Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
KINH SỐ 2[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai con người xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Hai người ấy là ai? Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, thật là khó có được, và Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở [583a01] đời thật là khó có được. Hai người này xuất hiện ở đời thật là khó có được...”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai con người xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Hai người ấy là ai? Bích-chi-phật xuất hiện ở đời, thật là khó có được, và A-la-hán lậu tận đệ tử của Như Lai, xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hai người này xuất hiện ở đời thật là khó có được.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp này ở thế gian thật là phiền não. Hai pháp gì? Tạo các gốc rễ ác, khởi lên các oán thù; và lại không tạo hạnh lành, gốc của các đức. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hai pháp thật là phiền não.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy giác tri pháp phiền não này, và cũng nên giác tri pháp không phiền não. Các pháp phiền não thì hãy đoạn trừ, pháp không phiền não, thì nên tu hành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tà kiến, mà chúng sanh suy niệm, hướng đến, cùng các hành khác, tất cả đều không có gì đáng quý, là những điều mà người thế gian không đáng ham thích. Vì sao vậy? Vì tà kiến này là bất thiện. Giống như những hạt quả đắng, nghĩa là những hạt quả đắng, hạt rau đắng, hạt rau đay, hạt tất-địa bàn-trì,[56] cùng các loại hạt đắng khác, mà đem những loại hạt này trồng nơi đất tốt, sau đó sẽ sinh ra mầm cũng đắng như xưa. Vì sao vậy? Vì những hạt này vốn đã đắng. Ở đây, tà kiến chúng sanh cũng lại như vậy. Những gì được làm bởi thân hành, khẩu hành, ý hành, những gì hướng đến, những gì nghĩ đến, cùng các hành ác khác, tất cả đều không đáng quý, là những điều mà người thế gian không ham thích. Vì sao vậy? Vì tà kiến ác này là bất thiện.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy [583b01] trừ tà kiến, tập hành chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chánh kiến, mà chúng sanh nghĩ đến, hướng đến, cùng các hành khác, tất cả đều đáng quý kính, là những điều mà người thế gian đáng ham thích. Vì sao vậy? Vì tà kiến này là diệu. Giống như những quả ngọt, như mía, quả bồ-đào, cùng tất cả những quả ngon ngọt khác, có người sửa sang đất tốt đem trồng chúng, sau đó sẽ sinh ra con, tất cả đều ngon ngọt, khiến người ham thích. Vì sao vậy? Vì những hạt quả này vốn đã ngon ngọt. Ở đây chánh kiến chúng sanh cũng lại như vậy. Những gì được nghĩ đến, hướng đến, cùng các hành khác, tất cả đều đáng quý kính, là những điều mà người thế gian đáng ham thích. Vì sao vậy? Vì tà kiến này là diệu.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tập hành chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở nơi vắng vẻ, một mình tư duy, nảy sinh ý niệm này: “Có những chúng sanh khơi dậy tưởng ái dục, liền sinh dục ái, rồi tập hành ngày đêm không hề nhàm chán.” Bấy giờ vào buổi chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, khoác y, sửa lại y phục, đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi rồi, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng:
“Con ở nơi vắng vẻ phát sinh ý nghĩ này: ‘Có những chúng sanh khơi dậy tưởng ái dục, liền sinh dục ái, rồi tập hành ngày đêm không hề nhàm chán.’”
Thế Tôn bảo:
“Thật vậy, A-nan, như những gì ngươi đã nói: ‘Có những chúng sanh khơi dậy tưởng ái dục, liền sinh dục ái, rồi tập hành ngày đêm không hề nhàm chán.’ Vì sao vậy? Này A-nan, vào thời quá khứ xa xưa có Chuyển luân Thánh vương tên là Đảnh Sanh,[57] dùng pháp mà trị hóa, không có gian dối, thành tựu bảy báu. Bảy báu là: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là bảy báu. Lại có nghìn người con dũng mãnh cường tráng, có thể hàng phục các kẻ ác; thống lãnh bốn thiên hạ mà không cần đao [583c01] trượng. A-nan, nên biết, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh phát sinh ý niệm này: ‘Nay ta có đất Diêm-phù-đề này, dân chúng đông đúc, các loại trân báu nhiều. Ta cũng đã nghe các vị trưởng lão kỳ cựu nói, phía Tây có nước Cù-da-ni, nhân dân đông đúc, các loại trân bảo rất nhiều. Nay ta hãy đến thống lãnh quốc độ kia.
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh mới nảy sinh ý nghĩ này: ‘Ta đem bốn bộ binh rời khỏi Diêm-phù, đi qua nước Cù-da-ni.’ Lúc đó người dân nước kia thấy Thánh vương đến, tất cả đều ra trước nghinh đón, quỳ lễ thỏi thăm: ‘Thiện lai! Đại vương! Nay Nhân dân nước Cù-da-ni này đông đúc, nguyện xin Thánh vương nên ở đây cai trị giáo hóa Nhân dân, khiến theo giáo lệnh như pháp.’
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh liền thống lãnh Nhân dân ở nước Cù-da-ni trải qua hàng trăm nghìn năm. Rồi thì, Thánh vương Đảnh sanh tự nghĩ như vầy: ‘Ta có Diêm-phù-đề, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, cũng có mưa bảy báu ngập đến gối. Nay cũng lại có Cù-da-ni này, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều. Ta cũng từng nghe các trưởng lão nói, còn có Phất-vu-đãi, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều. Nay ta hãy đến thống lãnh quốc độ kia, dùng pháp mà trị hóa.’
“Này A-nan, bấy giờ, Thánh vương Đảnh Sanh mới nảy sinh ý nghĩ này: ‘Ta đem bốn bộ binh rời khỏi Cù-da-ni, đi qua nước Phất-vu-đãi.’ Lúc đó người dân nước kia thấy Thánh vương đến, tất cả đều ra trước nghinh đón, quỳ lễ thỏi thăm, khác miệng nhưng đồng thinh nói như vầy: ‘Thiện lai! Đại vương! Nay Nhân dân nước Phất-vu-đãi này đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, nguyện xin Đại vương nên ở đây cai trị giáo hóa Nhân dân, khiến theo giáo lệnh như pháp.
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh liền thống lãnh Nhân dân ở nước Phất-vu-đãi trải qua hàng trăm nghìn vạn năm. Rồi thì, Thánh vương Đảnh sanh tự nghĩ như vầy: ‘Ta ở Diêm-phù-đề, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, cũng có mưa bảy báu ngập đến gối. Nay cũng lại có Cù-da-ni này, Nhân dân đông đúc, các loại trân bào lại nhiều. Nay cũng lại có Phất-vu-đãi này Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều. Ta cũng từng nghe các trưởng lão nói còn có Uất-đơn-việt, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, việc làm tự do, không cần cất giữ, tuổi thọ không bị yểu, tuổi thọ chính là nghìn tuổi. Hết tuổi thọ ở đây [584a02] sẽ sinh lên trời, không đọa vào đường khác, mặc áo kiếp-ba-dục,[58] ăn loại lúa gạo tự nhiên. Nay ta hãy đến thống lãnh quốc độ kia, dùng pháp mà trị hóa.
“Này A-nan, bấy giờ, Thánh vương Đảnh sanh mới nảy sinh ý nghĩ này: ‘Ta đem bốn bộ binh rời khỏi Phất-vu-đãi, đi qua nước Uất-đơn-việt.’ Từ xa nhìn thấy đất kia màu xanh rậm rạp. Thấy rồi, liền hỏi quần thần tả hữu rằng: Các ngươi có thấy khắp cả đất này một màu xanh rậm rạp chăng?”
“Đáp rằng: Vâng, chúng tôi thấy.
“Vua bảo quần thần rằng: Cỏ ở đây mềm mại, mịn như thiên y không khác. Chư hiền ở đây thường ngồi nơi này.
“Đi về phía trước một tí nữa, từ xa nhìn thấy đất này màu vàng rực rỡ, vua liền hỏi quần thần rằng: Các ngươi có thấy khắp cả đất này màu vàng rực rỡ không?
“Đáp rằng: Chúng tôi đều thấy vậy.
“Đại vương nói: Đây gọi là lúa tự nhiên. Chư hiền ở đây thường ăn thức ăn này. Hiện tại các khanh cũng sẽ ăn lúa gạo này.
“Bấy giờ, Thánh vương tiến về phía trước một tí nữa, lại thấy khắp cả đất kia đều bằng phẳng, từ xa nhìn thấy đài cao nổi lên một cách đặc biệt. Lại bảo quần thần: Các ngươi có nhìn khắp đất này đất đai bằng phẳng không?
“Đáp rằng: Thưa vâng, chúng tôi đều thấy vậy.
“Đại vương bảo rằng: Đó gọi áo cây kiếp-ba-dục*, các ngươi cũng sẽ mặc áo cây này.
“Này A-nan, bấy giờ Nhân dân nước kia thấy Đại vương đến, đều tiến lên phía trước nghinh đón, quỳ lễ thưa hỏi, nhiều tiếng cùng vang lên: ‘Thiện lai, Thánh vương! Dân chúng nước Uất-đơn-việt này đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, nguyện xin Đại vương nên ở đây cai trị giáo hóa Nhân dân khiến theo giáo lệnh như pháp.’
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh liền thống lãnh Nhân dân ở Uất-đơn-việt, trải qua trăm nghìn vạn năm. Rồi thì, Thánh vương Đảnh Sanh lại sinh ý nghĩ này: ‘Nay ta có đất Diêm-phù, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, cũng có mưa bảy báu ngập đến gối. Nay cũng lại có Cù-da-ni, Phất-vu-đãi cùng Uất-đơn-việt này, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều. Ta cũng từng nghe các trưởng lão nói, còn có trời Tam thập tam thiên khoái lạc không đâu bằng, tuổi thọ rất lâu, y thực tự nhiên, ngọc nữ vây quanh không thể kể xiết. Nay ta nên đến thống lãnh thiên cung kia, dùng pháp mà trị hóa.’
“Này A-nan! Bấy giờ, Thánh vương Đảnh sanh mới nảy sinh ý nghĩ này: ‘Ta đem bốn bộ binh rời khỏi Uất-đơn-việt, [584b02] đi lên Tam thập tam thiên. Lúc ấy, Thiên đế Thích từ xa trông thấy Thánh vương Đảnh Sanh đến, liền nói như vầy: ‘Thiện lai, Đại vương! Xin đến ngồi đây.’
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh cùng Thích Đề-hoàn Nhân ngồi một chỗ. Cả hai cùng ngồi, không thể phân biệt được, từ tướng mạo, cử động, cho đến âm vang lời nói, chỉ là một không khác.
“Này A-nan, bấy giờ Thánh vương Đảnh Sanh ở đó trải qua hàng nghìn trăm năm, rồi nảy sinh ý niệm này: ‘Nay ta có đất Diêm-phù này, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều, cũng có mưa bảy báu ngập đến gối, cũng có Cù-da-ni, cũng lại có Phất-vu-đãi, cũng lại có Uất-đơn-việt này, Nhân dân đông đúc, các loại trân bảo lại nhiều. Nay ta lại đến Tam thập tam thiên, bây giờ, ta phải hại Thiên đế Thích này, để ở đây một mình làm Vua chư thiên.’
“Này A-nan, bấy giờ, Thánh vương Đảnh sanh vừa nảy sinh ý niệm này, liền từ trên chỗ ngồi tự đọa xuống đến đất Diêm-phù, cùng với bốn bộ binh, tất cả đều rơi xuống. Lúc này, bánh xe báu cũng mất, không biết ở đâu? Voi báu, ngựa báu chết cùng lúc, châu báu thì tự mất; ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu, chúng đều mạng chung. Bấy giờ, Thánh vương Đảnh Sanh thân mắc bệnh nặng, tông tộc, thân quyến, tất cả đều vân tập thăm hỏiỉ bệnh vua: Thế nào, Đại vương, giả sử sau khi đại vương mệnh chung, có người đến hỏi điều này: ‘Lúc đại vương Đảnh Sanh mệnh chung, có dạy lời nào không?’ Nếu có ai hỏi như vậy, thì nên trả lời thế nào?’
“Thánh vương Đảnh Sanh đáp: Nếu giả sử ta mệnh chung; sau khi ta mệnh chung nếu có người hỏi thì nên đáp như vầy: ‘Vua Đảnh Sanh thống lãnh bốn châu thiên hạ không biết đủ và nhàm tởm, lại đến Tam thập tam thiên, ở tại đó trải qua hàng trăm nghìn năm, mà ý còn sinh tham, muốn hại Thiên đế, nên tự đọa lạc, liền nhận lấy cái chết.’
“Này A-nan, trong lòng ngươi chớ hồ nghi: Vua Đảnh Sanh bấy giờ là ai vậy? Chớ có quán sát như vậy! Vì sao vậy? Vì vua Đảnh Sanh lúc đó chính là thân Ta. Bấy giờ, Ta lãnh bốn châu thiên hạ, cùng đến Tam thập tam thiên ở trong ngũ dục mà không biết đủ và nhờm tởm.
“Này A-nan, hãy bằng phương tiện này chứng biết nơi mà tâm tham dục hưng khởi hướng đến, niệm tưởng càng tăng gấp bội, ở trong ái dục mà không biết đủ và nhờm tởm. Muốn cầu biết đủ và nhờm tởm, thì phải cầu từ trong trí tuệ Thánh hiền.”
Bấy giờ, [584c01] Thế Tôn ở giữa đại chúng, liền nói kệ này:
Tham, dâm như mưa mùa,
Với dục không biết đủ;
Vui ít mà khổ nhiều,
Những điều người trí bỏ.
Giả sử hưởng dục trời,
Vui hưởng với ngũ nhạc;
Không bằng đoạn tâm ái,
Là đệ tử Chánh giác.
Tham dục dài ức kiếp,
Phước hết trở lại ngục;
Hưởng lạc há bao lâu,
Liền chịu khổ địa ngục.
“Cho nên, này A-nan, hãy bằng phương tiện này để biết dục mà từ bỏ dục, vĩnh viễn không khởi tưởng[59] này. Hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có bà-la-môn Sanh Lậu[60] đến chỗ Thế Tôn, cùng nhau hỏi thăm, rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn Sanh lậu bạch Thế Tôn:
“Nên xem người ác tri thức như thế nào?”[61]
Thế Tôn bảo:
“Nên xem như xem trăng.”
Bà-la-môn hỏi:
“Nên xem thiện tri thức như thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Nên xem như xem trăng.”
Bà-la-môn hỏi:
“Những gì Sa-môn Cù-đàm nói hôm nay chỉ lược nói cốt yếu, chứ chưa giải rộng nghĩa, nguyện xin Cù-đàm nói rộng hết nghĩa khiến cho người chưa hiểu được hiểu.”
Thế Tôn bảo:
“Này Bà-la-môn, hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà diễn rộng nghĩa này.”
Bà-la-môn thưa:
“Xin vâng, thưa Cù-đàm!”
Bà-la-môn Sanh Lậu vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Này Bà-la-môn, giống như trăng cuối tháng, ngày đêm xoay vần, nó chỉ có giảm chứ không có đầy. Vì nó tổn giảm, hoặc có khi trăng không hiện nên không có ai thấy. Này Bà-la-môn, ở đây cũng vậy, như ác tri thức, trải qua ngày đêm, dần dần không có tín, không có giới, không có văn, không có thí, không có trí tuệ. Lúc đó ác tri thức kia thân hoại mạng chung, sanh vào trong địa ngục. Cho nên, Bà-la-môn, nay Ta nói người ác tri thức này giống như mặt trăng cuối tháng.
“Này Bà-la-môn, giống như mặt trăng đầu tháng, trải qua ngày đêm, ánh sáng dần tăng lên, từ từ tròn đầy, [585a01] cho đến ngày mười lăm là sung mãn đầy đủ, tất cả chúng sanh không ai là không thấy. Này Bà-la-môn, cũng vậy, như thiện tri thức, trải qua ngày đêm, tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Vì họ nhờ tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ, nên thiện tri thức lúc bấy giờ thân hoại mạng chung, sinh lên trời, cõi lành. Cho nên, Bà-la-môn, nay Ta nói chỗ hướng đến của người thiện tri thức này, giống như mặt trăng tròn đầy.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Như người có tham dục,
Sân nhuế, si không hết;
Với thiện có giảm dần,
Như trăng đang thời khuyết.
Như người không tham dục,
Sân nhuế, si cũng hết;
Với thiện có tăng dần,
Giống như trăng tròn đầy.
“Cho nên, Bà-la-môn, hãy học như trăng đầu tháng.”
Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
“Lành thay, Cù-đàm, giống như người gù được thẳng, người tối được sáng, người mê thấy đường, nơi tối tăm được thắp sáng. Ở đây cũng như vậy, Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện vì con mà nói pháp. Nay con tự quy y Thế Tôn, Pháp, cùng chúng Tăng. Từ nay cho phép con làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh.”
Sanh Lậu sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về pháp thiện tri thức, cũng sẽ nói về pháp ác tri thức. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ!”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Kính vâng, thưa Thế Tôn.”
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Kia, sao gọi là pháp ác tri thức? Này Tỳ-kheo, ở đây người ác tri thức tự sinh tâm niệm này: ‘Ta thuộc dòng hào tộc xuất gia học đạo. Các Tỳ-kheo khác thuộc dòng ti tiện xuất gia.’ Ỷ vào dòng họ mình mong chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Lại nữa, người ác tri thức tự sinh tâm niệm này: ‘Ta rất siêng năng phụng hành chánh pháp. Các Tỳ-kheo khác thì không siêng năng trì giới.’ Lại dùng nghĩa này chê bai người khác mà tự cống cao. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta thành tựu tam-muội, các Tỳ-kheo khác không có tam-muội, tâm [585b01] ý thác loạn không nhất định.’ Người ấy ỷ vào tam-muội này thường tự cống cao chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta trí tuệ bậc nhất. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ.’ Người ấy ỷ vào trí tuệ này mà tự cống cao hủy báng người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Hiện tại ta thường được thức ăn, giường mềm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Ở đây, các Tỳ-kheo khác không được các vật cúng dường này.’ Người này ỷ vào vật cúng dường này mà tự cống cao, chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là người ác tri thức, hành tà nghiệp này.
“Kia, sao gọi là pháp thiện tri thức? Này Tỳ-kheo, ở đây người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Ta sinh thuộc dòng hào tộc. Ở đây các Tỳ-kheo khác không phải là dòng hào tộc.’ Vì thân mình cùng người không có khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.
“Lại nữa, người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Nay ta trì giới. Ở đây các Tỳ-kheo khác không trì giới hạnh,’ Vì thân mình cùng họ không có thêm bớt. Tuy người ấy nương vào giới này, nhưng không tự cống cao, không chê bai người khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.
“Lại nữa, người thiện tri thứ lại không tự nghĩ: ‘Ta thành tựu tam-muội. Ở đây các Tỳ-kheo khác ý loạn không định.’ Vì thân mình cùng người không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào tam-muội này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.
“Lại nữa Tỳ-kheo, người thiện tri thức cũng không tự nghĩ: ‘Ta thành tựu trí tuệ. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ. Vì thân mình cùng người cũng không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào trí tuệ này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người khác. Này Tỳ-kheo đó gọi là pháp thiện tri thức.
“Lại nữa Tỳ-kheo, người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Ta có thể được y phục, đồ ăn thức uống, giường mền, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Ở đây các Tỳ-kheo khác không thể được được y phục, đồ ăn thức uống, giường mền, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh.’ Vì thân mình cùng người cũng không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào những lợi dưỡng này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp thiện tri thức.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta phân biệt cho các ngươi pháp ác tri thức, cũng nói cho các ngươi pháp thiện tri thức. Cho nên, [585c01] này các Tỳ-kheo, hãy tránh xa pháp ác tri thức, và nhớ hãy cùng tu hành pháp thiện tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Ni-câu-lưu,[62] của Thích-sí,[63] cùng với năm trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, có năm trăm người quí tộc thuộc dòng họ Thích ở trong nước, có điều muốn bàn luận nên tập họp tại giảng đường Phổ nghĩa.[64] Lúc ấy, Bà-la-môn Thế Điển[65] đến chỗ những người họ Thích kia, nói với họ rằng:
“Thế nào các vị, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn cùng người thế tục nào có thể cùng luận nghị với tôi không?”
Bấy giờ, số đông người họ Thích bảo Bà-la-môn Thế Điển rằng:
“Hôm nay, ở đây có hai người tài cao học rộng, ở tại nước Ca-tỳ-la-việt. Hai người này là ai? Một là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, hai là Cù-đàm họ Thích, Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác. Người mà trong các đám đông ít được nghe đến, người không có trí tuệ, lời nói vụng về, không phân biệt được nên bỏ hay nên lấy; đại loại như Châu-lợi-bàn-đặc. Còn người mà trong cả nước Ca-tỳ-la-việt này không ai biết đến, không ai nghe, người không trí tuệ, người quê mùa xấu xí, đại loại như Cù-đàm. Bây giờ, ông có thể luận nghị cùng họ. Nếu Bà-la-môn có khả năng luận nghị mà thắng được hai người này, thì năm trăm người chúng tôi liền tùy thời cúng dường mọi thứ cần dùng, và cũng sẽ đền ơn một nghìn thỏi vàng ròng.”
Bấy giờ, Bà-la-môn liền tự nghĩ: “Dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-việt này, tất cả đều thông minh, có nhiều kỹ thuật, gian xảo, hư ngụy, không có chánh hạnh. Nếu ta cùng hai người kia luận nghị mà thắng được, thì đâu có đủ là lạ! Còn nếu người kia thắng ta, thì ta liền bị người ngu chiết phục. Nghĩ về hai lẽ này, ta không kham cùng họ luận nghị.” Sau khi nghĩ vậy xong, liền rút lui ra về.
Bấy giờ, đã đến giờ, Châu-lợi-bàn-đặc cầm bát vào thành Ca-tỳ-la-việt khất thực. Lúc này, bà-la-môn Thế Điển từ xa trông thấy Châu-lợi-bàn-đặc đi đến, liền tự nghĩ: “Bây giờ, ta nên đến hỏi nghĩa người kia.” Rồi bà-la-môn Thế Điền đi đến chỗ Tỳ-kheo, nói với Châu-lợi-bàn-đặc rằng:
“Sa-môn tên gì?”
Châu-lợi-bàn-đặc nói:
“Thôi, Bà-la-môn, cần gì hỏi tên? Sở dĩ ông đến đây là muốn hỏi nghĩa. Giờ thì nên hỏi [586a01] đi!”
Bà-la-môn nói:
“Sa-môn có thể luận nghị cùng tôi không?”
Châu-lợi-bàn-đặc nói:
“Nay ta còn có khả năng luận nghị cùng Phạm thiên, huống chi cùng với người mù không mắt như ông ư?”
Bà-la-môn nói:
“Người mù tức không phải là người không mắt? Không mắt tức không phải mù? Đây chỉ có một nghĩa há chẳng phải là lập lại phiền phức sao?”
Châu-lợi-bàn-đặc, bấy giờ liền bay lên không trung hiện ra mười tám cách biến hóa. Lúc này, bà-la-môn liền tự nghĩ: “Sa-môn này chỉ có thần túc, chứ không biết luận nghị. Nếu ai giải nghĩa này cho ta, ta sẽ tự thân làm đệ tử người ấy.”
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất, bằng thiên nhĩ thông, nghe được những lời này: ‘Châu-lợi-bàn-đặc đang luận nghĩa với Bà-la-môn Thế Điển.” Tôn giả Xá-lợi-phất liền biến thân thành hình Bàn-đặc, và làm ẩn hình Bàn-đặc khiến không cho hiện ra, rồi nói với bà-la-môn rằng:
“Này bà-la-môn nếu ông tự nghĩ rằng: ‘Sa-môn này chỉ có thần túc, chứ không kham luận nghị.’ Bây giờ, ông nên lắng nghe, tôi sẽ nói, sẽ đáp lại nghĩa mà ông vừa hỏi và sẽ dựa vào gốc luận cứ này dẫn thêm thí dụ.”
“Này bà-la-môn, hiện tại ông tên gì?”
Bà-la-môn đáp:
“Tôi tên Phạm Thiên.”
Châu-lợi-bàn-đặc hỏi:
“Ông là đàn ông phải không?”
Bà-la-môn nói:
“Tôi là đàn ông.”
Lại hỏi:
“Đó là người phải không?”
Bà-la-môn đáp:
“Là người.”
Châu-lợi-bàn-đặc hỏi:
“Thế nào, Bà-la-môn, đàn ông cũng là người, người cũng là đàn ông, đây cũng là một nghĩa, há chẳng phải là lập lại phiền phức sao? Nhưng này Bà-la-môn, mù cùng với không mắt, nghĩa này không giống nhau.”
Bà-la-môn nói:
“Sa-môn, thế nào gọi là mù?”
Châu-lợi-bàn-đặc nói:
“Giống như không thấy đời này, đời sau, người sinh, người diệt, sắc tốt, sắc xấu, hoặc đẹp, hoặc xấu, chúng sanh đã tạo các hành vi thiện, hành vi ác, mà không biết như thật, vĩnh viễn không thấy, nên gọi đó là mù.”
Bà-la-môn nói:
“Thế nào là người không mắt?”
Châu-lợi-bàn-đặc nói:
“Mắt là mắt của trí tuệ vô thượng. Người kia không có mắt của trí tuệ vô thượng này, nên gọi là không mắt.”
Bà-la-môn nói:
“Thôi, thôi, Sa-môn, bỏ thứ tạp luận này đi. Nay tôi muốn hỏi nghĩa sâu. Thế nào, này Sa-môn, có trường hợp không nương vào pháp mà được Niết-bàn chăng?”
Châu-lợi đáp:
“Không cần nương vào năm thủ uẩn mà được Niết-bàn.”
Bà-la-môn nói:
“Thế nào, Sa-môn, năm thủ uẩn này là có duyên mà sinh hay là không duyên mà sinh?”
[586b01] Châu-lợi-bàn-đặc đáp:
“Năm thủ uẩn này là có duyên mà sinh chứ chẳng phải không duyên mà sinh.”
Bà-la-môn hỏi:
“Duyên của năm thủ uẩn là gì?”
Tỳ-kheo đáp:
“Ái là duyên.”
Bà-la-môn hỏi:
“Gì là ái?”
Tỳ-kheo đáp:
“Chính là sinh.”
Bà-la-môn hỏi:
“Gì gọi là sinh?”
Tỳ-kheo đáp:
“Chính là ái.”
Bà-la-môn hỏi:
“Ái có đạo nào?”[66]
Tỳ-kheo đáp:
“Chính là tám phẩm đạo Hiền thánh; đó là chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng, chánh tư duy,[67] chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. đó gọi là tám phẩm đạo Hiền thánh.”
Sau khi Châu-lợi-bàn-đặc rộng nói pháp cho bà-la-môn rồi, và bà-la-môn nghe giáo nghĩa mà Tỳ-kheo đã nói như vậy xong, các trần cấu sạch hết, được pháp nhãn tịnh, liền tại chỗ trong thân khởi lên ngọn gió đao mà qua đời.
Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hiện nguyên hình trở lại, bay trên hư không, trở về chỗ ở. Lúc đó Tôn giả Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đến giảng đường Phổ nghĩa, chỗ những người dòng họ Thích đang tụ tập, bảo những người họ Thích kia rằng:
“Mọi người hãy nhanh chóng sửa soạn tô dầu, củi đuốc, đem đến trà-tỳ bà-la-môn Thế Điển.”
Bấy giờ, dòng họ Thích sửa soạn tô dầu đến trà-tỳ[68] Bà-la-môn Thế Điển, và khởi công xây tháp ở ngã tư đường. Mọi người cùng theo nhau đến chỗ Tôn giả Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, đến rồi đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi những người họ Thích hướng về Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nói bằng bài kệ này, rằng:
Trà-tỳ* khởi dựng tháp,
Không trái lời Tôn giả;
Chúng tôi được lợi lớn,
Gặp được phước đức này.
Bấy giờ, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nói kệ này đáp lại dòng họ Thích:
Nay chuyển Tôn pháp luân,[69]
Hàng phục các ngoaị đạo;
Trí tuệ như biển cả,
Đến đây hàng bà-la-môn.
Đã làm hành thiện ác,
Khứ, lai và, hiện tại;
Ức kiếp không quên mất,
Cho nên phải tạo phước.
Sau khi Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc rộng nói pháp cho những người dòng họ Thích kia xong. Những người dòng họ Thích bạch Châu-lợi-bàn-đặc rằng:
“Nếu Tôn giả cần, y phục, đồ ăn thức uống, chăn giường, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh, chúng tôi sẽ cung cấp hết mọi sự. Nguyện xin nhận lời thỉnh cầu, chớ từ chối một chút tình.”
Lúc ấy, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc im lặng nhận lời.
[586c01] Bấy giờ, những người dòng họ Thích sau khi nghe những gì Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 11
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong Trúc viên, thành La- duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, con người ác Đề-bà-đạt-đâu đi đến chỗ Vương tử Bà-la-lưu-chi,[70] bảo Vương tử rằng:
“Xưa kia, người dân thọ mạng rất dài, nhưng nay tuổi thọ con người không quá một trăm. Vương tử nên biết, mạng người vô thường, nếu không lên ngôi, mà giữa chừng mạng chung thì không đau lắm sao? Vương tử nay có thể đoạn mạng Phụ vương mà thống lãnh người trong nước. Còn tôi sẽ giết Sa-môn Cù-đàm để làm Vô thượng Chí chơn, Đẳng chánh giác. Làm Vua mới, Phật mới ở quốc độ Ma-kiệt, không khoái lắm sao? Như mặt trời xuyên qua mây, không chỗ nào là không chiếu. Như mặt trăng, mây tan, sáng rõ giữa muôn sao.”
Bấy giờ, Vương tử Bà-la-lưu-chi liền bắt phụ vương giam vào trong lao sắt, lập thêm thần phụ tá, thống lãnh Nhân dân. Lúc bấy giờ, có các Tỳ-kheo vào thành La-duyệt khất thực, nghe Đề-bà-đạt-đâu xúi dục Vương tử bắt Phụ vương giam vào trong lao sắt, lập thêm thần phụ tá. Sau khi các Tỳ-kheo khất thực xong, trở về nơi ở, thu cất y bát, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Sáng nay chúng con vào thành khất thực, nghe người ngu Đề-ba-đạt-đâu dạy bảo Vương tử, bắt phụ vương giam vào lao ngục, lập thêm thần phụ tá. Rồi dạy vương tử rằng: ‘Ông giết phụ vương, ta hại Như Lai. Làm Vua mới, Phật mới ở quốc độ Ma-kiệt này, không khoái lắm sao?’”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu vua cai trị giáo hóa mà không dùng chánh lý, thì bấy giờ vương thái tử cũng thi hành phi pháp. Thái tử đã thi hành phi pháp, bấy giờ quần thần, trưởng quan lại cũng thi hành phi pháp. Quần thần, trưởng quan lại đã thi hành phi pháp, thì Nhân dân quốc độ cũng thi hành phi pháp. Nhân dân quốc độ đã thi hành phi pháp, bấy giờ binh chúng Nhân mã cũng thi hành phi pháp. Binh chúng đã thi hành phi pháp, bấy giờ trời, trăng đảo lộn, chuyển vận không đúng giờ. Trời, trăng đã không đúng giờ, liền không có năm tháng. Đã không có năm tháng, ngày sai tháng lộn, không còn tinh quang. Ngày tháng đã không có tinh quang, bấy giờ tinh tú hiện quái. Tinh tú đã hiện ra biến quái, liền có gió dữ nổi lên. Gió dữ đã nổi lên, thần kỳ giận dữ. Thần kỳ đã giận dữ, bấy giờ mưa gió thất thường, [587a01] khi ấy hạt lúa ở dưới đất liền không tăng trưởng. Nhân dân, và các loài bò, bay, máy, cựa, nhan sắc biến đổi, tuổi thọ cực ngắn.
“Khi nào có vị vua cai trị bằng pháp, bấy giờ quần thần cũng thi hành chính pháp. Quần thần đã thi hành chính pháp, vương thái tử cũng thi hành chính pháp. Vương thái tử đã thi hành chính pháp, bấy giờ trưởng quan lại cũng thi hành chính pháp. Trưởng quan lại đã thi hành chính pháp, quốc độ Nhân dân cũng thi hành chính pháp; trời trăng luôn thuận, gió mưa đúng thời, tai quái không hiện, thần kỳ hoan hỷ, ngũ cốc đầy dẫy; vua tôi hòa mục, nhìn nhau như anh như em không bao giờ thêm bớt; loài có hình nhan sắc tươi sáng; thức ăn tự tiêu hóa, không có tai hại; tuổi thọ rất dài, được người yêu kính.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:
Giống như trâu lội nước,
Dẫn đầu mà không ngay,
Tất cả đều không ngay;
Là do gốc dẫn đường.
Chúng sanh cũng như vậy;
Quần chúng cần người dẫn.
Dẫn đường hành phi pháp,
Huống là người thấp bé.
Dân chúng đều chịu khổ,
Do phép vua không chính;
Vì vua hành phi pháp,
Tất cả dân làm theo.
Giống như trâu lội nước,
Dẫn đầu mà đi ngay,
Đàn theo cũng đều ngay;
Là do gốc dẫn đường.
Chúng sanh cũng như vậy,
Quần chúng cần người dẫn;
Dẫn đường đi đúng pháp,
Huống chi người thấp bé.
Dân chúng đều hưởng vui,
Do phép vua dạy chánh;
Vì vua hành chánh pháp,
Tất cả dân làm theo.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy bỏ phi pháp mà hành chánh pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[71] Chú thích:
[54] Tham chiếu Pāli, A. II. 6. 2 (R.i. 77)
[55] Tham chiếu A. II. 6.5.
[56] Tất-địa-bàn-trì 畢地槃持. Không rõ loại cây gì. Các hạt giống đằng thường được kể trong Pāli: nimba, kosātaki, tittikālabu (A. i. tr. 32).
[57] Đảnh Sanh 頂生. Pāli: Mandhātā. Truyện kể tương tự, xem Trung, kinh 60: Tứ châu.
[58] Kiếp-ba-dục 劫波育. Pāli: kappāsika, được làm bằng bông gòn.
[59] Hán: bất khởi kỳ tưởng 不起其世間想. Nơi khác nói: bất hưng (khởi) thế gian tưởng. Pāli, định cú: na kiñci loke upādiyati, không còn chấp thủ bất cứ gì trên thế gian.
[60] Sanh Lậu 生漏; xem Phẩm 6 kinh 2.
[61] Xem Trung 36 (T2n125, tr. 584c12).
[62] Ni-câu-lưu viên 尼拘留園; vườn cây đa, ở ngoài thành Ca-tỳ-la-vệ (Pl. Kapilavatthu). Pāli: Nigrdhārāma.
[63] Thích-sí 釋翅, phiên âm: giữa những người họ Thích. Pāli: Sakkesu.
[64] Phổ nghĩa giảng đường. Pāli: Santhāgārasālā (Sandhāgāra), hội trường của họ Thích. cf. M. i. 91.
[65] Có lẽ đồng nhất với Lokāyatika của Pāli, cf. S. ii. 77ffạn sau, kinh 9 phẩm 44 phiên âm là Lo-ca-diên 盧迦延.
[66] Bản Hán có thể nhảy sót. Nên hiểu: Có con đường nào dẫn đến diệt tận ái không?
[67] Chánh hành 正行; tức chánh tư duy. Trên kia có nơi nói là chánh trị.
[68] Da-duy 耶維 trong Hán dịch, ta quen nói là trà-tỳ. (Pāli: jhāpeti)
[69] Đây chỉ Xá-lợi-phất.
[70] Bà-la-lưu-chi 婆羅留支, Skt. Vāraluci (?), Hán dịch: Chiết Chỉ 折指, Vô Chỉ 無指. Tên hiệu của A-xà-thế (Pāli: Ajātấttu), theo truyền thuyết phương Bắc. Pāli không thấy nói đến tên hiệu này.
[71] Bản Hán, hết quyển 8.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.7.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.