Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 5

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.48 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.6 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

11. PHẨM BẤT ĐÃI
KINH SỐ 1
[566b06] Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Tham dục. Này các Tỳ-kheo, hãy diệt tham dục, Ta sẽ các chứng các ngươi đắc A-na-hàm.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bị nhiễm bởi tham dâm,
Chúng sanh rơi đường dữ;
Siêng tu bỏ tham dục,
Liền thành A-na-hàm.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Sân nhuế. Này, các Tỳ-kheo, hãy diệt sân nhuế, Ta sẽ ác chứng các ngươi đắc A-na-hàm.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bị nhiễm bởi sân nhuế,
Chúng sanh rơi đường dữ;
Siêng tu bỏ sân nhuế,
Liền thành A-na-hàm.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Ngu si. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy diệt ngu si, Ta sẽ xác chứng các ngươi đắc A-na-hàm.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bị nhiễm bởi ngu si,
Chúng sanh rơi đường dữ;
Siêng tu bỏ ngu si,
Liền thành A-na-hàm.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
[566c01]Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Xan tham. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy diệt xan tham, Ta sẽ xác chứng các ngươi đắc A-na-hàm.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bị nhiễm bởi xan tham,
Chúng sanh rơi đường dữ;
Siêng tu bỏ xan tham,
Liền thành A-na-hàm.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ, như là tâm. Này các Tỳ-kheo, tâm này không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp dễ hàng phục, dễ́ có được thời cơ thích nghi, nhận các báo thiện, như là tâm. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này, nếu có một người nào nghĩ điều gì, Ta tất biết rõ. Sau đó người này ở trong chúng không vì sự ăn uống mà nói lời hư dối. Nhưng vào một lúc khác, Ta xem thấy người này sinh tâm đắm nhiễm, niệm tưởng tài vật, nên ở trong đại chúng nói hư dối. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, sự đắm nhiễm tài vật thật là khó bỏ, khiến người rơi vào trong ba đường dữ, không đến được chỗ vô vi. Cho nên, này các Tỳ-kheo, đã sinh tâm này rồi, thì hãy [567a01] xả ly. Giả sử chưa sinh, chớ để khởi tâm nhiễm đắm tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này, có người tự nghĩ, thà bị đoạn mạng chứ không nói dối ở trong chúng. Nhưng vào một lúc khác, Ta xem thấy người này sinh tâm đắm nhiễm niệm tưởng tài vật, nên ở trong đại chúng nói lời hư dối. Sở dĩ như vậy, này các Tỳ-kheo, sự đắm nhiễm vào tài vật thật là khó bỏ, khiến người rơi vào trong ba đường dữ, không đến được chỗ vô vi. Cho nên, này các Tỳ-kheo, đã sinh tâm này rồi, thì hãy xả ly. Giả sử chưa sinh, chớ để khởi tâm nhiễm đắm tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại tại Ca-lan-đà trong Trúc viên, tại thành La-duyệt-kỳ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào, các Tỳ-kheo, có ai thấy pháp Đề-bà-đạt-đâu[325] thanh bạch không? Nhưng Đề-bà-đạt-đâu lại tạo ác sâu nặng, sẽ trải qua một kiếp chịu tội, không thể chữa trị. Ở trong pháp của Ta thì không thấy một mảy may điều lành nào để có thể ghi ra. Vì vậy cho nên, nay Ta nói nguyên thủ các tội của Đề-bà-đạt-đâu là không thể chữa trị được. Giống như có người rơi vào hố phẩn sâu, thân thể chìm ngập, không có chỗ nào là sạch. Có người muốn đến cứu mạng nó đặt lên chỗ sạch, nhìn quanh hố phẩn và thân người kia, có chỗ nào sạch để dùng tay kéo vớt lên; nhưng nhìn kỹ không một chỗ nào sạch để mà nắm, nên bỏ mà đi.
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta xem nơi kẻ ngu si Đề-bà-đạt-đâu không thấy mảy may pháp thiện[326] nào đáng ghi nhận, và sẽ trải qua một kiếp chịu tội, không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bà-đạt-đâu chỉ có ngu si, chuyên đắm lợi dưỡng; sau khi tạo tội ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào đường dữ.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, sâu nặng về lợi dưỡng khiến người không đến được nơi an ổn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, [567b01] đã sinh tâm lợi dưỡng thì hãy lìa bỏ. Nếu nó chưa sinh thì chớ để khởi tâm đắm nhiễm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại tại Ca-lan-đà trong Trúc viên, thành La-duyệt-kỳ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo nghe Như Lai đã có thọ ký về Điều-đạt,[327] là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả A-nan, sau khi thăm hỏi xong, ngồi qua một bên.
Tỳ-kheo kia hỏi A-nan rằng:
“Thế nào, Tôn giả A-nan, Như Lai đã quán sát tận cùng căn nguyên của Đề-bà-đạt-đâu rồi, sau đó mới thọ ký là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa liệu chăng? Có nguyên do để có thể được thọ ký chăng?”
Lúc ấy, A-nan bảo:
“Những gì Như Lai nói ra không bao giờ hư dối. Những gì được hành bởi thân, khẩu của Ngài không có đổi khác. Như Lai đã chắc thật thọ ký Đề-bà-đạt-đâu sẽ chịu tội sâu nặng trải qua một kiếp không thể chữa trị.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan rời chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch Thế Tôn:
“Có một Tỳ-kheo đi đến chỗ con nói: ‘Thế nào, Tôn giả A-nan, Như Lai đã quán sát tận cùng căn nguyên của Đề-bà-đạt-đâu rồi, sau đó mới thọ ký là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa liệu chăng? Có nguyên do để có thể được thọ ký chăng?’ Nói xong những lời này rồi tự bỏ đi.”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo kia chắc là người xuất gia tu học trễ muộn, hay mới đi đến trong pháp của Ta chưa bao lâu chăng? Những gì Như Lai đã nói ra không bao giờ hư dối, sao lại ở trong đó mà khởi lên do dự?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Ngươi hãy đến đó, bảo Tỳ-kheo kia rằng: ‘Như Lai cho gọi ông.’”
A-nan đáp :
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Sau khi vâng lời Thế Tôn dạy, A-nan liền đến chỗ Tỳ-kheo kia; đến rồi bảo Tỳ-kheo kia rằng:
“Như Lai cho gọi thầy.”
Tỳ-kheo kia đáp:
“Xin vâng, Tôn giả.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia sửa lại y phục, cùng A-nan đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi, lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
“Này kẻ ngu kia, sao ngươi không tin những gì Như Lai đã nói ra? Những gì Như Lai dạy là không hư vọng. Nay ngươi muốn tìm hư vọng nơi Như Lai?”
Lúc ấy Tỳ-kheo kia [567c01] bạch Thế Tôn:
“Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu có thần lực lớn, có oai thế lớn, vì sao Thế Tôn lại thọ ký ông ấy chịu sâu tội nặng một kiếp?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy giữ gìn lời nói của ngươi, chớ để phải lâu dài chịu khổ vô lượng.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Trụ thiền, thần thông tục,[328]
Rốt lại, không giải thoát;
Không tạo đường diết tận,
Lại trở vào địa ngục.
“Giả sử nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đâu tự thân có chút ít pháp thiện nào, Ta không bao giờ thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia phải chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Cho nên, này kẻ ngu kia, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thiện nào cho nên mới thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bà-đạt-đâu ngu si tham đắm nơi lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong địa ngục. Vì sao vậy? Vì tâm lợi dưỡng nặng thì sẽ làm bại hoại gốc rễ thiện của con người, khiến con người không đến được nơi an ổn.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên thì hãy tìm cách diệt, nếu không có tâm thì chớ khởi tưởng đắm vào. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ sát chân Thế Tôn, bạch Thế Tôn:
“Nay con tự hối lỗi, nguyện xin Thế Tôn rủ lòng tha thứ, vì ngu si nên con đã tạo hành bất thiện. Những gì Như Lai đã nói ra không có hai lời, nhưng vì con ngu si nên khởi tưởng do dự. Nguyện xin Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con, sửa đổi cái đã qua, tu tập cái sẽ đến.”
Tác bạch cho đến ba lần như vậy.
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, Tỳ-kheo. Đã biết hối những điều mình đã nghĩ. Ta tha thứ cho những bất cập của ngươi. Chớ đối với Như Lai mà khởi tưởng do dự. Nay Ta nhận sự hối lỗi của ngươi. Sau này chớ gây nữa.”
Cho đến ba[329] lần như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Dù có tạo tội nặng,
Hối lỗi, không tái phạm;
Người này hợp giới cấm,
Nhổ căn nguyên tội này.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia cùng bốn bộ chúng nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Bốn loại A-na-hàm,
Hai tâm, và hai thực,
Bà-đạt hai khế kinh,
Người trí nên giác tri.
12. PHẨM NHẬP ĐẠO
KINH SỐ 1[330]
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.[331] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có con đường chỉ một lối vào,[332] làm thanh tịnh các hành của chúng sanh, trừ bỏ sầu ưu, không còn mọi bức não, được trí tuệ lớn, thành tựu sự chứng đắc Niết-bàn. Đó là hãy diệt trừ năm triền cái, tư duy bốn niệm xứ[333].
“Thế nào là một lối vào? Tâm chuyên nhất, đó là một lối vào. Thế nào là đạo? Tám phẩm đạo Hiền thánh: 1. chánh kiến, 2. chánh tư duy,[334] 3. chánh nghiệp, 4. chánh mạng, 5. chánh tinh tấn, 6. chánh ngữ,[335] 7. chánh niệm, 8. chánh định. Đó gọi là đạo. Đó gọi là con đường chỉ một lối vào.
“Thế nào là hãy diệt trừ năm triền cái? Tham dục cái, sân nhuế cái, trạo cử[336] cái, thùy miên cái, nghi cái. Đó gọi là năm triền cái phải diệt.
“Thế nào là tư duy bốn niệm xứ? Ở đây, này Tỳ-kheo, quán thân nơi nội thân[337] trừ bỏ niệm ác, không có sầu ưu; quán thân nơi ngoại thân,[338] trừ bỏ ác niệm, không có sầu ưu; quán thân nơi nội ngoại thân,[339] thân trừ bỏ ác niệm, không có sầu ưu. Quán thọ nơi nội thọ[340], quán thọ nơi ngoại thọ, quán thọ nơi nội ngoại thọ mà tự an trú[341]. Quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm tâm mà tự an trú. Quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp mà tự an trú.
“Thế nào là Tỳ-kheo quán thân nơi nội thân mà tự an trú*? Ở đây, Tỳ-kheo quán thân này tùy theo tánh hành của nó: từ đầu đến chân, từ chân đến đầu; quán trong thân này tất cả đều bất tịnh, không có gì đáng tham.
“Lại quán thân này có các thứ lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, mỡ cao[342], ruột, bao tử, tim, gan, tỳ, thận; thảy đều quán biết hết. Phẩn, tiểu, sanh tạng, thục tạng, nước mắt, đờm dãi, huyết mạch, mỡ[343], mật; đều nên quán biết, không có gì đáng tham đắm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy quán thân mà tự an trú, trừ bỏ niệm ác, không có sầu ưu.
“Lại nữa Tỳ-kheo lại quán thân này có đại chủng đất chăng? Có đại chủng nước, lửa, gió chăng? Tỳ-kheo quán sát thân này như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này, phân biệt các giới; thân này có bốn đại chủng. Giống như người khéo mổ bò, hoặc học trò người mổ bò, xẻ con bò từng phần để tự xem xét: đây là chân, đây là tim, đây là đốt xương, đây là đầu. Cũng vậy, Tỳ-kheo kia phân biệt giới này mà tự quán sát: thân này có các đại chủng đất, nước, lửa, gió. Tỳ-kheo quán sát [568b01] thân như vậy mà tự an trú.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ rỉ chảy không sạch. Giống như người kia quán sát vườn trúc hay quán sát bụi lau. Cũng vậy Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ chảy ra các thứ bất tịnh.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi,[344] hoặc chết đã một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, sáu ngày, bảy ngày; thân thể sình trướng, hôi thối không sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng với thân kia không khác,[345] thân ta không thoát khỏi hoạn này.
“Hoặc Tỳ-kheo quán tử thi bị quạ, se sẻ, kên kên ăn nuốt, hoặc bị hổ lang, chó sói, các loài trùng thú trông thấy ăn thịt. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi hoạn này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân mà an trú.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi hoặc bị ăn một nửa, rơi vãi trên đất, hôi thối không sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi pháp này.
“Lại nữa, quán tử thi đã hết thịt, chỉ còn có xương bê bết máu. Tỳ-kheo lại đem thân mình quán sát như thân kia cũng không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, gân ràng rịt như bó củi. Tỳ-kheo lại quán thân mình cùng kia không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, từng đốt xương phân tán rơi vãi khắp nơi. Hoặc xương tay, xương chân mỗi thứ một nơi, hoặc xương đùi, xương hông, hoặc xương cùng, hoặc xương tay, hoặc xương vai, hoặc xương sườn, hoặc xương sống, hoặc xương cổ, hoặc đầu lâu. Lại nữa, thân này cùng kia không khác. Ta không thoát khỏi pháp này. Thân ta cũng sẽ bại hoại. Như vậy Tỳ-kheo quán thân này mà tự an trú.
“Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi màu trắng, màu ngọc trắng[346]. Tỳ-kheo lại tự quán thân cùng kia không khác, ta không lìa khỏi pháp này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân.
“Lại nữa, nếu Tỳ-kheo thấy tử thi, tưởng xương xanh bầm, không có gì đáng tham đắm, hoặc cùng màu tro đất không thể phân biệt. Như vậy, Tỳ-kheo tự quán thân, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo. Thân này vô thường, là pháp phân tán. Như vậy Tỳ-kheo quán nội tự thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân, phân rã, không có gì.
“Thế nào là Tỳ-kheo quán thọ nơi nội thọ? Ở đây, Tỳ-kheo khi có cảm thọ lạc, tức thì tự giác tri rằng ta có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, tức thì tự giác tri rằng ta có cảm thọ khổ. Khi có cảm thọ không lạc không khổ, [568c01] tự giác tri rằng ta có cảm thọ không lạc không khổ. Nếu khi được cảm thọ lạc bởi vật dục[347], liền tự giác tri ta được cảm thọ lạc bởi vật dục*. Nếu khi được cảm thọ khổ bởi vật dục*, liền tự giác tri ta được cảm thọ khổ bởi vật dục*. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ bởi vật dục*, liền tự giác tri ta được cảm thọ không lạc không khổ bởi vật dục*. Nếu khi được cảm thọ lạc phi vật dục[348], liền tự giác tri ta được cảm thọ lạc phi vật dục. Nếu được cảm thọ khổ phi vật dục, liền tự giác tri ta được cảm thọ khổ phi vật dục. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ phi vật dục, liền tự giác tri ta được cảm thọ không lạc không khổ phi vật dục. Tỳ-kheo bên tự quán nội thọ như vậy.
“Lại nữa, nếu Tỳ-kheo lúc được cảm thọ lạc, lúc ấy không có cảm thọ khổ, bấy giờ tự giác tri ta đang cảm thọ lạc. Nếu lúc được cảm thọ khổ, lúc ấy không có cảm thọ lạc, bấy giờ tự giác tri ta đang cảm thọ khổ. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ, lúc đó không có lạc, không có khổ, thì tự giác tri ta đang cảm thọ không lạc không khổ.
“Vị đó quán pháp tập khởi[349] mà tự an trú*, cũng quán pháp diệt tận,[350] lại quán pháp tập diệt[351]. Hoặc lại có thọ hiện ở trước mà có thể biết, có thể thấy; vị ấy tư duy nguồn gốc của nó, không nương tựa vào đâu mà tự an trú, không khởi niệm tưởng về thế gian[352]. Ở trong đó cũng không kinh sợ. Do không kinh sợ mà đạt đến Niết-bàn, như thật biết rằng: ‘Sinh[353] đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Tỳ-kheo tự quán nội thọ như vậy, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Tự quán ngoại thọ[354], quán nội ngoại thọ, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Như vậy Tỳ-kheo nội ngoại quán thọ.
“Thế nào là quán tâm nơi tâm[355] mà tự an trú*? Ở đây, Tỳ-kheo có tâm ái dục, liền tự giác tri có tâm ái dục; không có tâm ái dục cũng tự giác tri không có tâm ái dục. Có tâm sân nhuế, liền tự giác tri có tâm sân nhuế; không có tâm sân nhuế, cũng tự giác tri không có tâm sân nhuế. Nếu có tâm ngu si, liền tự giác tri có tâm ngu si; không có tâm ngu si, liền tự giác tri ta không không có tâm ngu si. Nếu có tâm ái niệm, liền tự giác tri có tâm ái niệm; không có tâm ái niệm, cũng tự giác tri không có tâm ái niệm. Có tâm thọ nhập[356], thì tự giác tri có tâm thọ nhập; không tâm thọ nhập, thì tự giác tri không tâm thọ nhập. Nếu có tâm loạn[357], thì tự giác tri có tâm loạn; không có tâm loạn niệm, cũng tự giác tri không [569a01] có tâm loạn niệm. Có tâm tán lạc,[358] liền tự giác tri có tâm tán lạc; không có tâm tán lạc, liền tự giác tri không có tâm tán lạc. Có tâm phổ biến, liền tự giác tri có tâm phổ biến; không có tâm phổ biến, cũng tự giác tri không có tâm phổ biến. Có tâm lớn, liền tự giác tri có tâm lớn; không có tâm lớn cũng tự giác tri không có tâm lớn. Có tâm vô lượng, liền tự giác tri có tâm vô lượng; không có tâm vô lượng, cũng tự giác tri không có tâm vô lượng. Có tâm tam-muội, liền giác tri có tâm tam-muội[359]; không có tâm tam-muội, cũng giác tri không có tâm tam-muội. Tâm chưa giải thoát, liền tự giác tri tâm chưa giải thoát; tâm đã giải thoát, cũng tự giác tri tâm đã giải thoát.
“Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ với sự quán sát tướng của tâm[360]; quán tập pháp, quán diệt pháp, cùng quán pháp tập diệt*; tư duy quán pháp mà tự an trú. Những gì mà[361] có thể biết, có thể thấy, có thể tư duy, không thể tư duy, không nương tựa cái gì, không khởi lên niệm tưởng thê gian.[362] Đã không khởi tưởng liền không sợ hãi. Đã không sợ hãi liền được vô dư. Đã được vô dư liền được Niết-bàn, như thật biết rằng: ‘Sinh* đã dứt. phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân đời sau nữa.’
“Như vậy, Tỳ-kheo tu tập niệm xứ, tự quán tự nội tâm, trừ bỏ loạn tưởng, không có sầu lo; tu tập niễm, tự quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm, trừ bỏ loạn niệm, không có sầu lo. Như vậy, Tỳ-kheo tu tập niệm xứ quán tướng của tâm nơi tâm*.
“Thế nào là Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi,[363] y quán, y vô dục, y diệt tận, trừ bỏ các pháp ác.[364] Tu trạch pháp giác chi,[365] tu tinh tấn giác chi, tu hỷ giác chi[366], tu khinh an giác chi[367], tu định giác chi[368], tu xả giác chi,[369] y quán, y vô dục, y diệt tận, trừ bỏ các pháp ác. Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã giải thoát khỏi ái dục[370], trừ pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ,[371] có hỷ và lạc do viễn ly sinh[372], chứng nhập và an trú sơ thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp.
“Lại nữa, Tỳ-kheo xả tầm và tứ, nội tâm tịch tĩnh[373], chuyên nhất ý[374], không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sinh[375], chứng nhập và an trú nhị thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp.
“Lại nữa, Tỳ-kheo ly hỷ, an trú xả,[376] hằng tự giác tri,[377] [69b01] thân có tri giác lạc, điều mà các hiền thánh nói là xả, niệm, an trú lạc[378], chứng nhập và an trú tam thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp.
“Lại nữa, Tỳ-kheo xả tâm lạc khổ, ưu và hỷ từ trước đã trừ, không lạc không khổ, xả, niệm thanh tịnh,[379] an trú nơi tứ thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu niệm xứ, quán tướng của pháp nơi pháp.
“Vị ấy, hành pháp tập, hành pháp diệt tận, cùng hành pháp tập diệt mà tự an trú, liền được niệm xứ nơi pháp mà hiện ra trước,[380] có thể biết, có thể thấy, trừ bỏ loạn tưởng, không nương tựa cái gì, không khởi tưởng thế gian. Đã không khởi tưởng liền không sợ hãi. Đã không sợ hãi thì như thật biết rằng, ‘Sinh* đã dứt. phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa.’
“Này các Tỳ-kheo, y chỉ trên con đường một lối vào mà chúng sanh được thanh tịnh, xa lìa sầu ưu, lại không có tưởng ưu[381] hỷ, đạt được trí tuệ, chứng ngộ Niết-bàn[382]. Đó là diệt năm triền cái, tu bốn niệm xứ.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta ở trong đây không thấy một pháp nào đưa đến hoại diệt nhanh như ganh ghét, đố kỵ đối với đồng phạm hạnh. Cho nên, các Tỳ-kheo nên tu hành từ nhẫn, thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có một người mà khi xuất hiện ở thế gian, thì tối tôn, tối thượng trên cả chư thiên, loài người, Ma, cùng Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tối tôn không ai sánh bằng; đó là ruộng phước, bậc nhất đáng thừa sự, đáng tôn kính. Thế một người ấy là ai? Là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác. Đó g̣ọi là một người mà khi xuất hiện ở thế gian, thì tối tôn, tối thượng, vượt qua chư thiên, loài người, A-tu-la, Ma cùng Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn không ai sánh bằng; đó là ruộng phước bậc nhất, đáng thừa sự, đáng tôn kính. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên thường cúng dường Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
[569c01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ai chăm sóc bệnh nhân, là người ấy đã chăm sóc Ta. Ai khán hộ bệnh nhân, là người ấy đã khán hộ Ta. Vì sao vậy? Ta nay muốn đích thân khán hộ người tật bệnh.
“Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào mà bố thí cho vị ấy thì sự bố thí này không gì vượt qua, tối thương trên cả sự bố thí cho chư thiên, thế gian, sa-môn, bà-la-môn. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng đồn vang khắp, được pháp vị cam lồ. Nghĩa là bố thí đến Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác. Nên biết, đó là bố thí tối thượng trong sự bố thí, không có gì vượt qua. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói ra như vậy: Chăm sóc bệnh nhân, tức là đã chăm sóc Ta không khác. Các ngươi lâu dài được phước lợi lớn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ai tán thán a-lan-nhã[383] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì hiện tại lúc nào Ta cũng tự tán thán hạnh a-lan-nhã. Ai bài báng a-lan-nhã tức là đã bài báng Ta.
“Ai tán thán khất thực[384] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì lúc nào Ta cũng tán thán người hay khất thực. Ai hủy báng khất thực tức là đã hủy báng Ta.
“Ai tán thán người ngồi một mình[385] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người hay ngồi một mình. Ai hủy báng người ngồi một mình tức là đã hủy báng Ta.
“Ai tán thán người một nhà một lần ăn[386] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người một lần ngồi một lần ăn. Ai hủy báng người một lần ngồi một lần ăn tức là đã hủy báng Ta.
“Ai tán thán người ngồi dưới gốc cây,[387] tức là đã tán thán thân Ta không khác. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ngồi dưới bóng cây. Ai hủy báng người ngồi dưới bóng cây, tức là đã hủy báng Ta.
“Ai tán thán người ngồi ngoài trời[388] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ngồi ngoài trời. Ai hủy nhục người ngồi ngoài trời, tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người ở nơi trống vắng,[389] tức là đã [ 570a01] tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ở nơi trống vắng. Ai hủy nhục người ở nơi trốngvắng, tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người khoác y năm mảnh,[390] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người khoác y năm mảnh. Ai hủy nhục người khoác y năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người trì ba y[391] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì lúc nào Ta cũng tán thán người trì ba y. Ai hủy nhục người trì ba y tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người ngồi nơi gò mả[392] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ngồi nơi gò mả. Ai hủy nhục người ngồi nơi gò mả tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người ăn một bát[393] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ăn một bát. Ai hủy nhục người ăn một lần tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán người ăn đúng giữa ngày,[394] tức là đã tán thán thân Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán người ăn đúng giữa ngày. Ai hủy nhục người ăn đúng giữa ngày, tức là đã hủy nhục Ta.
“Ai tán thán hạnh đầu đà[395] tức là đã tán thán Ta. Vì sao vậy? Vì Ta thường tán thán các hạnh đầu đà. Ai hủy nhục hạnh đầu đà, tức là đã hủy nhục Ta.[396]
“Nay Ta dạy các Tỳ-kheo nên như sở hành của đại Ca-diếp,[397] không để có điều rơi rớt mất. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp có các hạnh này. Cho nên sở học của các Tỳ-kheo thường nên như Ca-diếp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại tại Ca-lan-đà trong Trúc viên, tại thành La-duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp sống ở A-lan-nhã, đến giờ khất thực thì không phân biệt giàu nghèo; tại một chỗ ngồi một lần không bao giờ di dịch;[398] ngồi dưới gốc cây, hay ngoài trời, hoặc nơi trống vắng; khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành đầu đà dù tuổi cao già cả.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp sau khi ăn xong, liền đến dưới gốc cây mà thiền định. Thiền định xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y [570b01] phục, đến chỗ Thế Tôn. Lúc ấy, Thế Tôn từ xa nhìn thấy Ca-diếp lại. Thế Tôn bảo rằng:
“Thiện lai, Ca-diếp.”
Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo:
“Ca-diếp. Nay Thầy tuổi đã cao già cả, chí kém, suy nhược. Nay Thầy nên bỏ khất thực, cho đến các hạnh đầu đà; cũng nên nhận lời mời của các gia chủ, và nhận xiêm y.”
Ca-diếp thưa:
“Hôm nay, con không dám theo lời dạy của Như Lai. Vì sao vậy? Vì nếu Như Lai không thành tựu đạo vô thượng chánh chơn, thì con sẽ thành Bích-chi Phật. Nhưng Bích-chi Phật kia thảy đều hành a-lan-nhã, đến giờ khất thực thì không phân biệt giàu nghèo; tại một nơi ngồi một lần* không bao giờ di dịch; ngồi dưới gốc cây, hay ngoài trời trống, hoặc nơi trống vắng; khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành đầu đà. Thật hôm nay, con không dám bỏ thói quen gốc cũ, mà học hạnh khác.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, Ca-diếp! Đã làm nhiều lợi ích và độ người vô lượng; rộng đến tất cả trời người được độ. Vì sao vậy? Vì này Ca-diếp, nếu hành đầu đà này còn ở thế gian, thì pháp của Ta cũng sẽ tồn tại lâu ở thế gian. Nếu pháp mà tồn tại ở đời thì thiên đạo sẽ tăng, ba đường dữ liền giảm, cũng thành tựu Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và đạo ba thừa đều còn ở đời.
“Này các Tỳ-kheo, phải học như những gì Ca-diếp đã tu tập. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lợi dưỡng rất nặng, làm cho con người không đến được đạo Vô thượng Chánh chơn. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì Đề-bà-đạt-đâu ngu si kia nhận lấy năm trăm chõ thức ăn cúng dường của Vương tử Bà-la-lưu-chi[399] kia. Nếu ông ta không cúng dường, thì Đề-bà-đạt-đâu ngu si không bao giờ làm việc ác này. Vì Vương tử Bà-la-lưu-chi ngày nào cũng đem năm trăm chõ thức ăn đến cúng dường, nên Đề-bà-đạt-đâu mới khởi lên ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sinh vaò trong địa ngục Ma-ha A-tỳ. Vì phương tiện này, nên biết, lợi dưỡng là rất nặng sẽ làm cho con người không đến được đạo Vô thượng Chánh chơn. Nếu tâm chưa sinh lợi dưỡng thì chớ để nó sinh, đã sinh thì hãy diệt nó. Như vậy, này các Tỳ-kheo, [570c01] hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đâu loạn phá Tăng, đả thương chân Như Lai, xúi A-xà-thế sát hại phụ vương, lại giết Tỳ-kheo-ni A-la-hán. Ở trong chúng, ông lại nói như vầy: “Chỗ nào có ác? Ác sinh ra từ đâu? Ai làm ác này, phải chịu báo đó. Ta cũng không làm ác này, mà chịu báo đó.”
Bấy giờ, có các Tỳ-kheo vào thành La-duyệt khất thực mà nghe những lời này: “Kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu, ở trong đại chúng tuyên bố rằng: ‘Chỗ nào có ác? Ác sinh ra từ đâu? Ai làm ác này, phải chịu báo đó. Ta cũng không làm ác này, mà chịu báo đó.’” Sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, cầm lấy y bát, vắt ni-sư-đàn lên vai phải, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu ở trong đại chúng tuyên bố rằng: ‘Tại sao làm ác không có tai ương, làm phước không có báo? Không có ai nhận báo thiện ác cả.’”
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ác thì có tội. Thiện hành, ác hành đều có báo ứng cả. Nếu kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu kia biết có báo thiện ác, thì sẽ sầu lo khô héo không vui, sẽ ói ra máu sôi. Vì kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu kia không biết có báo thiện ác, cho nên ở trong đại chúng mới tuyên bố là không có báo thiện ác; làm ác không tai ương, làm phước không có phước.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người ngu xét tự rõ,
Làm ác không có báo.
Nay Ta biết rõ trước,
Báo ứng của thiện ác.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy lìa xa ác, làm phước chớ mệt mỏi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nhận lợi dưỡng người rất nặng, không dễ; nó khiến con người không đến được nơi vô vi. Vì sao vậy? Vì báo lợi dưỡng cắt vào da người. Đã cắt da rồi cắt thịt. Đã cắt [571a01] thịt rồi cắt xương. Đã cắt xương liền thấu tủy.
“Cho nên các Tỳ-kheo, nhờ phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất là nặng. Nếu tâm lợi dưỡng chưa sinh thì chớ để nó sinh, đã sinh thì tìm cách diệt nó. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nhận lợi dưỡng người thật là không dễ; nó khiến con người không đến được nơi vô vi. Vì sao vậy? Vì nếu Tỳ-kheo Sư-lợi-la[400] kia không tham lợi dưỡng, thì sẽ không tạo ra việc sát sinh vô lượng như vậy, để thân hoại màng chung sinh vào trong địa ngục.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Nhận nhiều lợi dưỡng người,
Phá hạnh thanh bạch người.
Cho nên phải giữ tâm,
Chớ tham đắm vào vị.
Sư-lợi nhờ đắc định,
Cho đến cung Thiên đế;
Liền sút giảm thần thông,
Rơi vào lò sát sinh.
“Cho nên các Tỳ-kheo, nhờ vào phương tiện này mà biết việc nhận lợi dưỡng người thật là không dễ. Tâm lợi dưỡng chưa sinh, chế ngự nó đừng cho sinh. Tâm này đã sinh tìm cách diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[401]


Chú thích:
[325] Đề-bà-đạt-đâu 提婆達兜, thường biết là Đề-bà-đạt-đa. Pāli: Devadatta.
[326] Để bản nhảy chữ thiện có trong TNM.
[327] Điều-đạt 調達, trên kia nói là Đề-bà-đạt-đâu. Xem cht. 1 trên.
[328] Đề-bà-đạt-đa đắc tứ thiền và có thần thông, thuộc loại thế tục.
[329] Để bản chép dư chữ tứ 四.
[330] Tham chiếu, Pāli, M. 10 Mahāsatipaṭṭhāna (R i. 55 ff)
[331] Pāli: Phật trú tại thôn Kammāsadhamma, xứ Kuru.
[332] Hán: nhất nhập đạo. Pāli: ekāyano maggo, con đường có một lối đi duy nhất.
[333] Tứ ý chỉ: bốn chỗ y chỉ của ý. Thường nói là bốn niệm xứ, hay bốn niệm trụ. Pāli: cattāro satipaṭṭhānā.
[334] Xem kinh 3, phẩm 10.
[335] Thứ tự có đảo lộn.
[336] Điệu hý, thường nói là trạo cử: cử động bồn chồn, bức rức không yên.
[337] Hán: nội tự quán thân 內自觀身. Pāli: bhikkhu kāye āyānupassī vaharti, Tỳ-kheo an trú (sống) với sự quán thân trên (trong, nơi) thân.
[338] Hán: ngoại tự quán thân 外自觀身.
[339] Hán: nội ngoại quán thân內外觀身.
[340] Nguyên Hán: quán thống thống . Pāli: vedanāsu vedanānupassī , quán thọ trên (nơi) các thọ.
[341] Hán: tự ngu lạc 自娛樂. Pāli: viharati, (vị ấy) an trú.
[342] Hán: chi cao 脂膏, phân biệt với phương 肪, cũng là mỡ, kể sau.
[343] Hán: phương 肪, phân biệt với chi cao 脂膏 kể trên; đều chỉ mỡ.
[344] Nói về quán thân nơi ngọai thân.
[345] Quán nội ngoại thân.
[346] Hán: bạch kha 白珂, trắng như mã não.
[347] Hán: thực lạc thống 食樂痛, cảm thọ lạc thuộc vật chất, nhục thể. Pāli: sāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ.
[348] Hán: bất thực lạc thống 不食樂痛. cảm thọ lạc không thuộc vật chất, phi nhục thể. Pāli: nirāmisaṃ vedanaṃ.
[349] Để bản: tập (tu tập) pháp 習法; không có chữ quán 觀. Theo văn mạch dưới, nên hiểu là quán pháp tập khởi nơi các thọ, tức quán tập khởi hay nguyên nhân sinh khởi của các thọ. Pāli: samudaya-dhammānupassī vā vedanāsu vi harati, (Tỳ-kheo ấy) an trú (sống), quán sát pháp tập khởi nơi các thọ.
[350] Hán: quán tận pháp 觀盡法. Pāli: vayadhammānupassī vā vedanāsu viharati, vị ấy an trú, quán sát pháp bại hoại nơi các thọ.
[351] Hán: quán tập tận chi pháp 觀習盡之法. Pāli: samudayavaya-dhammānupassī vā vedanāsu viharati, vị ấy an trú, quán sát pháp khởi diệt nơi các thọ.
[352] Pāli: yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati na ca kiñci loke upādayati, cho đến như vậy, vị ấy an trú (sống) không nương tựa cái gì, không chấp thủ bất cứ cái gì trên đời, chỉ hướng đến huệ, chỉ hướng đến niệm.
[353] Để bản: sinh tử 生死; có thể chép dư chữ tử 生.
[354] Ý nghĩa: quán thọ nơi người khác.
[355] Hán: quán tâm tâm pháp. Pāli: citte cittānupassī, quán tâm nơi tâm.
[356] Hán: thọ nhập tâm 受入心, chỉ tâm được thâu rút lại (Pāli: saṃkhittaṃ vā cittaṃ); đối lại với tâm loạn và tâm tán lạc kể sau (Pāli: vikhittaṃ vā cittaṃ).
[357] Để bản: loạn niệm tâm 亂念心; tiếp theo dưới: loạn tâm 亂心. TNM: loạn tâm 亂心.
[358] Hán: tán lạc tâm 散落心, “tâm rơi vãi,” đồng nghĩa với tâm loạn kể trên. Pāli: (vikkhittaṃ cittaṃ).
[359] Hán: tam-muội tâm 三昧心. Pāli: samāhitaṃ cittaṃ, tâm định, tập trung.
[360] Để bản: tâm tướng quán ý chỉ 心相觀意止. Y theo đoạn dưới thêm một chữ tâm: tâm tâm tương quán ý chỉ 心心相觀意止.
[361] Theo ngữ cảnh, ở đây hình như thiếu một đoạn nói trong quán về các thọ ở trên, và quán pháp ở sau: “(những cái đó, các thọ hay các trạng thái của tâm) mà đang hiện tại trước mắt, có thể biết…”
[362] Văn mạch, như đoạn trên về quán thọ. Văn dịch ở đây có chỗ thêm bớt. Xem cht. 23 trên.
[363] Niệm giác ý 念覺意, hay niệm giác chi (Pāli: satisambojjhaṅga). Tham chiếu Pāli: puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu dhammesu dhammānupassī viharati sattasu bojjhaṇgesu, “Lại nữa, Tỳ-kheo sống quán pháp trong các pháp trong bảy giác chi.”
[364] Xem Trung, kinh 10: Lậu tận: y ly, y vô dục, y ư diệt tận, thú chí xuất yếu 依離依無欲依於滅盡趣至出要. Pl. thành cú: vivekanissitaṃ virāganissitaṃ nirodhanissitaṃ vossaggapariṇāmiṃ, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả ly
[365] Pháp giác ý 法覺意, hay trạch pháp giác chi. Pāli: dhammavicayasambojjhaṅga.
[366] Nguyên trong bản: niệm giác ý 念覺意; đây phải kể là hỷ giác chi, không đồng nhất với niệm đã kể trên. Pāli: pītisambojjhaṅga.
[367] Ỷ giác ý 猗覺意, hay khinh an giác chi. Pāli: passaddhisambojjhaṇga.
[368] Tam-muội giác ý 三昧覺意.
[369] Hộ giác ý 護覺意, tức xả giác chi. Pāli: upekkhāsambojjhaṅga.
[370] Hán: ư ái dục giải thoát 於愛欲解脫, chỉ trạng thái ly dục, không còn ham muốn nơi ngũ dục, của người nhập sơ thiền.
[371] Hữu giác hữu quán 有覺有觀, tức có tâm, có tứ. Pāli: savitakkaṃ savicāraṃ.
[372] Hữu ỷ niệm lạc 有猗念樂, tức có hỷ và lạc phát sinh do sự viễn ly (Pāli: vivekajaṃ pīttisukhaṃ).
[373] Xem Huyền Trang, Pháp uẩn 5 (tr. 482b3, 484a18): nội đẳng tịnh 內等淨trạng thái trừng tịnh và quân bình nội tâm. (Pāli: ajjhattaṃ sampasādanaṃ).
[374] Huyền Trang, ibid. (tr. 482b03, 484a20): tâm nhất thú tính 心一趣性, tâm tập trung trên một điểm. (Pāli: cetaso ekodibhāvaṃ).
[375] Hán: niệm ỷ hỷ an 念猗喜安. Cf. Huyền Trang, ibid. (tr. 482b03): định sinh hỷ lạc 定生喜樂, có hỷ lạc phát sinh do định. Pāli: samādhijaṃ pītisukhaṃ.
[376] Hán: xả ư niệm, tu ư hộ 捨於念。修於護. Cf. Huyền Trang, ibid. (tr. 482b04): ly hỷ, trụ xả 離喜住捨. Pāli: pītiyā ca vỉāgā upekkako ca viharati.
[377] Cf. Huyền Trang, ibid. (tr. 482b05): chánh niệm chánh tri 正念正知. Pāli: upekkhako satimā sukhavihārī, (vị ấy) an trụ lạc với chánh niệm và xả.
[378] Hán: hộ niệm thanh tinh 護念清淨, hai chữ thanh tịnh 清淨, nghi dư. Vì nó chỉ trạng thái thiền thứ tư, được nói sau đó.Cf. Pāli: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhavihārī, điều mà các Thánh nói là vị ấy an trú lạc cùng với xả, niệm.
[379] Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Pāli: upekkhā sati parisuddhaṃ catutthajjhānaṃ, thiền thứ tư thanh tịnh với xả và niệm.
[380] Xem cht. 32 trên.
[381] Để bản: phục hỷ 復喜. TNM: ưu hỷ 憂喜.
[382] Hán: Niết-bàn chứng. Pāli: nibbānassa sacchikiriyā.
[383] A-luyện-nhã 阿練若; Pāli: arañña, núi rừng nhàn tĩnh. Đay chỉ Tỳ kheo a-lan-nhã (Pāli: āraññaka: lâm trụ giả), một trong 12 hạnh đầu-đà (Pāli: 13), suốt đời chỉ sống trong rừng.
[384] Khất thực 乞食, đây chỉ tỳ kheo đàu-đà, sốt đời chỉ khất thực, không ăn tại nhà tín thí mời. Pāli: piṇḍapātika.
[385] Độc tọa 獨坐. Chưa rõ hành thế nào. Có lẽ Pāli: ekāsanika: nhất tọa, một lần ngồi, nghĩa là chỉ ăn trong một lần ngồi (Visuddhimagga: ekāsane bhojanaṃ ekāsnaṃ).
[386] Nhất tọa nhất thực 一坐一食. Có thể Hán nhầm lẫn. Đây chỉ tỳ kheo khất thực theo thứ tự từng nhà, nghĩa là chỉ nhận thức ăn khất thực từ một nhà duy nhất cho một ngày. Pāli: sapadānacārika.
[387] Tọa thọ hạ 坐樹下, suốt đời sống dưới gốc cây. . Pāli: rukkhamūlika
[388] Lộ tọa 露坐, suốt đời sồng giữ trời trống. Pāli: abbhokāsika.
[389] Không nhàn xứ 空閑處, từ Hán thường dùng dịch từ a-lan-nhã (Pāli: āraññaka), đã nói trên kia.
[390] Ngũ nạp y 五納衣, đây chỉ tỳ kheo trì y phấn tảo, suốt đời chỉ lượm vải từ đống rác làm y. Pāli: paṃsukūlika.
[391] Trì tam ý 持三衣. Pāli: tecīvarika.
[392] Trũng gian tọa. tỳ kheo suốt đời chỉ sộng tại các bãi tha ma. Pāli: sosānika.
[393] Nhất thực 一食, trùng với nhất tọa nhất thực nói trên. Có sự nhầm lẫn trong bản Hán. Có lẽ tương đương Pāli: (eka)pattapiṇḍika, ăn chỉ lượng một bát, tức tiết chế sự ăn (tiết lượng thực). Bản Hán dọc là ekabhatta (nhất thực) thay vì ekapatta (nhất bát).
[394] Chánh trung thực; điều này có thể trùng với ăn ngày một bữa duy nhất. Có lẽ Pāli: khalupacchābhattika, không ăn thêm cái gì sau khi ăn xong. Được hiểu là tỳ kheo khi có dấu hiệu ăn xong, dù chưa no, vẫn không ăn thêm nếu ai mang thêm đồ ăn. Tỳ kheo nào cần ăn thêm, phải làm páp dư thựchay tàn thực; Tứ phần, ba-dật-đề 33; Ngũ phần, 35; Tăng-kỳ, 33; Thập tụng, 34; Pāli, pācittityā 35.
[395] Đàu-đà hành 頭陀行. Pāli: dhutaṅga.
[396] Đoạn trên, 12 đầu-đà hành, theo các kinh luận Đại thừa. Hữu bộ tỳ-nại-da, Giải thoát đạo luận, và Luật tạng Pāli, liệt kê 13 hành. Liệt kê theo Pāli, Vin. v. 131, 193: 1. āraññika, lâm trụ, chỉ sống trong rừng. 2. piṇḍapātika, thường hành khất thực. 3. paṃsukūlika, phấn tảo y. 4. rukkhamūlika, chỉ ngồi dưới gốc cây. 5. sosānika, chỉ nghỉ tại các bài tha ma. 6. abbhokāsika, chỉ ngồi giữa trời trống. 7. tecīvarika, chỉ thọ trì ba y. 8. sapadānacārika, khất thực tuần tự. 9. nesajjika, thường ngồi không nằm. 10. yathāsanthatika, tùy ngọa cụ, không chọn lựa. 11. ekāsanika, nhất tọa thực, ăn một bữa, nếu đứng dây, không ngồi ăn trở lại. 12. khalupacchābhattika, sau khi đã ăn, không ăn thêm (dù chưa quá trưa). 13. pattapiṇḍika, nhất bát thực.
[397] Xem Tạp (Việt), 41. Tương ưng Đại Ca-diếp.
[398] Nhất xứ nhất tọa一處一坐…, có lẽ nhất tọa (thực), nhưng Hán dịch diễn giải thêm dễ lạc mất nghĩa chính. Xem kinh số 5 trên.
[399] Bà-la-lưu-chi 婆羅留支, Skt. Vāraluci (?), Hán dịch: Chiết Chỉ 折指, Vô Chỉ 無指; tên hiệu của A-xà-thế (Pāli: Ajātasattu), theo truyền thuyết phương Bắc. Xem Pháp hoa Văn cú 4 (T34n1718, tr. 25c21). Pāli không thấy nói đến tên hiệu này. Xem Tạp (Việt), kinh 968: A-xà-thế con bà Tì-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà. hằng ngày cùng đoàn thị tùng với năm trăm cổ xe đến chỗ Đề-bà-đạt-đa; hằng ngày đem năm trăm chõ đồ ăn cúng dường Đề-bà-đạt-đa.
[400] Để bản: Sư-lợi-la 師利羅. NTM: Lợi-sư-la. Không biết đọc thế nào là đúng.
[401] Bản Hán, hết quyển 5.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.198.91 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập