Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 9 »»

Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 9

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.64 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.8 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Như Điển

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM THỨ HAI MƯƠI BỐN:TIỂU TAM TAI

THỨ NHẤT: BỊNH TẬT


Phật Thế Tôn nói: Một tiểu kiếp gọi là một kiếp. Hai mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Bốn mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Sáu mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp.

Tại sao một tiểu kiếp gọi là một kiếp? Lúc ấy Tì-khưu Đề-Bà Đạt-Đa ở trong địa ngục chịu quả báo thành thục, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như thế một tiểu kiếp gọi là một kiếp.

Tại sao hai mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như cõi trời Phạm Tiên Hành, hai mươi tiểu kiếp là thọ lượng; Đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như thế hai mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp.

Tại sao bốn mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như cõi trời Phạm Chúng thọ lượng bốn mươi tiểu kiếp, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy bốn mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Tại sao sáu mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như trời Đại Phạm thọ lượng sáu mươi tiểu kiếp, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy, sáu mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Tại sao tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp? Phật nói: Trong kiếp thế giới tán hoại, trong kiếp thế giới tán hoại rồi trụ; Trong kiếp thế giới khởi thành, trong kiếp thế giới khởi thành rồi trụ. Số lượng của kiếp thế giới tán hoại...như thế nào?

Phật nói: Tì-khưu! Qua hai mươi tiểu kiếp thế giới tán hoại. Tiếp theo qua hai mươi tiểu kiếp thế giới đã tán hoại rồi, trụ.

Tiếp theo, qua hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành. Tiếp theo, qua hai mươi tiểu kiếp thế giới đã thành rồi, trụ. Hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành rồi trụ, thì một số đã qua, một chưa qua. Tám tiểu kiếp đã qua, mười hai tiểu kiếp chưa lại. Một kiếp thứ chín, hiện tại chưa hết. Một kiếp hiện tại này thì một số đã qua, một số chưa lại? Vị lai quyết định còn sáu trăm chín mươi năm tại.

Trong khoảng giữa của hai mươi tiểu kiếp này có ba tiểu tai lần lượt luân chuyển: Một là tai họa về tật bệnh lớn, hai là tai họa chiến tranh lớn, ba là tai họa đói khổ lớn.

Kiếp thứ chín hiện nay tức là tai họa thứ ba. Kiếp này do đói khát nên tận.

Phật nói: Tì-khưu! Trong mười hai tiểu kiếp này, thế giới khởi thành , được ở trong đó, kiếp thứ nhất, khi tiểu tai khởi, có bệnh dịch lớn, tất cả đủ loại bệnh đều khởi lên.

Trong Diêm-Phù-Đề, nhân dân của tất cả các nước gặp phải dịch bệnh này. Tất cả quỷ thần khởi lên tâm sân hận độc ác, tổn hại người thế gian. Lúc ấy, thọ mạng của tất cả người dân ngắn ngủi, chỉ sống được mười tuổi. Thân hình nhỏ bé hoặc hai hoặc ba xích tay. Nếu tự đo thì tám xích tay. Thức ăn có thể ăn được thì cỏ lúa đã là cao, tóc làm quần áo cho là nhất, chỉ có dao và gậy để tự trang nghiêm.

Lúc đó mọi người không làm chính pháp, phi pháp, luôn luôn ô nhiễm; bị sai khiến bức bách bởi tham ái phi lý, tà pháp khi dối mạnh mẽ khởi các lỗi ác, rất cứng ác khó giáo hóa. Không thể làm thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn, có thể đi xa để giết hại và trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không biết cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác. Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, có thể chiêu cảm nhiều bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc xấu xí, có thể chiêu cảm thân không có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà thấp hèn, có thể chiêu cảm khốn khổ bần cùng, có thể chiêu cảm ngu si tà kiến. Những nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng. Người như thế tương ưng với đủ loại nghiệp phiền não.

Do vì làm nghiệp tà cực nặng này, gió trái mùa bắt đầu thổi, phương hướng thời tiết trái ngược thất thường. Do mạn phong này không thổi một cách bình đẳng nên trời đổ mưa không đều, đúng lúc, đúng thời để mưa. Tứ Thiên Vương và đại thần, do phẫn nộ người làm ác nên không dạo chơi nước, nên không trút mưa.

La-Hầu A-tu-la vương muốn làm khổ người Diêm-Phù-Đề, hoặc dùng ngón tay, hoặc dùng sống lưng đón mưa rơi xuống mà để trong biển.

Lại có quỷ thần muốn làm khổ người Diêm-Phù-Đề, dùng thần lực nổi lửa để ngăn mưa trời khiến mưa khô khát. Hoặc chính lúc đang mưa bèn nổi gió lớn thổi mưa ra biển.

Vì nhân duyên này nên trời mưa không đều. Tất cả hạt mầm cây cối dây leo cây thuốc đều bị cháy khô, không lại kết thực quả, hoặc lại kết quả thì giảm màu sắc, hương vị, không lớn lên được, không có thế lực. Nếu người lấy dùng thời chẳng có năm loại nghiệp, là: Sắc, lực, an lạc, thọ mạng và thông biện.

Do sự tà ác nên nơi tự thân nổi lên các bệnh nặng, hoặc bệnh hủi, hoặc cam, hoặc điên, hoặc nhọt, hoặc trùng, hoặc độc, hoặc thổ huyết, hoặc bệnh lậu, hoặc thủy tràng, hoặc khu nghịch thượng khí, hoặc gió chướng biến thể, hoặc ho lao sốt rét, hoặc ung nhọt ác tính, ăn uống không tiêu. Các bệnh nặng và bệnh nhẹ như thế lúc ấy cùng nổi lên.

Lúc bấy giờ mọi người mắc các bệnh khổ, lại bị xúc não bởi ác quỷ, muốn cầu sự tốt lành để bảo hộ thân mạng nên cúng tế trời, thần, đọc tụng chú thuật hoặc nương cậy vào đủ loại ác hành được khởi lên bởi tà kiến, giết các chúng sinh vọng chú thần quỷ tìm cầu hết bệnh. Làm các cách như thế, tất cả lợi dưỡng cũng không khỏi bệnh. Một ngày một đêm có vô lượng chúng sinh chết trong tật bệnh.

Chúng sinh kiếp mạt, những tai họa lỗi lầm như thế tự nhiên mà sinh. Tại sao như thế? Vì nếu người hành pháp bất thiện, pháp không bình đẳng, thì nhân quả báo này, pháp hành trong thời gian đó mà hành bình đẳng, hành thiện không thể được, nên tất cả chúng sanh sinh trong đó thời kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc ấy mọi người y chỉ vào cái thấy thô, nghiệp thô mà tạo tác đủ loại ác. Sau khi bỏ mạng, sinh vào chỗ ác, đường khổ, thối đọa, không an lạc hạnh.

Lúc ấy chúng sinh phần nhiều sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la. Lúc ấy dòng giống đại quốc vương trọn đều đã chết hết, cõi nước lần lượt hoang phế, chỉ còn quận huyện nhỏ- còn sót lại này cũng cách nhau xa lắc thị, mỗi quận huyện ở một nơi.

Lúc bấy giờ mọi người không hành chính pháp, tham trước phi pháp, luôn luôn ô nhiễm phi lý, bị tham ái bức bách khiến hành tà pháp, khi dối mạnh mẽ khởi các lỗi ác, rất cứng khó dạy. Không thể làm thiện, không biết làm phúc, không cứu khổ nạn, đêm ngày tương ưng với pháp tà ác. Hoặc thân, miệng, ý khởi ba tà hành, không thể lìa xa sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không biết cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, hay chiêu cảm nhiều bệnh, hay chiêu cảm hình sắc xấu xí, hay chiêu cảm thân không có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà thấp hèn, hay chiêu cảm bần cùng khốn khổ, hay chiêu cảm ngu si tà kiến. Các nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng. Người như thế bị tật bệnh khốn khổ, chẳng ai bố thí thuốc thang, ăn uống. Do nhân duyên này nên thọ mạng chưa hết mà chết ngang vô số. Một ngày một đêm vô số chúng sinh chết trong bệnh tật.

Chúng sinh thời mạt, những lỗi lầm tai họa như thế tự nhiên mà sinh, tại sao như vậy? Do vì làm pháp ác, pháp không bình đẳng bị quả báo này, trong lúc này mà hành pháp bình đẳng, hành thiện pháp thời chẳng thể được, nên tất cả chúng sanh sinh ở trong đó, kiếp trược tự nhiên mà khởi . Lúc ấy mọi người y chỉ cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu, tạo tác đủ loại các ác. Sau khi bỏ mạng, sinh vào đường Tu-la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục.

Lúc bấy giờ các quận huyện nhỏ lần lượt hoang phế, chỉ còn ít nhà cách nhau xa xôi, mỗi nhà ở một chỗ.

Lúc ấy mọi người không hành chính pháp, khởi đủ loại nghiệp ác, có thể chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi cho đến ngu si, tà kiến. Các nghiệp như thế ngày đêm tăng trưởng.

Lúc bấy giờ mọi người chết vì bệnh tật thì không ai chôn cất và thiêu, đem bỏ. Khi ấy xương trắng phủ trên đất. Một ngày một đêm vô số chúng sinh chết trong bệnh tật cho đến nhà cửa lần lượt trống sạch.

Lúc này kiếp mạt, chỉ có bảy ngày. Trong bảy ngày này vô lượng chúng sinh chết trong tật bệnh hết, giả sử có còn thì mỗi người một chỗ riêng.

Khi ấy có một người tập hợp nam, nữ trong Diêm-Phù-Đề, chỉ còn sót lại một vạn người.Trong lúc này đều hành phi pháp, chỉ một vạn người này có thể giữ thiện hành. Các quỷ thần thiện muốn khiến nhân chủng không tuyệt mất nên ủng hộ. Người ấy lấy thức ăn ngon bổ khiến nhập vào lỗ chân lông, do vì nghiệp lực nên trong kiếp trung gian lưu lại chủng tử người tự nhiên không đoạn tuyệt.

Qua bảy ngày sau, bệnh dịch lớn này cùng lúc ngừng hết, tất cả ác quỷ trọn đều bỏ đi. Các chúng sinh đủ loại cần muốn ăn uống, quần áo, phải nghĩ điều mình cần thì trời liền mưa xuống. Âm dương điều hòa, vị ngon sinh ra, thân hình đáng yêu, tướng hảo phục hồi. Tất cả thiện pháp tự nhiên mà khởi. Mát mẻ tịch tĩnh, an lạc không bệnh, đại bi vào tâm. Do đại bi nên đại từ vào tâm. Do đại từ nên không có ý não hại, cùng được gặp nhau sinh tâm hỉ lạc, sinh tâm nhẫn thọ, sinh tâm vô yếm, cùng nắm tay nhau, không lìa bỏ nhau. Ví như bạn hữu thân thiết ngày không gặp, bỗng nhiên được tụ họp, sinh tâm hoan hỉ, sinh tâm nhẫn thọ, tâm không chán lìa, cùng nắm tay nhau, không lìa bỏ nhau, khi người ta gặp nhau cũng lại như vậy. Nhân niệm yêu thích, nam nữ ở chung.

Người của kiếp trước thọ mạng mười tuổi, kiếp sau nhân dân từ đây mà sinh thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, đồ dùng sinh sống đầy đủ, thọ mạng hai mươi nghìn năm.

Lúc đó chúng sinh công đức như vậy tự nhiên được thành. Tại sao như thế? Hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện- do quả báo ấy, lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại thiện pháp, hành thân thiện, hành khẩu thiện, hành ý thiện, hành xả. Sau khi bỏ mạng, sinh đường lành và sinh cõi trời, bỏ thọ mạng rồi lại sinh làm người. Sinh làm người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện, lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, không tâm tham dục, không tâm sân khuể, bỏ pháp tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng, tương ưng với đủ loại thiện pháp.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ mạng dài lâu, hay chiêu cảm không tật bệnh, hay chiêu cảm hình sắc đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có, hay chiêu cảm có trí lớn. Thiện nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc bấy giờ mọi người nương vào phúc đức mà sinh vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng lại sinh lên trời và đường lành. Trong thiện đạo ở rất lâu dài, thời tiết như vậy, trung gian của kiếp đầu do dịch bệnh lớn rốt ráo chẳng cùng, lần lượt hai kiếp lại tiếp tục hai mươi nghìn năm là thọ lượng thứ nhất của kiếp trung gian đầu. Người này được sinh bởi người hai mươi nghìn năm tuổi trước. Người này thọ mạng dài nhất, sắc hình kỳ đặc, uy nghi tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng bốn mươi nghìn tuổi.

Thời các chúng sinh công đức như vậy tự nhiên được thành. Tại sao như vậy? Hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là quả báo ấy, lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Bỏ thọ mạng rồi, sinh đường lành và sinh cõi trời, bỏ thọ mạng rồi lại sinh lại cõi người. Sinh trong loài người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tự tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện, lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân hận, bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, thân hữu, tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ lâu, hay chiêu cảm không bệnh, hay chiêu cảm sắc hình đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có, hay chiêu cảm trí lớn. Nghiệp thiện như thế đêm ngày sinh trưởng.

Lúc ấy mọi người nương vào làm phúc đức mà sinh vô lượng công đức. Bỏ mạng rồi lại sinh cõi trời và đường lành, sinh trong đường lành lâu dài. Thời tiết như vậy gọi là thọ lượng thứ hai của kiếp trung gian thứ hai, bốn mươi nghìn tuổi.

Những người này được sinh từ người bốn mươi nghìn tuổi. Người này thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng sáu mươi nghìn tuổi.

Lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Bỏ thọ mạng rồi sinh vào đường lành và cõi trời. Bỏ thiên mạng rồi lại sinh cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tự tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện, lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể, bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ lâu, hay chiêu cảm không bệnh, hay chiêu cảm sắc hình đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có, hay chiêu cảm trí lớn. Thiện pháp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc ấy mọi người nương vào sự hành phúc đức mà sinh vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng lại sinh cõi trời và đường lành, trụ trong đường lành rất dài. Thời tiết vậy gọi là thọ lượng thứ ba sáu mươi nghìn tuổi của kiếp trung gian thứ ba.

Người tiếp theo này được sinh từ người sáu mươi nghìn tuổi, người này thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng tám mươi nghìn tuổi. Như vậy, chúng sinh được sinh trong kiếp trung gian của Diêm-Phù-Đề, thọ mạng dài lâu rốt ráo nhất là tám mươi nghìn năm này.

Lúc bấy giờ, người nữ năm trăm tuổi mới làm vợ. Lúc ấy mọi người chỉ có bảy bệnh, nghĩa là: Đại tiểu tiện lợi, lạnh, nóng, tâm dâm dục, đói, già.

Trong thời như thế, tất cả cõi nước giàu có an lạc, không có oán tặc và trộm cắp. Châu, quận, huyện, ấp nhân dân thôn lạc cánh tương thứ tỉ, gà gáy cùng nghe. Trồng cấy tuy ít mà thu hoạch thật nhiều.

Con người lúc ấy thọ công dụng nghiệp ít, dùng quả của thiện nghiệp kiếp xưa nhiều. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, tài bảo tiếp tục sinh ra tương xứng với ý mà đầy đủ, lại thọ dụng đến cuối đời chẳng hoại.

Lúc ấy mọi người ngồi an hưởng lạc, không có giong ruổi tìm cầu, thọ mạng tám mươi nghìn năm, trụ a-tăng-kỳ năm, cho đến khi chúng sinh chưa tạo mười ác.

Từ khi khởi lên mười nghiệp ác thì thọ mạng nhân điều này mà giảm. Qua một trăm năm ắt giảm mười tuổi, một trăm năm tiếp theo lại giảm đi mười tuổi. Lần lượt từ từ giảm cho đến mười tuổi. Mười tuổi cuối cùng này thì trụ, không giảm nữa. Dài nhất là tám vạn, ngắn nhất là mười năm.

Nếu Phật không ra đời thì lần lượt như thế; nếu Phật ra đời, như chính pháp trụ, thọ mạng của chúng sinh tạm trụ không giảm. Tùy theo sự giảm của chính pháp mà thọ mạng cũng từ từ giảm.

Phật Thế Tôn nói, tôi nghe như vậy.

THỨ HAI: ĐAO BINH

Phật Thế Tôn nói: Một tiểu kiếp gọi là một kiếp, còn lại cũng như trước đã nói. Cho đến tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp.

Tại sao tám mươi tiểu kiếp gọi là đại kiếp?

Phật nói trong kiếp thế giới tán hoại; trong kiếp thế giới tán hoại rồi trụ. Trong kiếp thế giới khởi thành; trong kiếp thế giới khởi thành rồi, trụ.

Kiếp thế giới tán hoại ...số lượng như thế nào?

Đức Phật nói: Tì-khưu! Trải hai mươi tiểu kiếp thế giới tán hoại, tiếp theo trải hai mươi tiểu kiếp thế giới tán hoại rồi trụ. Tiếp theo hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành, tiếp theo hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành rồi trụ.

Trong hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành được trụ, kiếp thứ hai khi tiểu nạn binh đao khởi lên, do binh đao lớn là cuối cùng của kiếp này.

Lúc bấy giờ trong Diêm-Phù-Đề, tất cả nhân dân của các cõi nước gặp đao binh lớn, oán ghét tàn hại lẫn nhau. Lại nổi lên dịch bệnh. Tất cả quỷ thần khởi tâm sân ác tổn hại người đời.

Lúc ấy, tất cả nhân dân thọ mạng ngắn ngủi chỉ còn mười tuổi, thân hình xấu nhỏ, hoặc hai hoặc ba xích tay. Đồ ăn có thể ăn được thì cỏ lúa đã là cao. Tóc người làm y phục cho là đệ nhất, chỉ có dao gậy để tự trang nghiêm.

Lúc ấy mọi người không hành chính pháp, phi pháp, luôn luôn bị ô nhiễm bởi tham trước phi lý, bị tham ái bức bách sử tà pháp, khi dối khởi các lầm lỗi tai họa, rất cang cường khó dạy. Không thể hành thiện, không biết làm phúc, không cứu khổ nạn. Ngày đêm tương ưng với pháp tà ác. Hoặc thân, khẩu, ý khởi ba tà hành. Không thể lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không biết cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp ác này hay chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, hay chiêu cảm tật bệnh, hay chiêu cảm sắc hình xấu xí, hay chiêu cảm thân không có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà thấp hèn, hay chiêu cảm bần cùng khốn khổ, hay chiêu cảm ngu si, tà kiến. Các nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng. Người như thế luôn luôn tương ưng với đủ loại phiền não, ác nghiệp.

Do vì hành nghiệp rất nặng này, nên cha mẹ, con cái đấu tranh lẫn nhau; anh em, chị em, bạn bè, quyến thuộc tự tranh đấu nhau, huống gì người khác.

Lúc bấy giờ, mọi người khởi tranh đấu rồi, luôn đánh nhau bằng tay chân, hoặc dùng ngói đá hoặc lấy gậy gộc, tiếp đến đao trượng, gây sợ hãi lẫn nhau cho đến giết hại. Lúc ấy mọi người khởi sân khuể rất nặng, làm sự giết hại như để vui chơi.

Vua nước phương Đông đánh nước phía Tây, vua nước phía Tây đánh nước phía Đông, các vua phương Nam, Bắc cũng lại như thế. Lúc ấy các vua lấy sự mắng lẫn nhau như nói pháp, sự lầm lỗi của con người để làm pháp thức, tìm cầu ly gián hiềm khích để làm chính sự.

Tranh đấu rồi, khởi tưởng oan gia, cầm dao, gậy chu diệt nhau thêm. Trong một ngày đêm, số người bị giết hại vô lượng.

Những lỗi lầm tai họa như thế của chúng sinh kiếp mạt tự nhiên mà sinh. Tại sao như thế? Nếu ai hành pháp bất thiện, pháp bất bình đẳng thời được quả báo này. Trong thời gian này, pháp hành bình đẳng, hành pháp thiện là chẳng thể được, nên tất cả chúng sanh sinh ở trong đây, kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc ấy mọi người y chỉ vào cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu, làm đủ loại các ác.

Sau khi bỏ mạng rồi, thọ sinh chỗ ác, đường khổ, thối đọa không an lạc hành. Khi ấy chúng sinh phần nhiều sinh vào đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la .

Lúc bấy giờ dòng giống đại quốc vương trọn đều chết hết, các cõi nước lần lượt hoang phế, chỉ còn quận, huyện nhỏ thị kỳ sở dư cái bất túc ngôn cách nhau xa lắc, mỗi vùng tại một chỗ.

Thời ấy mọi người không hành chính pháp, phi pháp, luôn luôn bị nhiễm ô tham trước, phi lý, bị bức bách bởi tham ái khiến hành tà pháp, khi dối mà khởi các nghiệp ác. Rất can cường khó dạy, không thể hành thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn, đêm ngày tương ưng với pháp tà ác, hoặc thân hoặc khẩu hoặc ý khởi ba tà hành. Không thể xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tha ái, sân khuể, tà kiến. Không thể cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, hay chiêu cảm nhiều bệnh, hay chiêu cảm sắc hình thô xấu, hay chiêu cảm thân không có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà thấp hèn, hay chiêu cảm bần cùng khốn khổ, hay chiêu cảm ngu si tà kiến. Các nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Người nước phương Đông lại đánh phương Tây, người phương Tây, Nam, Bắc cũng lại như vậy. Thời ấy mọi người lấy mạ lỵ nhau làm pháp, nói tội lỗi người như là pháp thức, tìm cầu sự ly gián, hiềm khích để làm chính sự. Làm sự chiến đấu rồi, khởi tưởng oan gia, cầm dao gậy chu diệt nhau. Trong một ngày đêm số người bị giết hại vô số.

Lỗi lầm tai họa của chúng sinh kiếp mạt tự nhiên mà khởi. Tại sao như thế? Vì nếu người không hành pháp thiện, không hành pháp bình đẳng thì được quả báo này. Trong thời kỳ này, hành bình đẳng, hành thiện hạnh không thể được. Tất cả chúng sanh sinh ở trong đó, kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc ấy mọi người y chỉ cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu mà tạo tác đủ loại các ác.

Sau khi bỏ mạng, lại sinh vào chỗ ác, đường khổ, thối đọa, không có an lạc hành. Khi ấy chúng sinh phần nhiều sinh vào đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la. Các quận, huyện nhỏ lần lượt chẳng còn, chỉ còn thôn gia cách nhau xa lắc, mỗi nhà một chỗ.

Lúc ấy nhà phía Đông lại giết nhà phía Tây, nhà phía Tây lại giết nhà phía Đông; Nam và Bắc cũng lại như vậy. Lúc ấy mọi người lấy sự mắng chửi nhau làm pháp, nói lầm lỗi của người để làm pháp thức, tìm cầu sự ly gián, hiềm khích để làm chính sự hành.

Đã đấu tranh rồi, khởi tưởng oán gia, cầm dao gậy chu diệt nhau thêm. Trong một ngày đêm, số lượng bị giết hại vô số.

Những lỗi lầm tai họa như thế của chúng sinh kiếp mạt tự nhiên mà khởi. Tại sao như thế? Vì nếu người không hành pháp thiện, không hành chính pháp, hành bất bình đẳng thời được nghiệp quả này. Trong thời này, hành chính pháp, hành bình đẳng pháp là không thể được. Tất cả chúng sanh sinh trong đó, kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc ấy mọi người y chỉ cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu mà tạo tác đủ loại các nghiệp ác.

Sau khi bỏ mạng, lại sinh vào chỗ ác, đường khổ, thối đọa, không có an lạc hành. Thời ấy chúng sinh phần nhiều sinh vào đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la.

Nhân gia một thời giết sạch, còn sót dư lại thì mỗi người phân tán. Những người phân tán này không hành chính pháp, khởi lên đủ loại nghiệp ác, hay chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi cho đến ngu si, tà kiến.

Lúc đó kiếp mạt dư bảy ngày tại. Trong bảy ngày này, tay cầm đến cỏ cây liền thành dao gậy. Do khí giới này lại tàn hại khủng bố lẫn nhau mà chết khốn khổ. Lúc này mọi người kinh sợ dao gậy, chạy trốn vào rừng rú hoặc qua sông nước ẩn cư, có nơi hoặc vào hang hẻm để trốn tai nạn. Hoặc có lúc thấy nhau nhưng mỗi người hoảng kinh bỏ chạy, sợ hãi mất tâm. Hoặc có lúc ngã dưới đất, ví như hươu nai gặp phải thợ săn. Khi ấy mọi người thêm lo gặp nhau sợ hãi như thế. Trong bảy ngày này chết vì đao binh và hoạnh tử số nhiều vô lượng. Giả như còn sót lại thì mỗi người tán mỗi nơi riêng.

Lúc ấy có một người tập hợp nam, nữ của Diêm-Phù-Đề, chỉ còn một vạn để lưu lại nhân chủng cho tương lai. Người trong thời này đều hành phi pháp, chỉ có một vạn người này có thể sửa trị hành thiện. Các quỷ thần thiện muốn khiến cho giống người không đoạn tuyệt nên ủng hộ. Người này lấy thức ăn ngon bổ khiến nhập vào lỗ chân lông, vì nghiệp lực nên ở kiếp trung gian, khiến nhân chủng không đoạn dứt.

Qua bảy ngày sau, đao binh lớn cùng lúc ngưng dứt. Tất cả ác quỷ trọn đều bỏ đi. Tùy theo các chúng sinh đủ loại cần muốn: Quần áo, uống ăn, ứng niệm mong cần ấy, trời liền mưa xuống. Âm dương điều hòa, vị ngon sinh ra. Thân hình đáng yêu, tướng tốt hồi phục trở lại.

Tất cả thiện pháp tự nhiên mà khởi. Mát mẻ, tịch tĩnh, an lạc, không bệnh. Đại bi vào tâm. Do đại bi nên đại từ vào tâm. Do đại từ nên không có ý não hại. Được gặp nhau sinh tâm hỉ lạc, sinh tâm nhẫn thọ, sinh tâm không chán, cùng nắm tay nhau , không lìa bỏ nhau. Ví như thân hữu tương ái lâu chẳng gặp nhau, bỗng được tụ tập sinh tâm vui thích, sinh tâm nhẫn thọ, sinh tâm không chán, cùng nắm tay nhau, không lìa bỏ nhau, khi người ta gặp nhau cũng lại như thế. Nhân vì ái niệm nhau, nam nữ ở chung.

Người của kiếp trước thọ mạng mười tuổi. Người dân của kiếp sau này từ đó mà sinh, thọ mạng dài nhất, sắc hình kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng hai mươi nghìn tuổi.

Lúc ấy chúng sinh công đức như vậy tự nhiên được thành. Tại sao như thế? Vì hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là quả báo của kia. Lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại thiện pháp. Thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Sau khi bỏ thọ mạng, sinh đường lành và cõi trời, bỏ thọ mạng rồi lại sinh cõi người. Sinh cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Lìa xa sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể, bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ lâu, hay chiêu cảm không bệnh, hay chiêu cảm sắc hình đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có sang quý, hay chiêu cảm trí lớn. Thiện nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc đó mọi người nương hàng phúc đức nên sinh vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng, lại sinh cõi trời và đường lành. Trong đường lành ở rất dài lâu.

Thời tiết như vậy trung gian kiếp đầu tiên do binh đao lớn rốt ráo không cùng, lần lượt ba kiếp liên tục lại. Hai mươi nghìn tuổi là thọ lượng thứ nhất của kiếp trung gian này. Người này được sinh từ người hai mươi nghìn tuổi trước, nên thọ lượng của người này dài nhất, sắc hình kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng bốn mươi nghìn năm.

Thời ấy các chúng sinh công đức như vậy tự nhiên được thành tựu. Tại sao như thế? Vì hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là quả báo của kia. Lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Bỏ thọ mạng rồi sinh vào đường lành và cõi trời. Bỏ thọ mạng cõi trời lại sinh trong cõi người. Sinh cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể, bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng. Tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ lâu, hay chiêu cảm không bệnh, hay chiêu cảm sắc hình đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có sang quý, hay chiêu cảm trí lớn. Các thiện nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Khi ấy mọi người nương vào làm phúc đức nên được vô lượng công đức. Bỏ thọ mạng rồi lại sinh cõi trời và đường thiện, trụ trong đường thiện rất lâu. Thời tiết như vậy gọi là kiếp trung gian thứ ba, thọ lượng thứ hai bốn mươi nghìn năm tuổi.

Lại nữa, những người được sinh từ người bốn mươi nghìn năm tuổi, người này thọ mạng dài nhất, thân hình kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại. Tư sinh đầy đủ, thọ mạng sáu mươi nghìn năm tuổi.

Thời ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Bỏ thọ mạng rồi, sinh đường lành và cõi trời. Bỏ mạng cõi trời rồi lại sinh trong cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể. Bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này hay chiêu cảm thọ lâu, hay chiêu cảm không bệnh, hay chiêu cảm sắc hình đoan chính, hay chiêu cảm thân có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà giàu có sang quý, hay chiêu cảm trí lớn. Các thiện nghiệp như thế đêm ngày sinh trưởng.

Thời ấy mọi người nương hành phúc đức nên được vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng, lại sinh thiên đạo và đường thiện. Sinh và ở trong đường thiện rất lâu.

Thời tiết như vậy gọi là thọ lượng thứ ba của kiếp trung gian thứ ba, sáu mươi nghìn tuổi.

Tiếp theo là những người được sinh từ người sáu mươi nghìn năm tuổi, người này thọ mạng dài nhất sắc hình kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại. Tư sinh đầy đủ, thọ mạng tám mươi nghìn năm tuổi.

Như thế người được sinh từ kiếp trung gian của Diêm-Phù-Đề thọ lượng lâu dài rốt ráo nhất là tám mươi nghìn năm này. Thời ấy người nữ năm trăm tuổi mới làm vợ. Khi ấy mọi người chỉ có bảy bệnh, là: Đại, tiểu tiện lợi, lạnh, nóng, tâm dục, đói và già.

Trong thời như vậy, tất cả các nước giàu có an lạc, không có oán tặc và trộm cướp. Các châu, quận, huyện, ấp nhân dân thôn lạc đều lần lượt như vậy. Gà gáy cùng nghe, trồng cấy tuy ít mà thu hoạch thật dồi dào.

Thời ấy mọi người thọ quả của dụng công ít, dùng quả nghiệp thiện kiếp xưa nhiều. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, tài bảo, các tư sinh cứ tương xứng với ý mà đầy đủ, tuy có thọ dụng nhưng suốt đời không hoại.

Thời ấy mọi người ngồi thọ vui, không giong ruổi tìm cầu, thọ mạng tám mươi nghìn năm trụ a-tăng-kỳ năm cho đến khi chúng sinh tạo mười ác. Từ khi khởi mười nghiệp ác đạo, thời tiết thọ mạng nhân đó mười năm giảm, qua một trăm năm ắt giảm mười tuổi. Tiếp theo một trăm năm lại giảm mười tuổi. Lần lượt từ từ giảm đến mười tuổi. Mười tuổi cuối cùng này thì trụ, không giảm nữa. Dài nhất là tám mươi nghìn năm, ngắn nhất là mười năm.

Nếu Phật không ra đời thì lần lượt như thế. Nếu Phật ra đời, như chính pháp trụ thời thọ mạng của chúng sinh tạm trụ không giảm. Tùy theo chính pháp giảm ít nhiều mà thọ mạng từ từ giảm.

Phật Thế Tôn đã nói. Tôi nghe như vậy.

THỨ BA: ĐÓI KHÁT

Phật Thế Tôn nói: Một tiểu kiếp gọi là một kiếp, còn lại như đã nói ở trước. Cho đến tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp. Tại sao tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp?

Đức Phật nói: Trong kiếp thế giới tán hoại, trong kiếp thế giới tán hoại rồi trụ. Trong kiếp thế giới khởi thành, trong kiếp thế giới khởi thành rồi trụ. Kiếp của thế giới tán hoại...đó, số lượng như thế nào?

Đức Phật nói: Tì-khưu! Trải qua hai mươi tiểu kiếp thế giới tán hoại, tiếp theo hai mươi tiểu kiếp thế giới tán hoại rồi trụ. Tiếp theo trải qua hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành, tiếp theo hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành rồi trụ. Trong hai mươi tiểu kiếp thế giới khởi thành đắc trụ, kiếp thứ ba khi tiểu tai khởi, do đói khát lớn nên kiếp này vô cùng.

Trong thời gian này, tai họa bắt đầu muốn nổi lên, do đói khát, do khốn khổ, do trời quá khô hạn. Lúc đó trong Diêm-Phù-Đề tất cả nhân dân các nước đều gặp dịch bệnh lớn. Tất cả quỷ thần khởi tâm sân ác tổn hại người đời. Lúc đó tất cả nhân dân thọ mạng ngắn ngủi, chỉ trụ mười tuổi, thân hình xấu nhỏ hoặc hai hoặc ba xích tay. Thứ có thể ăn được thì cỏ lúa là cao. Tóc người làm áo cho là y phục tốt nhất. Chỉ có dao, gậy để tự trang nghiêm.

Lúc đó mọi người không hành chính pháp, luôn luôn bị ô nhiễm bởi phi pháp và tham trước. Bị bức bách và sai sử bởi tham ái phi lý khiến hành tà pháp. Khi dối khởi lên các lầm lỗi ác. Rất cang cường khó dạy. Không thể hành thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn. Không thể lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp ác này hay chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, hay chiêu cảm bệnh tật, hay chiêu cảm sắc hình xấu ác, hay chiêu cảm thân không có uy đức, hay chiêu cảm sinh trong nhà bần tiện, hay chiêu cảm bần cùng khốn khổ, hay chiêu cảm ngu si, tà kiến. Các nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Con người như thế tương ưng với đủ loại phiền não, nghiệp ác. Do hành tà cực nặng nên trong hai, ba năm trời chẳng đổ mưa. Do hạn hán lớn nên ngũ cốc không có, đói khát xảy ra. Khi ấy người dân ít có thế lực, thấy người khác có chút lương thực, bèn đến cướp đoạt mà ăn, đều do bị bức bách bởi đói.

Tất cả các bệnh thì đói là thứ nhất. Do nhân duyên này, trong một ngày đêm, số người chết vì đói khát nhiều vô lượng.

Những lỗi lầm tai họa như thế của chúng sinh kiếp mạt tự nhiên mà sinh. Tại sao như vậy? Vì nếu con người hành bất thiện, hành phi pháp, hành bất bình đẳng thì bị quả báo, trong thời này, hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là không thể được.

Tất cả chúng sanh sinh trong đó, kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc đó chúng sanh y chỉ cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu mà tạo tác đủ loại các ác. Sau khi bỏ mạng, lại sinh chỗ ác, đường khổ, thối đọa, không có an lạc hành. Lúc đó chúng sanh phần nhiều sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la.

Lúc ấy, các quốc độ lớn lần lượt hoang phế, chỉ còn quận, huyện nhỏ- những gì sót lại không đủ để nói, cách nhau xa lắc, mỗi thứ ở một nơi.

Lúc ấy mọi người không hành chính pháp, luôn luôn bị ô nhiễm bởi tham trước phi pháp, bị bức sử bởi tham ái phi lý, tà pháp dối gạt khởi các lỗi ác. Rất cang cường khó dạy. Không thể hành thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn, ngày đêm tương ưng với pháp tà ác, hoặc thân, khẩu, ý hành ba nghiệp tà. Không thể xa lìa sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Tham ái, sân khuể, tà kiến. Không cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ các loại nghiệp ác.

Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, có thể chiêu cảm nhiều bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc xấu xí, có thể chiêu cảm thân không có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà bần tiện, có thể chiêu cảm bần cùng khốn khổ, có thể chiêu cảm ngu si, tà kiến. Các nghiệp như thế đêm ngày tương ưng.

Trời không đổ mưa, trong bốn, năm năm. Do hạn hán lớn nên đất của Diêm-Phù-Đề chẳng sinh sôi, cho đến rau cỏ còn chẳng được huống gì lúa gạo. Kế đến là các chúng sinh, xưa nay con người chán ghét không thể ăn như chim, chó, dã can...các loài cầm thú, nay trọn bắt lấy mà ăn, cũng do đói bức bách vậy.

Tất cả chúng sinh, bệnh đói khát là hơn cả. Do nhân duyên này, một ngày một đêm số người chết vì đói khát số nhiều vô lượng.

Khi ấy, tiếp đến các quận huyện nhỏ cũng vắng sạch, chỉ còn từng nhà, cách nhau xa lắc, mỗi nhà mỗi nơi.

Lúc ấy mọi người không hành chính pháp, luôn luôn bị ô nhiễm bởi tham trước phi pháp, bị bức sử bởi tham ái phi lý, tà pháp khi dối mạnh mẽ, khởi các lỗi ác. Rất cang cường khó dạy. Không thể hành thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn, ngày đêm tương ưng với đủ loại tà ác, hoặc thân, khẩu, ý khởi ba tà hành. Không thể xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không thể cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, có thể chiêu cảm nhiều bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc xấu xí, có thể chiêu cảm thân không có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà bần tiện, có thể chiêu cảm bần cùng khốn khổ, có thể chiêu cảm ngu si, tà kiến. Các nghiệp như thế đêm ngày tương ưng.

Lúc bấy giờ, khoảng sáu, bảy năm trời không đổ mưa. Do hạn hán lớn nên người Diêm-Phù-Đề suy nghĩ mong muốn thấy nước còn chẳng được huống gì được uống. Chỉ có bốn sông lớn vì sâu và thông với biển là còn phải dùng thuyền để qua. Chỉ có nước này có thể dùng được, lìa khỏi sông này chẳng có nước nào khác. Dân còn sót lại nương vào nước này để sống, bắt các loại rùa, cá... để làm lương thực, chỉ vì đói khát vậy.

Bệnh của tất cả chúng sinh thì đói khát là hơn cả, do nhân duyên này, trong một ngày đêm, số người chết vì đói khát không thể kể hết.

Những tai họa như thế của chúng sinh kiếp mạt tự nhiên mà sinh. Tại sao như vậy? Vì nếu con người hành bất thiện, hành phi pháp, hành bất bình đẳng thì bị quả báo này; Trong thời gian này, hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là không thể được. Tất cả chúng sanh sinh trong đó, kiếp trược tự nhiên mà khởi. Lúc đó mọi người, y chỉ cái thấy thô lậu, nghiệp thô lậu, tạo đủ loại nghiệp ác. Sau khi bỏ thọ mạng rồi, lại sinh chỗ ác, đường khổ, thối đọa, không có an lạc hành. Lúc ấy chúng sanh phần nhiều sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la.

Những nhà còn sót lại cũng lần lượt không còn. Chỉ còn sót lại một số người, mỗi người tự chia tán. Lúc ấy mọi người không hành chính pháp, luôn luôn bị ô nhiễm bởi tham trước phi pháp, bị bức sử bởi tham ái phi pháp, tà pháp mạnh mẽ khởi đủ loại các ác. Rất cang cường khó dạy. Không thể hành thiện, không biết làm phúc, chẳng cứu khổ nạn, đêm ngày tương ưng với pháp tà ác. Hoặc thân, khẩu, ý khởi ba tà hành. Không thể xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham ái, sân khuể, tà kiến. Không thể cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn và thân hữu, Tôn trưởng. Phóng tâm khởi đủ loại nghiệp ác.

Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ mạng ngắn ngủi, có thể chiêu cảm nhiều bệnh, có thể chiêu cảm sắc hình xấu xí, có thể chiêu cảm thân không có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà bần tiện, có thể chiêu cảm bần cùng khốn khổ, có thể chiêu cảm ngu si, tà kiến. Ngày đêm tương ưng với các nghiệp như thế.

Kiếp trung gian này, chỉ bảy ngày. Trong bảy ngày này, mỗi một ngày đêm, số người chết vì đói khát nhiều vô lượng. Nếu còn lại thì mỗi người tán riêng một chỗ.

Lúc bấy giờ có một người tập hợp nam, nữ trong Diêm-Phù-Đề, cộng được một vạn người, lưu lại làm nhân chủng tương lai. Trong thời gian này, đa số đều hành phi pháp, chỉ một vạn người này có thể làm các thiện hành. Các quỷ thần thiện muốn khiến giống người không đoạn dứt nên ủng hộ. Người này lấy vị thức ăn ngon bổ khiến nhập vào lỗ chân lông, vì nghiệp lực nên khiến cho trong kiếp trung gian, nhân chủng tự nhiên không đoạn dứt.

Qua bảy ngày sau, nạn đói khát lớn này cùng lúc ngừng dứt. Tất cả ác quỷ trọn đều bỏ đi. Lúc ấy các chúng sinh đủ loại cần muốn: Áo quần , ăn uống đều ứng với niệm cần muốn mà trời mưa xuống.

Âm dương điều hòa, vị ngon sinh ra, thân hình đáng yêu, tướng tốt trở lại. Tất cả pháp thiện tự nhiên mà sinh khởi. Thanh lương, tịch tĩnh, an lạc, không bệnh. Đại bi vào tâm. Do đại bi nên đại từ vào tâm. Do đại từ nên không có ý não hại. Do không có ý não hại nên được gặp nhau sinh tâm hỉ lạc, sinh tâm nhẫn thọ, sinh tâm không chán, cùng nhau nắm tay, không lìa bỏ nhau. Ví như thân hữu tương ái lâu không gặp nhau, bỗng được tụ tập sinh tâm hỉ lạc, sinh tâm nhẫn thọ, sinh tâm không chán, cùng nắm tay nhau, không lìa bỏ nhau, khi người ta gặp nhau cũng lại như vậy. Nhân vì ái niệm nhau, nam nữ ở chung.

Người của kiếp trước thọ mạng mười năm, nhân dân kiếp sau từ đó mà sinh thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng hai mươi nghìn tuổi.

Lúc ấy công đức như thế của chúng sinh tự nhiên được thành. Tại sao như thế? Vì hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện là quả báo kia. Lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện.

Sau khi bỏ thọ mạng sinh đường lành và cõi trời. Bỏ mạng trời rồi lại sinh cõi người. Sinh cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể. Bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ lâu, có thể chiêu cảm không bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc đoan chính, có thể chiêu cảm thân có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà phú quý, có thể chiêu cảm trí lớn. Các nghiệp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc ấy mọi người nương vào làm phúc đức nên được vô lượng công đức. Sau khi bỏ mạng lại sinh cõi trời và đường lành. Trụ trong đường lành rất lâu.

Thời tiết như vậy kiếp trung gian đầu, do đói khát lớn cứu cánh cùng tận. Kiếp tiếp theo đến cũng vậy. Hai mươi nghìn tuổi là thọ lượng thứ nhất của kiếp trung gian này.

Người này được sinh từ người hai mươi nghìn tuổi trước, người này thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng bốn mươi nghìn năm tuổi.

Lúc ấy công đức như thế của các chúng sinh tự nhiên được thành. Tại sao như thế? Vì hành pháp, hành bình đẳng, hành thiện hạnh là quả báo, lúc này mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện.

Sau khi bỏ thọ mạng, sinh vào đường lành và cõi trời. Bỏ mạng cõi trời lại sinh trong cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể. Bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Nghiệp này có thể chiêu cảm thọ lâu, có thể chiêu cảm không bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc đoan chính, có thể chiêu cảm thân có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà giàu sang, có thể chiêu cảm trí lớn. Thiện pháp như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc ấy mọi người nương hành phúc đức nên được vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng, lại sinh cõi trời hoặc đường lành, trụ rất lâu trong đường lành.

Thời tiết như vậy gọi là kiếp trung gian thứ ba, thọ mạng thứ hai bốn mươi nghìn tuổi.

Lại nữa, những người được sinh từ người thọ bốn mươi nghìn tuổi, người này thọ mạng dài nhất, thân hình kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng sáu mươi nghìn tuổi.

Lúc ấy mọi người tương ưng với đủ loại pháp thiện, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện. Sau khi bỏ mạng rồi, sinh vào đường lành và sinh cõi trời. Bỏ mạng trời rồi, lại sinh cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tự nhiên hiền thiện, tự tính thanh tịnh, tự tính đạo đức, tâm tính hòa nhã, giới phẩm đầy đủ, thường hành thắng thiện. Lìa xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Không tâm tham dục, không tâm sân khuể. Bỏ tà kiến, tu hành chính kiến. Cung kính cha mẹ, Sư tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, thân hữu, Tôn trưởng, tương ưng với đủ loại pháp thiện.

Thiện này có thể chiêu cảm thọ lâu, có thể chiêu cảm không bệnh, có thể chiêu cảm hình sắc đoan chính, có thể chiêu cảm thân có uy đức, có thể chiêu cảm sinh trong nhà giàu sang, có thể chiêu cảm trí lớn. Nghiệp thiện như thế ngày đêm sinh trưởng.

Lúc ấy mọi người nương hành phúc đức nên được vô lượng công đức. Sau khi bỏ thọ mạng lại sinh cõi trời và đường lành. Trụ trong đường lành rất lâu.

Thời tiết như thế gọi là kiếp trung gian thứ ba, thọ lượng thứ ba sáu mươi nghìn tuổi.

Lại nữa, những người được sinh từ người thọ sáu mươi nghìn tuổi, người này thọ mạng dài nhất, hình sắc kỳ đặc, uy đức tối thắng, thần lực tự tại, tư sinh đầy đủ, thọ mạng tám mươi nghìn năm tuổi. Như thế thọ mạng dài nhất của chúng sanh được sinh ở Diêm-Phù-Đề, là tám mươi nghìn năm này. Lúc đó người nữ năm trăm tuổi mới làm vợ.

Lúc ấy, mọi người chỉ có bảy bệnh, là: Đại, tiểu tiện lợi, lạnh, nóng, tâm dục, đói, già.

Trong thời như thế, tất cả các nước đều giàu có an lạc, không có oán tặc và trộm cướp. Các châu, quận, huyện, ấp nhân dân làng xóm đều như thế cả, gà gáy cùng nghe. Trồng cấy tuy ít mà thu hoạch thật dồi dào. Lúc ấy mọi người thọ công dụng quả ít, dùng quả của thiện nghiệp kiếp xưa nhiều. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, tiền của, các vật tư sinh đều tương xứng đầy đủ với ý muốn. Tuy có thọ dụng nhưng suốt đời chẳng hoại. Lúc ấy mọi người ngồi an hưởng lạc, không giong ruổi tìm cầu, thọ mạng tám mươi nghìn năm trụ a-tăng-kỳ năm, cho đến khi chúng sinh chưa tạo mười ác.

Từ khi khởi lên mười nghiệp ác, thời tiết thọ mạng nhân điều này mà giảm mười năm. Qua một trăm năm thì giảm mười tuổi. Lại một trăm năm, lại giảm mười tuổi, lần lượt từ từ giảm đến còn mười tuổi. Mười tuổi cuối cùng này thì dừng, không giảm thêm nữa. Dài nhất là tám vạn năm, ngắn nhất là mười năm.

Nếu Phật không ra đời thì lần lượt như thế. Nếu Phật ra đời, như chính pháp trụ thời thọ mạng của chúng sinh tạm trụ không giảm. Tùy chính pháp giảm ít nhiều mà thọ mạng giảm lần.

Phật Thế Tôn đã nói. Tôi nghe như vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Ai vào địa ngục


Hai Gốc Cây


Kinh Dược sư

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.103.33 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập