Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trường A Hàm Kinh [長阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 10 »»

Trường A Hàm Kinh [長阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 10

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.82 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trường A Hàm

Kinh này có 22 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

12. KINH TAM TỤ
Tôi nghe như vầy.
Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ thọ, vườn Cấp cô độc, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ nói cho các ngươi nghe pháp vi diệu, có nghĩa, có vị, thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh. Đó là pháp ba tụ. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói”.”
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, chú ý lắng nghe.
Phật nói:
“Tỳ-kheo, pháp ba tụ ấy là: một pháp dẫn đến ác thú; một pháp dẫn đến thiện thú; một pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là một pháp dẫn đến ác thú? Không có nhân từ, ôm lòng độc hại. Đó là một pháp dẫn đến ác thú.
“Thế nào là một pháp dẫn đến thiện thú? Không đem ác tâm gia hại chúng sanh. Đó là một pháp dẫn đến thiện thú.
“Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân. Đó là một pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Lại có hai pháp thú hướng ác thú. Lại có hai pháp thú hướng thiện thú. Lại có hai pháp thú hướng Niết-bàn.
“Thế nào là hai pháp dẫn đến ác thú? Hủy giới và phá kiến.
“Thế nào là hai pháp dẫn đến thiện thú? Có đủ giới và có đủ kiến.
“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? Là chỉ và quán.
“Lại có ba pháp thú hướng ác thú; ba pháp thú hướng thiện thú; ba pháp thú hướng Niết-bàn.,
“Thế nào là ba pháp hướng đến ác thú? Ba bất thiện căn: tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.
“Thế nào là ba pháp dẫn đến thiện thú? Ba thiện căn: vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn,. vVô si thiện căn.
“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam muộitam-muội: Không tam muộitam-muội, Vô tướng tam muộitam-muội, Vô tác tam muộitam-muội.
“Lại có bốn pháp dẫn đến ác thú; bốn pháp dẫn đến thiện thú; bốn pháp thú hướng Niết-bàn.
“Thế nào là bốn pháp thú hướng ác thú? Lời nói thiên vị, lời nói thù hận, lời nói sợ hãi, lời nói ngu si.
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến thiện thú? Lời nói không thiên vị, lời nói không thù hận, lờòi nói không sợ hãi, lời nói không ngu si.
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.
“Lại có năm pháp dẫn đến ác thú; năm pháp dẫn đến thiện thú; năm pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là năm pháp dẫn đến ác thú? Phá năm giới: giết, trộm, dâm dật, nói dối, uống rượu.
“Thế nào là năm pháp dẫn đến thiện thú? Thọ trì năm giới: không giết, không trộm, không dâm dật, không dối, không uống rượu.
“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
“Lại có sáu pháp dẫn đến ác thú; sáu pháp dẫn đến thiện thú; sáu pháp thú hướng Niết-bàn.?
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến ác thú? Sáu bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến thiện thú? Kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.
“Lại có bảy pháp dẫn đến ác thú; bảy pháp dẫn đến thiện thú; bảy pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến ác thú? Giết, trộm, dâm dật, nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói thêu dệt.
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến thiện thú? Không giết, không trộm, không dâm dật, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt.
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác ý: niệm giác ý, trạch pháp giác ý, tinh tấn giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hỷ giác ý, xả giác ý.
“Lại có tám pháp dẫn đến ác thú; tám pháp dẫn đến thiện thú; tám pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là tám pháp dẫn đến ác thú? Tám tà hạnh: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
“Thế nào là tám pháp dẫn đến thiện thú? Thế gian chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám hiền thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
“Lại có chín pháp dẫn đến ác thú; chín pháp dẫn đến thiện thú; chín pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là chín pháp dẫn đến ác thú? Chín ưu não: Có người xâm não ta; nó đã xâm não, đang xâm não, sẽ xâm não. Có người xâm não cái ta yêu; nó đã xâm não, đang xâm não, sẽ xâm não. Có người yêu kính cái ta ghét; nó đã yêu kính, đang yêu kính, sẽ yêu kính.
“Thế nào là chín pháp dẫn đến thiện thú? Có người xâm não ta, ích gì mà ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Có người xâm não cái ta yêu, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Có người yêu kính cái ta ghét, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.
“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: Hỷ, Ái, Duyệt, Lạc, Định, Thật tri, Trừ xả, Vô dục, Giải thoát.
“Lại có mười pháp dẫn đến ác thú; mười pháp dẫn đến thiện thú; mười pháp dẫn đến Niết-bàn.
“Thế nào là mười pháp dẫn đến ác thú? Mười bất thiện: thân với giết, trộm, tà dâm; khẩu với nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt; ý với tham lam, tật đố, tà kiến.
“Thế nào là mười pháp dẫn đến thiện thú? Mười thiện hành: thân với không giết, không trộm, không tà dâm; khẩu với không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không thêu dệt; ý với không tham lam, không tật đố, không tà kiến.
“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.
“Này các Tỳ-kheo, mười pháp như vậy đưa đến Niết-bàn. Đó là chánh pháp vi diệu gồm ba tụ. Ta, Như Lai, đã làm đầy đủ những điều cần làm cho đệ tử, vì nghĩ đến các ngươi nên chi bày lối đi. Các ngươi cũng phải tự lo cho thân mình, hãy ở nơi thanh vắng, dưới gốc cây mà tư duy, chớ lười biếng. Nay không gắng sức, sau hối không ích gì”.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
13. ĐẠI DUYÊN PHƯƠNG TIỆN
Tôi nghe như vầy:
Một thời gian Phật ở tại nước Câu-lưu-sa, trú xứ Kiếp-ma-sa, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi 1. 250 người.
Bấy giờ, A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai nhân duyên mà Ðức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”
Rồi thì, A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật; đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:
“Vừa rồi, ở nơi tịnh thất, con tự thầm nghĩ: Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai nhân duyên mà Ðức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý con quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”
Bấy giờ, Phật bảo A-nan:
“Thôi, thôi, A-nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai nhân duyên rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai nhân duyên này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.
“Này A-nan, nay Ta nói với ngươi: Già chết có duyên. Nếu có người hỏi: Cái gì là duyên của già chết? Hãy trả lời người ấy: Sanh là duyên của già chết. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sanh. Hãy trả lời: Hữu là duyên của sanh. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hữu? Hãy trả lời: Thủ là duyên của hữu. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thủ? Hãy trả lời: Ái là duyên của thủ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: “Thọ là duyên của ái. Nếu lại hỏi: “Cái gì là duyên của thọ? Hãy trả lời: Xúc là duyên của thọ. “Nếu lại hỏi: “Cái gì là duyên của xúc? Hãy trả lời: Lục nhập là duyên của xúc. Nếu lại hỏi: “Cái gì là duyên của lục nhập? Hãy trả lời: “Danh sắc là duyên của lục nhập. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của danh sắc? Hãy trả lời: “Thức là duyên của danh sắc.. “Nếu lại hỏi: “Cái gì là duyên của thức? Hãy trả lời: “Hành là duyên của thức.. Nếu lại hỏi: “Cái gì là duyên của hành? Hãy trả lời: Vô minh là duyên của hành.
“Này A-nan, như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, lo, rầu, khổ não, tập thành một khối đại hoạn. Đó là duyên của cái đại khổ ấm vậy.
“Này A-nan, duyên sanh có già chết: điều này có ý nghĩa gì? Giả sử hết thảy chúng sanh không có sanh, thì có già chết không?”
“A-nan đáp: “Không”.
“Vậy nên, A-nan, Ta do lẽ đó, biết già chết do sanh, duyên sanh có già chết, nghĩa của Ta nói thế đó.
“Lại nữa, này A-nan, duyên hữu mà có sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, thế thì có sanh không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.
“Lại nữa, này A-nan, duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ, thế thì có hữu không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu. Nghĩa của Ta nói tại đó.
“Lại nữa, này A-nan, duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục ái, hữu ái, vô hữu ái, thế thì có thủ không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ. Nghĩa của Ta nói tại đó.
“Lại nữa, này A-nan, duyên thọ mà có ái, là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ, thế thì có ái không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái. Nghĩa của Ta nói tại đó.
“A-nan, nên biết, nhân tham ái mà có tìm cầu, nhân tìm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà đắm trước, nhân đắm trước mà tật đố, nhân tật đố mà quản thủ, nhân quản thủ mà bảo hộ. Này A-nan! Do bảo hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của ta nói là ở đó. Này A-nan! Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không bảo hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết dao gậy, tranh cãi là do tâm bảo hộ, nhân tâm bảo hộ mà sinh ra. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan, nhân quản thủ mà có bảo hộ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm quản thủ thế thì có bảo hộ không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết có bảo hộ là do quản thủ; nhân quản thủ mà có sự bảo hộ. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tật đố có quản thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm tật đố thế thì có quản thủ không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết quản thủ do tật đố; nhân tật đố mà có quản thủ. Nghĩa của ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắm trước mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắm trước thế thì có tật đố không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tật đố do đắm trước; nhân đắm trước mà có tật đố. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân ham muốn mà có đắm trước là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không ham muốn thế thì có đắm trước không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắm trước do ham muốn; nhân ham muốn mà có đắm trước. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không thọ dụng thế thì có ham muốn không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng; nhân thọ dụng mà có ham muốn. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắc lợi thế thì có thọ dụng không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi; nhân đắc lợi mà có thọ dụng. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tìm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tìm cầu thế thì có đắc lợi không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tìm cầu; nhân tìm cầu mà có đắc lợi. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham ái mà có tìm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham ái thế thì có tìm cầu không?
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tìm cầu do tham ái; nhân tham ái mà có tìm cầu. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó”.”
Lại bảo A-nan:
“Nhân tham ái mà có tìm cầu, cho đến có thủ hộ. Thọ cũng vậy. Nhân thọ có tìm cầu, cho đến thủ hộ”.”
Phật lại bảo A-nan:
“Duyên xúc mà có thọ, là nghĩa thế nào? Giả sử không có con mắt, không có sắc, không có thức con mắt, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không”.
“Nếu không có tai, không có tiếng, không có thức của tai; không có mũi, không có hương, không có thức của mũi; không có lưỡi, không có vị, không có thức của lưỡi; không có thân, xúc, thức của thân; không có ý, pháp, ý thức, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan! Giả sử chúng sanh không có xúc, thế thì có thọ không?”
Đáp: “Không”.
“A-nan, Ta do nghĩa đó, biết thọ do xúc; duyên xúc mà có thọ. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.
“Này A-nan! Duyên danh sắc mà có xúc, là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có danh sắc, thế thì có tâm xúc không?”
Đáp: “Không”.
“Nếu chúng sanh không có hình sắc, tướng mạo, thế thì có thân xúc không? “”
Đáp: “Không”.
“Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không”.
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.
“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì có danh sắc không?”
Đáp: “Không”.
“Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra, thế thì có danh sắc không?”
Đáp: “Không”.
“Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?”
Đáp: “Không”.
“A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?”
Đáp: “Không”.
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức; duyên thức mà có danh sắc. Nghĩa của ta nói là ở đó.
“A-nan, duyên danh sắc có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không có trú xứ. Nếu thức không có trú xứ, thế thì có sanh, già, bệnh, chết, ưu bi khổ não không?”
Đáp: “Không”.
“Này A-nan, nếu không danh sắc thì có thức không?”
Đáp: “Không”.
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Vậy nên, danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ ấm.
“Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh.
“Này A-nan, các Tỳ-kheo nào ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Đối với Tỳ-kheo giải thoát như vậy, Như Lai chung tuyệt cũng được biết, Như Lai không chung tuyệt cũng được biết, Như Lai vừa chung tuyệt vừa không chung tuyệt cũng được biết, Như Lai chẳng phải chung tuyệt chẳng phải không chung tuyệt cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi đã hiểu biết tận cùng, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy.
“Này A-nan, đối với những người chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã.
“Có người nói, thọ không phải ngã; ngã là thọ. Có người nói, thọ không phải ngã, ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã. Có người nói, thọ không phải ngã, ngã không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã..
“Này A-nan, đối với người thấy có ngã, nói rằng thọ là ngã”, hãy nói với người ấỵ: Như Lai nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ lạc thì không có thọ khổ, thọ không lạc không khổ. Trong khi hiện hữu thọ khổ thì không có thọ lạc, thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ không lạc không khổ thì không có thọ lạc, thọ khổ. Sở dĩ như vậy, A-nan, là vì do duyên là cảm xúc lạc mà phát sanh thọ lạc. Nếu cảm xúc lạc diệt mất, thì cảm thọ lạc cũng diệt mất. A-nan, do duyên là cảm xúc khổ mà phát sinh cảm thọ khổ. Nếu cảm xúc khổ diệt mất thì cảm thọ khổ cũng diệt mất. Này A-nan, do duyên là cảm xúc không lạc không khổ mà phát sanh thọ không lạc không khổ. Nếu cảm xúc không lạc không khổ diệt mất thì cảm thọ không lạc không khổ cũng diệt mất. A-nan, ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra, hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là cảm xúc lạc mà cảm thọ lạc phát sanh; nếu cảm xúc lạc diệt thì cảm thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là cảm xúc khổ mà cảm thọ khổ phát sanh; nếu cảm xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là cảm xúc không lạc không khổ mà cảm thọ không lạc không khổ phát sanh; nếu cảm xúc không lạc không khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Này A-nan! Ba thọ đó là hữu vi, vô thường, do nhân duyên sanh, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chánh quán điều đó một cách như thật với chánh trí. A-nan, ai thấy có ngã, cho rằng thọ là ngã, người ấy sai lầm.
“A-nan, với những ai thấy có ngã, nói rằng, thọ không phải là ngã; ngã là thọ, hãy nói với người ấy rằng: Như Lai nói có ba thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nếu thọ lạc là ngã; khi thọ lạc diệt mất, sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ khổ là ngã; khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ không lạc không khổ là ngã; khi thọ không lạc không khổ diệt, thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. A-nan, những ai thấy có ngã, nói rằng thọ không phải là ngã; ngã là thọ, người ấy sai lầm.
“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: Thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã, hãy nói với người ấy rằng: Hết thảy không thọ, làm sao ông nói được có thọ pháp. Ông là thọ pháp chăng?? Đáp: Không phải.
“Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã, người ấy sai lầm.
“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: thọ không phải là ngã, thọ pháp không phải là ngã; nhưng thọ là ngã “, nên nói với người ấy: Hết thảy không có thọ, làm sao có thọ. Ông chính là thọ chăng? Đáp: Không phải. Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã; thọ là ngã, người ấy sai lầm.
“A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh.
“A-nan, các Tỳ-kheo ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, A-nan, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Với Tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, có ngã cũng được biết, không có ngã cũng được biết, vừa có ngã vừa không có ngã cũng được biết, không phải có ngã không phải không có ngã cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giớói hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi biết rõ thấu suốt như vậy, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy”.”
Phật nói A-nan:
“Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định?”
“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: Một ít sắc là ngã ; hoặc nói: Phần lớn sắc là ngã; hoặc nói: Một ít vô sắc là ngã; hoặc nói: Phần lớn vô sắc là ngã.
