Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 10 »»

Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 10

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.49 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Như Điển

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM: ĐẠI TAM TAI

THỨ NHẤT: HỎA TAI


Phật Thế Tôn nói: Một tiểu kiếp gọi là một kiếp. Hai mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Bốn mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Sáu mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. Tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp.

Tại sao một tiểu kiếp gọi là một kiếp? Lúc ấy, Tì khưu Đề-Bà Đạt-Đa ở trong địa ngục chịu quả báo thành thục, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy một tiểu kiếp gọi là một kiếp.

Tại sao hai mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như cõi trời Phạm Tiên Hành, hai mươi tiểu kiếp là thọ mạng của họ. Các Phạm Thiên này, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy, hai mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Tại sao bốn mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như Phạm Chúng Thiên thọ lượng bốn mươi tiểu kiếp, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy, bốn mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Tại sao sáu mươi tiểu kiếp gọi là một kiếp? Như thọ lượng của Đại Phạm Thiên là sáu mươi tiểu kiếp, đức Phật nói trụ thọ một kiếp. Như vậy, sáu mươi tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Tại sao tám mươi tiểu kiếp gọi là một đại kiếp? Đức Phật nói, trong kiếp thế giới tán hoại, trong kiếp thế giới tán hoại rồi trụ. Trong kiếp thế giới khởi thành, trong kiếp thế giới khởi thành rồi trụ, khi trụ a-tăng-kỳ, gọi là kiếp. Khi thế giới tán hoại a-tăng-kỳ, gọi là kiếp. Khi thế giới tán hoại rồi trụ, khi trụ a-tăng-kỳ, gọi là kiếp. Thế giới khởi thành a-tăng-kỳ thời gọi là kiếp. Thế giới khởi thành rồi trụ.

Tán hoại có ba nguyên nhân: Một là nhân lửa mà tán hoại, hai là nhân nước mà tán hoại, ba là nhân gió mà tán hoại.

Như vậy, Phật Thế Tôn nói: Tì-khưu! Nhân của tán hoại có ba loại: Một là lửa tán hoại, hai là nước tán hoại, ba là gió tán hoại.

Tì-khưu! Đảnh tán hoại có ba: Một là Thắng Biến Quang thiên, hai là Biến Tịnh thiên, ba là Quảng Quả thiên.

Lại nữa, Phật Thế Tôn nói: Tì-khưu! Đảnh của tán hoại có ba loại: Một là Thắng Biến Quang Thiên, hai là Biến Tịnh Thiên, ba là Quảng Quả thiên.

Tại sao Thắng Biến Quang thiên đến Biến Tịnh và Quảng Quả thiên là đảnh của tán hoại? Tì-khưu! Khi hỏa tai tán hoại, tất cả chúng sanh hạ giới phải sinh lên Thắng Biến Quang thiên của đệ Nhị thiền. Khi thủy tai tán hoại, tất cả chúng sanh hạ giới phải sinh lên Biến Tịnh Thiên của đệ Tam thiền. Khi phong tai tán hoại, tất cả chúng sanh địa giới phải sinh lên Quảng Quả thiên của đệ Tứ thiền.

Đức Phật nói: Hỏa tai tán hoại là do Thắng Biến Tịnh thiên tán hoại. Thủy tai tán hoại là do Biến Tịnh thiên tán hoại. Phong tai tán hoại là do Quảng Quả thiên tán hoại.

Lại nữa, Tì-khưu, tán hoại có hai: Một là thế giới chúng sinh tán hoại, hai là khí thế giới tán hoại. Trong mười tiểu kiếp chúng sinh thế giới tán hoại, tiếp theo mười tiểu kiếp khí thế giới tán hoại.

Phật bảo Tì-khưu: Khi kiếp tán hoại khởi, khi Thắng Biến Quang thiên tán hoại nhân đệ Nhị thiền. Thời này tất cả người Diêm-Phù-Đề thọ mạng tám mươi nghìn năm, lúc đó người nữ năm trăm tuổi mới làm vợ. Lúc đó mọi người chỉ có bảy bệnh, là: Đại, tiểu tiện lợi, lạnh, nóng, tâm dâm dục, đói, già.

Trong thời như vậy, tất cả các quốc độ giàu có an lạc, không có oán tặc và trộm cướp. Các châu, quận, huyện, ấp nhân dân thôn lạc đều như thế cả, gà gáy cùng nghe. Trồng cấy tuy ít mà thu hoạch thật dồi dào. Lúc đó mọi người thọ công dụng quả ít, dùng quả của nghiệp kiếp xưa nhiều. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, tiền của, các vật tự sinh xứng ý mà đầy đủ.

Lúc đó hai giới giảm: Một là sân khuể giới, hai là bức não ý giới. Lưỡng giới khởi trưởng: Một là vô sân khuể giới, hai là vô bức não ý giới.

Lúc ấy mọi người giảm và lìa mười ác, tu hành mười thiện. Ngồi an thọ lạc, không giong ruổi tìm cầu. Hoặc tụ tập ở đình xá, hoặc nương nhà nghỉ, hoặc chỗ tập họp lớn, hoặc đi dưới cây, mỗi người tuyên nói, luận bàn thế này: Những người ngày xưa, sinh thời kiếp trược, nhân năm dục trần mà tăng trưởng tham dục. Cho nên, hoặc cha mẹ, con cái đấu tranh nhau; anh em, chị em, quyến thuộc tự tranh đấu nhau, huống gì người khác. Thời ấy mọi người, sau khi khởi đấu tranh rồi, dùng võ tay chân hoặc dùng gạch đá, hoặc gậy gộc, tiếp đến là dao mà gây kinh sợ cho chau, cho đến giết hại. Nhân năm trần này mà khởi đủ loại ác, cho nên phải xả bỏ năm trần.

Lúc ấy mọi người suy nghĩ lầm lỗi tai họa của năm trần và nhiễu động của hạ giới, quán vô giác, quán công đức vi diệu của định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng rồi, sinh cõi trời Thắng Biến Quang.

Lúc ấy chư Thiên cõi Dục biến thân mình tợ như tê giác, ngày đêm ba thời đi nơi thế giới, tuyên nói lời này: Thiện nam tử, thiện nữ nhân! Vô giác quán định là an lạc vi diệu nhất, cho nên các người hãy tu hành trong đó.

Lúc ấy mọi người, đầu đêm, cuối đêm, nghe lời này rồi hoan hỉ, dũng dược, bỏ các tạp sự, nhiếp tâm thiền quán lỗi lầm tai họa của dục trần, quá vô giác, quán định có công đức lớn, liền đắc Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Khi ấy có người thường làm vui thích an lạc cho người khác như sự nghiệp, hoặc hát hoặc múa, hoặc nhào lộn ném vòng, hoặc múa dao gậy, hoặc đánh trống thổi kèn, hoặc ca hát tán tụng, hoặc trang sức cho thân người khác. Những người như thế làm thơ ca, truyền rằng: Thời xưa con người sinh thời kiếp trược, nhân vì năm dục trần mà tăng trưởng tham dục, nên hoặc cha mẹ, con cái tranh đấu lẫn nhau. Anh em, chị em, bạn hữu, quyến thuộc tự thanh đấu với nhau, huống gì người khác. Lúc ấy mọi người sau khi khởi đấu tranh rồi, dùng tay chân hoặc lấy gạch đá, hoặc dùng gậy gộc, tiếp đến đao trượng gây cho nhau kinh sợ, cho đến giết hại. Nhân năm trần này mà khởi lên đủ loại ác, cho nên phải xả bỏ năm trần.

Khi ấy mọi người tư duy về lỗi họa của năm trần và sự thô động của hạ giới, quán vô giác, quán công đức vi diệu của định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Các vị trời Thắng Biến Quang này du hành xuống hạ giới, ẩn che thân hình, tuyên nói lời này: Thiện nam tử, thiện nữ nhân! Quán vô giác, quán định tịch tĩnh an lạc vi diệu, nên các người hãy tu hành trong đó.

Lúc đó mọi người đầu đêm, cuối đêm nghe âm thanh chư Thiên nói, hoan hỉ dũng dược, khởi tâm tin thích. Người của tất cả cư gia, thôn ấp, quận, châu, cho đến quốc độ khởi tâm tinh tiến, quán dục trần hạ giới lỗi họa, quán công đức nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng rồi, sinh cõi trời Biến Quang Thiên.

Lúc ấy có các nhà ngoại đạo giáo hóa người của tất cả cư gia, thôn ấp, quận, châu cho đến quốc độ trọn khiến xuất gia, vô số quyến thuộc vây quanh, lần lượt du hành khắp cả quốc độ. Những điều tuyên nói tương ưng với ở trên: Thời xưa mọi người sinh thời kiếp trược, nhân vì năm dục trần mà tăng thêm tham dục, hoặc cha mẹ, con cái tranh đấu với nhau, hoặc anh em, chị em, bạn hữu, quyến thuộc tranh đấu lẫn nhau, huống gì người khác. Sau khi khởi đấu tranh rồi, hoặc bằng tay, hoặc lấy gạch đá, hoặc dùng gậy gộc cho đến đao trượng mà khiến kinh sợ cho đến giết hại lẫn nhau. Năm dục trần này khởi đủ loại ác như thế, cho nên phải vứt bỏ. Chán ghét trách mắng, nói ra lỗi họa năm trần như thế.

Lúc ấy mọi người tư duy lỗi họa của năm trần và thô động của hạ giới, công đức vi diệu của quán vô giác, quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lúc bấy giờ các chúng sinh trong địa ngục suy nghĩ thế này: Chúng ta thời xưa làm đủ loại ác, do nghiệp ác bất thiện cho nên lại đây chịu khổ. Do ý này nên với ngục tốt không sinh tâm sân nộ.

Thời chúng sinh địa ngục không có giới sân khuể, không có giới ý bức não. Do hậu báo của thiện nghiệp thời xưa, xả thọ mạng địa ngục mà sinh trong cõi người. Đã sinh vào cõi người rồi, tư duy về lỗi họa của dục trần, quán sát công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ thọ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Khi ấy có chúng sinh đọa trong địa ngục, nhưng vì ngục tốt mà nghĩ như thế này: chúng ta nhân vì nghiệp ác của mình mà lại đây thọ sinh. Các tội nhân này cũng nhân vì nghiệp ác mà lại đây thọ khổ. Ta nay tại sao với chúng sinh khác mà khởi tàn hại! Liền sinh giới không sân khuể, giới không ý bức não, tự nhiên tăng trưởng đủ tâm thiện. Do hậu báo của nghiệp thiện thời xưa, xả thọ mạng địa ngục, sinh trong cõi người. sinh trong cõi người rồi, tư duy về lỗi họa của năm trần, quán sát công đức của Nhị thiền, tu tập Nhị thiền. Sau khi xả thọ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lúc ấy có các chúng sanh sinh trong nước: Các loại ba ba, cá, rùa...đều sinh tâm từ, không ăn nuốt lẫn nhau, chỉ ăn rong rêu và cỏ trên đất. Nếu chết tự nhiên mới lấy mà ăn, chỉ để khỏi chết đói, không muốn hại đó. Không có giới sân khuể, không có giới ý bức não, lúc ấy sinh trưởng; sinh các tâm thiện, sinh tâm ái niệm. Do hậu báo của thiện nghiệp kiếp xưa, sau khi bỏ thọ mạng, sinh trong cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tư duy về lỗi họa của năm trần và thô động của hạ giới, công đức vi diệu của vô giác, quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lại có các chúng sinh đi trên đất: Các loài sư tử, hổ, báo, chồn, cáo...đều sinh tâm từ, không ăn nuốt nhau, đói thì ăn cỏ non, khát thì uống nước suối. Nếu tự chết thì mới ăn thịt, chỉ để khỏi chết đói, không muốn giết hại đó. Tự trai, không có giới sân, không có giới ý bức não, lúc đó sinh các tâm thiện, sinh tâm ái niệm. Do hậu báo của nghiệp thiện kiếp xưa, sau khi bỏ thọ mạng, sinh trong cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tư duy về lỗi họa của năm dục trần và sự thô động của hạ giới, công đức vi diệu của vô giác, quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ thọ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Tất cả đường ngạ quỷ lại ái niệm nhau, trọn đều sinh thiện, đều như nói ở trên. Sau khi bỏ thọ mạng được sinh trong cõi người. Sinh trong cõi người rồi, tư duy về lỗi họa của năm dục trần, quán vô giác, quán định, tu tập Nhị thiền. Sau khi bỏ thọ mạng, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Đường A-tu-la cũng lại như vậy.

Lúc ấy người Tây Cù-Da-Ni nếu ở quốc độ ấy tu tập Nhị thiền, nếu đắc Nhị thiền ở đó thì từ đó mà sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang; nếu đến Diêm-Phù-Đề thọ sinh mà đắc được Nhị thiền thì cũng sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Người Đông Tì-Đề-Ha, hoặc ở đó tu tập Nhị thiền thì từ đó mà sinh lên chỗ cõi trời Nhị thiền. Nếu lại Diêm-Phù-Đề tu tập Nhị thiền thì cũng từ đây mà sinh lên chỗ cõi trời Nhị thiền.

Người Bắc Uất-Đan-Việt sau khi xả thọ mạng, sinh lên sáu cõi trời Dục, hoặc sẽ ở đó tu tập Nhị thiền, rồi sinh lên Nhị thiền; hoặc từ sáu cõi trời Dục sinh xuống Diêm-Phù-Đề, tu tập Nhị thiền rồi cũng sẽ sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Lúc bấy giờ các vị trời Tứ Đại Thiên Vương, Tam Thập Tam, Dạ-Ma, Đâu-Suất-Đà, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, Thạm Tiên Hành, Phạm Chúng, hoặc ở tại cõi trời đó tu tập Nhị thiền, xả thọ mạng rồi sẽ sinh cõi trời Thắng Biến Quang. Hoặc từ các cõi trời ấy sinh lại Diêm-Phù-Đề tu tập Nhị thiền, rồi cũng sẽ sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang.

Tì-khưu! Lúc đó tất cả địa ngục trọn đều trống rỗng, tất cả đường súc sinh cũng trọn trống rỗng, tất cả đường ngạ quỷ cũng trọn trống rỗng, tất cả đường A-tu-la cũng lại trống rỗng.

Tây Cù-Da-Ni, Nam Diêm-Phù-Đề, Đông Tì-Đề-Ha, Bắc Uất-Đan-Việt đều trống rỗng.

Tứ Thiên Vương thiên, Tam Thập Tam thiên, Dạ-Ma thiên, Đâu-Suất-Đà thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, Phạm Tiên Hành thiên, Phạm Chúng thiên đều trống rỗng.

Lúc ấy tất cả chúng sinh trong trong một nghìn thế giới trọn đều trống rỗng, chỉ có Đại Phạm vương tồn tại.

Nhân duyên như vậy, lần lượt như vậy, tất cả chúng sinh thế giới trọn đều tán hết.

Trong thời gian như thế, mười tiểu kiếp đã qua. Tì-khưu! Lúc đó khí thế giới thứ hai tán hoại, theo trình tự bốn đại tán hoại, hỏa tai tán hoại.

Lúc đó trong một thời gian dài trời không đổ mưa, một giọt chẳng rơi. Không mưa đã lâu rồi, trong Diêm-Phù-Đề cỏ cây lá thuốc tất cả hạt mầm cùng lúc héo khô, tiếp đó cháy sạch, không sinh trở lại.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi như vậy, vô thường, chẳng hằng, không chỗ an tức, ngắn ngủi biến khác và phá hoại, không thể cứu tế, không phải chỗ nương chân thật, không phải chỗ bóng mát để nương.

Tì-khưu! Do nghĩa này, nên pháp hữu vi rất đáng chán, là tai họa, nên phải lìa dục, nên phải vứt bỏ.

Tì-khưu! Qua một thời gian dài, có lúc như thế này, có hai mặt trời xuất hiện trong thế gian, tướng tròn sáng nóng gấp bội mặt trời cũ. Do mặt trời này nên trong Diêm-Phù-Đề, tất cả ao chuôm và sông hồ nhỏ trọn đều cạn kiệt, không có trở lại.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi vô thường như vậy, đầy đủ như nói ở trên, cho đến nên phải vứt bỏ.

Lại nữa, Tì-khưu! Qua thời gian dài, có lúc như thể này: Có mặt trời thứ ba tiếp theo xuất hiện nơi thế gian, tướng tròn nóng sáng gấp bội mặt trời thứ hai. Do mặt trời này nên trong Diêm-Phù-Đề, sông hồ lớn, sâu trọn đều cạn kiệt, không có lại nữa.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi vô thường như vậy, đầy đủ như trên nói, cho đến phải nên vứt bỏ.

Tì-khưu! Qua thời gian dài, mặt trời thứ tư tiếp theo xuất hiện nơi thế gian, tướng tròn nóng sáng gấp bội mặt trời thứ ba. Do mặt trời này nên trong Diêm-Phù-Đề, ao A-Na-Bà-Đạt, ao Nan-Đà, sông Thất Lâm Giang và bốn sông lớn, những ao và sông lớn nhất, sâu nhất dòng chảy xiết và gặp biển như thế, trọn đều cạn kiệt, không lại có nữa.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi vô thường như vậy, đầy đủ như trên nói, cho đến phải nên vứt bỏ.

Tì-khưu! Qua thời gian dài, mặt trời thứ năm tiếp theo xuất hiện, tướng tròn sáng nóng gấp bội mặt trời thứ tư. Do mặt trời này nên nước biển trong ngoài giảm đi một trăm do-tuần, tiếp theo giảm hai trăm, ba trăm, bốn trăm cho đến một nghìn do-tuần, nước biển giảm sút. Tiếp theo giảm hai nghìn, ba nghìn, bốn nghìn cho đến một vạn. Tiếp theo giảm hai vạn cho đến sáu vạn do-tuần, thủy giới giảm trọn.

Tì-khưu! Có thời như thế này: Nước biển còn lại hoặc sâu bảy đa-la, hoặc sáu đa-la, hoặc năm đa-la, hoặc bốn, hoặc ba, hoặc hai, hoặc một đa-la. Tì-khưu, có lúc như thế này, nước biển còn lại hoặc sâu bảy tầm, lần lượt như giảm như vậy cho đến một tầm.

Tì-khưu! Có thời như thế này: Nước biển còn lại chỉ đến ngang cổ người, hoặc nách, hoặc ngực, hoặc eo, hoặc rốn, hoặc đùi gối, hoặc cổ chân, mắt cá.

Tì-khưu! Có lúc như vậy: Nước biển còn lại không ngập lóng tay.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi vô thường như vậy, đầy đủ như trên nói, cho đến phải nên vứt bỏ.

Tì-khưu! Qua thời gian dài, lần lượt đến mặt trời thứ sáu xuất hiện nơi thế gian, tướng tròn sáng nóng gấp bội mặt trời thứ năm. Do mặt trời này, nên đại địa của thế giới, trong ngoài biển lớn, núi chúa Tu-Di bắt đầu bốc khói. Khói phủ che khắp, ví như lò nung bắt đầu phun khói, khói tụ che khắp đại địa, đại hải và núi Tu-Di. Khói phủ do mặt trời thứ sáu che khắp cũng lại như thế.

Tì-khưu! Tất cả pháp hữu vi vô thường như vậy, đầy đủ như trên nói, cho đến phải nên vứt bỏ.

Tì-khưu! Qua thời gian dài, lần lượt lại xuất hiện mặt trời thứ bảy, tướng tròn sáng nóng gấp bội mặt trời thứ sáu. Do mặt trời này nên đại địa trong ngoài biển lớn và núi chúa Tu-Di đều phát lửa rực, cùng một lúc đỗng nhiên chung thành một biển lửa. Qua thời gian dài dừng trụ chẳng tắt.

Tì-khưu! Núi chúa Tu-Di này bị lửa lớn thiêu thông thành một lửa. Thiêu thời gian lâu, đỉnh núi mới một trăm do-tuần bị phá nát, hoặc hai trăm, ba trăm cho đến một nghìn do-tuần sụp đổ vỡ nát cũng lại như vậy.

Lúc ấy trong ngoài tứ đại, tất cả lửa tự nhiên mà phát. Thế giới, trời, đất thiêu nóng phát lửa hực thành một tính lửa, vì thế của lửa hút thủy luân bên dưới. Ví như cái mâm đồng bị lửa thiêu nóng để trong chỗ nước cạn, hút sạch hết nước, thế giới lửa lớn thành một tính lửa hút thủy luân cũng lại như vậy. Ví như tô dầu bị lửa đốt trọn đều cháy sạch, chẳng còn tàn tro. Như thế đại địa trong ngoài biển lớn và núi chúa Tu-Di đều bốc lửa hực, cùng lúc đỗng nhiên thông thành một lửa, tất cả thiêu sạch, chẳng còn tro tàn cũng lại như thế.

Lúc ấy địa luân đều hết sạch, hai luân thủy và phong cũng đều bị đốt hết. Lửa bốc lên trên từ thủy luân mà khởi, cho đến chỗ của Đại Phạm vương. Lúc ấy Đại Phạm vương xả bỏ thọ mạng và nơi ở, sinh lên cõi trời Thắng Biến Quang. Khi ấy cung điện với chu vi rộng lớn, ánh sáng đáng yêu, xem không biết chán, thuần sắc trắng vi diệu tinh khiết một lúc cháy sạch, không lại có nữa. Nơi ở của Phạm Vương, xưa nay pháp như vậy, cho nên do lửa...mà bị diệt.

Thời gian lâu như vậy, tất cả khí thế giới bên ngoài đều tán hoại sạch. Thời gian lâu như vậy, đã trải qua hai mươi tiểu kiếp. Lại hai mươi tiểu kiếp nữa tiếp tục, trong đó nơi một nghìn thế giới trống rỗng, giống như hang tối mà không có che đậy bên trên, trụ hai mươi tiểu kiếp.

Phật nói: Tì-khưu, Lúc ấy thế giới lại muốn khởi thành, pháp thế gian như vậy, khi thế giới bắt đầu khởi, nếu có chúng sinh đã sinh trưởng nghiệp thì có thể chiêu cảm quả báo Đại Phạm. Xả báo trước rồi, lại nhập trung ấm.

Nhân bốn đại hòa hợp ở cõi Sắc, cung điện của Đại Phạm tự nhiên mà khởi, trắng sạch sáng trong, che khuất nơi khác, sắc tướng đầy đủ, xem không biết chán, là chỗ ở yêu thích, chưa có ai ở.

Các chúng sinh này, xưa đã tạo nghiệp, có thể chiêu cảm bốn đại ở sắc giới và sắc pháp được tạo bởi bốn đại. Nhân nghiệp xưa và bốn đại của cõi sắc, cung điện liền thành tựu. Bốn đại của cõi Sắc với cung điện này cũng là nhân, cũng là duyên nghiệp được tạo kiếp xưa chỉ là tăng thượng duyên.

Phật nói: Tì-khưu! Chỗ ở của Đại Phạm Vương có nhân, có duyên như vậy mà khởi được, thành được. Pháp xưa nay như vậy, do nhân duyên khởi. Chỗ ở của Phạm Vương này lớn như một tứ thiên hạ.

Lúc ấy Phạm Vương trong trung ấm, thấy chỗ này, khởi tâm yêu thích mong muốn: Ta nay sẽ ngồi trong đây. Ngay khi ái khởi liền thọ sinh trong đó. Ở một mình trong đó đủ mười tiểu kiếp, hỉ lạc làm món ăn, ý sinh hóa thân, tự nhiên quang minh, tự tại mà trụ.

Qua mười kiếp rồi, Phạm Vương khởi tâm thích muốn, khởi tâm bất an, nghĩ như thế này: Chỉ nguyện các chúng sinh khác đến ở cùng ta.

Lúc đó Phạm Vương nguyện như vậy rồi, chúng sinh của Nhị thiền hết nghiệp, xả thọ rồi, lùi lại mà thọ sinh, đồng loại với Phạm Vương. Các chúng sinh này thấy Đại Phạm Vương ấy xưa nay ở một mình, bèn chấp như thế này: Ta xưa sinh lên đã thấy người này đoan nhiên ở một mình, nay từ trên xuống, cũng thấy ở một mình với xưa không khác. Lại khởi chấp này: Người này là Phạm, người làm, người sinh ra, là đấng tôn thỉ đệ nhất, chúng sinh được tạo ra là do người này mà thành. Thần lực tự tại. Là Cha thứ nhất, bậc đã sinh, sẽ sinh. Chúng ta hôm nay từ đó mà sinh. Tại sao như thế? Ta từ xưa đến nay thấy vị ấy ở đây, một mình sinh ra trước hết.

Lúc đó Phạm Vương nghĩ thế này: Ta thấy Đại Phạm tác giả, sinh giả, là tôn thỉ nhất, chúng sinh được tạo ra là do ta mà thành, thần lực tự tại. Đã sinh, sẽ sinh ta đều là cha của họ. Tất cả thế gian đều do ta hóa sinh ra. Tại sao như vậy? Do ta ngày trước khởi tâm như thế này: Nguyện các chúng sinh khác lại ở cùng ta. Ứng với nguyện tâm của ta, liền sinh lại. Ta trước ở đây, thấy họ sinh lại.

Đại Phạm Vương này thọ mạng rất dài hơn so với các chúng sinh khác, hình sắc tối thắng, có danh xưng lớn, có thần thông lớn và uy đức lớn. Các Phạm Chúng khác thọ mạng ngắn hơn, hình sắc, danh xưng, thần lực, uy đức đều không sánh bằng. Đất nơi ở của Đại Phạm, tất cả Phạm Chúng lần lượt đầy khắp

Bản tính pháp như vậy, khi thế giới ứng khởi, nhân tứ đại của cõi Sắc và sắc được tạo bởi tứ đại, độc trụ Phạm Thiên cung điện và đất tự nhiên hiện khởi, thuần sắc trắng, vi tế tịnh khiết, quang minh đáng yêu, người xem không chán, chưa có người ở.

Những chúng sinh xưa đã tạo nghiệp, có thể chiêu cảm được chỗ ở thắng diệu đáng yêu. Nhân nghiệp xưa nên chiêu cảm bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại của cõi Sắc. Nhân nghiệp xưa và bốn đại của cõi sắc, cung điện liền thành. Tứ đại của cõi Sắc với cung điện này vừa là nhân, vừa là duyên, nghiệp đã được tạo xưa chỉ là tăng thượng duyên.

Phật nói: Tì-khưu, chỗ ở của Phạm Tiên Hành này có nhân có duyên mà được khởi, được thành. Pháp xưa nay vốn như thế, do nhân duyên mà khởi, chỗ ở của trời Phạm Tiên Hành, lần lượt tất cả các Phạm Tiên Hành thiên đầy khắp.

Tính pháp vốn như thế, khi thế giới ứng khởi, nhân bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại của cõi Dục, cung điện và chỗ ở của cõi trời Tha Hóa Tự Tại tự nhiên khởi hiện, được làm thành bởi bốn báu: Vàng, bạc, lưu ly và pha lê kha, tỏa sáng đáng yêu, người xem không chán, chưa có người ở.

Các chúng sinh này, xưa đã tạo nghiệp có thể chiêu cảm chỗ ở thắng diệu đáng yêu. Nhân nghiệp xưa nên có thể chiêu cảm bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại của cõi Dục. Lại, nhân nghiệp xưa và bốn đại cõi Dục nên cung điện liền thành. Bốn đại cõi Dục với cung điện này cũng nhân cũng duyên, nghiệp được tạo xưa chỉ là tăng thượng duyên.

Phật nói: Tì-khưu! Cung điện Tha Hóa Tự Tại có nhân có duyên như vậy mà được thành. Xưa nay pháp vốn như vậy, do nhân duyên mà khởi. Chỗ của Tha Hóa Tự Tại Thiên này, tất cả chư Thiên lần lượt đầy khắp.

Tính pháp vốn như vậy, khi thế giới ứng khởi, nhân bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại, cung điện và đất của Hóa Lạc thiên tự nhiên khởi hiện. Được làm thành bởi bốn báu: Vàng, bạc, lưu ly và pha lê kha, ánh sáng đáng yêu, người xem không chán, chưa có người ở.

Các chúng sinh này, xưa đã tạo nghiệp có thể chiêu cảm chỗ ở thắng diệu đáng yêu. Nhân nghiệp xưa nên có thể chiêu cảm bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại của cõi Dục. Lại nhân nghiệp xưa và bốn đại cõi Dục, cung điện liền thành. Bốn đại cõi Dục với cung điện này cũng nhân cũng duyên, nghiệp được tạo xưa chỉ là tăng thượng duyên.

Phật nói: Tì-khưu! Chỗ Hóa Lạc thiên có nhân có duyên như vậy mà khởi được, thành được. Xưa nay pháp vốn như vậy, do nhân duyên khởi chỗ ở của Hóa lạc thiên này. Tất cả chư Thiên lần lược biến mãn.

Tính pháp vốn như vậy, khi thế giới ứng khởi, nhân bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại, cung điện và chỗ ở của Đâu-Suất- Đà thiên tự nhiên khởi hiện; được làm thành bởi bốn báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê kha; ánh sáng đáng yêu, xem không chán, chưa có người ở.

Các chúng sinh này, xưa đã tạo nghiệp có thể chiêu cảm chỗ ở thắng diệu đáng yêu. Nhân nghiệp xưa nên có thể chiêu cảm bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại; lại nhân nghiệp xưa và bốn đại cõi Dục, cung điện liền thành. Bốn đại của cõi Dục với cung điện này cũng nhân cũng duyên, nghiệp được tạo xưa chỉ là duyên tăng thượng.

Phật nói: Tì-khưu! Cung điện và đất của Đâu-Suất-Đà thiên có nhân có duyên mà khởi được, thành được như vậy. Xưa nay pháp vốn như vậy, do nhân duyên khởi, chỗ ở của Đâu-Suất-Đà thiên này. Tất cả chư Thiên lần lượt đầy khắp.

Tính của pháp vốn như vậy, khi thế giới ứng khởi, nhân bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại của cõi Dục, cung điện Dạ-Ma thiên và chỗ ở trời tự nhiên khởi hiện; được làm thành bởi bốn báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê kha; ánh sáng đáng yêu, nhìn không chán, chưa có người ở.

Các chúng sinh này, xưa đã tạo nghiệp có thể chiêu cảm chỗ ở thắng diệu đáng yêu. Nhân nghiệp xưa nên có thể chiêu cảm bốn đại và sắc được tạo bởi bốn đại; lại nhân nghiệp xưa và bốn đại cõi Dục, cung điện liền thành. Bốn đại cõi Dục với cung điện này cũng nhân cũng duyên, nghiệp được tạo xưa chỉ là duyên tăng thượng.

Phật nói: Tì-khưu! Chỗ Dạ-Ma thiên có nhân, có duyên như vậy mà khởi được, thành được. Pháp xưa nay vốn như vậy, do nhân duyên khởi. Chỗ ở của trời Dạ-Ma này, tất cả chư Thiên lần lượt đầy khắp.

Lúc ấy Dạ-Ma thiên nhớ lại thế giới thời xưa, như người nhớ sự việc trong mộng, như đắc thần thông nhớ sự việc thời xưa, Dạ-Ma thiên này nhớ thế giới xưa cũng lại như thế.

Lúc ấy chư Thiên nghĩ thế này: Ta nay nên đến xem hạ giới kia. Nghĩ như thế rồi, cùng nói với nhau rằng: Chúng ta cùng đi xem xứ sở kia. Các vị trời khác đáp: Tôi nay cùng đi.

Lúc ấy mỗi người kết bạn lữ đầy khắp mà đi. Hoặc nói thế này: Ngày xưa chỗ này có núi chúa Tu-Di, trong chỗ này là thiên thành Thiện Kiến, chỗ này là ao báu Nan-Đà, chỗ này là vườn báu Nan-Đà, chỗ này là ao Chất-Đa-La và vườn Chất-Đa-La Chúng Xa, chỗ này là ao Ác Khẩu và vườn Ác Khẩu, chỗ này là ao Tạp Hoa và vườn Tạp Hoa, chỗ này là Ba-La cảnh giới Chất-Đa-La sâu bốn ức tám vạn do-tuần, rộng mười hai ức ba nghìn bốn trăm năm mươi do-tuần, chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần, là lượng cùng cực, không lớn hơn.

Trên thủy luân này có địa giới gọi là Đại Vị. Kiếp sơ chiêu cảm mà khởi, ngày đêm thêm dày và cứng một chút, ví như khi nấu sữa mà ngưng lạnh, lớp váng phủ dày che bên trên. Địa giới Đại Vị lúc bắt đầu khởi cũng lại như vậy. Địa đại giới này luôn luôn tăng trưởng, cho đến mãi mãi đầy đủ , đều trọn rốt ráo. Dày hai ức bốn vạn do-tuần, rộng mười hai ức ba nghìn do-tuần. Đây là lượng trụ cùng cực, không dài hơn.

Phía dưới của đất này một ức sáu vạn đều được làm thành bởi chân kim. Tám vạn còn lại phía trên được bảy giới: Vàng, bạc, đồng, thiếc...pha trộn làm thành.

Lúc ấy địa giới mềm mại tùy theo sự, ví như bùn ẩm, sinh tô, bột mịn, mềm mại tùy sự cũng thế.

Chính giữa của địa luân này, vì nghiệp duyên tăng thượng của chúng sinh, nên bốn phía gió thổi đào thành biển ở trong, khởi núi Tu-Di. Có gió chuyển đất, có gió tụ thành, có gió phương chính làm hình núi Tu-Di. Có phong khởi bốn đỉnh núi Tu-Di, đào hào của thành Thiện Kiến, mở thành Thiện Kiến, đào thành ao Nan-Đà, làm vườn Nan-Đà, ao Chất-Đa-La, vườn Chất-Đa-La, vườn ao Chúng Xa, vườn Ác Khẩu, ao Ác Khẩu, ao Tạp Hoa, cây Ba-Lợi Chất-Đa-La và vườn Câu-Tì-La, biển Do-Càn-Đà, núi Do-Càn-Đà, biển Y-Sa-Đà, núi biển Khư-La-Tì, núi biển Thiện Kiến, núi biển Mã nhĩ, núi biển Tì-Na-Đa, núi biển Ni-Dân-Đà và trung gian bốn châu thiên hạ. Đất đào thành châu, biển khởi Thiết Vi sơn. Cây Như Thị và vườn Câu-Tì-La-La. Trong đây xưa có đá Bàn-Trụ-Kiếm-Bà-La-Bảo. Trong đây xưa có Thiện Pháp Đường. Trong đây thời xưa có nội đại hải. Trong đây có núi Du-Càn-Đà và biển Du-Càn-Đà. Trong đây có núi Y-Sa-Đà và biển Y-Sa-Đà. Trong đây có núi Khư-La-Để và biển Khư-La-Để. Trong đây có núi Thiện Kiến và biển Thiện Kiến, có núi Mã Nhĩ và biển Mã Nhĩ. Trong đây có núi Tì-Na-Đa và biển Tì-Na-Đa. Trong đây có núi Ni-Dân-Đà và biển Ni-Dân-Đà. Trong đây có bốn thiên hạ, các châu trung gian và biển lớn bên ngoài. Trong đó có núi Câu-Kha-Bà-La.

Dạ-Ma thiên này thân hình lớn nhất, phi hành nhanh chóng. Do vì phi hành nhanh chóng nên kích động phong luân khởi. Do phong luân này là căn bản của phong luân Na-La-Diên. Phong này luôn luôn khởi trưởng cho đến mãi mãi đầy đủ , tất cả cứu cánh, sâu chín ức sáu vạn do-tuần, rộng mười hai ức ba nghìn bốn trăm năm mươi do-tuần, chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần, lượng này là cuối cùng, trụ mà không lớn hơn.

Gió này cứng mạnh, vật chẳng thể lọt vào. Nếu ai có lực Na-La-Diên, cầm gậy kim cương ngăn phong luân này thì gậy trở lại tự gẫy nát mà phong luân không tổn hại. Tiếp đó, không trung ở phía trên của phong luân mưa, giọt lớn như nhà lầu lớn, hoặc như trục xe hoặc như bánh xe, ngày đêm chẳng dứt giống như thác đổ vô số nghìn năm. Thủy giới này tụ chu viên. Có gió gọi là Nhiếp Trì, ngày đêm hằng khởi trưởng, khiến cho nước chẳng tán. Thủy giới luôn luôn nổi lên cho đến mãi mãi đầy đủ, đều được cứu cánh. Khởi thành thế giới là được chiêu cảm bởi nghiệp xưa, được làm thành bởi lực của gió. Lại có gió khác quay tròn mà khởi thành.

Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-Bà-Đề lại có gió khác, mà thành bốn phương bốn góc. Bắc Uất-Đan-Việt lại có gió khác, mà thành như bán tì-bà. Nam Diêm-Phù-Đề, nếu gió thành núi, lần lượt chính thượng thì núi ắt có đỉnh, nếu gió khi khởi hoặc chính giữa hoặc bên cạnh thì hình tướng núi được thành sẽ hoặc bằng phẳng hoặc cao vút. Lại có gió thổi mà một bên thì nhanh một bên chậm, hình tướng núi được thành sẽ một bên lõm một bên bằng phẳng. Nếu khi gió nổi âm thanh thâm nhập, lại trở ra thì thế núi được hình thành sẽ có cao ngút và có hang động. Nếu tướng của gió lùa sâu xuống dưới không có trở ra thì trong núi ắt rỗng.

Do gió này nên đất được khởi thành của bốn châu thiên hạ hoặc thấp hoặc cao, có chỗ hiển hiện cao tám vạn do-tuần, có chỗ rất thấp, sâu bốn vạn do-tuần. Lại có nơi khác cao bốn vạn do-tuần, sâu hai vạn do-tuần. Lại có nơi khác cao hai vạn do-tuần, sâu một vạn do-tuần. Lại có nơi khác cao một vạn do-tuần, sâu năm nghìn do-tuần. Lại có nơi khác cao năm nghìn do-tuần, sâu hai nghìn năm trăm do-tuần. Lại có nơi khác cao hai nghìn năm trăm do-tuần, sâu một nghìn hai trăm năm mươi do-tuần. Hoặc lại có nơi cao một nghìn hai trăm năm mươi do-tuần, sâu sáu trăm hai mươi lăm do-tuần. Hoặc lại cao sáu trăm hai mươi lăm do-tuần, sâu ba trăm mười hai do-tuần rưỡi. Do nhân duyên này tất cả khí thế giới khởi tác đã thành.

Lúc này hai loại giới nổi lên tăng trưởng, là địa và hỏa. Mưa và gió nổi lên thổi lửa bốc lên luyện địa giới. Phong giới luôn luôn khởi thổi tất cả vật khiến cho thành cứng thật. Đã cứng thật rồi thời các chủng loại báu xuất hiện. Khi đã hiển hiện rồi, trời đổ mưa ngọt, giọt lớn như lầu, dần dần nhỏ như bánh xe, cho đến như trục xe, hoặc như suối vọt vô số nghìn năm, đầy khắp các hào của thành Thiện Kiến và ao Nan-Đà, ao Chúng Xa, ao Ác Khẩu, ao Tạp Hoa, Biển lớn bên trong, biển Do-Càn-Đà, biển Khư-Sa-Đà, biển Khư-La-Để, biển Thiện Kiến, biển Mã Nhĩ, biển Tì-Na-Đa, biển Ni-Dân-Đà, đất các châu trung gian của bốn thiên hạ, biển lớn bên ngoài. Do nhân duyên này nước của tất cả thế giới đều đầy khắp.

Ở nơi cõi trời Đao-Lợi và cõi trời Tứ Thiên Vương xả báo trên trời sẽ thọ sinh trong đây. Lại có chư Thiên thọ mạng và phúc đức hết, từ trên trời đọa xuống bốn thiên hạ, thọ sinh trong nhân đạo.

Lúc đó con người lấy hỉ lạc làm món ăn, nương hỉ lạc mà trụ. Ý sinh hóa thân ánh sáng an lạc, chưa có ngày và đêm, chưa phân biệt năm tháng và bốn mùa tám tiết. Không có sự khác nhau của nam, nữ, cũng không có cha mẹ, anh em, chị em, chồng vợ, con cái, không người hầu, chẳng chủ, luôn luôn thọ dụng tự tại an lạc. Chưa có họ và tên chúng sinh.

Lúc ấy thủy giới giảm đi một chút, dòng chảy xuống chỗ thấp. Lúc ấy biển lớn làm tăng, làm giảm mở đường nguồn sông. Ở chỗ nước giảm có đất mỡ xuất hiện rất ngon rất ngọt sinh trưởng che phủ trên đất, sắc hương vị xúc đáng yêu đầy đủ, như mật ong tinh tế không đắng, chẳng chua cay, vị ngon của đất mỡ cũng lại như vậy.

Lúc ấy hương của vị ngon sung mãn, thời có một người ngửi mùi hương này, khởi tâm tham trước. Khởi tâm muốn rồi, lấy ngón tay quệt đại vị mà ngửi và thưởng thức. Biết ngon ngọt như mật ong tinh tế mà ăn. Người khác thấy người này ăn ngon không chán, cùng chuyền nhau ăn.

Lúc ấy mọi người ăn vị của đất rồi, thân cứng nặng thêm một chút. Từ đó trở đi không thể phi hành trong không trung như trước. Lúc ấy ánh sáng đáng yêu của thân bị mất, tối đen sinh trở lại.

Pháp xưa nay vốn như vậy. Khi bốn thiên hạ bị đen tối che phủ, hai vầng mặt trời, mặt trăng xuất hiện nơi thế gian. Mặt trời mặt trăng xuất hiện rồi, tiếp theo các sao hiện. Tinh tú. Tinh tú hiện rồi, có phân ngày đêm. Phân ngày đêm rồi, nửa tháng, một tháng làm thời gian hiển hiện. Nửa tháng, một tháng đã hiển hiện rồi, bốn mùa tám tiết và năm đều đầy đủ.

Nhiều thời gian như vậy thế gian khởi thành, nhiều thời gian như vậy -sáu mươi tiểu kiếp rốt ráo đã qua. Lúc đó chúng sinh ăn vị của đất này, nương vị của đất mà trụ rất lâu thời tiết. Trong đó những chúng sinh ăn nhiều vị đất hơn thì hình dung xấu xí hơn, ít uy đức và thần lực tự tại. Do nhân duyên này, tất cả chúng sinh sắc hình kém hơn. Do sự kém hơn này mà sinh tâm hơn kém. Do tâm hơn kém ấy mà nói thế này: Ta nay hơn ngươi, ngươi chẳng bằng ta. Lúc ấy pháp ác bắt đầu đi trong thế gian. Do vì tâm hơn kém nên sắc hương vị của đất bị mất đi. Lúc ấy mọi người hoà hợp tụ tập, ưu não khốn khổ, khóc than lớn tiếng: Than ôi! ác pháp đã xuất hiện nơi thế gian. Do sắc hình nên kiêu mạn hủy nhục người khác. Do ác pháp này mà mất đi sắc hương bất khả tư nghì của vị ngon thù thắng của chúng ta.

Khi ấy mọi người ăn vị ngon khác, nghĩ và nói thế này: Than ôi! Tợ như vị của đất mà ta ăn hồi trước. Tìm nhớ bi não. Câu này đến nay đều đã quên mất, không ai còn nhớ nguồn gốc lời nói ấy.

Vị ấy mất rồi, lại có vị khác gọi là Bạch Địa Bì. Sắc, hương, xúc, vị trọn đều ngon đẹp như mật ong tinh khiết. Lúc ấy con người trọn đều lại mà ăn. Nương vào ăn uống mà trụ được lâu dài. Trong đó những ai vì vị của món ăn nên ăn nhiều Địa Bì, thời hình dung thô xấu, uy đức mong manh và ít thần thông. Trong đó những chúng sinh nào ăn ít vị, thời hình sắc đáng yêu, thân có uy đức, lực thần thông tự tại. Do nhân duyên này nên tất cả chúng sinh có sắc hình hơn kém. Nhân vì sự hơn kém này mà sinh tâm hơn thua. Do tâm hơn thua này nên nói như thế này: Ta nay hơn ngươi, ngươi chẳng bằng ta. Do pháp ác này tiếp tục đi trong thế gian, vì so đo hơn thua nên sắc, hương của Địa Bì từ đó mà mất.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Học đạo trong đời


Gõ cửa thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.186.233 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập