a. Kiến thức chung
Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn không đến nỗi lẻ loi. Nhiều người
trên thế giới cũng đang chịu đựng chứng mất ngủ gần như thường xuyên.
Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, con số này đã lên đến hàng triệu người. Theo những
thống kê gần đây, chừng 20 phần trăm người Mỹ hiện đang bị chứng mất
ngủ, và khoảng 40 phần trăm rơi vào trường hợp rất khó dỗ giấc ngủ lại
sau khi đã thức giấc trong đêm vì một lý do nào đó.
Trong một số trường hợp, mất ngủ chỉ là một triệu chứng gây khó chịu tạm
thời, thỉnh thoảng mới mắc phải. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, mất
ngủ là một cơn ác mộng kéo dài, làm người bệnh cảm thấy thực sự lo sợ,
kinh khiếp bởi những đêm dài chờ sáng. Và khủng khiếp hơn nữa, tình
trạng mất ngủ lại kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt.
Khi chứng mất ngủ chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn rồi tự biến
mất, ta gọi đó là mất ngủ tạm thời. Thông thường thì chứng mất ngủ tạm
thời này không phải tự nhiên mà phát sinh. Chúng bao giờ cũng có những
nguyên nhân nhất định xuất phát từ điều kiện sinh hoạt hàng ngày của
bạn: công việc khó khăn mới nhận, bị sa thải khỏi một công việc đã từ
lâu ổn định, gặp rắc rối trong cuộc sống vợ chồng, một đứa con hư hỏng
khó bảo, một quyết định về hưu sắp được đưa ra, cái chết của một người
thân yêu... Nói chung là bất cứ một sự kiện bất thường nào khiến bạn
phải chú tâm lo lắng nhiều hơn mức độ thông thường.
Những biến động tương tự như vậy trong cuộc sống, đơn giản là chỉ tạo
cho bạn một vài đêm mất ngủ tạm thời mà thôi. Vấn đề thường không cần
bất cứ một biện pháp can thiệp nào. Khi những rắc rối dần qua đi, hoặc
thậm chí chỉ cần khi bạn đủ thời gian để chấp nhận nó, cơn mất ngủ sẽ
không còn nữa.
Ngoài ra, mất ngủ đôi khi cũng là một trong các tác dụng phụ của thuốc.
Nhiều loại thuốc điều trị bệnh gây tác dụng phụ làm mất ngủ, và bác sĩ
điều trị sẽ quyết định có nên can thiệp vào việc mất ngủ tạm thời đó hay
không. Đôi khi việc kết hợp cùng lúc một số loại thuốc nào đó cũng gây
tac dụng phụ làm mất ngủ, trong khi riêng mỗi loại thì không có tác dụng
ấy.
Một hiện tượng thông thường nữa là mất ngủ do sự đau nhức trong cơ thể.
Hầu hết những chứng bệnh gây đau đớn, khó chịu cho cơ thể đều có thể kèm
theo gây mất ngủ.
Những chứng bệnh nan y vào thời kỳ cuối, như ung thư chẳng hạn, có thể
làm người bệnh lo sợ đến mất ngủ. Về tâm lý, họ sợ những cơn ác mộng
thường đến trong giấc ngủ, hoặc sợ rằng mình sẽ không thể thức dậy được
nữa một khi đã ngủ đi. Chính những mối lo sợ này làm cho họ không tài
nào ngủ được, cho dù cơ thể họ có mỏi mệt và thực sự có những dấu hiệu
buồn ngủ đến cực độ.
Những khủng hoảng về mặt tâm lý, như sự lo lắng hoặc căng thẳng quá độ,
đều là những nguyên nhân tất nhiên dẫn đến mất ngủ. Khi những nguyên
nhân này được giải quyết xong, sẽ không còn mất ngủ nữa.
Sự thay đổi công việc không ổn định cũng dẫn đến mất ngủ. Nhất là những
công nhân phải làm việc theo ca, và giờ làm việc bị thay đổi thất
thường. Họ làm ca ngày, rồi chuyển sang ca đêm... khiến cho các nhịp độ
sinh học trong cơ thể không thể nào bình ổn được. Kết quả là khi có thời
gian để ngủ họ vẫn không ngủ được. Thậm chí ngay cả khi những ca làm
việc được ổn định đều đặn nhưng rơi vào ban đêm, thì nhiều người vẫn cảm
thấy khó ngủ vào ban ngày. Những điều kiện chung quanh như ánh sáng,
tiếng ồn, sinh hoạt của những người khác... là những yếu tố khiến họ khó
ngủ.
Khi mất ngủ, người ta thường cố làm một điều gì đó để chống lại việc mất
ngủ. Tuy nhiên, thực tế là sự thiếu hiểu biết có thể làm cho tình hình
càng trở nên tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy loại thuốc ngủ có tên là Triazolam đã có
tác dụng phụ gây ra chứng đãng trí. Trong trường hợp này, rõ ràng là
việc giải quyết một vài đêm mất ngủ đã để lại tai hại quá lớn cho những
ngày còn lại trong đời bạn. Vì thế, trước khi dùng bất cứ loại thuốc ngủ
nào, tốt nhất là nên có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Một trường hợp khác cần lưu ý là những cơn ác mộng trong đêm lại có thể
là do tác dụng của một vài loại thuốc nào đó. Một người đàn ông 33 tuổi
dùng một liều 500 miligam naproxen mỗi ngày để chống viêm nhiễm, vì ông
ta đang có vết thương ở bả vai và cánh tay. Ông ta dùng thuốc như vậy
liên tục trong 3 ngày. Trong 3 ngày đó, khi thức dậy ông luôn nhớ lại
những giấc mơ hãi hùng, như tai nạn xe cộ, rơi máy bay, hoặc những
chuyện kinh khủng tương tự như vậy ... Sau khi ngưng dùng thuốc, những
cơn ác mộng liền chấm dứt. Khoảng vài tuần sau, ông dùng naproxen một
lần nữa, và những cơn ác mộng trở lại như trước.
Nhiều loại thuốc khác cũng gây ra các tác dụng phụ khác. Có thể chỉ đơn
giản như làm tăng cảm giác buồn ngủ hoặc hơi khó chịu về tiêu hóa, cho
đến những tác dụng nghiêm trọng như gây ra những cơn ác mộng hoặc những
rối loạn về tâm thần. Ngoài naproxen, những loại thuốc có hại khác đã
được biết có thể kể như là doxepin, fluphenazine dùng kết hợp với
diphenhydramine, reserpine, thioridazine, thiothixene, buspirone, và
verapamil.
Bởi vì có rất nhiều loại thuốc có thể có tác dụng tốt với chứng mất ngủ
của bạn mà không gây các tác dụng phụ tai hại như trên, nên bạn phải hết
sức cẩn thận tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
b. Những điều nên làm
– Tránh hút thuốc lá, uống cà-phê, rượu... và sử dụng những dạng chất
kích thích khác vào chiều tối. Đây là những nguyên nhân khiến bạn khó
ngủ, hoặc thậm chí nếu có ngủ được thì cũng khó mà ngủ sâu. Ngủ và ngủ
sâu là hai khái niệm mà kinh nghiệm bản thân ai cũng có thể phân biệt
được. Khi bạn ngủ sâu, cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn và não bộ phục
hồi sức làm việc đến mức tối đa của nó. Ngược lại, một giấc ngủ chập
chờn, nửa tỉnh nửa mê đôi khi làm bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi thức
dậy.
– Không nên ăn quá no hoặc ăn những thức ăn kho tiêu vào buổi tối. Một
dạ dày đầy cứng cũng sẽ làm bạn khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Ngược
lại, nên ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Tuy nhiên, cũng không nên để bụng đói
khi đi ngủ, vì cảm giác đói bụng cũng gây khó ngủ. Sau khi ăn, cho dù
mệt mỏi đến đâu bạn cũng không nên lên giường ngay. Nên đi bách bộ một
đoạn ngắn, hoặc làm một vài công việc tiêu khiển nhẹ nhàng nào đó trong
chốc lát.
– Tránh những giấc ngủ ngắn trong ngày. Trong những điều kiện làm việc
mệt nhọc cần nghỉ ngơi nhiều, có thể ngủ một giấc ngắn sau bữa cơm trưa.
Ngoài ra, giấc ngủ thất thường vào những thời điểm khác trong ngày đều
có hại. Đặc biệt là nếu giấc ngủ ấy càng về chiều thì giấc ngủ đêm bình
thường của bạn sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
– Điều độ là một yếu tố rất tốt. Cố gắng duy trì giờ đi ngủ và thức dậy
mỗi ngày đều đặn như nhau, ngay cả vào những ngày nghỉ hoặc cuối tuần
cũng không nên thức dậy muộn hơn. Nếu bạn có thói quen ngủ trưa, cũng
nên ngủ vào một giờ cố định hàng ngày.
– Trước khi lên giường ngủ, nên dành một thời gian ngắn để làm cho tinh
thần lắng dịu đi. Có thể tắm nước nóng, đọc một câu truyện giải trí nhẹ
nhàng, nghe một vài khúc nhạc nhẹ, hay có thể tập ngồi thiền hoặc đọc
kinh cầu nguyện.
– Điều kiện giường ngủ cũng là một yếu tố quan trọng. Phải đảm bảo thật
thoải mái. Đừng để cho giường nệm, chăn mùng trở thành những yếu tố gây
khó chịu cho bạn. Phòng ngủ nên bố trí sao cho yên tĩnh, ánh sáng vừa
phải và không khí thoáng mát, nhiệt độ điều hòa.
– Tập thể dục đều đặn mỗi buổi sáng. Những bài thể dục hoặc các bài tập
rèn luyện thân thể hàng ngày đều giúp bạn ngủ ngon hơn, chỉ có điều nên
tránh thực hiện chúng vào buổi tối trước khi ngủ.
– Luyện tập thói quen gác bỏ tất cả mọi việc khi đến giờ đi ngủ. Mọi rắc
rối cần được giải quyết trước đó, và khi không thể nào giải quyết xong,
hãy tự cho phép mình gác chúng lại cho đến hôm sau. Nên biết rằng, mang
theo những lo lắng vào giấc ngủ không bao giờ là một điều khôn ngoan cả.
– Nếu bạn không thể ngủ được, đừng trăn trở quá lâu trên giường ngủ.
Thường thì điều này chẳng đưa đến kết quả nào. Thay vì vậy, nếu sau 20
đến 30 phút mà bạn chưa dỗ được giấc ngủ, hãy ra khỏi giường. Đi dạo một
lát ngoài sân, hoặc sang phòng khác đọc sách, nghe nhạc, xem ti-vi... nói
chung là một công việc nhẹ nhàng nào đó mà bạn nghĩ là có thể giúp bạn
có được cảm giác buồn ngủ. Sau đó, trở lại giường để dỗ giấc ngủ. Hãy cố
gắng nằm yên và theo dõi hơi thở ra vào đều đặn của mình. Việc trở mình
liên tục trên giường ngủ chỉ làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn mà thôi.
– Khi bạn hiểu ra việc mất ngủ xuất phát từ một nguyên nhân căng thẳng
cụ thể nào đó, bạn hãy yên tâm rằng khi mọi việc trôi qua, trạng thái
mất ngủ sẽ biến mất. Điều thực tế là, chính nỗi lo sợ về việc mất ngủ
đôi khi lại trở thành một nguyên nhân tệ hại hơn cả những gì trước đó đã
gây mất ngủ cho bạn.
– Khi mất ngủ là do những đau nhức trong cơ thể, có thể đề nghị bác sĩ
điều trị can thiệp bằng một vài liều thuốc giảm đau hoặc an thần thích
hợp. Không được tự ý kê toa trong những trường hợp này.
– Người mất ngủ do những khủng hoảng tâm lý như lo sợ, bực tức, giận
dữ... thường rất cần sự an ủi, chia sẻ của những người chung quanh, đặc
biệt là người thân trong gia đình hay bạn bè...
– Nếu bạn có khả năng chọn lựa thời gian làm việc cho chính mình, nên
tránh những thời biểu làm việc thất thường, không đều đặn, xen kẽ ngày
lẫn đêm. Cũng nên tránh việc nhận làm ca đêm và ngủ vào ban ngày. Tuy
nhiên, nếu việc làm ca đêm là băt buộc, bạn có thể áp dụng một số biện
pháp để giúp dễ ngủ hơn vào ban ngày:
_ Dùng màn che cửa sổ thích hợp, đảm bảo giữ được ánh sáng vừa phải
trong phòng ngủ, không quá sáng.
_ Dùng một máy cát-sét để phát những âm thanh thu sẵn tạo cảm giác buồn
ngủ: tiếng mưa rơi, tiếng thác nước đổ, tiếng gió thổi trong rừng cây...
Nói chung là những âm thanh đều đều, đơn điệu. Ngoài ra, những âm thanh
chọn lọc này còn giúp bạn loại trừ tác động của những loại âm thanh khác
có thể gây khó ngủ, như tiếng xe cộ, tiếng người cười nói, tiếng máy móc
hoạt động...
– Nếu bạn nghi ngờ hiện tượng mất ngủ là do tác dụng phụ của một loại
thuốc trị bệnh khác đang dùng, nên báo ngay cho bác sĩ điều trị biết.
Bác sĩ sẽ xem xét việc thay đổi loại thuốc đang dùng, hoặc cho kèm theo
một vài loại thuốc khác để chống triệu chứng mất ngủ. Tuy nhiên, không
được tự ý quyết định trong trường hợp này.
– Nếu bạn bắt buộc phải dùng đến thuốc ngủ, phải hết sức cẩn thận. Một
vài lời khuyên sau đây có thể là cần thiết:
_ Sử dụng liều thấp nhất có thể được.
_ Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn ghi trên bao bì đựng thuốc, hoặc các
chỉ dẫn của y bác sĩ. Các yếu tố như liều dùng, thời điểm uống thuốc,
các tác dụng phụ có thể có hoặc các thức ăn uống nên tránh dùng... đều
quan trọng khi sử dụng thuốc ngủ.
_ Nên chú ý đọc kỹ về các tác dụng phụ của thuốc trước khi dùng, hoặc
hỏi y/bác sĩ đã kê toa cho bạn về các tác dụng phụ có thể có của thuốc.
Tốt nhất là chỉ dùng thuốc loại này theo chỉ định của y/bác sĩ.
_ Chỉ nên dùng thuốc liên tục tối đa từ một đến hai tuần. Thường thì cơ
thể bạn sẽ không còn chịu ảnh hưởng mạnh của thuốc sau thời gian này.
Mặt khác, dùng thuốc loại này quá lâu còn có khả năng gây nghiện.
_ Tuyệt đối không lái xe hoặc vận hành máy móc hay làm bất cứ công việc
nặng nề, nguy hiểm nào khi đang dùng thuốc ngủ.