“A-nan, những người nói một ít sắc là ngã, xác định chỉ một ít sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói phần lớn sắc là ngã, xác định phần lớn sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói một ít vô sắc là ngã, xác định chỉ một ít vô sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai. Những người nói phần lớn vô sắc là ngã, xác định phần lớn vô sắc là ngã; sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai”.”
Phật nói với A-nan:
“Có bảy trú xứ của thức và hai nhập xứ, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.
“Những gì là bảy? Hoặc có hạng chúng sanh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức chư Thiên và loài Người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết trú xứ thứ nhất của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy với tri kiến như thật.
“Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Quang âm. Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến tịnh. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi Không xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi Thức xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi Vô sở hữu xứ. Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy với tri kiến như thật.
“Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng nhập và phi tưởng phi vô tưởng nhập. A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy với tri kiến như thật”.
“A-nan, lại có tám giải thoát. Những gì là tám? Có sắc, quán sắc là giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc là giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát: là giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú Không xứ là giải thoát thứ tư. Vượt Không xứ, an trú Thức xứ là giải thoát thứ năm. Vượt thức xứ, an trú Vô sở hữu xứ là giải thoát thứ sáu. Vượt Vô sở hữu xứ, an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ là giải thoát thứ bảy. Diệt tận định là giải thoát thứ tám. A-nan, các Tỳ-kheo đối với tám giải thoát này du hành theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại, Tỳ-kheo như vậy chứng đắc Câu giải thoát."”
Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
14. THÍCH ĐỀ-HOÀN NHÂN VẤN
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong hang Nhân-đà-bà-la, núi Tỳ-la, phía Bắc thôn Am-bà-la.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân phát khởi thiện tâm vi diệu, muốn đến thăm Phật: “Nay ta hãy đi đến chỗ Thế Tôn”.
Khi ấy, chư Thiên Đao-lợi hay rằng Thích Đề-hoàn Nhân phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đi đến đến chỗ Phật, bèn tìm gặp Đế Thích, tâu rằng:
“Lành thay, Đế Thích! Ngài phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đến Như Lai. Chúng tôi cũng rất vui sướng nếu được theo hầu ngài đi đến chỗ Thế Tôn”.”
Thích Đề-hoàn Nhân liền nói với thần chấp nhạc là Ban-giá-dực rằng:
“Ta nay muốn đi đến chỗ Thế Tôn. Ngươi có thể đi theo. Chư Thiên Đao-lợi này cũng muốn theo ta đến chỗ Phật”.”
Đáp: “Thưa vâng”.
Rồi Ban-giá-dực cầm cây đàn lưu ly, ở trong chúng, trước mặt Đế Thích, gảãy đàn cúng dường.
Rồi Thích Đề-hoàn Nhân, chư Thiên Đao-lợi, cùng Ban-giá-dực, bỗng nhiên biến mất khỏi PPháp đường. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay họ đến phía Bắc nước Ma-kiệt-đà, trong núi Tỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam muộitam-muội, khiến cho cả núi Tỳ-đà đồng một màu lửa. Khi ấy, người trong nước thấy vậy, bảo nhau rằng:
“Núi Tỳ-đà này đồng một màu lửa. Phải chăng là do thần lực của chư Thiên?”
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân nói với Ban-giá-dực rằng:
“Đức Như Lai, Chí Chân, rất khó được gặp. Nhưng nay có thể rũ lòng đi xuống chỗ thanh vắng này, lặng lẽ không tiếng động, làm bạn với muông thú. Chỗ này thường có các Đại Thiên thần thị vệ Thế Tôn. Ngươi hãy đi trước tấu đàn lưu ly để làm vui lòng Thế Tôn. Ta cùng chư Thiên sẽ đến sau”.”
Đáp: “Kính vâng”.
Tức thì cầm đàn lưu ly đến Phật trước. Cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly và hát lên bài kệ rằng:
Bạt-đà ơi, kính lễ phụ thân nàng.
Cha nàng đẹp rực rỡ,
Sinh ra nàng cát tường
Tâm ta rất thương yêu.
Vốn do nhân duyên nhỏ,
Dục tâm sinh trong đó;
Càng ngày càng lớn thêm.
Như cúng dường La La-hán ;
Thích tử chuyên Tứ thiền,
Thường ưa chốn thanh vắng,
Chánh ý cầu cam lồ;
Tâm niệm ta cũng vậy.
Năng Nhân phát đạo tâm,
Tất muốn thành Chánh giác;
Như tôi nay cũng vậy,
Ước hội họp với nàng.
Tâm tôi đã đắm đuối,
Yêu thương không dứt được;
Muốn bỏ, không thể bỏ,
Như voi bị móc câu.
Như nóng gặp gió mát;
Như khát gặp suối lạnh;
Như người nhập Niết-bàn;
Như nước rưới tắt lửa;
Như bệnh, gặp lương y;
Đói, gặp thức ăn ngon,
No đủ, khoái lạc sanh;
Như La- hán trú Pháp.
Như voi bị kềm chặt,
Mà vẫn chưa khứng phục,
Bươn chạy, khó chế ngự,
Buông lung chẳng chịu dừng.
Cũng như ao trong mát,
Mặt nước phủ đầy hoa;
Voi mệt, nóng, vào tắm,
Toàn thân cảm mát rượi.
Trước, sau, tôi bố thí,
Cúng dường các La- hán;
Phước báo có trong đời;
Thảy mong được cùng nàng.
Nàng chết, tôi cùng chết;
Không nàng, sống làm gì?
Chẳng thà tôi chết đi,
Còn hơn sống không nàng.
Chúa tể trời Đao-lợi,
Thích chúa, cho tôi nguyện.
Tôi ngợi ca đủ lễ.
Xin người suy xét kỹ.
Khi ấy, Thế Tôn từ tam-muội dậy, nói với Ban-giá-dực rằng:
“Lành thay, lành thay, Ban-giá-dực, ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh cùng với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển, làm rung động lòng người. Cây đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó được nói là sự trói buộc của dục và cũng được nói là phạm hạnh, cũng được nói là Sa-môn, cũng được nói là Niết-bàn”.”
Khi ấy Ban-giá-dực bạch Phật rằng:
“Con nhớ lại, thuở xưa khi Thế Tôn vừa mới thành đạo dưới gốc cây A-du-ba-đà ni-câu-luật, bên dòng sông Ni-liên-thiền, thôn Uất-bệ-la ; lúc ấy có người con trai của Thiên đại tướng là Thi-hán-đà và con gái của Chấp nhạc Thiên vương đang cùng ở một chỗ, chỉ tổ chức những cuộc vui chơi. Con khi ấy thấy được tâm tư họ, bèn làm một bài tụng. Bài tụng ấy nói đến sự trói buộc của dục; và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói Sa-môn, cũng nói Niết-bàn. Vị Thiên nữ kia khi nghe bài kệ của con, đưa mắt lên cười và nói với con rằng: Ban-giá-dực, tôi chưa hề thấy Như Lai. Tôi ở trên Pháp đường của trời Đao-lợi đã từng nghe chư Thiên xưng tán Như Lai, có công đức như vậy, năng lực như vậy. Ông hằng có lòng thành tín, thân cận Như Lai. Nay tôi muốn cùng ông làm bạn. Thế Tôn, con lúc ấy có nói với nàng một lời, rồi sau đó không hề nói với nàng nữa”.”
Lúc bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ như vầy: “Ban-giá-dực này đã làm vui lòng Thế Tôn rồi, nay ta hãy nghĩ đến người ấy”. Rồi Thiên Đế Thích tức thì nghĩ đến người ấy. Lúc ấy Ban-giá-dực lại có ý nghĩ như vầy: “Thiên Đế Thích đang nghĩ đến ta”. Tức thì cầm cây đàn lưu ly đi đến chỗ Đế Thích. Đế Thích bảo rằng:
“Ngươi mang danh ta cùng ý của trời Đao-lợi đến thăm hỏi Thế Tôn: Đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?”
Ban-giá-dực vâng lời chỉ giáo của Đế Thích, đi đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:
“Thích Đề-hoàn Nhân và chư Thiên Đao-lợi sai con đến thăm Thế Tôn, hỏi Ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?”
Thế Tôn trả lời:
“Mong Đế Thích của ngươi và chư Thiên Đao-lợi thọ mạng lâu dài, khoái lạc, không bệnh. Sở dĩ như vậy là vì chư Thiên, Người đời, A-tu-luân và các chúng sanh khác đều ham sống lâu, an lạc, không bệnh hoạn”.”
Bấy giờ Đế Thích lại suy nghĩ: “Chúng ta nên đến lễ viếng Thế Tôn”. Tức thì cùng với chư Thiên Đao-lợi đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Đế Thích bạch Phật rằng:
“Không biết nay con có thể ngồi cách Thế Tôn bao xa?”
Phật bảo Đế Thích:
“Thiên chúng các ngươi nhiều. Nhưng ai gần Ta thì ngồi”.”
Khi ấy, hang Nhân-đà-la mà Thế Tôn đang ở tự nhiên trở nên rộng rãi, không bị ngăn ngại. Bấy giờ Đế Thích cùng chư Thiên Đao-lợi và Ban-giá-dực đều lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Đế Thích bạch Phật:
“Một thời, Phật ở tại nhà một người Bà-la-môn ở nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam muộitam-muội. Con khi ấy nhân có chút việc, cưỡi xe báu ngàn căm, đi đến chỗ Tỳ-lâu-lặc Thiên vương. Bay ngang không trung, trông thấy một Thiên nữ chắp tay đứng trước Thế Tôn. Con liền nói với Thiên nữ ấy rằng: Khi Thế Tôn ra khỏi tam muộitam-muội, nàng hãy xưng tên ta mà thăm hỏi Thế Tôn, đi đứng có nhẹ nhàng không, lui tới có khỏe mạnh không? Không biết Thiên nữ ấy sau đó có chuyển đạt tâm tư ấy giùm con không?”
Phật nói:
“Ta có nhớ. Thiên nữ ấy sau đó có xưng tên ngươi mà thăm hỏi Ta. Ta ra khỏi thiền định mà còn nghe tiếng xe của ngươi”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Thuở xưa, nhân có chút duyên sự, con cùng chư Thiên Đao-lợi tập họp tại Pháp đường. Các vị Thiên thần cố cựu khi ấy đều nói rằng: Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, thì Thiên chúng gia tăng, mà chúng A-tu-la giảm thiểu. Nay con chính tự thân gặp Thế Tôn, tự thân biết, tự thân chứng nghiệm, rằng Như Lai xuất hiện ở đời thì các Thiên chúng gia tăng, mà chúng A-tu-la giảm thiểu.
“Có Cù-di Thích nữ này, theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh lên cung trời Đao-lợi, làm con của con. Chư Thiên Đao-lợi đều khen: Cù-di con cả của trời có công đức lớn, có uy lực lớn.
Lại có ba Tỳ-kheo khác theo Thế Tôn tịnh tu phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh trong hàng các thần chấp nhạc thấp kém, hằng ngày đến để con sai khiến. Cù-di thấy vậy, làm bài kệ chọc tức rằng:
Ông là đệ tử Phật;
Khi tôi là tại gia,
Cúng dường ông cơm áo,
Lễ bái rất cung kính.
Các ông là những ai?
Tự thân được Phật dạy.
Lời dạy Đấng Tịnh Nhãn,
Mà ông không suy xét.
Ta xưa lễ kính ông,
Nghe Phật pháp vô thượng,
Sinh trời Tam thập tam,
Làm con trời Đế Thích.
Các ông sao không xét,
Công đức mà tôi có.
Trước vốn là thân gái,
Nay là con Đế Thích.
Trước vốn cùng các ông
Đồng tu nơi phạm hạnh;
Nay riêng sinh chỗ thấp kém,
Để cho tôi sai khiến.
Xưa ông hành vi xấu,
Nên nay chịiụu báo này.
Riêng sinh chỗ ti tiện,
Để cho tôi sai khiến.
Sinh chỗ bất tịnh này,
Bị người khác xúc phạm.
Nghe vậy, hãy nhàm chán
Chỗ đáng nhàm tởm này.
Từ nay hãy siêng năng,
Chớ để làm tôi người .
Hai ông siêng tinh tấn,
Tư duy pháp Như Lai.
Xả bỏ điều mê luyến,
Hãy quán, dục bất tịnh,
Dục trói, không chân thật,
Chỉ lừa dối thế gian.
Như voi bứt xiềng xích,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Đế Thích, trời Đao-lợi,
Tập pháp trên giảng đường.
Kia với sức dũng mãnh,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Thích khen chưa từng có.
Chư Thiên cũng thấy qua.
Đấy con nhà họ Thích,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Đã chán dục trói buộc;
Cù-di nói như vậy.
Nước Ma-kiệt có Phật,
Hiệu là Thích-ca Văn.
Người kia vốn thất ý;
Nay phục hồi chánh niệm.
Một trong số ba người,
Vẫn làm thần Chấp nhạc.
Hai người thấy Đạo đế,
Siêu việt trời Đao-lợi.
Pháp Thế Tôn đã dạy,
Đệ tử không hoài nghi.
Cũng đồng thời nghe pháp;
Hai người hơn người kia.
Tự mình thấy thù thắng,
Đều sinh trời Quang âm.
Con quan sát họ rồi,
Nên nay đến chỗ Phật.
Đế Thích bạch Phật:
“Kính mong Thế Tôn bỏ chút thời gian, giải quyết cho con một điều nghi ngờ”.”
Phật nói:
“Ngươi cứ hỏi, Ta sẽ giải thích cho từng điều một”.”
Bấy giờ Đế Thích liền bạch Phật rằng:
“Chư Thiên, người thế gian, Càn-đạp-hòa, A-tu-la cùng các chúng sanh khác, tất cả tương ưng với kết phược gì mà cho đến thù địch nhau, dao gậy nhắm vào nhau?”
Phật nói với Đế Thích:
“Sự phát sanh của oán kết đều do tham lam, tật đố. Vì vậy, chư Thiên, người thế gian, cùng các chúng sanh khác dùng dao gậy nhắm vào nhau”.”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn. Oán kết sanh do bởi tham lam, tật đố; khiến cho chư Thiên, người đời, A-tu-la và các chúng sanh khác, sử dụng dao gậy đối với nhau. Con nay nghe lời Phật dạy, lưới nghi đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu sự phát sanh của tham lam tật đố do đdâu mà khởi lên; do bởi nhân duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Sự phát sanh của tham lam, tật đố, tất cả đều do bởi yêu và ghét ; yêu ghét là nhân; yêu ghét là nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không “.”
Bấy giờ, Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn! Tham lam, tật đố phát sanh do bởi yêu ghét; yêu ghét là nhân; yêu ghét làm duyên; yêu ghét làm nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu yêu ghét do đâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ; từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Yêu ghét phát sanh ở nơi dục ;; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không”.”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, yêu ghét phát sanh ở nơi dục; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu dục này do dâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:

“Ái do tưởng sanh ;; do nhân là tưởng, duyên là tưởng; tưởng làm nguyên thủ, từ đó mà có; cái đó không thì không”.”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, ái do tưởng sanh; do nhân là tưởng, do duyên là tưởng; tưởng là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu tưởng do đâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”
Phật bảo Đế Thích:
“Tưởng phát sanh do nơi điệu hý ; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó mà có, cái đó không thì không.
“Này Đế Thích, nếu không có điệu hý thìí không có tưởng. Không có tưởng thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam tật đố. Nếu không có tham lam tật đó thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau.
“Này Đế Thích, chỉ duyên điệu hý làm gốc; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, do điệu hý mà có tưởng; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Nếu vốn không có điệu hý thì không có tưởng. Không có tưởng thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam tật đố. Nếu không có tham lam tật đố thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau. Nhưng tưởng do điệu hý sanh; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tưởng. Từ tưởng có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam tật đố. Do tham lam tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.”
Rồi Đế Thích bạch Phật:
“Hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý chăng? Hay không ở trên con đường diệt trừ điệu hý?"?”
Phật nói:
“Không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Sở dĩ như vậy, này Đế Thích, vì thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, Đế Thích, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý”..”
Đế Thích liền bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn, thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.”
Đế Thích lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào là con đường diệt trừ điệu hý?”
Phật bảo Đế Thích:
“Điệu hý có ba; một là miệng, hai là tưởng, ba là cầu. Những gì do miệng người nói, hại mình, hại người, hại cả hai; xả bỏ lời nói ấy. Như những gì được nói không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, đúng như những điều được nói, chuyên niệm không tán loạn. Tưởng cũng hại mình, hại người, hại cả hai; xả bỏ tưởng ấy. Đúng như những gì được tưởng mà không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, đúng như những điều được tưởng, chuyên niệm không tán loạn. Đế Thích, cầu cũng hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ cầu ấy, đúng những gì được tìm cầu, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời đúng như những gì được tìm cầu chuyên niệm không tán loạn”.”
Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa”.”
Lại hỏi:
“Trong chừng mực nào thì gọi là Xả tâm của Hiền thánh?”
Phật nói với Đế Thích:
“Xả tâm có ba: một là hỷ thân, hai là ưu thân, ba là xả thân. Đế Thích; hỷ thân kia hại mình, hại người, hại cả hai. Sau khi xả bỏ hỷ ấy, như điều được hoan hỷ, không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc. Đế Thích, ưu thân kia hại mình, hại người, hại cả hai. Sau khi xả bỏ ưu ấy, như điều ưu tư, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc. Lại nữa, Đế Thích, xả thân kia hại mình, hại người, hại cả hai. Sau khi xả bỏ xả thân ấy, như điều được xả, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới Cụ túc”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa”.”
Lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào thì được gọi là sự đầy đủ các căn của bậc Hiền thánh??”
Phật bảo Đế Thích:
“Con mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Thế Tôn, Như Lai nói vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi. Theo chỗ hiểu biết đầy đủ của con thì như thế này: Mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửữi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân và không đáng thân. Thế Tôn, như con mắt quán sát sắc, mà pháp thiện tổn giảm, pháp bất thiện tăng. Mắt thấy sắc như thế, Ta nói không đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửữi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tổn giảm, pháp bất thiện tăng trưởng, Ta nói không đáng thân. Như mắt biết sắc mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện giảm; sự biết sắc của mắt như vậy, Ta nói đáng thân. Tai nghe tiếng, mũi ngửữi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện tổn giảm, Ta nói đáng thân”.”
Phật bảo Đế Thích:
“Lành thay, lành thay, đó gọi là sự đầy đủ các căn của Hiền thánh”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Con nghe những điều Phật nói, không còn hồ nghi nữa.”
Lại bạch Phật:
“Trong chừng mực nào Tỳ-kheo được nói là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư?”
Phật bảo Đế Thích:
“Thân bị khổ bởi ái đã diệt tận, là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư.”.”
Đế Thích bạch Phật:
“Những mối hoài nghi mà con ôm ấp lâu dài nay đã được Như Lai mở bày, không còn gì nghi ngờ nữa”.”
Phật nói với Đế Thích:
“Trước đây ngươi có bao giờ đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn hỏi ý nghĩa này chưa?”
Đế Thích bạch Phật:
“Con nhớ lại, thuở xưa, con đã từng đến Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi nghĩa này. Xưa, có một thời, chúng con tập họp tại giảng đường, cùng các Thiên chúng bàn luận: Như Lai sẽ ra xuất hiện ở đời chăng? Chưa xuất hiện ở đời chăng? Rồi chúng con cùng suy tìm, không thấy có Như Lai xuất hiện ở đời. Mỗi vị trở về cung điện của mình, hưởng thụ ngũ dục. Thế Tôn, về sau, con lại thấy các Đại Thiên thần sau khi tự thỏa mãn với ngũ dục, dần dần từng vị mạng chung. Lúc ấy, bạch Thế Tôn, con rất kinh sợ, lông tóc dựng đứng. Khi gặp các Sa-môn, Bà-la-môn sống nơi thanh vắng, lìa bỏ gia đình, lìa bỏ dục lạc, con bèn tìm đến hỏi họ rằng: Thế nào là cứu cánh? Con hỏi ý nghĩa ấy, nhưng họ không thể trả lời. Đã không thể trả lời, họ hỏi ngược lại con: Ông là ai? Con liền đáp: Tôi là Thích Đề-hoàn Nhân. Kia lại hỏi: Ông là Thích nào?Con đáp: Tôi là Thiên Đế Thích. Trong lòng có mối nghi nên đến hỏi. Rồi con và vị ấy theo chỗ thấy biết của mình cùng giải thích ý nghĩa. Kia nghe con nói, kia lại nhận làm đệ tử của con. Nay con là đệ tử Phật, chứng đắc Tu-đà-hoàn đạo, không còn đọa cõi dữ; tái sanh tối đa bảy lần tất thành đạo quả. Cúi mong Thế Tôn thọ ký con là Tư-đà-hàm”.”
Nói xong, Đế Thích lại làm bài tụng:
Do kia nhiễm uế tưởng ,
Khiến con sanh nghi ngờ.
Cùng chư Thiên, lâu dài
Suy tìm đến Như Lai.
Gặp những người xuất gia
Thường ở nơi thanh vắng,
Tưởng là Phật Thế Tôn,
Con đến cúi đầu lễ.
Con đến và hỏi họ
“Thế nào là cứu cánh?”
Hỏi, nhưng không thể đáp,
Đường tu đi về đâu.
Ngày nay đĐấng Vô Đẳng,
Mà con đợi từ lâu,
Đã quán sát, thực hành,
Tâm đã chánh tư duy.
Đấng Tịnh Nhãn đã biết
Sở hành của tâm con
Và nghiệp tu lâu dài,
Cúi mong thọ ký con.
Quy mạng Đấng Chí Tôn,
Đấng siêu việt tam giới,
Đã bứt gai ân ái.
Kính lễ Đấng Nhật Quang.
Phật bảo Đế Thích:
“Ngươi có nhớ trước đây khi ngươi có hỷ lạc, cảm nghiệm lạc chăng? “?”
Đế Thích đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn. Con nhớ hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có trước đây. Thế Tôn, xưa có lần con đánh nhau với A-tu-la. Khi đó con chiến thắng, A-tu-la bại trận. Con trở về với sự hoan hỷ, cảm nghiệm lạc. Nhưng hoan hỷ ấy, cảm nghiệm lạc ấy duy chỉ là hỷ lạc của dao gậy uế ác, là hỷ lạc của đấu tranh. Nay hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có được ở nơi Phật không phải là hỷ lạc của dao gậy, của đấu tranh”.”
Phật hỏi Đế Thích:
“Hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà ngươi có hiện nay, trong đó muốn tìm cầu những kết quả công đức gì?”
Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:
“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, muốn tìm cầu năm kết quả công đức. Những gì là năm? “Rồi Đế Thích liền đọc bài kệ:
Nếu sau này con chết,
Xả bỏ tuổi thọ trời,
Đầu thai không lo lắng,
Khiến tâm con hoan hỷ.
Phật độ người chưa độ;
Hay nói đạo chân chánh;
Ở trong pháp Chánh giác,
Con cần tu phạm hạnh.
Sống với thân trí tuệ,
Tâm tự thấy chân đế;
Chứng đạt điều cần chứng,
Do thế sẽ giải thoát .
Nhưng phải siêng tu hành,
Tu tập chơn trí Phật.
Dù chưa chứng đạo quả;
Công đức vẫn hơn trời.
Các cõi trời thần diệu,
A-ca-ni, vân vân;
Cho đến thân cuối cùng,
Con sẽ sanh nơi ấy.
Nay con ở nơi này,
Được thân trời thanh tịnh;
Lại được tuổi thọ tăng;
Tịnh nhãn, con tự biết.
Nói bài kệ xong, Đế Thích bạch Phật:
“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, mà được năm kết quả công đức như vậy”.”
Bấy giờ Đế Thích nói với chư Thiên Đao-lợi:
“Các ngươi ở trên trời Đao-lợi đã cung kính hành lễ trước Phạm đồng tử. Nay trước Phật lại cũng hành lễ cung kính như vậy, há không tốt đẹp sao?”
Nói xong, phút chốc Phạm đồng tử bỗng xuất hiện giữa hư không, đứng bên trên các Thiên chúng, hướng về phía Đế Thích mà đọc bài kệ rằng:
Thiên vương hành thanh tịnh,
Nhiều lợi ích chúng sanh;
Ma-kiệt, Chúa Đế Thích,
Hỏi Như Lai ý nghĩa.
Bấy giờ, Phạm đồng tử sau khi nói kệ, bỗng nhiên biến mất. Khi ấy Đế Thích rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Thế Tôn, đi quanh Phật ba vòng, rồi lui về. Chư Thiên Đao-lợi cùng Ban-giá-dực cũng lễ dưới chân Phật rồi lui về.
Thiên Đế Thích đi trước một đỗi, quay lại nói với Ban-giá-dực:
“Lành thay, lành thay! Ngươi đã đi trước đến gảãy đàn trước Phật cho vui vẻ, sau đó ta mới cùng chư Thiên Đao-lợi đến sau. Ta nay bổ ngươi vào địa vị của cha ngươi, làm thượng thủ trong các Càn-đạp-hòa và sẽ gả Bạt-đ con gái của vua Càn-đạp-hòa cho ngươi làm vợ”.”
Khi Thế Tôn nói pháp này, tám vạn bốn ngàn chư Thiên xa lìa trần cấu, con mắt Chánh pháp phát sanh đối với các pháp.
Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân, chư Thiên Đao-lợi và Ban-giá-dực sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 22 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.236.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập