Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.72 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.9 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Như Điển

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM THỨ NĂM: VOI CHÚA LẬU-XÀ-KỲ-LỢI

Núi Châu-La-Ca-La cao một già-phù-đa rưỡi, rộng cũng như thế, khoảng giữa cũng như vậy. Núi Ha-Ca-La cao ba già-phù-đa, rộng cũng như thế, khoảng giữa cũng như vậy. Núi Cù-Ha-Na cao một do-tuần rưỡi, chiều rộng và khoảng giữa cũng lại như thế. Núi Tu-La Bà-Ha cao ba do-tuần, chiều rộng và khoảng giữa cũng lại như vậy. Núi Kê-La-Bà cao sáu do-tuần, chiều rộng và khoảng giữa cũng lại như thế. Núi Càn-Đà-Ma-Đà cao mười hai do-tuần, chiều rộng và khoảng giữa cũng lại như vậy. Núi Tu-Bàn-Na-Bàn-Bà cao hai mươi tư do-tuần, chiều rộng và khoảng giữa cũng lại như thế.

Núi Tu-Bàn-Na-Bàn-Bà vào lúc trăng Thu, trời trong không mưa, phóng ánh sáng mạnh nhất. Lại có những người ở gần núi tuyết, vào tháng Tư khi trăng lên ngang trời, mở địa hội, gọi nhau đến xem trên trời. Đến đỉnh núi Ma-Ha-Ca-La, ngước xem mặt Bắc, xa thấy núi kia ánh sáng chiếu rực rỡ. Nhân đó nói với nhau rằng: núi Tu-Di này, nay tôi đã thấy trên trời.

Bên phía Bắc của núi Tu-Bàn-Na-Bàn-Bà này có một chỗ hơn hết, lại có ao lớn tên là Mạn-Đà-Cơ-Ni, dài năm mươi do-tuần, rộng mười do-tuần, nước lạnh tinh khiết, ngọt và nhẹ mềm, trong đó đầy đủ cọng và rễ sen. Đáy và bờ ao đều dùng bốn báu: Bạch ngân, hoàng kim, thủy tinh, lưu ly làm gạch; tạo lũy quanh ao, ngoài cùng là ngân, lần lượt nhiễu vòng, chỗ nước trong nhất cùng sắc với báu.

Bốn bên ao này có bốn thềm đường thông đến đáy nước, đều bằng bốn báu làm thành. Góc phía Đông, Nam thẳng đến núi. Núi ấy có hang tên là Nan-Đà, dài năm mươi do-tuần, rộng mười do-tuần. Hang ấy đều bằng lưu ly láng phẳng đáng yêu, có đủ loại tướng mạo không giống nhau tự nhiên chạm vẽ, màu sắc các báu như trong cung điện, như thảm thêu phương Bắc, người, thú, cỏ cây chẳng có gì không trọn đủ, sắc thái của hang này cũng lại như thế. Như khuyên châu báu trang nghiêm trên tai người, nơi đây cũng lại như vậy. Tất cả lưu ly láng phẳng đáng yêu, đủ loại sắc báu, nếu dẫm chân lên tức liền ngập lún, nếu khi nhấc chân lại hoàn như cũ. Như tụ gấm vi diệu và đâu-la-miên, đất ấy mềm mại cũng lại như thế. Hang Nan-Đà này, khi dẫm thì lún , khi nhấc chân lên bèn nổi; trong đó các điện, đường không phải là một, hoặc có nhà bằng vàng, hoặc có nhà bằng bạc, lưu ly, pha lê cũng lại như thế; hoặc bốn báu hợp thành. Các điện đường này đều là nơi ở của tượng vương.

Khoảng giữa của hang và ao có một chỗ hơn hết, có ẩn một cây chúa Cù-Đề tên là Thiện Lập, gốc rễ, thân, cành đều đầy đủ, hình tướng đáng yêu, lá dày che kín lâu ngày không rụng, mưa gió không xâm nhập được. Như vòng hoa trang sức tinh xảo của thế gian và khuyên tai bằng các báu, cũng như tán lọng trên dưới trùm nhau, hình tướng của cây cũng lại như vậy, cao một do-tuần, hoa cành như cây trụ số đến tám nghìn, phía dưới đều vào lòng đất, nên gọi là Thiện Lập.

Góc Tây-Nam của ao có chỗ tối thắng, có cây chúa Bà-La, tên là Thiện Kiến. Rễ, cành, tán nhánh đều đầy đủ, hình tướng đáng yêu, lá dày che kín lâu ngày không rụng, mưa gió không xâm nhập được. Như thế gian trang sức vòng hoa tinh xảo và khuyên tai bằng các báu, cũng như tán lọng trên dưới phủ nhau, hình tướng cây ấy cũng lại như thế. Cao một do-tuần, thân dưới lớn thẳng, một nửa do-tuần mới có cành lá. Lượng thân cây này: đường kính năm tầm, chu vi mười lăm tầm, cành tỏa bốn phía, mỗi cành nửa do-tuần. Lại, bên ngoài cây này có rừng cây Bà-La cao thấp lần lượt nhiễu quanh bảy vòng, cành lá che nhau, bên ngoài nhìn như một. Lớp trong cùng chu vi mười ba tầm, lần lượt như thế mà giảm mỗi vòng một tầm, vòng ngoài cùng bảy tầm; vòng cây trong cao nhất, tiếp theo ra phía ngoài thấp. Hình tướng cây ấy đầy đủ rễ, thân , cành nhánh. Hình trạng đáng yêu, lá dày che kín, lâu ngày không rụng, gió mưa không lọt vào. Như vòng hoa trang sức tinh xảo và khuyên tai bằng các báu của thế gian, cũng như tàn lọng cao thấp phủ nhau; hình tướng cây này cũng lại như thế.

Lá héo cành khô nếu khi rơi rụng, cây đã được che kín nên theo dòng mà rụng ra ngoài rừng. Phía bên ngoài rừng ấy bốn mặt mở ra tợ như cửa nhà. Đất dưới cây được phủ bằng cát vàng, nước thơm rưới vẫy, đốt các danh hương, rải các tạp hoa, treo các y báu. Ở dưới cây là hoa Bà-la và các tạp hoa che phủ trên đất. Cực đáng yêu thích.

Đây là nơi voi chúa Lâu-Xà-Kỳ-Lợi ở, thân voi trắng sạch, bảy chi trụ trên đất, đầy đủ sáu ngà, tùy ý biến hóa, có thần thông lớn, có oai đức lớn. Mỗi một loại có tám nghìn voi: Loại thứ nhất là Bạch trì tượng, loại tiếp theo là Bạch tự tượng, thứ ba Hoàng trì tượng, thứ tư Hoàng tự tượng, thứ năm Xích trì tượng, thứ sáu Xích tự tượng, thứ bảy Thanh trì tượng, thứ tám Thanh tự tượng. Ngoài ra Hắc trì và Hắc tự tượng không ở trong tròn số.

Như thế, khi voi chúa muốn đến ao Mạn-Đà-Cơ-Ni để tự tắm rửa thì Hắc tượng bên ngoài bèn cùng tề tựu đến để phòng giữ đường đến bãi tắm. Khi đã phòng hộ rồi, lúc ấy voi chúa với đàn voi vây quanh đi đến ao. Bạch tự tượng vây quanh voi chúa, vào ao tắm rửa, lấy nước ao mà cọ rửa thân vua, hoặc lại rửa mặt, hoặc lại rửa tai, khắp các phần thân trọn đều như thế.

Khi voi chúa tắm, các voi này hái các tạp hoa để làm vòng hoa dâng lên cho vua, hoặc làm vòng khuyên tai, hoặc làm anh lạc, đủ loại trang sức khác nhau mà trang nghiêm thân vua.

Tắm rửa xong, từ ao lên bờ, đến dưới cây Nặc-Cù-Đề phơi thân cho khô. Nơi đây quá khứ, có một thợ săn đã bắn chết voi chúa, nhân thế mà trong đây sẽ nói rộng về kinh Bồ-Tát Bản Sinh.

Lúc ấy đàn voi, tùy theo thứ tự màu sắc, đều vào ao tắm. Đã tắm xong rồi, đến dưới cây nhiễu quanh voi chúa. Hắc tượng thì vào ao tắm sau cùng, chọn lấy ngó sen, cạo rửa cho sạch, trở lại đến dưới cây; Hắc tượng đưa cho Hắc tự tượng, Hắc tự tượng đưa cho Thanh trì tượng, Thanh trì tượng đưa cho Thanh tồn tượng, Thanh tồn tượng đưa cho Xích trì tượng, Xích trì tượng đưa cho Xích tự tượng, Xích tự tượng đưa cho Hoàng trì tượng, Hoàng trì tượng đưa cho Hoàng tự tượng, Hoàng tự tượng đưa cho Bạch trì tượng, Bạch trì tượng đưa cho Bạch tự tượng, Bạch tự tượng đưa cho Đại tượng vương, khiến tượng vương ăn. Tượng vương ăn rồi, lấy ngó sen dư, trở lại theo thứ tự chia cho đàn voi, chỉ trừ Hắc tượng; nếu ăn không đủ, lại sai Hắc tượng đến ao hái thêm, khiến cho đầy đủ; Hắc tượng này chỉ ăn ở trong ao.

Các loại voi này, ăn ngó sen này rồi, thành bảy phần thân; nếu ăn cỏ cây, các loài lá cây thì ắt thành phân tiểu; các loài voi này nếu thải phân tiểu thì trọn đều như Hắc tượng trừ khi đã loại bỏ thức ăn đi rồi.

Bạch tượng vương này vào tháng Tư thì ở hang Nan-Đà, tám tháng mùa Đông và Xuân thì ở dưới cây Bà-La vương Thiện Kiến. Lại nữa, Tượng vương cũng thường ở hang Nan-Đà, ngày thì chuyển mà trụ ở dưới cây Bà-La chúa Thiện kiến, khi đã tắm và ăn xong thì đều ở dưới cây Nặc-Cù-Đề. Làm sao biết thế?

Thời xưa, Tịnh Mạng Đại Trí Xá-Lợi-Phất thân mang bệnh phong, thầy thuốc nói rằng: Đại Đức, ngó sen có thể trị bệnh này. Lúc ấy có Tịnh Mạng thần thông Mục-Liên, khi trước đã thấy ngó sen ấy, vị Đại Đức này bèn nói như vầy: Tôi đến lấy ngó sen ấy mang lại. Như thế, Mục-Liên liền dùng thần thông đến ven núi Kim, nghĩ như thế này: Voi chúa này có thần thông lớn, có oai đức lớn, có tâm kiêu mạn, cho nên quyết định khiến voi chúa kinh sợ. Bèn biến thành voi, thân cao vót dài. Mục-Liên hóa thân làm voi lớn gấp hai lần so với voi chúa kia, lại còn hóa làm các voi quyến thuộc, thân hình, số đầu cũng lớn gấp hai, đầy đủ vây quanh, ngay trước voi chúa kia, từ trên không bay xuống.

Lúc ấy voi chúa thấy sự ấy rồi, tâm kinh sợ, lông trên thân dựng đứng, nghĩ như thế này: Có voi chúa khác từ nơi khác lại, thần thông, oai đức, thân hình, số đầu trọn đều hơn ta, nay sẽ tranh ta mà cướp chỗ ở này.

Lúc ấy, Tịnh Mạng Đại Mục-Kiền-Liên biết voi chúa kinh sợ khi thấy tướng lạ, bèn bỏ sự việc biến hóa được hiện bởi thần thông, ở chỗ khác kiết-già mà ngồi. Bạch tượng vương ấy thấy sự này rồi, nghĩ thế này: Không phải Tượng vương khác, là đại Tì-khưu .

Lúc ấy, Tượng vương tự hoá thân làm đồng tử cõi trời, dùng vàng, bạc trời trang nghiêm tay và cánh tay, khuyên tai cõi trời, các báu, lưu ly trang nghiêm thân mình.

Lúc bấy giờ, khi Mục-Kiền-Liên nghiêm thân ngồi niệm, đồng tử cõi trời mặc niệm, chắp tay, năm vóc sát đất kính lễ Đại đức.

Khi ấy Mục-Liên nói với Tượng vương rằng: Tượng vương trưởng lão, thần thông của ông oai đức khó sánh. Tượng vương đáp rằng: Đại đức, tôi là súc sinh, có thần lực gì, có oai đức gì! Thánh Sư lại đây muốn như thế nào?

Mục-Liên đáp: Ta muốn được ngó sen này.

Lúc ấy tượng vương liền sai Hắc tượng: Ngươi đi lấy ngó sen Như ý cho Đại đức. Khi ấy, Hắc tượng bèn vào trong ao, lấy ngó sen, rửa sạch, khiến một voi vác mang trên lưng, theo Đại Mục-Kiền-Liên bay lên hư không mà đi.

Mục-Kiền-Liên đến rồi, thời các Tì-khưu bèn thọ ngó sen này.Từ xưa đến nay nơi này gọi là Tượng Hạ Chi Đề, lại còn gọi là Tống Ngó Chi đề, cũng còn gọi là Thọ Ngó Chi Đề.

Đại đức Xá-Lợi-Phất ăn ngó sen này rồi, bệnh liền tiêu trừ. Khi Xá-Lợi-Phất qua khỏi bệnh rồi, cho đến khi nhập niết-bàn, thân không có bệnh khổ. Các Tì-khưu đều ăn ngó sen này. Ngó sen như thế, hình dung đáng yêu, vị nhựa đậm đà ngọt ngào, không cay, không đắng, như mật ong tinh tế; vuông ,tròn, dài, ngắn cao rộng một xích, mỗi mỗi đều như vậy. Ở mỗi loại như thế đều đầy đủ cả. Có Tì-khưu khác, dùng thần thông đến bên kim sơn kia, thấy việc như thế, trở lại đây mà nói lại.

Lúc ấy Thế Tôn, vì các Tì-khưu nói nhân duyên này, cho nên được biết những sự như vậy.

PHẨM THỨ SÁU: BỐN THIÊN HẠ

Lúc bấy giờ Phật nói rằng, thiên hạ có bốn: Một là Diêm-Phù-Đề, hai là Tây Cù-Da-Ni, ba là Đông Phất-Vu-Đãi, bốn là Bắc Uất-Đan-Việt. Lúc ấy, Tì-khưu bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Đất của Diêm-Phù-Đề bao lớn?

Phật bảo Tì-khưu: Diêm-Phù-Đề lớn, biên phía Đông hai nghìn do-tuần, hai biên Tây và Bắc, mỗi biên cũng hai nghìn do tuần, biên phía Nam chỉ ba do-tuần, chu vi sáu nghìn lẻ ba do-tuần, hình giống như xe. Tất cả chúng sinh mà sinh ở đất này thì mặt cũng tợ như hình đất. Diêm-Phù-Đề có sông, núi, trong khoảng giữa của sông và núi có các nước.

Khi ấy, Tì-khưu thưa với Phật rằng: Hình thế của Tây Cù-Dà-Ni bao lớn?

Phật bảo Tì-khưu: Tây Cù-Dà-Ni lớn, rộng hai nghìn ba trăm ba mươi ba do-tuần, lại thêm một phần ba do-tuần. Chu vi bảy nghìn do-tuần, hình thế tròn đầy, không có núi mà có sông, trong khoảng sông ấy lập các quốc gia. Người dân giàu có vui vẻ, không có trộm cướp, trọn đều hiền thiện khắp đầy trong nước.

Lúc ấy Tì-khưu lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Địa hình của Đông Phất-Tì-Đề bao lớn?

Phật bảo Tì-khưu: Đông Phất-Tì-Đề lớn, rộng hai nghìn ba trăm ba mươi ba do-tuần, lại thêm một phần ba do-tuần; chu vi bảy nghìn do-tuần, hình đất tròn đầy giống như trăng tròn, có nhiều núi, chỉ có một sông, trong khoảng sông này an lập các quốc gia. Người dân giàu có, vui vẻ không có trộm cướp, phần nhiều đều hiền thiện sống đầy trong nước. Tất cả các núi đều là vàng và các báu, dụng cụ làm ruộng và các vật đều là vàng thật. Một sông kia tên là Tát-Xà, bờ bến của sông đều đáng yêu. Tịnh Mạng Tân-Đầu-Lô ở bên bờ sông mà lập Tăng-già-lam. Làm sao biết được các sự như thế?

Thời xưa, nước Ba-La-Nại có một Tì-khưu và một Sa-di đều đủ thần thông, từ Ba-La-Nại đến Đông Tì-Đề. Khi xuống, Sa-di này lấy một hòn đá để mài kim, bèn lấy hòn đá ấy trở lại Ba-La-Nại, để ở trong chùa, ngay trong đêm ấy phóng ánh sáng lớn.

Lúc ấy, Tì-khưu hỏi Sa-di rằng: Ông lấy vật ấy đem về đây chăng? – Bạch Đại đức, con đem hòn đá ấy trở lại trong đây, muốn dùng để mài dao, kim ...

Tì-khưu liền bảo Sa-di rằng: Ông lấy hòn đá ấy đưa trở về nước kia.

Lúc đó, Sa-di theo lời Tì-khưu, liền nâng hòn đá mà ném vào trong nước sông của nước Ba-La-Nại. Khi ấy sông này phóng ánh sáng lớn, tất cả rùa, cá các loài sống trong nước khắp đều hiện ra. Người dân trong nước tranh nhau đến xem, đầy cả các ngã đường, bến sông, vô phục môn hộ , đều cho rằng là rồng hiện thần thông lớn.

Lúc ấy, Tì-khưu và Sa-di này vào buổi sớm, ôm bát vào thành khất thực. Thấy dân chúng này vô lượng vô số tụ tập bên sông, cửa thành ách tắc, đi lại khó thông, mới hỏi Sa-di rằng: Lúc trước ông để hòn đá ấy ở đâu?

Sa-di đáp rằng: Bạch Đại đức, con lấy hòn đá ấy, thả xuống chỗ sông sâu.

Tì-khưu nói với Sa-di: Ông lấy hòn đá này, đưa trở lại chỗ cũ.

Sa-di liền theo lời ấy, ở trước những người xem, vào chỗ nước sông sâu, thân và áo không ướt, vọt lên không trung bay như chim mà đi, đưa lại chỗ cũ. Lúc ấy các Tì-khưu đi lại trong nước ấy, số nhiều vô lượng, đều nói như thế. Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tì-khưu mà nói nhân duyên này, cho nên được biết.

Lúc bấy giờ Tì-khưu bạch Phật rằng: Thế Tôn! Bắc Uất-Đan-Việt cõi nước lớn chăng?

Phật bảo Tì-khưu: Bắc Uất-Đan-Việt lớn, biên giới phía Đông dài hai nghìn do-tuần, phía Tây hai nghìn do-tuần, phía Nam và Bắc cũng như thế, chu vi bốn mặt là tám nghìn do-tuần. Thành được vây quanh bởi Kim Sơn, vàng ròng làm đất, ngày đêm thường sáng.

Đất của Uất-Đan-Việt có bốn loại đức: Một là bằng phẳng, hai là tịch tĩnh, ba là tinh khiết, bốn là không có gai góc.

Nói bình đẳng là: Trong cõi nước ấy không có hầm hố cũng không có sống trong hang , lại không có cao thấp, cũng không bùn trơn, cho nên gọi là bình đẳng.

Tịch tĩnh là: Trong cõi nước ấy không có sư tử, hổ, báo, gấu, rắn độc, ong, bọ cạp có thể hại người, cho nên gọi là tịch tĩnh.

Tinh khiết là: Trong cõi nước ấy không có xác người, xác rắn, xác chó...các vật bất tịnh. Nếu người dân đại tiểu tiện thì đất nứt ra mà nhận lấy, nhận rồi khép lại, cho nên gọi là tinh khiết.

Không có gai góc là: Trong cõi nước ấy không có cây gai nhọn, không có cây có mùi hôi thối, cho nên gọi là không có gai góc.

Trong cõi ấy có loại cỏ tên là Xa-Tì, màu cám thanh, hình rất đáng yêu như màu cổ chim khổng tước, chạm vào mềm mại như áo Ca-chân-lân. Áo Ca-chân-lân không thể bị ố nhiễm, mùa Hè thì mát, mùa Đông thì ấm. Lại như áo A-thời-na, đốt mà không cháy, chạm vào cỏ này cũng lại như thế. Cỏ Xa-Tì này che khắp mặt đất, bốn mùa không rụng trống, chỉ dài bốn thốn tay.

Các sông cõi ấy, nước có tám công đức, bến bờ và đáy sông đều trải cát vàng, nước sông thường chảy không có tăng giảm, đê vàng vững chắc không có sụt lở. Phật nói như vậy.

Lúc ấy, Phật bảo Tì-khưu: Chim Ca-lâu-la ở cả bốn châu. Khoảng giữa hai châu Đông Phất-Bà-Đề và Diêm-Phù-Đề có châu Ca-Lâu-La; khoảng giữa hai châu Nam Diêm-Phù-Đề và Tây Cù-Da-Ni có châu Ca-Lâu-La; khoảng giữa hai châu Tây Cù-Da-Ni và Uất-Đan-Việt có châu Ca-Lâu-La; khoảng giữa hai châu Bắc Uất-Đan-Việt và Đông Phất-Tì-Đề có châu Ca-Lâu-La. Điểu châu này tròn một nghìn do-tuần, hình tròn trịa; tất cả đều là sâu dày cây cối, chim Ca-Lâu-La ở trong rừng.

Bên ngoài châu, dưới nước đều là chỗ ở của rồng; rồng ở chỗ này cũng giống như chỗ để dành đồ uống ăn của chim kia, nếu đói liền bắt. Chim Ca-Lâu-La có bốn loại: Một là hóa sinh, hai là thấp sinh, ba là noãn sinh, bốn là thai sinh. Tất cả rồng cũng bốn loại sinh. Ca-Lâu-La hóa sinh có thể ăn cả bốn loại rồng; Ca-Lâu-La thấp sinh thì trừ loài rồng hóa sinh ra, có thể ăn ba loại; Ca-Lâu-La noãn sinh ăn hai loại rồng sau; Ca-Lâu-La thai sinh ăn một loại sau.

Khi chim ấy ăn, hai cánh quạt nước, nước rẽ ra năm mươi do-tuần, nhân đó bắt lấy rồng, trở lại trên cây mà ăn. Chim ăn sót lại giống như xương ngổn ngang trên đất, cho nên bốn châu thường có mùi hôi thối.

Khoảng giữa hai châu Đông Phất-Tì-Đề và Nam Diêm-Phù-Đề, trong châu chỗ ở của chim Ca-Lâu-La tên là Khúc Thâm Phù lưu, gốc rễ cành nhánh đều đầy đủ, hình tướng đáng yêu, lá dày che kín lâu ngày không rụng trống, gió mưa không lọt vào. Như vòng hoa trang sức và khuyên tai bằng các báu tinh xảo của thế gian, cũng như tàn lọng lần lượt che phủ, hình tướng của cây này cũng đáng yêu như thế. Cao một trăm do-tuần, thân lớn thẳng, năm mươi do tuần mới có tán cây; tán cây bốn phía, đường kính một trăm do-tuần. Dưới gốc cây này, đường kính năm do-tuần, chu vi năm mươi do-tuần. Ca-Lâu-La chúa tên là Bì-Na-Để-Da ở trên cây này.

Đại Long vương tên là Ma-Na-Tư, khi muốn đùa cùng chim chúa thì nổi lên hiện ra. Lúc ấy chim chúa bắt lấy rồng này để trên cành cây. Nhưng rồng chúa ấy tự tính vốn lớn, bèn lại biến hóa có thể khiến thân dài ra. Như thế, chim chúa bắt rồng trở lại cây, thân của rồng cứ tùy theo đó mà dài ra. Vì rồng nặng nên cây bị bẻ cong.

Kúc ấy, chim chúa biết sự ấy rồi, bèn thả rồng ra, nghĩ như thế này: Rồng Ma-Na-Tư này phá hoại chỗ ở của ta. Khi ấy chim chúa Bì-Na-Để-Da khởi tâm hối hận, lùi về một chỗ, ưu não nghĩ thầm: Ma-Na-tư này còn có thể mạnh hơn ta.

Lúc đó, rồng Ma-Na-Tư lại biến làm đồng tử cõi trời, dùng vàng và báu trời trang nghiêm tay và cánh tay, khuyên tai cõi trời, anh lạc bằng các báu để trang sức thân, đến chỗ chim chúa mà nói thế này: Bạn lành! Bạn có sự gì ưu não khốn khổ, ở một mình im lặng, khởi tâm bất an? Chim chúa đáp rằng: Tôi nay bị chướng vì rồng Ma-Na-Tư phá hoại chỗ ở của tôi. Đồng tử đáp rằng: Bạn lành! Bạn còn bắt rồng làm thức ăn chăng? Tổn hại chỗ ở của bạn mà còn ưu não, rồng mất quyến thuộc thì khổ thế nào? Nếu bạn lại còn bắt rồng thì chỗ ở quyết sẽ chẳng tồn tại.

Như thế, hai chúa rồng và chim, cùng lập thệ nguyện, vĩnh viễn làm bạn.

Vì nhân duyên này nên gọi cây ấy là Khúc Thâm Phù lưu.

Bốn thiên hạ này và bốn điểu châu thì đất rất lớn nhất, cho nên nay nói rằng, mỗi một châu kia, có tám châu vây quanh : Ngưu châu, Dương châu, Tử châu, Thần châu, Hầu châu, Tượng châu, Nữ châu. Bảy châu còn lại cũng lại như vậy.

Nghĩa này Phật Thế Tôn đã nói; tôi nghe như vậy.

PHẨM THỨ BẢY: SỐ LƯỢNG

Lúc ấy Phật bảo Tì-khưu Phú-Lâu-Na: Đất của thế giới này hình tướng tròn trịa như cái mâm đuốc bằng đồng, như bánh xe của nhà làm gốm, đất của thế giới này cũng lại như vậy.

Giống như vành của mâm đuốc đồng duyên cạnh góc mà khởi, núi Thiết Vi kia cũng lại như thế. Ví như chính giữa của mâm đuốc đồng nhô lên cao, trong thế giới này có núi chúa Tu-Di cũng lại như thế. Núi Tu-Di này được làm thành bằng bảy báu, hình sắc đáng yêu. Bốn góc ngay thẳng ví như thợ khéo dùng thước mà làm thành bản trụ hình vuông ngay ngắn, núi Tu-Di này cũng lại như thế. Một nửa ngập trong nước tám vạn do-tuần, một nửa trên mặt nước cũng tám vạn do-tuần. Bốn phía núi, mỗi cạnh tám vạn do-tuần, chu vi ba mươi hai vạn do-tuần. Biển lớn trong cùng tên là biển Tu-Di, sâu tám vạn do-tuần, rộng bốn vạn do-tuần, một bên dài mười sáu vạn do-tuần, chu vi sáu mươi bốn vạn do-tuần.

Ngoài biển có núi tên là Do-Càn-Đà, núi này vào nước bốn vạn Do-tuần, cao trên mặt nước cũng thế, rộng cũng như vậy. Núi này một bên dài hai mươi hai vạn Do-tuần, chu vi chín mươi sáu vạn Do-tuần.

Biển bên ngoài núi này cũng tên là Do-Càn-Đà, sâu bốn vạn Do-tuần, rộng cũng như vậy. Một bên dài ba mươi hai vạn Do-tuần, chu vi một trăm hai mươi tám vạn Do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là Y-Sa-Đà, sâu hai vạn Do-tuần, cao cũng như thế, rộng cũng như vậy, một bên dài ba mươi sáu vạn Do-tuần, chu vi một trăm bốn mươi tư vạn Do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên là Y-Sa-Đà, sâu hai vạn Do-tuần, rộng cũng thế, một bên dài bốn mươi vạn Do-tuần, chu vi một trăm sáu mươi tư vạn Do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là Ha-La-Trí, sâu một vạn Do-tuần, cao cũng thế, rộng cũng vậy, một bên dài bốn mươi tư vạn Do-tuần, chu vi một trăm bảy mươi sáu vạn Do-tuần.

Ngoài núi có biển, cũng tên là Ha-La-trí, sâu một vạn Do-tuần, rộng cũng như thế, một bên dài bốn mươi sáu vạn Do-tuần, chu vi một trăm tám mươi tư vạn Do-tuần.

Ngoài biển lại có núi, tên là Tu-Đằng-Bà, sâu năm nghìn Do-tuần, cao cũng như thế, rộng cũng vậy; một bên dài bốn mươi bảy vạn Do-tuần, chu vi một trăm tám mươi tám vạn Do-tuần.

Ngoài núi lại có biển, cũng tên là Tu-Đằng-Bà, sâu trong nước năm nghìn Do-tuần, rộng cũng như thế, một bên dài bốn mươi tám vạn Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi hai vạn do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là A-Sa-Thiên-Na, sâu trong nước hai nghìn năm trăm Do-tuần, cao cũng như thế, rộng cũng như vậy, một bên dài bốn mươi tám vạn năm nghìn Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi tư vạn Do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên là A-Sa-Thiên-Na, sâu hai nghìn năm trăm Do-tuần, rộng cũng như thế; một bên dài bốn mươi chín vạn Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi sáu vạn Do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là Tì-Na-Đa, sâu trong nước một nghìn hai trăm năm mươi Do-tuần, cao cũng như vậy, rộng cũng như thế; một bên dài bốn mươi chín vạn hai nghìn năm trăm Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi bảy vạn Do-tuần.

Ngoài núi lại có biển, cũng tên là Tì-Na-Đa, sâu một nghìn hai trăm năm mươi Do-tuần, rộng cũng như thế; một bên dài bốn mươi chín vạn năm nghìn Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi tám vạn Do-tuần.

Ngoài biển lại có núi tên là Ni-Dân-Đà, sâu trong nước sáu trăm hai mươi lăm nghìn Do-tuần, cao cũng như vậy, rộng cũng như thế; một bên dài bốn mươi chín vạn sáu nghìn hai trăm năm mươi Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi tám vạn năm nghìn Do-tuần.

Ngoài núi lại có biển cũng tên là Ni-Dân-Đà, sâu sáu trăm hai mươi lăm Do-tuần, rộng cũng như thế; một bên dài bốn mươi chín vạn bảy nghìn năm trăm Do-tuần, chu vi một trăm chín mươi chín vạn do-tuần.

Ngoài biển mặn có núi tên là Thiết-Vi, sâu trong nước ba trăm mười hai Do-tuần, một nửa nhô trên mặt nước cũng như vậy, rộng cũng như thế, chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi Do-tuần.

Từ biên giới của núi Ni-Dân-Đà đến núi Thiết-Vi là ba ức sáu vạn ba nghìn hai trăm tám mươi tám Do-tuần.

Từ biên giới biển Ni-dân-Đà đến biên giới núi Thiết-Vi là ba ức sáu vạn hai nghìn sáu trăm sáu mươi ba Do-tuần.

Từ biên giới phía Nam của Diêm-Phù-Đề đến núi Thiết-Vi là ba ức sáu vạn sáu trăm sáu mươi ba Do-tuần.

Từ chính giữa Diêm-Phù-Đề đến chính giữa của Tây Cù-Da-Ni là ba ức sáu vạn sáu nghìn Do-tuần.

Từ biên giới phía Bắc của Nam Diêm-Phù-Đề đến biên giới phía Bắc của Uất-Đan-Việt là bốn ức bảy vạn bảy nghìn năm trăm Do-tuần.

Từ biên giới nước của núi Thiết-Vi đến biên giới nước phía cực Tây của núi Thiết-Vi, đo thẳng là mười hai ức hai nghìn tám trăm hai mươi lăm Do-tuần.

Chu vi biên giới nước của núi Thiết-Vi là bốn mươi sáu ức tám nghìn bốn trăm bảy mươi lăm Do-tuần.

Từ biên của đỉnh núi Tu-Di đến biên kia của đỉnh Tu-Di là mười hai ức ba nghìn bốn trăm năm mươi Do-tuần.

Từ chính giữa núi Tu-Di này đến chính giữa của núi Tu-Di kia là mười hai ức tám vạn ba nghìn bốn trăm năm mươi do-tuần.

Từ chân núi Tu-Di này đến chân núi Tu-Di kia là mười hai ức ba nghìn mười lăm Do-tuần.

Nghĩa như thế, Phật Thế Tôn nói. Tôi nghe như vậy.

PHẨM THỨ TÁM: CHỖ Ở CỦA CHƯ THIÊN

Phật bảo Tì-khưu: Núi chúa Tu-Di này Đông, Tây, Nam, Bắc có bốn biên. Biên phía Đông được thành bởi chân kim, biên phía Tây được thành bởi bạch ngân, biên phía Bắc bởi lưu ly, biên phía Nam bởi pha lê. Tất cả các biên được thành bởi các báu.

Núi Tu-Di này có đầy đủ bảy tính nhất. Chính giữa đỉnh cao nhất của núi bằng phẳng, chỗ hơn hết là thành lớn Thiện Kiến của trời Đao-Lợi, chu vi bốn phương mười nghìn Do-tuần, thuần vàng ròng vây quanh thành, cao một Do-tuần, tường phụ trên thành cao một nửa Do-tuần, cửa cao hai Do-tuần. Cửa lớp bên ngoài cao một Do-tuần rưỡi, mỗi một Do-tuần có mỗi một cửa. Bốn mặt cửa thành là lầu Thiên môn. Các cửa thành này do các báu làm thành, được trang nghiêm bởi đủ loại ma-ni tô. Ví như thảm thêu diệu hảo của đất Bắc: Người, phi nhân, rồng, thú, cỏ cây và các tạp hoa không gì chẳng đủ, cũng như khuyên tai được trang nghiêm bằng các báu viên mãn cụ túc, các cửa thành này cũng lại như thế.

Hoặc có tất cả các tướng chúng sinh, đủ loại tướng các cây cối và tạp hoa trang nghiêm.

Bên cửa phía ngoài thành được trang nghiêm bởi tượng binh, trang nghiêm bởi mã binh, trang nghiêm bởi xa binh.

Trụ ở cửa thành này là các Thiên tử được trang nghiêm bằng tích trượng vì để bảo vệ đất nước, vì muốn đi xem, vì trang nghiêm.

Bốn bên ngoài thành bảy lớp hàng rào bao quanh báu. Lớp trong cùng được làm thành bằng vàng ròng , tiếp đến là dùng bạc trắng, thứ ba là lưu ly, thứ tư là pha lê, ba lớp bên ngoài là được làm thành bằng tạp bảo.

Bên ngoài bảy lớp, lại bảy lớp cây đa-la bao quanh. Cây ở chính giữa vàng ròng làm gốc, tiếp là bạc trắng, thứ ba là lưu ly, thứ tư là pha lê. Ba loại bên ngoài thì các báu làm gốc. Cây Đa-la vàng thì bạc trắng, lưu ly, pha lê, các báu làm hoa lá, quả cũng như vậy. Cây đa-la bạc thì vàng kim, lưu ly, pha lê, các báu làm hoa lá, quả cũng như thế. Cây đa-la lưu ly thì vàng, bạc, pha lê làm hoa, lá, quả. Cây đa-la pha lê thì vàng, bạc, lưu ly làm lá, hoa, quả. Ba loại bên ngoài thì lá, hoa, quả đều là các báu làm thành.

Cây đa-la này, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh vi diệu, có thể khiến chúng sinh khởi năm trói buộc: Một là sinh thọ, hai là khởi sự trói buộc, ba là khởi mê loạn, bốn là sinh chấp trước, năm là chẳng chán lìa. Ví như năm phần âm nhạc, nếu nhạc sư tinh diệu tấu lên năm âm thời có thể khởi lên nơi chúng sinh năm loại dục tâm, âm thanh của cây này cũng lại như thế.

Trong khoảng bảy lớp hàng cây, nơi nơi đều có các ao báu, ngang dọc một trăm thiên cung, nước trời tràn đầy, bốn báu làm bờ lũy, đáy và bờ được làm thành bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Bốn bên ao ấy cũng dùng bốn báu để làm thềm đường. Trong mỗi một ao có vô lượng hoa được làm thành bằng năm báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê và hoa báu.

Trong các ao này có thuyền bằng bốn báu bồng bềnh trong đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Lại có tám loại đồ chơi nước: Một là thủy lầu dẫn bước vào nước, đồ đựng nước bằng bảy báu rót nước trên thân, ba là dụng cụ đập nước để làm âm nhạc, bốn là vẫy nước để nô đùa, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là bánh xe báu làm nước thành tiếng, tám là có những ngôi nhà tự đóng tự mở để nước chảy. Trong đó, chư Thiên nam nữ ngồi thuyền du hí, khi ấy thuyền báu tùy tâm ý mà nhanh chậm. Chư Thiên nam nữ nếu phát ý nguyện muốn hướng đến chỗ đó, thuyền liền đến đó. Chư Thiên phát ý niệm như thế này: Nguyện hái hoa kia đến chỗ tôi, hoa bèn tự đến. Trong đó, do quả báo tự nhiên, gió nổi lên, thổi các hoa quý rơi khắp trên chư Thiên. Lại có gió khác thổi các vòng hoa trang nghiêm trên đầu, trên thân, hoặc làm mũ báu, hoặc làm anh lạc, hoặc làm ấn trên tay cho đến làm dây lưng, hoặc làm vòng chân.

Bốn bên bờ ao có cây năm loại báu: Một là vàng, hai là bạc, ba là lưu ly, bốn là pha lê, năm là cây báu Trong khoảng hàng cây báu có các điện đường được làm thành bằng năm loại báu, chư Thiên nam, nữ ở trong đó. Ở ngoài thành này có nhiều chư Thiên đầy khắp cõi nước. Phía ngoài cây Đa-la có ba loại hào, mỗi một hào rộng hai do-tuần, sâu một do-tuần, phía dưới rộng hơn phía trên. Trong hào nước trời tràn đầy, cũng được làm thành bằng bốn báu: Vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Bốn bên của hào cũng bằng bốn báu để làm thềm đường.

Trong mỗi một hào lại có vô lượng các loại hoa bằng bốn báu, có thuyền bốn báu nổi ở trên, được làm thành bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê.

Lại có tám loại dụng cụ vui chơi với nước: Một là lầu nhỏ để bước vào nước, hai là hộp bằng bảy báu đựng nước rót trên thân, ba là dụng cụ đánh nước để làm âm nhạc, bốn là vẫy nước để vui đùa, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là bánh xe báu tạo nước thành tiếng, tám là có những ngôi nhà tự đóng tự mở để nước chảy.

Trong đó chư Thiên cưỡi thuyền vui chơi. Các thuyền báu này tùy tâm mà mau chậm. Nam nữ chư Thiên nếu muốn thế này: “Muốn thuyền đến kia”, liền đến đó. Chư Thiên nếu khởi ý muốn thế này: “ Lấy hoa kia lại chỗ của tôi”, hoa liền tự đến. Trong đó, do quả báo tự nhiên nổi gió, thổi các hoa báu rải khắp chư Thiên. Lại có gió khác thổi các vòng hoa trang nghiêm trên đầu và thân; hoặc làm mũ báu, hoặc làm anh lạc, hoặc làm ấn trên tay, dây lưng, vòng chân cũng lại như thế.

Trong khoảng trung gian hào, các cung điện, nhà báu trời, là nơi ở của chư Thiên nữ. Trong điện đường bày các vạc báu, trong mỗi một vạc trồng các loài hoa cỏ có hình tướng lạ, năm sắc, mỗi mỗi thành hàng.

Phía ngoài của ba loại hào ấy, được bao quanh bởi các cây báu, là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chất báu sắc hoa sen, ốc đá, xa cừ. Trong rừng cây này, khắp nơi đều có ao hoa bảy báu, nước cõi trời tràn đầy, cho đến thuyền báu vui chơi và các điện đường- nơi dừng ở của chư Thiên nam nữ. Nhiều chư Thiên đầy khắp cõi nước cũng lại như trên đã nói.

Lúc ấy phía ngoài hào, các cây bảy báu nở hoa bảy báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê cho đến hoa báu. Trong rừng ấy chư Thiên nữ tấu nhạc ca hát. Vô lượng Thiên tử từ thành lớn ra, vào rừng xem nghe. Trong thành kia, các Thiên tử tấu nhạc hát ca, chư Thiên nữ bên ngoài vào thành xem nghe. Nhân phương tiện này qua lại vui chơi.

Các phần của đại thành, chính giữa một trong bốn phần là thành vàng – nơi ở của Đế-Thích. Cứ mười hai do-tuần có mỗi một cửa, bốn mặt có bốn trăm chín mươi chín cửa, lại có một cửa nhỏ- là năm trăm cửa. Hình tướng của thành này cũng trang nghiêm bằng bốn binh bảo vệ, rừng, cây, ao...cung điện, tấu nhạc ca xướng và các vui chơi bên ngoài đủ loại trang nghiêm đều như đã nói ở trước.

Chính giữa của thành này là chỗ ở của Thích-Đề-Hoàn-Nhân. Lầu báu điện các chập trùng tên là Bì-Thiền-Diên, dài năm trăm do-tuần, rộng hai trăm năm mươi do-tuần, chu vi một nghìn năm trăm do-tuần, trụ cao chín do-tuần, được làm thành bằng bốn báu: Một là vàng, hai là bạc, ba là lưu ly, bốn là pha lê ha, bốn loại báu để làm chân cột.

Bốn bên lầu này có bốn thềm đường. Tất cả tường vách đều bốn báu làm thành, vây quanh trì giữ ba tầng lầu: Tầng thứ nhất được làm thành bằng vàng ròng, thứ hai là bạc trắng, thứ ba là trùng linh báu, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh vi diệu, ví như năm phần âm nhạc như trước đã nói. Nghe âm thanh cây đa-la có thể khiến chúng sinh khởi năm dục trói buộc.

Bốn bên lầu các là lầu báu ngăn địch: Bên Đông có hai mươi sáu, ba mặt kia mỗi mặt có hai mươi lăm, cộng là một trăm lẻ một. Mỗi một lầu ngăn địch vuông hai do-tuần, chu vi tám do-tuần. Trên lầu ngăn địch lại có lầu báu cao nửa do-tuần để nhìn xa.

Mỗi một lầu ngăn địch có bảy Thiên nữ, mỗi một Thiên nữ có bảy tì nữ. Trong lầu gác có bảy vạn bảy trăm phòng thất; trong mỗi một phòng có bảy Thiên nữ, mỗi một Thiên nữ cũng có bảy tì nữ. Các Thiên nữ ấy đều là chính phi của Đế-Thích. Số bên ngoài và trong các phòng có bốn ức chín vạn bốn nghìn chín trăm chính phi; ba mươi chín ức bốn nghìn ba trăm tì nữ; phi và tì nữ hợp lại có ba mươi chín ức năm vạn chín nghìn hai trăm.

Bì-Thiện-Diên nhiều trùng các, cao hơn hết là nhà tròn ở chính giữa, rộng ba mươi do-tuần, chu vi chín mươi do-tuần, cao bốn mươi do-tuần, là nơi ở của Thích-Đề-Hoàn-Nhân, đều được làm thành bằng lưu ly, đất đều mềm láng, các báu trang nghiêm. Ví như gấm thêu diệu hảo của đất Bắc: Người, phi nhân, rồng, thú, cỏ cây và các tạp hoa cỏ, không gì chẳng đủ, cũng như khuyên tai được trang nghiêm đầy đủ các báu, chỗ ở của Đế-Thích cũng lại như thế, đều được làm thành bằng lưu ly, các báu trang nghiêm. Đất được chân dẫm lên liền lún ngập chân, nếu nhấc lên thì trở lại như cũ. Như tụ gấm vi tế và gấm chú- la , nơi ở của Đế-Thích cũng lại như vậy, dẫm chân lên liền chìm, nhấc chân liền nổi. Tưới rải tạp hoa, đốt các hương thơm, treo các y trời và vòng hoa báu. Chỗ như vậy, Thích-Đề-Hoàn-Nhân với A-tu-la nữ Xá-Chi cùng ở. Đế-Thích hóa thân cùng ở với các phi, tất cả các phi đều nghĩ thế này: ”Đế-Thích ở cùng với ta”, mà chân thân của Đế-Thích thì ở cùng với Xá-Chi.

Trong thành ấy, bốn bên chỗ ở các ngã tư đường, chợ búa đều điều hòa ngay thẳng. Thành của chư Thiên này, hoặc có nhà vuông bốn mặt tương ưng, hoặc có chỗ ở phòng ốc cao nhọn nhiều tầng, hoặc có chỗ ở lầu cao nhiều tầng, hoặc có chỗ ở đài quán vút mây, hoặc có chỗ ở bốn phía rất nhiều. Tùy theo phúc đức mà được làm thành bởi các báu, bằng phẳng ngay thẳng. Thành của chư Thiên này, số đường có năm trăm, bốn phía thông nhau, hàng lối phân minh, đều như đường bàn cờ. Bốn cửa thông nhau, Đông –Tây nhìn nhau, phố xá chợ búa của báu đầy khắp. Thứ nhất là chợ lúa gạo, hai là chợ y phục, ba là chợ các thứ hương, bốn là chợ uống ăn, thứ năm là chợ vòng hoa, thứ sáu là chợ các thứ thủ công, thứ bảy là chợ dâm nữ. Nơi nơi đều có chợ, trông coi các chợ này là chư Thiên tử, Thiên nữ lui tới, mua bán thương lượng, sang nghèo cầu tố, tăng giảm xứng lượng, tính toán đầy đủ các pháp chợ búa. Tuy làm như thế nhưng để vui thích, không có tâm lấy, không cho, không của tôi, khỏi chỗ mong muốn, liền đủ bỏ đi. Nếu nghiệp tương ưng thì tùy ý mà lấy, nếu nghiệp không tương ưng liền nói thế này: “Vật này quý, không phải thứ tôi cần ”.

Bốn phía ngã tư đường được trang nghiêm với voi, ngựa, xe, binh lính và chư Thiên tử dừng ở; trong đó hoặc làm thủ hộ, hoặc vì vui chơi âm nhạc, hoặc để trang nhgiêm. Đường trong chợ tất cả đều bằng lưu ly mềm láng đáng yêu, trang nghiêm các báu. Ví như thảm thêu diệu hảo của đất Bắc: Rồng, thú, hoa cỏ đều như đã nói ở trước, cho đến đốt hương rải hoa, treo các thiên y cũng lại như thế.

Lại, khắp nơi nơi dựng lập tràng phan, trong đại thành của chư Thiên các âm thanh như vậy hằng chẳng dứt tuyệt, nghĩa là: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng loa , tiếng ba-na-bà, tiếng trống, tiếng mâu-trừng-già , tiếng âm nhạc; lại có âm thanh nói: “Lành thay hãy lại, hãy lại, ăn uống, tôi nay cúng dường”.

Đại thành Thiện kiến này là nơi ở của Đế-Thích, lại có thiên châu, thiên quận, thiên huyện, thiên thôn bao quanh biến khắp trên núi Tu-Di. Góc phía Tây của đại thành Thiện Kiến ngoài hai mươi do-tuần, chư Thiên Đao-Lợi có Thiện Pháp đường, đường kính ba mươi do-tuần, chu vi chín mươi do-tuần, cao bốn mươi lăm do-tuần đều được làm thành bằng lưu ly. Đất đều mềm láng, các báu trang nghiêm, ví như thảm thêu diệu hảo của đất Bắc: Người, phi nhân, rồng, thú, thảo mộc và các tạp hoa không gì chẳng đủ. Cũng như khuyên tai trang nghiêm đầy đủ các báu vi diệu, Thiện Pháp đường vi diệu cũng lại như thế, mềm láng đáng yêu, chân dẫm liền lún, chuyển chân lại nổi, đủ loại trang nghiêm như đã nói ở trước.

Có ba lớp bao bọc chung quanh: Một được làm thành bằng vàng ròng, hai là bạc trắng, ba là lưu ly. Mỗi một tầng có ba hàng linh báu, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh vi diệu. Ví như năm phần âm nhạc...như đã nói ở trước. Âm thanh của cây đa-la có thể khiến chúng sinh khởi năm dục trói buộc.

Trong đường này, đại trụ bằng các báu cao vút khỏi phía trên của điện đường; trên đỉnh cao nhất của trụ được phủ kim lộ bàn, đủ loại trang nghiêm trọn đều đầy đủ. Đại trụ ở chính giữa này cao một do-tuần, đường kính một phần ba. Mỗi chuyên giác (xà ngang) có mười sáu trụ, mỗi một trụ lại có mười sáu trụ vây quanh, mỗi một chuyên trụ được giữ bằng hai trăm bảy mươi hai trụ nhánh. Các chuyên trụ phân làm ba phần, mỗi phần có một nghìn năm mươi hai trụ vây quanh, ba phần là ba vạn hai nghìn một trăm năm mươi sáu chuyên trụ, đều có ba mươi ba ức sáu nghìn bốn trăm ba mươi hai trụ. Trụ này dưới xuống đến đất, trên thì không đến giác, như một búi tóc. Hoặc có một trụ trên thì đến giác mà dưới không đến đất, như một búi tóc.

Do nghĩa này nên Thiện Pháp đường trụ trong hư không, chẳng thể biết rõ. Bốn phương đều có cửa: một là chính Đông, hai là chính Tây, ba là chính Nam, bốn là chính Bắc.

Bên ngoài Thiện Pháp đường này nơi nơi có ao báu lớn, nước trời đầy tràn, bốu báu làm bờ lũy, đáy và bờ được làm thành bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê ha. Bốn bên của đất cũng dùng các báu để làm thềm đường.

Trong mỗi một ao có vô lượng hoa được làm thành bằng năm báu: Vàng, bạc , lưu ly, pha lê, hoa báu. Trong các ao này có thuyền báu bồng bềnh. Trong đó lại có tám loại dụng cụ chơi nước: Một là lầu bước vào nước, hai là hộp bằng bảy báu rót nước trên thân, ba là dụng cụ đánh nước để làm âm nhạc, bốn là vẫy nước để vui chơi, năm là bánh xe nước, sáu là nhà nổi, bảy là bánh xe báu tạo nước thành tiếng, tám là có những ngôi nhà tự đóng tự mở để nước chảy. Trong đó, chư Thiên nam nữ cưỡi thuyền đi chơi, tùy tâm mà mau hay chậm; trong không trung các loài hoa tự nhiên tụ lại trang nghiêm thân chư Thiên, cho đến có nhiều điện đường của chư Thiên đều trọn đầy khắp cũng lại như thế.

Bên ngoài Thiện Pháp đường này có đại viên lâm vây quanh thành vàng, chu vi một nghìn do-tuần. Thành cao một do-tuần, lại thêm nửa do-tuần. Cửa cao hai do-tuần, rộng mười hai do-tuần. Mỗi nơi đều có cửa, chín mươi chín cửa, lại có một cửa nhỏ. Các cửa này được làm thành bởi các báu, được trang nghiêm bằng báu ma-ni vi diệu, ví như thảm thêu vi diệu đất Bắc, đủ loại chạm khắc. Cửa này lại có bốn loại binh phòng vệ, đều như đã nói ở trước. Phía ngoài có bảy lớp cửa báu cũng lại như đã nói ở trên, bảy lớp rừng Đa-la vây quanh cũng như đã nói ở trên. trong khoảng hàng cây có các ao báu cách nhau một trăm cung, đủ loại trang nghiêm cũng như đã nói ở trên, năm hàng hoa báu cũng như đã nói ở trên và thuyền bốn báu cũng như trên nói. Bờ ao có hoa bằng năm loại báu cũng như trên nói. Cho đến điện đường bốn báu- chỗ ở của chư Thiên nam nữ. Bên ngoài thành ba lớp hào như trên đã nói. Mỗi một hào rộng hai do-tuần, sâu một do-tuần, hình như miệng hồ, dưới rộng trên hẹp, nước trời tràn đầy, đều như đã nói ở trước.

Trong khoảng đất của hào có các điện đường của các dâm nữ la liệt. Phía ngoài của ba lớp hào được vây quanh bởi rừng cây bảy báu cũng lại như trên đã nói.

Lúc ấy trong rừng ở phía ngoài ấy, tất cả các hoa khai mở tươi thắm.Khi các Thiên nữ tấu nhạc ca hát, các Thiên tử từ Pháp đường trong thành ra, vào trong vườn này xem nghe. Trong đó khi các Thiên tử cũng tấu âm nhạc, các Thiên nữ từ Thiện Pháp đường ra vườn xem nghe. Nhân sự như thế, chư Thiên nam nữ thường thọ đùa vui.

Từ góc Tây-Bắc của đại thành này đến cửa của Thiện Pháp đường hai mươi do-tuần, rộng mười do-tuần, đất bằng láng được làm thành bởi lưu ly, mềm mại đáng yêu, các báu trang nghiêm. Ví như thảm thêu vi diệu của đất Bắc: Người, phi nhân, voi, ngựa, hoa, cây các loại đầy đủ; lại như khuyên tai các báu hợp thành, con đường ấy dẫm chân lên liền chìm, nhấc chân lên liền nổi, như gấm đâu-la và mộc cẩm, con đường mềm mại cũng lại như thế.

Ba vòng trang nghiêm quanh thành, mỗi lớp được làm thành bởi các báu, mỗi một lớp có ba tầng linh báu vây quanh; mỗi một linh báu được làm thành bởi các báu, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh vi diệu, có thể khiến Chư thiên khởi năm dục trói buộc.

Hai bên đường này được kẹp bởi hai sông nước tên là Trường Hình, cũng dài hai mươi do-tuần, nước công đức tự nhiên tràn đầy. Hai bên sông đều được cấu thành bằng các báu như đã nói ở trước; bốn bên thềm đường cũng như đã được nói ở trước; trong nước sông này có hoa bằng năm báu cũng như đã được nói ở trước; thuyền bằng bốn báu bơi nổi trong đó, tám thứ dụng cụ để chơi nước, thuyền nhanh hay chậm tùy tâm cũng như đã nói ở trước.

Chư Thiên muốn hoa kia lại thì theo niệm liền đến. Vì quả báo thiện nên mưa các hoa báu rải khắp chư Thiên, lại có gió khác thổi các vòng hoa, tùy theo phần thân mà cần trang nghiêm, thân, cánh tay, tay, chân tự nhiên mà mang.

Ngoài bên bờ sông có ba lớp cây báu bày hàng đầy khắp cũng như đã được nói ở trước. Ao báu và điện đường báu của chư Thiên thì nam nữ chư Thiên số vô lượng đầy khắp trong đó.

Lúc đó chư Thiên Đao-Lợi muốn vào trong vườn hoa này, Thiện Pháp đường kia có gió tên là Hợp Tụ tụ tập nên thổi hoa khiến bay ra ngoài thành, tinh khiết vô phục; hoa héo tàn thì lại có gió khác tên là Chế Đao thổi ra ngoài rừng hoa và lấy trì chiểu mà tụ các hoa mới: Xanh, vàng, đỏ, trắng, tạp sắc; đã tụ lại rồi thì gió Hợp Tụ lại tụ tập hoa này vào trong Thiện Pháp đường, trải khắp mặt đất mà làm các hình tượng: Hoặc hiện hình tượng vàng, bạc; hoặc hiện hình hoa sen; hoặc hiện hình đệm dệt, hoặc hiện hình tượng voi, ngựa, xe, bộ binh; hoặc hiện hình hươu nai; hoặc hiện hình ca-lâu, rồng, chim...Nhân đây mà bày khắp mặt đất của Thiện Pháp đường, hoa dày đến gối, trang nghiêm đầy đủ. Lúc ấy chư Thiên nhiễu quanh Thích-Đề-Hoàn-Nhân, cung kính bậc tôn quý, vào trong vườn này.

Trong Thiện Pháp đường, bên cạnh trụ chính giữa có tòa sư tử, Thích-Đề-Hoàn-Nhân lên tòa mà ngồi. Hai bên phải, trái mỗi bên đều có mười sáu Thiên vương ngồi thành hàng; chư Thiên khác tùy theo thứ tự cao thấp mà ngồi.

Lúc ấy, Đế-Thích có hai thái tử, một tên là Chiên-Đàn, hai tên là Tu-Tì-La, là hai tướng quân của trời Đao-Lợi, tại Tam Thập Tam Thiên ngồi hai bên phải trái.

Lúc ấy Đề-Đầu-Lại-Tra, Thiên vương nương cửa Đông ngồi cùng các đại thần, cùng với chúng quân binh cung kính. Chư Thiên được vào ngồi ở trong.

Lúc ấy Tì-Lưu- Lặc, Thiên vương nương cửa Nam ngồi cùng các đại thần và chúng quân binh cung kính, chư Thiên được vào trong ngồi.

Lúc ấy Tì-Lâu-Bác-Xoa, Thiên vương nương cửa Tây ngồi cùng các đại thần và chúng quân binh cung kính, chư Thiên được vào trong ngồi.

Lúc ấy Tì-Sa-Môn, Thiên vương nương cửa Bắc ngồi cùng các đại thần và chúng quân binh cung kính, chư Thiên được vào trong ngồi.

Bốn Thiên vương này, nơi Thiện Pháp đường, tâu lên Đế-Thích và Đao Lợi thiên nghe những thiện ác của thế gian.

Lúc ấy Phật Thế tôn nói sự như vầy: Tì-khưu ngày mồng tám của tháng, bốn đại thần của bốn Thiên vương này đi khắp thế gian, lần lượt quán sát; sẽ trong ngày này, hoặc ít hoặc nhiều, tất cảc các người thọ trì tám giới, hoặc nhiều hoặc ít đều hành bố thí, hoặc nhiều hoặc ít tu hành phúc đức, hoặc nhiều hoặc ít cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng trong nhà. Tì-khưu, ngày mười bốn của tháng này, thái tử của Thiên vương đi khắp thế gian, lần lượt quán sát, sẽ trong ngày ấy, hoặc nhiều hoặc ít tất cả những ai thọ trì tám giới, hoặc nhiều hoặc ít đều hành bố thí, hoặc nhiều hoặc ít tu hành phúc đức, hoặc nhiều hoặc ít cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn trưởng trong nhà. Tì khưu, ngày mười lăm của tháng này, tứ Thiên Vương tự đi trong thế gian, lần lượt quán sát. Sẽ trong ngày này, hoặc nhiều hoặc ít, tất cả những ai thọ trì tám giới, hoặc nhiều hoặc ít đều hành bố thí, hoặc nhiều hoặc ít tu hành phúc đức, hoặc nhiều hoặc ít cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn trưởng trong nhà. Nửa tháng đến sau cũng như vậy. Tì-khưu, nếu lúc ấy không có nhiều người thọ trì tám giới, nếu không có nhiều người tu hành bố thí, nếu không có nhiều người tu phúc đức, nếu không có nhiều người cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn trưởng trong nhà. Tì-khưu, khi chư Thiên Đao-Lợi trong Thiện Pháp Đường tập hợp ngồi rồi, thời tứ Thiên Vương đến Thiện Pháp đường, trả lời Đế-Thích mà nói thế gian sự, thưa rằng: Thiện Tôn! Không có nhiều người thọ trì tám giới, không có nhiều người tu hành bố thí, không có nhiều người tu hành phúc đức, không có nhiều người cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn trưởng trong nhà. Lúc ấy chư Thiên Đao-Lợi và Thích-Đề-Hoàn-Nhân sinh tâm ưu não, nói như thế này: ”Việc này không lành, việc này không như pháp. Không có nhiều người thọ tám giới, không có nhiều người hành bố thí, không có nhiều người tu hành phúc đức, không có nhiều người cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng trong nhà. Quyến thuộc của chư Thiên sẽ giảm ít, bạn lữ của A-tu-la sẽ tăng nhiều”.

Tì–khưu, nếu nhiều người thọ tám giới, nhiều người hành bố thí, nhiều người tu hành phúc đức, nhiều người cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng trong nhà thì lúc ấy, bốn Thiên vương đến Pháp Đường, thưa hỏi Đế-Thích và nói việc thế gian, rằng: “ Thiện Tôn, có nhiều người thọ trì tám giới, nhiều người tu hành bố thí, nhiều người tu hành phúc đức, nhiều người cung kính cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng trong nhà. Lúc ấy trời Đao-Lợi nghe bốn Thiên vương nói, tâm sinh hoan hỉ, nói thế này: “Việc này rất vui, việc này như pháp. Nhiều người thọ trì tám giới, nhiều người tu hành bố thí, nhiều người tu hành phúc đức, nhiều người kính trọng cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng trong nhà. Quyến thuộc của Chư thiên ngày một nhiều, bạn lữ của A-tu-la có chút giảm bớt.

Tì-khưu, lúc bấy giờ Thích-Đề-Hoàn-Nhân tự ngồi ở chỗ mình- là chỗ của trời chính tọa ở trong , từ thiên tâm khiến hoan hỉ mà nói kệ rằng:

Tháng này ngày mồng tám,
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và ngày hai mươi ba,
Hai chín và ba mươi.
Ba thời mười lăm trai
Thọ trì tám phần giới,
Tịnh tâm và nhiếp trị;
Nếu thọ trì bố-tát,
Người này tu bảy pháp
Tương lai như ta nay.

Tì-khưu! Kệ này của Thích-Đề-Hoàn-Nhân là bài ca tà, không phải bài ca chính, đó là lời tà, không phải lời chính. Tại sao như thế?

Tì-khưu ! Thích-Đề-Hoàn-Nhân chưa giải thoát khỏi sinh, chưa giải thoát khỏi già, chưa giải thoát khỏi chết, chưa giải thoát khỏi ưu, chưa giải thoát khỏi bi, chưa giải thoát khỏi khổ, chưa giải thoát khỏi não, chưa giải thoát ngũ ấm.

Tì-khưu ! Nếu có Tì-khưu thành A-la-hán, sạch các lậu, tu đạo cứu cánh, chính trí giải thoát, sạch các kiết sử hữu; Tì-khưu như thế, nếu nói kệ này, mới đảm nhiệm được nói lời lành:

Tháng này ngày mồng tám,
Mười bốn và mười lăm,
Cùng tháng ngày hai ba,
Hai chín và ba mươi .
Ba thời mười lăm trai,
Thọ trì tám phần giới,
Tĩnh tâm và nhiếp trì.
Nếu thọ trì bố-tát
Người này tu bảy pháp
Tương lai như ta nay.

Tì-khưu! Kệ của Tì-khưu này chính là thiện ca, không phải tà ca, chính là lời thiện, không phải lời tà. Tại sao thế? Tì-khưu này đã giải thoát sinh, đã giải thoát già, đã giải thoát chết, đã giải thoát ưu, đã giải thoát bi, đã giải thoát khổ, đã giải thoát não, đã giải thoát năm ấm; bèn nói kỳ dạ ngôn:

Nam, nữ phúc tăng trưởng.
Lúc ấy trời Đao-Lợi
Được tin rất hoan hỉ,
Sinh tùy hỉ rất nhiều:
Bốn Đại vương thiện thuyết
Chư thiên vui quyến thuộc
Chuyển chuyển được tăng nhiều.
Nguyện bạn của Tu-la
Mỗi ngày đều tổn giảm.
Tùy nhớ nghĩ chính giác
Pháp chính thuyết thánh chúng.
Chư Thiên ở an lạc
Tâm thường sinh hoan hỉ.
Quả thế, quả xuất thế
Đắc được trong cõi người
Nếu nương Phật Pháp Tăng
Trụ cảnh giới Tam Bảo.
Ta nay vì các ông
Nói đạo lành ba hiền,
Nếu ai cầu chân thật
Bỏ ác tu hành thiện
Không có của như vậy
Do ít hay được nhiều.
Như chư Thiên Đao-Lợi
Hành ít thiện sinh thiên
Các Đế-Thích, chư Thiên
Phúc đức lớn, nghe nhiều
Tụ tập Thiện Pháp đường
Và các trụ xứ khác
Hương thiện hành nam, nữ
Được phụng nghe bốn vương
Thanh tịnh được thiên ái
Huân tập khắp chư Thiên.

Các Thiên tử này hình sắc không giống nhau, y phục cũng khác, các báu trang nghiêm đủ loại khác nhau; trong Thiện Pháp đường hoa báu bốn sắc, người hoa đẹp đẽ phát chiếu lẫn nhau. Ví như nhà báu đầy các chúng bảo, Thiện Pháp đường kia đáng yêu như thế.

Làm sao đường này gọi là Thiện Pháp? Chư Thiên này tụ tập trong đó, nhiều tán thán Phật, nhiều tán thán Pháp, nhiều tán thán Tăng; phân biệt sự tà, chính thế gian, tuyên thuyết đủ loại đạo xuất thế; vườn và các nơi không có sự như thế nên gọi nơi này là thiện Pháp đường.

Việc này Phật Thế tôn nói; tôi nghe như vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Em Là Vì Sao Sáng


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Giải thích Kinh Địa Tạng


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.12.41 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập