Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích III. ĐOẠN NHÂN MẠNG[110]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn du hóa Tỳ-xá-ly,[111] ở trong giảng đường, bên sông Di hầu.[112] Bằng vô số phương tiện, Phật giảng cho các tỳ-kheo thực hành (quán) bất tịnh,[113] khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh.
Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: «Nay đức Thế tôn vì chúng ta nói thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo liền dùng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh. Sau khi từ thiền định tỉnh giác, các vi ấy sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc. Cũng như con trai hay con gái yêu thích bản thân,[114] đem rắn chết, chó chết, người chết cột nơi cổ mình, để rồi ghê tởm mùi hôi thối ấy. Các tỳ-kheo cũng như vậy, bằng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh, ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, bèn tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết.
Các tỳ-kheo ở trong một khu vườn, bên sông Bà-cầu,[115] khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn đã từng dùng vô số phương tiện nói về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh. Tỳ-kheo kia dùng vô số phương tiện tập tu quán bất tịnh, sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo tên là Vật-lực-già Nan-đề,[116] dòng sa-môn xuất gia,[117] tay cầm dao bén vào trong vườn Bà-cầu.[118] Có một tỳ-kheo đang ghê tởm thân mạng ô uế bất tịnh,[119] từ xa thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề đến, bèn nói rằng:
«Đại đức, hãy đoạn mạng tôi. Tôi đem y bát cho ông.»
Vật-lực-già liền chịu thuê bằng y bát, tức thì đoạn mạng vị tỳ-kheo ấy. Y đi đến bờ sông kia để rửa dao. Lòng sanh hối hận, tự nói: «Hôm nay thật bất lợi cho ta; [576a1] thật chẳng lành cho ta. Tỳ-kheo kia không tội lỗi gì, ta lại nhận lời đoạn mạng căn của ông ấy.»
Vào lúc đó, có một Thiên ma[120] biết tâm niệm của tỳ-kheo này, liền dùng thần túc đến trước Vật-lực-già Nan-đề. Đứng trên mặt nước mà không chìm; khen ngợi, khuyến khích rằng:
«Lành thay, lành thay thiện nam tử! Hôm nay ông được công đức lớn; đã độ người chưa được độ.»
Tỳ-kheo Nan-đề nghe Thiên ma khen rồi, sự hối hận kia tan biến, liền khởi ý nghĩ: «Nay ta đặng công đức lớn; độ người chưa được độ.» Nghĩ như vậy rồi, lại cầm dao vào trong vườn[121] mà hỏi:
«Ai chưa độ, nay tôi sẽ độ cho.»
Khi ấy, có tỳ-kheo chưa ly dục, thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề, thì quá kinh hoảng, lông trong người dựng ngược lên. Vật-lực-già Nan-đề thấy vậy, nói các tỳ-kheo rằng:
«Các ngài chớ sợ. Các căn chưa thuần thục, thì chưa thể hóa kiếp được. Đợi đến lúc thành thục, tôi sẽ hoá kiếp cho.» Trong số các tỳ-kheo ái dục đã diệt tận, thấy Vật-lực-già Nan-đề, lòng không sợ sệt, lông trong người không dựng ngược lên.
Khi ấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề hoặc một ngày giết một tỳ-kheo, hoặc giết hai, ba, bốn, năm cho đến sáu mươi người. Xác chết trong vườn kia vất bỏ bừa bãi, hôi thối, bất tịnh, giống như một bãi tha ma.
Lúc bấy giờ, có các cư sĩ lễ bái các chùa. Lần hồi đến vườn kia, thấy vậy, ai nấy đều kinh sợ, lấy làm kỳ quái, cùng nhau chê bai: «Trong vườn này có sự đại biến. Sa-môn Thích tử không có lòng từ mẫn; giết hại nhau. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy đâu có gì là chánh pháp? Họ giết hại lẫn nhau. Các tỳ-kheo còn tự giết nhau huống là đối với người khác. Từ nay chúng ta chớ nên kính phụng, thừa sự, cúng dường Sa-môn Thích tử nữa.»
Họ rao truyền trong thôn ấp, đừng cho cư trú và vãng lai. Khi ấy các cư sĩ thấy trong vườn này uế ác như vậy nên không tới lui nữa.
Bấy giờ, tỳ-kheo trú tại Tỳ-xá-ly, có nhân duyên nhỏ, tập hợp lại một chỗ.[122] Lúc ấy, đức Thế tôn quan sát số lượng các chúng tỳ-kheo giảm thiểu, và các đại tỳ-kheo có tiếng tăm đều không có mặt. Đức Thế tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi A-nan:
«Chúng tăng tại sao giảm thiểu? Các Đại đức nổi tiếng ở đâu mà không thấy mặt hôm nay?»
Tôn giả A-nan đem nhơn duyên đã xảy ra trình bày đầy đủ với Phật:
«Thế tôn trước đây dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo thuyết giảng một cách rộng rãi về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen sự thực hành (quán) bất tịnh, khen tư duy sự thực hành (quán) bất tịnh. Các tỳ-kheo nghe rồi tu tập, nhàm tởm thân mạng, tìm người đoạn mạng. Do vậy mà số lượng bị giảm thiểu. Cúi xin đức Thế tôn vì các tỳ-kheo mà phương tiện thuyết pháp khác, khiến cho tâm mọi người khai mở, vĩnh viễn không nghi hoặc.»
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
«Nay hãy tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường.»
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường; rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, nay chúng Tăng đã họp, nguyện đức Thánh biết thời.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo:
«Có A-na-ba-na tam-muội ,[123] tịch nhiên khoái lạc. Các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ, vĩnh viễn không phát sanh trở lại. Ví như tiết trời mùa thu, sau cơn mưa thì không còn bụi nhơ. Lại như một trận mưa lớn có khả năng chận đứng luồng gió mạnh. A-na ban-na tam-muội cũng lại như vậy, tịch tịnh khoái lạc. Với các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Các tỳ-kheo liền khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn hôm nay dùng vô số phương tiện vì chúng ta nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Chúng ta hãy tinh cần tu tập.»
Rồi các tỳ-kheo liền bằng đủ phương tiện khác nhau tư duy, nhập a-na ban-na tam- muội. Sau khi từ a-na ban-na tam-muội tỉnh giác, họ tự biết mình chứng đắc pháp tăng thượng thù thắng, an trụ nơi quả chứng.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bằng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu:
«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Làm sao các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu này lại ngu si mà dứt mạng lẫn nhau?»
Đức Thế tôn sau khi dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa… cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người,[124] cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‹Này nam tử, ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!› Với tâm tư duy như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[125] C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người :[126] từ khi thức đầu tiên[127] cho đến khi thức sau cùng mà dứt mạng sống của nó.
Giết :[128] tự mình giết, chỉ sai người giết, sai sứ giết, sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển giết, hoặc nhờ ngườì đàn ông giết, hoặc sai người tìm người đàn ông giết, tìm cầu người cầm dao giết, sai người tìm cầu cầm dao giết, ra dấu bằng thân, miệng nói, thân miệng đều hiện tướng, hoặc gởi thư, sai khiến người đưa thư, giết bằng hầm hố, bằng ỷ phát,[129] cho uống thuốc, đặt dụng cụ giết.
- Tự mình giết: dùng tay hoặc gạch đá, dao, trượng, và các vật khác để tự mình giết. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.
- Chỉ sai người giết:[130] khi giết, tự mình giám sát việc giết,[131] sai người trước[132] ném vào trong nước, lửa; hoặc từ trên núi xô xuống hố sâu, hoặc khiến voi chà chết; hoặc khiến ác thú ăn, hoặc khiến rắn cắn, và các lệnh giết khác. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.
- Sai sứ giết: tỳ-kheo sai khiến sứ giả đoạn mạng người nào đó. (Người ấy) vâng lời mà đi,[133] nếu đoạn được mạng, thành ba-la-di. Phương tiện mà không đoạn được mạng, thâu-lan-giá.
- Sai người đi và về mà giết:[134] Tỳ-kheo sai sứ đi đoạn mạng người nào đó. Vâng theo lời nói mà đi, muốn giết mà chưa được trở về, sau đó lại vâng theo lời dạy trước mà đi giết lần nữa. Nếu giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.
- Trùng sứ mà giết:[135] tỳ-kheo sai sứ giả, «Ngươi hãy đi đoạn mạng người đó.» Lại nối tiếp sai sứ như vậy, cho đến bốn, năm lần. Người được sai liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.
- Sứ giả luân chuyển mà giết:[136] tỳ-kheo sai sứ, «Ngươi hãy đoạn mạng người đó.» Người bị sai lại sai người khác, cho đến một trăm hay một ngàn lần sai như vậy để đoạn mạng người kia. Đoạn được thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.
- Tìm cầu nam tử giết: như nói, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người được sai liền đi đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người tìm cầu) thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.
- Sai người tìm cầu nam tử giết: như sai người, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người bị sai liền đến đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người sai) phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết, phạm thâu-lan-giá.
- Tìm cầu người cầm dao giết: tự mình tìm cầu, nói «Ai là người dũng kiện có khả năng cầm dao đoạn mạng người nào đó?» Người kia liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di, không giết được, phạm thâu-lan-giá.
- Sai [577a1] người tìm cầu kẻ cầm dao giết: cũng như vậy.
- Ra dấu bằng thân:[137] thân làm dấu hiệu giết. Như làm cho rớt vào trong nước, trong lửa, từ trên cao rớt xuống đáy hang sâu; hoặc khiến voi chà chết, khiến ác thú ăn, độc xà cắn. Người kia do nơi dấu hiệu bằng thân nầy mà tự mình giết, phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.
- Miệng nói:[138] hoặc nói thế này, «Ngươi đã làm điều ác, không có tâm nhân từ, lòng ôm sự độc hại, không làm các điều thiện; ngươi không làm việc cứu hộ. Ngươi sống sẽ chịu nhiều tội báo, không bằng chết.» Hoặc là nói như vầy: «Ngươi không làm các điều bạo ác, có nhân từ, không ôm lòng độc hại, ngươi đã làm các điều thiện như vậy, ngươi đã làm công đức, ngươi đã làm việc cứu hộ. Ngươi sống để chịu các khổ. Nếu ngươi chết sẽ sanh Thiên.» Nhơn lời nói nầy, người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không sát được, phạm thâu-lan-giá.
- Ra dấu bằng thân và miệng: cũng như vậy.
- Sai sứ:[139] sai sứ đến người kia nói, «Ngươi đã làm điều ác,... điều thiện», nói đầy đủ như trên. Nhơn nơi miệng của người sứ khen sự chết này, mà người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết được, phạm thâu-lan-giá.
- Gởi thư:[140] viết thư[141] nói, «ngươi đã làm điều ác,... điều thiện», nói đầy đủ như trên.
- Sai bảo khiến sứ viết thư: cũng như vậy.
- Hầm hố:[142] xét biết người kia sẽ đi qua lại trên tuyến đường đó; giữa đường đào một cái hầm sâu, trong hầm để lửa hoặc dao, hoặc rắn độc, hoặc chông nhọn, hoặc dùng thuốc độc bôi lên vật nhọn bén. Người kia rơi vào trong đó, nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.
- Ỷ phát:[143] biết người kia sẽ đứng tựa[144] nơi chỗ nào đó, hoặc nơi cây, nơi tường, nơi rào; bên ngoài đó để lửa, dao, chông, rắn độc, thoa chất độc nơi vật nhọn bén, bẫy gài, khiến người kia rơi vào đó; nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá.
- Cho uống thuốc: biết người kia bệnh, cho loại thuốc không đúng[145], hoặc tạp độc, hoặc quá hạn, cùng các loại thuốc khiến cho chết, thành ba-la-di. Cho thuốc mà chẳng chết, thành thâu-lan-giá.
- Đặt dụng cụ giết:[146] trước đã biết người kia vốn đã nhàm chán cái thân hèn hạ này nên đem dao, đồ độc, hoặc dây và các thứ dụng cụ làm cho chết để đó. Người kia dùng một trong những vật này để tự sát; nếu chết, (người đặt) ba-la-di. Phương tiện mà không chết, (người đặt) thành thâu-lan-giá.
Nếu làm các việc như vậy, cho đến các phương tiện khác để giết, người kia do đó mà chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá.
Nếu con của trời, con của rồng, con của a-tu-la, con của kiền-thát-bà, con của dạ-xoa, ngạ quỷ; hoặc trong loài súc sanh mà con nào có trí hiểu biết được tiếng người, hoặc lại có khả năng biến hình, phương tiện tìm cầu giết chết. Người giết, thâu-lan-giá. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la. Súc sanh không thể biến hình, giết nó thành ba-dạ-đề. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la.
Thật người, tưởng là người mà giết, ba-la-di. Nghi là người, thâu-lan-giá. Người, tưởng chẳng phải người, thâu-lan-giá. Chẳng phải người tưởng là người, thâu-lan-giá. Nghi chẳng phải người, thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, diệt tẫn, Đó là trường hợp phạm.[147]
Sự không phạm: là ném dao, trượng, gạch, đá nhầm trúng người kia chết. Xây cất phòng xá, làm rơi đá, gỗ, cây, đòn tay... chết người. Người bệnh nặng mà dìu, đỡ nằm, ngồi, đi, đứng, tắm rửa, khi uống thuốc, từ chỗ lạnh đến chỗ nóng, từ chỗ nóng đến chỗ lạnh, vào phòng, ra phòng, đến nhà xí, trở về... tất cả không có tâm sát hại mà (người bịnh) chết thì (người đỡ) không phạm.
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. ĐẠI VỌNG NGỮ
A. DUYÊN KHỞI
1. KẾT GỚI LẦN THỨ NHẤT
Một thời, đức Thế tôn du hóa tại Tỳ-xá-ly,[148] ở trong giảng đường Cao-các bên sông Di hầu. Bấy giờ gặp lúc lúa gạo quý hiếm,[149] nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan:
«Hãy tập họp tất cả tỳ-kheo trú ở Tỳ-xá-ly vào giảng đường.»
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo tại giảng đường. Chúng tăng tập hợp xong, Tôn giả đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, thưa:
«Tất cả các tỳ-kheo có mặt tại Tỳ-xá-ly đã tập hợp tại giảng đường. Cúi xin đức Thánh biết thời.»
Khi ấy, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo:
«Các ngươi nên biết, hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi ai có thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, cùng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly này, thì đến đó nương nhờ, cùng tùy theo sự thích hợp mà an cư. Ta cũng sẽ an cư nơi nầy. Tại sao vậy? Vì thức ăn khó khăn, nên khiến cho chúng tăng mệt nhọc.»
Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy rồi, mỗi người đều theo thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, đồng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly mà an cư. Đức Thế tôn cũng an cư trong thành Tỳ-xá-ly.
Khi ấy, có số đông tỳ-kheo an cư ở trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu, khởi ý niệm: «Như hiện nay trong nước này lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Chúng ta nên dùng phương tiện thế nào để khỏi khổ sở vì ẩm thực?» Họ nghĩ ra phương tiện như sau: «Nay ta nên đến các nhà cư sĩ nói: ‹Tôi đạt được pháp thượng nhơn. Tôi là A-la-hán, đạt được thiền, đạt được thần thông, biết được tâm người khác.› Rồi lại khen tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác. Trong đó có những cư sĩ tin ưa, có thức ăn uống gì không dám tự ăn riêng, không cho vợ con, mà lại mang đến cúng dường chúng ta. Các cư sĩ kia cũng sẽ khen ngợi chúng ta: ‹Các vị tỳ-kheo này thật sự là ruộng phước, đáng tôn kính.› Như vậy chúng ta có thể nhận được thức ăn uống ngon bổ, có thể sống an lạc, không bị vấn đề khất thực gây khó khổ.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cừu suy nghĩ như vậy rồi liền đến nhà các cư sĩ, tự nói:
«Tôi chứng đắc pháp thượng nhân. Tôi là A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.»
Lại khen vị tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.
Khi ấy các cư sĩ tin ưa, tin nhận lời nói kia, liền đem thức ăn uống có được và phần của vợ con không dám cho ăn hết, mang đến cúng dường cho các tỳ-kheo và nói: «Đây là bậc đáng tôn kính của thế gian.»
Các tỳ-kheo này nhờ thọ sự cúng dường của các vị cư sĩ nên nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. Các tỳ-kheo khác an cư tại Tỳ-xá-ly nhan sắc tiều tụy, hình thể khô héo, y phục rách rưới. An cư xong, thu xếp y bát đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:
«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hiệp, an lạc; nhưng gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Vì vậy mà khổ.»
Trong khi đó, các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam, bên sông Bà-cừu thì nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. An cư xong thu xếp y bát, đến chỗ đức Thế tôn. Đến nơi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:
«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hợp an lạc; không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»
Đức Phật hỏi:
«Hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi dùng phương tiện nào mà không gặp phải khó khăn vì vấn đề ẩm thực?»
Các tỳ-kheo liền đem nhơn duyên trước trình bày đầy đủ với đức Thế tôn và thưa:
«Nhờ vậy chúng con không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»
Đức Thế tôn hỏi các tỳ-kheo:
«Sự thật các ngươi có chứng đắc như vậy không?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Hoặc có người chứng thật. Hoặc có người không chứng thật.»
[578a1] Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các ngươi, những kẻ ngu si, thật có mà còn không nên nói với người, huống là không thật mà lại đến nói với người!»
Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Trong đời có hai hạng giặc:[150] một là thật chẳng phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai là vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong chúng cố ý nói lời vọng ngữ, tự xưng rằng đạt được pháp thượng nhân. Trong hai hạng giặc này, kẻ vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong đại chúng cố ý nói lời vọng ngữ: tự xưng mình đạt được pháp thượng nhơn, là kẻ giặc lớn nhất không gì bằng. Tại sao vậy? Vì chúng ăn trộm thức ăn uống của người.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.››
Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:
«Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.» 2. KẾT GIỚ LẦN THỨ HAI
Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, lúc ấy có một tỳ-kheo tăng thượng mạn nói với người rằng: «Tôi đắc đạo.» Thời gian sau, vị ấy tinh tấn không giải đãi, cần cầu phương tiện, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Vị ấy nghĩ như vầy: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Với tâm kiêu mạn, tôi đã tự nói tôi đắc đạo. Thời gian sau với tâm siêng năng, phương tiện tinh tấn, không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di? Nay phải làm thế nào?» Vị ấy tìm các tỳ-kheo đồng ý:[151] «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo này là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Tôi với tâm tăng thượng mạn tự xưng là tôi đắc đạo. Thời gian sau do sự siêng năng, phương tiện tinh tấn không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di sao? Lành thay, Đại đức vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ vâng làm.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy, đức Thế tôn do nhơn này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận thuyết pháp, dùng vô số phương tiện tán thán đầu-đà, tán thán[152] thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo:
«Người tăng thượng mạn không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy: B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ,› trừ tăng thượng mạn, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Không biết không thấy: thật sự không thấy biết.
Tự xưng: tự mình xưng nói có tín, giới, thí, văn, trí tuệ, biện tài.
Pháp của người: ấm của con người, giới của con người, nhập của con người.[153]
Pháp thượng nhơn : các pháp có khả năng thành tựu xuất ly.[154]
Tự nói:[155] tự nói niệm tại thân, tự nói chánh ức niệm, tự nói trì giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, tự nói đắc định, tự nói đắc chánh thọ, tự nói có đạo, tự nói tu tập, tự nói có huệ, tự nói kiến, tự nói đắc, tự nói quả.
- Tự nói niệm tại thân:[156] có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được[157] tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói đặng thân niệm xứ.
- Tự nói chánh ức niệm: có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói chánh ức niệm.
- Tự nói đắc giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, cũng được nói như trên.
- Tự nói đắc định: nói chứng đắc tam-muội có giác có quán;[158] tam-muội không giác có quán;[159] tam-muội không giác, không quán;[160] tam muội không - vô tướng - vô tác;[161] chuyên cần, thân cận tư duy định này. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói đắc chánh thọ:[162] chánh thọ có tưởng, chánh thọ không tưởng, chánh thọ tùy pháp, chánh thọ tâm tưởng, chánh thọ trừ sắc tưởng, chánh thọ không trừ sắc tưởng, chánh thọ trừ nhập,[163] chánh thọ nhất thiết nhập,[164] làm quen, học tập, gần gũi, tư duy chánh thọ này. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói có đạo: từ đạo có một chi đạo cho đến đạo có mười một chi; chuyên cần, thân cận tư duy đạo này. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói tu: tu giới, tu định, tu trí, tu giải thoát huệ, tu kiến giải thoát huệ, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói có trí: pháp trí,[165] tỉ trí,[166] đẳng trí,[167] tha tâm trí làm quen, học tập, gần gũi, tư duy trí này. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói kiến:[168] thấy khổ, thấy tập, thấy tận và thấy đạo. Hoặc lại nói như vầy: thiên nhãn thanh tịnh quán các chúng sanh, hoặc sanh, hoặc tử, hoặc có sắc đẹp, hoặc có sắc xấu, hoặc thiện thú, ác thú; hoặc biết có tốt xấu, quý tiện, tùy theo nghiệp báo của chúng sanh. Biết điều đó đúng như thật, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói đắc: đắc Tu-đà-hoàn, đắc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, làm quen, học tập, gần gũi. Ngoài ra như trên đã nói.
- Tự nói quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, làm quen, học tập, gần gũi... ngoài ra như trên đã nói.
Với những sự hư vọng, không thiệt như vậy; không biết, không thấy mà nói với người: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn.» Tự miệng mình nói với người mà người ấy hiểu, phạm ba-la-di. Nói mà người ấy không hiểu, phạm thâu-lan-giá.
Hoặc dùng tay làm dấu, hoặc sai sứ, hoặc viết thư, hoặc ra dấu hiệu cho biết, mà người ấy biết, phạm ba-la-di, không biết phạm thâu-lan-giá.
Tự mình ở chỗ vắng người, khởi ý tưởng là không vắng người, miệng nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Chỗ không vắng khởi ý tưởng là vắng, miệng mình nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Nói với chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hình, có trí, là mình đắc pháp thượng nhơn, mà những hàng ấy hiểu, phạm thâu-lan-giá; chúng không hiểu, phạm đột-kiết-la. Làm dấu bằng tay, sai sứ, viết thư, ra dấu mà người kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Nói với súc sanh không thể biến hình, là mình đắc pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la.
Nếu thật sự người đắc đạo mà nói với vị đại tỳ-kheo không đồng ý,[169] mình đạt được pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la. Nếu giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà lại nói rằng: «tôi đạt được», [579a1] phạm ba-la-di.
Người, khởi ý tưởng là người, phạm ba-la-di. Nghi là người, phạm thâu-lan-giá. Người mà tưởng chẳng phải người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà nghi cũng phạm thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo-ni ba-la-di; thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: người tăng thượng mạn tự nói là nghiệp báo nhơn duyên chứ chẳng phải tu đạt được, hoặc hướng đến vị đại tỳ-kheo đồng ý[170] mà nói pháp thượng nhơn. Hoặc giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà không tự xưng là «tôi đạt được.» Hoặc vui đùa mà nói; hoặc nói lướt nhanh; nói chỗ vắng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nói nhầm việc kia thì không phạm.
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG II
TĂNG TÀN
I. CỐ Ý TIẾT TINH
A. DUYÊN KHỞI
1. KẾT GIỚI LẦN THỨ NHẤT
Một thời, đức Thế tôn du hóa nơi thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di[1] vì bị ám ảnh dục bừng bừng,[2] nên nhan sắc tiều tụy, thân thể yếu mòn. Trong thời gian khác, Ca-lưu-đà-di sống một mình trong một phòng, trang bị võng tốt, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, chăn gối, dưới đất lại trải phu cụ tốt, ngoài cửa để đồ đựng nước nóng rửa chân; ăn uống đầy đủ sung túc; do vậy ám ảnh dục càng bừng bừng. Mỗi khi dục tâm khởi lên, ông bèn vọc cho xuất bất tịnh. Nhờ vậy, các căn tươi vui, nhan sắc sáng sủa. Các tỳ-kheo thân hữu thấy vậy hỏi:
«Trước đây nhan sắc của thầy tiều tụy, thân hình gầy ốm, mà nay thì nhan sắc tươi vui sáng sủa. Ấy là do đi đứng thoải mái chăng? Không khốn khổ vì ăn uống phải không? Vì sao được như vậy?»
Ca-lưu-đà-di trả lời:
«Tôi đi đứng thoải mái, không khổ vì chuyện ăn uống.»
Các tỳ-kheo lại hỏi:
«Nhờ phương tiện gì mà đi đứng thoải mái, không khổ vì chuyện ăn uống?»
Ca-lưu-đà-di đáp:
«Này Đại đức, trước đây tôi vì bị ám ảnh dục bừng bừng, nên nhan sắc tiều tụy, thân thể yếu mòn. Sau đó, tôi sống một mình trong một phòng, trang bị võng tốt, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, chăn gối, dưới đất lại trải phu cụ tốt, ngoài cửa để đồ đựng nước nóng rửa chân; ăn uống đầy đủ sung túc. Mỗi khi dục tâm khởi lên, tôi bèn vọc cho nó xuất bất tịnh. Nhờ vậy mà tôi đi đứng thoải mái, các căn tươi vui, nhan sắc sáng sủa.»
Các tỳ-kheo nói:
«Việc Thầy làm thì rất khổ, tại sao nói an lạc? Việc làm không an mà lại nói an sao? Trong chánh pháp này nói về dục cốt để trừ dục, nói về mạn cốt để trừ mạn; diệt trừ khát ái, đoạn các kết sử, do diệt tận ái mà Niết-bàn. Tại sao Thầy bị dục ám ảnh bừng bừng; mỗi khi dục tâm khởi lên, bèn vọc cho xuất bất tịnh?»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đi đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo.
Ngài biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
«Có phải ngươi do ám ảnh dục bừng bừng; rồi mỗi khi dục tâm khởi lên, bèn vọc cho xuất bất tịnh chăng?»
Ca-lưu-đà-di thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, thật vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:
«Việc ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Tại sao nay ngươi đã xuất gia trong pháp thanh tịnh của Ta mà làm cái hạnh ô uế, vọc âm cho xuất tinh? Ngươi, kẻ ngu si này, nay đưa cánh tay ra để nhận thức ăn của tín thí, rồi lại bằng cánh tay đó mà vọc âm cho xuất tinh!»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài. Người muốn thuyết giới nên thuyết như vầy:
«Tỳ-kheo nào, cố ý vọc âm cho xuất tinh, tăng-già bà-thi-sa.»
2. KẾT GIỚI LẦN THỨ HAI
Sau khi Thế tôn kết giới như vậy cho các tỳ-kheo, bấy giờ có một tỳ-kheo khi ngủ ý loạn, bị mộng tinh có ức niệm, khi tỉnh dậy, suy nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Vọc âm xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.› Ta khi ngủ loạn ý, bị mộng tinh có ức niệm, há không phạm tăng-già-bà-thi-sa ư? Nay ta nên như thế nào?» Vị ấy liền đến tỳ-kheo đồng ý kể lại đầy đủ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Vọc âm xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.› Tôi khi ngủ loạn ý, bị mộng tinh mà còn nhớ, há không phạm tăng-già-bà- thi-sa ư? Nay tôi nên như thế nào? Đại đức vì tôi đem nhơn duyên này bạch với đức Phật. Nếu đức Phật dạy bảo thế nào, tôi sẽ phụng hành thế ấy.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này liền tập hợp các tỳ-kheo bảo rằng:
«Khi ngủ mà ý loạn có năm điều tai hại : 1. Ác mộng. 2. Chư thiên không hộ vệ. 3. Tâm không nhập pháp.[3] 4. Không tư duy minh tướng.[4] 5. Trong mộng xuất tinh. Đó là năm điều tai hại. Khi ngủ với ý lành có năm công đức: 1. Không thấy ác mộng. 2. Chư thiên vệ hộ. 3. Tâm vào nơi pháp. 4. Cột ý nơi minh tướng. 5. Không bị xuất tinh trong mộng. Đó là năm điều công đức. Trong mộng xuất tinh không phạm.»
Từ nay về sau giới này sẽ được thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN
Nếu Tỳ-kheo nào, cố ý vọc âm cho xuất tinh, trừ chiêm bao, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Vọc:[5] thật cố tâm làm cho xuất tinh. Tinh có bảy loại:[6] xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, màu sữa,[7] màu sữa tương.[8] Tinh màu xanh là tinh của Chuyển luân thánh vương. Tinh màu vàng là tinh của Thái tử Chuyển luân thánh vương. Tinh màu đỏ là tinh phạm nhiều đến nữ sắc. Tinh màu trắng là tinh của người vác nặng. Tinh màu đen là tinh của đệ nhất Đại thần Chuyển luân thánh vương. Tinh màu sữa là gì? Là tinh của Tu-đà-hoàn. Tinh màu sữa tương là gì? Là tinh của Tư-đà-hàm.
Lúc bấy giờ, có một bà-la-môn ở chỗ nhàn tịnh trì tụng chú thuật. Kinh của ông nói, «Nếu ai cố ý làm xuất tinh thì mạng chung sẽ sanh thiên.» Người kia muốn cầu thiên đạo, thường vọc âm xuất tinh. Khi người bà-la-môn xuất gia hành đạo, nghe theo lời nói này, vì muốn sanh thiên, nên vọc âm xuất tinh. Vị kia nghi, nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Phật nói, phạm tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu vì khoái lạc, vì làm thuốc, vì tự thí nghiệm sự xuất tinh, vì cầu phước, vì tế trời, vì sanh thiên, vì để cho, vì nối giòng, vì tự phóng túng (lung tánh), vì tự thử sức, vì nhan sắc đẹp, vì những việc như vậy mà lộng xuất tinh,[9] tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu bằng ức niệm mà vọc cho xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.[10] Nếu bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất tinh màu xanh; tinh xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất tinh màu xanh nhưng tinh xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, tương sữa, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu muốn xuất tinh màu vàng lại ra tinh màu đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, màu xanh, tăng-già-bà-thi-sa. Màu đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương cũng như vậy.
Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc cho xuất bất tịnh,[11] tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh lại thất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa và sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương và xanh cũng lại như vậy.
Vì muốn làm thuốc, vì tự mình thử, vì cầu phước, vì tế tự, vì sanh thiên, [580a1] vì để cho, vì để lấy giống, vì phóng túng, vì tự thử sức, vì nhan sắc tươi vui, cũng như vậy.
Hoặc đối với nội sắc, ngoại sắc, nội ngoại sắc, nước, gió, không.
- Nội sắc: là sắc có thọ.[12]
- Ngoại sắc: là sắc không thọ.[13]
- Nội ngoại sắc: là sắc có thọ và không thọ.
- Nước: thuận giòng nước hay ngược dòng nước, dùng nước rưới lên.
- Gió: là thuận chiều gió, nghịch chiều gió, hoặc dùng miệng thổi.
- Không: từ nơi hư không mà dao động thân.[14]
Nếu ở nơi nội sắc mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho thất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, lại xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, lại xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc cho đến vì nhan sắc hòa duyệt cũng như vậy. Đối với ngoại sắc cũng như vậy. Đối với nội sắc cũng như vậy. Đối với nước, gió, hư không cũng như vậy.
Bằng ức niệm mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Không xuất, thâu-lan-giá. Nếu tỳ-kheo phương tiện vọc mà xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa; không xuất, thâu-lan-giá.
Nếu tỳ-kheo dạy tỳ-kheo phương tiện vọc cho xuất bất tịnh; nếu xuất, thâu-lan-giá; không xuất đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni dạy tỳ-kheo phương tiện vọc xuất bất tịnh; nếu xuất, thâu-lan-giá; không xuất, đột-kiết-la. Chỉ dạy cho người khác, ngoại trừ cho tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni, vọc mà xuất hay không xuất đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trong mộng bị xuất. Tỉnh dậy, sợ bẩn thân, bẩn y, giường, chăn, dùng vật xấu tệ, lá cây hay vật gì đựng đem vất đi, hoặc dùng tay quẹt bỏ. Hoặc do dục tưởng mà xuất bất tịnh; hoặc thấy sắc đẹp, không xúc chạm mà xuất bất tịnh; hoặc khi đi, tự chạm hai bắp vế; hoặc chạm y, hoặc chạm niết-bàn-tăng[15] mà xuất bất tịnh; hoặc khi đại tiểu tiện xuất bất tịnh; hoặc tắm rửa bằng nước nóng, nước lạnh xuất bất tịnh; hoặc trong nhà tắm dùng da cây mịn, bột, thuốc, bùn, đất xoa chà, xuất bất tịnh; hoặc dùng tay kỳ, xoa nơi thân xuất bất tịnh; hoặc khi kêu la khóc lớn, hoặc khi dụng lực làm việc. Tất cả trường hợp không có ý tạo nên mà xuất bất tịnh, đều không phạm.
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[16] Chú thích:
[110] Tứ phần, quyển 2 (T22n1428, tr.575c6); Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7a27); Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9); Tát-bà-đa 3 (T23n1440, tr.518a21); Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21).
[111] Tỳ-xá-ly 毘舍離; Sk. Vaiśālī (Pl.) Vesāli.
[112] Di hầu giang biên 獼猴江邊; Thập tụng 2, Bạt-kỳ quốc Bạt-cầu-ma hà thượng 跋耆國跋求摩河上 tức Pali, sông Vaggumudā, thuộc nước Vajji, gần chỗ Phật nhập Niết-bàn. Pali, Vn.iii.70, Vesāliyam viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesālī, trong rừng Đại lâm, trong một ngôi nhà sàn.
[113] Thuyết bất tịnh hành 說不淨行. Ngũ phần 2, nt., tu bất tịnh quán 修不淨觀; Pali, Vn.iii.nt., asubhabhāvana.
[114] Nguyên Hán: tự hỉ nam tử...自喜男子; Thập tụng 2, nt., niên thiếu tự hỷ nghiêm sức 年少自喜嚴飾; Vn.iii.dd., maṇḍanajātiko, thích trang điểm.
[115] Bà-cầu hà 婆裘河; tức Pali, sông Vaggumudā.
[116] Vật-lực-già Nan-đề 物刀伽難提 (Sk. Mṛga-nandī?); Ngũ phần (T22n1421, tr.7b5), Di-lân chiên-đà-la 彌鄰旃陀羅, một người chiên-đà-la tên là Di-lân; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c4), Lộc Trượng phạm chí 鹿杖梵志, một người phạm chí tên Lộc Trượng (Skt. Mṛgadaṇḍa, tức Pali Migadaṇḍa, thay vì Migalaṇḍa). Pali, Vn.iii.68, Migalaṇḍika samaṇakuttaka, một người giả trang Sa-môn tên là Migalaṇḍa.
[117] Phụ chú trong bản Hán: «Nói Sa-môn chủng, chỉ dòng họ.» Tức Pali samaṇa-kūla: dòng họ Sa-môn, thay vì samaṇakuttaka, giả trang Sa-môn.
[118] Bà-cừu viên 婆裘園; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21), Bạt-cầu-ma hà 跋求摩河; Pali, Vn.iii.68: Vaggumudā nadī, sông Vaggumudā
[119] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9): một tỳ-kheo bệnh lâu ngày, đau đớn không chịu nổi, bèn nhờ tỳ-kheo nuôi bệnh giết giùm.
[120] Thập tụng (T23n1435, tr.7c7): Ma thiên thần 魔天神; Ngũ phần (T2n1421, tr.7b9): Tự tại thiên ma 自在天魔. Pali, Vn.iii.68: mārakāyikā devatā, một thiên thần thuộc hạ của Māra.
[121] Thập tụng: đến trú xứ kia. Pali, Vn.iii.68: vihārena vihāraṃ pariveṇena pariveṇaṃ, từ tinh xá đến tinh xá, từ phòng đến phòng.
[122] Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c15): ngày 15 trong tháng, lúc thuyết giới.
[123] A-na-ba-na tam-muội 阿那般那三昧; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.8a13): a-na ban-na niệm 阿那般那念; Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7c6): an-ban niệm 安般念; Pali, Vn. iii. 70: ānāpānassati-samādhi, sự tập trung trên hơi thở ra vào.
[124] Hán: đoạn nhân mạng 斷人命; Pali: manussaviggahaṃ jīvitā voropeyya, tước đoạt sinh mạng của con người.
[125] Ngũ phần 2, giới này được kết bởi ba lần: Lần thứ nhất, tỳ-kheo giết người, nhân duyên cũng gần như Tứ phần với một vài chi tiết khác biệt. Lần thứ hai, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát, nhân vì có giới cấm giết người nên các tỳ-kheo đưa dao cho người bịnh tự sát; Phật kết thêm lần nữa. Thứ ba, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát nhưng các tỳ-kheo không dám giúp phương tiện, bèn đi tìm thợ săn, khuyến khích giết giùm; Phật kết thêm lần nữa. Pali, Phật kết hai lần; lần thứ nhất, giết và giúp phương tiện tự sát; thứ hai, khuyến khích người tự sát. Tăng-kỳ và Thập tụng, kết một lần như Tứ phần. Đại tỳ-kheo giới bản (T1426, tr. 549c15): giới được kết sau khi thành Phật năm thứ sáu, ngày 9, nửa tháng phần thứ ba, mùa đông.
[126] Hán: nhân 人. Pali: manussaviggaha, thân thể con người. Ngũ phần giới bản: nhược nhân, nhược tợ nhân 若人若似人. Thập tụng: nhược nhân nhược loại nhân 若人若類人 (người và loại tợ của người).
[127] Hán: sơ thức 初識. Pali: paṭhaṃ paṭisandhicittaṃ, kết sanh tâm đầu tiên.
[128] Hán: sát 殺. Văn kết giới nói: đoạn nhân mạng 斷人命, không nói từ sát.
[129] Ỷ phát 倚發; bản Thánh: ỷ bát 倚撥.
[130] Giáo sát 教殺. Pali: adhiṭṭhāyā, bằng sự giám thị (giám sát giết), tức giết bằng sự ra lịnh, hay chỉ đạo.
[131] Bản Cao-li: ... khán giáo 看教...; bản Tống-Nguyên-Minh: ... khán sát 看殺...
[132] Hán: tiền nhân 前人; đây chỉ thuộc hạ.
[133] Hán: tùy ngữ trụ 隨語住; có lẽ chính xác là tùy ngữ vãng 隨語往, đi theo lời (chỉ đạo).
[134] Hán: vãng lai sứ 往來使; Pali: gatapaccāgatena dūtena, bởi sứ giả đi và quay trở lại.
[135] Hán: trùng sứ 重使. Pali: dūtaparamparāya, sứ giả này tiếp theo sứ giả khác, một chuỗi sứ giả.
[136] Hán: triển chuyển sứ 展轉使. Pali: visakkiyena dūtena, bởi sứ giả lần lượt giết nhau (để phi tang thủ phạm).
[137] Thân hiện tướng 身現相. Đây chỉ sự ra dấu để khuyến khích người tự sát. Pali, Vin.i.76: kāyena saṃvaṇṇeti.
[138] Khẩu thuyết 口說; khuyên người tự sát bằng lời nói. Pali: vācāya saṃvaṇṇeti.
[139] Khiển sứ 遣使; tức là sai người đi khuyến khích người kia tự sát. Pali: dūtena saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng sứ giả.
[140] Khiển thư 遣書. Pali: lekhāya saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng cách viết (thư).
[141] Hán: chấp thư 執書, nghĩa đen «cầm thư.» Pali: lekhaṃ chindati, «khắc văn tự;» VA. 452 giải thích: paṇṇe vā potthake vā akkharāni likkhati, «viết các chữ cái lên lá hay sách.» Văn luật, Vin.i.76, còn nói: akkharakkharāya āpatti dukkaṭassa, mỗi âm tiết là một tội đột-kiết-la.
[142] Khanh hãm 坑陷; Ngũ phần 2 (T22, tr.9a1): ưu-bà-đầu 優婆頭 Tăng kỳ 4 (T22, tr. 256a6): ô-mãn-thổ 烏滿吐; Pali: opāta.
[143] Ỷ phát 倚發; bản Tống-Nguyên-Minh: ỷ bát 倚撥. Thập tụng 2: cơ bát 機撥 (phát động bằng máy móc hay bẫy cài); Ngũ phần 2: a-ba-xa 阿波奢. Pali: apassena: vật để tựa, bẫy ngụy trang.
[144] Hán: ỷ phát, xem cht. 143 trên.
[145] Phi dược 非藥.
[146] An sát cụ 安殺具. Ngũ phần: ưu-ba-hại 優波害; Tăng-kỳ: a-ba-khâm-mãn 阿波欽滿; Pali: upanikkhipana (skt, upanikṣepana)
[147] Tăng-kỳ, (T22n1425, tr.257c4): hội đủ 5 yếu tố, phạm ba-la-di: 1. người; 2. có ấn tượng đó là người; 3. phương tiện để giết; 4. cố ý giết chết; 5. người ấy chết.
[148] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.257c16): Phật tại Xá-vệ thành. Thập tụng 2 (T23n1435, tr.11a6): Phật an cư mùa hạ tại Duy-da-li. Pali, Vin. iii.87: Vesāliyaṃ viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesāli, trong rừng Mahāvana, trong một ngôi nhà sàn (Trùng các giảng đường).
[149] Pali, nt: nạn đói kém tại Vajjī.
[150] Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.9b17): năm đại tặc 五大賊; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.12a12): ba đại tặc 三大賊.
[151] Đồng ý tỳ-kheo 同意比丘, xem cht. 169, ch.i (Tăng-già-bà-thi-sa 8). Ngũ phần 2, Pali: hỏi ý kiến A-nan.
[152] Để bản: đoan nghiêm 端嚴. Bản Thánh: đoan nghiêm vi diệu pháp 端嚴微妙法.
[153] Nhân pháp 人法 đồng nghĩa với nhân ấm 人陰: pháp ở đây được hiểu là uẩn, xứ và giới. Tăng kỳ (T22n1425, tr.260c24): nhân pháp, chỉ ngũ dục, 5 hạ phần kết... cho đến, 10 thiện và bất thiện nghiệp đạo.
[154] Ngũ phần (T22n1421, tr.9c24): quá nhân pháp 過人法, chỉ hết thảy pháp xuất yếu , tức các thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ, các Thánh đạo và Thánh quả. Tăng kỳ (T22n1425, tr.261a7): quá nhân pháp, chỉ 10 trí,... vô sanh trí,... cho đến 10 vô học pháp, 10 lậu tận lực. Pali, Vin.i.91: uttaramanusadhammo nāma jhānaṃ vimokkho samādhi samāpatti ñāṇadassanaṃ..., «Pháp của bậc thượng nhân, chỉ cho thiền, giải thoát, chánh định, chánh thọ, tri kiến...»
[155] Hán: tự ngôn 自言, tức nói những điều liên hệ đến mình, nói gợi ý về mình. Pali: attupanāyikam
[156] Niệm tại thân 念在身; đây chỉ thân niệm xứ. Tham chiếu, Trường A-hàm 9 (T1, tr.50c9), Trung A-hàm 24 (T1, tr.582b20), Pháp uẩn túc luận 5 (T26, tr.475c27); Pali, D.ii. tr. 94, 290 (No 22. Mahāsatipaṭṭhāna, i. tr.56 (Satipaṭṭhāna): idha bhikkhave bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, «Tỳ-kheo sống quán thân nơi thân, bằng nhiệt tâm, bằng chánh trí, chánh niệm, có thể chế ngự tham ưu ở đời.»
[157] Đắc 得, bản Thánh: phục 復.
[158] Hữu giác hữu quán tam-muội 有覺有觀三昧 hay hữu tầm hữu tứ tam-ma-địa (đẳng trì; pali: savitakka-savicāra-samādhi), chánh định với sự có mặt của tầm và tứ; chỉ trạng thái sơ thiền. Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c5).
[159] Vô giác hữu quán tam-muội 無覺有觀三昧 , hay vô tầm duy từ tam-ma-địa, trạng thái trung gian tĩnh lự, giữa sơ và nhị thiền. Cf. Câu-xá 28, (T, tr.149c5).
[160] Chỉ các trang thái định từ nhị thiền trở lên.
[161] Không, vô tướng, vô tác tam-muội 空無相無作三昧, hay không, vô tướng, vô nguyện tam-ma-địa, chỉ ba giải thoát môn . Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c22).
[162] Chánh thọ , cũng dịch là đẳng chí (Pali. samāpatti: tam-ma-bát-để).
[163] Trừ nhập chánh thọ 除入正受, chỉ 8 thắng xứ (Pali: aṭṭha abhibhāyatanāni); Cf. Câu-xá 29, (T29, tr.151c12); Cf. Pali, D.iii. tr.260, Saṅgīti-suttanta.
[164] Nhất thiết nhập 一切入 , chỉ 10 biến xứ định (Pali: dasa kasiṇāyatanāni). Cf. Câu-xá 29 (T29, tr.151c24); D.iii. 268 (Saṅgītisuttanta).
[165] Pháp trí 法智 (skt. dharma-jñāna), trí tuệ nhận thức bốn Thánh đế thuộc Dục giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6).
[166] Tỉ trí 比智 hay loại trí (Skt. anvaya-jñāna), trí nhận thức bốn Thánh đế thuộc thượng giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6).
[167] Đẳng trí 等智 , có lẽ chỉ hiện quán biên thế tục trí (Skt. abhisamayāntyākhya-laukika-jñāna), tức trí thuộc phàm phu địa tu quán 16 hành tướng của bốn Thánh đế. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 183b15).
[168] Kiến 見, chỉ tri kiến trong giai đoạn kiến đạo (darśnamārga).
[169] Chỉ tỳ-kheo không thân thiết.
[170] Các luật khác không nói đến trường hợp không phạm này.
[1] Ca-lưu-đà di; Ngũ phần 2: trưởng lão Ưu-đà-di 長老優陀夷; Tăng-kỳ 5: Tỳ-kheo Thi-lị-da-bà 時有比丘名尸利耶婆. Pali: Udāyin hành thủ dâm, rồi bảo Seyyasaka làm theo. Sớ giải nói Udāyin này là Lāḷudāyi, Hoà thượng của Seyyasaka.
[2] Hán: dục ý xí thạnh 欲意熾盛.
[3] Ngũ phần 2. tr.10b22: không có tâm giác pháp 無覺法心.
[4] Minh tướng 明相; Ngũ phần: minh tưởng 明想
[5] Hán: lộng 弄. Tứ phần: cố lộng âm xuất tinh 故弄陰出精. Ngũ phần: cố xuất bất tịnh 故出不淨; Tăng kỳ, Thập tụng: cố xuất tinh 故出精. Pali: sañcetanikā sukkavisaṭṭhi, cố ý làm xuất tinh.
[6] Ngũ phần: 10 loại. Thập tụng: 5 loại. Pali, 10 loại: nīlaṃ pītakaṃ lohitaaṃ oḍātaṃ takkavaṇṇaṃ dakavaṇṇaṃ telavaṇṇaṃ khīravaṇṇaṃ dadhivaṇṇaṃ sappivaṇṇaṃ; không giải thích chi tiết.
[7] Lạc sắc 酪色, tức Pali dadhivaṇṇamṃ.
[8] Lạc tương sắc 酪漿色, tức Pali sappivaṇṇaṃṃ.
[9] Ngũ phần: 10 mục đích cố ý xuất tinh, đại để như Tứ phần. Căn bản Tì-nại-da, có 5 mục đích.
[10] Tăng kỳ 5: Mắt thấy, v.v…, sanh ý tưởng dâm dục; sau đó, bằng sự hồi tưởng (ức niệm), dục tâm phát sanh. Thập tụng 3: ba yếu tố thành phạm: phát tâm, thân động, xuất tinh.
[11] Hán: thất bất tịnh 失不淨, «làm thất thoát cái bất tịnh,» tức xuất bất tịnh hay xuất tinh. Các bản: thất 失; bản Thánh: xuất 出.
[12] Thọ sắc 受色. Ngũ phần: nội sắc chỉ cho tự thân 己身. Thập tụng: nội thọ sắc 內受色 sắc có chấp thọ thuộc nội thân (xem Câu-xá 1, tr.2c), chỉ sự thủ dâm bằng cách dùng tay, chân, miệng, v.v… Cf. Tăng kỳ: thân, thân phần, thân hiệp 身身分身合 thân: tất cả dao động của thân làm xuất tinh; thân phần; dùng tay hay chân, hay một bộ phận của thân mình làm xuất tinh; thân hiệp: dùng các phương tiện ngoài như đất, nước, chăn, gối... Pali, Vin.iii.112: ajjhatarūpe moceti, xuất trong nội sắc; thích từ: ajjhatarūpeti ajjhattaṃ upādinne rūpe, nội sắc, sắc được chấp thủ nội thân.
[13] Thập tụng: ngoại bất thọ sắc 外不受色. Ngũ phần, ngoại sắc: thân người khác 他身.
[14] Pali, id., ākāse kaṭiṃ kampento moceti, xuất trong khi làm dao động phần mông trong không gian.
[15] Niết-bàn-tăng 涅槃僧 ; Skt.=Pali: nivāsana, quần, hạ y 下衣, nội y 內衣.
[16] Hán, hết quyển 2.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.247.57 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.