến thăm chùa này vì họ muốn đến. Nhưng khi sự tham muốn khởi sinh, chúng ta đừng dính chấp vào nó! Vậy quý vị đến, và sau đó quý vị về lại... Đây là cái gì? Chúng ta nắm lên, nhìn nó và nhận ra nó, "À, đây là đèn pin." Rồi sau đó đặt xuống. Điều này được gọi là nắm lấy (nắm bắt, bắt kịp) nhưng không nắm giữ nó luôn, không dính chấp vào nó, không chạy theo nó—chúng ta buông bỏ. Nói đơn giản hơn, chúng ta chỉ nói như vầy: "Biết, rồi buông bỏ." Liên tục nhìn, liên tục nhìn thấy và buông bỏ. "Cái này, họ nói tốt; cái này, họ nói không tốt"... ta biết, và buông bỏ. Tốt và xấu, ta biết hết về nó, nhưng ta buông bỏ. Chúng ta không ngu dại dính chấp (nắm giữ, dính chặt, ràng buộc, chạy theo, dính theo) mọi thứ mọi sự, nhưng chúng ta chỉ nắm 'bắt nó' (bắt kịp, nhận biết kịp) chúng bằng trí tuệ. Chúng ta phải thực hành một cách chuyên cần, ổn định như vậy. Thực hành như vậy trong mọi tư thế. Cứ làm cho tâm biết (nhận biết, thấy) mọi sự theo cách như vậy, rồi cứ để yên cho trí tuệ khởi sinh. Khi tâm đã có trí tuệ thì còn muốn tìm gì khác nữa bây giờ?

Chúng ta phải quán xét về cái chúng ta đang làm. Chúng ta đang sống ở đây vì lý do gì, chúng ta đang làm việc để làm gì? Ở đời người ta làm để có được này được nọ, nhưng những nhà sư dạy những điều sâu sắc hơn. Và chúng tôi làm điều gì cũng không phải để được trả công hay để cầu được gì. Người thế tục làm việc vì họ muốn có thứ này thứ nọ (tiện nghi, nhà cửa, tài, sắc, danh, quyền...), nhưng Phật thì dạy người đi tu làm việc gì vì nên làm, làm việc để nên việc, chúng tôi không đòi hỏi được gì từ việc làm của mình.

Nếu chúng ta luôn làm bất cứ việc gì vì quyền lợi thì điều đó sẽ dẫn đến khổ. Hãy tự mình thử mà coi! Ngay cả nếu bạn muốn làm cho tâm bình an do vậy bạn ngồi thiền và cố gắng làm cho tâm bình an—bạn sẽ khổ! Hãy thử làm đi mà coi! Cách của chúng tôi thì khác hơn, thanh tịnh hơn. Chúng tôi cũng muốn ngồi thiền để làm cho tâm bình an, nhưng sau cái muốn đó chúng tôi buông bỏ; chỉ thiền và buông bỏ, và tiếp tục buông bỏ.

Có một số người Bà-la-môn vào thời Phật còn sống, ta thấy họ cố tình muốn cắt bỏ tham muốn: họ có tham muốn trong tâm, và họ cố cắt bỏ tham muốn. Hành động đó không giúp gì để chuyển hóa khổ, bởi vì họ làm vậy là do tham muốn (tham muốn cắt hết tham dục và được giải tỏa). Ban đầu chúng tôi tu tập cũng với tham muốn đó trong tâm; sau đó chúng tôi tiếp tục tu tập, nhưng không phải cố tâm đạt được điều tham muốn đó. Chứng tôi cứ tu tập cho đến lúc tu không phải để đạt được điều gì cả, chứng tôi chỉ tu tập để buông bỏ, tu tập với sự buông bỏ.

Đây là điều chúng ta phải tự mình suy xét và nhìn thấy cho mình, chỗ này rất sâu sắc. Có lẽ chúng ta đi tu vì muốn đạt đến Niết-bàn—nhưng vì lẽ đó, chúng ta sẽ không thể đạt đến Niết-bàn! Tham muốn được bình an là điều tự nhiên, nhưng đích thực thì điều đó lại không đúng. Chúng ta phải tu tập với sự không mong cầu bất cứ thứ gì. Nếu chúng ta không mong muốn bất cứ thứ gì, thì chúng ta sẽ đạt được gì? Chúng ta không đạt gì cả! Bất cứ thứ gì ta đạt đắc là nguyên nhân của khổ, do vậy chúng ta nên tu tập với tinh thần không mong cầu đạt được gì cả.

Chỗ này được gọi là sự "làm cho tâm trống không". Nó trống không, nhưng vẫn còn việc phải làm. Sự trống không này ít người hiểu được, chỉ có ai chứng đạt đến nó thì mới nhìn thấy nó có là gì, có giá trị gì. Không phải là sự trống không vì không có hay không chứa bất cứ thứ gì, mà đó là sự trống không nằm bên trong tất cả mọi thứ quanh đây. Giống như cái đèn pin này: chúng ta nên nhìn nó là trống không; bởi sự trống không (tánh không) nằm bên trong đèn pin. Không phải là sự trống không mà chúng ta không nhìn thấy gì, không phải vậy. Người nào hiểu nghĩa sự trống không như vậy là hoàn toàn sai. Chúng ta phải nên hiểu rõ sự trống không nằm bên trong mọi thứ đang ở đây.

Những người còn đang tu tập với thái độ mong cầu hay chứng đắc gì đó thì cũng giống như những người Bà-la-môn ngày xưa muốn hy sinh tham muốn để đạt được một cái gì khác. Cũng giống như những người đến gặp tôi để xin tôi rắc 'nước thánh' lên họ. Tôi hỏi họ "Tại sao các anh chị muốn 'nước thiêng' này?" Họ trả lời rằng họ muốn được sống hạnh phúc và sung túc và không bị bệnh đau. Vậy đó, cứ kiểu như vậy thì chẳng bao giờ vượt qua khổ đau được.

Cách thế gian là làm gì cũng có lý do, cũng vì lợi ích nào đó, nhưng đạo Phật là làm những việc tốt thiện mà không cần phải được gì. Thế gian chỉ hiểu mọi thứ theo kiểu nhân quả, nhưng Phật thì dạy chúng ta phải làm những thứ để vượt qua và vượt trên nhân quả. Trí tuệ của Phật là vượt trên nhân, vượt trên quả; vượt trên sinh, vượt trên tử; vượt trên khổ, vượt trên sướng.

Hãy nghĩ về điều đó... đó là chỗ không nơi nào để an trú, đó là không trụ chỗ nào. Chúng ta sống trong cái 'nhà'. Để xuất gia khỏi nhà và đi đến một nơi 'không nhà'... thì chúng ta không biết cách làm, bởi chúng ta đã quen ở trong 'nhà', chúng ta đã luôn luôn sống trong sự trở thành, với sự dính chấp. Nếu chúng ta không dính chấp, chúng ta không biết làm gì khác. (Chúng ta đã quen sống với tất cả mọi dính chấp từ bao kiếp rồi).

Rồi thì, mọi người cũng không thích đi đến Niết-bàn, bởi chẳng có gì ở đó, không có gì cả. Nhìn lên trần nhà và nhìn xuống nền nhà ngay đây. Cái cao nhất là mái nhà, đó là điều tối cao nhất, đó là thứ 'bất biến, bất diệt'(!). Cái thấp nhất là nền nhà, và đó là một cái 'bất biến, bất diệt' nữa. Nhưng bên giữa mái nhà và nền nhà thì không có chỗ nào để đứng, để trụ, hay để bám gì cả. Chúng ta có thể đứng trên mái nhà hay trên nền nhà, nhưng không thể đứng ở giữa khoảng không. Nơi mà không có chỗ để đứng hay bám trụ chính là là nơi có sự trống không; và Niết-bàn chính là chỗ trống-không này.

Mọi người nghe thấy điều này họ hơi ngại và lùi lại, họ không muốn đi tới. Họ sợ rằng sẽ không còn gặp lại con cái, anh em, họ hàng của mình nữa. Bởi do vậy, nên khi mọi người chúc phúc cho các Phật tử tại gia, tất cả đều muốn chúc rằng: "Chúc anh chị được sống thọ, được đẹp đẽ, sung sướng và mạnh giỏi". (Chúc vậy người ta mới vui; chứ chúc mau mau đi đến chỗ "trống-không" kia thì họ bực tức, nghĩ là xui xẻo, hoặc nghĩ mình ác ý!). Đầu năm, cuối năm mà chúc như vậy họ mừng lắm, nên cảm ơn lia lịa và đáp lại "sadhu" (Lành thay!) Nếu chúng ta nói gì gì về chỗ "trống- không" thì họ không muốn nghe đâu, họ đã quen dính với những thứ mà họ cho là 'chắc chắn, bất biến, bất diệt' như cái mái nhà và nền nhà kia.

Vì không hiểu nổi, họ làm như không biết. Bạn có bao giờ thấy một người già sụ với một làn da tươi đẹp chưa? Bạn có bao giờ thấy một người già mà sức mạnh như lực sĩ hoặc luôn luôn sung sướng chưa? Vậy đó, vậy mà họ cứ chúc nhau là "Sống thọ, đẹp đẽ, sung sướng và mạnh giỏi". (Đã nhiều tuổi là phải già đi, xấu đi, yếu đi và khổ sở với mọi tư thế, chứ sao sung sướng được!) Họ muốn vậy chẳng khác nào những Bà-la-môn kia tu tập với mong cầu được chứng đắc theo tham muốn mình vậy. Điều đó là không được.

Trong tu tập chúng ta không nên ép mình vào một 'sở nguyện' hay một 'trách nhiệm' nào cả, tức là chúng ta tu tập không phải là để phải đạt được hay đạt đến điều gì. Chúng ta không muốn gì hết. Nếu chúng ta còn muốn thứ gì thì thứ đó vẫn còn đâu đó mà, lo gì cho vội. Chỉ cần làm cho cái tâm bình an và làm xong tốt việc tu tập. Nhưng ngay cả khi tôi nói đến như vầy quý vị cũng không thấy thích, bởi vì quý vị vẫn còn muốn được "sinh" lại.

Tất cả những người tại gia nên gần gũi với các Tăng Ni để nhìn học cách tu tập từ họ. Gần gũi Tăng Ni là gần gũi với Phật, là gần gũi với Giáo Pháp. Phật đã nói: "Này Ananda, phải tu tập nhiều, phải phát triển sự tu tập! Ai mà nhìn thấy Giáo Pháp là thấy ta, và ai nhìn thấy ta là thấy Giáo Pháp.”

Mà Phật ở đâu? Chúng ta thường nghĩ rằng Phật đã mất rồi, nhưng thực ra Phật chính là Giáo Pháp, là Sự Thật. Một số người thích nói rằng: "Ồ, nếu tôi được sinh ra thời có Phật thì chắc tôi đã lên đến Niết-bàn rồi." Chỉ có người ngu dốt mới nói như vậy. Phật vẫn còn ở đây. Dù ai có sống hay chết thì sự thật và chân lý vẫn còn ở đây. Chân lý thì không bao giờ rời khỏi thế gian, nó luôn luôn có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Cho nên, dù Đức Phật lịch sử có được sinh ra hay không, hoặc còn sống hay chết, hoặc dù ai có hiểu biết hay không biết, thì chân lý và sự thật vẫn luôn có mặt ở đó.

Do vậy chúng ta nên gần gũi với Phật, chúng ta nên hướng vào và tìm thấy Giáo Pháp. Khi chúng ta tới được Giáo Pháp, chúng ta sẽ tới được Phật; nhìn thấy Giáo Pháp là nhìn thấy Phật, và tất cả mọi nghi ngờ sẽ tan biến.

Để so sánh, lấy ví dụ thầy giáo Choo. Trước kia thầy ấy không phải là thầy giáo. Sau khi ông ấy học qua nhiều trường lớp thì ông ấy trở thành thầy giáo Choo. Ông ấy trở thành thầy giáo vì đã học thành công qua những chương trình học bắt buộc, đó là chương trình sư phạm để đào tạo ra các thầy cô giáo. Khi thầy giáo Choo chết đi, thì chương trình học đó vẫn còn, ai học qua chương trình sư phạm đó đều có thể trở thành thầy giáo. Chương trình sư phạm đó vẫn còn, cũng giống như chân lý hay Sự Thật. Sự hiểu biết về sự thật giúp Đức Phật trở thành Phật.

Do vậy, Phật vẫn còn đây. Ai thực hành Giáo Pháp và nhìn thấy Giáo Pháp là nhìn thấy Phật. Thời bây giờ mọi người đều ngớ ngẩn, cứ đoán non đoán già Đức Phật đang ở đâu, chẳng biết đoán mò vậy để làm gì; họ không biết Phật đang ở đây. Nhiều người nói "Nếu tôi được sinh ra vào thời có Đức Phật, chắc chắn tôi đã là đệ tử Phật và tu hành ngon lành và đã giác ngộ". Đó là lời của kẻ ngu dốt và nói dóc.

Này các thầy, đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bỏ y hoàn tục sau ba tháng mưa này. Đừng bao giờ nghĩ như vậy! Có những giây khắc ý nghĩ 'ma ám' này có thể khởi sinh trong tâm, giống như ta phải giết ai đó vậy. Cũng như vậy, chỉ cần nửa giây tích tắc một ý nghĩ có thể xô vào trong tâm bạn mãi mãi, và bạn đã trở thành như vậy.

Và đừng nghĩ rằng các thầy phải thọ giới vào chùa một thời gian lâu thì mới có thể thiền được. Sự tu tập đúng đắn nằm ngay trong khoảnh khắc chúng ta đang tạo nghiệp (kamma). Ngay trong một khắc, một ý nghĩ (tâm) xấu ác khởi sinh... trước khi mình biết mình đã dính vào nghiệp nặng. (Sự trở thành và sự tạo nghiệp là nhanh như vậy đó). Và cũng tương tự như vậy, tất cả những vị đệ tử của Đức Phật đã tu hành trong một thời gian dài, nhưng thời gian để họ chứng đạt giác ngộ chỉ xảy ra trong vòng một khoảnh khắc ý nghĩ, trong một sát-na tâm.

Do vậy, mong quý thầy đừng chểnh mảng, đừng 'lơ tâm', dù trong những việc nhỏ nhặt. Hãy cố gắng tu tập, hãy cố gần gũi với các Tỳ kheo, với Tăng đoàn, quán xét chánh niệm về mọi thứ, rồi sau đó các thầy sẽ hiểu về các tăng. Nói như vậy là quá đủ rồi phải không quý vị? Hơi trễ rồi, có một số thầy sắp buồn ngủ kìa. Phật dạy không nên tiếp tục dạy Giáo Pháp cho những người đang buồn ngủ.

---------------

(22) [Đây là bài giảng bằng phương ngữ vùng Đông Bắc Thái Lan được được chép ra tù một băng thu âm không rõ do ai thu].

(23) [Việc chạm tay lên đầu ngưòi, ví dụ như xoa đầu thân mật ở các nước khác lại là điều không đúng, mang tính sỉ nhục ở Thái Lan và Lào].

(24) [Ở Thái Lan và Lào, người ta tin sẽ có được may mắn hay điềm lành khi được một bậc chân tu hay thánh nhân chạm tay lên đầu].

(25) [Sư Jagaro, Tỳ kheo người Úc, là phó trụ trì chùa Wat Pah Nanachat, người đang dẫn đoàn Tăng Ni và Phật tử đến viếng thăm chùa Wat Pah Nah Pong và tất cả đang ngồi nghe thầy Ajahn Chah thuyết pháp bài này.]

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phát tâm Bồ-đề


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Phúc trình A/5630


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.86.160 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...