Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
2. KINH DU HÀNH
I
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt, muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, mới tự nghĩ: “Nước ấy tuy mạnh, dân chúng giàu mạnh, nhưng lấy sức ta để thắng họ không phải là khó”.
Rồi vua A-xà-thế sai đại thần Bà-la-môn Vũ-xá: “Khanh hãy đến núi Kỳ-xà-quật, chỗ Ðức Thế Tôn, nhân danh ta đảnh lễ dưới chân Thế Tôn và thăm hỏi Ðức Thế Tôn, Ngài đời sống thường nhật có thoải mái không, đi đứng có khỏe mạnh không. Sau đó lại bạch Ðức Thế Tôn, người nước Bạt-kỳ tự ỷ hùng cường, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục ta. Ta muốn chinh phạt chúng. Không hiểu Ðức Thế Tôn có dạy bảo gì không? Nếu Ngài có dạy thế nào, ngươi hãy nhớ cho kỹ, chớ để quên sót, hãy nói lại cho ta hay những gì khanh đã nghe. Những điều Như Lai nói không bao giờ hư dối.”
Đại thần Vũ-xá lãnh mạng, cưỡi xe báu đi đến núi Kỳ-xà-quật. Đến chỗ phải dừng, ông xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi xong, ngồi lại một bên, bạch Ðức Thế Tôn rằng:
“Vua nước Ma-kiệt là A-xà-thế cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật và ân cần kính hỏi Ngài, đời sống thường nhật có thoải mái chăng, lui tới có được mạnh khỏe không?”
Ông lại thưa tiếp:
“Người nước Bạt-kỳ tự thị dũng mãnh, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục nhà vua, nên nhà vua muốn chinh phạt. Chẳng hay Ðức Thế Tôn có dạy bảo gì không?”
Lúc đó, A-nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Phật hỏi A-nan:
“Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh không?”
A-nan đáp:
“Con có nghe.”
Phật nói với A-nan:
“Nếu được như thế, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng; nước ấy sẽ an ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
“Này A-nan, ngươi có nghe người nước Bạt-ky vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?”
“Con có nghe.”
“Nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được”.
“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?”
“Con có nghe.”
“Này A-nan, nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
“Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng không?”
“Con có nghe”.”
“Này A-nan, nếu vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
“Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần không?”
“Con có nghe.”
“Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-ky giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?”
“Con có nghe.”
“Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác không?”
“Con có nghe.”
“Này A-nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.
Bấy giờ, đại thần Vũ-xá liền bạch Phật:
“Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.”
Phật nói:
“Nên biết thời giờ.”
Vũ-xá liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi vái chào mà lui.
Vũ-xá đi chưa bao lâu, Phật bảo A-nan:
“Ngươi hãy truyền cho các Tỳ-kheo ở chung quanh thành La-duyệt-kỳ nhóm hết lại giảng đường.”
A-nan vâng lệnh đi đến thành La-duyệt-kỳ tập họp hết các Tỳ-kheo lại giảng đường xong, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo đã nhóm đủ, kính mong Đức Thánh biết thời.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền đứng dậy đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn, bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ giảng cho các thầy bảy pháp bất thối. Các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn. Chúng con muốn nghe.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, bảy pháp bất thối là:
“1. Thường hội họp luận bàn nghĩa lý chân chính, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“2. Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“3. Trọng pháp, hiểu điều cấm kỵ, không trái qui chế, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“4. Nếu có Tỳ-kheo nào có năng lực hộ chúng, có nhiều tri thức, nên được kính thờ, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“5. Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“6. Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo trạng thái dục, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“7. Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
“Này các Tỳ-kheo, lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm.
“1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc, thời Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.
“2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.
“3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.
“4. Không tụ họp nói việc vô ích.
“5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức.
“6. Không kết bè bạn với người xấu ác.
“7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.
“Này Tỳ-kheo, được như vậy, thời Chánh pháp sẽ được tăng trưởng, không bị tổn giảm.
“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.
“1. Có tín tâm; tin Đức Như Lai, Chí Chân, Chánh Giác, đủ mười đức hiệu.
“2. Có tàm, biết hổ với điều thiếu sót của mình.
“3. Có quý, biết thẹn với việc ác mình đã làm.
“4. Đa văn, những điều đã được thọ trì đều tốt ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, nghĩa và vị thâm áo, thanh tịnh không bẩn, phạm hạnh đầy đủ.
“5. Siêng năng cần khổ, bỏ ác tu lành, chuyên tâm tập luyện mãi không ngừng.
“6. Điều đã học tập được, ghi nhớ mãi không quên.
“7. Tu tập trí tuệ, biết pháp sanh diệt, hướng đến Hiền thánh, dứt hết gốc khổ.
“Với bảy pháp như thế thời Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:
“1. Kính Phật.
“2. Kính Pháp.
“3. Kính Tăng.
“4. Kính giới luật.
“5. Kính thiền định.
“6. Kính thuận cha mẹ.
“7. Kính pháp không buông lung.
“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn.
“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:
“1. Quán thân bất tịnh.
“2. Quán đồ ăn bất tịnh.
“3. Chẳng mê đắm thế gian.
“4. Thường suy niệm về sự chết.
“5. Suy niệm về vô thường.
“6. Suy niệm về vô thường tức khổ.
“7. Suy niệm khổ tức vô ngã.
“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:
“1. Tu về niệm giác ý, nhàn tịnh, vô dục, xuất ly, vô vi.
“2. Tu về pháp giác ý.
“3. Tu về tinh tấn giác ý.
“4. Tu về hỷ giác ý.
“5. Tu về ỷ giác ý.
“6. Tu về định giác ý.
“7. Tu về hộ giác ý.
“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
“Này các Tỳ-kheo! Có sáu pháp bất thối làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
“1. Thân thường hành xử từ ái, không hại chúng sanh.
“2. Miệng nói nhân từ, không diễn lời dữ.
“3. Ý niệm Từ tâm, không ôm lòng thêm bớt.
“4. Được vật lợi dưỡng hợp lẽ, chia cùng chúng hưởng, bình đẳng như nhau.
“5. Giữ giới Thánh hiền không để khuyết lậu, cũng không cấu uế, nhất định không dao động.
“6. Thấy đạo Thánh hiền để dứt hết thống khổ.
“Sáu pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.
“Này các Tỳ-kheo, lại có sáu pháp bất thối làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:
“1. Niệm Phật.
“2. Niệm Pháp.
“3. Niệm Tăng.
“4. Niệm giới.
“5. Niệm thí.
“6. Niệm thiên.
Sáu niệm ấy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.”
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở La-duyệt-kỳ, Ngài bảo A-nan rằng:
“Các thầy hãy sẵn sàng, ta muốn đi đến Trúc viên.”
Đáp: “Thưa vâng.”
Rồi Ngài sửa soạn y bát, cùng đại chúng thị tùng, Thế Tôn theo ngả đường từ Ma-kiệt đi đến Trúc viên. Sau khi lên giảng đường an tọa, Phật dạy các Tỳ-kheo về giới, định, tuệ; tu giới đắc định, được quả báo lớn; tu định đắc trí, được quả báo lớn; tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn, dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát liền phát sanh trí về sự giải thoát, sanh tử dứt hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa”.”
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Trúc viên, Ngài bảo A-nan:
“Các thầy hãy sửa soạn, hãy đi đến thành Ba-lăng-phất .”
Đáp: “Kính vâng.”
Rồi Ngài sửa soạn y bát cùng với đại chúng theo hầu, Thế Tôn từ Ma-kiệt đi đến thành Ba-lăng-phất và ngồi ở gốc cây Ba-lăng. Lúc ấy các Thanh tín sĩ tại đó nghe Phật cùng đại chúng từ xa đến nghỉ dưới cây Ba-lăng, bèn cùng nhau ra khỏi thành, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Ba-lăng dung mạo đoan chính, các căn vắng lặng, nhu thuận tột bực, như con rồng lớn, như nước đứng trong, không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực. Thấy rồi, ai nấy hoan hỷ, lần đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Ðức Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp, khai tỏ, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Các Thanh tín sĩ được nghe Phật nói Pháp liền bạch Phật rằng:
“Chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Thánh chúng. Ngưỡng mong Ðức Thế Tôn thương xót chấp nhận cho chúng con được làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chúng con sẽ giữ giới không bao giờ quên. Ngày mai chúng con xin cúng dường. Ngưỡng mong Thế Tôn cùng đại chúng rủ lòng hạ cố.”
Ðức Thế Tôn làm thinh nhận lời. Các Thanh tín sĩ thấy Phật làm thinh nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng làm lễ rồi lui ra. Vì Đức Như Lai, họ dựng ngôi nhà lớn, ban sửa đất đai, quét tước, rưới nước, xông hương, trang hoàng bảo tọa. Khi thiết cúng xong, họ đến bạch Phật:
“Cỗ đã dọn xong, cúi mong Đức Thánh biết đã đến giờ.”
Khi ấy, Thế Tôn liền đứng dậy mang y cầm bát cùng đại chúng đến giảng đường. Đến nơi, rửa tay chân xong, Phật ngồi giữa, các Tỳ-kheo ngồi bên tả, các Thanh tín sĩ ngồi bên hữu.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Thanh tín sĩ rằng:
“Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm?
“1. Cầu tài lợi không được toại nguyện.
“2. Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn.
“3. Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể.
“4. Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ.
“5. Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
“Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm?
“1. Cầu gì đều được như nguyện.
“2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút.
“3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến.
“4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ.
“5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.”
Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các Thanh tín sĩ hãy trở về. Các Thanh tín sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui.
Bấy giờ, khi đêm vừa qua, ánh sáng vừa ló, Thế Tôn đi tới chỗ thanh vắng, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấu suốt, thấy các vị thần lớn mỗi vị phong thủ đất đai nhà cửa riêng, các thần trung, thần hạ cũng phong thủ đất đai nhà cửa. Thế Tôn liền trở lại giảng đường, lên chỗ ngồi. Tuy đã biết, nhưng Ngài vẫn hỏi:
“Này A-nan, ai tạo lập thành Ba-lăng-phất này?”
A-nan bạch Phật:
“Thành này do đại thần Vũ-xá tạo ra để phòng ngự nước Bạt-kỳ.”
Phật nói với A-nan:
“Người tạo ra thành này rất hợp ý trời. Lúc đêm đã tàn, trời vừa sáng, Ta đi tới chỗ thanh vắng, bằng thiên nhãn, xem thấy các Đại Thiên thần mỗi vị phong thủ đất đai nhà cửa riêng, các trung thần, hạ thần cũng phong thủ đất đai nhà cửa. A-nan! Nên biết chỗ đất đai nhà cửa nào được Đại Thiên thần phong thủ, ai ở đó tất được an lạc nhiều ; còn chỗ trung thần phong thủ thì hàng trung nhân ở; chỗ hạ thần phong thủ thì hạ nhân ở và công đức nhiều ít cũng tùy theo chỗ ở ấy.
“Này A-nan, chỗ này là chỗ hiền nhân ở, kẻ bán buôn qui tụ, phép nước đúng đắn không dối ngụy. Thành này rất tốt, được mọi nơi suy tôn, không thể phá hoại. Lâu về sau nếu có bị phá chăng chỉ do ba việc; một là bị nước lớn, hai là bị lửa lớn và ba là bị người trong thông mưu với người ngoài phá hoại được thành này.”
Trong lúc đó các Thanh tín sĩ Ba-lăng-phất suốt đêm cùng bày biện. Đúng giờ, họ đến bạch Phật:
“Cỗ đã dọn xong, cúi mong Đức Thánh biết là đã đến giờ. ”
Bấy giờ, các Thanh tín sĩ bưng dọn, tự tay bưng sớt đồ ăn. Thọ thực xong dùng nước rửa. Rồi họ dọn một chỗ ngồi nhỏ trước Phật. Phật chỉ bày mà rằng:
“Chỗ này của các ngươi là chỗ bậc Hiền trí, phần nhiều người trì giới tịnh tu phạm hạnh cư trú; các Thiện thần vui mừng ủng hộ.”
Rồi Ngài chú nguyện cho họ:
“Biết kính trọng thì được người kính trọng. Biết phụng sự thì được người phụng sự. Bố thí, kiêm ái, có lòng từ mẫn, được chư Thiên khen ngợi và thường cùng người lành sum họp, không cùng người ác ở chung.”
Bấy giờ, sau khi thuyết pháp xong, Ðức Thế Tôn liền rời khỏi chỗ, đại chúng hầu quanh mà đưa Ngài trở về. Đại thần Vũ-xá đi theo sau Phật, nghĩ rằng:
“Hôm nay, nhân Đức Sa-môn Cù-đàm đi qua cửa thành này, ta hãy gọi cửa này là cửa Cù-đàm.”
Lại nhân bến sông mà Phật sang ngang, liền đặt tên chỗ đó là bến Cù-đàm.
Ðức Thế Tôn ra khỏi thành Ba-lăng-phất, đi đến bờ sông. Lúc ấy, trên bờ sông có nhiều người, trong số đó có người thì dùng thuyền, có người dùng bè, có người dùng phà mà sang sông. Ðức Thế Tôn cùng đại chúng chỉ trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, đã đến cả bên kia sông. Sau khi quán sát nghĩa này, Thế Tôn liền nói bài tụng:
Phật là Hải Thuyền Sư
Pháp là cầu sang sông,
Là chiếc xe Đại thừa,
Đưa hết thảy trời, người.
Là Đấng Tự Giải Thoát,
Sang sông, thành Phật-đà .
Khiến tất cả đệ tử,
Giải thoát, đắc Niết-bàn.
Thế Tôn lại từ nước Bạt-kỳ đi đến thôn Câu-lỵ nghỉ ở dưới một khóm rừng và bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn pháp thâm diệu: một là Thánh giới; hai là Thánh định; ba là Thánh tuệ và bốn là Thánh giải thoát. Đó là pháp vi diệu khó hiểu, khó biết, mà ta với các ông xưa kia vì không hiểu rõ nên mãi trôi lăn không cùng trong vòng sống chết.”
Quán xét theo nghĩa đó, Phật liền dạy bài kệ:
Giới, định, tuệ, giải thoát,
Duy Phật phân biệt rõ.
Lìa khổ độ chúng sanh,
Khiến dứt mầm sanh tử.
Bây giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở thôn Câu-lỵ lại bảo A-nan cùng đi đến thôn Na-đà. A-nan vâng lời, khoác y ôm bát cùng với đại chúng đi theo Phật, theo con đường từ Bạt-kỳ đến Na-đà và dừng lại chỗ Kiền-chùy.
Bấy giờ, A-nan ở chỗ thanh vắng yên lặng suy nghĩ: “Thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ là Già-già-la, Già-lăng-già, Tỳ-già-đà, Già-lê-thâu, Giá-lâu, Bà-da-lâu, Bà-đầu-lâu, Tẩu-bà-đầu-lâu, Đà-lê-xá-nậu, Tẩu-đạt-lê-xá-nậu, Da-thâu, Da-thâu-đa-lâu đã qua đời. Hiện nay không biết họ sinh về đâu? Lại có năm mươi người khác mệnh chung, lại năm trăm người khác nữa mệnh chung, nay không biết họ sinh về chỗ nào?”
A-nan suy nghĩ như thế xong, rời khỏi nơi nhàn tịnh, đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật:
“Thế Tôn, vừa rồi con ở chỗ nhàn tịnh, lặng lẽ suy nghĩ: Thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ: Già-già-la v.v., mạng chung; lại có năm mươi người nữa mạng chung, lại có năm trăm người mạng chung; không biết họ sinh về đâu. Cúi mong Thế Tôn nói rõ cho con.”
Phật bảo A-nan:
“Mười hai cư sĩ kia là Già-già-la v.v., đã đoạn năm hạ phần kết nên mệnh chung sinh thiên ; họ nhập Niết-bàn ở đó chứ không trở lại cõi này nữa. Còn năm mươi người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử ;; dâm, nộ, si mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm, sẽ trở lại cõi này để dứt hết gốc khổ. Còn năm trăm người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn thành đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ rồi thôi.
“Này A-nan, phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì là quái lạ. Nếu thấy mỗi người chết, ngươi đều tới hỏi ta như vậy chẳng là quấy rầy ư?”
A-nan đáp:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn, quả là phiền nhiễu.”
Phật bảo:
“A-nan, nay ta sẽ nói cho ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.
“Này A-nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười đức hiệu đầy đủ. Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí. Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu-đà-hoàn và được quả Tu-đà-hoàn, có người đang hướng tới Tư-đà-hàm và được quả Tư-đà-hàm, có người đang hướng tới A-na-hàm và được quả A-na-hàm, có người đang hướng tới A-la-hán và được quả A-la-hán. Ầy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam muộitam-muội định vậy.
“A-nan, đó là Pháp kính, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy.”
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở đó, bèn bảo A-nan hãy cùng đi đến nước Tỳ-xá-ly. A-nan vâng lời, mang y cầm bát, cùng với đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt-kỳ đến Tỳ-xá-ly và ngồi nghỉ ở một gốc cây.
Bấy giờ có một dâm nữ tên Am-bà-bà-lê vừa nghe Phật cùng các đệ tử đến Tỳ-xá-ly, đang ngồi dưới một gốc cây, liền sửa soạn xe báu, muốn đi đến chỗ Phật để lễ bái cúng dường. Khi chưa đến nơi, từ xa nàng đã thấy Ðức Thế Tôn diện mạo đoan chánh, các căn đặc biệt khác thường, tướng tốt đầy đủ, như mặt trăng ở giữa những vì sao. Nàng rất hoan hỷ, xuống xe đi bộ lần tới chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.
Rồi Thế Tôn, theo thứ lớp thuyết pháp, khai giải, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Nghe Phật nói xong nàng phát tâm vui mừng quỳ bạch Phật rằng:
“Bắt đầu từ hôm nay con quy y ngôi Tam bảo. Mong Phật nhận lời cho con được làm Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp, trọn đời con không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”
Lại bạch Phật:
“Cúi mong Thế Tôn cùng các đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của con. Còn tối nay thì xin nghỉ tại vườn của con.”
Khi ấy Phật im lặng nhận lời.
Nàng thấy Phật đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi đảnh lễ mà trở về. Nàng đi chưa bao lâu, Phật bảo A-nan:
“Ta cùng các ngươi đi đến khu vườn kia.”
Đáp:
“Thưa vâng.”
Phật bèn rời chỗ ngồi, mang y cầm bát cùng chúng đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người đi đến khu vườn ấy.
Lúc bấy giờ, nhóm người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly, nghe Phật đến nghỉ tại vườn của Am-bà-bà-lê thì liền thắng những cỗ xe báu năm sắc lộng lẫy; có người cưỡi xe xanh, ngựa xanh, phan dù áo mão đều xanh; ngựa xe năm sắc đều như vậy. Rồi thì, những người Lệ-xa với y phục đồng sắc, cả năm trăm người kéo đến Phật. Nàng Am-bà-bà-lê sau khi từ giã Phật trở về, giữa đường gặp xe họ. Lúc đó, xe nàng chạy rất nhanh, cùng với xe báu của họ móc kéo nhau, khiến phướn lọng gãy đổ cả, mà vẫn không chịu tránh đường. Các người Lệ-xa trách:
“Nàng ỷ thế gì mà không tránh đường cho chúng tôi đi, để đụng nhằm xe cộ chúng tôi khiến phướn lọng gãy cả?”
Am-bà đáp:
“Thưa quý ngài, tôi đã thỉnh Phật ngày mai đến nhà tôi thọ trai. Tôi phải về gấp sửa soạn đồ cúng dường, thành phải đi mau, không tránh kịp.”
Nhóm Lệ-xa liền bảo nàng:
“Nàng khoan hãy thỉnh. Để chúng tôi thỉnh trước, chúng tôi sẽ cho nàng một trăm ngàn lượng vàng.”
Nàng đáp:
“Tôi đã thỉnh trước rồi, không thể nhường được.”
Nhóm Lệ-xa tiếp:
“Chúng tôi sẽ tặng nàng gấp mười sáu lần trăm ngàn lượng vàng. Hãy để chúng tôi thỉnh trước.”
Nàng vẫn không chịu:
“Tôi đã thỉnh rồi. Nhất định không thể làm như thế được.”
Các Lệ-xa lại nói:
“Chúng tôi sẽ tặng bằng số tài bảo nửa nước, nàng hãy để chúng tôi thỉnh trước.”
Nàng trả lời:
“Giả sử đem tài bảo của cả nước cấp cho tôi, tôi cũng không nhận. Vì sao? Vì Phật hiện ở tại vườn tôi, Ngài đã nhận lời tôi thỉnh trước. Việc ấy đã xong, không thể nhường được.”
Các Lệ-xa khoa tay than tiếc, rằng:
“Nàng con gái này đã làm chúng ta thiếu mất cái phúc quả đầu tiên.”
Họ liền tiến tới khu vườn Phật đang ở. Khi Ðức Thế Tôn từ xa thấy năm trăm người Lệ-xa, với ngựa xe số vạn, chật đường tiến đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nên biết chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy. Này các Tỳ-kheo, hãy tự nhiếp tâm, gìn giữ oai nghi đầy đủ. Tỳ-kheo tự nhiếp tâm mình như thế nào? Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, siêng năng không lười biếng, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân., quán nội ngoại thân,., trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng như thế.
Thế nào là Tỳ-kheo đầy đủ oai nghi? Ở đây, Tỳ-kheo, khi đi thì biết là đi, dừng thì biết là dừng, quay nhìn tả hữu, co duỗi, cúi ngước, mang y cầm bát cho đến việc ăn uống, thuốc thang, đều không để mất nghi tắc. Khôn khéo tìm cách trừ bỏ ấm cái, đi ở nằm ngồi, ngủ thức, nói năng hay im lặng đều nhiếp tâm đừng cho loạn động. Đấy gọi là Tỳ-kheo đầy đủ oai nghi”.”
Bấy giờ năm trăm người Lệ-xa đi đến vườn Am-bà-bà-lê. Gần đến chỗ Phật, xuống xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Như Lai ở trên chỗ ngồi, ánh sáng độc nhất tỏa sáng che mờ đại chúng, như trăng mùa thu; lại như trời đất trong sáng sạch sẽ không chút bụi dơ, mặt trời giữa hư không độc nhất tỏa sáng. Rồi thì, năm trăm người Lệ-xa hầu vây quanh chỗ ngồi của Phật. Lúc ấy, giữa hội chúng có một người Phạm chí tên là Tịnh Ký, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai hữu, đầu gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Phật, tán thán bằng bài kệ rằng:
Vua Ma-kiệt, Ương-già,
Để được nhiều thiện lợi,
Khoác khôi giáp bảo châu.
Phật hiện ở nước ấy.
Uy đức động tam thiên,
Tiếng vang như núi Tuyết.
Như hoa sen đã nở,
Mùi hương thật mầu nhiệm.
Nay thấy ánh sáng Phật,
Như mặt trời mới mọc;
Như trăng qua bầu trời,
Không bị mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy,
Sáng chiếu cả thế gian.
Quán trí tuệ Như Lai
Như tối gặp đuốc sáng;
Đem mắt sáng cho đời,
Quyết trừ các nghi hoặc.
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe bài kệ ấy lại bảo Tịnh Ký:
“Ngươi hãy lặp lại”.”
Rồi Tịnh Ký ở trước Phật lặp lại ba lần. Năm trăm Lệ-xa sau khi nghe lặp lại bài kệ, mỗi người cởi y báu mà cho Tịnh Ký. Tịnh Ký bèn đem y báu dâng Đức Như Lai. Phật vì lòng từ mẫn nên thọ nhận.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly rằng:
“Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm? Một là Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được. Hai là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được. Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Năm là hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có. Ầy là năm thứ báu rất khó có được.”
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe Phật khai thị, giáo huấn khiến cho lợi ích, hoan hỷ, liền bạch Phật;
“Cúi mong Thế Tôn và chúng đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của chúng con.”
Phật nói với các người Lệ-xa:
“Các ông đã thỉnh Ta. Ta nay như thế là đã được cúng dường rồi. Kỹ nữ Am-bà-bà-lê đã thỉnh trước.”
Năm trăm người Lệ-xa nghe Am-bà-bà-lê nữ đã thỉnh Phật trước, ai nấy đều vung tay mà nói rằng:
“Chúng ta muốn cúng dường Như Lai, mà nay người đàn bà kia đã phổng tay trên ta rồi”.”
Rồi họ rời chỗ ngồi, đầu mặt lễ Phật, đi quanh Phật ba vòng, sau đó ai về nhà nấy.
Bấy giờ, Am-bà-bà-lê nữ bèn bày dọn thực phẩm thượng diệu để cúng Phật và Tăng. Sau khi ăn xong, thâu bát, dẹp bàn ghế. Rồi kỹ nữ tay bưng bình bằng vàng dâng nước rửa xong, nàng đến trước Phật bạch rằng:
“Trong số những khu vườn trong thành Tỳ-xá-ly này vườn của con là hơn hết. Nay con đem vườn ấy dâng cúng Như Lai. Ngưỡng nguyện Như Lai vì thương tưởng con mà thọ nhận.”
Phật nói với người kỹ nữ:
“Ngươi có thể đem khu vườn này cúng dường trước hết là Phật và Chiêu-đề tăng. Vì sao vậy? Các thứ vườn tược, phòng xá, y bát, sáu vật mà Như Lai sở hữu, ngay dù những Ma, Thích, Phạm, chư Thiên có đại oai lực, không ai có khả năng kham thọ sự cúng dường ấy.”
Kỹ nữ thọ lãnh lời dạy, bèn đem khu vườn mà cúng trước tiên là Phật và Chiêu-đề tăng. Phật vì lòng từ mẫn đối với nàng nên thọ nhận. Rồi Ngài nói bài kệ:
Dựng tháp, lập tinh xá,
Cúng vườn cây mát mẻ;
Cầu thuyền để đưa người;
Và cho cả nhà, gác;
Đồng trống cho nước cỏ,
Phước ấy ngày đêm tăng;
Người đủ giới thanh tịnh,
Ằt sẽ đến chỗ lành.
Sau đó, kỹ nữ Am-bà-bà-lê mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật. Phật theo thứ lớp nói pháp, mở bày, dạy dỗ, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Ngài giảng về thí, về giới, về sinh thiên, về dục là đại hoạn, ô uế, bất tịnh, phiền não là chướng ngại, xuất ly là tối thượng.
Khi Thế Tôn biết tâm ý của nàng đã nhu nhuyến, hòa duyệt, các triền cái vơi mỏng, rất dễ hóa độ, như pháp của chư Phật, Ngài bèn giảng cho nàng về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ nàng Am-bà-bà-lê, tín tâm thanh tịnh, như tấm lụa trắng trong sạch dễ nhuộm màu, ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, con mắt pháp của các pháp sanh, thấy pháp, đắc pháp, quyết định chánh trụ, không còn đọa ác đạo, thành tựu vô úy. Nàng bèn bạch Phật:
“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nói ba lần như vậy. Cúi mong Như Lai nhận con làm một Ưu-bà-di trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến trọn đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu”.”
Người nữ ấy sau khi thọ lãnh năm giới từ Phật, xả bỏ tập quán từ trước, tiêu trừ những cấu uế, rời khỏi chỗ ngồi, lễ Phật rồi lui.
Bấy giờ, Thế Tôn tùy nghi trú ở Tỳ-xá-ly, bảo A-nan:
“Các ngươi hãy sửa soạn. Ta muốn đi đến Trúc lâm.”
Đáp: “Kính vâng.”
Rồi sửa soạn y bát, cùng đại chúng hầu quanh Thế Tôn, đi theo con đường từ Bạt-kỳ đến Trúc lâm kia.
Lúc ấy có người Bà-la-môn tên là Tỳ-sa-đà-da, nghe Phật cùng đại chúng đến Trúc lâm này, liền thầm nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này có tiếng tốt đồn khắp bốn phương, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Thích, Phạm, Ma hay Thiên ma, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự mình tác chứng, rồi thuyết pháp cho người khác, với những ngôn từ mà khoảng đầu, giữa và cuối thảy đều chân chánh, nghĩa vị thâm áo, phạm hạnh đầy đủ. Bậc Chân Nhân như thế, ta nên đến thăm viếng”.”
Rồi Bà-la-môn ra khỏi thành, đi đến Thế Tôn chỗ rừng Trúc ;; chào hỏi xong, ngồi sang một bên. Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp cho ông, mở bày, chỉ dạy, khiến cho ích lợi, hoan hỷ. Nghe xong, hoan hỷ, ông bèn thỉnh Thế Tôn cùng đại chúng ngày mai đến nhà thọ thực. Phật im lặng nhận lời. Bà-la-môn biết Ngài đã nhận lời, liền đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cáo về.
Vào ngay đêm đó dọn bày các thứ ẩm thực. Sáng mai, lúc đã đến giờ, bèn báo tin:
“Cúi mong Đức Thánh biết là đã đến giờ.”
Bấy giờ Thế Tôn khoác y ôm bát, cùng đại chúng vây quanh, đi đến nhà kia, ngồi lên chỗ dọn sẵn. Rồi thì, Bà-la-môn dâng đủ các thực phẩm ngon cúng Phật và Tăng. Ắn xong, thâu bát, dùng nước rửa xong, ông mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật. Thế Tôn vì Bà-la-môn mà nói một bài tụng:
Nếu đem ẩm thực,
Y phục, ngọa cụ,
Cho người trì giới,
Tất được quả lớn.
Đó là bạn thật,
Chung thủy theo nhau;
Đến bất cứ đâu,
Như bóng theo hình.
Vậy nên gieo thiện,
Làm lương đời sau.
Phước là nền tảng,
Chúng sanh an trụ.
Phước là thiên hộ,
Đường đi không nguy.
Sống không gặp nạn;
Chết được sanh thiên.
Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho Bà-la-môn; mở bày, chỉ dẫn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Sau đó, Ngài rời chỗ ngồi mà đi.
Lúc ấy, ở địa phương này thóc quý, đói kém, nên khất thực khó được. Phật bảo A-nan:
“Hãy gọi các Tỳ-kheo hiện ở địa phương này tập họp ở giảng đường. A-nan đáp vâng, rồi thừa lệnh Phật kêu gọi các Tỳ-kheo xa gần về tập họp hết ở giảng đường. Sau khi đại chúng trong nước này đều đã tập họp, A-nan bạch Phật:
“Đại chúng đã tập họp, cúi mong Đức Thánh biết thời.”
Bấy giờ, Phật rời chỗ ngồi, đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ dọn sẵn, bảo các Tỳ-kheo:
“Đất này đói kém, khất thực khó khăn, các ngươi nên chia thành từng nhóm, tùy theo chỗ quen biết, hãy đến Tỳ-xá-ly và nước Việt-kỳ mà an cư ở đó để có thể không bị thiếu thốn. Ta một mình cùng với A-nan an cư ở đây.”
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy, ra đi. Riêng Phật với A-nan ở lại. Về sau, trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bệnh, khắp cả mình đều đau. Phật tự nghĩ: “Ta nay cả người đều đau mà các đệ tử đều không ở đây. Nếu Ta nhập Niết-bàn thì không thích hợp. Vậy Ta hãy tinh cần tự lực lưu lại thọ mạng”. Rồi Thế Tôn ra khỏi tịnh thất, đến ngồi chỗ mát mẻ. A-nan trông thấy liền vội đến, bạch Phật rằng:
“Nay con xem gương mặt Thế Tôn, bệnh hình như có bớt.”
A-nan lại nói:
“Thế Tôn bệnh, tâm con sợ hãi, lo buồn thắt chặt, hoang mang không biết phương hướng. Nhưng hơi thở chưa dứt, còn chút tỉnh táo, con thầm nghĩ rằng: Thế Tôn chưa diệt độ ngay, con mắt của đời chưa tắt, Đại pháp chưa suy tổn, sao nay Ngài không có điều gì dạy bảo các đệ tử?.”
Phật bảo A-nan:
“Chúng Tăng còn có điều gì cần ở Ta nữa? Nếu có ai tự mình nói: Ta duy trì chúng Tăng, ta nhiếp hộ chúng Tăng, thì người ấy nên có lời di giáo cho chúng Tăng. Như Lai không nói: Ta duy trì chúng Tăng. Ta nhiếp hộ chúng Tăng. Vậy tại sao Ta lại phải có lời di giáo cho chúng Tăng? Này A-nan, những pháp Ta đã giảng thuyết, trong cũng như ngoài đều đã hoàn tất. Ta không bao giờ tự xưng sở kiến thông đạt. Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi. Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi. Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn hơi duy trì được tuổi thọ, tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này. Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định, thân an ổn, không có não hoạn. Vì vậy, A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác. Thế nào là Hãy tự mình thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa pháp, chớ nương tựa nơi khác? Này A-nan, Tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy. Này A-nan, đó gọi là Hãy tự thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác.. Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học.”
Phật bảo A-nan, hãy cùng đi đến tháp Giá-bà-la. A-nan vâng lời. Như Lai bèn đứng dậy, mang y cầm bát đến dưới một gốc cây, bảo A-nan:
“Hãy trải chỗ ngồi. Ta đau lưng, muốn nghỉ lại đây.”
An-nan đáp: “Vâng”.
Trải chỗ ngồi và sau khi Như Lai đã ngồi xuống, A-nan dọn một chỗ ngồi nhỏ ngồi trước Phật. Phật nói:
“Này A-nan, những ai tu Bốn thần túc, tu tập nhiều, thường ghi nhớ không quên, người ấy tùy theo ý muốn có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp. A-nan, Phật đã tu tập nhiều Bốn thần túc, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn, Như Lai có thể sống hơn một kiếp, để trừ minh ám cho đời, đem lại nhiều lợi ích, trời và người đều được an ổn.”
Lúc bấy giờ A-nan im lặng không trả lời. Phật nói như vậy ba lần, A-nan cũng im lặng không trả lời. Khi ấy A-nan bị ma ám, mê muội không tỏ rõ. Phật đã ba lần hiện tướng, nhưng A-nan không biết mà thỉnh cầu. Phật bảo A-nan: “Hãy biết thời”. A-nan vâng ý chỉ của Phật, đứng dậy lễ Phật rồi lui. A-nan đi cách Phật không xa, ngồi dưới một gốc cây, tĩnh ý tư duy. Trong khoảng thời gian không lâu, ma Ba-tuần đến bạch Phật:
“Ý Phật không muốn vào Niết-bàn sớm. Nay chính là lúc, Phật nên mau chóng diệt độ.”
Phật bảo ma Ba-tuần:
“Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi chúng Tỳ-kheo của Ta hội đủ . Có người có thể tự điều phục, dũng mãnh, không khiếp sợ, đã đến chỗ an ổn, đã đạt được mục đích của mình, là hướng đạo của loài người, thuyết giảng kinh giáo, hiển bày cú nghĩa, nếu có dị luận thì có thể hàng phục bằng Chánh pháp, lại có thể bằng thần biến mà tự mình tác chứng. Các đệ tử như thế chưa hội đủ. Lại còn có các Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả cũng như thế, đều chưa tụ hội đủ. Nay điều cần thiết là triển khai phạm hạnh, phổ biến giác ý, khiến cho chư Thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu. .”
Bấy giờ ma Ba-tuần lại bạch Phật:
“Thuở xưa, ở Uất-bệ-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền, dưới gốc cây A-du-ba ni-câu-luật, Phật khi mới thành Chánh giác, tôi đã đến chỗ Như Lai mà khuyên mời Ngài hãy nhập Niết-bàn rằng: Nay thật là đúng lúc, Ngài hãy nhanh chóng nhập Niết-bàn. Khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi đệ tử Ta tụ hội đông đủ v.v., cho đến, chư Thiên và loài người thấy được sự thần thông biến hóa, khi ấy Ta mới nhập Niết-bàn. Nay chính là lúc ấy, sao Ngài không nhập Niết-bàn?”
Phật nói:
“Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Phật tự biết thời. Ta không trụ thế bao lâu nữa. Sau ba tháng nữa, tại bản sanh địa Câu-thi-na-kiệt, vườn Sa-la, giữa đôi cây, Ta sẽ diệt độ.”
Lúc ấy, ma Ba-tuần nghĩ rằng Phật tất không nói dối, nhất định sẽ diệt độ, bèn vui mừng phấn khởi, hốt nhiên biến mất. Ma đi chưa bao lâu, Phật ở nơi tháp Giá-bà-la, bằng định ý tam muộitam-muội, xả thọ hành. Ngay lúc đó, đại địa chấn động. Nhân dân cả nước thảy đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược. Phật phóng ánh sáng rọi suốt vô cùng, nơi chỗ tối tăm cũng được soi sáng, thảy đều trông thấy nhau. Bấy giờ Thế Tôn nói kệ tụng rằng:
Trong hai hành hữu vô,
Ta nay xả hữu vi.
Nội chuyên tam muộiTam-muội định
Như chim ra khỏi trứng.
Lúc bấy giờ Hiền giả A-nan tâm kinh sợ, lông tóc dựng ngược, vội vàng đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật:
“Lạ thay, Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà đất rung động?”
Phật bảo A-nan:
“Ở đời, có tám nguyên nhân khiến đất rung động. Những gì là tám? Đất y trên nước. Nước y trên gió. Gió y trên hư không. Trong hư không có ngọn gió lớn có khi tự nổi lên, khi ấy khối lớn nước bị khuấy động. Khối nước lớn bị khấy động thì khắp cả đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ nhất.
“Lại nữa, này A-nan, có khi có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đắc đạo, hoặc Tôn thiên đại thần quán thể tánh nước nhiều, quán thể tánh đất ít, muốn tự thử năng lực của mình, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ hai.
“Lại nữa, này A-nan, khi Bồ-tát từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ ba.
“Lại nữa, A-nan, khi Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, sanh từ hông phải, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tư.
“Lại nữa, A-nan, khi Bồ-tát vừa thành Vô thượng chánh giác, ngay lúc ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ năm.
“Lại nữa, A-nan, khi Phật vừa thành đạo chuyển Vô thượng pháp luân mà Ma hoặc Thiên ma, Sa-môn, Bà-la-môn thảy đều không thể chuyển, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ sáu.
“Lại nữa, A-nan, khi sự giáo giới của Phật gần hoàn tất, chuyên tâm không tán loạn, Phật xả bỏ thọ hành, khi đó khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ bảy.
“Lại nữa, này A-nan, khi Như Lai ở nơi Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tám.
“Do tám nguyên nhân ấy mà đất rung động.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ:
Đấng Lưỡng Túc Tối Tôn,
Đại Sa-môn soi sáng đời,
Được A-nan thưa hỏi:
Nguyên nhân gì đất rung?
Như Lai diễn từ âm,
Tiếng như chim Ca-lăng:
“Ta nói, hãy lắng nghe,
Nguyên do đất rung động.
Đất nhân y trên nước,
Nước nhân y trên gió.
Nếu gió trổi hư không,
Đất vì thế rung mạnh.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Muốn thử thần thông lực,
Núi, biển, trăm cây cỏ,
Cõi đất thảy rung động.
Thích, Phạm, các Tôn thiên,
Ý muốn đất rung động,
Núi biển các Quỷ thần,
Cõi đất thảy rung động.
Bồ-tát, Lưỡng Túc Tôn,
Trăm phước tướng đã đủ,
Khi mới nhập thai mẹ,
Khi ấy đất rung động.
Mười tháng trong thai mẹ,
Như rồng nằm thảm đệm;
Từ hông hữu xuất sanh,
Khi ấy đất rung động.
Phật khi còn trai trẻ
Tiêu diệt dây kết sử,
Thành đạo Thắng vô thượng;
Khi ấy đất rung động.
Thành Phật, chuyển Pháp luân,
Ở trong vườn Lộc dã;
Đạo lực hàng phục ma,
Khi ấy đất rung động.
Thiên ma nhiều phen thỉnh,
Khuyên Phật nhập Niết-bàn;
Khi Phật xả thọ mạng,
Khi ấy đất rung động.
Đại Đạo Sư, Chí Tôn,
Thần Tiên, không tái sanh,
Vào tịch diệt, bất động;
Khi ấy đất rung động.
Tịnh nhãn, nói các duyên,
Đất rung vì tám sự.
Do đây và khác nữa,
Khi ấy đất rung động”.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.15.91 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.