Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Tại sao là đêm, tại sao là ngày? Nhân vì mặt trời nên có đêm, nhân vì mặt trời nên có ngày.
Cõi Dục tự tính hắc ám, ánh sáng mặt trời ẩn nên ắt là đêm, ánh sáng mặt trời hiển nên ắt là ngày.
Tại sao một nửa đen, tại sao một nửa trắng? Do mặt trời nên một nửa đen, do mặt trời nên một nửa trắng. Mặt trời luôn luôn theo mặt trăng, mỗi một ngày gần nhau bốn vạn tám ngàn tám mươi do-tuần, lìa nhau cũng lại như thế.
Nếu khi gần nhau, mỗi một ngày mặt trăng tròn bị che ba do-tuần và một phần ba do-tuần. Vì sự này nên ngày mười lăm trăng bị che, ắt ban ngày thì gọi là nhật hắc bán mãn. Mỗi một ngày mặt trời lìa mặt trăng cũng bốn vạn tám ngàn tám mươi do-tuần. Mặt trăng mỗi một ngày khai mở ba do-tuần và một phần ba do-tuần. Vì sự này nên ngày thứ mười lăm mặt trăng ắt khai mở tròn đầy. Thế gian ắt gọi là bạch bán viên mãn nhật. Nếu mặt trăng và mặt trời đi lìa nhau nhất, thì lúc đó trăng tròn, thế gian ắt gọi là bạch bán viên mãn nhật.
Mặt trời và mặt trăng nếu cùng một chỗ thì gọi là cùng đi, thế gian ắt nói là hắc bán viên mãn.
Nếu mặt trời đi theo sau mặt trăng, ánh sáng mặt trời chiếu vào ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trăng yếu nên bị chiếu sinh ảnh, ảnh của mặt trăng này trở lại che mặt trăng, cho nên thấy phần sau mặt trăng không tròn. Vì sự này nên từ từ đến ngày thứ mười lăm che hết mặt trăng. Đi theo sau thì gọi là hắc bán.
Nếu mặt trời đi trước mặt trăng, mỗi ngày khai tịnh cũng lại như thế. Cho đến ngày thứ mười lăm thì đầy đủ viên mãn. Khi đi trước thì gọi là bạch bán.
Tại sao mùa Đông nói là ê-mạn-đa? Vì lúc này tuyết đã rơi, lạnh đã đến, cho nên mùa Đông gọi là ê-mạn-đa. Thế gian lập tự tính này gọi là ê-mạn-đa.
Tại sao mùa Xuân gọi là cầm-hà? Khi mặt trời chiếu rọi là lúc chính nhiệt, là lúc nóng nên gọi mùa Xuân là cầm hà. Thế gian lập tự tính này gọi là cầm hà.
Tại sao mùa Hạ gọi là bạt-bà? Là lúc trời mưa, là lúc nghi vũ, là lúc bắt đầu năm, cho nên gọi mùa Hạ là Bạt- bà. Thế gian lập tự tính này gọi là Bạt-bà.
Tại sao mùa Đông lạnh? Tại sao mùa Xuân nóng? Tại sao mùa Hạ hàn nhiệt? Khi mùa Đông thủy giới tăng trưởng nhất chưa giảm hết, cỏ cây do ẩm thấp chưa khô, thời địa đại ẩm trơn, hỏa đại hướng xuống, khí nước bốc lên. Cho nên biết chỗ nước sâu nóng nhất, chỗ nước cạn ắt lạnh, tiết lạnh đã đến. Mặt trời di chuyển ở đường ngoài chiếu rọi không lâu, dương khí ở trong bị ăn tiêu hết nhanh chóng. Vì sự này nên mùa Đông lạnh.
Tại sao mùa Xuân nóng? Khi Cẩm-hà này, sự tăng trưởng của thủy giới đã diệt, đã hết, cỏ cây khô khan, đất đã khô ráo, thủy khí hướng xuống, hỏa khí bốc lên. Lấy gì biết nóng? Nước chỗ sâu ắt lạnh, nước chỗ cạn ắt nóng. Mùa Đông đã qua, mặt trời di chuyển ở đường trong nên chiếu tỏa sẽ lâu, nhiệt trong thân nhiều nên mùa Xuân nóng.
Tại sao mùa Hạ lạnh nóng? Là đại địa nhập nguyệt, trong ngày thường nhận chiếu soi. Mây lớn trút mưa chi sở sái tán, uất khí bốc lên, nếu khi gió thổi khí bốc lên đã tiêu thì lúc đó ắt gió lạnh. Nếu gió không nổi lên thì lúc đó tức nóng. Cho nên Bạt-bà có lúc lạnh, có lúc nóng.
Tại sao địa ngục gọi là Nê-lê-da? Vì không có vui chơi, không có vui thích, không có sự đi ra, vì không có phúc đức, nhân vì không trừ và lìa nghiệp nên sinh trong đó.
Lại nói đường này, trong cõi Dục là hạ liệt nhất, gọi là phi đạo. Vì sự này cho nên nói địa ngục thì gọi là nê-lê-da.
Tại sao cầm thú gọi là đệ-đô-phúc-phản-lật-xa? Nhân vì nghiệp xiểm khúc mà thọ sinh trong đó. Lại nói rằng đường này, chúng sinh phần nhiều che đậy việc làm của thân mình nên gọi là để-lật-xa.
Tại sao đường ngạ quỷ gọi là thiểm-đa diêm-ma-la? Vua tên là Thiểm-Đa, sinh cùng loại với vua nên gọi là Thiểm-Đa. Lại nói rằng đường này qua lại thông nhau với các đường thiện ác khác cho nên gọi là Thiệm-Đa.
Tại sao gọi là đường A-tu-la? A-tu-la không thể nhẫn nại được với thiện, không thể nhất tâm khiêm hạ lắng nghe. Lời thiện giáo hóa đủ loại mà tâm chẳng động. Vì kiêu mạn nên không có thiện kiện nhi, lại chẳng phải trời nên gọi là A-tu-la.
Tại sao thiên đạo gọi là Đề-bà? Đề-bà là tên gọi của thiện hành, nhân vì làm thiện nên sinh ở đường này. Lại nói rằng Đề-bà gọi là ánh sáng vì thường có ánh sáng. Lại, Đề-bà gọi là thánh đạo. Lại, Đề-bà gọi là ý lạc. Lại, Đề-bà gọi là thượng đạo. Lại, Đề-bà phải tu, phải tăng trưởng tất cả nghiệp thiện, vì nghiệp thiện nên gọi là Đề-bà.
Tại sao nhân đạo gọi là Ma-nô-sa? Một là vì thông minh, hai là vì hơn, ba là vì ý vi tế, bốn là chính giác, năm là trí tuệ tăng thượng, sáu là có thể phân biệt hư và thật, bảy vì là chính khí của thánh đạo, tám là vì được sinh bởi nghiệp thông tuệ. Cho nên nói nhân đạo là Ma-nô-sa.
Tại sao đất này gọi là Diêm-Phù-Đề? Nhân vì cây Diêm-Phù-Đề nên được tên gọi này.
Tại sao gọi là Tây Cù-Da-Ni? Vì đất này ở phía Tây của Diêm-Phù-Đề, và vì tư sinh buôn bán trọn đều dùng trâu, trâu tên là Cù-Da-Ni nên gọi đất này là Tây Cù-Da-Ni.
Tại sao gọi là đông Tì-Đề-A? Vì đất này ở phía Đông của Diêm-Phù-Đề, hình tướng đáng yêu, vì lợi dưỡng thắng hơn, cho nên gọi là Đông Tì-đề-A.
Tại sao gọi là Bắc Uất-Đan-Việt? Vì đất này ở phía Bắc của Diêm-Phù-Đề, vì tâm ngay thẳng và thiện, vì sau sẽ thắng hơn, vì tất cả của cải hơn chỗ khác, cho nên gọi là Bắc Uất-Đan-Việt.
Tại sao cõi trời thứ nhất gọi là Đại Vương Thiên, Đề-Đầu-Lại-Tra...Tứ Đại Vương? Vì ở trong đó là tăng thượng, là thượng thủ vậy.
Tại sao cõi trời thứ hai gọi là Đao-Lợi Ba Mươi Ba Thiên Vương? Vì ở trong đó làm vương vị Đế Chủ tự tại, nên gọi là Đao-Lợi thiên.
Tại sao cõi trời thứ ba gọi là Dạ-Ma? Vì ngày đêm thời tiết phân phân độ thời, nói như thế này: ? tai, hoan lạc bất khả tư nghì, nên gọi là Dạ-Ma.
Tại sao cõi trời thứ tư gọi là Đâu-Suất-Đà? Vì hỉ lạc no đủ, với các của cải tự biết đầy đủ, với Bát thánh đạo không sinh biết đủ nên gọi là Đâu-Suất-Đà.
Tại sao cõi trời thứ năm gọi là Duy-Ma-La-Ni? Vì trong đó chư Thiên như ý hóa làm cung điện, vườn rừng, tất cả đồ vui chơi mà thọ vui trong đó nên gọi là Duy-Ma-La-Ni.
Tại sao cõi trời thứ sáu gọi là Ba-La Duy-Ma-Bà-Xà? Những cung điện, vườn rừng, tất cả đồ vui chơi của người khác biến hóa làm ra thì tự tại, kể như đó là của mình, thọ vui ở trong đó nên gọi là Ba-La Duy-Ma Bà-Xà.
Tại sao cõi Phạm thứ nhất gọi là Phạm Tiên Hành? Nếu ai từ cõi Dục vào cõi Sắc, trước phải đến chỗ này nên gọi là Phạm Tiên Hành.
Tại sao cõi thứ hai gọi là Phạm Chúng? Vì Đại Phạm Vương nhiều quyến thuộc nên gọi là Phạm chúng.
Tại sao cõi thứ ba gọi là Đại Phạm? Vì được sinh ra từ nghiệp được tạo ra của trung gian Sơ thiền tối thắng, vì tự tại không hệ thuộc người khác, vì có thể quán sát sự việc của người khác, vì làm chủ của (những chúng sinh)đã sinh, đáng sinh nên gọi là Đại Phạm.
Tại sao cõi trời thứ nhất của đệ Nhị Thiền gọi là Thiểu Quang? Vì khi nói năng trong miệng phát ra ít ánh sáng nên gọi là Thiểu Quang.
Tại sao cõi thứ hai gọi là Vô Lượng Quang? Vì khi chư Thiên nói năng, từ trong miệng hiển hiện vô lượng ánh sáng, cho nên gọi là Vô Lượng Quang.
Tại sao cõi Phạm thứ ba gọi là Biến Thắng Quang? Vì chư Thiên này khi nói năng, từ miệng phát ra ánh sáng khắp mọi nơi đầy đủ không sót, nên gọi là Biến Thắng Quang.
Tại sao cõi trời thứ nhất của Tam Thiền thiên gọi là Thiểu Tịnh? Vì trong đó chư Thiên thọ lạc ít, sự thọ lạc tịch tịnh này tương ưng với đệ tam thiền. Vì thọ sự lạc ít này nên gọi là Thiểu Tịnh.
Tại sao cõi trời thứ hai gọi là Vô Lượng Tịnh? Vì trong đó an lạc của chư Thiên hơn cõi trước, thọ lạc tịch tịnh tương ưng với tam thiền, nên gọi là Vô Lượng Tịnh.
Tại sao cõi thứ ba gọi là Biến Tịnh? Trong đó thọ lạc khắp cả thân và tâm rốt ráo không sót, thọ lạc tịch tịnh tương ưng với tam thiền. Chư Thiên thọ lạc này nên gọi là Biến Tịnh.
Tại sao cõi trời thứ nhất của đệ Tứ Thiền gọi là Vô Vân? Vì khổ và lạc ở trước diệt, vì với tiền phương tiện hết sạch ưu và hỉ, vì trong đó xả thọ trí niệm thanh tịnh, trong đó chư Thiên thọ cái “ xả thọ” nên gọi là Vô Vân.
Tại sao cõi trời thứ hai gọi là Sinh Phúc? Phúc là trí niệm xả được sinh tương ưng các thiền đã sinh, thọ dụng ba chi như thế gọi là Sinh Phúc.
Tại sao cõi thứ ba gọi là Quảng Quả? Quảng nghĩa là dung chứa to lớn công lực của quả và báo được sinh, hai thứ này có thể nhiếp định, tuệ và lìa dục y chỉ, nên gọi là Quảng Quả.
Tại sao cõi thứ tư gọi là Vô Tưởng thiên? Vì trong đó chư Thiên không có tưởng. Thế nào là tưởng? Hai thứ tưởng chung và riêng, mỗi thứ sinh quả báo khác nhau, vì trong đó không có, chỉ có sắc ấm và bất tương ưng hành ấm nên gọi là Vô Tưởng thiên.
Tại sao Na-Hàm thiên? Thứ nhất gọi là Thiện Hiện, xưa ở địa vị nhân có thể khiến thấy thật không có nghĩa khác, có thể khiến thọ nhận, có thể khiến giải hiểu gọi là Thiện Hiện.
Tại sao thứ hai gọi là Thiện Kiến? Xưa tại địa vị nhân, tăng trưởng thọ mạng , đủ bốn chi đề tài và tài sản của người đều làm sự lợi ích, thiện chính thủ hộ; trong đó sinh chính kiến không trừ không thủ giữ. Nhân vì Thiện Hiện ở trước và cái nhân này nên gọi là Thiện Kiến.
Tại sao thứ ba gọi là Bất Phiền? Xưa tại địa vị nhân không tổn não người, không có ý phương ngại, không có ý bức bách nhau, nhân Thiện Hiện ở trước và nghiệp này, cho nên gọi là Bất Phiền.
Tại sao thứ tư gọi là Bất Thiêu? Trong đó chư Thiên, xưa tại địa vị nhân, không thiêu tự thân, không quẫn bách thân, lại chẳng thiêu và khốn khổ người, làm mình và người cùng an lạc, nhanh chóng thông đạt, nên nhân Thiện Hiện ở trước và nghiệp này, nên gọi là Bất Thiêu.
Tại sao thứ năm gọi là A-Ca-Ni-Tra? Ca-Ni-Tra gọi là hạ phẩm, vì đều đã vượt qua mười bảy địa hạ phẩm ở trước. Lại có từ trời hạ phẩm đến trời Cứu Cánh, vì trong đó mà bát niết-bàn. Vì lại có chư Thiên tên là A-Ca-Ni-Tra đến bát niết-bàn. Cho nên gọi là A-Ca-Ni-Tra.
Tại sao cõi trời thứ nhất cõi Vô Sắc gọi là Không Vô Biên? Vì Nhập vào không thì không có chỗ làm, không có hữu vi, không thể tắc ngại, vượt qua tướng ngại đủ loại hữu tướng, vì tâm duyên một tưởng, nên không có hai, không có khác; nhân cái không này mà nghiệp được sinh ra, cho nên gọi là Không Vô Biên Nhập.
Vì sao thứ hai gọi là Thức Vô Biên Nhập? Nhập vào thiên thức là ý thức thứ sáu. Thức này bên trong nên vi tế hơn cái không bên ngoài, vượt qua các tướng ngăn ngại, vượt qua các tướng bên ngoài, duyên một tưởng nên không có hai, không có khác; nhân thức này mà nghiệp được sinh, nên gọi là Thức Vô Biên Nhập.
Vì sao thứ ba là Vô Sở Hữu Nhập? Nhập thiên Vô Sở Hữu là trừ hai tướng thô trước, lìa khỏi hai thứ ấy ra, không có cảnh giới nào khác, vượt quá tướng bên ngoài và bên trong, tâm duyên một cảnh nên không có hai, không có khác; nhân tâm này mà nghiệp được sinh, cho nên gọi là Vô Sở Hữu Nhập.
Vì sao thứ tư gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Nhập? Vì thiên Phi Tưởng thì vi tế, nên không phải bảy thứ định trước, cho nên gọi là Phi Tưởng. Phi Phi Tưởng là nếu Vô Tưởng Định và Vô Tâm Định- hai định như thế gọi là Vô Tâm Định, vì cùng không có tâm; nay ắt có tâm cho nên gọi là Phi Phi Tưởng định. Nhân nơi định này nghiệp sở sinh, cho nên gọi là Phi tưởng Phi Phi Tưởng Nhập.
Từ Diêm-Phù-Đề hướng xuống hai vạn do-tuần là chỗ địa ngục lớn Vô Gián; từ Diêm-Phù-Đề hướng xuống một vạn do-tuần là địa ngục Dạ-Ma thế gian. Khoảng giữa của hai địa ngục này có địa ngục khác.
Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên bốn vạn do-tuần là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên tám vạn do-tuần là chỗ của Tam Thập Tam thiên. Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên mười sáu vạn do-tuần là chỗ của Dạ-Ma thiên. Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên ba ức hai vạn do-tuần là chỗ của Đâu-Suất-Đà thiên. Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên mười sáu ức bốn vạn do-tuần là chỗ của Tha Hóa Thiên. Từ Diêm-Phù-Đề hướng lên trên hai mươi ức tám vạn do-tuần là chỗ ở của Tha Hóa Tự Tại thiên.
Có Tì-Khưu hỏi Phật: Thế Tôn! Từ Diêm-Phù-Đề đến chỗ Phạm thiên xa hay gần?
Phật nói: Tì-khưu! Từ Diêm-Phù-Đề đến chỗ Phạm thiên rất xa, rất cao, khác nhau, lìa nhau. Tì-khưu, ví như ngày mười lăm tháng Chín, khi mặt trăng tròn đầy, nếu có một người ở chỗ Phạm thiên phóng tảng đá vuông một trăm trượng hướng xuống Diêm-Phù-Đề, khoảng giữa không có chướng ngại, đến năm sau, khi trăng tròn đầy tháng Chín thì đến chỗ Diêm-Phù-Đề. Phạm thiên và Diêm-Phù-Đề xa như thế. Từ chỗ Phạm thiên đến cõi trời Thiểu Quang lại gấp nhiều lần như trước.
Từ cõi trời Thiểu Quang đến cõi trời Vô Lượng Quang lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Vô Lượng Quang đến cõi trời Biến Thắng Quang lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Biến Thắng Quang đến cõi trời Thiểu Tịnh lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Thiểu Tịnh đến cõi trời Vô Lượng Tịnh lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Vô Lượng Tịnh đến cõi trời Biến Tịnh lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Biến Tịnh đến cõi trời Vô Vân lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Vô Vân đến cõi trời Sinh Phúc lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Sinh Phúc đến cõi trời Quảng Quả lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Quảng Quả đến cõi trời Vô Tưởng lại xa gấp một lần. Từ cõi trời Vô Tưởng đến cõi trời Thiện Hiện lại xa một bội. Từ cõi trời Thiện Hiện đến cõi trời Thiện Kiến lại xa một bội. Từ cõi trời Thiện Kiến đến cõi trời Bất Phiền lại xa một bội. Từ cõi trời Bất Phiền đến cõi trời Bất Thiêu lại xa một bội. Từ cõi trời Bất Thiêu đến cõi trời A-Ca-Ni-Tra lại xa một bội. Mà nói kệ rằng:
Từ A-Ca-Nê-Tra
Cho đến Diêm-Phù-Đề
Phóng đá lớn như núi,
Sáu vạn năm ngàn năm
Năm trăm ba mươi lăm
Khoảng giữa nếu không ngại
Mới đến Diêm-Phù-Đề.
Người Diêm-Phù-Đề nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể nào trong vách núi mà ra vào vô ngại. Người Diêm-Phù-Đề nếu du hành thì chỉ có thể đến nơi Hắc sơn lớn nhỏ, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể quá đây.
Người Tây Cù-Da-Ni nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể ra vào trong vách núi. Nếu du hành thì chỉ có thể đến đất ven biển. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể quá đây.
Người của Đông Phất-Bà-Đề nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không ai có thể trong vách núi mà vào ra vô ngại. Nếu du hành thì không thể đến đất ven biển. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể quá đây.
Người của Bắc Uất-Đan-Việt nếu lìa thần thông và công năng của người khác thì chẳng ai có thể trong vách núi mà ra vào vô ngại. Nếu du hành thì chẳng thể đến nội biên của núi kia. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể quá đây.
Tứ Thiên Vương Thiên, từ chỗ cung điện, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không ai có thể trong vách núi mà vào ra vô ngại. Nếu du hành thì chỉ đến trong núi Thiết Vi. Nếu lìa thần thông và công lực của người khá thì chẳng thể quá đây.
Chư Thiên Đao-lợi từ chỗ cung điện, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không ai có thể trong vách núi mà ra vào vô ngại. Nếu du hành thì chỉ đến ven núi Thiết Vi. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể quá đây.
Chư Thiên của trời Dạ-Ma, Đâu-Suất-Đà, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự tại và Phạm tiên Hành, Phạm chúng từ chỗ cung điện, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không ai có thể trong vách núi mà vào ra vô ngại. Nếu du hành thì chỉ trong một thế giới. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể quá đây.
Trời Đại Phạm từ chỗ cung điện, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không ai có thể trong vách núi mà vào ra vô ngại. Nếu du hành thì chỉ trong một nghìn thế giới. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể quá đây.
Từ đệ nhị thiền cho đến trời A-Ca-Nê-Tra, từ chỗ cung điện thì cũng như trước đã nói. Nếu du hành thì chỉ trong một nghìn thế giới. Nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể quá đây.
Trong đại địa ngục lấy ngục tốt lớn làm vua giàu có tự tại. Chỗ địa ngục của Diêm-La lấy Diêm-La vương làm vương phú tự tại.
Tất cả cầm thú và la-sát nước lấy Bà-Lâu-Na làm vua giàu có tự tại.
Các rắn, rồng lấy Long vương Bà-Tu-Cát làm vua giàu có tự tại.
Các đại long lấy Ma-Na-Tư long vương làm vua giàu có tự tại.
Các voi rồng lấy tượng vương Lâu-Xà-Kỳ-lợi làm vua giàu có tự tại.
Các chim bay lấy Ca-Lâu-La vương làm vua giàu có tự tại.
Chúng sinh bộ hành bốn chân lấy sư tử vương làm vua giàu có tự tại.
Tất cả quỷ đạo lấy quỷ tôn làm vua giàu có tự tại.
Tất cả Tu-la đạo lấy bốn Tu-la vương làm vua giàu có tự tại: Một là La-Hầu, hai là Ba-La-Đà, ba là Tì-Ma-Chất-Đa, bốn là Bà-Lợi Tì-Lô-Già.
Diêm-Phù-Đề lấy vua Chuyển luân làm vua giàu có tự tại. Vua một xứ làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn người già làm vua giàu có tự tại. Có lúc không có vua như thời kiếp sơ thành lập.
Tây Cù-Da-Ni lấy chuyển Luân vương làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Có lúc không có vua như kiếp sơ lập.
Đông Phất-Bà- Đề lấy vua chuyển luân làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Có lúc không có vua như kiếp sơ lập.
Bắc Uất-Đan-Việt lấy vua chuyển luân làm vua giàu có tự tại. Quốc chúng tôn lão làm vua giàu có tự tại. Có lúc không có vua.
Chỗ Tứ Thiên Vương lấy Đại Tứ Thiên Vương làm vua giàu có tự tại. Đao-Lợi thiên lấy Tam Thập Tam Thiên làm vua giàu có tự tại. Dạ-Ma thiên lấy Tu-Dạ-Ma vương làm vua giàu có tự tại. Đâu-Suất-Đà thiên lấy Thiện Túc Ý vương làm vua giàu có tự tại. Hóa Lạc thiên lấy Thiện Hóa vương làm vua giàu có tự tại. Tha Hóa Tự Tại thiên lấy Linh Tự Tại thiên làm vua giàu có tự tại.
Tất cả trong cõi Dục lấy ác ma vương làm vua giàu có tự tại.
Trong một nghìn thế giới lấy Đại Phạm thiên vương làm vua giàu có tự tại.
Chỗ Thế gian và chư Thiên, ma vương, chỗ Đại Phạm, chỗ Sa-môn, Bà-la-môn và người, trời lấy pháp nhiên của Như Lai A-La-Hán Tam Miệu Tam Phật Đà làm vua giàu có tự tại.
Nếu ở Diêm-Phù-Đề trẻ con sinh đã được bốn tháng thì lớn như trẻ con sơ sinh ở Tây Cù-Da-Ni.
Trẻ con sơ sinh ở đông Phất-Bà-đề thì lớn như trẻ con năm tháng ở Diêm-Phù-Đề.
Nếu Diêm-Phù-Đề trẻ con sinh đã đủ sáu tháng thì lớn như trẻ sơ sinh ở Bắc uất-đan-Việt.
Như trẻ con ở Diêm-Phù-Đề sáu năm tuổi thì chỗ Tứ Thiên Vương trẻ con sơ sinh cũng sinh như thế, đến ngày thứ bảy đã lớn như cha mẹ.
Như ở Diêm-Phù-Đề trẻ con sinh được bảy năm tuổi thì nơi trời Đao-lợi, trẻ con cũng sinh như thế, đến ngày thứ bảy đã thành người.
Như ở Diêm-Phù-Đề trẻ con tám tuổi thì nơi trời Dạ-Ma, trẻ con cũng sinh như thế, đến ngày thứ bảy đã thành người.
Như ở Diêm-Phù-đề trẻ con sinh được chín năm tuổi thì ở cõi trời Đâu-suất-Đà, trẻ con cũng sinh như thế, đến ngày thứ bảy đã thành người.
Từ cõi trời Hóa Lạc đến cõi trời A-Ca-Nê-Tra, xứng với hình tướng sinh liền đầy đủ: Ở Diêm-Phù-Đề lớn một tầm rưỡi thì ở Tây Cù-Da-Ni một tầm. Ở Tây Cù-Da-Ni một tầm rưỡi thì ở Đông Phất-Bà-Đề một tầm. Ở Đông Phất-Bà-Đề một tầm rưỡi thì ở Bắc Uất-Đan-Việt một tầm.
Ở cõi trời Tứ Thiên Vương một già-phù-địa là một phần tư do-tuần. Tứ Thiên Vương thiên thân cao hai già-phù-địa. Thân của chư Thiên Đao-Lợi cao một nửa do-tuần. Thân của Đế-Thích dài ba già-phù-địa. Chư Thiên Dạ-Ma thân dài một do-tuần. Đâu-Suất-Đà thiên dài hai do-tuần. Chư Thiên Hóa Lạc thân dài bốn do-tuần. Trời Tha Hóa Tự tại thân cao tám do-tuần. Tất cả sắc giới cho đến cõi trời A-Ca-Nê-Tra thân đều cao mười hai do-tuần.
Từ Diêm-Phù-Đề đến cõi trời A-Ca-Nê-Tra đều lần lượt cao hơn tự thân bốn thốn.
Sắc thân chúng sinh Diêm-Phù-Đề đủ loại không giống nhau. Có màu trắng như các nước Dạ-Bà, Na-Bà, Lợi-Tra, Chỉ-Na; có màu đen như các nước Bạt-Bà, La-Kiếm, Bổ-Xà; Có màu xanh như các nước Đà-Mi, La-Tân, Khả-La; Có màu xích bạch như các nước Thủ-Đà, A-Tì-La...; Có màu vàng như các nước Cơ-La-Đa và Tì-La.
Đông Phất-Bà-Đề và Tây Cù-Da-Ni thì chỉ trừ màu đen, còn lại thì đều như Diêm-Phù-Đề. Bắc Uất-Đan-Việt tất cả người dân đều trắng sạch.
Cõi trời Tứ Thiên Vương có bốn loại sắc: Có xanh cám, đỏ, vàng và trắng. Tất cả chư Thiên cõi Dục cũng đều như thế.
Tại sao sắc của chư Thiên có bốn loại? Khi bắt đầu thọ sinh, nếu thấy sắc hoa xanh thì thân ắt sắc xanh; các sắc khác cũng như thế.
Y phục của người Diêm-Phù-Đề có y Ca-Ba Bà-Xu-Ma, y Kiều-đỗ-da, y lông, y nạp, y cỏ, y vỏ cây, y da thú, y lớp ván, y bằng cây Kiếp-Ba.
Áo của người Tây Cù-Da-Ni có áo Ca-ba-bà, áo xu-ma, áo Kiều-đổ-da, áo lông, áo nạp, áo ma, áo cỏ, áo vỏ cây, áo da thú, áo lớp bản, áo bằng cây Kiếp-ba.
Áo của người đông Phất-Bà-Đề có áo Ca-ba-bà, áo Xu-ma, áo Kiều-đổ-da, áo lông, áo nạp, áo ma.
Người Uất-Đan-Việt có áo bằng cây Kiếp-ba dài hai mươi thốn, rộng mười thốn, nặng một ba-la.
Tứ Thiên Vương Thiên cũng có y kiếp-ba, dài bốn mươi thốn, rộng hai mươi thốn, nặng một nửa ba-la.
Chư Thiên đao-Lợi cũng mang y kiếp-ba, dài tám mươi thốn, rộng bốn mươi thốn, nặng một ba-la và một phần tư ba-la.
Trời Dạ-Ma mang y Kiếp-ba dài một trăm sáu mươi thốn, rộng tám mươi thốn, nặng một ba-la và một phần tám ba-la.
Đâu-Suất-Đà thiên mang y Kiếp-ba dài ba trăm hai mươi thốn, rộng một trăm sáu mươi thốn, nặng một ba-la và một phần mười sáu ba-la.
Cõi trời Hóa Lạc cho đến Tha Hóa Tự Tại y được mặc thì tùy tâm mà lớn hay nhỏ, nặng nhẹ cũng như thế.
Y phục và trang sức của người Diêm-Phù-Đề đủ loại không giống nhau. Hoặc có tóc dài phân làm hai búi, hoặc có tóc ngắn, tóc búi, hoặc có cắt bỏ râu tóc, hoặc có cắt râu cắt tóc, hoặc có tóc gùi, hoặc có cắt đàng trước gùi đàng sau, hoặc khiến tròn, hoặc có tóc cuộn tròn.
Hoặc có khỏa thân, hoặc mang quần áo, che trên lộ dưới, hoặc lộ trên che dưới, hoặc trên dưới đều che, hoặc buộc kỹ trước sau.
Trang sức của người Tây Cù-Da-Ni đều phủ tóc trên dưới, đắp y như nước Thủ-Đà A-Tì-La.
Người Đông Phất-Bà-Đề trang sức tóc bằng cách cắt trước búi sau, trên và dưới mang hai y, y trên thì mặc, y dưới chỉ quấn thân mà thôi, như trang sức của hai nước Ương-Già và Ma-Dà-Đà.
Người Bắc Uất-Đan-Việt trang sức râu ria xanh đen luôn luôn, như phát-la, năm ngày tóc trên đầu tự nhiên dài, rộng bảy ngón tay, không tăng giảm.
Tứ Thiên Vương Thiên trang sức râu, hoặc trên đảnh lưu một búi tóc, tóc khác đều trừ bỏ, gọi là châu-la kế, hoặc cạo bỏ râu tóc, hoặc có cắt tóc cắt râu, hoặc có tóc biến thể, hoặc có phủ tóc, hoặc cắt trước phủ sau khiến trò. Hoặc có khỏa thân, hoặc mang y phục, hoặc che trên lộ dưới, hoặc che dưới lộ trên, hoặc trên dưới đều che, hoặc buộc kỹ trước sau. Chư Thiên cõi Dục trang sức cũng lại như thế.
Chư Thiên cõi sắc không mang y phục cũng như mang y phục, không khác. Đầu tuy có tóc giống như mũ trời. Vượt qua tướng nam, nữ, hình chỉ một loại.
Người Tây Cù-Da-Ni ăn uống: Cơm gạo, lúa mì, lúa mạch và thịt, cá, rễ cây tế-khư-đà, quả khư-đà-ni, sữa, lạc.
Trong đó nhiều nhất là người Đông Phất-Bà-đề ăm cơm lúa mì, lúa mạch và thịt, cá rễ cây khư-đà-nê, quả khư-đà-nê, ăn bột gạo mịn.
Người Bắc Uất-Đan-việt chỉ ăn lúa gạo, lúa không trồng mà tự sinh, chẳng gặt mà tự có, không cần sàng sẩy mà tự sạch. Sắc, hương, vị, xúc của gạo đều tốt đẹp như mật ong tinh khiết. Trong ấy có cây tên là Đơn-Tri-Chỉ-La, cây này sinh trái giống như cái nồi, lại giống như quả thị. Nếu người muốn ăn, lấy trái cây này, bỏ hết nước. Lại có hòn đá tên Thọ-Đề, lấy trái cây ấy để trên đá thì tự sinh lửa. Người ta lấy gạo để trong nồi, không nhọc công mà lượng tự chuẩn tự nhiên tương xứng với nồi. Khi cơm chín, đá tự trở lại nguội. Lại cũng dùng trái cây đó, lấy hết nước đi. Nếu ai đó muốn lấy ăn thì tùy ý lấy ăn, không nghĩ rằng: người kia cho ta; Người làm đồ ăn cũng không nghĩ: Ta nay cho người kia. Nếu ăn xong thì bỏ đó mà đi, dụng cụ nấu ăn và đồ ăn dư thì đất nhận lấy, nhận rồi liền khép lại.
Tứ Thiên vương Thiên đều ăn vị Tu-đà, sáng ăn một đúm, chiều ăn một đúm. Đồ ăn vào trong thân thể rồi, biến thành phần thân. Vị Tu-đà này đều sinh tự nhiên vườn rừng, ao. Vị Tu-đà này cũng có thể hóa làm khư-đà-nê ...tất cả ẩm thực.
Tất cả cõi Dục chư Thiên ăn cũng như vậy.
Chư Thiên cõi Sắc từ Sơ thiền cho đến Biến tịnh lấy vui làm thức ăn. Chư Thiên bên trên đều lấy ý nghiệp làm thức ăn.
Người Diêm-Phù-Đề buôn bán hay dùng vàng, bạc, cốc, mễ...hoặc các tạp vật, trân châu, ma-ni, đủ loại các báu, hoặc lấy chúng sinh để làm hàng hóa trao đổi.
Tây Cù-Da-Ni buôn bán giao dịch chỉ dùng trâu bò. Đông Phất-Bà-Đề buôn bán giao dịch dùng lúa gạo. Bắc Uất-Đan-Việt không có buôn bán giao dịch.
Tứ Thiên Vương Thiên buôn bán giao dịch dùng sinh thục, vàng, bạc, hoặc lúa gạo, hoặc các tạp hóa trân bảo, ma-ni đủ loại các báu, hoặc lấy chúng sinh để làm hàng hóa trao đổi.
Tất cả chư Thiên trong cõi Dục cũng lại như thế.
Cõi Sắc ắt chẳng giống với người Uất-Đan-Việt và Diêm-Phù-Đề: Hoặc tự sát sinh, hoặc bảo người giết, chết rồi ắt ăn thịt. Tây Cù-Da-Ni cũng lại như vậy.
Người Đông Phất-Bà-Đề tự không sát sinh, không khiến người sát sinh, nếu có chúng sinh tự chết ắt ăn thịt.
Bắc uất-Đan-Việt tự không sát sinh, không khiến người sát sinh, chúng sinh chết không ăn thịt.
Tứ Thiên Vương Thiên tự giết và khiến người giết, chúng sinh chết không ăn thịt.
Chư Thiên Đao-Lợi tự giết và khiến người giết, chúng sinh chết không ăn thịt.
Từ trời Dạ-Ma đến trời A-Ca-Nê-Tra không tự mình giết cũng không khiến người giết, chúng sinh chết không ăn thịt.
Người Diêm-Phù-Đề nếu quyến thuộc chết thì tống táng trong núi, thiêu thi thể mà bỏ đi, hoặc để trong nước hoặc chôn trong đất, hoặc để trên đất trống.
Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-Bà-Đề cũng lại như thế.
Người Bắc Uất-Đan-Việt nếu quyến thuộc chết thì không tống táng, không thiêu, không vứt. Chim làm tống táng. Bỏ tử thi ngoài núi, chim đến mà bèn mổ ăn.
Tứ Thiên Vương Thiên khi quyến thuộc chết cũng không tống táng, không thiêu, không vứt bỏ, mất như ánh sáng, không có thi hài. Chư Thiên bên trên tất cả cũng đều như vậy.
Trong Diêm-Phù-Đề có năm loại cây: Cây vàng, cây bạc, cây pha-lê-kha, cây lưu ly, cây a-lợi-đa. Cây của Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-Bà- Đề cũng như thế. Bắc Uất-Đan-Việt chỉ có cây A-lợi-đa, bốn loại kia không có.
Tứ Thiên Vương Thiên cũng có năm loại cây báu đều như trên đã nói. Tất cả chư Thiên cõi Dục có năm loại cây cũng lại như vậy. Trong các cõi trời, cõi Sắc đều không có cây.
Trong Diêm-Phù-Đề có năm loại hoa: Vàng, bạc, pha lê kha, lưu ly, a-lợi-đa. Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-Bà-Đề cũng lại như vậy. Bắc Uất-Đan-Việt có cây tên là Tán-đa-na, hoa của nó trọn đều bằng báu a-lợi-đa. Tứ Thiên Vương Thiên đều có năm loại hoa. Tất cả cõi Dục cũng lại như vậy. Cõi Sắc đều không có.
Trong Diêm-Phù-Đề có điện đường bằng: Vàng, bạc, pha lê kha, lưu ly, a-lợi-đa; có rừng cây. Các điện đường thì hoặc có nhà bằng đá, nhà bằng đất. Tây Cù-Da-Ni cũng như vậy. Đông Phất-Bà-Đề điện đường đều bằng vàng, không có loại nhà khác.
Bắc Uất-Đan-Việt có cây tên là Mạn-Thù-Sa như đại điện cao lớn, lá lá phủ nhau gió sương không lọt , tất cả mọi người lấy làm nhà ở.
Tứ Thiên Vương thiên có năm loại điện đường: Vàng, bạc, pha lê kha, lưu ly, a-lợi-đa. Tất cả chư Thiên cõi Dục cũng lại như vậy.
Chư Thiên cõi Sắc có các điện đường đều bằng báu màu trắng, trong đó chư Thiên, xưa tại địa vị nhân có tâm không tịnh mà hành bố thí, hy vọng được quả báo, nay ở địa vị quả, cung điện đắc được quang sắc tối tăm không thể sáng sạch. Nếu chư Thiên này trong địa vị nhân không có tâm tịnh mà hành bố thí, không hy vọng cầu quả vị lai: “ta có, người không có, ta là chủ, người không phải là chủ”. Là đạo lý chân chính, là tương ưng với pháp. Nếu có thể trụ, bố thí không trụ, nếu hành bố thí, tâm thanh tịnh an ổn, vì trang nghiêm tâm, vì trụ tịnh tâm nên hành bố thí, thì do tâm này, khi trong tại địa vị quả, cung điện đắc được quang minh vi diệu, không có tối lậu.
Người Diêm-Phù-Đề nếu lìa thần thông và nhân nơi công lực của người khác ắt chẳng thể thấy được sắc thông qua vách núi, tường thành che chướng bên ngoài. Tây Cù-Da-Ni, Đông Phất-Bà-Đề, Bắc Uất-Đan-Việt nếu lìa thần thông và nhân nơi công lực của người khác ắt chẳng thể thấy sắc thông qua vách núi, tường thành che chướng bên ngoài. Tứ Thiên Vương Thiên nếu lìa thần thông và công lực của người khác, nơi xứ sở của mình chẳng thể thấy sắc thông qua vách núi, thành che chắn bên ngoài. Nếu khi nhìn xa chỉ thấy sắc núi Thiết Vi, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì không thể thấy hết bên ngoài núi này. Chư Thiên Đao-Lợi nơi cung điện mình, nếu lìa thần thông và công lực của người khác, không thể thấy được sắc bên ngoài vách núi, thành quách. Nếu khi quán sát xa, chỉ thấy được trong núi Thiết Vi, nếu lìa thần thông và công lực của người khác, không thể thấy suốt được bên ngoài núi Thiết Vi. Dạ-Ma thiên cho đến Phạm Chúng cũng đều như vậy.
Đại Phạm Thiên Vương nơi cung điện mình, nếu lìa thần thông và công lực của người khác, không thể thấy được sắc bên ngoài vách núi, thành quách. Nếu khi quán sát xa, chỉ thấy trong một nghìn thế giới, nếu lìa thần thông và công lực của người khác thì chẳng thể thấy suốt.
Người Diêm-Phù-Đề nếu làm mai cho người nữ thì gia đình người nữ phải hứa gả rồi mới được nghênh tiếp. Hoặc có sự mua thiếp, hoặc có bán nữ tì. Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-Bà-Đề cũng lại như vậy. Người Bắc Uất-Đan-Việt không hỏi vợ cũng chẳng đón dâu, không bán chẳng mua. Nếu người nam muốn lấy người nữ thời để ý người nữ kia; nếu người nữ muốn người nam thời cũng nên để ý xem kỹ. Nếu người nữ không gặp người nam, thì nhờ người nữ khác báo rằng: Người này thấy ông tức là vợ chồng. Nếu người nam không gặp người nữ, thời nhờ người nam khác báo rằng: Người ấy thấy cô cũng làm vợ chồng. Nếu tự gặp nhau bèn theo nhau cùng đến chỗ riêng.
Tứ Thiên Vương Thiên nếu hỏi người nữ, gia đình người nữ đã đồng ý mới được nghênh tiếp. Hoặc có bán, có mua. Tất cả cõi Dục chư Thiên cũng đều như vậy.
Trong Diêm-Phù-Đề có căn nam, nữ để hòa hợp cùng nhau. Đông Phất-Bà-Đề, Tây Cù-Da-Ni, Bắc Uất-Đan-Việt đều cũng như vậy. Tứ Thiên Vương Thiên, Đao-Lợi thiên nam nữ hòa hợp cũng lại như vậy. Chư Thiên Dạ-Ma lấy ôm nhau làm dục. Đâu-Suất-Đà thiên lấy nắm tay nhau làm dục. Chư Thiên Hóa Lạc cùng cười làm dục. Tha Hóa Tự tại thiên nhìn nhau làm dục.
Tây Cù-Da-Ni thọ các dục gấp hai lần hơn người Diêm-Phù-đề. Cho đến chư Thiên Tha Hóa Tự tại dục hơn Hóa Lạc cũng đều gấp hai.
Người nữ Diêm-Phù-Đề có ăn uống tệ, có thai dài lâu, có lúc mới sinh, có cho con bú. Tây Cù-Da-Ni và Đông Phất-bà-Đề cũng lại như vậy. Bắc Uất-Đan-Việt người nữ có ăn đồ bất tịnh, có mang thai lâu, có sinh sản, chỉ không cho con bú. Nếu sinh con trai hay gái, đem bổ ra ngã tư đường, mỗi người lấy ngón tay cho vào miệng đứa trẻ, nhân vì sự chạm xúc này mà thân thể lớn lên một chút.
Người Uất-Đan-Việt nam nữ ở riêng, không có tạp giao với nhau. Nếu sinh con trai thì bảy ngày thành người, bèn hòa vào đám con trai. Nếu sinh con gái thì bảy ngày thành người, bèn hòa nhập vào đám con gái. Nếu nam nữ có ý dục với nhau thì cùng đến dưới cây Mạn-thù-sa, cây tức bèn che phủ, việc dục ắt thành, nếu không che phủ thì bèn lìa nhau, biết là tà dâm, ắt chẳng dám phạm.
Chỗ Tứ Thiên Vương, các Thiên nữ không có ăn đồ tạp, không có thai lâu, cũng không sinh con, cũng không cho bú. Nam nữ thiên hoặc nơi trên đầu gối, hoặc nơi mắt đều có thể sinh con. Nếu sinh nơi đầu gối hoặc mắt của mẹ, Thiên nữ nghĩ rằng: Đây là con tôi. Thiên nam cũng nói: Đây là con tôi, ắt chỉ một cha, một mẹ. Nếu sinh nơi đầu gối của cha thời chỉ có một cha, nhưng các thê thiếp đều có thể làm mẹ.
Người Diêm-Phù-Đề một đời hành dục vô số vô lượng. Cũng có những người tu thanh tịnh hành đến chết không hành dục. Tây Cù-Da-Ni người nhiều dục, trong một đời số đến mười hai lần. Trong đó, người hành dục có đến hoặc mười lần. Cũng có những người tu thanh tịnh hành, đến chết không có dục. Đông Phất-Bà-Đề, người nhiều dục thì trong một đời số đến bảy lần, trong đó hoặc có người đến năm, sáu lần. Cũng có những người tu thanh tịnh hành, đến chết không hành dục. Người Uất-Đan-Việt, người nhiều dục thì trong một đời, số chỉ đến năm lần, trong đó phẩm giả hoặc đến ba, bốn. Cũng có những người tu thanh tịnh hành, đến chết không hành dục. Tứ Thiên Vương thiên sự hành dục trong một đời vô lượng vô số. Cũng có người tu thanh tịnh hành, đến chết không hành dục. Tất cả chư Thiên cõi Dục cũng lại như vậy.
Phàm tất cả người nữ lấy chạm xúc làm vui thích, tất cả người nam khi xuất bất tịnh thì lấy đó làm vui thích.
Nếu tất cả người nam lấy bất tịnh làm vui thích. Dục của chư Thiên lấy sự tiết khí làm vui thích.
Người Diêm-Phù-Đề có ba nhân duyên hơn Uất-Đan-Việt và Đao-lợi thiên. Những gì là ba? Một là dũng mãnh, hai là ức trì, ba là trong đó có Phạm hành trụ. Người Uất-Đan-Việt có ba nhân duyên hơn Diêm-Phù-đề và Đao-Lợi thiên: Một là không có “của tôi”, không chứa, nuôi; hai là thọ lượng quyết định một nghìn năm; ba là sau ắt lên trên. Chư Thiên Đao-Lợi có ba nhân duyên hơn Diêm-Phù-Đề và Uất-Đan-Việt: Một là thọ lượng lâu xa, hai là hình tướng kỳ đặc, ba là khoái lạc nhiều nhất.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.38.170 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.