Nơi chánh điện chùa Viên Giác, tôi thấy một vị linh mục người Đức lạy Phật một cách thành kính. Người ông hơi cúi xuống thấp, 2 tay, 2 chân và đầu ông dập xuống dưới chân Đức Phật, rồi ông lâm râm khấn nguyện... Nhìn hình ảnh đó, lòng tôi tự nhiên chùng xuống và kính nể vị linh mục ấy vô cùng. Đức Phật ngự trên tòa sen có lẽ đã thấu hiểu căn cơ của những người gần với giáo lý của Ngài và sẽ giúp họ giác ngộ được chân lý nhiệm mầu giải thoát như bao chúng sanh khác.
Nhìn ngược lại nơi chúng ta, có những người xưng là Phật tử, có đi chùa, nhưng hầu như chưa bao giờ biết lạy Phật như thế nào. Có lẽ họ không biết thực sự, sợ lạy sai sẽ có người chê cười. Nhưng cũng có thể vì tính kiêu căng, tự cao, ngã mạn, nghĩ mình là ông này bà nọ nên chưa chịu đảnh lễ Đức Thế Tôn. Nhưng hỡi ai đó hãy xem gương A Dục ở Ấn Độ, Thánh Đức Thái Tử ở Nhật, hay vua Lý Thái Tổ ở Việt Nam để học hỏi những hạnh lành. Ai giàu có, địa vị, quyền uy hơn những bậc phụ mẫu trong thiên hạ, nhưng họ đã chịu quy phục pháp Phật, quy y theo Tam Bảo. Giang hồ ngang dọc như Nguyễn Công Trứ hay Nguyễn Trải rồi cuối cùng cũng đầu Phật quy y. Hung hăng như chàng Vô Não và độc ác như Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế rồi cũng phải chịu khuất phục giáo lý vô ngã của Đức Phật. Nên những người Phật tử cần phải noi gương những bậc tiền bối kia, hãy thu nhỏ cái ngã của mình lại để học hỏi những hạnh lành. Lạy Phật, đối với người trí thức không phải van xin Ngài để cho mình một điều gì, mà lạy Đức Phật để cho lòng tự cao, ngã mạn của mình được đè xuống, nguyện học theo gương sáng của đời Ngài. Lạy Phật là lạy chính mình, không phải lạy đối tượng được lạy. Vì thế, là người Phật tử cần phải hạ mình xuống nhiều hơn nữa, để chúng ta học hỏi phép Phật nhiệm mầu.
Ngày nay tại Đức nói riêng hay Âu Châu nói chung có rất nhiều nhà thờ mở lớp thiền cho công chúng, có rất nhiều linh mục theo tu thiền trong các chùa Nhật Bản. Nhiều đại học Thiên Chúa Giáo và các đại học công, tư lập khác đều có mở những phân khoa Phật Học. Điều đó chứng tỏ rằng giáo lý Đức Phật đang được xiển dương ở các quốc độ phương Tây. Và mới đây tại Hòa Lan tôi gặp một vị linh mục người bản xứ. Ông ấy nói về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo một cách khá rành mạch và hợp với tinh thần khế lý cũng như khế cơ của Đạo Phật. Tôi ngồi đối diện với vị linh mục kia, đôi lúc lại tưởng rằng mình đang nói chuyện với một khách tăng hay là một Phật tử thuần thành đối với Đạo.
Ngày xưa không biết Nguyễn Đình Chiểu hay Nguyễn Cư Trinh ảnh hưởng đạo Nho như thế nào mà viết nhiều bài chê bai đạo Phật, như trong truyện Sãi Vãi và một vài tác phẩm khác. Nếu ngày nay những người này còn sống, ta nên mời họ sang Âu Châu để xem thế thái nhân tình.
Niềm vui cũng hiện lên trong tôi và nỗi buồn cũng len lỏi nơi tâm hồn, khi nghĩ đến những người khác đạo tìm hiểu giáo lý của đức Phật trong khi chính những người Á Đông lại bài xích triết thuyết Á Đông để chạy theo một cái gì ít có trường tồn vĩnh cữu.
Đến Hòa Lan để xem hoa tulip nở vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp, hay vào thu khi những bông cúc, bông hồng nở rộ, cũng không bằng đến đây vào mùa Phật Đản hay Hội Vu Lan để xem những người con Phật khắp nơi trên mọi miền đất nước, hân hoan đón chào ngày xuất trần của bậc Đại Giác Ngộ, và vào ngày báo hiếu cho song đường.
Hòa Lan chưa có Thầy và có chùa Việt Nam như chùa Thái, chùa Tàu và chùa Nhật đã có từ lâu. Có lẽ ở đây chưa có vị thầy nào hướng dẫn? Nói như thế cũng chưa đúng, vì có rất nhiều nơi trên thế giới không có Thầy mà Phật giáo vẫn phát triển một cách vững vàng. Như vậy ở Hòa Lan người Phật tử không nhiệt tâm với Đạo hay sao? Điều đó hoàn toàn sai. Vì ai đến Hòa Lan đều thấy rằng người Việt tại đây đa số là Phật tử, mà Phật tử thuần thành cũng không phải là ít. Nhưng có lẽ vì cơ duyên chưa đến nên Phật tử vẫn còn đợi chờ, chưa thành lập Hội và Chùa đấy thôi. Nhưng hy vọng từ nay Hòa Lan sẽ phát triển khả quan hơn các nước khác, vì Hoà Lan sanh sau đẻ muộn hơn các nước khác tại Âu Châu, nhưng sẽ trưởng thành sớm bởi có nhiều điều kiện thuận tiện hơn.
Xứ Hòa Lan vui vào xuân và buồn vào thu, như bao nhiêu xứ Bắc Âu khác, vì khí hậu và phong thổ. Đến đây để thấy một đất nước mà phần lớn diện tích nằm thấp hơn mực nước biển, để thấy lòng mình tê tái khi gió thu sang, cảnh Hòa Lan đã buồn lại càng buồn hơn nữa khi tiếng gió đưa lạnh lẽo, khi bầu trời mùa thu âu sầu ảm đạm.
Vốn biết rằng cuộc đời là vô thường, nhân sinh là giả hợp, vũ trụ vạn hữu biến chuyển không ngừng, nhưng mấy ai hiểu được lòng mình khi gió thu sang, hay hình ảnh mùa xuân lại chợt đến. Có vị thiền sư bảo rằng:
“Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?”
Đúng như thế. Chúng ta chỉ nên sống cho hiện tại thật đầy đủ, đừng luyến tiếc quá khứ và đừng mơ tưởng tương lai, vì hiện tại đẹp, tương lai sẽ tốt. Nếu hiện tại xấu thì biết rằng quá khứ đã không được tốt. Chúng ta sống cho hiện tại không có nghĩa là buông thả theo dục vọng mà là sống cho chính mình, sống cho nội tâm của mình, để được giải thoát một cách siêu việt.