Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn [釋禪波羅蜜次第法門] »» Bản Việt dịch quyển số 10 »»

Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn [釋禪波羅蜜次第法門] »» Bản Việt dịch quyển số 10

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.84 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 1 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Thiền Ba La Mật

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Đạt Ma Ngộ Nhất

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

*B. PHÁP QUÁN BẤT HOẠI
Từ pháp tu Bát bối xả trở về sau, có sáu pháp môn thuộc về “pháp bất hoại”. Nếu hàng Thanh văn có căn cơ linh lợi quán đầy đủ sáu pháp này, sẽ được phát vô lậu, thành bậc Đại lực A-la-hán bất hoại pháp (tu pháp quán bất hoại).
Kinh Ma Ha Diễn ghi: “A-la-hán bất hoại pháp có đầy đủ các tam muội: Vô tránh tam muội, Nguyện, Trí, Đảnh, Thiền”.
Hiện nay chia sáu pháp này thuộc về bốn thứ:
- Quán thiền
- Huân thiền
- Luyện thiền
- Tu thiền
Ba môn: Bát bối xả, Bát thắng xứ, Nhất thiết xứ là thuộc về Quán thiền. Ma Ha Diễn ghi: “Bối xả là sơ hành, Thắng xứ là trung hành, Nhất thiết xứ là hậu hành”. Toàn bộ ba pháp môn này, đều là pháp đối trị phá trừ vô minh, tham ái và tịnh pháp ái trong Tứ thiền. Trong Quán thiền có giải thích thứ tự phương pháp quán của Bát bối xả, Bát thắng xứ và Nhất thiết xứ.
- Cửu Thứ Đệ Định thuộc về Luyện thiền.
- Sư Tử Phấn Tấn thuộc về Huân thiền.
- Siêu Việt Tam Muội thuộc về Tu thiền.
*IV- BÁT BỐI XẢ
(Bối xả: “Bối” là trái, “Xả” là bỏ. Tức là tám pháp quán nhằm xả bỏ cảnh giới thiền định của thế gian, và thành tựu các thiền định xuất thế gian)
Bát bối xả gồm có:
1. (Sơ Bối xả) Nội hữu sắc tướng, Ngoại quán sắc bối xả.
2. (Nhị Bối xả) Nội vô sắc tướng, Ngoại quán sắc bối xả.
3. (Tam Bối xả) Tịnh bối xả thân tác chứng bối xả.
4. Hư không xứ bối xả
5. Thức xứ bối xả
6. Vô sở hữu xứ bối xả
7. Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ bối xả
8. Diệt thọ tưởng bối xả
GIẢI THÍCH BÁT BỐI XẢ
Chia năm phần:
Giải thích danh tự
Thuyết minh vị thứ
Luận pháp quán bất đồng
Thuyết minh tu chứng
Phân biệt tướng chứng đắc
GIẢI THÍCH DANH TỰ
Bát bối xả là tám pháp môn lìa bỏ tâm bám chấp Ngũ dục tịnh khiết, gọi là Bát bối xả.
Ngũ dục tịnh khiết là:
- Do tham đắm ngũ dục trong Dục giới, nên bị trầm luân trong ba đường ác, gọi là Ngũ dục bất tịnh.
- Do tâm tham đắm thiền vị của các Định dục giới, Vị đáo địa, Tứ thiền và Tứ không định, gọi là Ngũ dục tịnh khiết.
Nay dùng pháp quán Bối xả vô lậu để đối trị phá trừ, nhàm chán xa lìa các hỷ, lạc của Định dục giới và Tứ thiền, nên nói là xả bỏ tâm tham đắm Ngũ dục tịnh khiết, đây gọi là Bối xả. Có người cho Bát bối xả tức là Bát giải thoát.
Nay lấy luận điểm của Ma Ha Diễn để thể nghiệm qua luận thuyết này.
Trong Kinh Đại Phẩm ghi: “Bồ-tát nương nơi Bát bối xả để nhập Cửu thứ đệ định, thân chứng quả A-na-hàm. Tuy được Cửu thứ đệ định mà không thể gọi là Bát giải thoát, vì nguyên nhân của Bát bối xả là chán lìa phiền não, sau đó tu đầy đủ các thiền: Quán thiền, Luyện thiền, Huân thiền,
Tu thiền, phát vô lậu chân thật, diệt sạch kiết sử trong tam giới, lúc này Bát bối xả mới chuyển danh từ gọi là Bát giải thoát”. Như thế ý nghĩa mới có căn cứ đầy đủ.
THUYẾT MINH THỨ VỊ
Có nhiều Luận giải thích chẳng đồng. Nếu theo Thuyết Đàm Vô Đức(1):
“Bối xả thứ nhất và bối xả thứ hai thuộc về Định dục giới.
Bối xả thứ ba là Tịnh bối xả, thuộc về Tứ thiền của Sắc giới.
Bối xả thứ tư, năm, sáu và bảy, thuộc về Tứ không định.
Bối xả thứ tám thuộc về Diệt thọ tưởng định, tức là vượt qua khỏi Tam giới”.
Theo Thuyết Tỳ Bà Sa(2):
Ngôi vị bối xả thứ nhất và thứ hai thuộc về Định dục giới, Sơ thiền, Nhị thiền.
Bối xả thứ ba thuộc về Tứ thiền. Vì Tam thiền có nhiều an lạc, lại xa lìa bất tịnh, cho nên không thành lập pháp quán bối xả.
Năm thứ bối xả sau cùng cũng giải thích như ở phần trước vậy.
Có thầy nói “Tam thiền không có Bát thắng xứ, Tứ thiền không có Bát bối xả”, luận thuyết này khác ở trước. Hiện nay chỉ y theo Luận Đại Trí Độ(3) giải thích:
“Bối xả thứ nhất là thuộc về Sơ thiền. Bối xả thứ hai thuộc về Nhị thiền, ngôi vị của hai bối xả này ở tại Nhị thiền, Sơ thiền là phá trừ phiền não Dục giới, cho nên đều dùng tâm bất tịnh để quán sắc ngoài thân”.
Bối xả thứ ba gọi là Tịnh bối xả, thuộc về trong Tam thiền.
Theo Luận Đại Trí Độ giải thích: “Tịnh bối xả, nghĩa là dùng tâm thanh tịnh làm nhân duyên, cho nên được cảm thọ khắp cả toàn thân”. Đây gọi là Thân tác chứng. Vì sao? Vì trong Tam giới, ngoại trừ Tam thiền ra, các thiền khác không có cảm thọ an lạc khắp toàn thân.
Lại nói: “Trong Tứ thiền có một bối xả, mỗi bối xả thuộc về bốn thắng xứ”.
Nên biết, ngôi vị bối xả ở giữa Tam thiền và Tứ thiền, nếu thuộc về các thiền, tức là luận chưa được thông suốt. Nay nếu đem nghĩa lý này phá bỏ nghĩa lý trước, thì trở thành lộn xộn, giáo lý chẳng được dung thông. Hiện nay chỉ theo sự giải thích của Luận Đại Trí Độ để phân chia thứ vị.
LUẬN PHÁP QUÁN BẤT ĐỒNG
Theo Thuyết Đàm Vô Đức lấy pháp quán Không làm bản thể, để giải thích pháp quán của Bát giải thoát.
Nếu theo thuyết của Tát Bà Sa, thì lấy pháp quán xả ly làm bản thể, để giải thích pháp quán của Bát bối xả. Pháp quán của Bát bối xả đều có đầy đủ cả Sự và Lý, nếu từ Nhân tu thì gọi là bối xả, khi chứng Quả viên mãn gọi là giải thoát, cũng còn gọi là Câu giải thoát.
Theo thuyết của hai Luận gia ở trước, giải thích về Lý và Sự chưa được đầy đủ, nên không thể dùng danh từ “Câu giải thoát”.
Về phương pháp quán mà chúng ta đang nói, so với thuyết của hai Luận gia trên có chỗ bất đồng, tướng sâu cạn cũng khác nhau, cho nên đến phần sau sẽ giải thích rõ hơn.
THUYẾT MINH TU CHỨNG
Hành giả muốn tu pháp quán của Bát bối xả vô lậu, cần phải tinh tấn nghiêm trì giới luật, như ngũ giới v.v... thật thanh tịnh. Ngoài ra còn phải tinh tấn dũng mãnh phát đại thệ nguyện trang nghiêm, để tâm không bị lui sụt, mới có thể thành tựu được đại sự.
1. Sơ Bối xả (bối xả thứ nhất)
Sơ bối xả là không hoại nội ngoại sắc tướng, không diệt nội ngoại sắc tướng, sau đó mới dùng tâm bất tịnh quán sắc nên gọi là Sơ bối xả. Vì cớ sao? Vì chúng sinh có hai hạng người.
- Tham ái
- Tri kiến
Người tham ái nhiều thì say đắm nơi dục lạc, đa phần bị phiền não ở ngoài trói buộc. Người tri kiến nhiều thì chấp trước nơi “Thân kiến” v.v... do đó bị phiền não kiết sử ở nội tâm trói buộc. Vì thế người tham ái nhiều, nên quán bất tịnh ở ngoài thân. Người tri kiến nhiều, nên quán tướng bất tịnh trong nội thân.
Nay giải thích phương pháp quán của Bát bối xả, trước tiên là khởi quán từ trong nội thân, sau khi quán tưởng đã thành tựu, lại dùng tâm bất tịnh ấy để quán sắc tướng bên ngoài.
Quán nội thân: Hành giả ngồi ngay thẳng, tâm chuyên chú quán tưởng ngón chân cái, quán tưởng lớn bằng hạt đậu phình to, như tướng ngón chân sưng phù. Sau khi lắng tâm quán tưởng tướng này đã thành tựu, lại tiếp tục quán tưởng ngón chân to dần như quả trứng gà. Kế đến là quán hai ngón chân, cho đến ba, bốn, năm ngón cũng quán tưởng như thế.
Lại quán các phần còn lại của chân, như lòng bàn chân, gót chân, mắt cá chân v.v... cũng phù to như thế.
Kế tiếp lại quán tưởng chân bên phải cũng như thế. Hành giả tiếp tục nhất tâm quán tưởng các đường tiểu tiện, đại tiện, eo lưng, ngực, cổ, đầu, tất cả toàn thân đều sưng phù và cứng đờ như thế. Hành giả cứ quán từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, tuần tự quán sát toàn thân thể chỉ thấy sưng phù, nên sinh tâm nhàm chán, ghê tởm. Hành giả quán tưởng thân thể của mình tan hoại, máu mủ bất tịnh chảy tràn ra, thấy rõ 36 vật trong thân thể hôi thối bất tịnh, nên sinh tâm nhàm gớm. Hành giả tự quán tưởng thân thể của nam nữ đáng yêu cũng bất tịnh, chẳng có gì đáng ưa thích.
Nói tóm lại chỉ trừ pháp quán Tán tưởng và Thiêu tưởng là khác, còn lại là như pháp quán của Cửu tưởng.
Khi hành giả tu pháp quán này, nếu phiền não Dục giới chưa dứt sạch, phải trụ lâu nơi pháp quán này, khiến tâm nhàm chán được thuần thục.
Nếu muốn lìa bỏ tâm tham đắm ăn uống, có thể quán thêm pháp quán tưởng tướng xương trắng. Tức là hành giả nhất tâm an định, quán nơi giữa chặng mày, tưởng tượng xẻ thịt ra, thấy hình tướng xương trắng rõ ràng như chiếc móng tay lớn. Kế tiếp hành giả hướng tâm lên chỗ da thịt nứt ra thấy xương trán, xương mé tóc mở toát, thấy rõ toàn bộ da đầu. Kế tiếp quán xương đỉnh đầu, cũng thấy da thịt lột ra, hiện bày tướng đầu lâu. Hành giả lại tiếp tục định tâm quán tưởng từ trên đầu xuống dưới chân, tùy theo tâm tưởng đến đâu, da thịt xẻ ra đến đó. Sau khi thịt đã lột hết hoàn toàn, chỉ còn thấy trơ một bộ xương người và các bộ phận xương dính liền nhau, ngồi yên bất động.
Lúc này hành giả định tâm quán sát bộ xương có tất cả ba mươi sáu đốt nương trụ vào nhau, đều do nhân duyên tạo thành: như các đốt xương ngón chân chống đỡ xương chân, xương chân nương nơi xương mắt cá, xương mắt cá là chỗ trụ của xương ống chân, ống chân là chỗ trụ của xương đầu gối, xương đầu gối chống đỡ xương đùi, xương đùi nâng đỡ cho xương chậu, xương chậu chống đỡ xương lưng, xương lưng chống đỡ xương đầu, v.v... Lại quán sát biết rõ những đốt xương lớn, xương nhỏ, xương cứng, xương mềm nương tựa vào nhau, không có chủ tể, không có tự ngã, thì “Thân kiến” ở chỗ nào? Hơi thở ra vào, cũng chỉ là hơi gió mà thôi.
Vì thân thể đã chẳng phải của ta, chẳng phải ngã. Cho nên hành giả quán chiếu thấy ba thứ: thọ, tâm và pháp biết rõ nó là hư dối, không có chủ tể, không có tự ngã. Khi quán chiếu như thế liền phá trừ “Ngã kiến”, tâm kiêu mạn và tham ái ngũ dục cũng đều diệt sạch.
Lúc này tâm hành giả trụ trong thiền định, quán sát tướng xương trắng từ đầu đến chân, rồi từ chân lên đầu. Quán luyện tuần tự như thế trải qua hàng trăm ngàn lần, cho đến khi bộ xương trắng toát như ngọc, quán chiếu như thế liền thấy tướng xương trắng phát ra ánh sáng.
Khi thấy tướng xương phát sáng, lại tiếp tục quán giữa chặng mày cũng phát ánh sáng trắng, chiếu sáng nội tâm hành giả. Hành giả không nên bám chấp tướng ánh sáng, mà chỉ định tâm trụ giữa chặng mày. Tâm hành giả tự nhiên dừng trụ, thiện căn khai phát, lúc đó ngay giữa chặng mày phát ra tám màu sắc, xoay chuyển phóng ra ánh sáng thanh tịnh, chiếu khắp cả mười phương.
Ánh sáng tám màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, địa, thủy, phong, hỏa (đất, nước, gió, lửa). Ánh sáng tám màu này chiếu khắp mặt đất.
- Sắc ánh sáng của địa đại màu vàng nhạt, trong sáng, thanh tịnh.
- Sắc ánh sáng của thủy đại màu xanh như hồ nước trong lặng.
- Sắc ánh sáng của hỏa đại màu đỏ như lửa thanh tịnh không có khói.
- Sắc ánh sáng của phong đại như gió mát không có bụi trần.
- Ánh sáng xanh như núi Kim Tinh Sơn.
- Ánh sáng vàng như màu của hoa Diêm Bặc.
- Ánh sáng đỏ như màu của vầng hồng mùa xuân.
- Ánh sáng trắng như màu tuyết trắng.
Mỗi mỗi màu sắc đều phát ra ánh sáng, tuy sắc tướng rõ ràng nhưng lại không có hình thể thực chất. Những màu sắc này rất thù thắng, siêu vượt hẳn các hình sắc có ở thế gian. Khi các màu sắc này phát ánh sáng, nội tâm hành giả an định và vô cùng hỷ lạc, các cảm thọ này không thể dùng văn tự diễn đạt hết được.
Hành giả lại quán sát từ đầu đến chân. Tập luyện quán tưởng bộ xương trắng thật thuần thục, lại nhiếp tâm quán chiếu trên trán, trụ tâm tại đó. Khi ấy hành giả thấy ánh sáng tám màu, từ từ xoay chuyển phóng ra, hành giả định tâm, lần lượt quán từ trên mé tóc, đỉnh đầu, lỗ tai, mắt, mũi, miệng, răng, xương cổ, xương trán, quán từ trên xuống dưới, tất cả ba trăm sáu mươi (360) đốt xương, cũng đều phát ánh sáng tám màu, xoay chuyển phóng ra. Hành giả nhiếp tâm quán chiếu bộ xương, từ đầu đến chân, từ chân lên đầu, quán thấy cả toàn thân đều phóng ánh sáng thanh tịnh sáng suốt, chiếu khắp mười phương.
Nếu là bậc Bồ-tát Đại sĩ quán chiếu, thì ngay tại trong ánh sáng này sẽ thấy được hình tượng chư Phật, những hành giả có căn tính chậm lụt, phải đến khi chứng được Tứ thiền, mới có thể thấy được các hình tượng Phật.
Khi hành giả thấy ánh sáng chiếu rực rỡ như thế, nội tâm càng an định và hỷ lạc hơn lúc thấy ánh sáng ở trước rất nhiều, đây gọi là chứng Sơ bối xả. Vì cớ sao? Do nội tâm quán chiếu tướng xương trắng chưa dứt sạch, nên gọi là “Nội hữu sắc tướng”. Quán thấy ánh sáng tám màu từ xương trắng phóng ra, và cảnh Dục giới bất tịnh, nên gọi là “Bất tịnh tâm quán ngoại sắc” (dùng tâm bất tịnh quán tưởng sắc tướng ở ngoài).
Quán ngoại sắc. Có hai loại:
- Thân thể bất tịnh của Dục giới, gọi là Bất tịnh ngoại sắc.
- Tám màu sắc ánh sáng thanh tịnh là sắc của Sắc giới xuất thế gian, gọi là Ngoại sắc.
Hành giả quán tưởng thấy rõ sắc bất tịnh ở trong và ngoài thân, nên tâm không còn hoan hỷ ưa thích, liền xả bỏ Dục giới.
Do hành giả thấy tám màu sắc thanh tịnh, biết rõ Sơ thiền là mê tối, không sáng suốt, là hư dối chẳng thật, là cảnh giới thô cạn, thấp kém, tâm liền xả bỏ, không còn tham đắm. Trong Luận Đại Trí Độ có ghi: “Bối là bỏ ngũ dục tịnh khiết, xả lìa tâm dính mắc tham đắm, gọi là Bối xả”.
Lại nữa, như trong Ma Ha Diễn có ghi: “Nếu Sơ thiền chứng được một bối xả, nên biết bối xả này chính là Sơ thiền vô lậu, có đầy đủ ý nghĩa cả Ngũ chi (năm chi công đức)”.
Phân tích năm chi:
- Từ khi hành giả bắt đầu quán bất tịnh, cho đến luyện tập quán tưởng ánh sáng của bộ xương trắng phát sáng, đây là cảnh giới Định dục giới của Quán thiền. Kế tiếp, hành giả nhiếp tâm quán chiếu xương giữa chặng mày, nội tâm lặng lẽ nhập định, tức là cảnh giới định Vị đáo địa của Quán thiền.
- Khi tám màu sắc ánh sáng xoay chuyển phóng ra, hành giả biết rõ tám màu ánh sáng này, trước kia chưa từng thấy, do đó nội tâm bừng tỉnh, giác ngộ, đây là cảnh giới giác chi của Quán thiền.
- Khi hành giả quán sát thấy tám màu sắc ánh sáng này, hình tướng của mỗi màu sắc đều khác nhau, chẳng phải là vật có ở thế gian, đây là Hỷ chi.
- Khi tâm hành giả an lạc thoải mái, nhẹ nhàng, đây là Lạc chi.
- Tuy hành giả thấy ánh sáng tám màu sắc này, nhưng nội tâm không có vọng tưởng điên đảo, được chánh định bất động, đây là Nhất tâm chi.
Trên đây đã giải thích tóm tắt sơ lược tướng ngũ chi của Quán thiền vô lậu. Nên biết ngũ chi trong Căn bản thiền, Thập lục Đặc Thắng và Thông minh thiền có nhiều chỗ khác với ngũ chi của Quán thiền này.
2. Nhị Bối xả (bối xả thứ hai)
- Hoại nội sắc diệt nội sắc tướng.
- Bất hoại ngoại sắc, bất diệt nội sắc tướng. Nghĩa là dùng tâm bất tịnh quán sắc tướng
bên ngoài, gọi là Nhị bối xả.
Vì cớ sao? Khi còn trong Sơ bối xả, hành giả quán thấy xương phát ánh sáng cả toàn thân. Nay hành giả lại muốn nhập vào trong Nhị thiền thanh tịnh, cho nên quán tưởng phá diệt hết các hình tướng xương trắng trong thân thể và muốn dứt hết các phiền não nơi Dục giới, nhưng do kiến hoặc và tư hoặc chưa đoạn, nên cần phải quán tướng xương trắng bất tịnh ở ngoài. Nên nói “Dùng tâm bất tịnh quán ngoại sắc”.
Tu chứng Nhị bối xả
Khi còn trong cảnh giới cuối cùng của Sơ bối xả, hành giả xả bỏ tâm giác quán loạn động, chuyên chú quán tưởng tướng xương trắng trong thân thể, đều hư giả chẳng thật, từ trong ra ngoài trống rỗng. Do chuyên tâm quán tưởng tướng hủy hoại, tan diệt của xương, liền thấy xương trắng từ từ tan rã, mục nát, giống như bột phấn, tất cả tan diệt trở về không, chẳng còn thấy tướng xương trắng ở trong thân thể.
Lúc này hành giả chỉ nhiếp tâm nhập định, duyên nơi ánh sáng ở ngoài, nhất tâm quán chiếu xả bỏ Giác và Quán. Sau đó nội tâm tự nhiên thanh tịnh sáng suốt, chứng được Tam-muội chánh thọ và tâm hoan hỷ đều phát, liền thấy ánh sáng tám màu từ nội tâm thanh tịnh phóng ra, chiếu sáng khắp cả mười phương, sự vi diệu thù thắng hơn hẳn cảnh giới của Sơ bối xả.
Sau khi chứng được cảnh giới thanh tịnh sáng suốt và hoan hỷ, hành giả biết rõ Nhị thiền cũng là hư giả chẳng thật, là thô, là thấp kém, nên sinh tâm nhàm chán xả bỏ, không còn đắm chấp, đây gọi là Nhị bối xả, cũng còn gọi là Nhị thiền vô lậu, trong đó gồm có bốn chi, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy.
3. Tam Bối xả
Còn gọi là Tịnh bối xả thân tác chứng. Trong Ma Ha Diễn ghi: “Do duyên tịnh nên tâm thanh tịnh, cảm thọ an lạc khắp toàn thân, gọi là Thân tác chứng”.
Vì cớ sao? Khi muốn chứng nhập Bối xả thứ ba, nên xả bỏ tâm cuối cùng của Bối xả thứ hai.
Tức là hành giả quán tưởng sắc bất tịnh ở ngoài thảy đều tan hoại sạch, chẳng còn lưu lại gì. Cũng xả bỏ cảm thọ hoan hỷ tán động, chỉ chuyên tâm quán tưởng tướng ánh sáng tám màu, nhập chánh định, quán luyện ánh sáng tám màu cho đến khi trở thành ánh sáng cực kỳ trong sáng thanh tịnh và an trụ tâm vào đó, lặng lẽ nhập định. Khi định này khai phát, thì các công đức an lạc cũng đồng thời phát sinh, hành giả thấy ánh sáng tám màu sắc ở ngoài rất trong sáng thanh tịnh.
Mỗi một màu sắc của ánh sáng tùy theo tâm tưởng, chiếu rọi rực rỡ khắp mười phương, tất cả đều thanh tịnh. Những ánh sáng của màu sắc xoay chiếu rọi nội tâm, tâm liền được sáng suốt thanh tịnh, cảm giác an lạc từ từ tăng trưởng, thư thái dễ chịu khắp trong thân thể, lúc này nhất cử nhất động hành giả đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Sau khi chứng được cảnh giới này, hành giả liền xả bỏ Tam thiền, tâm không còn ưa thích đắm chấp.
Trên đây đã giải thích sơ lược về cảnh giới chứng được của Bối xả thứ ba, cũng gọi là Tam thiền vô lậu, trong đó đều có đầy đủ ý nghĩa năm chi công đức, nếu suy xét kỹ sẽ thấy. Khi nhập Tứ thiền tịnh sắc cũng như thế, vì tất cả đều thuộc về Tịnh bối xả, chỉ khác là Tứ thiền không có cảm thọ an lạc khắp toàn thân như Tam thiền.
HỎI: Nếu như thế thì từ cảnh giới của Bối xả thứ nhất trở đi, đều có sắc thanh tịnh. Tại sao nay đến Tịnh bối xả mới nói?
ĐÁP: Trong đó cần dùng bốn ý nghĩa để phân tích.
- Bất tịnh bất tịnh
- Bất tịnh tịnh
- Tịnh bất tịnh
- Tịnh tịnh
Bất tịnh bất tịnh: Như ba mươi sáu vật trong thân bất tịnh của Dục giới. Tính và tướng vốn đã bất tịnh, do sức quán tưởng bất tịnh, mới có thể thấy được tướng thân thể sình trướng, bầm tím, hư nát, hôi thối, đây gọi là trong bất tịnh lại thấy bất tịnh.
Bất tịnh tịnh: Như bản chất của xương trắng vốn là bất tịnh, nhưng vì tâm quán tưởng gạt sạch các chất mỡ bám dính nơi xương cốt, do đó xương được trắng như bạch ngọc và phát ra ánh sáng màu trắng, đây gọi là trong bất tịnh quán tịnh.
Tịnh bất tịnh: Từ pháp quán của Bối xả thứ nhất trở đi, tuy có phát ánh sáng thanh tịnh, nhưng lại có ba nguyên nhân bất tịnh.
- Xuất xứ bất tịnh: Nghĩa là ánh sáng phát ra từ xương người.
- Chỗ quán chiếu bất tịnh: Ánh sáng chiếu ra ngoại cảnh.
- Bản thể ánh sáng: Nghĩa là do thể tính của ánh sáng chưa được tu luyện nên bất tịnh. Ví như quặng vàng chưa được nung luyện, vẫn còn bụi bẩn, cho nên màu sắc không được sáng. Do nguyên nhân này, tuy cảnh giới của Sơ thiền có phát ra ánh sáng, nhưng không gọi là duyên nơi chỗ tịnh mà được thanh tịnh. Nhị thiền tuy không quán tưởng tướng xương trắng, nhưng ánh sáng phát ra từ nội tâm thanh tịnh, dù quán chiếu cảnh bất tịnh ở ngoài và ánh sáng chưa trải qua thời gian tu luyện đầy đủ, cũng được gọi là Duyên tịnh.
Tịnh tịnh: Nghĩa là nguồn gốc ánh sáng của tám màu sắc, vốn là sắc thanh tịnh, nhưng khi chứng Tam thiền của Bối xả, lìa khỏi ba thứ bất tịnh, mà được thanh tịnh, nên nói rằng: “Tịnh tịnh” cũng còn gọi là duyên nơi chỗ tịnh nên được thanh tịnh. Do có đầy đủ bốn ý nghĩa này, cho nên gọi là Tịnh bối xả.
4. Hư không Bối xả
Sau khi trụ trong Định dục giới, hành giả quán chiếu loại trừ hết sắc chất da thịt bất tịnh trên thân thể của mình. Từ pháp quán của Bối xả thứ nhất đã trừ bỏ sắc tướng xương trắng trong nội thân, đến Bối xả thứ hai trừ bỏ hết tất cả sắc bất tịnh ngoại thân. Chỉ có tám màu sắc của ánh sáng thanh tịnh phải chứng đến Tứ thiền, thì tám màu sắc này đều nương trụ nơi tâm, ví như huyễn sắc nương trụ nơi huyễn sắc, nếu tâm xả bỏ sắc, sắc liền diệt mất. Hành giả nhất tâm chuyên chú duyên nơi hư không, tâm cùng hư không tương ưng liền chứng nhập vào định Vô biên hư không xứ.
Phần giải thích về phương pháp diệt sắc tướng, ở đây có khác với chương trước. Ý nghĩa chứng được định Hư không xứ, cũng giống như đã nói ở chương trước.
Hành giả muốn nhập vào định Hư không bối xả, trước tiên phải nhập vào Không định. Không định này chính là cửa phương tiện đầu tiên của Bối xả, vì cớ sao? Vì xả bỏ hết sắc, không còn sắc tướng, cho nên hạng phàm phu nhập vào định này gọi là Vô sắc. Nếu hàng đệ tử của Phật khi nhập vào định này, “Thâm tâm nhất hướng bất hồi”, gọi là Hư không bối xả.
- Vì sao gọi là “Thâm tâm”? Nghĩa là khéo tu tập Xa-ma-tha (Chỉ).
- Vì sao gọi là “Nhất hướng bất hồi”? Nghĩa là tại trong định này hành giả khéo tu tập Tỳ-bà- xá-na (Quán): không, vô tướng, vô tác, vô nguyện. Có công năng xả bỏ tâm tham ái, đắm chấp thiền định căn bản, không còn lui sụt, xoay chuyển trong luân hồi sinh tử, gọi là “Nhất hướng bất hồi” (luôn hướng tới Niết-bàn mà không xoay trở lại).
Lại nữa, khi đệ tử Phật nhập định Vô sắc liền có Bát thánh chủng quán (8 pháp quán) do bốn pháp quán đối trị như: quán ung nhọt, ghẻ lở v.v... có công năng nhàm chán, xả bỏ pháp vô sắc. Do bốn pháp chánh quán như: vô thường v.v... có công năng phá trừ hai loại kiến chấp điên đảo, đó là vô sắc và thật giả, nên được khai phát vô lậu.
Phương pháp thực hành Bát thánh chủng quán, cũng như phương pháp xả bỏ định Hư không tiến tu nhập vào định Thức xứ đã có nói ở chương trước. Nhưng vì muốn xả bỏ định Hư không, nên mới tiến tu Bát thánh chủng quán. Hiện nay hành giả nhập định Hư không, chính là tu Bát thánh chủng quán, tuy trụ trong định Hư không, mà không bám chấp nơi định này, nên gọi là Hư không bối xả.
5. Thức xứ Bối xả
6. Vô sở hữu xứ
7. Phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ Bối xả
Ba pháp Bối xả này, mỗi thứ cũng phân tích như trên.
8. Diệt thọ tưởng Bối xả
Tức là trừ bỏ hết các tâm thọ, tưởng, gọi là Diệt thọ tưởng bối xả. Vì cớ sao? Khi đệ tử Phật nhàm chán tâm tán loạn, muốn nhập định để nghỉ ngơi, cảnh giới của tầng định này tương tự như cảnh giới Niết-bàn, vì cảm thấy thân an ổn nên bám chấp trong đó, gọi là Thân chứng.
Khi hành giả tu pháp quán Diệt thọ tưởng bối xả, cần phải diệt trừ định Phi tưởng, ấm, giới, nhập và các tâm số pháp (tâm sở).
Diệt trừ thế nào? Trong định Phi tưởng tuy không còn có các phiền não thô, nhưng lại có đầy đủ bốn ấm là thọ, tưởng, hành, thức. Nhị nhập là ý và pháp. Tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Mười thứ tâm vi tế là thọ, tưởng, hành, xúc, tư, dục, giải, niệm, định, tuệ.
- Thọ nghĩa là cảm thọ.
- Tưởng là quán tưởng.
- Hành là phương pháp hành.
- Xúc là ý xúc.
- Tư là suy nghĩ pháp.
- Dục là muốn nhập và xuất định.
- Giải là kiến giải.
- Niệm là nhớ tam-muội.
- Định là tâm an định như pháp.
- Tuệ là thân căn và tuệ thân.
Do nhân duyên hòa hợp của các pháp: khổ, tập và vô sắc ái, vô minh, trạo cử, ngã mạn và các hành v.v... nên có định Phi tưởng.
Phi tưởng của bối xả, tức là tuy hành giả vẫn nhận biết những sự việc như trên, nhưng tâm không bám chấp định Phi tưởng, nên gọi là Bối xả, dù vậy các tâm số pháp vẫn chưa diệt hết sạch.
Nay hành giả muốn nhập vào định Diệt thọ tưởng bối xả, cần xả bỏ định Phi tưởng, nhất tâm duyên nơi chân tính, dứt tuyệt các ấm, giới, nhập của định Phi tưởng, thì ấm, giới, nhập tự nhiên tiêu diệt. Do các hành đều diệt, thì thọ và tuệ cũng diệt, cho đến các phiền não, vô minh, tham ái, tâm số pháp diệt, thì phi tâm số pháp cũng diệt. Đây chẳng phải là pháp thế gian và cũng chẳng đồng với Diệt thọ tưởng định của phàm phu.
Nếu hành giả luôn quán chiếu như thế gọi là Diệt thọ tưởng, dùng tâm quán thọ và tưởng này, quán chiếu diệt trừ thọ, tưởng, khổ, tập của Phi tưởng.
Nay hành giả muốn nhập định Diệt thọ tưởng bối xả, cần biết rõ tâm năng quán của thọ tưởng cũng chẳng phải là cảnh giới rốt ráo vắng lặng, nên liền xả bỏ huệ tưởng và định của tâm năng quán. Do xả bỏ hai thứ định và huệ này, nên gọi là xả bỏ Diệt thọ tưởng và các tâm số pháp. Ví như dùng âm thanh sau, để dừng dứt âm thanh trước, âm thanh trước đã dứt, âm thanh sau cũng dừng như thế.
Do thọ và tưởng đã dứt sạch, nhân đây tâm cùng pháp diệt tương ưng. Hành giả dùng pháp diệt để trì giữ tâm này, nên nội tâm vắng lặng không còn tri giác, đây gọi là thân chứng định Diệt thọ tưởng. Trong định này không còn tâm thức, nếu muốn nhập định hay xuất định, phải ấn định thời gian xuất nhập dài hay ngắn.
PHÂN TÍCH TƯỚNG CHỨNG ĐẠO
Hành giả muốn tu pháp quán Bát bối xả, có ba phương pháp nhập đạo chẳng đồng.
1/ Trước tiên là dùng pháp Bối xả để phá trừ các thứ chướng đạo, sau đó tu tập Bát thắng xứ cho đến Siêu việt tam-muội, hai pháp quán sự và lý đều đầy đủ mới khai phát vô lậu chân thật, chứng quả vị của Tam thừa.
2/ Nếu trong lúc tu Bát bối xả, tâm hành giả nhàm chán sinh tử, mong muốn nhanh chóng được giải thoát, do lúc này chuyên tu quán mười hai nhân duyên, Tứ đế v.v... thì ngay trong Bát bối xả liền được khai phát Vô lậu chân thật, chứng quả vị của Tam thừa, đây gọi là đầy đủ Bát giải thoát. Nên biết vị này chẳng cần tu đầy đủ cả năm pháp môn ở phần sau.
HỎI: Người này chưa chứng được Cửu thứ đệ định, vì sao được gọi là Bát giải thoát?
ĐÁP: Ý nghĩa này phải chia ra bốn trường hợp để giải thích:
- Có người chứng Cửu thứ đệ định mà không được giải thoát.
- Có người được giải thoát mà không chứng Cửu thứ đệ định.
- Có người chứng Cửu thứ đệ định mà cũng được giải thoát.
- Có người không chứng Cửu thứ đệ định và cũng không được giải thoát mà chỉ được Bát bối xả.
3/ Nếu người có tâm nhàm chán muốn xa lìa sinh tử quá mãnh liệt, nhưng khi chứng Sơ bối xả, nhập định quán sâu về lý Tứ đế, nếu vô lậu khai phát, tức ngay nơi định này liền nhập Kim cang tam-muội, chứng đạo quả của Tam thừa.
Nhưng vị này không nhất định phải phải quán hết cả bảy thứ Bối xả trên. Vì tâm của hàng Bồ-tát Đại thừa rỗng rang như hư không, không chỗ thủ xả, mà chỉ dùng sức phương tiện thiện xảo để tu Bát bối xả thành tựu đầy đủ Phật pháp, độ thoát tất cả chúng sinh, nên biết pháp quán Bát bối xả tức là pháp Đại thừa.
Chú thích Quyển 10A:
(1) Đàm Vô Đức: luận này do ngài Đàm Vô Đức là đệ tử Tổ Ưu-ba-cúc-đa là vị khai sáng Luật tông. Ngài thu thập từ Bát thập tụng luật, tức là trong lần kiết tập kinh điển lần thứ nhất, ngài Ưu-ba-ly tụng tạng luật 80 lần
nên gọi là (Bát thập tụng luật). Trải qua thời gian sự truyền thừa phát triển, ngài Đàm Vô Đức lập thành một bộ gọi là Đàm Vô Đức bộ hay Pháp Tạng bộ.
(2) Tỳ-bà-sa: danh từ gọi chung những tác phẩm chú giải Luật và luận: trong Đại tạng kinh có 4 bộ mang tựa đề Tỳ-bà-sa. 1/ A-tỳ-đạt-ma luận. 2/ Tỳ-bà-sa luận.
3/ Ngũ sự tỳ-bà-sa luận. 4/ Thập trụ tỳ-bà-sa luận.
(3) Đại Trí Độ Luận (Ma-ha bát-nhã, Thích luận): Luận gồm có 100 quyển, do Bồ-tát Long Thọ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25.
Nội dung giải thích Kinh Đại Phẩm Bát-nhã, tương truyền nguyên phẩm có hơn 10 vạn bài tụng, nếu dịch đầy đủ có thể hơn 1.000 quyển, nhưng ngài Cưu-ma-la-thập dịch và rút gọn còn 100 quyển. Luận này giải thích rõ ràng về học thuyết, tư tưởng, dụng lệ, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, quy định thực tiễn Tăng già. Các kinh điển được dẫn chứng bao gồm Thánh điển Nguyên thỉ, các bộ luận của bộ phái Phật giáo Đại thừa vào thời kỳ đầu, luận cũng đề cập đến học phái Thắng luận và các hệ tư tưởng khác của Ấn Độ thời bấy giờ.
Đây là bộ luận trọng yếu được các tông phái dùng làm tài liệu dẫn chứng. Tứ Giáo Nghĩa, quyển
12, Tông Thiên Thai tôn sách này là (Đại Thừa Thông Thân Luận).
*V- BÁT THẮNG XỨ
GIẢI THÍCH BÁT THẮNG XỨ

(Bát thắng xứ là tám pháp quán về cảnh sở quán, cũng như tám công đức thu thập được khi tu hành, thù thắng hơn các pháp quán về Bát bối xả như đã nói trước đây).
Gồm có:
1. Trong có sắc tướng, ngoài quán sắc ít, hoặc tốt hoặc xấu, gọi là tri kiến thắng (thấy biết thù thắng).
2. Trong có sắc tướng, ngoài quán sắc nhiều, tốt hay xấu đều thấy thù thắng.
3. Trong không có sắc tướng, ngoài quán sắc ít, tốt hay xấu đều thấy thù thắng.
4. Trong không có sắc tướng, ngoài quán sắc nhiều, tốt hay xấu đều thấy thù thắng.
5. Xanh thắng xứ.
6. Vàng thắng xứ.
7. Đỏ thắng xứ.
8. Trắng thắng xứ
Nếu theo Kinh Anh Lạc thì dùng Tứ đại làm bốn thắng xứ.
Nay giải thích Bát thắng xứ chia ra bốn phần.
- Giải thích danh từ
- Giải thích vị thứ
- Luận tu chứng
- Giải thích nhập đạo
GIẢI THÍCH DANH TỪ
Tám pháp này gọi chung là Bát thắng xứ, gồm có hai nghĩa:
1/ Ngũ dục dù tịnh hay bất tịnh, chỉ cần tu pháp quán này có thể tùy ý phá trừ ngũ dục nên gọi là Thắng xứ.
2/ Khéo điều phục tâm quán chiếu này, như người cỡi ngựa xung trận đánh giặc. Chẳng những chỉ phá quân trận, mà còn có thể khéo điều phục ngựa, nên gọi là Thắng xứ.
Thắng xứ này khác với Bối xả. Trong kinh còn nói Bát thắng xứ là Bát trừ nhập. Do pháp quán đoạn trừ sạch phiền não thù thắng thì tướng hư giả của ấm và nhập thảy đều diệt sạch, lúc này Bát thắng xứ trở thành Bát trừ nhập.
GIẢI THÍCH VỊ THỨ
Theo Luận Đại Trí Độ nói:
- Thắng xứ thứ nhất và thứ hai thuộc về Sơ thiền.
- Thắng xứ thứ ba và bốn thuộc về Nhị thiền.
- Thắng xứ thứ năm, sáu, bảy và tám là thuộc về Tứ thiền.
Sở dĩ Tam thiền không lập Thắng xứ là vì cảnh giới Tam thiền có tâm cảm thọ khoái lạc nhiều nên bị trì trệ. Sơ thiền và Nhị thiền thì gần xa lìa Dục giới, nhưng phiền não Dục giới lại rất khó phá trừ, tuy ở địa vị Sơ thiền và Nhị thiền, cũng cần phải tu pháp quán bất tịnh để phá trừ phiền não kiết sử Dục giới. Cảnh giới của Tứ thiền là chỗ cao nhất trong Sắc giới, nên sắc tướng thù thắng hơn. Sắc giới tu đến đây cũng là cùng tột. Còn định Tứ Không là thuộc về Vô sắc giới, phiền não rất vi tế nên chẳng lập Thắng xứ.
THUYẾT MINH TU CHỨNG
1. Thắng xứ thứ nhất
"Trong có sắc tướng ngoài quán sắc ít, hoặc tốt xấu, tri kiến thù thắng".
Tức là do thiếu duyên quán chiếu nên gọi là ít. Vì sao? Vì sức quán tưởng chưa tăng trưởng nên chỉ quán sơ qua, nếu quán tưởng nhiều thì sợ khó thu nhiếp tâm. Ví dụ như chăn giữ bầy nai chưa được điều phục, nếu đứng khoảng cách xa thì không thể chăn giữ chúng.
Vì sao gọi là quán ít? Hành giả tự quán sát thân thể của mình bất tịnh và quán tưởng thân thể của người thân yêu cũng bất tịnh, như quán thân thể sình trương, mục nát, xương trắng, nên nội tâm nhàm chán v.v... như đã nói trong Bối xả thứ nhất vậy.
Hoặc tốt hoặc xấu: Hành giả quán tưởng các sắc tướng ở bên ngoài, nghĩa là do tạo nghiệp thiện được quả báo thiện nên gọi là tốt; tạo nghiệp ác bị quả báo ác, nên gọi là xấu.
Lại nữa, hành giả theo thầy học pháp quán tưởng, quán các thứ bất tịnh ở ngoài, gọi là sắc xấu. Khi hành giả nhớ nghĩ, vọng khởi tưởng tịnh, quán sắc thanh tịnh gọi là sắc tốt. Hành giả trụ tâm một chỗ trong thân thể của mình, quán sắc trong Dục giới có hai biến chứng:
- Hay sinh tâm dâm dục.
- Hay sinh tâm sân hận.
- Sắc tịnh khiến người sinh khởi tâm dâm dục, gọi là sắc tốt.
- Sắc bất tịnh khiến người sinh tâm sân giận, gọi là sắc xấu.
Tri kiến thù thắng (Thấy biết thù thắng)
Khi tâm hành giả quán tưởng được thuần thục, đối với các sắc đẹp tâm không còn tham ái, đối với sắc xấu nội tâm cũng không khởi chán ghét, sân giận, mà chỉ quán tưởng các sắc tướng đều do nhân duyên của Tứ đại hòa hợp tạo thành, giống như bọt nước không được bền lâu.
Lúc này trí tuệ hành giả đã thông hiểu tận cùng của các tướng thật và tướng hư giả, cho nên khi hành giả trụ trong pháp quán bất tịnh, dù các kiết sử phiền não và sân hận sinh khởi cũng vẫn tự tại, không bị xoay chuyển theo nó, nên gọi là Thắng xứ.
Thắng: nghĩa là trong cảnh bất tịnh mà có công năng chế phục các phiền não điên đảo, thảy đều được thanh tịnh.
Lại nữa, ý nghĩa tốt và xấu của pháp quán bất tịnh có hai thứ.
1/ Thấy ba mươi sáu vật bất tịnh hôi thối, dơ bẩn trong thân thể của mình và người khác, gọi là Xấu.
2/ Trừ bỏ hết sạch da thịt và trong Ngũ tạng, chỉ còn lại bộ xương trắng như vỏ ốc, như tuyết, quán tưởng bộ xương trắng cho đến khi phát ánh sáng, gọi là Tốt.
Khi hành giả gặp các thứ bất tịnh, nhưng biết nó là hư giả, cho nên tâm không còn sinh khởi lo sợ. Khi hành giả thấy sắc thanh tịnh, liền biết do nhân duyên hòa hợp phát sinh, nên nội tâm không còn ái nhiễm, đây gọi là “Thắng tri kiến”.
Lại nữa, trong chỗ có ít duyên quán chiếu, cho nên hành giả có thể tùy ý quán sắc tướng và chuyển biến tự tại, khéo léo chế ngự tâm quán chiếu, nên gọi là Thắng xứ.
2. Thắng xứ thứ hai
“Trong có sắc tướng ngoài quán sắc nhiều, tốt xấu đều thấy thù thắng”.
Nghĩa là khi tâm quán tưởng của hành giả đã thuần thục, lúc này không cần diệt tướng xương trắng ở nội thân, mà chỉ quán rộng các sắc tướng bên ngoài. Tức là quán một tử thi, rồi đến hàng trăm hàng ngàn tử thi, khắp các cõi nước, cho đến toàn cõi Diêm Phù Đề v.v… đều thấy toàn tử thi. Nếu quán tưởng một cái tử thi sình trướng, cho đến rục rữa, tím bầm, máu mủ chảy tràn v.v… thì các tử thi khác cũng như thế. Khi hành giả thấy các tử thi khắp nơi đều là bất tịnh, cho nên sinh tâm nhàm chán. Kế tiếp là quán tưởng một tử thi đã loại trừ hết da thịt, chỉ còn bộ xương trắng, rồi lại quán các tử thi khắp toàn thế giới cũng như thế. Pháp quán này trong Thiền Kinh có giải thích rất tường tận, rõ ràng.
Sau khi hành giả quán tưởng các xương trắng ở bên ngoài đã thành tựu, cần định tâm quán sát bộ xương trắng trong thân thể. Quán luyện cho đến khi xương sạch như vỏ ốc và trắng như tuyết. Trong lúc tự mình quán tưởng như thế, hành giả thấy các bộ xương người đồng đứng dậy, đưa tay bước tới từng hàng dài.
Hành giả vẫn an trụ trong chánh định, biết các bộ xương này là tùy theo niệm quán tưởng của mình mà có, chẳng phải thật, nên tâm không kinh sợ. Hành giả nhiếp tâm thầm quở trách “Các bộ xương này từ đâu đến”. Khi quở trách như thế, liền thấy các bộ xương ấy ngã xuống đất. Hành giả cứ tiếp tục quán luyện nhiều lần như thế. Sau đó quán chiếu soi rọi vào bộ xương trắng trong thân thể, thấy phát ra ánh sáng chiếu khắp cả mười phương, và các bộ xương khác ở bên ngoài cũng được ánh sáng chiếu rọi, cho nên cũng phát ánh sáng thanh tịnh như thế.
Khi hành giả quán tưởng thành tựu, thì tất cả sự vật và người thân kẻ oán thảy đều bình đẳng, trong thâm tâm không còn yêu ghét, đây gọi là “hoặc tốt hoặc xấu, đều thấy thù thắng”. Ý nghĩa tốt xấu thấy biết thù thắng cũng như giải thích ở chương trước.
Lại nữa, hành giả an trụ trong pháp quán này, quán thấy một bộ xương trắng và khắp thế giới cũng đều là xương trắng, đây gọi là “quán sắc nhiều”. Sau đó hành giả thâu nhiếp tâm niệm, chỉ còn quán tưởng một bộ xương trắng mà thôi, đây gọi là “tri kiến thù thắng”. Đối với cảnh ngũ dục và hình tướng nam hay nữ tịnh khiết, hành giả đều có thể tùy ý vượt qua, nên gọi là Thắng xứ.
Lại có thể khéo điều phục tâm quán tưởng, tuy biết tâm năng quán là không có tự tính, mà đối với các duyên vẫn xoay chuyển tự tại, dù quán tưởng các cảnh giới, nhưng không có gì trở ngại, nên gọi là Thắng xứ. Nghĩa lý này trong Ma Ha Diễn nói rất tường tận.
Lại có thầy nói: “Nếu quán tất cả đều thấy xương trắng bất tịnh gọi là thiểu (ít). Nếu quán tưởng thành đại bất tịnh gọi là đa (nhiều)”.
Thế nào là quán tất cả: Quán tưởng sáu loài cầm thú thuộc về bay chạy như: Chim, Bò, Dê, Ngựa, Voi v.v... đều biến thành tử thi sình trướng, đồng thời cũng quán tưởng những loại thức ăn, vật uống giống trùng nơi phẩn uế. Lại quán những chất liệu vải vóc, y phục giống như lớp da thịt bầy nhầy hôi thối rất nhàm gớm. Các thứ vàng bạc như rắn độc, khi chết biến thành hôi thối bất tịnh. Quán các thứ ngũ cốc hôi thối, giống như xác chết của sâu bọ. Quán tưởng nhà cửa, ruộng vườn, thành ấp, sông núi v.v... cũng tan nát, hư hoại, hôi thối bất tịnh. Cho đến quán tưởng tất cả thấy xương trắng vung vãi khắp cả thế gian, đều bất tịnh thật nhờm gớm, chán ghét.
Ở trong chánh định, hành giả tùy ý muốn quán tưởng liền thấy, xoay chuyển tự tại, có công năng phá trừ tâm phiền não, tham ái, yêu ghét, đẹp xấu, ở thế gian, nên gọi "trong có sắc tướng ngoài quán sắc nhiều".
HỎI: Các vật nuôi dưỡng duy trì thân mạng ở thế gian đã là bất tịnh, còn các thứ da thịt, gân xương, vì sao lại thấy hư hoại, bất tịnh?
ĐÁP: Đây là pháp môn phương tiện giải thoát, nhìn thấy thật, vì sao? Vì tất cả sự vật không phải là thanh tịnh, nhưng do tâm điên đảo thấy là tịnh nên mới sinh tâm tham ái.
- Tất cả sự vật tuy chẳng phải hoàn toàn là bất tịnh, do sức quán tưởng bất tịnh, nên đều thấy bất tịnh, đây là phương pháp phá trừ phiền não thì đâu có lỗi gì. Ví dụ như khi kiếp tận, lửa bùng lên thiêu cháy tất cả địa cầu. Do sức lửa thiêu đốt nên các loài hữu tình và vô tình đều biến thành hầm lửa.
- Nay quán tưởng bất tịnh, tức là dùng tâm tưởng bất tịnh, quán tưởng thấy tất cả thế gian thảy đều bất tịnh, giống như người có thần thông, có khả năng biến hóa gạch đá thành vàng bạc vậy. Nên biết tự tính các pháp đâu có gì là cố định?
Vị Luận sư giải thích về Thắng xứ thứ hai, độc giả cần nghiên cứu sâu ý này, nghĩa lý và pháp quán đều có thể y nơi đây mà áp dụng vậy .
3. Thắng xứ thứ ba và bốn
Phương pháp quán cũng như ở trước, chỉ riêng “trong không sắc tướng” là có chỗ chẳng đồng. Phương pháp diệt nội sắc, có nói trong Nhị bối xả ở chương trước.
Nay hành giả vì cần phá trừ phiền não ở Dục giới, do đó ở trong Nhị thiền cần trở lại tu Thắng xứ thứ ba và bốn để đối trị, diệt trừ hạ kiết sử ở Dục giới, không còn chút phiền não nào. Đồng thời cũng quán tưởng lập lại nhiều lần, rèn luyện cho thật thuần thục nhạy bén, để cảnh giới thêm rõ ràng, chắc chắn, không còn bị lui sụt, công phu càng thêm thù thắng.
4. Giải thích bốn Thắng xứ
- Xanh, vàng, đỏ, trắng.
Hành giả không buông xả cảnh giới an lạc toàn thân của Tam thiền, từ Tam thiền tiến nhập vào Tứ thiền, lúc này niệm huệ luôn luôn thanh tịnh, bốn màu sắc chuyển thành ánh sáng rực rỡ, như ánh sáng ngọc báu rất thù thắng, hơn ánh sáng trước kia, nên gọi là Thắng xứ. Hành giả an trụ trong định Tứ thiền dùng trí tuệ bất động, quán luyện các màu sắc này, từ ít tưởng biến thành nhiều, nhiều biến thành ít, xoay chuyển tự tại, muốn thấy liền thấy, muốn diệt liền diệt, nên gọi là Thắng xứ.
Hành giả trụ trong chánh định này, quán thấy những ánh sáng màu sắc thù thắng như thế, nhưng do phiền não còn chưa đoạn trừ sạch, có khi tâm sinh khởi các pháp xấu ác. Vì muốn đoạn trừ pháp ác, hành giả cần quán chiếu ánh sáng những màu sắc này thật kỹ, nhận biết sắc này do tâm sinh khởi, ví dụ như nhà ảo thuật, biến hóa các đồ vật, biết các vật ấy là từ tâm mình tạo ra, thì không còn vọng chấp, đắm nhiễm, lúc này Bối xả biến đổi thành Thắng xứ.
NHẬP ĐẠO
Có ba phần:
1/ Dùng pháp quán của Thắng xứ để điều phục tâm, về sau mới tu tập đầy đủ các pháp siêu việt v.v... khai phát (chân vô lậu) vô lậu chân thật, chứng quả Tam thừa.
2/ Khi đã thành tựu đầy đủ Bát thắng xứ, hành giả quán lý Tứ đế, nhập định Tứ thiền, được khai phát Chân vô lậu, có đầy đủ ba mươi bốn thứ tâm(1), đoạn trừ phiền não trong Tam giới, chứng quả Tam thừa.
3/ Có vị chứng Thắng xứ thứ nhất, nhưng khi nhập Sơ thiền, do tâm lo sợ và nhàm chán quá mãnh liệt, liền nghĩ rằng: “Ta nay đâu cần các thiền này, chỉ muốn mau chóng chứng Niết-bàn”. Nghĩ vậy rồi, họ liền an trụ trong Sơ thiền, quán sâu lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Thật tướng trung đạo, nếu vô lậu chân thật được khai phát, liền chứng quả vị Tam thừa.
Từ Thắng xứ thứ hai cho đến Thắng xứ thứ tám, mỗi Thắng xứ hành giả cũng phải phân tích như thế.
Hàng Bồ-tát Ma-ha-tát tuy biết các pháp rốt ráo là rỗng lặng, nhưng vì tâm thương xót chúng sinh nên tu Bát thắng xứ, trong Bát thắng xứ khai phát thần thông, hàng phục thiên ma ngoại đạo, độ thoát chúng sinh. Nên biết Bát thắng xứ tức là pháp của Bồ-tát Đại thừa.
Chú thích Quyển 10B:
(1) Ba mươi bốn thứ tâm: tức là Tam hiền: thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh.

*VI- THẬP NHẤT THIẾT XỨ
Thập nhất thiết xứ gồm có:
1. Quán sắc xanh
2. Quán sắc vàng
3. Quán sắc đỏ
4. Quán sắc trắng
5. Quán đất
6. Quán nước
7. Quán lửa
8. Quán gió
9. Quán hư không
10. Quán tâm thức
Mười pháp quán này gọi chung là Thập nhất thiết xứ. Vì mỗi ánh sáng màu sắc đều chiếu rọi khắp mười phương, nên gọi là Nhất thiết xứ. Tuy cảnh giới Bát bối xả và Bát thắng xứ có tướng ánh sáng tám màu sắc, nhưng chỗ chiếu soi chưa được trùm khắp, cho nên không thể gọi là Nhất thiết xứ.
Có khi trong kinh gọi Thập nhất thiết xứ là Thập nhất thiết nhập. Có người giải thích Nhất thiết xứ khác với Nhất thiết nhập, nhưng ở đây chẳng phải thế. Bởi vì trước tiên hành giả quán một sắc tướng chiếu rọi khắp mười phương, gọi là Nhất thiết xứ. Sau đó tâm khéo léo biến chuyển, có thể trong tất cả màu sắc đều được chiếu rọi xen lẫn hòa nhập vào nhau, không có gì chướng ngại, cho nên chữ Xứ trở thành chữ Nhập.
GIẢI THÍCH THẬP NHẤT THIẾT XỨ
Chia làm hai phần:
Thứ vị
Tu chứng
GIẢI THÍCH THỨ VỊ
Mười pháp quán này, tám pháp quán màu sắc đầu tiên của Nhất thiết xứ, vị trí tại trong Tứ thiền. Đến pháp quán thứ chín, là quán Hư không của Nhất thiết xứ, vị trí ở trong định Hư không. Pháp quán thứ mười, là quán Thức tâm của Nhất thiết xứ vị trí thuộc về định Thức xứ. Sở dĩ trong Tam thiền không lập vị trí của Nhất thiết xứ, vì khi hành giả mới tu pháp này, trong ba loại thiền trước có Giác, Quán, Hỷ, Lạc làm động tâm, nên không quán ánh sáng màu sắc chiếu rọi, dừng trụ khắp mười phương.
Cảnh giới của định Vô sở hữu xứ, thì trống rỗng không có vật gì, cũng chẳng được khoái lạc, nên Phật cũng không nói đến. Vì Vô sở hữu xứ thì vô lượng vô biên, nên chẳng thành lập được Nhất thiết xứ.
Còn cảnh giới Phi hữu tưởng phi vô tưởng thì tâm bị trì độn, khó có thể quán tưởng rộng lớn, nên không thể thành lập được Nhất thiết xứ.
TU CHỨNG
Hành giả an trụ trong Tứ thiền, quán tưởng thành tựu ánh sáng tám màu sắc thù thắng tự tại, lúc này hành giả dùng tâm thanh tịnh, gạt bỏ bớt bảy màu sắc, chỉ quán tưởng một màu xanh. Quán tướng ánh sáng màu xanh lớn như lá cây, do chuyên chú quán tưởng nên tâm cùng màu xanh tương ưng. Sau đó quán màu xanh từ từ lan tỏa khắp mười phương. Ánh sáng ấy tùy theo tâm mà chiếu rọi khắp mười phương, thấy tất cả thế gian đều trở thành một màu xanh, ngưng lặng bất động, giống như một thế giới màu xanh, đây gọi là “Thành nhất thiết xứ”. Pháp quán tưởng ánh sáng của màu vàng, đỏ, trắng và ánh sáng của đất, nước, gió, lửa cũng như thế.
Lại có thầy nói: “Pháp tu quán của Nhất thiết xứ, tức là dùng một chiếc lá cây làm cảnh quán tưởng”. Nếu duyên theo sắc bên ngoài để đề khởi quán tưởng đầy khắp mười phương, nói như thế chẳng những là trái với pháp quán mà đối với thuyết của Ma Ha Diễn cũng thấy không có gì tương quan.
Sau khi hành giả quán thành tựu Nhất thiết xứ, lại muốn nhập định Hư không, trước tiên cần phải nhập Hư không bối xả, nhưng vì cảnh duyên nơi Bối xả quá nhỏ, nên chưa được gọi là Nhất thiết xứ. Nay cảnh duyên quán tưởng được rộng khắp cả mười phương hư không, nên mới có tên là Hư không nhất thiết xứ.
Hành giả muốn nhập vào Thức nhất thiết xứ, trước tiên cần phải nhập Thức xứ bối xả, sau đó tại trong định, quán tưởng thức này trùm khắp cả mười phương, nên gọi là Thức nhất thiết xứ.
Hành giả muốn tu Nhất thiết nhập, khi đã quán thành tựu Nhất thiết xứ, dùng Nhất thiết xứ làm nền tảng, sau đó mới dùng tâm khéo léo quán tưởng tất cả ánh sáng màu vàng, đỏ, trắng đều hòa nhập trong màu xanh, mà màu xanh chẳng bị hư hoại, trong màu xanh cũng có thể thấy rõ các màu sắc khác.
Trên đây đã giải thích sơ lược về cảnh giới
Nhất thiết xứ và Nhất thiết nhập.
HỎI: Vì sao không phân tích tướng chứng đạo trong Nhất thiết xứ?
ĐÁP: Trong các kinh điển của Thanh văn, giải thích Nhất thiết xứ là duyên hữu lậu, chỉ là phương pháp tu thần thông mà thôi. Vì Nhất thiết xứ không thể khai phát vô lậu, cho nên chẳng phân tích.
Nếu theo nghĩa lý của Ma Ha Diễn để phân tích, thì cũng như trường hợp của Bối xả và Thắng xứ, nhưng nay hàng Bồ-tát vì muốn thần thông được trùm khắp, thành tựu pháp Phổ hiện sắc (thị hiện các sắc thân) trong tất cả pháp giới làm đầy đủ Phật sự cho nên cần tu Nhất thiết xứ. Trong Kinh Đại Phẩm cũng có nói danh từ Nhất thiết xứ Ba-la-mật.
CÔNG DỤNG CỦA QUÁN THIỀN
Đệ tử Phật đã tu quán thành tựu ba pháp quán trên, nếu muốn giáo hóa chúng sinh, hiển hiện những sự việc hy hữu, khiến tâm chúng sinh được thanh tịnh, cần phải tu tất cả đạo lực thần thông.
Đó là các công đức lớn như: Lục thông, Thập tứ biến hóa, Tứ biện tài, Vô tránh tam muội, Nguyện, Trí, Đảnh, Thiền, Định tự tại, Luyện thiền và Thập bát biến hóa v.v... các thần thông này đều phải tu học trong các pháp quán của Bối xả, Thắng xứ và Nhất thiết xứ. Sau khi tu học thành tựu, mới có năng lực khiến nhiều chúng sinh khi thấy liền sinh tâm hoan hỷ, tín phục, vì thế hóa độ họ được dễ dàng, nên cần phải tu thần thông biến hóa.
LỤC THẦN THÔNG
Tức là sáu thứ thần thông, gồm có:
1. Thiên nhãn thông
2. Thiên nhĩ thông
3. Tha tâm thông
4. Túc mạng thông
5. Như ý thông
6. Lậu tận thông
Chữ “Thần” gọi là thiên tâm, “Thông” là thể tính trí tuệ. Nghĩa là dùng trí tuệ của thiên nhiên chiếu soi thấu triệt các pháp, sắc và tâm v.v... đều không có chướng ngại.
GIẢI THÍCH THẦN THÔNG
Chia làm ba phần:
A. Nguyên nhân đắc thần thông bất đồng
B. Phương pháp tu thần thông
C. Công dụng biến hóa
A. NGUYÊN NHÂN ĐẮC THẦN THÔNG
Có ba trường hợp bất đồng:
a) Báo đắc: Như chư thiên cõi trời có phước đức lớn, hoặc người được sinh vào cõi tịnh độ, thì tự nhiên có quả báo được Ngũ thông.
b) Phát đắc: Hoặc có người tu pháp sám hối, hoặc tu các thiền định thâm sâu như nói ở chương trước, tuy họ không tạo phương tiện để tu các thứ thần thông mà thần thông vẫn tự nhiên khai phát.
Trong kinh có ghi: “Tu thiền định thâm sâu chứng được Ngũ thông”.
c) Tu đắc: Tuy hành giả chứng được các thiền định thâm sâu như đã nói ở trước, mà chưa đoạn trừ hết vô tri chướng ngại (vô minh), thì thần thông không thể khai phát. Nếu trong thiền định, tạo phương tiện đoạn trừ các vô tri chướng ngại, thì thần thông liền khai phát. Hiện nay sẽ giải thích ý nghĩa pháp tu này.
B. PHƯƠNG PHÁP TU THẦN THÔNG
Trong kinh luận giải thích nhiều chỗ bất đồng, nay y theo ý nghĩa trong Kinh Ma Ha Diễn để giải thích phương pháp tu thần thông.
1. Pháp tu Thiên nhãn thông
Trong thâm tâm của hành giả vì thương xót tất cả chúng sinh, phát nguyện muốn thấy cảnh
giới chúng sinh trong Lục đạo, khi chết đi đầu thai chỗ nào. Lúc này hành giả an trụ trong định Sắc giới, tu các pháp quán: Bối xả, Thắng xứ, Nhất thiết xứ và Tứ như ý túc. Do chuyên chú nhất tâm chánh niệm tu tập đầy đủ bốn duyên, thì Thiên nhãn thông liền khai phát.
Bốn duyên là:
- Thấy ánh sáng thường chiếu sáng rỡ cả ngày lẫn đêm đều như nhau.
- Quán sát sự vật chướng ngại ở thế gian như hư không, chẳng có tướng ngăn cách.
- Chuyên tâm quán một cảnh dễ thấy, trụ tâm vào đó, nhất tâm tinh tấn, khéo léo tu tập, muốn thấy cảnh hiện tiền.
- Hành giả trụ trong thiền định, tạo thành Tứ đại thanh tịnh của nhãn căn được khai mở.
Đây gọi là hợp đủ bốn duyên, nhân đây tâm thức thanh tịnh được phát sinh, hành giả có thể thấy tất cả chúng sinh trong Lục đạo, chết đây sinh kia và cảnh tượng vui, khổ của họ. Các hình sắc dù tối hoặc sáng, xa gần, thô tế, trong ngoài, thảy đều thấy được thấu suốt không gì ngăn ngại, gọi là Thiên nhãn thông.
2. Tu Thiên nhĩ thông
Khi hành giả chứng được Thiên nhãn thông, nhưng muốn nghe âm thanh của chúng sinh, liền an trụ trong thiền định, lắng nghe âm thanh rất nhỏ ở phía ngoài vách ngăn, nhất tâm duyên nơi âm thanh, nguyện muốn được nghe. Nếu tâm thanh tịnh sáng suốt nhạy bén, Sắc tứ đại thanh tịnh của nhĩ căn được khai phát, nên có khả năng nghe tất cả âm thanh, dù bị ngăn cách ở trong hay ngoài, hiểu rõ ngôn ngữ khác nhau và niềm vui nỗi buồn của chúng sinh trong Lục đạo, đây gọi là Thiên nhĩ thông.
3. Tu Tha tâm thông
Khi hành giả chứng được Thiên nhĩ thông, nếu muốn biết tâm niệm suy nghĩ của chúng sinh, liền an trụ trong thiền định, quán tưởng tướng vui buồn, tướng sân, tướng lo sợ của chúng sinh, biết các tướng trạng ấy đều từ tâm sinh. Dựa vào các tướng đó, chuyên tâm quán kỹ, nhất tâm nguyện muốn được hiểu biết những suy nghĩ tính toán của chúng sinh. Nếu tâm hành giả thanh tịnh, sáng suốt nhạy bén, nhân đây thần thông được khai phát, có khả năng tùy theo chỗ thấy, liền biết ý niệm suy lường trong tâm chúng sinh, đây gọi là Tha tâm thông.
4. Tu Túc mạng thông
Sau khi hành giả chứng được Tha tâm thông, muốn biết túc mạng đời trước của mình và những nghiệp đã gây tạo từ nhiều đời, hành giả trụ nơi thiền định tự nhớ các việc tạo tác của mình trong thời gian qua, cho đến những sự việc khi mới vào thai mẹ. Hành giả nhất tâm nhớ nghĩ như thế, mong muốn được biết rõ, nếu nội tâm thanh tịnh sáng suốt nhạy bén, Thần thông liền khai phát, có khả năng tự biết rõ những sự nghiệp tạo tác, từ một đời cho đến trăm ngàn kiếp trước của mình và đời trước của người khác, đây gọi là Túc mạng thông.
5. Thân Như ý thông
Sau khi hành giả chứng Túc mạng thông, nếu muốn được thần thông biến hóa. Hành giả trụ trong thiền định, buộc tâm tại hư không ở nội thân. Diệt trừ các sắc tướng thô nặng và chuyên quán tướng nhẹ và rỗng không, phát tâm tinh tấn. Dùng trí tuệ cân lường tính toán, tâm lực của mình đã có khả năng nâng thân thể chưa? Suy tính xong, hành giả tự biết tâm lực đã mạnh, có thể nâng bổng thân thể lên nhẹ nhàng. Ví như người tập nhảy cao, thường tự nhấc bổng thân mình lên cao. Nếu tâm quán tưởng được thành tựu, liền phát Thân như ý thông.
Thân Như Ý Thông có ba thứ:
- Năng đáo
- Chuyển biến
- Tự tại
Năng đáo. Có bốn thứ:
- Có khả năng bay cao tự do vô ngại, giống như chim.
- Có khả năng di chuyển nhanh chóng từ xa đến gần, hoặc không đi mà đến.
- Có khả năng biến mất chỗ này, xuất hiện chỗ kia.
- Có thể khởi niệm liền đến.
Chuyển biến: Có công năng biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành lớn, ít hóa thành nhiều, nhiều biến thành ít, tất cả các đồ vật cũng đều có thể biến chuyển.
Thánh như ý: Có khả năng chuyển vật bất tịnh không thể sử dụng được trong sáu trần, quán tưởng biến thành vật thanh tịnh. Những vật thanh tịnh có thể biến thành bất tịnh.
Công dụng của Thân như ý túc, là do tu các pháp quán: Thắng xứ, Nhất thiết xứ, Tứ như ý túc mà được khai phát, cũng gọi là chứng Thân như ý thông. Khi hành giả chứng được Thân như ý thông, cho nên có khả năng biến hiện tùy ý.
Nếu hành giả muốn tự mình giải thoát và độ thoát cho chúng sinh, cần đoạn trừ tâm bịnh, nên phải tu Vô lậu thông, phương pháp tu đến phần giải thích Đế quán trong đó sẽ nói rộng.
HỎI: Lục thần thông, cần tu theo thứ tự như nói ở trước không?
ĐÁP: Đây chỉ là phương tiện nên giải thích theo thứ tự, hành giả tùy ý chọn thần thông nào mà mình ưa thích, tu theo phương pháp đã trình bày ở trước, chứ không nhất định phải tu theo thứ tự.
C. GIẢI THÍCH CÔNG DỤNG BIẾN HÓA
Thập tứ biến hóa công năng phát sinh thần thông. Nhân nơi thần thông mà có biến hóa.
Thế nào gọi là Thập tứ biến hóa ? (14 thứ biến hóa)
a) Sơ thiền của Dục giới thành tựu 2 thứ biến hóa
1/ Sơ thiền phát sinh biến hóa ở Sơ thiền.
2/ Sơ thiền phát sinh biến hóa ở Dục giới.
b) Nhị thiền thành tựu 3 thứ biến hóa
3/ Nhị thiền phát sinh biến hóa ở Nhị thiền.
4/ Nhị thiền phát sinh biến hóa ở Sơ thiền.
5/ Nhị thiền phát sinh biến hóa ở Dục giới.
c) Tam thiền thành tựu 4 thứ biến hóa
6/ Tam thiền phát sinh biến hóa ở Tam thiền
7/ Tam thiền phát sinh biến hóa ở Nhị thiền
8/ Tam thiền phát sinh biến hóa ở Sơ thiền
9/ Tam thiền phát sinh biến hóa ở Dục giới
d) Tứ thiền thành tựu 5 thứ biến hóa
10/ Tứ thiền phát sinh biến hóa ở Tứ thiền.
11/ Tứ thiền phát sinh biến hóa ở Tam thiền.
12/ Tứ thiền phát sinh biến hóa ở Nhị thiền.
13/ Tứ thiền phát sinh biến hóa ở Sơ thiền.
14/ Tứ thiền phát sinh biến hóa ở Dục giới. Đây là mười bốn thứ biến hóa. Nếu hành giả
tu thành tựu các biến hóa này, tức là đã có đầy đủ
mười tám biến hóa. Tất cả thần thông, công đức quán hạnh nhiều vô lượng vô biên, những hiện tượng này rất vi tế không thể dùng văn tự ghi chép hết.
Nay chỉ tóm lược về danh mục, muốn cho học giả biết rằng, tất cả thần thông biến hóa đều phát xuất trong Quán thiền.
Nếu hàng Bồ-tát chứng được thần thông này, gọi là Thần thông Ba-la-mật.
LUYỆN THIỀN
*VII- CỬU THỨ ĐỆ ĐỊNH
(9 pháp thiền định mà hành giả thứ lớp tu chứng từ Sơ thiền đến Diệt thọ tưởng định)
Cửu thứ đệ định là xa lìa các niệm dục, niệm ác, niệm bất thiện, có Giác Quán, Ly, Sinh, Hỷ, Lạc, nhập Sơ thiền. Lần lượt chứng nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không xứ định, Thức xứ, định Vô sở hữu xứ định, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định, Diệt thọ tưởng định.
Giải thích Cửu thứ đệ định chia làm ba phần:
Giải thích danh từ Thuyết minh thứ vị Thuyết minh tu chứng
GIẢI THÍCH DANH TỪ
Chín tầng thiền định này đều chuyển thành danh từ Cửu thứ đệ định. Vì các pháp môn thiền định trước, công phu tu tập quán chiếu chưa thuần thục, nên khi nhập thiền định, nội tâm có lúc bị gián đoạn, cho nên không gọi là Thứ đệ định (nhập định theo thứ lớp).
Sau khi thực hành các loại thiền định trước đã thành tựu, hành giả trụ trong các thiền định ấy tu luyện thuần thục, có thể từ thiền định này khởi tâm, nhập tiếp thiền định khác mà tâm tâm liên tục không gián đoạn, chẳng cho tạp niệm xen vào, dù là niệm thiện hay niệm ác. Hành giả tu tập miên mật như thế, cho đến nhập Diệt thọ tưởng định, mới gọi là Cửu thứ đệ định.
Cũng còn gọi là Luyện thiền, vì sao? Vì nội tâm của các đệ tử Phật, ưa muốn chứng được vô lậu, nên sau khi chứng đắc các thiền vị rồi, muốn loại trừ những cù cặn trong thiền vị, dùng tâm vô lậu để tu luyện các thiền, khiến tâm được thanh tịnh. Ví dụ như nấu luyện vàng, nên gọi là Luyện thiền.
HỎI: Phương pháp tu luyện Cửu thứ đệ định, so với pháp Huân thiền của thuyết A Tỳ Đàm(1) có gì khác nhau?
ĐÁP: Có chỗ đồng có chỗ bất đồng. Theo Luận A Tỳ Đàm thì dùng tâm vô lậu luyện lọc tâm hữu lậu. Ở đây cũng dùng tâm vô lậu, luyện lọc tâm hữu lậu, gọi là đồng.
Chẳng qua luận thuyết của A Tỳ Đàm nói: Tu luyện Tứ thiền để đề phòng tâm bị thoái chuyển, vì muốn chuyển tâm trì trệ trở thành tâm nhạy bén, sáng suốt. Ngay trong hiện đời chứng được pháp an lạc, và đời sau được sinh vào cõi trời Ngũ Tịnh Cư(2), nên họ chỉ tu luyện Tứ thiền, còn Tứ không của cõi Vô sắc giới thì chẳng có phương pháp tu luyện.
Hiện nay ở đây giải thích từ Sơ thiền cho đến định Phi tưởng, thảy đều có phương pháp tu luyện để các tầng thiền được thanh tịnh, nhuần nhuyễn, tăng trưởng công đức, nên gọi là bất đồng.
Nghĩa này nghiên cứu ở phần giải thích tu chứng sẽ tự rõ.
THUYẾT MINH THỨ VỊ
Thứ vị của pháp tu này tuy chỉ nói về các thiền: Tứ thiền, Tứ không và Diệt tận định. Nhưng trên thực tế là bao gồm tất cả các thiền.
Vì sao? Vì pháp quán của Bát thắng xứ, Bát bối xả, Thập lục đặc thắng đã giải thích ở chương trước, đều có đầy đủ Tứ thiền, Tứ không, chẳng phải chỉ riêng bốn loại thiền căn bản mà thôi.
Nay phương pháp Luyện thiền này, cần phải nhập vào tu luyện trong tất cả các tầng thiền,
không cho tâm niệm gián đoạn. Chẳng phải chỉ riêng thế gian thiền mới gọi là thứ vị.
Nên Kinh Đại Phẩm có ghi: “Bồ-tát y theo pháp quán Bát bối xả, thứ lớp thuận, nghịch, xuất nhập trong Cửu thứ đệ định”.
Nếu theo Thành Thật Luận giải thích: “Chỉ dùng tâm vô lậu nhập trong Bát thiền (8 thiền) duyên nơi chân đế, nhập Diệt tận định, gọi là Cửu thứ đệ định”.
Hiện nay chúng ta y theo Đại Phẩm Ma Ha Diễn giải thích Cửu thứ đệ định, so sánh với thuyết của Thành Thật Luận thì biết có chỗ thiếu sót. Người học thiền nghiên cứu các chương giải thích ở trước, sẽ thấy rõ chỗ tương đồng và sai khác.
THUYẾT MINH TU CHỨNG
Sau khi hành giả đã chứng đầy đủ các thiền, nay muốn nhập Cửu thứ đệ định, trước tiên cần tu từ cạn đến sâu, để tu luyện các pháp Chỉ Quán của các thiền thật là nhuần nhuyễn, thuần thục và nhạy bén. Sau đó kết hợp cả hai pháp Chỉ và Quán, nhất tâm thâm nhập, khéo léo đoạn trừ các pháp ái, tự nhận biết tâm mình. Từ đó bắt đầu điều phục tâm nhập vào một tầng thiền, không cho tạp niệm xen vào, liên tục cho đến Diệt thọ tưởng định.
Vì sao? Khi hành giả trụ trong bốn loại thiền căn bản thì định lực nhiều mà trí tuệ ít, tâm không nhuần nhuyễn và thuần thục, nên nhập thiền định chẳng được liên tục.
Các thiền như: Bối xả v.v... thì trí quán nhiều mà sức định lại ít, tâm cũng không thuần thục, nhuần nhuyễn, nên nhập thiền chẳng được liên tục. Ví như xe có hai bánh, nếu bị hư một bánh thì di chuyển không yên ổn. Ví như mũi dao nếu mềm quá hay bị cùn lụt thì sử dụng chẳng tiện lợi. Thiện xảo tu thiền định cũng như thế.
Nay pháp tu Cửu thứ đệ định, cần phải dùng Chỉ và Quán bình đẳng, nếu cảnh giới thiền định càng thâm sâu, trí quán chiếu càng nhạy bén, do sức định thâm sâu, nên đối duyên xúc cảnh không bị tán loạn, trí tuệ nhạy bén thì tiến vào các tầng thiền được nhanh chóng vô ngại.
Cho nên khi hành giả nhập từ một tầng thiền, khởi nhập tiếp một tầng thiền khác, rất thuận lợi và nhanh chóng, tâm tâm kế nhau, không có tạp niệm gián đoạn, có thể tùy ý liền nhập, nên cũng còn gọi là Vô gián tam-muội.
Hành giả nếu dùng tâm này nhập trong các thiền, chẳng những điều phục tâm nhuần nhuyễn thứ lớp và không bị tạp niệm xen kẽ gián đoạn, mà lại tăng trưởng công đức của các thiền, càng thâm sâu vi diệu. Giống như nấu luyện vàng, càng nung luyện sắc vàng lại càng thêm sáng, giá trị càng tăng. Nên gọi Cửu thứ đệ định này là Luyện thiền.
HỎI: Trong đó cũng có Định dục giới, Vị đáo địa và Trung gian thiền, vì sao trong Cửu thứ đệ định không thấy nói đến?
ĐÁP: Tuy là có những pháp thiền này, nhưng sức định chẳng bền chắc, mà đại công đức của Thánh nhân chứng được, chẳng phải ở hai bên, cho nên không nói đến.
Lại nữa, do khi chưa tu Cửu thứ đệ định, nội tâm thâm nhập thiền định còn trì độn chậm lụt, vì trong giai đoạn phương tiện, thời gian dừng nghỉ quá lâu, cho nên mới phân chia có trường hợp thiền Trung gian và Vị đáo địa.
Nay tâm định và trí tuệ của Cửu thứ đệ định này rất nhạy bén, khi muốn nhập chánh định, tùy ý liền nhập, do phương tiện không dừng trụ lâu ở trung gian nên không giải thích các định này.
Trường hợp nhập đạo của Cửu thứ đệ định cũng tương tự như Bát bối xả và Bát thắng xứ đã có giải thích chương trước, nên chẳng giải thích riêng.
Chú thích Quyển 10C:
(1) A-tỳ-đàm: Luận Đại Trí Độ 18 (Đại 25, 192 Hạ) ghi: “A-tỳ-đàm môn hoặc Phật nói nghĩa các pháp hoặc Phật nói tên các pháp, các đệ tử thu thập và giải thích ý nghĩa”. Tông phái này y cứ vào môn A-tỳ- đàm này mà lập, nên gọi là tông A-tỳ-đàm.
(2) Ngũ Tịnh Cư (Ngũ tịnh cư thiên): năm cõi trời thuộc Đệ tứ thiền ở cõi sắc, cũng là cõi nước của các bậc thánh A-na-hàm.
Năm cõi trời đó là:
Vô phiền: cõi trời này không còn phiền não, khổ vui. Vô nhiệt: cõi trời không có phiền não bức bách. Thiện kiến: cõi trời này không còn những tướng trần cấu, từ trong định huệ thấy khắp 10 phương đều vắng lặng tròn sáng.
Thiện hiện: cõi trời này có được cái thấy biết thông suốt, đối các cảnh giới không bị chướng ngại.
Sắc cứu cánh: cõi trời không còn hình sắc dù là sắc tướng vi tế nhất trong cõi sắc.
TAM TAM-MUỘI
Tam tam-muội là 3 loại chánh định:
1. Tam-muội có giác có quán
2. Tam-muội không giác có quán
3. Tam-muội không giác không quán
Sở dĩ sau khi giải thích Cửu thứ đệ định rồi mới nói đến Tam tam-muội, vì hai thiền này tên gọi tuy khác, nhưng phương pháp tu lại đồng. Vì sao? Vì Cửu thứ đệ định đã tu luyện thông qua các thiền định, mà tự nó không có chủ thể riêng biệt. Tam tam-muội cũng như thế. Nghĩa lý này đến chương sau sẽ nói rõ.
Tam tam-muội chia làm ba phần để giải thích.
Giải thích danh
Luận biện tướng
Giải thích phát sinh tam-muội
GIẢI THÍCH DANH
Tam tam-muội: nghĩa là ba loại tam-muội của giác và quán v.v... tên gọi và thứ vị đồng nhau, như đã nói trong bốn thiền căn bản ở chương trước.
Nay giải thích ý nghĩa Tam-muội: Tất cả các thiền định thu nhiếp tâm, đều gọi chung là “Tam- ma-đề”. Trung Hoa dịch là “Chánh tâm hành xứ”.
Do tâm niệm chúng ta từ vô thỉ đến nay, thường cong vạy không ngay thẳng, nếu tâm tu hành chân chánh, thì ngay thẳng, nên gọi là Tam-muội (trụ tâm một chỗ, an tĩnh, không tán loạn). Ví như loài rắn khi bò thân thường cong, lúc vào hang thì thân ngay thẳng, ý nghĩa Tam-muội cũng như thế.
HỎI: Nếu nói thiền định thâu nhiếp tâm, gọi là Tam-muội, vậy bốn loại thiền căn bản (tứ thiền) so với tam-muội này có đặc điểm gì khác nhau?
ĐÁP: Đương nhiên có khác. Bốn thiền căn bản chỉ nhiếp tâm làm nền tảng, mà Tam-muội thì nhiếp tâm trong tất cả các thiền, như thế thiền định mới thâm sâu và rọng lớn, nên có khác nhau. Vả lại, bốn thiền căn bản, chỉ duyên nơi sự tướng để thâu nhiếp tâm, do chưa đoạn trừ hết tà kiến điên đảo, nên không thể gọi đoan trực hay chánh định. Nay nói Tam-muội duyên nơi lý thể, để thâu nhiếp nội tâm, có khả năng đoạn trừ tà kiến, điên đảo cong vạy, nên tâm được đoan trực chân chánh, mới gọi là Tam-muội.
BIỆN TƯỚNG
Ý nghĩa Tam tam-muội này đồng với Cửu thứ đệ định. Do không có chủ thể riêng biệt, nên lấy các thiền để biện tướng vậy.
1. Giải thích Tam-muội có giác có quán
Như Sơ thiền căn bản, Thắng xứ Sơ thiền, Bối xả Sơ thiền, Thông minh Sơ thiền v.v... đã nói ở chương trước, mỗi mỗi tầng thiền đều có các công đức, tâm số pháp và có giác có quán tương ưng. Khi hành giả nhập vào các định Sơ thiền, nội tâm chân chánh dừng trụ, đều gọi là Tam-muội có Giác, có Quán.
2. Tam-muội có Quán không Giác
Như Trung gian thiền của Thắng xứ, Bối xả, Đặc Thắng, Thông minh v.v... đã nói ở chương trước, mỗi thiền đều có Trung gian, các công đức và quán tâm số pháp tương ưng. Hành giả dùng tâm chân chánh nhập vào các Trung gian thiền này, nên gọi chung là Tam-muội có quán không giác.
3. Tam-muội không Giác không Quán
Nhị thiền căn bản đến Hữu đảnh và Đặc Thắng, Thông minh, Bối xả, Thắng xứ v.v... đã nói ở chương trước, mỗi mỗi thiền đều có Nhị thiền. Hành giả dùng tâm chân chánh, chánh niệm tiến nhập Nhị thiền lên đến Hữu đảnh thiền và Diệt thọ tưởng định, trong đó có các công đức và pháp không Giác, không Quán tương ưng, đều gọi là Tam-muội không Giác không Quán.
Nên biết cả ba thứ Tam-muội này, đều không có chủ thể riêng biệt, phải lấy chung các thiền, chia làm ba phần để luận. Các bậc Thánh nhân muốn cho chúng sinh, tuy nghe giảng nói rộng về các pháp thiền mà không mất căn bản, nên lấy chung cả ba pháp để thâu nhiếp các thiền không có cùng tận. Ví như phép tính, nếu đếm một trăm vạn gọi chung là một ức, đây cũng như thế.
TƯỚNG PHÁT SINH TAM-MUỘI
Có hai thứ:
1. Phát sinh tam-muội của hàng Nhị thừa. Vì sao? Như nói ở trên, các Sơ thiền có giác có quán v.v... đều khai phát Niệm xứ tam-muội, cho đến những tam-muội của Bát thánh đạo, Không, Vô tướng, Vô tác, Thập lục hành, Thập nhị nhân duyên, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất v.v... và các chánh định như: Điện quang tam-muội, Kim cang tam-muội, cho đến Phật trí tam-muội, Vô tránh tam-muội (108 tam-muội ) v.v... những pháp môn này, trong Kinh Niết Bàn đều gọi chung là Tam-muội. Nếu trong các Sơ thiền khai phát tam- muội, tức là chứng đạo quả của hàng Nhị thừa, nên gọi là Tam-muội có giác có quán. Tam-muội không giác có quán và Tam-muội không giác không quán, cũng đều phân biệt như thế.
2. Các thiền có giác có quán, mỗi thiền đều phát sinh các Tam-muội Đại thừa như: Quán Phật tam-muội, Ban chu tam-muội, Nhị thập ngũ tam- muội, Thủ Lăng Nghiêm tam-muội v.v... chư Bồ- tát có (108) một trăm lẻ tám tam-muội. Chư Phật bất động có (120) một trăm hai mươi tam-muội và (84.000) tám vạn bốn ngàn tam-muội v.v... đều nhân nơi Tam-muội có giác có quán mà được khai phát. Trường hợp tam-muội có giác không quán và không giác không quán cũng phân biệt như thế.
Hàng Bồ-tát Đại thừa khi chứng được các tam- muội này, tức là nhập vào địa vị Bồ-tát, cũng có khả năng hiện thân, độ tất cả chúng sinh giống như chư Phật, ý nghĩa Tam tam-muội này, trong Ma-ha-diễn nói rất tường tận.
HUÂN THIỀN
*VIII- GIẢI THÍCH SƯ TỬ PHẤN TẤN TAM MUỘI

Trong Kinh Bát Nhã có ghi: “Hành giả y nơi Cửu thứ đệ định, tiến nhập vào Sư tử phấn tấn tam-muội”.
Sao gọi là Phấn tấn tam-muội?
Nghĩa là tâm hành giả xa lìa dục niệm, lìa các pháp bất thiện, có Giác có Quán, chứng được Sơ thiền, "ly sinh hỷ lạc", rồi lần lượt tiếp tục nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ cho đến nhập Diệt thọ tưởng định.
Lại từ Diệt thọ tưởng định khởi, trở lại nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng định, từ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ khởi, nhập trở lại Vô sở hữu xứ, từ Vô sở hữu xứ khởi nhập Thức xứ. Cứ khởi nhập quay trở lại như thế, thứ tự cho đến Sơ thiền, gọi là Sư tử phấn tấn tam-muội.
Ví dụ như khi Sư tử phóng nhanh tới, không những chỉ tiến tới nhanh chóng mà khi quay trở về lại cũng dũng mãnh nhanh chóng như thế, đây là ưu điểm mà các loài thú khác không thể làm được. Hành giả nhập vào pháp môn này cũng như thế. Chẳng những có khả năng nhập lần lượt từ Sơ thiền thẳng đến Diệt thọ tưởng định, mà cũng có khả năng nhập ngược từ Diệt thọ tưởng định quay trở lại đến Sơ thiền. Ý nghĩa này giống như Sư tử dũng mãnh tiến lùi nhanh chóng, mà các thiền đã nói ở trước chẳng thể bằng được. Nên nói pháp thiền định này là Sư tử phấn tấn tam-muội.
Hành giả an trụ ở trong pháp định này có thể tiến nhập vào trong tất cả các thiền, huân tập các pháp Chỉ và Quán thảy đều thông suốt, nhạy bén, xoay chuyển tự tại, phát sinh các công đức tam- muội thâm sâu, trí tuệ và thần thông càng thêm thù thắng. Cho nên Sư tử phấn tấn tam-muội, cũng còn gọi là Huân thiền, ví dụ như sau khi thuộc da trâu đã mềm, có thể tùy ý tạo thành các thứ đồ vật dụng của thế gian, pháp tu của Huân thiền cũng như thế.
Trường hợp phân biệt thứ bậc của tam-muội này, cũng giống như Cửu thứ đệ định, chỉ có khác là công năng của Sư tử phấn tấn tam-muội, có thể tiến tới hay lùi trở lại, liên tục không gián đoạn. Phương pháp dụng tâm rất thiện xảo và vi tế, nên chỉ nói đại ý sơ lược, không thể giải thích phân biệt rộng.
TU THIỀN
*IX- GIẢI THÍCH SIÊU VIỆT TAM-MUỘI

Trong Kinh Bát Nhã ghi: “Hành giả do tu được Sư tử phấn tấn tam-muội có công năng xuất, nhập thuận hay nghịch Siêu việt tam-muội”.
Vì sao gọi là Siêu việt tam-muội?
Nghĩa là xa lìa các dục, pháp ác bất thiện, có
Giác có Quán, chứng nhập Sơ thiền, ly sinh hỷ lạc.
Từ cảnh giới Sơ thiền hành giả khởi nhập vượt thẳng lên đến Phi hữu tưởng, từ Phi hữu tưởng nhập Phi vô tưởng, từ Phi vô tưởng tiến nhập thẳng đến Diệt thọ tưởng định.
Lại từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập quay ngược trở về thẳng đến Sơ thiền. Từ Sơ thiền khởi nhập vào thẳng đến Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng khởi nhập trở lại Nhị thiền. Nhị thiền khởi nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Tam thiền, Tam thiền khởi tiến nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Tứ thiền, Tứ thiền khởi tiến nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Hư không xứ định, Hư không xứ định tiến nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Định thức xứ, Định thức xứ khởi nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Vô sở hữu xứ, Vô sở hữu xứ tiến nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại Phi hữu tưởng, Phi hữu tưởng khởi tiến nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng khởi nhập Phi vô tưởng, Phi vô tưởng khởi tiến nhập Phi vô tưởng xứ, Phi vô tưởng xứ khởi nhập Diệt thọ tưởng định.
Từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại trong tâm tán loạn, tâm tán loạn nhập vào Diệt thọ tưởng định, từ Diệt thọ tưởng định khởi nhập trở lại tâm tán loạn. Từ trong tâm tán loạn nhập Phi hữu tưởng, Phi hữu tưởng khởi nhập Phi vô tưởng xứ, Phi vô tưởng xứ khởi trụ trở lại trong tâm tán loạn.
Từ trong tâm tán loạn khởi nhập Tứ thiền, Tứ thiền khởi trụ trong tâm tán loạn. Từ tâm tán loạn nhập Tam thiền, Tam thiền khởi trụ trong tâm toán loạn. Từ trong tâm tán loạn khởi nhập Nhị thiền, Nhị thiền khởi trụ trong tâm tán loạn. Từ trong tâm tán loạn khởi nhập Sơ thiền, Sơ thiền khởi trụ trong tâm tán loạn. Đây gọi là Siêu việt tam-muội.
Nay giải thích tướng trạng của Siêu việt tam muội, trường hợp siêu nhập, siêu xuất. Trong siêu nhập, siêu xuất mỗi thứ có bốn trường hợp.
- Thuận siêu nhập
- Nghịch siêu nhập
- Thuận nghịch siêu nhập
- Nghịch thuận siêu nhập
Trường hợp siêu xuất cũng như thế
Lại nữa trong Siêu việt tam-muội có trường hợp Bàng siêu (phóng qua hai phía) cũng có bốn thứ như thế.
Bốn trường hợp này, có thể ví dụ như Sư tử nhảy qua bốn phía:
1. Phóng về phía trước bốn mươi dặm, dụ cho trường hợp thuận Siêu việt.
2. Nhảy trở lui bốn mươi dặm, dụ cho nghịch Siêu việt.
3. Phóng qua bên phải bốn mươi dặm, là dụ cho Bàng siêu như trường hợp nhập Quán thiền.
4. Phóng qua trái bốn mươi dặm, là dụ cho
Bàng siêu như trường hợp nhập thiền căn bản.
Lại có hai thứ siêu việt:
- Cụ túc siêu
- Bất cụ túc siêu
a) Cụ túc siêu: Như hàng Bồ-tát có đầy đủ Siêu việt tam-muội, như đã nói trên.
b) Bất cụ túc siêu: Siêu việt tam-muội của hàng Thanh văn không thể tự tại nhập vượt thẳng qua các địa vị. Trong Ma Ha Diễn có ghi: “Ví như Sư tử vàng và Sư tử trắng, cả hai đều có khả năng phóng xa, nhưng Sư tử vàng không có năng lực phóng vượt quá xa, còn Sư tử trắng có sức mạnh phóng rất xa”.
Hàng Thanh văn nhập Siêu việt tam-muội chỉ có thể từ Sơ thiền khởi nhập đến Tam thiền mà thôi. Không thể từ Sơ thiền vượt đến Tứ thiền thì làm sao có thể vượt đến định Hư không xứ? Đây là dụ như sức nhảy của Sư tử vàng vậy.
Hàng Bồ-tát thì chẳng như thế, có khả năng từ Sơ thiền nhập vượt thẳng đến Diệt thọ tưởng định, tùy ý tự tại, đây là dụ như sức mạnh nhảy vượt của Sư tử trắng vậy.
Nếu hành giả thuộc hàng Tam thừa nhập tam- muội này, tu đầy đủ tất cả các pháp môn, lúc này các pháp Chỉ và pháp Quán rất sáng suốt nhạy bén, phát sinh hàng trăm ngàn tam-muội, công đức và thần thông thâm hậu, mãnh lợi, nên gọi là Quán thiền. Cũng có Luyện thiền, định Tự tại, giống như phương pháp Luyện thiền của Cửu thứ đệ định đã nói trên.
- Định tự tại: (Đảnh thiền)
Nghĩa là trong các pháp môn hành giả có thể xuất, nhập, trụ, chuyển biến tự do, tự tại và có tám thứ tự tại. Cũng còn gọi là Đảnh thiền, trong các loại thiền định cao tột, Thiền này có khả năng chuyển thọ mạng thành phước báo, chuyển đổi phước báo thành thọ mạng.
Lại có tên gọi là Phật trí tam-muội, có khả năng tùy theo ý nguyện muốn biết những sự việc trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thuộc về Định dục giới và Tứ thiền.
Lại có tên Vô tránh tam-muội, có công năng khiến tâm người khác không khởi tranh đấu, thiền này thuộc về năm chỗ: Dục giới, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
Lại có tên Tứ vô ngại biện: nghĩa là các ngôn từ, biện luận nhiếp thuộc về hai chỗ là Dục giới và Sơ thiền. Nghị biện, nhạo thuyết biện, nhiếp thuộc về Cửu địa(1) nghĩa là trong Định dục giới, Tứ thiền, cho đến Tứ vô sắc định.
Lại có năm thứ thần thông, mười bốn tâm biến hóa, mười tám biến hóa, cũng đều như nói ở trước.
Hoặc khi trong thiền định muốn Nghe, Thấy, Xúc, đều dùng thức phàm tình của thế gian. Nếu thức diệt thì dứt các thấy, nghe, xúc.
Lại nữa trong các thiền xuất thế gian đều có Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tam giải thoát, Tứ đế, Thập lục pháp quán, Thập nhất trí, Tam vô lậu căn, các pháp hành và trí v.v... dưới đây sẽ giải thích phân biệt.
Nếu hàng Nhị thừa chứng được đầy đủ các thiền này, tức là giải thoát, thành tựu đầy đủ cả sự và lý, không còn ràng buộc; cũng còn gọi là “Bất hoại giải thoát”, nếu thành tựu đầy đủ các pháp thiền định xuất thế gian, sẽ được đầy đủ các đại công đức, Bát giải thoát và thần thông v.v... đây gọi là Đại lực A-la-hán. Nếu là hàng Bồ-tát nội tâm chánh quán, thâm nhập trong tam-muội này, chứng được Nhị thập ngũ tam muội(2) (25 thứ thiền định) có công năng phá trừ Nhị thập ngũ hữu (25 cõi), an trụ trong Vương tam-muội, vì tất cả các tam-muội thảy đều nhập vào trong đó, cũng còn gọi là Viên mãn Ba-la-mật. Trên đây đã giới thiệu sơ lược các pháp môn tu hành, cùng những pháp hành thiền của Tam thừa. Trong đó có vô lượng pháp môn, nếu muốn giải thích đầy đủ phương pháp tu hành nhập đạo, thì không làm sao nói hết được.


Chú thích Quyển 10D:
(1) Cửu địa: chín cõi của loài hữu tình cư trú. Dục giới ngũ địa: cõi của 5 loài hữu tình ở chung lẫn nhau: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời. Và 8 tầng trời của Tứ thiền, Tứ vô sắc định.
(2) Nhị thập ngũ tam muội: hai mươi lăm thứ tam-muội dùng để phá trừ 25 (hữu) quả thể dị thục của hữu tình trong 3 cõi. Cõi Dục có 14 hữu, cõi sắc có 7 hữu, cõi Vô sắc có 4 hữu.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.120.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập