Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 68. Nước Tĩnh Lặng Mà Chảy »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 68. Nước Tĩnh Lặng Mà Chảy

Donate

(Lượt xem: 3.714)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 68. Nước Tĩnh Lặng Mà Chảy

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(52) “Bây giờ quý thầy hãy chú tâm, không để tâm lăng xăng nghĩ ngợi về những thứ khác. Tạo cảm giác như ngay bây giờ các thầy đang ngồi trên núi hay trong rừng, tất cả chỉ một mình. Cái gì đang ngồi ngay đây và bây giờ? Có thân và tâm, tất cả chỉ vậy, chỉ có hai thứ này. Tất cả những thứ trong cái đống đang ngồi đây được gọi chung là “thân.” Còn “tâm” là cái đang biết và đang nghĩ ngay lúc này. Hai thứ này còn được gọi là “sắc” (rũpa) và danh (nãma). “Nãma” (danh) là chỉ về những cái không phải sắc thể, đó là bốn tập hợp (uẩn) cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và thức (thọ, tưởng, hành, thức)—chúng không thuộc thể sắc hay vật chất. Khi mắt nhìn thấy hình sắc, hình sắc đó gọi là sắc (rũpa), nhưng sự biết thì được gọi là danh (nãma), tức thuộc phần tâm. Một cái 'con người' gồm có hai thứ: danh và sắc, hoặc nói đơn giản đó là phần tâm và phần thân.

Hiểu biết rằng cái ngồi đây ngay bây giờ chỉ gồm thân và tâm. Nhưng chúng ta luôn lầm lẫm cái này với cái kia. Nếu chúng ta muốn được bình an, chúng ta cần phải biết sự thật của chúng. Cái tâm trong trạng thái hiện tại là vẫn chưa được tu tập; nó vẫn còn dơ bẩn, ô nhiễm, ngu mờ, tăm tối, bản thân nó không sáng tỏ và không nhìn thấy rõ. Nó giờ chưa phải là cái tâm trong sạch. Chúng ta phải tu tập thêm nữa cái tâm này bằng việc thiền tập.

Nhiều người cứ hay nghĩ rằng thiền là ngồi theo một cách đặc biệt nào đó, nhưng thực ra thì đứng, ngồi, đi và nằm đều là tất cả những phương tiện [cỗ xe] cho việc thiền tập. Chúng ta có thể thiền mọi lúc, mọi nơi. Trạng thái định tâm (samadhi) theo ngữ nghĩa là “cái tâm đã được thiết lập chắc chắn.” Để tu tập phát triển sự định tâm (samadhi), ta không cần phải cố 'siết' cái tâm. Nhiều người cố ngồi thiền im lặng và cố không bị thứ gì quấy nhiễu để có được sự bình an, nhưng kiểu đó chẳng khác gì giả chết. Tu tập sự định tâm là để phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.

Samadhi (định) là cái tâm vững chắc, là cái tâm nhất điểm. Nó được cố định vào điểm nào? Nó được cố định vào cái điểm cân bằng. Đó là điểm định của nó. Nhưng người ta tập thiền bằng cách làm im lặng cái tâm của họ. Họ cứ thường nói rằng: “Tôi cố ngồi thiền nhưng tâm của tôi không tĩnh tại được phút nào. Trong khắc này nó bay qua chỗ kia, khắc sau nó nhảy qua chỗ nọ... Làm sao tôi có thể chặn nó ở yên một chỗ?” Chúng ta không cần phải chặn nó dừng lại, đó không phải là lý tu tập sự định tâm. Nơi nào có sự chuyển động thì sự hiểu biết có thể khởi sinh ở đó. Mọi người còn than rằng: “Tâm nó chạy khỏi và tôi phải kéo nó về lại; rồi nó lại chạy đi và tôi phải kéo nó về lại nữa....” Vậy đó, họ cứ ngồi kéo tới, kéo lui như vậy.

Họ nghĩ rằng tâm của họ chạy nhảy khắp nơi, nhưng đích thực thì nó chỉ dường như chạy nhảy như vậy. Ví dụ, nhìn coi cái sảnh đường này... quý vị nói: “Ồ, nó to quá!”, nhưng thực ra nó không to gì hết. Dường như nó to hay không to chỉ là do nhận thức của mỗi người. Thực ra, sảnh đường này chỉ bằng kích thước của nó, không to không nhỏ, nhưng người ta cứ nhìn và nói nó to nó nhỏ vì họ cứ nói theo cảm giác của họ mà thôi.

Thiền là để tìm đến sự bình an... Bạn phải hiểu rõ bình an là gì. Nếu ta không hiểu được bình an là cái gì thì làm sao tìm ra nó được. Ví dụ, hôm nay bạn đến chùa này có mang theo một cây viết rất mắc tiền. Giả sử ban đầu bạn gắn trên túi áo trước, nhưng sau đó lại lấy nó ra và để vô chỗ khác, ví dụ túi quần sau. Rồi mò tìm trong túi áo trước... không thấy! Rồi hoảng lên, hoảng lên vì hiểu lầm, không nhìn thấy sự thật của vấn đề. Kết quả là khổ. Dù có đang đứng, đang đi, đang ngồi, đang nằm bạn cứ luôn luôn lo nghĩ về cây viết bị mất. Sự hiểu biết sai lầm làm cho bạn khổ. Hiểu biết một cách sai lầm gây ra khổ... “Tức thiệt! Tôi mới vừa mua cây viết đó vài bữa, giờ nó bị mất rồi.”

Nhưng sau này nhớ lại: “À, chắc rồi! Khi tôi đi rửa mặt, tôi đã lấy viết gắn vô túi quần sau.” Ngay sau khi nhớ lại, bạn cảm thấy tốt hơn, mặc dù chưa kịp nhìn thấy cây viết. Bạn thấy không? Bạn lập tức thấy vui ngay, bạn không còn lo lắng về cây viết nữa. Giờ bạn đã chắc chắn về nó. Ngay khi vẫn đang đi, bạn thò tay ra túi quần sau và đúng rồi, nó ở đây. Tâm trí bạn đã đánh lừa bạn tự nãy giờ. Sự lo lắng xuất phát từ sự không biết và ngu mờ của tâm trí lúc đó. Giờ thì, sau khi nhìn thấy cây viết, sự lo lắng đó đã lặn mất. (Hết lo lắng là bình an, hết bất an là an tâm). Loại bình an đó có được từ việc nhìn thấy nguyên nhân của vấn đề khó khổ— nguyên nhân gây ra khổ (samudaya). Ngay sau khi bạn nhớ ra cây viết ở trong túi quần sau thì hết khổ, đó là sự chấm dứt khổ (nirodha).

Do vậy, chúng ta cần phải coi xét, quán xét để tìm ra sự bình an. Mọi người thường cho rằng sự bình an chỉ đơn giản là sự làm bình lặng cái tâm, chứ không phải làm lắng lặn nhưng ô nhiễm (của tâm). Những ô nhiễm của tâm chỉ mới được chế ngự tạm thời lúc đó thôi, giống như có hòn đá đè trên chỗ cỏ. Sau vài ngày bạn lấy hòn đá ra, chỗ cỏ đó sẽ mọc lại như thường. Chỗ cỏ đó không thực sự chết mất, nó chỉ bị đè bẹp tạm thời. Tương tự như khi ngồi thiền: cái tâm được làm bình lặng, nhưng những ô nhiễm chưa thực sự bị làm lặn mất. Do vậy, trạng thái định tâm (samãdhi) không phải là thứ gì chắc chắn cả. Để tìm thấy sự bình an, chúng ta phải tu tập phát triển trí tuệ. Thực ra, bản thân trạng thái định (samadhi) là một loại trạng thái bình an, giống như trạng thái đá đang đè bẹp cỏ... trong vài ngày. Nhưng sau vài ngày ta lấy hòn đá ra, thì cỏ vẫn mọc trở lại như thường. Đó chỉ là loại trạng thái bình an tạm thời. Còn sự bình an có được từ trí tuệ thì giống như đặt hòn đá xuống cỏ và không nhấc nó lên nữa, chỉ để nó nằm yên đó luôn. Lúc đó, cỏ không còn cơ hội để mọc lại nữa. Đây mới chính là sự bình an thực sự và viên mãn, đó là sự làm lặn mất những ô nhiễm của tâm. Sự bình an chắc chắn đó là kết quả có được từ trí tuệ.

Chúng ta hay nói về định (samadhi) và tuệ (pannã) như hai thứ khác nhau, nhung về cốt lõi thì chúng là một và y hệt nhau. Tuệ là chức năng năng động của (trạng thái) định; (trạng thái) định là phần thụ động của tuệ. Cả hai cùng khởi sinh từ một chỗ, nhưng theo hai hướng khác nhau, hai chức năng khác nhau, giống như trái xoài ở đây. Trái xoài non lớn lên và cuối cùng già chín. Nó chỉ là một trái xoài, nhưng điều kiện (tình trạng) của nó thay đổi. Theo Giáo Pháp, một tình trạng được gọi là trạng thái định tâm (samãdhi), tình trạng lớn hơn được gọi là trí tuệ, nhưng đích thực thì tất cả giới, định, và tuệ (sĩla, samadhi, và pannã) đều là một thứ, giống như một trái xoài từ non, già, và chín vậy.

Dù có tu cách nào đi nữa, hay dù có nói theo cách nhìn nào đi nữa, trong việc tu tập chúng ta phải bắt đầu từ cái tâm. Bạn có biết cái tâm là gì không? Nó là cái gì? Nó ở đâu?... Chẳng ai biết. Tất cả những gì chúng ta biết là chúng ta muốn đến đây hoặc đến đó, chúng ta muốn cái này và muốn cái kia, chúng ta cảm thấy tốt hoặc cảm thấy xấu này nọ... nhưng về chính cái tâm thì dường như không thể biết được. Tâm là cái gì? Tâm không có hình sắc. Cái mà tiếp nhận những cảm nhận, cái mà nhận thức tốt và xấu, thì chúng ta gọi là “tâm.” Giống như chủ một ngôi nhà. Chủ nhà là người ở trong nhà khi có khách khứa đến thăm ông ta. Ông ta là người tiếp nhận khách khứa. Ai tiếp nhận những nhận thức (tưởng) của (từ) giác quan? Cái gì là người nhận thức? Ai buông bỏ những nhận thức giác quan đó? Đó chính là cái chúng ta gọi là “tâm.” Nhưng mọi người không nhìn thấy tâm, họ cứ suy nghĩ lòng vòng xung quanh bản thân mình... “Tâm là gì? Não là gì?.”.. Đừng có nhầm lẫn vấn đề chỗ này. Cái gì tiếp nhận những nhận thức (tưởng)? Có những nhận thức là thích, có những nhận thức là không thích... Ai ở đó vậy? Có ai ở đó thích hay không thích? Chắc chắn là có chủ thể ở đó, nhưng bạn không nhìn thấy. Chủ thể đó, cái người thích và không thích đó, chúng ta gọi là “tâm.”

Trong tu tập chúng ta không cần thiết phải nói bàn về thiền định (samatha) hay thiền tuệ minh sát (vipassanã), chỉ cần gọi đó là tu, tu theo Giáo Pháp, như vậy là đủ. Và dẫn dắt việc tu tập của mình từ chính tâm này. Tâm là cái gì? Tâm là cái tiếp nhận hoặc ý thức biết được những nhận thức (tưởng) giác quan. Khi gặp những nhận thức giác quan thì sinh ra phản ứng ưa thích hoặc phản ứng không ưa thích. Chính cái người tiếp nhận đó dẫn dắt chúng ta đến sự sướng, khổ, đúng, sai, này nọ... Nhưng tâm không có hình sắc nào hết. Chúng ta cứ cho rằng nó là cái 'ta' hay cái 'hồn' hay bản 'ngã' của chúng ta, nhưng đích thực thì tâm chỉ hiện tượng tâm linh, chỉ là pháp thuộc tâm linh (danh pháp, nãma dhamma). Ví dụ, “sự tốt” thì có hình sắc không? Sự ác thì có hình sắc không? Sướng và khổ có hình sắc không? Bạn không thể tìm thấy chúng. Chúng có tròn hay vuông, dài hay ngắn không? Bạn có thể nhìn thấy chúng không? Những thứ đó chỉ là những thứ, hiện tượng, trạng thái hay những pháp thuộc tâm linh, được gọi chung là những danh pháp (năma dhamma). Chúng khác với những thứ vật chất, chúng không thể so sánh với những thứ thuộc sắc thể hay sắc pháp (rupa dhamma); danh pháp là vô sắc, vô hình... nhưng chúng ta biết là chúng có tồn tại, chúng có thiệt.

Do vậy mới nói rằng nên bắt đầu việc tu tập bằng cách làm tĩnh lặng cái tâm. Đưa ý thức tỉnh giác vào trong tâm. Nếu tâm có tỉnh giác thì nó sẽ được bình an. Nhiều người không tu tập (để có) sự tỉnh giác, họ chỉ muốn có ngay sự bình an, đó là một kiểu “quên bài.” (Đi cày quên trâu). Do vậy họ chẳng học được điều gì cả. Nếu họ không có được sự tỉnh giác tức cái “người biết”, thì không hiểu họ tu tập dựa trên cái gì?

Nếu không có đối đãi, nếu không có dài thì không có ngắn; nếu không có đúng thì không có sai. Người tu sau này học nhiều rồi “quên bài”, họ cứ đi tìm cái đúng và sai, cái thiện và ác. Nhưng ngoài khái niệm thiện và ác ra họ chẳng biết gì hơn. Tất cả những gì họ biết là cái đúng và cái sai— như kiểu: “Tôi sẽ chỉ chọn làm hay chấp nhận cái đúng. Tôi không muốn biết về cái sai. Biết cái sai để làm gì.” Nếu ta chỉ khăng khăng theo cái đúng, sau chốc lát nó lại trở thành cái sai. Đúng dẫn đến sai. Mọi người cứ đi tìm tòi những thứ đúng và sai, nhưng họ không biết đi tìm cái không đúng không sai. Họ học về những điều thiện và ác, họ đi tìm đức hạnh, nhưng họ chẳng biết rằng đức hạnh là vượt trên khái niệm thiện và ác. Họ học ngắn và dài, nhưng họ chẳng bao giờ biết được cái không ngắn không dài.

Con dao có cái lưỡi dao, sống dao và cán dao. Bạn có thể nhấc cái dao lên không? Bạn có thể chỉ nhấc cái lưỡi dao, hay chỉ nhấc cái sống dao, hay chỉ cán dao lên không? Đó là ba phần của con dao, khi bạn cầm phần này nhấc lên thì bạn nhấc cả hai phần kia luôn. Nói cách khác, khi bạn nhấc con dao lên là bạn nhấc cả ba phần của nó luôn.

Tương tự vậy, nếu bạn chọn cái tốt thì cái xấu cũng phải theo luôn. Người ta cứ cố tìm cái thiện và cố tống đi cái ác, nhưng họ không biết học cách để biết cái không thiện không ác. Nếu bạn không học được điều này thì tu sẽ không bao giờ thành. Nếu bạn chọn thiện, ác sẽ đi theo. Nếu bạn chọn sướng, khổ sẽ đi theo. Kiểu tu khư khư chấp theo điều thiện và chấp trừ điều ác là kiểu tu của trẻ con, giống như món đồ chơi trẻ con. Thì chấp theo thiện là đúng, chắc chắn là vậy, bạn có thể tu tập điều thiện lành, nhưng nếu bạn cứ khư khư dính chấp theo những điều thiện thì ác cũng dính theo. Đoạn sau của con đường tu tập sẽ bị lẫn lộn, sẽ không thật tốt (nếu ta vẫn còn đối đãi và dính chấp theo những thứ thiện ác, tốt xấu).

Lấy một ví dụ đơn giản. Bạn có con cái—giờ bạn muốn chỉ thương yêu chúng và không bao giờ ghét chúng. (Ai cũng nghĩ đây là lẽ thường và điều đúng đắn). Nhưng đây là cách nghĩ của người không hiểu biết về bản chất con người. Nếu bạn cứ khư khư chấp theo tình thương, sự bực ghét cũng có mặt theo. Tương tự vậy, mọi người cố tu tập để phát triển trí tuệ, càng muốn tu học về điều thiện và điều ác càng sâu sắc càng tốt. Rồi sau khi họ đã hiểu biết rất sâu sắc về thiện và ác, họ sẽ làm gì tiếp? Họ cố bám dính theo thiện, và vậy ác cũng dính theo. (Vì không có khái niệm ác thì đâu có khái niệm thiện; không có sai thì đúng là gì mà dính chấp?) Họ chẳng biết học cách vượt qua thiện ác, đúng sai. Đây là chỗ quý vị cần phải học.

“Tôi sẽ vầy...”, “Tôi sẽ vậy.”.. nhưng chẳng ai chịu nói: “Tôi sẽ chẳng là này là nọ gì cả, bởi vì đích thực đâu có cái 'tôi' nào.” Họ không học theo cách này. Họ chỉ toàn muốn thiện, tốt, đúng. Nếu họ đạt đến cái tốt thiện đó, họ sẽ lạc mất mình vào trong sự (khái niệm) tốt thiện đó. Rồi đến khi mọi sự quá tốt, chúng lại thay đổi thành xấu đi (đâu có cái nào tốt mãi mãi bất biến), họ lại cố cải xấu hoàn thiện. Và vậy đó, người tu cứ múa tới múa lui liên tục như vậy.

Để làm tĩnh lặng tâm và trở nên tỉnh giác về cái 'người nhận thức' các cảm nhận giác quan, chúng ta cần phải quan sát nó (tâm, người biết, người nhận thức). Theo dõi quán sát cái “người biết.” Tập luyện cái tâm cho đến khi nó trong sạch, tinh khiết. Tinh khiết đến mức độ nào? Nếu tâm được thực sự tinh khiết thì nó sẽ vượt trên mọi sự thiện sự ác, thậm chí vượt trên cả sự tinh khiết đó. Vậy là xong. Đó là khi việc tu hành đã làm xong, đã viên thành.

Cái mà mọi người gọi là sự ngồi thiền thực sự chỉ là một loại trạng thái bình an tạm thời. Nhưng ngay cả trong trạng thái bình an tạm thời đó cũng có những trải nghiệm. Nếu có một sự trải nghiệm khởi sinh thì chắc hẳn phải có 'ai đó' biết về trải nghiệm đó, chắc hẳn phải có 'người' nhìn vào trong nó, điều tra nó và coi xét nó. Nếu tâm chỉ là chẳng có gì (không trơ) thì nó không hữu ích gì nhiều. Quý vị có thể thấy một số người trông có vẻ rất tiết chế trong giới hạnh thì nghĩ rằng họ được bình an, nhưng sự bình an đích thực không đơn giản chỉ là cái tâm bình an. Không phải loại bình an nhờ tụng niệm “Tôi cầu mong mình được hạnh phúc và không bao giờ bị khổ đau.” Với loại bình an kiểu đó thì sự chứng đắc trạng thái hỷ lạc cuối cùng cũng biến thành bất toại nguyện. Kết quả lại là khổ. Chỉ khi nào ta làm cho tâm mình vượt trên sự đối đãi về sướng và khổ thì ta mới tìm được sự bình an đích thực. Đây chính là vấn đề hầu hết mọi người chẳng bao giờ học để biết tu. Họ chẳng bao giờ thực sự nhìn ra lý tu chỗ này.

Cách đúng đắn để tu tập tâm là làm cho nó sáng tỏ, là phát triển trí tuệ. Đừng nghĩ rằng việc tập luyện cái tâm chỉ là ngồi im lặng. Ngồi thiền như vậy chỉ giống như hòn đá đè lên cỏ. Mọi người say mê, chìm đắm vào đó. Họ cho rằng định tâm (samadhi) là ngồi. Đó chỉ là một nghĩa của chữ định (samadhi). Nhưng đích thực là, nếu tâm đã có định (samadhi) hay định lực thì khi đi là định, khi ngồi là định, khi đứng và khi nằm là định. Tất cả mọi tư thế đều là tu tập.

Nhiều người thường than, “Tôi không thiền được, tôi quá động vọng bất an. Mỗi khi ngồi xuống là tôi nghĩ này nghĩ nọ...Tôi không thiền gì được. Tôi có quá nhiều nghiệp xấu. Chắc tôi phải trả hết các nghiệp xấu trước rồi mới nên quay lại tập thiền.” Chắc là vậy quá, tôi hết biết luôn, cứ thử làm như vậy đi. Cứ thử cố trả hết các nghiệp xấu nghiệp ác của mình đi...

Mọi người cứ nghĩ theo kiểu đó hoài. Không hiểu từ đâu họ cứ nghĩ theo kiểu đó? Có những thứ được gọi là những chướng ngại, chúng ta cần phải học hiểu về chúng. Mỗi khi ngồi thiền, tâm lại bung chạy lăng xăng. Chúng ta theo dõi nó, kéo nó về lại và quan sát nó... rồi nó lại chạy lăng xăng nữa. (Mọi người đều nghĩ thiền là cứ để ý tâm, thấy tâm chạy lăng xăng thì kéo tâm về lại và theo dõi nó; rồi tâm lại lăng xăng, ta lại kéo tâm về lại và theo dõi nó. Cứ như vậy). Hình như mọi người đều nghĩ rằng đó là cách cần phải tu học. (Họ cho rằng lý tu tập là như vậy). Nhưng hầu hết người tu đều không chịu học hiểu từ tự nhiên... Họ cứ giống như những cậu học trò lì lợm chẳng bao giờ chịu làm bài tập. Họ chẳng bao giờ muốn nhìn thấy tâm đang thay đổi. Vậy thì làm cách nào họ phát triển được trí tuệ? Chúng ta cần phải sống cùng với sự thay đổi của tâm như vậy. Đến khi chúng ta biết được tâm luôn luôn là vậy, luôn luôn thay đổi... đến khi chúng ta biết được đó là bản chất của tâm, chúng ta sẽ hiểu về nó... Chúng ta cần phải biết khi tâm đang nghĩ thiện, đang nghĩ ác, đang nghĩ này, nghĩ nọ; cần phải biết tâm luôn luôn thay đổi; chúng ta cần phải biết những điều đó. Nếu chúng ta hiểu rõ chỗ lý này, thì ngay cả khi chúng ta có đang nghĩ gì, chúng ta cũng được bình an.

Ví dụ, giả sử ở nhà bạn có nuôi con khỉ. Khỉ thì chẳng bao giờ ngồi yên, nó luôn chạy nhảy, chuyền chụp liên tục đủ thứ, đủ kiểu. Khỉ là vậy đó. Giờ bạn đến chùa này bạn cũng thấy có nuôi con khỉ. Con khỉ này cũng chẳng ngồi yên, cũng luôn luôn chạy nhảy, chuyền chụp đủ thứ, đủ kiểu. Nhưng bạn chẳng thấy phiền hà gì, đúng không? Bởi bạn đã từng nuôi khỉ ở nhà nên đã biết quá rõ về tính khỉ. Nếu bạn đã biết được tính một con khỉ thì bạn có đi bao nhiêu nơi và gặp bao nhiêu con khỉ, thì bạn cũng chẳng thấy phiền nhiễu gì, đúng không? Đây chính là 'người hiểu biết về khỉ'.

Nếu chúng ta đã hiểu biết về khỉ, chúng ta sẽ không muốn mình giống khỉ. Nếu ta không hiểu biết về khỉ, không chừng ta trở thành một con khỉ đó! Nói vậy quý vị có hiểu không? Nếu ai thấy khỉ chạy nhảy, chụp giựt này nọ liên tục thì nạt nộ nó, bực bội, chửi mắng nó, thì đó là người chẳng hiểu biết gì về khỉ. Người hiểu biết về khỉ thì đã hiểu biết rõ tất cả con khỉ ở nhà, ở chùa này hay ở đâu cũng giống nhau, tính khỉ giống nhau. Nếu đã hiểu rõ về tính khỉ ta đâu cần gì phải bực tức điên đầu với những hành vi của chúng nữa, đúng không? Ta chỉ cần nhìn thấy khỉ, và tâm vẫn bình an như vô sự.

Bình an là như vậy đó. Chúng ta cần phải biết những cảm nhận. Có những cảm nhận vui, có những cảm nhận không vui, nhưng điều đó không quan trọng. Đó chỉ là trò khỉ của chúng. Cũng giống như trò khỉ, mọi con khỉ đều vậy. Chúng ta hiểu rằng những cảm nhận đôi lúc dễ chịu, đôi lúc không—đó chỉ là tính chất của chúng. Chúng ta cần hiểu rõ chúng là vậy và biết cách buông bỏ chúng. Những cảm nhận là không chắc chắn. Chúng là biến đổi, không hoàn hảo và vô chủ thể (vô thường, khổ và vô ngã). Mọi thứ chúng ta nhận thức là như vậy. Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm tiếp nhận những cảm nhận, chúng ta biết rõ những cảm nhận đó, đơn giản giống như chúng ta biết rõ về những con khỉ. Nhờ đó chúng ta có thể được bình an.

Khi những cảm nhận khởi sinh, chỉ cần biết rõ về chúng. Tại sao bạn phải chạy theo hay dính theo chúng? Những cảm nhận không phải là thứ gì chắc chắn. Sau một phút chốc thì những cảm nhận đó biến mất, sau đó lại đến những cảm nhận khác. Chúng có mặt tùy thuộc vào sự biến đổi. Và tất cả chúng ta đang hiện hữu cũng tùy thuộc vào sự biến đổi. Hết thở ra rồi đến thở vào. Phải có sự thay đổi như vậy. Nếu ai cứ cố thở vô mà không thở ra, có làm được không? Hoặc chỉ muốn thở ra mà không thở vào hơi thở khác, có được không? Nếu không có sự thay đổi, hơi không đổi ra đổi vào, thì ta sẽ sống được bao nhiêu phút? Phải có thở ra và thở vào.

Những cảm nhận cũng giống vậy. Phải có những thứ cảm nhận khác nhau đó. Bởi nếu không có, bạn không thể tu tập phát triển trí tuệ gì cả. Nếu không có sai thì làm sao có đúng. Bạn phải đúng trước rồi mới nhìn thấy cái gì là sai. Đó là cách của mọi thứ.

Đối với đệ tử thực sự chuyên tâm, càng nhiều cảm nhận khác nhau thì tốt. Nhưng rất nhiều thiền sinh luôn cố tránh né những cảm nhận, họ không muốn đối xử với những cảm nhận. Kiểu đó cũng giống như cậu học trò lỳ lợm không chịu đến lớp học, không chịu nghe lời thầy! Những cảm nhận đó đang dạy chúng ta. Khi chúng ta biết rõ những cảm nhận là chúng ta đang tu tập Giáo Pháp. Sự bình an bên trong những cảm nhận giống như sự hiểu biết về những con khỉ. Khi bạn hiểu rõ những con khỉ là ra sao thì bạn không còn thấy bị phiền nhiễu hay bực tức với chúng.

Việc tu tập theo Giáo Pháp là như vậy. Giáo Pháp không phải ở đâu xa xôi, nó ở ngay đây với chúng ta. Giáo Pháp không phải là về những thiên thần trên cao hay về những thứ bay bổng xa vời như vậy. Giáo Pháp chỉ đơn giản là về chúng ta, về cái chúng ta đang làm ngay đây và bây giờ. Quan sát chính mình. Có lúc cảm nhận sướng, có lúc cảm nhận khổ, lúc thấy dễ chịu, lúc thấy khó chịu, lúc hạnh phúc, lúc khổ đau, lúc thấy thương, lúc thấy ghét... đó là Giáo Pháp. Quý vị hiểu điều này không? Quý vị cần biết về Giáo Pháp này, quý vị cần phải đọc được (hiểu rõ) những trải nghiệm của mình.

Chúng ta phải biết rõ những cảm nhận trước khi có thể buông bỏ chúng. Đến khi chúng ta thấy rõ những cảm nhận là vô thường thì ta không còn bị phiền nhiễu bởi chúng, không còn dính theo chúng. Ngay khi một cảm nhận khởi sinh, cứ tự nhắc mình: “À... đây không phải là thứ gì chắc chắn.” Khi trạng thái tâm thay đổi... tự nhắc mình: “À, không có gì chắc chắn.” Ta có thể được bình an vói những cảm nhận đó, cũng giống như cách chúng ta nhìn thấy con khỉ và không thấy bị quấy nhiễu hay bực tức gì với nó nữa. Khi bạn biết 'tẩy' (tính chất, sự thật) của những cảm nhận, thì đó là bạn đang biết rõ Giáo Pháp. Bạn buông bỏ những cảm nhận, nhìn thấy rằng tất cả chúng chỉ là những thứ luôn biến đổi, không chắc chắn.

Cái chúng ta gọi là sự không chắc chắn ở đây chính là Phật. Phật là Giáo Pháp. Giáo Pháp là thể hiện về bản tính 'không chắc chắn' (của mọi sự vật, hiện tượng). Ai nhìn thấy được tính 'không chắc chắn' trong các sự vật hiện tượng là nhìn thấy lẽ thật thường hằng của chúng: đó là tính vô thường của chúng. Giáo Pháp là như vậy. Và đó chính là Phật. Nếu ai thấy Giáo Pháp thì thấy Phật, ai nhìn thấy Phật là nhìn thấy Giáo Pháp. Nếu bạn hiểu biết rõ về lẽ vô thường, về tính không chắc chắn (aniccam) của mọi sự, thì bạn sẽ dễ dàng buông bỏ mọi sự và không còn nắm giữ hay dính chấp theo chúng nữa.

Ai cũng dặn: “Đừng làm bể ly, coi chừng bể ly!” Bạn có thể ngăn không cho nó bể sao? Nó không bể bây giờ thì sau này nó cũng hư bể thôi. Hoặc nếu bạn không làm bể, có thể ai đó cũng làm bể thôi. Nếu không ai làm bể, không chừng mấy con gà vô bếp cũng làm bể đó! Phật dạy chúng ta nên biết chấp nhận điều này. Phật nhìn thấu sự thật của mọi thứ, cứ coi cái ly đã bể rồi. Mỗi khi dùng cái ly, cứ quán chiếu điều đó, coi như nó đã bể. Quý vị hiểu được chỗ này không? Sự hiểu biết của Phật là vậy đó. Phật nhìn thấy lý này trong cái ly bể. Đến lúc nào đó rồi nó sẽ bể. Hãy tu tập phát triển loại hiểu biết này. Dùng cái ly này, cố giữ gìn nó, đến một ngày, trượt tay, ly rớt bể. Không sao. Vì sao không sao? Vì ta đã biết trước sau gì nó cũng hư bể. Chẳng có gì là tốt hoài, trẻ hoài. (Ví dụ khi nghĩ đến ta hiện tại hãy quán chiếu về cái ta già, ta chết; vì đến lúc thân này cũng già và cũng chết, đó là điều chắc chắn).

Nhưng thường ai cũng tham nắm của cải và chấp giữ này nọ: “Tôi thích cái ly này quá, tôi muốn nó đừng bao giờ hư bể'. Sau đó con chó chạy qua hất bể... “Tôi sẽ giết con chó khốn kiếp đó!” Bạn thù ghét con chó vì 'dám' làm bể cái ly của bạn. Nếu con bạn làm bể, bạn cũng ghét nó luôn. Vì sao vậy? Bởi bạn tự xây đập đưa mình lên cao, bạn xây đập bít cửa, không chừa một lối thoát nào cho nước chảy. Nên chỉ còn cách đến lúc tức nước bể đập. Khi ngăn đập, bạn phải chừa lối thoát nước để khi nước lên cao nước có đường chảy bớt ra để giữ đập an toàn. Khi nước lũ tràn kín đập, bạn phải mở đường thoát nước để xả đập. Đó là nguyên lý van an toàn. Lẽ vô thường chính là cái van an toàn của bậc chân tu và Thánh Nhân. Nếu bạn có được cái “van an toàn” như vậy thì bạn được bình an. (Dù bạn có muốn cái ly không hư bể, nhưng bạn vẫn nên chừa một đường cho lẽ vô thường, để khi lỡ cái ly bị bể bạn vẫn thấy bình an chứ không bị sốc, không bị tức giận với ai làm bể nó).

Khi đứng, khi đi, khi ngồi, khi nằm, tu tập liên tục đều đặn, dùng sự chánh niệm (sati) để quan sát và phòng hộ cái tâm. Đây chính là tu, là định tâm (samadhi) và trí tuệ (panna). Cả hai là một thứ, nhưng chỉ là hai cách nói, hai cách nhìn khác nhau mà thôi.

Nếu chúng ta thực sự nhìn thấy tính 'không chắc chắc' thì sẽ nhìn thấy những thứ không chắc chắn. (Nếu hiểu rõ tính vô thường thì có thể nhìn thấy những thứ vô thường). Chỉ có một điều chắc chắn, đó là “mọi thứ đều là không chắc chắn”, mọi thứ phải theo đường lối của sự vô thường, không thể nào khác được. Quý vị hiểu biết được chỗ này không? Chỉ cần thực sự biết được chỗ này là quý vị có thể biết được Phật, có thể tôn kính Đức Phật một cách đúng đắn.

(Nhiều người tôn kính Phật một cách sai lầm, họ cho rằng Phật là đấng cứu thế, có đầy đủ quyền uy và phép mầu thưởng phạt. Họ thờ cúng Phật và lễ lạy Phật như một vị thần linh, chứ không phải vì họ nhìn thấy sự thật vô thường mà Phật đã chỉ ra).

Như vậy, mọi người cần phải có Phật một cách đúng đắn. Phật là sự thật. Khi nào còn có Phật như vậy, bạn sẽ không bị khổ. Ngay khi bạn dẹp bỏ hay lìa xa Phật, bạn sẽ bị khổ. Ngay khi bạn dẹp bỏ hay quên mất sự quán chiếu (quán niệm, tâm niệm) về tính luôn biến đổi, bất toại nguyện và vô chủ thể [vô thường, khổ và vô ngã] của tất cả mọi thứ, thì bạn sẽ bị khổ. Nếu ai chịu tu tập bấy nhiêu chỗ này là cũng đã đủ, là khổ sẽ không còn khởi sinh trong tâm, hoặc nếu nó có khởi sinh ít nhiều thì ta cũng có thể xử lý nó một cách dễ dàng; và sau đó nguyên nhân khổ sẽ không còn khởi sinh trong tương lai nữa. Ngay chỗ này là tu xong, việc tu tập đã hoàn thành, đó là lúc và nơi khổ không còn khởi sinh nữa. (Khổ đã diệt, nirhodha). Mà tại sao khổ không còn khởi sinh nữa? Bởi vì ta đã loại bỏ tận gốc nguyên nhân của khổ (Loại bỏ samudaya).

Chẳng hạn, khi cái ly này bể, thường chúng ta thấy tiếc, (buồn, khổ). Chúng ta biết cái ly này là một nguyên nhân tạo ra khổ, vậy sao không loại bỏ cái nguyên nhân đó đi để tránh khổ. Tất cả mọi thứ đều do một nguyên nhân. [Mọi pháp đều có nhân]. Và, những thứ đó chấm dứt cũng vì một nguyên nhân. (Có nguyên nhân sinh và nguyên nhân diệt). Giờ có nguyên nhân khổ là cái ly này, chúng nên loại bỏ nguyên nhân đi, là xong. Nếu cứ quán xét (tâm niệm, quán chiếu) coi như cái ly này đã bể ngay cả khi nó chưa bể (vì trước sau gì nó cũng hư bể), thì nguyên nhân chấm hết. Khi không còn nguyên nhân nào nữa thì khổ cũng đâu thể nào còn nữa, nó cũng hết luôn. Đó chính là chấm dứt khổ, sự diệt khổ.

Quý vị không cần phải tu quá cao xa hơn chỗ lý này, chỉ tu chỗ này là đủ. Hãy tâm niệm sâu sắc điều này trong tâm mình. Về căn bản, bạn cần phải có đủ năm giới hạnh(53) làm nền tảng đạo đức của mình. Không cần thiết phải vùi đầu vào tìm kiếm và nghiên cứu Ba Tạng Kinh Điển, chỉ cần chú tâm vào tu tập phần năm giới hạnh căn bản trước. Đầu tiên, chắc chắc bạn sẽ phạm phải nhiều điều trong giới hạnh. Khi nào nhận ra mình sai phạm, thì ngừng lại, quay lại và thiết lập lại giới hạnh cho mình. Có thể sẽ tiếp tục thiếu chú tâm, do quên lãng, do lơ tâm, do phóng túng nên tiếp tục phạm vào các giới hạnh. Sau khi nhận ra sự sai phạm, thiết lập lại giới hạnh cho mình. Cứ phải tu tập như vậy cho đến khi nào mình có thể hoàn toàn kiêng cử và tránh bỏ được những điều phạm vào năm giới hạnh đó.

Nếu chịu khó và ý thức tu tập theo cách như vầy, chẳng bao lâu khả năng chánh niệm (sati) sẽ tốt hơn, có mặt thường trực hơn và liên tục, giống như những giọt nước liên tục chảy thành dòng từ vòi của bình nước này. Nếu chúng ta tu tập không liên tục, giống như chúng ta nâng bình nước lên chút ít, những giọt nước ra khỏi vòi sẽ không liên tục, nhỏ xuống bộp... bộp... bộp từng giọt cách nhau. Nhưng nếu chúng ta tu tập liên tục đều đặn, giống như chúng ta nâng bình nước lên cao hơn, những giọt nước từ vòi sẽ chảy nhanh hơn, nhỏ xuống nhanh hơn bộp bộp... bộp bộp... Nếu chúng ta (bỏ thêm nỗ lực) nâng bình nước lên cao hơn nữa, những giọt nước từ vòi không còn “bộp bộp” nữa, mà chúng nối nhau chảy thành một dòng nước liên tục từ vòi.

Phải nói về Giáo Pháp theo cách như vậy để quý vị dễ hình dung, dễ thấy; phải dùng những ví dụ thực tế thì mới thấy được, mới hiểu được, bởi vì Giáo Pháp vốn không có hình sắc. Giáo Pháp không phải hình vuông, hình tròn, ta không thể nói Giáo Pháp là hình gì hết. Cách duy nhất để nói về Giáo Pháp là dùng những ví dụ thực tế như vậy. Đừng nghĩ Giáo Pháp ở đâu xa xôi. Nó đang ở ngay đây với bạn, ngay tại đây, ngay xung quanh bạn. Hãy coi, một phút này ta thấy vui, phút sau thấy buồn, phút nữa thấy bực... mỗi phút chốc mỗi trạng thái khác nhau, đó là Giáo Pháp. Tất cả Giáo Pháp nằm ngay ở đó. Bất cứ thứ gì gây ra khổ ta phải giải quyết và trừ bỏ nó. Nếu khổ vẫn còn đó, coi thêm lần nữa, cho đến khi nào ta nhìn thấy rõ rệt. Nếu ta có thể nhìn thấy rõ ràng thì chúng ta sẽ không bị khổ, bởi vì không còn cái khổ nữa. Nếu khổ vẫn còn đó, hoặc bạn vẫn tiếp tục thấy khổ thì có lẽ bạn đang đi lệch sai đường. Chỗ ta còn bị dính kẹt, khi nào ta còn thấy mình khổ quá, thì ta đã (nhìn) sai ngay chỗ đó. Khi nào bạn thấy mình sướng, thấy mình quá khoái lạc như đang trôi trên mấy tầng mây... thì ngay đó ta cũng đã (nhìn) sai!. (Quá khổ cũng sai, vì chưa nhìn ra nguyên nhân và bản chất khổ; quá sướng cũng sai, chưa nhìn ra nguyên nhân và bản chất của sự sướng đó).

Nếu tu tập như cách tôi vừa nói, bạn sẽ luôn luôn có sự chánh niệm (sati) trong mọi tư thế. Khi có chánh niệm [sati, thường nhớ] và sự rõ biết [sampaịaũna, tỉnh giác về mình, ý thức về mình, hiểu biết về mình một cách rõ ràng] thì ta hiểu rõ về đúng và sai, về sướng và khổ. Khi đã hiểu rõ về những thứ đó, bạn sẽ biết được cách giải quyết chúng.

Tôi dạy thiền như vậy đó. Khi nào đến giờ ngồi thiền thì cứ ngồi, chẳng có gì sai trái hết. Vì đó cũng là việc (nề nếp, chuẩn mực trong chùa) ta cần phải tập luyện. Nhưng thiền không phải chỉ là ngồi như vậy. Bạn phải mở hết tâm mình ra để trải nghiệm tất cả mọi thứ, để cho mọi thứ trôi chảy và ta xem xét về bản chất của chúng. Làm sao ta có thể xem xét chúng? Thì nhìn thấy nó là vô thường, khổ và vô ngã. Tất cả chúng đều không chắc chắn, chỉ là có rồi mất, sinh rồi diệt. “Cái này đẹp quá, tôi phải có nó mới được”, đó là điều không chắc (chỉ là một ý nghĩ vừa khởi sinh). “Tôi chẳng ưa cái này chút nào”, đó cũng là một điều không chắc chắn (chỉ là một ý nghĩ khởi sinh), lập tức nhắc mình: “Chưa chắc!” Giả sử điều đó là đúng, tuyệt đối chẳng có gì sai, ta cũng cứ làm như vậy cho... ‘chắc ăn’.... Bởi ta đâu cần phải nói chắc về mọi thứ mọi sự, đâu cần phải cố nhận lấy thứ này thứ nọ là thực, là chắc chắn.... Ví dụ, “Tôi phải chắc chắn có được cái này, vì tôi thích nó quá.” Như vậy là bạn đã chệch khỏi đường. Đừng làm như vậy, đừng cố chấp như vậy. Dù cho bạn có thích cái gì đến mức nào, hãy luôn tâm niệm (nhớ, quán chiếu, coi) điều đó là không chắc chắn. (Vì biết đâu lát nữa hay ngày mai, hay sau khi có nó, bạn không còn thích nó như vậy nữa. Mọi ý nghĩ luôn thay đổi, mọi thứ đều không chắc chắn).

Một số đồ ăn có vẻ rất ngon, nhưng dù vậy là người tu ta vẫn nên tâm niệm đó là điều không chắc chắn. Dù có thể chắc chắn là nó ngon, ngon thiệt, nhưng cứ luôn tự nhắc mình: “Chưa chắc!” Nếu bạn muốn kiểm tra điều đó là chắc hay không, hãy cố ăn nhiều những món mình thích hằng ngày. Được mấy ngày? Rồi cũng đến lúc bạn sẽ than: “Món này hết ngon rồi.” Lúc đó có thể lại giả vờ sửa giọng: “Hết ngon, nhưng thiệt tình là tôi thích món này.” Nhưng điều mới nói cũng lại là không chắc chắn! Bạn phải biết để cho mọi sự trôi chảy, hãy để yên mọi sự tự nhiên xảy ra, giống như hơi thở vào và hơi thở ra vậy. Phải có thở vào và có thở ra, hơi thở cũng sống nhờ vào sự thay đổi. Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự thay đổi như vậy.

Những điều đó nằm ngay bên trong chúng ta, không ở đâu khác. Nếu chúng ta không còn tâm nghi ngờ thì dù đang ngồi, đang nằm, đang đứng, hay đang đi chúng ta sẽ luôn được bình an. Định (samadhi) không phải chỉ là việc ngồi. Nhiều người cứ ngồi cho đến khi ngủ gục xuống. Họ thậm chí đang tâm ngồi đến chết luôn, chẳng còn biết đâu là nam là bắc nữa. Đừng có tu theo kiểu cực đoan cực hình như vậy nữa. Nếu cảm thấy buồn ngủ, đứng dậy và đi, thay đổi tư thế. Tu trí tuệ, phát triển trí tuệ. Nếu đã thực sự mệt thì nghỉ ngơi, đi ngủ. Khi nào ngủ dậy lại tiếp tục tu, thà vậy chứ đừng bắt ép mình ngồi mơ mơ lạc lạc trong ngủ gục. Phải tu tập hợp lý như vậy. Phải đúng lý, có trí tuệ, biết suy xét từng tình huống.

Bắt đầu tu tập bằng thân và tâm của mình, nhìn thấy chúng là vô thường. Mọi thứ khác cũng giống vậy, cũng vô thường như thân và tâm mình. Hãy nhớ trong tâm, mỗi khi bạn nghĩ về món ăn nào đó là rất ngon...thì phải nhắc mình ngay: “Điều đó không chắc!” Chúng ta phải 'nuốt' ngay điều này. Nhưng thông thường thì mình bị điều đó 'nuốt' trước, phải không? (Thấy món ngon khoái khẩu của mình là bị nó 'hớp hồn' ngay). Nhưng cái lý sự của con người là vầy: khi ta không ưa thích ai hay thứ gì, ta thấy khổ. (Tôi ghét cái này). Điều này đã 'nuốt chửng' ta. Lại nữa: nếu cô ta thích tôi thì tôi thích cô ta. Điều này cũng 'nuốt chửng' ta luôn. (Tôi thích cô ta chỉ vì cô ta thích tôi thôi, chứ không vì sự thật nào khác). Bạn sẽ không bao giờ ưa đúng hay ghét đúng cái gì hết. Phải tập nhìn theo cách này: mỗi khi thấy thích cái gì, hãy nói với mình “Đây là điều không chắc!” Bạn phải lội ngược với chính mình, phải làm ngược với điều mình muốn, thì mới có thể thực sự nhìn ra Giáo Pháp, nhìn ra sự thật.

Tu tập tất cả mọi tư thế. Ngồi, đi, đứng, nằm... bạn có thể trải nghiệm tâm đang sân trong mọi tư thế, đúng không? Bạn có thể tức giận khi đang đi, khi đang ngồi, khi đang nằm. Bạn có thể trải nghiệm tâm tham khi đang ngồi, đang đi, đang đứng, đang nằm. Phải thực sự tu tập thường trực liên tục như vậy. Đừng tu kiểu biểu diễn, tu cho có, phải thực sự tu thiệt như vậy.

Khi đang ngồi thiền sẽ có nhiều sự cố khởi sinh trong tâm. Hết cái này đến cái khác, cái này chưa kịp lắng xuống cái khác đã khởi sinh. Mỗi khi có gì khởi sinh, cứ tự nhắc mình: “Không chắc, không chắc.” Cứ 'nuốt' nó trước, trước khi nó kịp ‘nuốt’ mình.

Bây giờ, đây là chỗ quan trọng. Nếu bạn biết tất cả mọi thứ đều vô thường, sự suy nghĩ của bạn sẽ dần dà tháo gỡ và thoải mái. Khi bạn quán xét về tính 'không chắc chắn' của mọi thứ sinh diệt, bạn sẽ nhìn thấy tất cả mọi thứ đều biến diệt theo cách như vậy. Khi bất cứ điều gì khởi sinh, tất cả những gì bạn cần nói là: “Ồ, lại một cái khác nữa!”

Bạn đã từng thấy nước chảy chưa? Bạn đã từng thấy nước tĩnh (lặng, không chảy) chưa? Nếu tâm bạn bình an thì nó giống như nước chảy mà tĩnh lặng. Bạn đã từng thấy nước chảy mà tĩnh lặng chưa? Ngộ thiệt! Bạn chỉ từng nhìn thấy nước chảy và nưóc không chảy, đúng không? Nhưng bạn chưa hề nhìn thấy nước chảy mà tĩnh lặng. Ngay chỗ đó, đó là chỗ suy nghĩ của ta không nắm bắt được ta, thậm chí khi nó bình an (tĩnh lặng), ta vẫn có thể phát triển trí tuệ. Tâm của ta giống như nước chảy, và nó cũng tĩnh lặng. Nó hầu như hoàn toàn tĩnh lặng, nhưng nó vẫn đang trôi chảy. Do vậy tôi mới gọi là “nước tĩnh lặng mà chảy.” Ngay đó trí tuệ có thể khởi sinh.

----------------

(52) [Giảng ở chùa Wat Tham Saeng Phet trong kỳ An Cư Mùa Mưa năm 1981]

(53) (Năm giới hạnh nói ngắn nhất là: không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, và không uống rượu hay dùng chất độc hại).

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Tổng quan về Nghiệp


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.107.159 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...