Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
III
Bấy giờ, Thế Tôn nói với A-nan:
“Vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: Ta sẵn chứa công đức gì, tu được điều lành gì mà nay được quả báo đẹp đẽ như thế? Vua lại nhớ rằng nhờ ba nhân duyên mà gây được phúc báo đó. Ba nhân duyên ấy là gì? Một là Bố thí, hai là Trì giới, ba là Thiền tứ. Vua lại suy nghĩ: Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp cõi trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi; lánh chỗ ồn ào; ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật. Rồi vua liền sai gọi ngọc nữ Hiền Thiện đến, bảo rằng: Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp cõi trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi; lánh chỗ ồn ào; ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật. Ngọc nữ đáp: Kính vâng. Xin tuân lời Đại vương dạy. Rồi sắc lệnh cho cả trong ngoài từ nay miễn sự chầu hầu. Vua liền lên pháp điện, vào tòa lầu bằng vàng, ngồi trên giường ngự bằng bạc, tư duy tham dục là ác bất thiện. Với giác và quán, có hỷ và lạc phát sanh từ sự viễn ly, chứng đắc thiền thứ nhất. Trừ giảm giác và quán, nội tín, hoan duyệt, nhiếp tâm chuyên nhất, không giác không quán, có hỷ và lạc do định sanh, chứng thiền thứ hai. Xả hỷ thủ hộ chuyên niệm không loạn, tự cảm biết thân lạc, điều mà Hiền thánh mong cầu, cùng hành với hộ, niệm và lạc,, chứng đắc thiền thứ ba. Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, hộ và niệm thanh tịnh, chứng đắc thiền thứ tư.
“Rồi vua Thiện Kiến rời khỏi giường ngự bằng bạc, ra khỏi lầu vàng, đi đến lầu Đại chánh, ngồi trên giường lưu ly tu tập về Từ tâm, rải lòng từ đầy khắp một phương này rồi đến một phương khác cũng vậy, trùm khắp, rộng lớn, không hai, không hạn lượng, trừ mọi sân hận, tâm không còn chút ganh ghét, mà vui điều tĩnh mặc từ nhu. Rồi tiếp tu về Bi tâm, Hỷ tâm, Xả tâm cũng như thế.
“Bấy giờ, ngọc nữ báu thầm tự suy nghĩ: Đã lâu không thấy tôn nhan, tưởng nên đến hầu thăm một phen. Nay nên diện kiến đức vua. Rồi ngọc nữ báu Hiền Thiện nói với tám vạn bốn ngàn các thể nữ rằng: Các ngươi mỗi người hãy tắm gội nước thơm, trang điểm y phục. Sở dĩ như vậy vì đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen. Thể nữ nghe thế, thảy đều trang điểm y phục, tắm gội sạch sẽ. Rồi ngọc nữ nói với chủ binh báu thần tập họp bốn chủng quân, rằng: Đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen. Chủ binh báu thần liền tập họp bốn chủng quân, thưa với ngọc nữ báu: Bốn chủng quân đã tập. Nên biết thời. Rồi ngọc nữ báu dẫn tám vạn bốn ngàn thể nữ, cùng với bốn thứ quân đi đến vườn Kim-đa-lân. Ấm thanh chấn động của đại chúng vang đến vua. Nghe thế, vua đi đến cửa sổ để xem. Ngọc nữ báu lúc ấy đứng một bên trước cửa. Thấy ngọc nữ báu, vua liền nói: Ngươi khỏi bước tới. Ta sẽ ra xem. Vua Thiện Kiến rời tòa pha lê, ra khỏi lầu Đại chánh, đi xuống Chánh pháp điện, cùng với ngọc nữ đi đến vườn Đa-lân, ngồi lên chỗ soạn sẵn. Lúc ấy dung sắc vua Thiện Kiến tươi sáng hơn hẳn bình thường. Ngọc nữ báu Hiền thiện tự nghĩ: Nay, sắc mặt Đại vương hơn hẳn bình thường. Có điềm lạ gì chăng? Rồi ngọc nữ báu tâu vua: Đại vương, nay nhan sắc khác thường. Há không phải là điềm sắp xả thọ mạng chăng? Nay tám vạn bốn ngàn voi này, bạch tượng bảo là bậc nhất, được trang sức bằng vàng bạc, với bảo châu làm tua dải; tất cả là sở hữu của vua. Mong vua lưu ý một chút, cùng chung vui hưởng, chớ xả bỏ tuổi thọ mà bỏ rơi vạn dân. Lại tám vạn bốn ngàn ngựa, lực mã vương bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, kim luân bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn minh châu, thần châu bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, ngọc nữ báu bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cư sĩ, cư sĩ báu bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn Sát-lỵ, chủ binh báu là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thành, Câu-thi thành bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cung điện, chánh pháp điện bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn tòa lầu, đại chánh lầu bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn tòa ngồi, bảo sức tòa bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn ức y, nhu nhuyến y bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thức ăn, mỗi vị đều quý hiếm. Hết thảy bảo vật ấy đều thuộc về vua. Mong vua lưu ý một chút, cùng chung vui thú, chớ xả thọ mạng, bỏ rơi vạn dân.
“Vua Thiện Kiến nói với ngọc nữ báu: Từ trước đến nay, ngươi cung phụng ta một cách từ hòa kính thuận, chưa bao giờ nói lời thô lậu, sao nay ngươi lại có lời ấy? Ngọc nữ tâu: Chẳng hay lời ấy có gì không thuận. Vua nói: Những thứ mà ngươi vừa nói, voi, ngựa, xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn quý báu kia đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta lưu lại hưởng thụ, như thế có thuận chăng? Ngọc nữ tâu: Chẳng hay phải nói thế nào mới là thuận? Vua bảo: Giá ngươi nói, các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ. Vì mạng vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý. Nếu ngươi nói như thế mới là kính thuận.
“Này A-nan, nghe lời vua dạy như thế, ngọc nữ buồn khóc than thở, gạt nước mắt mà nói: Các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ. Vì mạng vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý.
“Này A-nan, ngọc nữ báu kia vừa nói xong giây lát, Thiện Kiến vương bỗng nhiên mệnh chung, không chút đau khổ, như kẻ tráng sĩ trong một bữa ăn ngon, hồn thần sanh lên cõi trời Phạm thiên thứ bảy.
“Sau khi vua băng hà bảy ngày, các thứ luân bảo, thần châu biến mất, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, quân binh báu cũng một ngày chết hết; thành ao, pháp điện, đền đài, các thứ trang sức bằng báu, vườn Kim-đa-lân, đều biến thành gỗ, đất.”
Phật bảo A-nan:
“Này A-nan, pháp hữu vi này là vô thường, biến dịch, chung qui hao mòn, hoại diệt. Tham dục không chán. Mạng người tiêu tán. Mê say ân ái không hề biết đủ. Chỉ người nào chứng đắc Thánh trí, thấy rõ đạo lý, mới biết đủ mà thôi.
“Này A-nan, Ta nhớ đã từng ở nơi này, Ta sáu lần tái sanh làm Chuyển luân thánh vương Chuyển luân thánh vương và cuối cùng bỏ xác tại chỗ này. Nay Ta thành Vô thượng chánh giác, lại cũng muốn xả bỏ tánh mạng, gởi thân tại đây. Từ nay về sau, Ta đã dứt tuyệt sanh tử, không còn có chỗ nào là nơi bỏ xác Ta nữa. Đây là kiếp cuối cùng. Ta không còn thọ sinh trở lại nữa.
Bấy giờ, Thế Tôn tại thành Câu-thi-na-kiệt, Bản sanh xứ, trong vườn Sa-la, giữa hai cây song thọ, vào lúc sắp gần diệt độ, nói với A-nan rằng:
“Này A-nan! Ngươi hãy vào thành Câu-thi-na-kiệt, báo tin cho những người Mạt-la rằng: Chư Hiền nên biết, Như Lai nửa đêm nay sẽ vào Niết-bàn tại giữa cây Song thọ trong vườn Sa-la. Các ngươi nên kịp thời đến thưa hỏi các điều nghi ngờ và trực tiếp nghe Phật chỉ dạy, để sau khỏi hối hận ăn năn.”
A-nan vâng lời Phật dạy, rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật mà đi. Cùng với một Tỳ-kheo khác, nước mắt chảy ròng, mà vào thành Câu-thi-na. Khi vào thành gặp năm trăm người Mạt-la có chuyện đang họp cả một chỗ. Họ thấy A-nan đến, đều đứng dậy chào hỏi rồi đứng về một bên và bạch rằng:
“Không hiểu Tôn giả có việc gì mà phải vào thành lúc chiều tối thế này?”
A-nan rơi lệ vừa nói:
“Ta vì ích lợi các ngươi, đến tin các ngươi hay Đức Như Lai đến nửa đêm nay sẽ vào Niết-bàn. Các ngươi nên kịp thời đến thưa hỏi những điều hoài nghi, trực tiếp nghe Phật chỉ dạy, để sau khỏi ăn năn.”
Vừa nghe xong, những người Mạt-la cất tiếng kêu than, vật vã xuống đất, có người ngất đi tỉnh lại. Ví như cây lớn khi trốc gốc thì các nhánh cành đều đổ gãy. Họ đồng than:
“Phật diệt độ sao mà nhanh thế! Phật diệt độ làm sao nhanh thế! Con mắt của thế gian mà diệt mất, thì chúng sanh bị suy hại lâu dài”.”
A-nan an ủi họ:
“Thôi các người chớ buồn! Trời đất muôn vật hễ có sanh đều có chết. Muốn cho pháp hữu vi tồn tại mãi là điều không thể có được. Phật há chẳng dạy: Có hợp tất có ly, có sanh tất có diệt đó sao!”
Rồi thì, các người Mạt-la bảo nhau:
“Chúng ta hãy về nhà, đem cả gia thuộc và năm trăm khổ vải trắng, cùng đến Song thọ.”
Những người Mạt-la ai về nhà nấy, rồi đem cả gia thuộc và mang cả năm trăm tấm lụa trắng ra khỏi thành Câu-thi, đến giữa rừng Song thọ và đi đến chỗ A-nan. A-nan vừa trông thấy từ xa, thầm nghĩ: Bọn họ rất đông. Nếu để cho từng người một vào yết kiến Phật, e rằng chưa khắp hết thì Như Lai đã diệt độ rồi! Ta nên bảo họ vào đầu hôm đồng một lượt đến bái yết Phật.”
A-nan liền dắt năm trăm người Mạt-la và gia thuộc đến trước Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên và bạch rằng:
“Nay có các Mạt-la tên như thế và gia thuộc, xin thăm hỏi Ðức Thế Tôn sức khoẻ có bình thường không?”
Phật nói:
“Phiền các ngươi đến thăm. Ta chúc cho các ngươi sống lâu, vô bệnh.”
A-nan bằng cách đó đã có thể dẫn hết các người Mạt-la và gia thuộc của họ vào thăm Phật. Khi ấy, các Mạt-la đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên.
Thế Tôn thuyết giảng cho họ về vô thường, chỉ bày, giáo huấn khiến cho được lợi ích, hoan hỷ.
Nghe pháp xong, các Mạt-la ai nấy vui mừng liền đem năm trăm khổ vải trắng dâng Phật. Phật thụ lãnh. Các Mạt-la rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Phật rồi lui ra.
Lúc đó, trong thành Câu-thi có một vị Phạm chí tên Tu-bạt là bậc kỳ cựu đa trí, đã một trăm hai mươi120 tuổi, nhân nghe Đức Sa-môn Cù-đàm đêm nay sẽ diệt độ tại giữa cây song thọ, ông tự nghĩ: Ta có điều hoài nghi về giáo pháp. Chỉ có Đức Cù-đàm mới giải được ý ta. Ta nên kịp thời gắng đi đến Phật. Ngay đêm ấy ông gắng ra khỏi thành đi đến Song thọ, đến chỗ A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ông thưa:
“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm sắp vào Niết-bàn đêm nay, nên đến đây mong được bái yết một lần. Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp, mong được gặp Cù-đàm để Ngài giải quyết cho. Vậy Ngài có được rỗi rảnh cho tôi vào bái yết không?”
A-nan bảo:
“Thôi đừng Tu-bạt! Phật đang có bệnh. Không nên quấy rầy Ngài.”
Tu-bạt cố nài xin đến ba lần rằng:
“Tôi nghe Đức Như Lai ra đời như hoa Ưu-đàm, rất lâu mới xuất hiện, nên đến đây mong bái yết để được giải quyết nghi ngờ. Ngài có rỗi rảnh cho tôi gặp một lát được không?”
A-nan cũng vẫn trả lời như trước:
“Phật đang có bệnh. Không nên quấy rầy Ngài.”
Khi ấy Phật bảo A-nan:
“A-nan, ngươi chớ ngăn cản. Hãy để cho ông ấy vào. Ông muốn giải quyết sự nghi ngờ, không có gì phiền nhiễu. Nếu nghe được pháp của ta, ắt được tỏ rõ.”
A-nan liền bảo Tu-bạt:
“Nếu ông muốn vào thăm Phật, xin mời vào.”
Tu-bạt được vào, chào hỏi Phật xong, ngồi một bên và bạch Phật:
“Tôi có điều hoài nghi về giáo pháp. Ngài có rỗi rảnh giải quyết cho chỗ vướng mắc không?”
Phật nói: “Ông cứ tùy ý hỏi”.
Tu-bạt hỏi:
“Bạch Cù-đàm, có những giáo phái khác, họ tự xưng bậc thầy, như các ông Phất-lan Ca-diếp, Mạt-già-lê Kiều-xá-lợi, A-phù-đà Sí-xá-kim-bạt-la, Ba-phù Ca-chiên, Tát-nhã Tỳ-da-lê-phất, Ni-kiền Tử. Những thầy đó đều có giáo pháp riêng, đức Sa-môn Cù-đàm có biết hết hay không?”
Phật đáp: “Thôi thôi khỏi nói, những giáo pháp ấy Ta đều rõ cả. Nay Ta sẽ vì ngươi nói đến pháp thâm diệu, ngươi hãy lắng nghe và khôn khéo suy nghiệm. Này Tu-bạt! Trong giáo pháp nào nếu không có tám Thánh đạo thời ở đó không có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trong giáo pháp nào có tám Thánh đạo thời ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có tám Thánh đạo nên có quả vị Sa-môn thứ nhất, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong các chúng ngoại đạo không có”.
Rồi Thế Tôn đọc bài kệ:
Ta hai mươi chín tuổi,
Xuất gia tìm Chánh đạo.
Từ khi Ta thành Phật,
Đến nay năm mươi năm.
Các hạnh giới, định, tuệ,
Một mình Ta tư duy.
Nay Ta giảng pháp yếu:
Ngoại đạo không Sa-môn.
Phật bảo:
“Này Tu-bạt! Nếu các Tỳ-kheo thảy đều có thể tự nhiếp tâm thời cõi thế gian này không trống vắng A-la-hán.
Khi ấy Tu-bạt thưa với A-nan:
“Những ai theo đức Sa-môn Cù-đàm đã tu hành phạm hạnh, hiện đang tu hành và sẽ tu hành, thảy đều có lợi ích lớn. A-nan, ông theo Như Lai tu hành phạm hạnh cũng được lợi ích lớn. Tôi nay được gặp mặt Như Lai, hỏi những điều nghi ngờ, cũng được lợi ích lớn. Nay Như Lai cũng đã ký biệt cho tôi như là ký biệt cho đệ tử.”
Rồi ông bạch Phật:
“Tôi nay có thể ở trong pháp của Như Lai mà xuất gia thọ giới Cụ túc được chăng?”
Phật nói:
“Này Tu-bạt, nếu có dị học Phạm chí muốn tu hành ở trong giáo pháp của ta, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi họ, chí nguyện, tánh nết họ. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ Cụ túc giới ở trong giáo pháp Ta. Tuy vậy, này Tu-bạt, còn tùy thuộc hành vi của mỗi người.”
Tu-bạt lại bạch Phật:
“Dị học Phạm chí muốn tu hành ở trong Phật pháp, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi, chí nguyện, tánh nết. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ Cụ túc giới ở trong Phật pháp. Nay tôi có thể phục dịch bốn năm ở trong Phật pháp, khi đủ các oai nghi không còn gì thiếu sót mới xin thọ Cụ túc giới.”
Phật dạy:
“Này Tu-bạt, Ta đã nói trước rồi. Còn tùy thuộc hành vi của mỗi người.”
Ngay trong đêm đó, Tu-bạt được xuất gia thọ giới, thanh tịnh tu hành, ngay trong hiện tại, tự thân tác chứng: “Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, chứng đắc như thật trí, không còn tái sinh”. Lúc gần nửa đêm, ông đã chứng quả A-la-hán, là đệ tử cuối cùng của Phật và diệt độ trước Phật.
Bấy giờ, A-nan đứng hầu sau Phật, không tự ngăn nổi bi cảm nên vỗ giường than khóc, rằng:
“Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Thế Tôn diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao nhanh quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia nay chỉ mới được lên bậc học địa, tu nghiệp chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!”
Khi ấy Ðức Thế Tôn dù biết mà cố hỏi:
“Tỳ-kheo A-nan đâu rồi?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Tỳ-kheo A-nan đang ở sau Phật, không tự ngăn nổi bi cảm nên vỗ giường than khóc, rằng: Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao mau quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia nay chỉ mới được lên bậc học địa, tu nghiệp chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!”
Phật bảo A-nan:
“Thôi thôi, A-nan, chớ có buồn phiền than khóc. Từ trước đến nay ngươi hầu hạ Ta với cử chỉ từ hòa, ngôn ngữ kính ái và tâm niệm hoan hỷ thủy chung như một, không sao xiết kể. Ầy là ngươi đã cúng dường Ta, công đức rất lớn. Nếu có sự cúng dường nào của chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn và Bà-la-môn cũng không sao sánh bằng được. Ngươi hãy siêng năng lên, ngày thành đạo của ngươi không lâu nữa!”
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo! Đệ tử hầu hạ chư Phật quá khứ cũng chỉ như A-nan. Đệ tử hầu hạ chư Phật vị lai cũng chỉ như A-nan. Nhưng đệ tử hầu hạ của chư Phật quá khứ, Phật có dạy mới biết. Còn A-nan nay, Ta vừa đưa mắt là đã biết Như Lai cần muốn gì. Đó là điều hy hữu của A-nan, các ông nhớ lấy.
“Chuyển luân thánh vương Chuyển luân thánh vương có bốn pháp đặc biệt, kỳ lạ ít có. Những gì là bốn? Khi Thánh vương đi, người dân khắp cả nước đều đến nghinh đón; thấy vua rồi thì hoan hỷ, nghe lời dạy cũng hoan hỷ, chiêm ngưỡng uy nhan không hề biết chán. Khi Thánh vương đứng, khi Thánh vương ngồi và khi Thánh vương nằm, quốc dân đều đến bái yết, được thấy vua họ vui mừng, được nghe vua họ vui mừng, họ trông ngắm dung nhan vua không biết chán. Đó là bốn pháp đặc biệt của Chuyển luân thánh vươngChuyển luân thánh vương. A-nan cũng có bốn pháp đặc biệt ấy. Khi A-nan lặng lẽ đi vào chúng Tỳ-kheo, chúng đều hoan hỷ; thuyết pháp cho chúng, ai nghe cũng hoan hỷ; nhìn ngắm nghi dung, nghe lời thuyết pháp không hề biết chán. Khi A-nan vào chúng Tỳ-kheo-ni, khi A-nan vào chúng Ưu-bà-tắc, khi A-nan vào chúng Ưu-bà- di, nơi nào được trông thấy A-nan cũng vui mừng, được nghe A-nan thuyết pháp cũng vui mừng; họ trông nhìn nghi dung và lời A-nan thuyết pháp không biết chán. Đó là bốn pháp đặc biệt hy hữu của A-nan.”
Bấy giờ, A-nan trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, bạch Phật:
“Thế Tôn, hiện nay các Sa-môn khắp bốn phương, gồm những vị kỳ cựu đa văn, thấu hiểu kinh luật, đức hạnh thanh cao, thường đến bái yết Phật, nhân đó con được lễ kính và gần gũi hỏi han. Nhưng sau khi Phật diệt độ rồi, họ không đến nữa, con không còn biết hỏi ai nữa, làm sao?”
Phật bảo A-nan:
“Ngươi chớ lo. Các con nhà dòng dõi thường có bốn chỗ tưởng nhớ:
“1. Tưởng tới chỗ Phật sanh, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
“2. Tưởng tới chỗ Phật thành đạo, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
“3. Tưởng tới chỗ Phật chuyển Pháp luân đầu tiên, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
“4. Tưởng tới chỗ Phật vào Niết-bàn, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ.
“Này A-nan, sau khi ta diệt độ, trai hay gái con nhà dòng dõi nhớ nghĩ khi Phật giáng sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển Pháp luân có những sự hóa độ như thế, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Rồi mỗi người đi đến bốn chỗ đó kính lễ, dựng chùa tháp cúng dường. Khi chết đều được sanh lên cõi trời, chỉ trừ người đắc đạo.
“Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, có các người dòng họ Thích đến cầu đạo, hãy nhận cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc chớ để lâu. Những người Phạm chí dị học đến cầu đạo cũng nhận cho xuất gia thọ giới Cụ túc, chớ có để thử qua bốn tháng. Vì những người kia vốn có học sẵn các luận thuyết khác, nếu để lâu thì các kiến giải trước của họ sẽ phát sanh lại.
Bấy giờ A-nan quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:
“Tỳ-kheo Xiển-nộ thô lỗ, tự chuyên, sau khi Phật diệt độ, phải đối xử thế nào?”
Phật dạy:
“Sau khi Ta diệt độ, nếu Tỳ-kheo Xiển-nộ nộ
không tuân oai nghi, không chịu nghe giáo huấn, các ông hãy cùng xử trị theo phép phạm-đàn là truyền hết các Tỳ-kheo không ai được cùng nói chuyện, cùng tới lui, chỉ bảo, giúp đỡ.”
A-nan lại bạch Phật: “Sau khi Phật diệt độ, các hạng nữ nhân đến thọ giáo huấn cần được đối xử như thế nào?”
Phật dạy:
“Đừng gặp họ.”
“Giả sử phải gặp thì làm sao?”
“Chớ cùng nói chuyện.”
“Giả sử phải cùng nói chuyện thì làm sao?”
“Hãy tự thu nhiếp tâm ý.
“Này A-nan, ngươi chớ nghĩ sau khi Ta diệt độ, các ngươi mất chỗ nươơng tựa, không ai che chở. Chớ có quan niệm như vậy. Nên biết những Kinh và Giới mà Ta đã dạy từ khi thành Đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở các ngươi đó!
“Này A-nan, từ nay trở đi, cho phép các Tỳ-kheo tùy nghi bỏ các giới cấm nhỏ nhặt. Kẻ trên, người dưới xưng hô nhau phải thuận lễ độ. Đó là pháp kính thuận của người xuất gia.”
Rồi Phật nói với các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, đối với Phật, Pháp và chúng Tăng, đối với Chánh đạo, các ông có điều gì hoài nghi nữa không, nên kịp thời hỏi han để sau khỏi hối hận ăn năn. Kịp lúc Ta còn, Ta sẽ giảng thuyết cho các ngươi.”
Các Tỳ-kheo đều im lặng. Phật lại nói:
“Các ngươi, đối với Phật, Pháp và chúng Tăng, đối với Chánh đạo, các ông có điều gì hoài nghi nữa không, nên kịp thời hỏi han để sau khỏi hối hận ăn năn.”
Các Tỳ-kheo cũng vẫn lặng thinh. Phật lại nói:
“Nếu các ngươi e ngại không dám hỏi, hãy mau nhờ các vị hiểu biết hỏi giúp cho; nên kịp thời để sau khỏi hối hận.”
Các Tỳ-kheo cũng vẫn lặng thinh. A-nan bạch Phật:
“Con tin rằng đại chúng ở đây ai nấy đều đã có lòng tin thanh tịnh, không một ai còn hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng và Chánh đạo nữa.
Phật dạy:
“A-nan, Ta cũng biết trong chúng này dù một vị Tỳ-kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu đạo, không còn đọa vào đường ác, chỉ trải qua bảy lần sanh lại cõi Dục này để tu hành là dứt hết thống khổ.”
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn liền thọ ký cho một ngàn hai trăm1200 đệ tử đã được đạo quả.
Rồi Thế Tôn khoác lên uất-đa-la-tăng để lộ cánh tay sắc màu vàng ròng, bảo với các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy quán sát rằng, Như Lai mỗi khi xuất thế, như hoa Ưu-đàm-bát lâu lắm mới hiện một lần.”
Quan sát ý nghĩa này, Thế Tôn đọc bài kệ:
Tay phải màu tử kim,
Phật hiện như Linh thụy.
Hành sinh diệt vô thường;
Hiện diệt, chớ buông lung.
“Thế nên các Tỳ-kheo chớ có buông lung. Ta chính nhờ không buông lung mà được thành Chánh giác. Vô lượng điều lành toàn nhờ không buông lung mà có được. Hết thảy vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.”
Thế rồi, Thế Tôn nhập Sơ thiền; rồi từ Sơ thiền xuất, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền xuất, nhập Tam thiền; từ Tam thiền xuất, nhập Tứ thiền, từ Tứ thiền xuất, nhập Không xứ định; định; từ Không xứ định xuất, nhập Thức xứ; từ Thức xứ định xuất, nhập vào Vô sở hữu xứ; từ Vô sở hữu xứ định xuất, nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định; từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ định xuất, nhập Diệt thọ tưởng định.
Lúc ấy A-nan hỏi A-na-luật:
“Thế Tôn đã vào Niết-bàn rồi chăng?”
A-na-luật nói:
“Chưa, A-nan. Thế Tôn hiện đang ở trong định Diệt thọ tưởng . Tôi lúc trước được thân nghe từ Phật rằng, khi Phật từ Tứ thiền xuất mới vào Niết-bàn.”
Rồi Thế Tôn từ Diệt thọ tưởng định xuất, nhập Phi tưởng phi phi tưởng, từ Phi tưởng phi phi tưởng xuất, nhập Vô sở hữu định; từ Vô sở hữu định xuất, nhập Thức xứ định; từ Thức xứ định xuất, nhập Không xứ định; từ Không xứ định xuất, nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền xuất, nhập Tam thiền; từ Tam thiền xuất, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền xuất, nhập Sơ thiền; rồi lại từ Sơ thiền xuất lần lượt đến Tứ thiền, rồi từ Tứ thiền xuất, Phật vào Niết-bàn. Ngay lúc đó, cõi đất rung động, trời người kinh hoàng. Những chỗ tối tăm mà mặt trăng, mặt trời không rọi đến được đều được chói sáng. Chúng sanh ở đó trông thấy nhau và bảo nhau: Người kia sinh ra người này! Người kia sinh ra người này! Ánh sáng ấy chiếu khắp, hơn cả ánh sáng của chư Thiên.
Bấy giờ, trời Đao-lợi, ở giữa hư không, dùng hoa Văn-đa-la, hoa Ưu-bát-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câu-ma-đầu, hoa Phân-đà-lỵ , tán rải trên thân Phật và chúng hội. Rồi lại lấy bột hương Chiên-đàn tán rải trên thân Phật và chúng hội.
Phật diệt độ rồi, khi ấy Phạm thiên vương ở giữa hư không ngâm bài kệ rằng:
Hết thảy loài sinh linh ,
Đều phải bỏ thân mạng.
Phật là Đấng Vô Thượng,
Thế gian không ai bằng;
Như Lai đại thánh hùng,
Có thần lực vô úy,
Đáng lẽ ở đời lâu,
Nhưng nay diệt độ rồi!
Trời Thích Đề-hoàn Nhân đọc bài kệ:
Ầm hành đều vô thường
Chỉ là pháp sinh diệt.
Có sanh đều có chết,
Phật tịch diệt là vui.
Tỳ-sa-môn Thiên vương đọc bài kệ:
Đại tòng lâm cây phúc,
Sa-la phước vô thượng.
Đấng Ứng Cúng Phước Điền,
Diệt độ giữa rừng cây.
Tỳ-kheo A-na-luật đọc bài kệ:
Phật an trú vô vi,
Không cần thở ra vào.
Vốn từ Tịch diệt đến,
Sao Thiêng lặn nơi đây.
Tỳ-kheo Phạm-ma-na đọc bài kệ:
Không sanh tâm giải mạn
Tự ước, tu thượng tuệ.
Không nhiễm, không bị nhiễm,
Đấng Chí Tôn lìa ái.
Tỳ-kheo A-nan đọc bài kệ:
Trời người lòng kinh sợ,
Toàn thân lông dựng lên.
Việc giáo hóa thành tựu,
Thế Tôn vào Niết-bàn.
Thần Kim-tỳ-la dâng lời tán Phật:
Thế gian mất che chở,
Chúng sanh trọn mù lòa
Không còn thấy Chánh Giác,
Đấng Sư Tử giữa người.
Mật Tích lực sĩ đọc bài kệ:
Các Thiên, Nhân, Ma, Phạm,
Đời nay và đời sau,
Không còn thấy được Phật,
Bậc Sư Tử giữa người.
Phật mẫu Ma-da đọc bài kệ:
Phật sanh vườn Lâm-tỳ;
Đạo Ngài lưu bố rộng.
Trở lại chỗ bản sinh,
Ngài xả thân vô thường.
Thần Song thọ đọc bài kệ:
Bao giờ tôi lại lấy
Hoa sái mùa cúng dâng
Đấng trọn đủ mười lực,
Như Lai vào Niết-bàn.
Thần rừng cây Sa-la đọc bài kệ:
Chỗ này vui thượng diệu,
Phật sanh trưởng tại đây.
Ở đây chuyển xe Pháp,
Lại ở đây Niết-bàn.
Tứ thiên vương đọc bài kệ:
Như Lai vô thượng trí,
Thường diễn lẽ vô thường.
Cởi trói chúng sanh khổ,
Nay trọn vào Niết-bàn.
Đao-lợi Thiên vương đọc bài kệ:
Trải ức ngàn vạn kiếp,
Mong thành đạo Vô thượng.
Cởi trói chúng sanh khổ,
Nay trọn vào Niết-bàn.
Diệm Thiên vương đọc bài kệ:
Đây mảnh y tối hậu
Dùng quấn thân Như Lai.
Nay Phật diệt độ rồi,
Y này để cúng ai.
Đâu-suất-đà Thiên vương đọc bài kệ:
Đây là thân cuối cùng,
Ầm giới diệt ở đây.
Không tâm tưởng lo mừng,
Không tai hoạn già chết.
Hóa tự tại Thiên vương đọc bài kệ:
Đúng vào giữa đêm nay,
Phật nằm nghiêng bên hữu.
Ở tại rừng Sa-la,
Thích Sư Tử diệt độ.
Tha hóa tự tại Thiên vương đọc bài kệ:
Thế gian mãi tối tăm,
Trăng sao đều rơi rụng,
Mây vô thường che kín,
Mặt trời Đại trí mờ.
Các Tỳ-kheo đọc bài kệ:
Thân này như bèo bọt,
Mong manh có gì vui.
Phật được Kim cang thân,
Còn bị vô thường hoại.
Thể Kim cang chư Phật,
Cũng đều qui vô thường;
Tiêu tan như băng tuyết,
Huống những người thế gian.
Sau khi Phật diệt độ, các Tỳ-kheo buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng:
“Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.”
Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các Tỳ-kheo cũng vậy, buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng: Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.
Bấy giờ, Trưởng lão A-na-luật khuyên:
“Thôi các Tỳ-kheo, các ngài chớ buồn khóc, kẻo có hàng chư Thiên nhìn xuống ngó thấy họ chê trách”.”
Các Tỳ-kheo hỏi A-na-luật:
“Trên ấy có bao nhiêu Thiên thần?”
A-na-luật nói:
“Đầy kín hư không. Kể sao hết. Thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt. Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các chư Thiên cũng vậy, thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt.
Các Tỳ-kheo suốt đêm đến sáng cùng nhau giảng luận pháp ngữ.
Trưởng lão A-na-luật bảo A-nan đi vào thành báo tin cho dân chúng dòng Mạt-la biết Phật đã diệt độ, như họ có muốn cúng dường thế nào thì mau đến kịp thời. A-nan vâng lời, đứng dậy, lễ chân Phật, rồi dắt theo một Tỳ-kheo, vừa khóc vừa đi vào thành. Từ xa A-nan trông thấy năm trăm người Mạt-la do có chút duyên sự đang nhóm tại một chỗ. Trông thấy A-nan, họ đều đứng dậy nghinh tiếp, đảnh lễ và hỏi:
“Tôn giả có việc gì đến đây sớm vậy?”
A-nan đáp:
“Vì lợi ích các ngài, nên mới sáng sớm tôi đã đến đây. Các ngài nên biết, Như Lai đêm qua đã diệt độ rồi. Các ngài muốn cúng dường thế nào thì nên đến kịp thời.”
Chúng Mạt-la vừa nghe tin, ai nấy bi cảm buồn rơi lệ than kể: “Phật vào Niết-bàn sao vội quá! Con mắt của thế gian diệt mất sao mau quá!”
A-nan khuyên:
“Thôi thôi các ngài! Chớ có buồn khóc! Muốn cho pháp hữu vi không bị biến hoại, không thể nào được. Đức Như Lai đã dạy hễ có sanh tức có chết, có hội hợp tức có chia ly, hết thảy ân ái đều vô thường cả.”
Chúng Mạt-la mới bàn nhau rằng:
“Chúng ta hãy trở về nhà mang hương hoa, kỹ nhạc, đi mau đến rừng cây Song thọ để cúng dường kim thân suốt một ngày, rồi thỉnh kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến thanh niên Mạt-la nâng bốn góc giường khiêng đi; có tràng phan, lọng tàn, đốt hương, rải hoa, trỗi nhạc, cúng dường. Đưa vào thành cửa Đông khắp các nẻo cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra cửa thành Tây, đến một đồi cao rộng mà trà-tỳ.”
Bàn xong, ai về nhà nấy, sắm sửa các thứ hương hoa, kỹ nhạc, rồi đi đến rừng Song thọ, cúng dường xá-lợi. Suốt một ngày rồi, họ đặt xá-lợi Phật lên trên một cái giường. Chúng Mạt-la cùng đến khiêng. Nhưng dở không lên.
Trưởng lão A-na-luật mới bảo:
“Này các ngài chớ nhọc công khiêng! Hiện nay có các chư Thiên muốn đến khiêng giường.”
Các người Mạt-la hỏi:
“Ý chư Thiên thế nào mà lại muốn khiêng giường?”
A-na-luật đáp:
“Các người muốn mang hương hoa, kỹ nhạc cúng dường kim thân suốt một ngày, rồi thỉnh kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến thanh niên Mạt-la nâng bốn góc giường khiêng đi; có tràng phan, lọng tàn, đốt hương, rải hoa, trỗi nhạc cúng dường. Đưa vào thành cửa Đông khắp các nẻo cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra thành cửa Tây, đến một đồi cao rộng mà trà-tỳ. Theo ý chư Thiên thì muốn lưu kim thân lại trong bảy ngày để kính lễ cúng dường bằng các thứ hoa hương, kỹ nhạc, sau mới thỉnh lên giường, cho các thanh niên Mạt-la nâng bốn góc rước vào thành cửa Đông, đi khắp các nẻo để cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra thành cửa Bắc, qua sông Hi-liên-thiền đến chùa Thiên quan mà trà-tỳ. Ý chư Thiên là như vậy nên khiến cho giường bất động.”
Các Mạt-la nói:
“Hay lắm! Xin tùy ý chư Thiên!”
Chúng Mạt-la bảo nhau:
“Chúng ta hãy vào thành trước, đi đến các ngõ đường, dọn bằng phẳng các con đường, quét tước, đốt hương, rồi trở lại đây để cúng dường kim thân trong bảy ngày.”
Rồi các Mạt-la cùng vào thành, đi đến các ngõ đường, dọn bằng phẳng các con đường, quét tước, đốt hương, xong rồi ra khỏi thành, trở lại rừng Song thọ, dùng hương hoa, kỹ nhạc để cúng dường kim thân. Sau bảy ngày, vào lúc trời chiều, họ thỉnh kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến các thanh niên Mạt-la nâng bốn góc khiêng đi thong thả giữa đám đông người hộ tống, có tràng phan, hương hoa, âm nhạc cúng dường. Từ không trung các vị trời Đao-lợi dùng hoa Văn-đà-la, hoa Ưu-đàm-bát-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ và bột hương Chiên-đàn nhà trời rải trên kim thân và tràn ngập các ngả đường, chư Thiên tấu nhạc, quỷ thần ca ngâm.
Khi ấy các người Mạt-la nói với nhau:
“Hãy gác qua nhạc loài người. Xin tấu nhạc trời để cúng dường xá-lợi.”
Rồi các người Mạt-la khiêng giường tiến tới dần, vào cửa thành phía Đông, đến mỗi ngả đường thì dừng lại để cho dân chúng đốt hương, tán hoa, trỗi nhạc cúng dường. Lúc ấy có nàng Lộ-di dòng Mạt-la vốn dốc lòng tin Phật, cầm một đóa hoa vàng lớn như bánh xe cúng dường kim thân và một bà lão cất tiếng tán thán rằng: “Các Mạt-la này may được phúc lợi lớn. Như Lai cuối cùng diệt độ tại đây. Khắp nước nhân dân hớn hở cúng dường”.
Họ cúng dường xong, đưa kim thân ra thành cửa Bắc, qua sông Hi-liên-thiền đến chùa Thiên quan, đặt giường xuống đất rồi thưa với A-nan:
“Chúng tôi bây giờ nên cúng dường cách nào nữa?”
A-nan bảo:
“Tôi trực tiếp nghe từ Phật, lãnh thọ lời Phật dạy rằng: muốn tẩn táng xá-lợi hãy làm như pháp tẩn táng Chuyển luân thánh vươngChuyển luân thánh vương.”
Hỏi: “Phép tẩn táng Chuyển luân thánh vương Chuyển luân thánh vương là thế nào?”
Đáp: “Về phép tẩn táng Chuyển luân thánh vươngChuyển luân thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương Chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua đã làm lợi ích cho nhiều người. A-nan, ngươi muốn tẩn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương Chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên. Trừ người đã đắc đạo”.
Chúng Mạt-la bảo nhau:
“Chúng ta về thành sắm sửa các đồ tẩn táng, các thứ hương hoa, bông gòn, quan quách, dầu thơm và vải lụa trắng.”
Những người Mạt-la vào thành sắm sửa các thứ xong, trở lại chùa Thiên quan, dùng nước hương tắm rửa thân Phật, rồi lấy vải bông mới bọc quanh, tiếp quấn năm trăm lớp vải trắng, rồi đặt vào trong kim quan đã tẩm dầu thơm, lại đặt kim quan vào một cái quách lớn bằng sắt, rồi một cái quách gỗ Chiên-đàn bọc ngoài. Xong, lấy củi thơm chất đầy lên trên.
Tiếp đó, vị đại thần dòng Mạt-la tên Lộ-di, cầm cây đuốc lớn châm lửa vào giàn hỏa, song lửa không cháy. Các người Mạt-la trưởng lão cũng cầm lửa châm theo, song lửa vẫn không cháy. Trưởng lão A-na-luật bảo chúng Mạt-la:
“Thôi các Ngài, chẳng phải sức các ngài đốt được đâu. Lửa không cháy là vì ý chư Thiên vậy.”
Chúng Mạt-la hỏi:
“Tại sao chư Thiên lại khiến cho lửa không cháy?”
A-na-luật đáp:
“Chư Thiên nhân thấy Đại Ca-diếp đang dẫn năm trăm đệ tử từ nước Ba-bà đi về cho kịp được thấy Phật khi chưa trà-tỳ. Hiện Tôn giả đang ở nửa đường. Chư Thiên biết ý nên làm cho lửa không cháy.”
Chúng Mạt-la nói: “Xin để toại ý ấy”.
Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp dắt năm trăm đệ tử, từ nước Ba-bà đi về vừa ngang giữa đường, thì gặp một người Ni-kiền Tử trong tay cầm một đóa hoa Văn-đà-la. Đại Ca-diếp đến gần hỏi:
“Này bạn! Bạn từ đâu đến?”
Ni-kiền Tử đáp: “Tôi từ thành Câu-thi đến”.
Ca-diếp lại hỏi: “Bạn có biết thầy ta không?”
“Có biết”.
Lại hỏi: “Thầy ta hiện nay thế nào?”
Đáp: “Đã diệt độ cách đây bảy ngày. Tôi từ đó đến, nên lượm được đóa thiên hoa này”.
Ca-diếp nghe xong lòng rất buồn bã. Năm trăm Tỳ-kheo nghe Phật diệt độ, đều buồn khóc, quay cuồng kêu than không tự kềm chế nổi: “Như Lai diệt độ làm sao vội quáqúa! Thế Tôn diệt độ sao vội quá! Đại pháp chìm lặng làm sao mau quá! Con mắt của thế gian đã diệt, chúng sanh suy đọa lâu dài! Ví như cây lớn bị trốc gốc, cành nhánh gãy đổ. Lại như rắn bị chặt đuôi, quay cuồng lăn lóc, không biết trườn đi đâu”. Nhưng trong chúng ấy có một Tỳ-kheo tên Bạt-nan-đà dòng họ Thích, ngăn các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi chớ lo buồn. Thế Tôn diệt độ thì chúng ta được tự do. Ông già ấy trước đây thường hay bảo chúng ta nên làm thế này, không nên làm thế này. Nhưng nay về sau thì tùy ý chúng ta làm.”
Ca-diếp nghe rồi, lòng càng buồn, mới bảo các Tỳ-kheo sửa soạn y bát đi mau đến Song thọ trước khi chưa trà-tỳ, có thể trông thấy Phật. Các Tỳ-kheo nghe Đại Ca-diếp nói xong đều đứng dậy tùy tùng Ca-diếp đến thành Câu-thi, qua sông Hi-liên-thiền đến chùa Thiên quan, rồi đến chỗ A-nan. Hỏi han xong, đứng sang một bên, nói với A-nan:
“Chúng tôi muốn được thấy Phật một lần chót khi chưa trà-tỳ, có thể được không?”
A-nan đáp:
“Tuy chưa trà-tỳ nhưng khó mà thấy được, vì thân Phật đã được tắm nước hương, quấn một lớp kiếp-ba ngoài bọc năm trăm lớp vải trắng, đặt trong một kim quan. Kim quan lại đặt trong một cái quách bằng sắt, ngoài hết có bọc một cái quách bằng gỗ Chiên-đàn, nên khó thấy được.”
Ca-diếp năn nỉ xin tới ba lần, A-nan vẫn trả lời như cũ, là khó mà thấy Phật được nữa! Ngài Đại Ca-diếp mới hướng mặt về hỏa đàn để chiêm bái, thì ngay khi ấy bỗng nhiên từ trong ba lớp quan quách, Phật đưa hai bàn chân ra ngoài. Chân có màu sắc khác lạ. Ca-diếp thấy vậy, ngạc nhiên hỏi A-nan:
“Thân Phật kim sắc, sao chân ngài lại có sắc khác?”
A-nan đáp: “Trước đây có một bà già, tiếc thương Đức Như Lai, tiến tới lấy tay vỗ vào chân Phật, để rơi nước mắt trên chân Ngài cho nên có màu sắc khác như thế”. Nghe xong, Ca-diếp lại không vui, liền hướng tới hỏa đàn đảnh lễ kim thân Phật. Bốn bộ chúng và chư Thiên trên không trung cũng đồng thời tác lễ. Chân Phật bỗng không hiện nữa. Ngài Đại Ca-diếp vừa đi quanh hỏa đàn ba vòng vừa tán dương rằng:
Con nay cúi đầu lễ
Đức Đạo Sư Vô Thượng,
Thánh trí không nghĩ lường,
Thánh trí cao tột bậc.
Đức Sa-môn tối cao,
Tuyệt đối không tỳ uế,
Thanh tịnh không nhiễm ái,
Tôn quý giữa nhân thiên.
Con nay cúi đầu lễ
Đấng Đại Hùng bậc nhất,
Khổ hạnh chẳng ai bằng,
Lìa bỏ để độ sanh.
Kính lễ Đấng Thế Tôn
Không nhiễm ô trần cấu;
Tham, sân, si dứt sạch;
Vui trong hạnh không tịch.
Kính lễ Đấng Thế Tôn,
Không hai, không thể sánh.
Khéo giải thoát thế gian,
Chí Tôn giữa trời người.
Kính lễ An Ồn Trí,
Ngộ Tứ đế, tịch tịnh,
Vô thượng giữa Sa-môn,
Khiến bỏ tà về chánh.
Kính lễ đạo trạm nhiên,
Thế Tôn nơi tịch diệt.
Không nhiệt não tì uế,
Thân tâm thường vắng lặng.
Kính lễ Đấng Vô Nhiễm
Bậc trừ hết trần cấu,
Tuệ nhãn không hạn lượng,
Cam lộ tiếng oai vang.
Kính lễ Đấng Vô Đẳng,
Hy hữu khó nghĩ nghì,
Tiếng nói như sư tử,
Ở rừng không khiếp sợ.
Hàng ma, vượt bốn tánh;
Cho nên con kính lễ.
Đại Ca-diếp oai đức lớn lao và đủ bốn biện tài, vừa đọc xong bài kệ trên, thì hỏa đàn không đốt mà tự nhiên bừng cháy. Chúng Mạt-la bảo nhau:
“Ngọn lửa cháy mạnh quá khó ngăn, e cháy tiêu hết xá-lợi! Hãy tìm đâu lấy nước dập tắt.”
Lúc đó có vị thần cây Song thọ đang đứng bên giàn hỏa, vốn dốc lòng tin Phật, dùng thần lực làm tắt ngọn lửa. Chúng Mạt-la lại bảo nhau: “Mười hai do-tuần chung quanh thành Câu-thi này có bao nhiêu hoa thơm hái hết, đem về dâng cúng xá-lợi”.
Rồi họ đi ra hai bên thành tìm các thứ hoa thơm đem về cúng dường xá-lợi.
Lúc đó dân Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại Song thọ, tự nghĩ: “Ta nên đến đó cầu lấy phần xá-lợi về dựng tháp cúng dường tại trong nước”. Các người Mạt-la nước Ba-bà liền hạ lệnh đem bốn thứ binh là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, đi đến thành Câu-thi và cử sứ giả nói:
“Chúng tôi nghe Đức Phật đã diệt độ tại đây. Phật cũng là thầy chúng tôi. Vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần xá-lợi về nước dựng tháp cúng dường.”
Vua Câu-thi đáp:
“Thật vậy, đúng như ngài nói. Nhưng vì Ðức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây. Nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xá-lợi. Nhưng điều đó hẳn là không được!”
Đồng thời dân Bạt-ly nước Giá-la-phả, dân Câu-lỵ nước La-ma-già, dân chúng dòng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề , dân chúng dòng họ Thích nước Ca-duy-la-vệ, dân chúng dòng Lệ-xa nước Tỳ-xá-ly và vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, nghe Đức Như Lai diệt độ tại cây Song thọ ở thành Câu-thi, đều tự nghĩ: “Ta nay nên đến đó chia phần xá-lợi”.
A-xà-thế và các vua kia mới hạ lệnh trong nước đem bốn thứ binh mã tiến qua sông Hằng. Vua A-xà-thế sai Bà-la-môn Hương Tánh:
“Ngươi nhân danh ta vào thành Câu-thi hỏi thăm vua Mạt-la, đời sống thường nhật có thoải mái chăng, lui tới có khỏe mạnh chăng và nói ta với quý quốc xưa nay vốn tôn kính nhau, láng giềng hòa nghĩa, chưa có xảy ra điều chi tranh tụng. Nay ta nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc. Đối với Ðức Thế Tôn, lòng ta thật hết sức tôn kính, nên chẳng quản xa xôi, đến thỉnh phần di cốt, đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, ta sẽ chia bớt tài bảo trong nước ta cho.”
Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh, đến thành Câu-thi nói với các người Mạt-la:
“Đại vương nước Ma-kiệt có lời thăm hỏi vô vàn. Các ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Bước đi có khoẻ mạnh không? Và nhắn rằng, Ta với quý quốc xưa nay vốn tôn kính nhau, láng giềng hòa nghĩa, chưa có xảy ra điều chi tranh tụng. Nay ta nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc. Đối với Ðức Thế Tôn, lòng ta thật hết sức tôn kính, nên chẳng quản xa xôi, đến thỉnh phần di cốt, đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, ta sẽ chia bớt tài bảo trong nước ta cho.”
Các người Mạt-la trả lời:
“Quả như vậy! Quả như lời ông nói. Nhưng vì Ðức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây, thì nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xin xá-lợi. Nhưng điều đó hẳn không thể được.”
Các quốc vương liền triệu tập quần thần lập nghị, tụng cáo rằng:
Chúng ta hòa nghị,
Xa đến cúi đầu,
Khiêm tốn yêu cầu.
Như không chấp nhận;
Tứ binh đã sẵn.
Không tiếc thân mạng.
Dùng nghĩa không được;
Tất phải dùng lực.
Vua Câu-thi cũng triệu tập quần thần lập nghị trả lời:
Các người xa nhọc,
Khuất nhục cầu xin
Như Lai di thể;
Nhưng không cho được.
Kia muốn dùng binh,.
Ta đây cũng sẵn.
Chống trả đến cùng,
Chưa từng biết sợ.
Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra hiểu dụ mọi người:
“Chư Hiền lãnh thụ giáo huấn của Phật đã lâu, miêng tụng pháp ngôn, tâm khoác nhân hóa, thường mong cho chúng sanh thảy được an lành, nay há lẽ vì giành xá-lợi của Phật mà trở nên tàn hại nhau sao? Di thể Như Lai nếu muốn có lợi ích rộng rãi, thì xá-lợi hiện tại nên chia ra nhiều phần.”
Chúng đều khen phải. Họ lại bàn nghị nên nhờ ai đủ sức chia giúp. Mọi người đều nói Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân trí quân bình, có thể chia được. Các quốc vương bèn sai Hương Tánh:
“Ngươi hãy vì chúng ta mà chia xá-lợi làm tám phần bằng nhau.”
Được lệnh của các quốc vương, Hương Tánh đến ngay chỗ xá-lợi, cúi đầu đảnh lễ, xong từ từ trước hết nhặt lấy răng trên của Phật để riêng một nơi. Rồi bảo sứ giả mang cái răng trên của Phật đến chỗ vua A-xà-thế rằng:
“Ngươi nhân danh ta tâu lên vua rằng: Đại vương, đời sống thường nhật có thoải mái chăng? Bước đi có khỏe không? Xá-lợi chưa đến chắc Đại vương trông lắm? Nay tôi giao sứ giả răng trên của Như Lai để kịp cúng dường cho thỏa lòng Đại vương trông ngóng. Sáng mai, lúc sao mai mọc, xá-lợi chia xong, tôi sẽ đích thân dâng đến.”
Khi ấy, sứ giả vâng lời, đi đến chỗ vua A-xà-thế, tâu rằng:
“Bà-la-môn Hương Tánh kính lời thăm hỏi vô vàn: Đại vương, đời sống thường nhật có thoải mái không? Bước đi có khỏe không. Xá-lợi chưa đến chắc Đại vương trông lắm? Nay tôi giao sứ giả răng trên của Như Lai để kịp cúng dường cho thỏa lòng Đại vương trông ngóng. Sáng mai, lúc sao mai mọc, xá-lợi chia xong, tôi sẽ đích thân dâng đến.”
Tiếp đó Hương Tánh lấy một bình dung lượng chừng một thạch, rồi chia đều xá-lợi ra làm tám phần, xong, ông nói với mọi người:
“Các ngài bàn bạc cho tôi xin cái bình đó để dựng tháp thờ tại nhà riêng.”
Mọi người đều nói:
“Trí tuệ thay. Như thế là thích hợp.”
Và họ đồng ý cho.
Lúc đó, có người thôn Tất-bát cũng đến xin phần tro còn lại để dựng tháp cúng dường. Mọi người cũng bằng lòng.
Sau khi người nước Câu-thi được xá-lợi liền dựng tháp cúng dường. Các nước Ba-bà, Giá-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-ly, Ma-kiệt sau khi được xá-lợi đều đem về nước dựng tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh đem cái bình dùng chia xá-lợi về nhà dựng tháp cúng dường. Dân chúng thôn Tất-bát đem phần tro còn lại về dựng tháp cúng dường.
Như vậy, xá-lợi Phật được chia thờ ở tám tháp, tháp thứ chín là cái bình, tháp thứ mười là tháp tro và tháp thứ mười một là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế.
Phật sanh giờ nào? Thành đạo giờ nào? Diệt độ thời nào?
Sanh khi sao Phất mọc. Xuất gia khi sao Phất mọc. Thành đạo khi sao Phất mọc. Diệt độ khi sao Phất mọc.
Lưỡng Túc Tôn sanh thế nào?
Xuất gia tu khổ thế nào?
Đắc Tối thượng đạo thế nào?
Nhập Niết-bàn thành thế nào?
Mồng tám Như Lai sanh.
Mồng tám Phật xuất gia.
Mồng tám thành Bồ-đề.
Mồng tám vào diệt độ.
Sao Phất mọc, Thế Tôn sanh.
Sao Phất mọc, Phật xuất gia.
Sao Phất mọc, thành Chánh giác.
Sao Phất mọc, nhập Niết-bàn.
Mồng tám sanh Lưỡng Túc Tôn.
Mồng tám vào rừng tu khổ.
Mồng tám thành Tối thượng đạo.
Mồng tám vào thành Niết-bàn.
Tháng hai Như Lai sanh.
Tháng hai Phật xuất gia.
Tháng hai thành Bồ-đề.
Tháng hai vào diệt độ.
Tháng hai sanh Lưỡng Túc Tôn.
Tháng hai vào rừng tu khổ.
Tháng hai thành đạo Tối thượng.
Tháng hai vào thành Niết-bàn.
Sa-la hoa nở rộ,
Đủ màu ánh chói nhau,
Tại chỗ bản sanh ấy,
Như Lai nhập Niết-bàn,
Đức Đại Từ Niết-bàn
Nhiều người xưng tán lễ.
Vượt qua các sợ hãi
Quyết định nhập Niết-bàn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.42.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.