Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM 9: TAM TAI
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có bốn sự kiện trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Bốn sự kiện, đó là: Một, ở thế gian có những thứ tai nạn khởi lên từ từ; khi thế giới này tan hoại, trung gian là một khoảng thời gian trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Hai, sau khi thế giới này tan hoại rồi, thì trung gian là một khoảng trống vắng mênh mông, không có thế giới; thời gian này là mịt mù trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Ba, khi trời đất mới bắt đầu khởi hướng nhắm đến sự hình thành tựu, thì khoảng thời gian này là trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Bốn, sau khi trời đất đã hoàn thành rồi, tồn tại lâu dài không hoại, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Ðó là bốn sự kiện trường cửu, không lường, không có giới hạn, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để tính toán được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ở thế gian có ba thứ tai kiếp ; đó là: Một, tai kiếp lửa. Hai, tai kiếp nước. Ba, tai kiếp gió. Có giới hạn phía trên của ba tai kiếp. Thế nào là ba? Ðó là: một, Quang âm thiên ; hai, Biến tịnh thiên ; ba, Quả thật thiên. Khi tai kiếp lửa khởi lên, cháy lên cho đến Quang âm thiên, thì Quang âm thiên là giới hạn. Khi tai kiếp nước khởi lên, ngập cho đến Biến tịnh thiên, thì Biến tịnh thiên là giới hạn. Khi tai kiếp gió khởi lên, thổi cho đến Quả thật thiên, thì Quả thật thiên là giới hạn.
“Thế nào là tai kiếp lửa? Khi tai kiếp lửa bắt đầu sắp sửa khởi, thì con người thế gian này lúc đó đều thực hành chánh pháp, đều chánh kiến không điên đảo, đều tu thập thiện hành. Khi thực hành pháp này, có người đạt được Nhị thiền, liền có thể cất mình bay lên ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ Nhị thiền không giác không quán! Sung sướng thay, đệ Nhị thiền! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của đệ Nhị thiền không giác, không quán. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Nhị thiền không giác, không quán. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Nhị thiền không giác, không quán, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên.
“Lúc ấy, những chúng sanh có tội trong địa ngục, sau khi mạng chung lại được sinh vào cõi người và tu tập pháp của đệ Nhị thiền không giác, không quán, nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên. Những chúng sanh ở trong các loài Súc sanh, Ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, sau khi thân hoại mạng chung sanh lại cõi nhân gian; sau đó tu tập Nhị thiền không giác, không quán, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về Quang âm thiên. Vì những nhân duyên này nên đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, cho đến Phạm thiên tất cả đều diệt. Ngay lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt, sau đó súc sanh diệt; súc sanh diệt rồi thì ngạ quỷ diệt; ngạ quỷ diệt rồi thì A-tu-la diệt; A-tu-la diệt rồi thì Tứ thiên vương diệt; Tứ thiên vương diệt rồi thì Ðao-lợi thiên diệt; Ðao-lợi thiên diệt rồi thì Diệm-ma thiên diệt; Diệm-ma thiên diệt rồi thì Ðâu-suất thiên diệt; Ðâu-suất thiên diệt rồi thì Hóa tự tại thiên diệt; Hóa tự tại thiên diệt rồi thì Tha hóa tự tại thiên diệt; Tha hóa tự tại thiên diệt rồi thì Phạm thiên diệt; Phạm thiên diệt rồi thì sau đó con người diệt, không còn sót gì lại sau này. Khi con người đã diệt, không còn gì nữa, thì thế gian này sẽ hủy hoại cho đến thành là tai nạn. Sau đó trời không mưa, trăm thứ lúa thóc, cỏ cây tự nhiên chết khô.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát, vượt qua thế gian.
“Sau đó, qua một thời gian rất lâu, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, đặt làm quỹ đạo của mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có hai mặt trời xuất hiện. Sau khi hai mặt trời xuất hiện, thì những giòng sông, ngòi, kênh, rạch nhỏ có được trên thế gian này, đều khô kiệt.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có ba mặt trời xuất hiện. Sau khi ba mặt trời xuất hiện, thì những nơi có nước nhiều như: sông Hằng, sông Da-bà-na, sông Bà-la, sông A-di-la-bà-đề, sông A-ma-khiếp, sông Tân-đà, sông Cố-xá tất cả đều khô cạn, không còn một giọt.
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ, Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bốn mặt trời xuất hiện. Sau khi bốn mặt trời xuất hiện, thì những con suối, nguồn nước, hồ, vực, trong thế gian như ao lớn Thiện kiến, ao lớn A-nậu-đạt, ao Tứ-phương-đà-diên, ao Ưu-bát-la, ao Câu-vật-đầu, ao Phân-đà-lỵ, ao Ly; dọc ngang rộng năm mươi do-tuần, thảy đều khô cạn hết.
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó, một thời gian lâu dài, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có năm mặt trời xuất hiện. Sau khi năm mặt trời xuất hiện, thì nước trong biển lớn bị vơi dần từ một trăm do-tuần cho đến bảy trăm do-tuần.
“Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Bấy giờ, nước biển lớn vơi dần hết chỉ còn có từ bảy trăm do-tuần, rồi sáu trăm do-tuần, rồi năm trăm do-tuần, rồi bốn trăm do-tuần, vàvà. cho đến chỉ tồn tại một trăm do-tuần. Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Bấy giờ, nước biển lớn từ từ vơi dần chỉ còn từ bảy do-tuần, rồi sáu do-tuần, rồi năm do-tuần vàvà. cho đến chỉ còn tồn tại một do-tuần.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó nước biển vơi dần chỉ còn từ bảy cây Ða-la, rồi sáu cây Ða-la, và. cho đến chỉ còn bằng một cây Ða-la.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy, nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó nước biển chuyển cạn dần từ bảy người, rồi sáu người, rồi năm người, rồi bốn người, rồi ba người, rồi hai người, rồi một người, cho đến chỉ còn từ thắt lưng, rồi đầu gối, rồi đến. mắt cá chân người.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng để cho con người chán nản và lo sợ, nên tìm đạo giải thoát độ thế gian.
“Sau đó, nước biển chỉ còn giống như sau cơn mưa xuân; cũng giống như nước trong dấu chân trâu, từ từ cạn hết, không đủ thấm ướt ngón tay người.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có sáu mặt trời xuất hiện. Sau khi sáu mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, núi lớn, Tu-di sơn vương. đều bốc khói cháy xém, giống như thợ gốm khi bắt đầu đun đồ gốm, thì lúc sáu mặt trời xuất hiên lại cũng như vậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bảy mặt trời xuất hiện. Sau khi bảy mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương. tất cả đều rực lửa. Cũng như thợ gốm khi đốt to, ngọn lửa bốc lên, lúc bảy mặt trời xuất hiên lại cũng như vậy.”
Phật bảo Tỳ t-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian. Bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương. tất cả đều rực lửa. Cùng lúc, cung điện Tứ thiên vương, cung điện Ðao-lợi thiên, cung điện Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, cung điện Phạm thiên cũng đều rực lửa.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau khi bốn châu thiên hạ này. cho đến Phạm thiên, thảy đều rực lửa, gió thổi ngọn lửa đến cõi Quang âm thiên. Các Thiên tử sơ sinh khi thấy ngọn lửa này đều sanh lòng sợ hãi, nói rằng: Ối! Vật gì đây? Chư Thiên sinh trước nói với chư Thiên sinh sau rằng: Chớ sợ hãi! Lửa kia đã từng đến và dừng lại ngang đó. Vì nghĩ đến ánh lửa trước nên gọi là Quang niệm thiên.
“Khi bốn thiên hạ này,. cho đến Phạm thiên, bốc lửa, thì Tu-di sơn vương dần dần sụp lở, từ một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần. cho đến bảy trăm do-tuần.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.
“Sau khi bốn châu thiên hạ này. cho đến Phạm thiên đều bị lửa đốt sạch, sau đó đại địa cùng Tu-di sơn không còn chút tro tàn nào hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”
“Sau khi đại địa bị lửa đốt cháy sạch rồi, thì nước ở bên dưới đất cũng hết; gió ở bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi tai kiếp lửa khởi lên, thì trời không mưa xuống, trăm thứ lúa, cỏ, cây tự nhiên bị khô chết. Ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi! Cũng vậy, cho đến, nước ở bên dưới đất hết, gió ở bên dưới nước cũng hết; ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi!
“Ðó là tai kiếp lửa.
“Thế nào là sự phục hồi của kiếp lửa ? Sau đó rất lâu, rất lâu, có đám mây đen lớn ở giữa hư không, cho đến cõi Quang âm thiên; mưa đổ xuống khắp nơi, giọt mưa như bánh xe. Mưa như vậy trải qua vô số trăm ngàn năm, nước mưa lớn dần, cao đến vô số trăm ngàn do-tuần, cho đến cõi Quang âm thiên.
“Bấy giờ, có bốn trận gió lớn nổi lên, giữ nước này trụ lại. Những gì là bốn? Một là Trụ phong, hai là Trì phong, ba là Bất động, bốn là Kiên cố. Sau đó nước này vơi bớt một trăm ngàn do-tuần, rồi vô số trăm ngàn vạn do-tuần. Bốn mặt của nước này khởi lên trận gió lớn tên gió là Tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Phạm-ca-di. Khi nước kia vơi mãi cho đến vô số trăm ngàn vạn do-tuần, thì bốn mặt của nước này lại nổi lên gió lớn, được gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Tha hóa tự tại.
“Khi nước kia vơi bớt mãi cho đến vô số ngàn vạn do-tuần, thì bốn mặt nước này nổi lên gió lớn, có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Hóa tự tại.
“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Ðâu-suất.
“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Diệm-ma.
“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì trên nước có bọt và sâu sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần, các biên của nó không có bờ mé. Cũng như dòng nước, suối, nguồn, hang, động ở thế gian này, trên nước của nó có bọt; thì kia cũng như vậy.
“Vì nhân duyên gì mà có núi Tu-di? Vì có cuồng phong nổi dậy, nên thổi bọt nước này tạo thành núi Tu-di, cao sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần, dọc ngang tám vạn bốn ngàn do-tuần và do bốn báu tạo thành: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.
“Vì nhân duyên gì mà có bốn cung điện A-tu-luân? Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, ở tại bốn mặt của núi Tu-di nổi lên cung điện lớn; mỗi cung điện dọc ngang tám vạn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.
“Lại vì nhân duyên gì mà có cung điện của Tứ thiên vương? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên lưng chừng nửa núi Tu-di, độ bốn vạn hai ngàn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu. Vì vậy cho nên gọi là cung điện Tứ thiên vương.
“Vì nhân duyên gì có cung điện Ðao-lợi thiên? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên tới đỉnh núi Tu-di, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.
“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Già-đà-la? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tu-di không xa, tự nhiên hóa thành núi báu, chân núi ăn sâu vào trong đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, dọc ngang bốn vạn hai ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp bên cạnh do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Già-đà-la.
“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Y-sa? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Già-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Y-sa, cao hai vạn một ngàn do-tuần, dọc ngang hai vạn một ngàn do-tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Y-sa. Sau khi cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Y-sa không xa, tự nhiên hóa thành núi Thọ-thần-đà-la , cao một vạn hai ngàn do-tuần, dọc ngang một vạn hai ngàn do-tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Thọ-thần-đà-la.
“Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Thọ thần-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi A-bát-ni-lâu, cao sáu ngàn do-tuần, dọc ngang sáu ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi A-bát-ni-lâu.
“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi A-bát-ni-lâu không xa, tự nhiên hóa thành núi Ni-lân-đà-la, cao ba ngàn do-tuần, dọc ngang ba ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc tạp xen, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Ni-lân-đà-la.
“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Ni-lân-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Tỳ-ni-đà , cao một ngàn hai trăm do-tuần, dọc ngang một ngàn hai trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Tỳ-ni-đà.
“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tỳ-ni-đà không xa, tự nhiên hóa thành núi Kim cương luân, cao ba trăm do-tuần, dọc ngang ba trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Kim cương luân.
“Vì sao có một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời? Một thời gian sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì bị bão thổi ngược trở lại chỗ cũ nên vì nhân duyên này mà có cung điện mặt trời và cung điện mặt trăng.
“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ. Vì nhân duyên này nên có bốn châu thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ.
“Sau đó, cuồng phong thổi bọt nước lớn, thì tại tứ thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ, tự nhiên biến thành núi Ðại Kim cương luân, cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, dọc ngang rộng mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, biên giới của nó thì không có hạn; kim cương rắn chắc không thể hủy hoại. Vì nhân duyên này nên có núi Ðại Kim cương luân.
“Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, có mây tự nhiên phủ đầy không trung và mưa lớn khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe; nước này tràn đầy khắp nơi dìm bốn châu thiên hạ cùng núi Tu-di v. v.
“Sau đó, cuồng phong thổi đất làm thành hầm hố lớn; nước khe suối đều chảy vào hết trong đó, nhân đây mà làm thành biển. Vì nhân duyên này nên có bốn biển nước lớn. Nước biển mặn đắng có ba nhân duyên. Những gì là ba? Một, mây tự nhiên giăng khắp hư không cho đến Quang âm thiên, mưa khắp mọi nơi, tẩy rửa cung trời, rửa sạch thiên hạ; từ cung trời Phạm-ca-di, cung trời Tha hóa tự tại xuống đến cung trời Diệm-ma, bốn thiên hạ, tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương, thảy đều được tẩy rửa sạch sẽ; trong những nơi này, tất cả các thứ nước dịch bất tịnh, dơ dáy và mặn, đều trôi xuôi xuống mà vào trong biển cả hợp thành một vị, nên nước biển có vị mặn. Hai, vì xưa kia có vị Ðại tiên trì cấm chú vào nước biển, muốn cho lúc nào nó cũng mặn đắng, người không uống được, cho nên chúng mặn đắng. Ba, vì trong nước biển lớn này có nhiều loại chúng sanh cư trú, thân hình chúng to dài đến, hoặc trăm do-tuần, hai trăm do-tuần. cho đến bảy trăm do-tuần, thở hít, ăn vào mửa ra, đại tiểu tiện đều ở trong đó, nên nước biển mặn.
“Ðó là tai kiếp lửa .”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thế nào là tai kiếp nước?
“Khi tai kiếp nước bắt đầu, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Sau khi tu tập thiện hành, có người đạt được đệ Tam thiền không có hỷ, thân họ có thể cất lên ở giữa hư không, an trụ Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ Tam thiền không có hỷ! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của Tam thiền không có hỷ. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tam thiền không có hỷ. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tam thiền không có hỷ, nên khi thân hoại mạng chung họ được sinh về Biến tịnh thiên.
“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp của họ đã mãn, thân hoại mạng chung tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tam thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, được sinh về Biến tịnh thiên. Những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, Quang âm thiên sau khi thân hoại mạng chung cũng tái sinh vào cõi nhân gian; nếu họ cũng tu tập đạo của đệ Tam thiền, khi thân hoại mạng chung họ cũng sẽ được sinh về Biến tịnh thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục bị diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương. cho đến cõi Quang âm thiên cũng đều diệt tận. Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục biến mất, sau đó súc sanh biến mất; súc sanh biến mất rồi, thì ngạ quỷ biến mất; ngạ quỷ biến mất rồi, thì A-tu-luân biến mất; khi A-tu-luân biến mất rồi, thì Tứ thiên vương biến mất; khi Tứ thiên vương biến mất rồi, thì Ðao-lợi thiên biến mất, khi Ðao-lợi thiên biến mất rồi, thì Diệm-ma thiên biến mất; Diệm-ma thiên biến mất rồi, thì Ðâu-suất thiên biến mất; khi Ðâu-suất thiên biến mất rồi, thì Hóa tự tại thiên biến mất; khi Hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Tha hóa tự tại thiên biến mất; khi Tha hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Phạm thiên biến mất; khi Phạm thiên biến mất rồi, thì Quang âm thiên biến mất; khi Quang âm thiên biến mất, sau đó thì loài người hoàn toàn biến mất. Sau khi loài người hoàn toàn biến mất, thế gian này hủy diệt. Như thế là hoàn thành tai kiếp.
“Rất lâu sau đó, rất lâu, có đám mây đen lớn bạo khởi, trên cho đến Biến tịnh thiên, mưa khắp mọi nơi, mưa xuống hoàn toàn là nước nóng. Thứ nước này sôi sục, đun nấu thiên hạ, làm cho các cung điện cõi trời thảy đều bị tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như đặt chất béo váng sữa vào trong lửa, đều bị chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì cung điện Quang âm thiên cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
“Sau đó, mưa này lại xâm phạm đến cung điện cõi trời Phạm-ca-di, cũng đun chảy tiêu hết, không sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì cung điện Phạm-ca-di lại cũng như vậy.
“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến các cung điện Tha hóa tự tại thiên, Hóa tự tại thiên, Ðâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, cũng bị đun chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì các cung điện chư Thiên lại cũng như vậy.
“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương cũng đều bị đun nấu tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, đều bị nung chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì những thứ này lại cũng như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
“Sau đó, nước này đã đun nấu đại địa không còn sót gì nữa rồi, thì nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Sự nung chảy, tiến tận ngang đến cung điện Biến tịnh thiên này, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy mới có thể biết mà thôi!
“Từ cung điện Phạm-ca-di bị nung chảy tiêu hết. cho đến, nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy, mới có thể biết mà thôi!
“Ðó là tai họa do nước.
“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp nước? Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Biến tịnh thiên, mưa khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe. Mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm như vậy, nước mưa này lớn dần dần cho đến cõi Biến tịnh thiên. Có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ đó là: một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố.
“Sau đó, nước này vơi giảm vô số trăm ngàn do-tuần, bốn mặt gió lớn nổi dậy gọi là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang âm thiên, trang sức bằng bảy báu. Vì nhân duyên này mà có cung điện Quang âm thiên.
“Khi nước kia vơi giảm dần cho đến vô số trăm ngàn do-tuần, thì gió tăng già thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Phạm-ca-di, trang sức bằng bảy báu. Như đã kể, cho đến, nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như lúc tai họa do lửa phục hồi, đó là tai kiếp nước.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thế nào là tai kiếp gió ? Khi tai kiếp gió bắt đầu khởi, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Khi tu tập hành vi thiện, thì có người đạt được đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh, họ ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Nên biết, sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! Xin vì tôi mà nói về đạo của Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tứ thiền. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tứ thiền, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quả thật thiên.
“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp đã mãn, thân hoại mạng chung, tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, tái sinh về Quả thật thiên. Còn những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương,. cho đến Biến tịnh thiên, sau khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh vào cõi nhân gian; nếu cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền, khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh về Quả thật thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục được diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương. cho đến cõi Biến tịnh thiên cũng đều diệt tận.
“Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt tận, sau đó súc sanh diệt tận; súc sanh diệt tận rồi, thì ngạ quỷ diệt tận; khi ngạ quỷ diệt tận rồi, thì A-tu-luân diệt tận; khi A-tu-luân diệt tận rồi, thì Tứ thiên vương diệt tận; khi Tứ thiên vương diệt tận rồi. như vậy lần lượt cho đến Biến tịnh thiên diệt tận; khi Biến tịnh thiên diệt tận rồi, thì sau đó, con người bị diệt tận không còn sót. Khi con người đã bị diệt tận không còn sót, thì thế gian này bị tan hoại, thế là hoàn thành tai kiếp.
“Rất lâu, rất lâu sau đó, có gió lớn nổi lên, tên là đại tăng già,. cho đến Quả thật thiên. Gió lan khắp mọi nơi, thổi cung điện Biến tịnh thiên, Quang âm thiên, khiến cho các cung điện va chạm nhau tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.
“Sau đó, gió này thổi cung điện Phạm-ca-di thiên, Tha hóa tự tại thiên, các cung điện va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt thế gian.
“Sau đó, gió này thổi cung điện Hóa tự tại thiên, Ðâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, các cung điện này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn lại gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì những cung điện này va chạm nhau không còn gì hết cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
“Sau đó, gió này thổi bốn thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương đem đặt giữa hư không, cao trăm ngàn do-tuần, những ngọn núi này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ tay cầm vỏ trấu nhẹ rải vào không trung, thì tứ châu thiên hạ, Tu-di, các núi này vỡ vụn, phân tán ra, cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.
“Sau đó, gió thổi đại địa; nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết. Cho nên phải biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi hai cung điện Biến tịnh thiên và Quang âm thiên va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, ai là người có thể tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi. Như vậy cho đến nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết, ai là người sẽ tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi.
“Ðó là tai kiếp gió.
“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp?
“Sau một thời gian rất lâu xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Quả thật thiên. Rồi mưa xuống khắp nơi; những giọt nước mưa như bánh xe, mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm, nước này lớn dần, cho đến Quả thật thiên. Lúc bấy giờ, có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ. Những gì là bốn? Một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố. Sau đó, nước này dần dần rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần; bốn phía mặt nước gió lớn nổi dậy, gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Biến tịnh thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. Vì nhân duyên này mà có cung điện Biến tịnh thiên.
“Khi nước kia rút dần cho đến vô số trăm ngàn do-tuần, thì gió tăng già kia thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang âm thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. cho đến nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như đã nói về tai kiếp lửa.
“Ðó là tai kiếp gió. Ðó là ba tai kiếp và là ba lần phục hồi.” PHẨM 10: CHIẾN ÐẤU
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân lệnh gọi chư Thiên Ðao-lợi đến bảo rằng: Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, chư Thiên Ðao-lợi sau khi vâng lệnh Ðế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.
“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích Ðề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa, mỗi người tự trang bị cho mình.
“Bấy giờ, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Chư Thiên Ðao-lợi bắt vua A-tu-luân trói lại với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên Ðế Thích nhìn thấy. Khi ấy vua A-tu-luân thấy sự khoái lạc ở trên Trời, sanh lòng quyến luyến vui thích, liền tự nghĩ: Nơi này thù thắng, khả dĩ ở được; trở lại cung điện A-tu-luân làm gì? Khi khởi lên ý nghĩ này, thì năm nơi đang bị trói trên thân lập tức được mở ra và năm thứ dục lạc ở trên Trời hiện ra trước mắt. Nhưng nếu A-tu-luân nghĩ đến việc trở lại cung điện trước kia, thì năm nơi trên thân liền bị trói chặt trở lại và năm thứ dục lạc tự biến mất. Khi ấy những nơi bị trói buộc trên thân của A-tu-luân trở nên bền chắc hơn. Sự trói buộc của Ma còn hơn thế nữa. Chấp ta và người, là sự trói buộc của Ma. Không chấp ta và người thì sự trói buộc của Ma được cởi mở. Chấp thủ ngã là bị trói, chấp thủ ái là bị trói, tự ngã sẽ tồn tại là bị trói, tự ngã sẽ không tồn tại là bị trói; tự ngã có sắc là bị trói, tự ngã không sắc là bị trói, tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc là bị trói, tự ngã có tưởng là bị trói, tự ngã không có tưởng là bị trói, tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng là bị trói; tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền thánh biết rằng tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ ý tưởng về tự ngã mà tu vô ngã hành. Hãy quán sát tự ngã kia là một gánh nặng, là buông lung, là hữu ; sẽ tồn tại tự ngã là hữu vi, sẽ không tồn tại tự ngã là hữu vi; tự ngã có sắc là hữu vi, tự ngã không có sắc là hữu vi, tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc là hữu vi; tự ngã có tưởng là hữu vi; tự ngã không có tưởng là hữu vi; tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng là hữu vi; hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền thánh biết rằng hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ hữu vi mà thực hành vô vi hành.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân lệnh gọi chư Thiên Ðao-lợi đến bảo rằng: Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, chư Thiên Ðao-lợi sau khi vâng lệnh Ðế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.
“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích Ðề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp. Ta muốn nhìn thấy.Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, mỗi người tự trang bị cho mình.
“Rồi thì, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Chư Thiên Ðao-lợi bắt vua A-tu-luân trói chặt với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên Ðế Thích nhìn thấy. Lúc ấy, Thiên Ðế Thích thong thả dạo trên Thiện pháp đường. Vua A-tu-luân từ xa trông thấy Ðế Thích, tuy đang bị trói chặt với năm chỗ trói, mở miệng mắng chửi.
“Lúc đó, người hầu của Thiên đế, ở trước mặt Thiên đế liền nói kệ rằng:
Việc gì Thiên đế sợ,
Tự lộ yếu kém mình.
Bị mắng thẳng vào mặt,
Sao lặng nghe lời ác?”
“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích đáp lại người hầu bằng bài kệ rằng:
Nó cũng không sức mạnh,
Ta cũng không sợ hãi.
Việc gì, người đại trí,
Hơn thua với kẻ ngu.
“Lúc bấy giờ, người hầu lại làm bài tụng tâu Ðế Thích rằng:
Nay không bẻ đứa ngu,
E sau càng khó nhịn.
Hãy đánh nó bằng gậy,
Khiến kẻ ngu hối lỗi.
“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:
Ta thường bảo, người trí
Không tranh cùng kẻ ngu;
Nếu ngu mắng, trí im,
Thì thắng kẻ ngu này.
“Khi ấy, người hầu lại làm bài tụng tâu Ðế Thích rằng:
Thiên vương sở dĩ im,
Vì e giảm đức trí;
Nhưng kẻ ngu độn kia,
Cho vua lòng sợ hãi.
Kẻ ngu không tự lượng,
Cho có thể địch vua;
Liều chết đến xúc phạm,
Muốn vua lui như trâu.
“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:
Người ngu không tri kiến,
Bảo ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhẫn nhục là tối thượng.
Ðiều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên Ðế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thuở xa xưa, chư Thiên Ðao-lợi cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân nói với A-tu-luân Chất-đa rằng: Tại sao các khanh lại ôm lòng sân hại, trang bị binh khí, đánh nhau để làm gì? Nay sẽ cùng ngươi giảng luận đạo lý, để biết rõ thắng thua. Lúc ấy, Chất-đa A-tu-luân kia nói với Ðế Thích rằng: Giả sử, nếu vất bỏ binh khí, chỉ bàn luận tranh tụng về nghĩa lý thôi, vậy thì ai biết thắng bại? Ðế Thích dạy rằng: Chỉ cần bàn luận thôi, hiện tại trong chúng của ngươi và trong chúng chư Thiên của Ta, tự có người có trí tuệ biết rằng ai thắng, ai bại. Lúc ấy, A-tu-luân nói với Ðế Thích rằng: Nhà ngươi nói kệ trước đi. Ðế Thích trả lời: Nhà ngươi là Cựu thiên, nhà ngươi nên nói trước đi. Bấy giờ, Chất-đa A-tu-luân liền vì Ðế Thích mà làm kệ:
Nay không bẻ đứa ngu,
E sau càng khó nhịn.
Hãy đánh nó bằng gậy,
Khiến kẻ ngu hối lỗi.
“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân phấn khởi vui mừng, cao tiếng khen hay. Chỉ có chúng chư Thiên là im lặng không nói. Rồi vua của A-tu-luân nói với Ðế Thích rằng: Ðến lượt ngươi nói kệ. Bấy giờ, Ðế Thích liền nói kệ cho A-tu-luân nghe:
Ta thường bảo, người trí
Không tranh cùng kẻ ngu;
Nếu ngu mắng, trí im,
Thì thắng kẻ ngu này.
“Sau khi Thiên Ðế Thích nói bài kệ này xong, thì chư Thiên Ðao-lợi đều rất đỗi vui mừng, cất tiếng khen hay. Lúc này chúng A-tu-luân im lặng không nói. Bấy giờ, Thiên Ðế Thích nói với A-tu-luân rằng: Ðến lượt nhà ngươi nói kệ.
Lúc này, A-tu-luân lại nói kệ:
Thiên vương sở dĩ im,
Vì e giảm đức trí;
Nhưng kẻ ngu độn kia,
Cho vua lòng sợ hãi.
Kẻ ngu không tự lượng,
Cho có thể địch vua;
Liều chết đến xúc phạm,
Muốn vua lui như trâu.
“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân nhảy nhót vui mừng, lớn tiếng khen hay. Lúc này chúng Ðao-lợi thiên im lặng không nói. Bấy giờ, A-tu-luân vương nói với Ðế Thích rằng: Ðến lượt nhà ngươi nói kệ.
Thiên Ðế Thích bèn nói kệ cho A-tu-luân nghe rằng:
Người ngu không tri kiến,
Bảo Ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhẫn nhục là tối thượng.
Ðiều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.
“Sau khi Thích Ðề-hoàn Nhân nói bài kệ này xong, thì chúng Ðao-lợi thiên nhảy nhót vui mừng, cất tiếng khen hay; chúng A-tu-luân thì im lặng không nói. Lúc này, chúng Trời và chúng A-tu-luân, tạm thời tự rút lui, cùng bảo nhau rằng: Những bài kệ tụng của A-tu-luân nói ra có điều xúc phạm, dấy lên sự đáp trả bằng đao kiếm, làm nảy sinh ra gốc rễ của đấu tranh và kiện tụng, nuôi lớn các oán kết, dựng lập gốc cây tam hữu. Còn những bài kệ tụng của Thiên Ðế Thích nói ra không gây xúc nhiễu, không đưa đến đao kiếm, không sinh ra tranh đấu kiện tụng, không nuôi lớn oán kết, tuyệt gốc tam hữu. Những lời nói của Thiên Ðế Thích là tốt lành; chư Thiên đã thắng, A-tu-luân đã bại.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích là người nào khác sao? Chớ có quan niệm này! Vì sao? Vì đó chính là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta dùng những lời nhu hòa mà thắng chúng A-tu-luân.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thuở xa xưa, khi chư Thiên lại đánh nhau với A-tu-luân lần nữa. Bấy giờ A-tu-luân thắng, chư Thiên bại. Lúc ấy, Thích Ðề-hoàn Nhân sợ hãi cưỡi xe báu ngàn căm bỏ chạy; giữa đường thấy trên cây Thiểm-bà-la có một tổ chim, trong tổ có hai con chim con, liền dùng kệ tụng bảo người điều khiển xe rằng:
Cây này có hai chim,
Người nên lui xe tránh,
Chẳng thà giặc hại ta,
Chớ thương tổn hại chim.
“Sau khi người điều khiển xe nghe Ðế Thích nói kệ, liền dừng xe và quay xe tránh chim trên cây. Khi ấy, đầu xe quay về phía A-tu-luân. Chúng A-tu-luân từ xa nhìn thấy xe báu quay đầu lại, quân của chúng bảo nhau: Giờ Thiên Ðế Thích cưỡi xe báu ngàn căm quay đầu nhắm về phía chúng ta, có lẽ muốn giao đấu trở lại. Chúng ta không thể đượng cự được! Chúng A-tu-luân liền thối lui và tan rã, nhân đây mà chư Thiên chiến thắng và A-tu-luân bại tẩu.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lúc bấy giờ, Ðế Thích há là người nào khác sao? Chớ có quan niệm như vậy! Vì sao? Vì chính đó là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót. Này các Tỳ-kheo, các Thầy ở trong pháp của Ta xuất gia tu đạo, thì nên phát khởi lòng từ bi, thương xót chúng sanh.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thuở xa xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Sau khi chiến thắng, Thiên Ðế Thích trở về cung, xây dựng một ngôi nhà đặt tên là Tối thắng, Ðông Tây dài một trăm do-tuần, Nam Bắc rộng sáu mươi do-tuần. Ngôi nhà này gồm trăm gian, trong mỗi gian có bảy đài giao lộ. Trên mỗi đài có bảy ngọc nữ; mỗi ngọc nữ có bảy người để sai. Thích Ðề-hoàn Nhân cũng không lo cung cấp các thứ trang điểm, áo chăn, đồ ăn thức uống; mà tất cả tùy theo hành vi đã tạo từ trước, mỗi người tự thọ lãnh phước báo ấy. Do chiến thắng A-tu-luân, nên nhân đây lòng sinh vui mừng mà xây dựng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng đường. Lại nữa, những ngôi nhà có được trong ngàn thế giới xem ra không có ngôi nhà nào bằng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thuở xa xưa, A-tu-luân tự nghĩ rằng: Ta có oai đức lớn, thần lực không phải ít, nhưng Ðao-lợi thiên, mặt trời, mặt trăng, chư Thiên thường ở nơi hư không, du hành tự tại trên đỉnh đầu ta. Nay ta hãy lấy mặt trời, mặt trăng này làm ngọc đeo tai, thử chúng có còn du hành tự tại được không?
“Rồi, vua A-tu-luân nổi lòng sân hận cực độ, liền nghĩ đến A-tu-luân Chùy Ðỏa ; A-tu-luân Chùy Ðỏa lại nghĩ rằng: Hiện nay, vua A-tu-luân đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.
“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến A-tu-luân Xá-ma-lê. A-tu-luân Xá-ma-lê lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A-tu-luân, đứng một bên.
“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A-tu-luân, đứng một bên.
“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Ðại thần A-tu-luân; Ðại thần A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.
“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến các Tiểu A-tu-luân. Các Tiểu A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.
“Bấy giờ, vua A-tu-luân là La-ha liền tự mình trang bị, mình mặc áo giáp đồng báu, đóng ngựa vào các cỗ xe báu, cùng với vô số trăm ngàn chúng A-tu-luân và binh khí trang bị, vây quanh trước sau, ra khỏi chỗ ở của chúng, muốn đến đánh nhau cùng chư Thiên.
“Bấy giờ, Nan-đà Long vương và Bạt-nan-đà Long vương dùng thân mình quấn quanh núi Tu-di bảy vòng làm chấn động cả sơn cốc, trải một lớp mỏng mây mờ, lơ thơ từng giọt mưa rơi và dùng đuôi đập vào nước biển làm cho nước biển dậy sóng, dâng đến đỉnh núi Tu-di. Lúc bấy giờ, Ðao-lợi thiên liền tự nghĩ: Nay, mây mờ giăng mỏng, lơ thơ từng giọt mưa rơi, nước biển dậy sóng, lên đến tận nơi này, chắc thế nào A-tu-luân cũng muốn đến đây gây chiến, nên có những điềm lạ này chăng!
“Lúc này, nhiều vô số ức vạn binh chúng các loài rồng trong biển, đều cầm giáo mác, cung tên, đao kiếm, áo giáp đồng dày và trang bị binh khí tề chỉnh, đối đầu cùng quân binh A-tu-luân chiến đấu. Khi binh chúng các loài rồng mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu các loài rồng mà bị bại, thì các loài rồng không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Già-lâu-la báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau với chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh, nhưng hiện chúng đang đắc thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để chiến đấu cùng với chúng. Sau khi các quỷ thần nghe xong, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, cùng các loài rồng hợp tác chiến đấu chống lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy lui đến chỗ quỷ thần Trì Hoa báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.
“Sau khi các quỷ thần Trì Hoa nghe các loài rồng nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Thường Lạc báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.
“Sau khi các quỷ thần Thường Lạc nghe nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến Tứ thiên vương báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngài nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.
“Sau khi Tứ thiên vương nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu không thì Tứ thiên vương sẽ đến giảng đường Thiện pháp, tâu Thiên Ðế Thích và chư Thiên Ðao-lợi rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Nay chư Thiên Ðao-lợi hãy tự trang bị, chuẩn bị binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đi đánh nhau với chúng.
“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích ra lệnh cho người hầu rằng: Ngươi đem lời nói của ta đến báo lại cho Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên rằng: A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay chư Thiên nên tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí để hỗ trợ ta chiến đấu.
“Bấy giờ, người hầu này vâng lệnh của Ðế Thích, liền đến Diệm-ma thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên, đem những lời của Ðế Thích mà báo cáo rằng: A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay chư Thiên nên tự trang bị, chuẩn bị binh khí để hỗ trợ ta chiến đấu.
“Sau khi Diệm-ma thiên nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm ngàn Thiên chúng trước sau vây quanh, đóng binh tại phía Ðông của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Ðâu-suất nghe những lời này rồi, cũng liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm ngàn Thiên chúng, đóng binh tại phía Nam của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía tTây của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Tha hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía Bắc của núi Tu-di.
“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến ba mươi ba vị Thiên thần của Ðao-lợi thiên, thì ba mươi ba vị Thiên thần của Ðao-lợi thiên tự nghĩ rằng: Hiện tại Thiên Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, cưỡi cỗ xe báu, cùng vô số chúng chư Thiên trước sau vây quanh, đến trước Thiên Ðế Thích, đứng một bên.
“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến các Thiên thần khác của Ðao-lợi, thì các Thiên thần khác của Ðao-lợi liền tự nghĩ rằng: Hiện tại Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số chúng chư Thiên trước sau vây quanh, đến trước Ðế Thích, đứng một bên.
“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến quỷ thần Diệu Tượng, thì quỷ thần Diệu Tượng liền tự nghĩ rằng: Hiện tại Ðế Thích đã nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số Thiên chúng trước sau vây quanh, đến đứng trước Ðế Thích.
“Khi Ðế Thích nghĩ đến Long vương Thiện Trụ, thì Long vương Thiện Trụ tự nghĩ rằng: Nay Thiên Ðế Thích nghĩ đến ta, nay ta nên đến. Long vương Thiện Trụ liền đi đến đứng trước Ðế Thích.
“Lúc này, Ðế Thích liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, mình mặc áo giáp đồng báu, cưỡi trên đỉnh đầu Long vương Thiện Trụ, cùng vô số chư Thiên, quỷ thần trước sau vây quanh, tự ra khỏi thiên cung, đánh nhau với A- tu- luân. Ðồ vật trang bị như các thứ binh khí, đao kiếm, giáo, mác, cung tên, rìu, đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây tơ cột, binh khí, áo giáp đồng, tất cả đều dùng bảy báu để tạo thành. Lại dùng mũi nhọn đâm thêm vào người A- tu- luân, nhưng thân ông ta vẫn không bị thương tổn, chỉ chạm vào bên ngoài khi đâm mà thôi. Chúng A-tu-luân tay cũng cầm đao kiếm bảy báu, giáo mác, cung tên, rìu đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây cột bằng tơ và dùng mũi nhọn đâm thêm vào thân chư Thiên, nhưng cũng chỉ chạm đến bên ngoài mà thôi, không gây bất cứ thương tổn nào.
“Như vậy, dục khiến chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau; do bởi nhân là dục như vậy.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.167.62 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.