Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 12. Chuyện xứ Phù Tang »»

Đường Không Biên Giới
»» 12. Chuyện xứ Phù Tang

Donate

(Lượt xem: 2.689)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 12. Chuyện xứ Phù Tang

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày tháng trôi qua nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”, mới đó mà đã tám năm trường xa xứ. Có ai trong chúng ta tự hỏi rằng trong tám năm ấy chúng ta đã làm được gì cho chính ta? Cho gia đình? Cho bè bạn? Cho cuộc đời? Cho đoàn thể? Có lẽ câu trả lời cũng có mà cũng không, như triết lý Bát Nhã chân như vậy:

“Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có, không bóng nguyệt lòng sông,
Xin đừng bám víu có, không làm gì.”

Nhưng ít ra chúng ta cũng tự biết rằng nội tâm của chúng ta đang biến đổi bởi hoàn cảnh và không gian.

Có nhiều người thay đổi cả cuộc sống, thay đổi trong mọi lãnh vực giao tế hằng ngày, như thế tốt hay xấu, được hay mất, chẳng ai hiểu được. Vì dòng đời luôn biến đổi và thế sự quá thăng trầm. Mong rằng những người Phật tử nên luôn luôn tâm niệm:

“Hư không dù có chuyển di,
Nguyện con muôn kiếp chẳng hề lung lay.
Nguyện cầu vạn pháp xưa nay,
Hoàn thành trí nghiệp đến nơi Bồ Đề.”

Lúc còn ở Nhật cũng như khi xa Nhật, mỗi khi gặp bạn bè hay người thân, họ thường hỏi tôi rằng: “Người Nhật và nước Nhật ra sao?” Câu trả lời rất đơn giản và được lặp đi lặp lại nhiều lần như sau: “Người Nhật giống như hoa anh đào, có sắc nhưng chẳng có hương.” Nhiều người bạn Nhật giật mình khi nghe câu trả lời đó và cũng có lắm người Việt Nam trợn mắt bảo tôi rằng, như vậy làm sao đúng với câu phương ngôn ông bà mình thường hay nói là “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”.

Tôi không phủ nhận câu phương ngôn ấy, nhưng nếu nhìn chung người Nhật là như vậy. Nhiều người Nhật hỏi người ngoại quốc câu hỏi ấy với mục đích được nghe lời khen tặng, không ai mong mỏi có một lời phê bình. Vì bản tính xã giao của người Nhật, dở cũng thường khen ngon, xấu cũng khen đẹp. Không biết sau lưng người khác, họ có chê không thì chỉ riêng họ biết, chứ trước mặt bất cứ người khách nào, họ vẫn luôn lễ phép lịch sự.

Cách đây chừng tám năm tôi có viết một bài với tựa đề “Nihon no Watashi no me no shita” nghĩa là “Nhật Bản dưới mắt tôi”, đăng trong tạp chí NIHON TOSHO. Tiền nhuận bút được trả rất hậu, nhưng có lẽ họ phải bóp bụng để đăng bài này. Sự thật như hoa anh đào - tượng trưng cho linh hồn người Nhật. Hoa đẹp vô ngần, mỗi năm chỉ nở một lần và mỗi lần chỉ kéo dài khoảng một tuần lễ. Trong khi hoa nở không bao giờ có một chiếc lá non chen lẫn vào. Màu sắc thật tươi như ánh xuân sang, nhưng tuyệt nhiên không có một loại hoa anh đào nào có mùi hương ngọt ngào cả.

Nếu ép người Nhật vào câu nói ấy, kể cũng tội cho họ, vì họ còn những đức tính khác mà các dân tộc Á hoặc Âu ít có được. Đó là tinh thần đoàn kết, tôn trọng, trên dưới phân minh, chủ tớ không lập lờ. Tôi chê Nhật mà cũng thích Nhật, giống như biết rằng ăn khổ qua là đắng, nhưng vẫn muốn dùng khi nhớ đến mùi vị của quê hương. Ngày nay nước Nhật cũng đã ngang hàng với các nước lớn trên thế giới, chỉ có một điều dễ hiểu là họ thương yêu nhau, đoàn kết với nhau và cố tạo dựng một nước Nhật không còn nghèo đói sau Đệ nhị Thế chiến.

Nhật và Đức đã thua Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến mà ngày nay các dân tộc này đã tiến bộ đến đâu, chắc không cần nói ai cũng biết. Trong khi đó Việt Nam chúng ta vào thời điểm 1975, người Cộng sản luôn tự hào rằng họ đã thắng Mỹ, nhưng để làm gì? Hay để ngày nay đi ăn xin trên thế giới? Nhiều người Nhật rất giận Mỹ, căm thù Mỹ, nhất là những người bị nạn bom nguyên tử tại hai đảo Hiroshima và Nagasaki. Nhưng cũng có lắm người Nhật ca tụng Mỹ và cám ơn Mỹ. Có người nói rằng: “Sau Đệ nhị Thế chiến, nếu không nhờ bo bo của Mỹ thì nước Nhật không có ngày nay.”

Có lẽ cùng chính nhờ cái nhục nhã thua trận và đói khát đó mà người Nhật đã ý thức được tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương họ. Nếu chẳng may họ giống như dân tộc Việt Nam chúng ta, không biết bây giờ họ đã ra sao rồi?

Ngày xưa khi đặt chân đến Nhật, thấy cái gì cũng văn minh, tiến bộ, cảm nghĩ đầu tiên của tôi hay của nhiều người Việt Nam khác lúc bấy giờ là phải tìm học những cái hay ấy, thâu thập tinh thần ấy cũng như văn hóa, tri thức của họ để mang về quê hương, trao đổi kinh nghiệm sống của người quốc nội. Đó là nói trên bình diện khác có thể được, còn về tôn giáo thì lại không, hầu như hoàn toàn trái ngược lại những điều mình nghĩ lúc ban đầu. Nhiều lúc suy đi nghĩ lại không biết mình đi học ở Nhật có đúng không, hay đã đi lầm đường?

Các nước khác trên thế giới có lẽ khác hơn Việt Nam nhiều, khi sinh viên muốn đi học nước nào, họ phải nghiên cứu nhiều về nước đó, có rất nhiều tài liệu. Còn tại Việt Nam ta thời bấy giờ hầu như không có một quyển sách nào hướng dẫn về đời sống của người sinh viên Việt Nam và ngoại quốc tại Nhật cả. Nếu có đi chăng nữa, lâu lâu có người tốt nghiệp ở Nhật về diễn thuyết một vài lần tại vài nơi ở Sài Gòn rồi đâu lại vào đấy. Người nào đi nghe thì biết, còn người nào không có dịp nghe coi như mù tịt. Riêng về lãnh vực tôn giáo thì lại càng mờ mịt hơn. Trước đó có nhiều vị Thượng Tọa, Đại Đức du học tại Nhật về, làm việc tại Việt Nam, nhưng quý Thầy cũng chẳng hề đề cập gì đến Nhật Bản. Có lẽ vì ngại viết về sự thật của một nước mà quý Thầy đã bao năm dồi kinh mài sử chăng?

Ở Việt Nam có một dạo nhiều người bảo rằng phong trào “tân tăng” tại Nhật thạnh hành lắm. Nghe như vậy, tôi chỉ hiểu như vậy thôi. Khi qua đến Nhật tôi có đề cập với các tu sĩ Nhật Bản về vấn đề này, nhưng ai cũng ngạc nhiên và chữ shinso (tân tăng) không ai hiểu là gì và trong tự điển của Nhật cũng không có. Vì Phật giáo của họ không có người theo phái cũ nên ai bảo rằng mới chứ thật ra với họ không mới, mà đã cũ lắm rồi. Ngài Thân Loan Thánh Nhân (Shinran Shonin) là Tông Trưởng của phái Tịnh Độ Chân Tông (Jodoshinshu) đã có vợ có con từ khoảng thời gian tương đương với đời nhà Trần của Việt Nam và kể từ đó các tăng sĩ của Tông này đều được quyền lấy vợ. Hỏi ra mới biết nguyên do rằng: Thuở bấy giờ trong Tăng chúng có người muốn tu và có kẻ muốn hoàn tục, cửa thiền hay náo động luôn nên Ngài đã cho phép đệ tử của Ngài lập gia đình nhưng vẫn tu theo phương pháp “tức thân thành Phật”. Và chính Ngài cũng đã lấy một vị công chúa của triều đình.

Câu chuyện xưa thực là xưa, gần như là thần thoại Nhật Bản, nhưng Việt Nam mình ở kế sát vách mà không biết gì. Và gần đây nữa, hồi Minh Trị Duy Tân (1868), nhà vua bắt buộc giới tăng sĩ phải có công ăn việc làm và phải có một cuộc sống như người thế tục để đóng góp vào công việc xây dựng đất nước theo lối Âu Châu, và cũng kể từ thời điểm này tất cả giới tăng sĩ Nhật Bản hầu như 95 phần trăm đều lập gia đình, họ sống trong chùa, sinh con đẻ cái giống như người thế tục. Chúng tôi tin rằng biết trước sự việc trên vẫn tốt hơn, vì người tăng sĩ Việt Nam nếu đến Nhật sẽ có thời gian và điều kiện để đối phó với những khó khăn sắp tới. Ai ngờ khi gặp họ, mình bảo rằng: “Tu gì mà lập gia đình sinh con đẻ cái trong chùa, coi chẳng giống ai hết”, thì họ lại bảo rằng: “Tu như mấy ông mới kỳ chứ. Tu gì mà không có người nối dõi tông đường thì làm sao ngôi chùa được đứng vững!” Tôi thật buồn cười cho lối lập luận trên. Vì trong một đám người da đen mà bị lọt vào một người da vàng hay da trắng thì mình cũng trở thành một người dị biệt, và ngược lại cũng thế!

Vì thế, ở Nhật không có chế độ phát tâm xuất gia, mà xuất gia như là bổn phận và trách nhiệm để gìn giữ tông môn mà thôi. Nếu vị sư trụ trì có một hay nhiều người con trai, bắt buộc ít nhất là một người phải đi tu. Nếu vị sư trụ trì đó chỉ có một người con gái thì bắt buộc chàng rể kia phải đi tu. Từ sinh ra cho đến khi học hết Trung Học Đệ Nhất cấp, người con trai ấy có thể học bất cứ trường nào, giống như bao nhiêu người Nhật khác, nhưng khi vào Đại Học bắt buộc phải học phân khoa Phật học của trường đại học thuộc tông phái của ngôi chùa đó. Ở Nhật có 13 tông và hơn 50 phái. Mỗi tông có nhiều đại học và ngày nay trên toàn cõi nước Nhật có gần 1.000 đại học thì Phật giáo đã chiếm hơn 50 cái rồi. Khi người con trai ấy tốt nghiệp đại học, có thể là cử nhân, cao học, hay tiến sĩ, còn phải đi tu luyện khổ hạnh 3 tháng trường.

Ba tháng này gọi là Aragyo, như tông Nhật Liên vẫn thường gọi, là ba tháng lạnh nhất trong năm. Người tu khổ hạnh không được cạo tóc râu, mỗi ngày tắm nước lạnh sáu lần, tụng kinh, ngồi thiền 6 thời, ăn cơm một lần và ăn cháo 6 lần. Có nhiều người theo không nổi bị bệnh nặng giữa đường thì phải chờ năm khác hoặc có khi cũng có người chết vì cơ thể quá yếu đuối. Nhưng nếu không trải qua giai đoạn tu hành cam go ấy thì không thể làm trụ trì được.

Sau khi tu khổ hạnh 3 tháng xong, người tăng sĩ ấy về chùa của sư phụ mình. Lúc này được đàn gia và tín đồ đón rước tử tế và vị thí chủ nào giàu nhất, có con gái đẹp nhất sẽ đem gả cho vị sư ấy. Danh vọng, địa vị, tiền tài, quyền thế chẳng thiếu gì, nhiều lúc còn hơn những tay cự phú ở thế gian. Vì thế có nhiều cô thiếu nữ Nhật lớn lên chỉ mong được làm vợ ông thầy chùa là đủ rồi. Đó là sự thật không ngoa chút nào. Nếu ai đó có tò mò thì hãy sang Nhật một chuyến cho biết thôi, chứ biết mà thực hành theo thì nguy cho Phật giáo Việt Nam lắm!

Hồi trước năm 1975, có nhiều vị Thượng Tọa sau khi đi Nhật về đã đề xướng phong trào Tân Tăng, nhưng chưa thực hiện đã bị phản đối, vì Phật tử quan niệm rằng: Cuộc đời còn quá nhiều đau khổ thì quý Thầy vui chi mà sung sướng riêng một mình. Do đó mọi dự án đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thực hiện bán công khai, nhưng như thế vẫn tội lỗi. Thà rằng cứ minh bạch như Phật giáo Nhật Bản còn tốt hơn là lén lút làm hoen ố cửa Thiền. Vì nếu tu trong chùa không được mà bị ép buộc ở lại thì chuyện đó không nên, lại quên đi lời nguyện lúc ban đầu thì cũng sợ hổ phận với mình, với cha mẹ và bằng hữu. Thật là thiên nan vạn nan. Vì thế Phật giáo Việt Nam chắc cũng phải có lối thoát mới giúp được những trường hợp như trên.

Mong rằng sự thật không mất lòng những người bạn Nhật, và mong quý vị độc giả Việt Nam hiểu cho một người đã ở chùa Nhật lâu năm, nên mới viết lên đây đôi dòng để biết đâu là chơn, đâu là giả, hầu có thể hiểu người Nhật và tôn giáo của Nhật Bản một cách sâu xa cặn kẽ hơn.

Người Pháp có câu châm ngôn rằng: “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”, nhưng nếu nói đúng hơn thì “Ngôn ngữ là cửa sổ tâm hồn”. Nói như vậy mới hợp với hoàn cảnh của người tỵ nạn Việt Nam chúng ta trong hiện tại. Ngôn ngữ dùng để diễn tả những gì mình muốn biểu lộ, để đối phương hiểu được điều mình muốn nói. Ngôn ngữ là một gạch nối, nối liền giữa hai dân tộc với nhau, hai nền văn hóa khác nhau hoặc hai tư tưởng khác nhau v.v... Một người biết được nhiều ngôn ngữ, người ấy sẽ thoải mái trong vấn đề giao tế hằng ngày. Nếu không, ngôn ngữ sẽ là một bức tường kiên cố ngăn chia đôi ngả giữa dân tộc này và dân tộc khác, vững chắc hơn là Vạn Lý Trường Thành.

Có nhiều loại ngôn ngữ tương đối dễ học, nhưng cũng có lắm loại rất khó. Nói dễ, vì nó là tiếng được nhiều người dùng đến, không phức tạp cầu kỳ. Thật ra, bất cứ một ngôn ngữ nào, muốn học cho đến nơi đến chốn không phải là chuyện dễ. Các loại ngôn ngữ khó nhất, nhì trên thế giới như tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, Na Uy, Nga, Tàu, Nhật v.v... Các loại ngôn ngữ tương đối dễ học như Anh, Pháp v.v... Tiếng Nhật và tiếng Đức khá giống nhau về cách cấu kết văn phạm, nhưng không giống nhau về âm thanh. Ngược lại tiếng Tàu và tiếng Việt khá giống nhau về âm thanh, nhưng văn phạm lại sai khác rất nhiều. Các ngôn ngữ Âu Châu đa số tử âm nhiều hơn mẫu âm, nên người đọc phải cần nhiều dấu giọng, lúc lên lúc xuống. Nhưng tiếng Nhật thì không cần, vì mẫu âm nhiều hơn tử âm, nên chúng ta có thể học và nói tiếng Nhật một cách dễ dàng.

Lần đầu tiên đến Nhật, tôi nhìn đâu cũng thấy toàn chữ Hán và chữ Hiragana hoặc Katakana, hầu như không có một mẫu tự La Mã nào được dùng thông dụng, ngoại trừ trong trường Nhật ngữ dành cho những sinh viên ngoại quốc lúc ban đầu.

Người Nhật viết chữ Hán, nhưng đọc theo âm Nhật, cũng giống như chúng ta có âm Hán Việt, hoặc Đại Hàn cũng viết chữ Hán nhưng đọc theo âm Đại Hàn.

Dầu cho người Nhật có giỏi tiếng Anh hay tiếng Pháp đi chăng nữa, nhưng nếu ai hỏi họ bằng tiếng Anh thì họ sẽ tận tụy trả lời bằng tiếng Nhật. Một mặt vì tự hào, mặt khác vì người Nhật nói ngoại ngữ rất dở. Cách phát âm cũng như động tác thua người Việt Nam và Ấn Độ nhiều, nên họ ít muốn nói. Tuy nhiên, trên lãnh vực nghiên cứu thì hầu như không có sinh viên ngoại quốc nào qua mặt nổi người Nhật cả.

Những lúc ban đầu, tôi thấy ngôn ngữ quá phức tạp. Nó là một bức tường thành ngăn chia đôi ngả. Tôi vẫn thường hay nghĩ rằng: Loài thú, dầu là con trâu, con bò, con chim se sẻ, chim bồ câu, con gà, con vịt v.v... ở đâu chúng cũng kêu hình như chỉ có một âm thanh duy nhất. Tại sao loài người lại đặt ra quá nhiều ngôn ngữ làm gì? Không biết một nhà bác học nào đó muốn tìm một “thế giới ngữ” cho loài người thì bao giờ mới thực hiện được? Nếu thực hiện được điều đó, có lẽ loài người sẽ đỡ bận tâm nhiều như trong hiện tại.

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế Ngài dùng tiếng Ấn địa phương để giảng pháp, nhưng Ngài có thể hiểu tất cả tiếng của chư thiên, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la và những loại chúng sanh khác nữa. Quả thực bậc đã chứng được thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông thì không cần học, chỉ cần tu cũng biết hết. Lúc đó là lúc “tu nhi vô tu, hành nhi vô hành” và “chứng nhi vô chứng” nên mới được biện tài vô ngại như thế. Vì thế, có nhiều bậc tôn túc bảo tôi rằng: “Có nhiều người mong đi khắp nơi để biết tất cả, nhưng không bằng ở một nơi mà biết tất cả mới hay hơn.” Câu nói thật đầy đủ ý nghĩa trong việc tu và hành đạo. Nhưng thời nay vì phước mỏng, nghiệp dày, chướng nhiều, huệ ít, nên khó có thể ngồi một nơi mà biết được như các vị Phật và các vị Bồ Tát.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lời nguyện lắng nghe khắp đại thiên thế giới để cứu độ chúng sanh gặp khổ não. Nếu nơi nào có chúng sanh niệm đến danh hiệu ngài, ngài đều hiện thân cứu khổ. Trong khi đó, dầu xã hội loài người ngày nay có văn minh đến đâu đi chăng nữa cũng chỉ có thể đi phi cơ siêu thanh concorde, phản lực cơ hoặc phi thuyền là cùng. Thời gian quá tốn kém, nhưng chỉ đi được có một đoạn đường giới hạn.

Ở Nhật, nếu ra ngoài đường không biết lối đi, điều đầu tiên là hỏi cảnh sát. Nếu không gặp cảnh sát, nên hỏi đàn bà và không nên hỏi đàn ông. Vì đàn ông Nhật rất lãnh đạm và đàn bà Nhật thì tử tế không bút mực nào diễn tả hết. Cho nên đã có nhiều người sinh viên Việt Nam chịu ở lại Nhật luôn, không về nước hoặc không đi nước khác, chỉ có một điều duy nhất là mến đức hạnh của người đàn bà Nhật.

Theo Khổng giáo thì đàn bà phải đủ các phương diện tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - ở nhà theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), nhưng ngày nay ảnh hưởng của Khổng giáo không còn mạnh như thuở xa xưa nữa, đối với người đàn bà Á Đông nói chung hay ở Nhật Bản nói riêng. Người đàn bà Nhật trước khi đi lấy chồng, điều kiện bắt buộc là phải biết cắm hoa (ikebana) và biết cách pha trà (chado). Cắm hoa và pha trà là những nghệ thuật khá điêu luyện được phát xuất từ Thiền tông của Phật giáo. Hình ảnh cắm một cành hoa hoặc rót một ly trà, có thể nói lên hết tâm niệm của một con người, động hay tĩnh, chân chánh hay lả lơi. Vì thế, nếu người đàn bà Nhật nào đó chưa biết cắm hoa và chưa biết rót trà thì ngày cưới hỏi chưa được đề cập đến. Vô hình trung điều đó đã trở thành một tập quán và một luật lệ khá phổ thông cho bất cứ người đàn bà Nhật nào muốn lấy chồng.

Người Nhật sanh ra ở tại nhà, lớn lên dựng vợ gả chồng thì ở nhà thờ hoặc thần xã, chết đi lại vào chùa. Họ quanh quẩn chỉ có vậy, mà ngày nay việc đi thần xã hoặc đi chùa là một thói quen và cũng là một tập tục.

Một đám cưới sang trọng hay một đám cưới bình dân hầu như cô dâu nào cũng phải mặc áo kimono cả, cũng giống như Việt Nam chúng ta, nếu một đám cưới mà cô dâu không mặc áo dài thì đám cưới đó không còn giữ đúng phong tục và lễ nghi của người Việt Nam nữa.

Kimono là một loại áo dài may thành 3-5 lớp rất công phu và ngắn gọn. Vì chiếc kimono ngày cưới quá đắt tiền nên ngày nay các cô dâu và chú rể thường đi thuê nhiều hơn là may sắm.

Đám ma đa số tại tư gia hoặc đem về chùa để làm lễ. Thông thường người Nhật ngày nay hay thiêu nhiều hơn chôn. Thiêu đỡ tốn chỗ và hợp vệ sinh hơn. Đó là điều chính phủ vẫn thường khuyến khích.

Trong vườn chùa nào cũng có nghĩa địa dành cho việc chôn cất những hài cốt đã thiêu của tín đồ. Mỗi một gia đình có một ngôi mộ chung. Người mới mất, sau khi thiêu để đến 49 ngày, đem vào để chung trong mộ với những thân nhân quá vãng.

Nếu tang chủ hữu sự, mời một vị Thầy đến để hướng dẫn buổi lễ cầu siêu. Lần tụng niệm trước khi đi thiêu gọi là Otsuya (thông dạ), đến sáng hôm sau đưa linh cữu vào hỏa lò, có thân nhân đi theo và sau một tiếng đồng hồ thiêu xong, chính thân nhân sẽ gắp xương của người thân mình bỏ vào hộp rồi mang về chùa. Một đám hỏa thiêu được cử hành sớm nhất là sau 24 tiếng đồng hồ. Vì Phật giáo cũng như khoa học quan niệm rằng: Chết chưa phải là hết, mà chết chỉ là một số phần nào trong cơ thể chết thôi, chết từ từ có thể trong vòng 24 tiếng đồng hồ có nhiều người còn sống lại vì một số tế bào còn hoạt động. Nên bắt buộc phải sau 24 tiếng đồng hồ mới được thiêu hoặc chôn. Phật giáo đã có mấy ngàn năm nay, khoa học thì mới phát triển trong những thế kỷ gần đây, nhưng nhận thấy rằng quan niệm của khoa học cũng rất gần với Phật giáo. Khoa học ngày càng tiến bộ thì giáo lý của Phật giáo càng được triển khai nhiều hơn nữa.

Việc cúng dường ma chay thì tùy tâm của tín chủ, nhưng ngày nay Phật giáo Nhật Bản chủ trương nhiều chuyện khó tin và ít có quốc gia Phật giáo nào trên thế giới thực hiện cả.

Đối với chúng ta, pháp danh là một tên trong đạo khi người Phật tử thọ Tam quy, ngũ giới được thầy Bổn Sư truyền cho. Trong khi đó, Phật tử tại Nhật Bản lúc sống không có pháp danh mà lúc chết mới xin vị sư đặt cho. Pháp danh đẹp hay thông thường, cư sĩ hay tín sĩ, tín nữ v.v... theo đó mà giá cả có lên xuống. Tu sĩ không phải là một nghề nghiệp như bao nhiêu nghề nghiệp khác, nhưng ngày nay tu sĩ Nhật Bản đã bước vào một cái nghề như bao nhiêu nghề khác.

Khi người Nhật vào nhà hay vào chùa phải để giày dép trước hành lang, xếp hàng ngay ngắn và thuận chiều ra để lúc đi ra dễ xỏ chân vào. Người Nhật thường quý khách và tiếp khách rất tận tâm, niềm nở. Cách cười, cách nói, cái duyên dáng, điệu bộ của người đàn bà Nhật lúc tiếp khách trong nhà hoặc ở ngoài cửa tiệm, chưa có người đàn bà nào trên thế giới chu toàn bằng.

Nhà cửa người Nhật rất chật chội, nên nhiều nhà phòng khách cũng là phòng ngủ, phòng làm việc, học hành cũng chỉ chung một phòng. Đồ dùng của Nhật Bản không cồng kềnh như đồ dùng của Âu Châu. Ban ngày họ bày biện ra thành gian phòng khách, ban đêm họ thu xếp lại để thành phòng ngủ. Người đàn bà Nhật lo chu toàn mọi việc trong nhà nên gọi là gia nội. Ngoài cái nhà ra là bổn phận của người chồng, không còn là bổn phận của đàn bà nữa. Bởi thế có nhiều chính khách Nhật Bản đi đâu cũng chỉ đi có một mình, ít khi mang gia nội theo. Trong khi đó người Âu Mỹ đi đâu cũng có nội tướng đi theo. Có thể đi giúp đỡ đấng lang quân, mà cũng có khi đi để dòm ngó, xem thử chồng mình có nhỏ to gì không, vì đàn bà ở phương Tây được xem trọng.

Nhưng theo Đức Phật và Đức Chúa cũng như những vị Giáo chủ của các đạo khác, tuy vẫn tôn trọng giới nữ nhưng họ vẫn chưa được bình đẳng cân xứng với đàn ông, vì họ có nhiều nghiệp lực cần phải tu sửa nhiều hơn nữa.

Người Nhật ăn sáng 10 phút, ăn trưa 15 phút và ăn tối khoảng 20 phút là nhiều. Họ làm gì cũng có tính cách vội vã, nhưng rất chu đáo, kỹ lưỡng và sạch sẽ nhất nhì trên thế giới. Tôi đi khắp năm châu, dọc ngang qua bốn bể không biết bao nhiêu để biết rằng người ăn ở sạch sẽ nhất thế giới là người Thụy Sĩ, nhì là Nhật và Đức thứ ba, thứ tư, năm, sáu là các nước Úc, Âu và Mỹ Châu. Ngôi chùa đã sạch còn phải được sạch hơn nữa. Có lần một vị Sư Nhật bảo tôi rằng: “Nếu mình lau cái nhà không sạch, làm sao lau cái tâm mình cho sạch được.” Tôi bừng tỉnh vì câu nói ấy, mãi cho đến bây giờ hay tương lai về sau, câu nói ấy vẫn là đề tài thiền quán của tôi khi tham thiền cũng như lúc tụng niệm. Người Việt Nam chúng ta nếu thấy nhà sạch cứ để dơ nhớp mới lau chùi, trong khi đó người Nhật vẫn lau chùi hằng ngày mặc dầu nhà rất sạch. Hai hoàn cảnh và hai quan niệm rất khác nhau, nhưng nếu chúng ta làm được như người Nhật, có lẽ chúng ta không như ngày hôm nay, cam phận lưu đày nơi ngoại quốc như thế này.

Người Nhật chỉ biết có làm việc và làm việc. Lúc nào cũng chăm chú vào việc làm. Trong khi đó Việt Nam chúng ta quá nhiều nhân tài, nhưng chúng ta không chịu đầu phục, nên vận nước mới suy vi. Người Nhật hiểu được như vậy là nhờ vào tinh thần dân tộc và mạch sống tâm linh của Phật giáo. Còn chúng ta, tinh thần dân tộc vẫn có nhưng chỉ là những phát biểu suông. Phật giáo vẫn còn đây, nhưng không có nhiều người phụng sự hết lòng. Chúng ta rất thờ ơ với niềm tin tôn giáo và rất dễ dãi với chính mình. Nếu cứ như vậy thì dù 300 hay 500 năm sau nữa cũng vẫn cứ đà này mà đi xuống, không cách nào tiến bằng Nhật Bản như hôm nay.

Viết về một dân tộc, trên mọi bình diện không phải là dễ, điều khó hơn nữa là làm sao bắt chước được những cái đáng làm và nên làm, đó là điều đáng lưu tâm. Hy vọng rằng “Đường không biên giới” sẽ còn đi mãi và kỳ sau sẽ về tận quê hương yêu dấu của chúng ta - Việt Nam trong muôn thuở.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.40.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (1 lượt xem) - ... ...