Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 3


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » English version (1) » English version (2) » Nguyên bản Sanskrit » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 1.36 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.89 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển III
5. Phẩm Dược Thảo Dụ

1. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Ma-ha Ca-Diếp các vị đại đệ tử: "Hay thay! Hay thay! Ca-Diếp. Khéo nói được công đức chơn thật của đức Như-Lai. Đúng như lời các ông vừa nói; đức Như-Lai lại còn có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp nói cũng không hết được".
Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời chi đều không hư dối vậy. Phật ở nơi tất cả pháp dùng sức trí huệ phương tiện mà diễn nói, pháp của Phật nói thảy đều đến bậïc nhứt-thiết-trí (1) . Đức Như-Lai xem biết chỗ quy thú (2) của tất cả pháp; cũng rõ biết chỗ tâm sở hành (3) của tất cả chúng sanh không thấu không ngại. Phật lại ở nơi các pháp rốt ráo rõ biết hết, chỉ bày tất cả trí huệ cho các chúng sanh.
2. Ca-Diếp! Thí như trong cõi tam-thiên đại-thiên nơi núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sanh ra cây cối, lùm rừng và các cỏ thuốc, bao nhiêu giống loại tên gọi màu sắc đều khác. Mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam-thiên đại-thiên (4) đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.
Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sanh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.
3. Ca-Diếp nên biết! Đức Như-Lai cũng lại như thế, hiện ra nơi đời như là vừng mây lớn nổi lên, dùng giọng tiếng lớn vang khắp thế giới cả trời, người, A-tu-la, như mây lớn kia trùm khắp cõi nước tam-thiên đại-thiên. Phật ở trong đại chúng mà xướng lời nầy:
"Ta là đấng Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật Thế-Tôn. Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn thời làm cho chứng Niết-bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc nhứt-thiết-trí, bậc nhứt-thiết-kiến, là bậc tri đạo, bậïc khai đạo, bậïc thuyết đạo. Các ngươi, hàng trời, người, A-tu-la đều nên đến đây vì để nghe pháp vậy."
Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sanh đi đến chỗ đức Như-Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sanh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng, Phật đều khiến vui mừng được nhiều lợi lành. Các chúng sanh nầy nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo.Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.
Đức Như-Lai nói pháp một tướng một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc "nhứt-thiết-chủng-trí". Có chúng sanh nào nghe pháp của Như-Lai hoặc thọ trì đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.
Vì sao? Vì chỉ có Như-Lai là biết chủng tướng thể tánh của chúng sanh đó: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào?
Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì đặng pháp gì?
Chúng sanh ở nơi các bậïc, chỉ có đức Như-Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng trung hạ của nó.
Đức Như-Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói " nhứt-thiết-chủng-trí."
Ca-Diếp! Các ông rất là hy hữu, có thể biết rõ đức Như-Lai tùy cơ nghi nói pháp, hay tin hay nhận. Vì sao? Vì các đức Phật Thế-Tôn tùy cơ nghi nói pháp khó hiểu khó biết.
Khi đó đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
4. Pháp Vương phá các cõi
Hiện ra trong thế gian
Theo tánh của chúng sanh
Dùng các cách nói pháp
Đức Như-Lai tôn trọng
Trí huệ rất sâu xa
Lâu giữ pháp yếu này
Chẳng vội liền nói ra
Người trí nếu được nghe
Thời có thể tin hiểu,
Kẻ không trí nghi hối
Thời bèn là mất hẳn.
Ca-Diếp! Vì cớ đó
Theo sức chúng nói pháp
Dùng các món nhân duyên
Cho chúng được chánh kiến
Ca-Diếp! ông nên biết
Thí như vừng mây lớn
Nổi lên trong thế gian
Che trùm khắp tất cả
Mây trí huệ chứa nhuần
Chớp nhoáng sáng chói lòa
Tiếng sấm xa vang động
Khiến mọi loài vui đẹp
Nhậït quang bị che khuất
Trên mặt đất mát mẻ
Mây mù sa bủa gần
Dường có thể nắm tới.
Trận mưa đó khắp cùng
Bốn phương đều xối xuống
Dòng nước tuôn vô lượng
Cõi đất đều rút đầy
Nơi núi sông hang hiểm
Chỗ rậm rợp sanh ra
Những cây cối cỏ thuốc
Các thứ cây lớn nhỏ
Trăm giống lúa mộng mạ
Các thứ mía cùng nho
Nhờ nước mưa đượm nhuần
Thảy đều tươi tốt cả.
Đất khô khắp được rưới
Thuốc cây đều sum sê
Vừng mây kia mưa xuống
Nước mưa thuần một vị
Mà cỏ cây lùm rừng
Tất cả các giống cây
Hạng thượng trung cùng hạ
Xứng theo tánh lớn nhỏ
Đều được sanh trưởng cả.
Gốc thân nhánh và lá
Trổ bông trái sắc vàng
Một trận mưa rưới đến
Cây cỏ đều thấm mướt
Theo thể tướng của nó
Tánh loại chia lớn nhỏ
Nước đượm nhuần vẫn một
Mà đều được sum sê.
5. Đức Phật cũng như thế
Hiện ra nơi trong đời
Ví như vầng mây lớn
Che trùm khắp tất cả
Đã hiện ra trong đời
Bèn vì các chúng sanh
Phân biệt diễn nói bày
Nghĩa thật của các pháp
Đấng Đại-Thánh Thế-Tôn
Ở trong hàng trời người
Nơi tất cả chúng hội
Mà tuyên nói lời nầy:
Ta là bậc Như-Lai
Là đấng Lưỡng-Túc-Tôn (5)
Hiện ra nơi trong đời
Dường như vầng mây lớn
Thấm nhuần khắp tất cả
Những chúng sanh khô khao
Đều làm cho lìa khổ
Được an ổn vui sướng
Hưởng sự vui thế gian
Cùng sự vui Niết-bàn.
Các chúng trời người nầy
Một lòng khéo lóng nghe
Đều nên đến cả đây
Ra mắt đấng vô thượng.
Ta là đấng Thế-Tôn
Không có ai bằng được
Muốn an ổn chúng sanh
Nên hiện ra trong đời
Vì các đại chúng nói
Pháp cam lồ trong sạch
Pháp đó thuần một vị
Giải thoát Niết-bàn thôi.
Dùng một giọng tiếng mầu
Diễn xướng nghĩa nhiệm nầy
Đều thường vì Đại-thừa
Mà kết làm nhân duyên.
Ta xem tất cả chúng
Khắp đều bình đẳng cả
Không có lòng bỉ thử
Cũng không có hạn ngại
Hằng vì tất cả chúng
Mà bình đẳng nói pháp
Như khi vì một người
Lúc chúng đông cũng vậy.
Thường diễn nói pháp luôn
Từng không việc gì khác
Ngồi, đứng, hoặc đến, đi
Trọn không hề nhàm mỏi
Đầy đủ cho thế gian
Như mưa khắp thấm nhuần
Sang hèn cùng thượng hạ
Giữ giới hay phá giới
Oai nghi được đầy đủ
Và chẳng được đầy đủ
Người chánh-kiến tà-kiến
Kẻ độn căn lợi căn
Khắp rưới cho mưa pháp
Mà không chút nhàm mỏi.
Tất cả hàng chúng sanh
Được nghe pháp của ta
Tùy sức mình lãnh lấy
Trụ ở các nơi các bậïc
Hoặc là ở trời, người
Làm Chuyển-luân thánh-vương
Trời Thích, Phạm, các vua
Đó là cỏ thuốc nhỏ
Hoặc rõ pháp vô lậu
Hay chứng được Niết-bàn
Khởi sáu pháp thần thông
Và được ba món minh
Ở riêng trong núi rừng
Thường hành môn thiền định
Chứng được bậc Duyên-giác
Là cỏ thuốc bậc trung.
Hoặc cầu bực Thế-Tôn
Ta sẽ được thành Phật
Tu hành tinh tấn, định
Là cỏ thuốc bậc thượng
Lại có hàng Phật tử
Chuyên tâm nơi Phật đạo
Thường thật hành từ bi
Tự biết mình làm Phật
Quyết định không còn nghi
Gọi đó là cây nhỏ.
Hoặc an trụ thần thông
Chuyển bất thối pháp luân
Độ vô lượng muôn ức
Trăm nghìn loài chúng sanh
Bồ-Tát hạng như thế
Gọi đó là cây lớn.
Phật chỉ bình đẳng nói
Như nước mưa một vị
Theo căn tánh chúng sanh
Mà hưởng thọ không đồng
Như những cỏ cây kia
Được đượm nhuần đều khác
6. Phật dùng món dụ nầy
Để phương tiện chỉ bày
Các thứ lời lẽ hay
Đều diễn nói một pháp
Ở nơi trí huệ Phật
Như một giọt trong biển.
Ta rưới trận mưa pháp
Đầy đủ khắp thế gian
Pháp mầu thuần một vị
Tùy sức riêng tu hành,
Như thể lùm rừng kia
Và cỏ thuốc những cây
Tùy giống lớn hay nhỏ
Lần lần thêm sum suê
Pháp của các đức Phật
Thường dùng thuần một vị
Khiến cho các thế gian
Đều khắp được đầy đủ
Lần lựa siêng tu hành
Rồi đều được đạo quả.
Hàng Thanh-văn, Duyên-giác,
Ở nơi chốn núi rừng,
Trụ thân hình rốt sau
Nghe Phật Pháp được quả
Nếu các vị Bồ-Tát
Trí huệ rất vững bền
Rõ suốt cả ba cõi
Cầu được thừa tối thượng
Đó gọi là cây nhỏ
Mà được thêm lớn tốt.
Lại có vị trụ thiền
Được sức thần thông lớn
Nghe nói các pháp không
Lòng rất sanh vui mừng
Phóng vô số hào quang
Độ các loài chúng sanh
Đó gọi là cây lớn
Mà được thêm lớn tốt
Như thế, Ca-Diếp này!
Đức Phật nói pháp ra
Thí như vầng mây lớn
Dùng nước mưa một vị
Đượm nhuần nơi hoa người
Đều được kết trái cả.
Ca-Diếp ông phải biết
Ta dùng các nhân duyên
Các món thí dụ thảy
Để chỉ bày đạo Phật
Đó là ta phương tiện
Các đức Phật cũng thế
Nay ta vì các ông
Nói việc rất chân thật
Các chúng thuộc Thanh-văn
Đều chẳng phải diệt độ
Chỗ các ông tu hành
Là đạo của Bồ-Tát
Lần lần tu học xong
Thảy đều sẽ thành Phật.
6. Phẩm Thọ Ký
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ đó rồi, bảo các đại chúng xướng lời thế nầy : "Ông Ma-Ha Ca-Diếp, đệ tử của Ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các đức Thế Tôn, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các đức Phật, ở nơi thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang-Minh Như -Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế -gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế -Tôn.
Nước tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại-Trang-Nghiêm-Phật thọ mười hai tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp, không có các thứ dơ xấu, ngói sỏi gai góc cùng đồ tiện lợi chẳng sạch. Cõi đó bằng thẳng không có cao thấp hầm hố gò nổng, đất bằng lưu ly, cây báu thẳng giăng bên đường, rải các hoa báu khắp nơi sạch sẽ.
Bồ-Tát trong nước đó đông vô lượng nghìn ức, các chúng Thanh-văn cũng lại vô số. Không có việc ma, dầu là có ma và dân ma, nhưng đều hộ trì Phật Pháp".
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Bảo các Tỳ-kheo rằng:
Ta dùng mắt của Phật
Thấy ông Ca-Diếp nầy
Ở nơi đời vị lai
Quá vô số kiếp sau
Sẽ được thành quả Phật,
Mà ở đời vị lai
Cúng dường và kính thờ
Đủ ba trăm muôn ức
Các đức Phật Thế-Tôn.
Vì cầu trí huệ Phật
Mà tịnh tu phạm hạnh
Cúng dường đấng tối thượng
Nhị Túc-Tôn xong rồi
Tu tập trọn tất cả
Trí huệ bậc vô thượng
Ở nơi thân rốt sau
Được chứng thành làm Phật
Cõi đó rất thanh tịnh
Chất lưu ly làm đất
Nhiều thứ cây bằng báu
Thẳng hàng ở bên đường
Dây vàng giăng ngăn đường
Người ngó thấy vui mừng
Thường thoảng ra hương thơm
Rải rác thứ hoa đẹp
Các món báu kỳ diệu
Dùng để làm trang nghiêm
Cõi đó đất bằng thẳng
Không có những gò hầm.
Các hàng chúng Bồ-Tát
Đông không thể xưng kể
Tâm các vị hòa dịu
Đến được thần thông lớn
Phụng trì các kinh điển
Đại thừa của các Phật.
Các hàng chúng Thanh-văn
Bậc vô lậu thân rốt sau
Là con của Pháp-vương
Cũng chẳng thể kể hết
Nhẫn đến dùng thiên nhãn
Cũng chẳng thể đếm biết.
Phật đó sẽ sống lâu
Tuổi mười hai tiểu kiếp
Tượng pháp trụ ở đời
Cũng hai mươi tiểu kiếp
Đức Quang-Minh Thế-Tôn
Việc của ngài như thế.
Lúc bấy giờ, ngài đại Mục-Kiền-Liên, ngài Tu-Bồ-Đề, ngài đại Ca-Chiên-Diên v.v... thảy đều run sợ một lòng chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề tạm rời, liền đồng tiếng nhau nói kệ rằng:
Thế-Tôn rất hùng mãnh
Mà ban giọng tiếng Phật.
Nói rõ thâm tâm con
Được Phật thọ ký cho
Như dùng cam lộ rưới
Từ nóng được mát mẻ.
Như từ nước đói đến
Bỗng gặp cỗ tiệc vua
Còn ôm lòng nghi sợ
Chưa dám tự ăn liền
Nếu lại được vua bảo
Vậy sau mới dám ăn,
Chúng con cũng như vậy
Hằng nghĩ lỗi tiểu thừa
Chẳng biết làm thế nào
Được huệ vô thượng Phật,
Dầu nghe giọng tiếng Phật
Nói chúng con thành Phật
Còn ôm lòng lo sợ
Như chưa dám tự ăn
Nếu được Phật thọ ký
Mới là khoái an vui
Thế Tôn rất hùng mãnh
Thường muốn an thế gian
Xin thọ ký chúng con
Như đói cần bảo ăn.
Lúc bấy giờ, Thế-Tôn biết tâm niệm của các vị đệ tử lớn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng : "Ông Tu-Bồ-Đề đây đến đời vị lai phụng thờ ba trăm năm muôn ức na-do-tha (6) đức Phật, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, thường tu hạnh thanh tịnh, đủ đạo Bồ-Tát, ở thân rốt sau được thành Phật hiệu : Danh-tướng Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự-trượng-phu, Thiên-nhân-Sư, Phật Thế-Tôn.
Kiếp đó tên Hữu-Bảo, nước đó tên là Bảo-Sanh. Cõi đó bằng thẳng, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, không có những gò, hầm, cát, sỏi., gai chông cùng tiện lợi dơ dáy; hoa báu trải đất khắp nơi sạch sẽ, nhân dân cõi đó đều ở đài báu và lầu gác quí đẹp. Hàng đệ tử Thanh-văn đông vô lượng vô biên, tính kể cùng thí dụ đều không thể biết. Các chúng Bồ-Tát đông vô số nghìn muôn ức na-do-tha.
Đức Phật thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ đời hai mươi tiểu kiếp, Đức Phật đó thường ở trên hư không vì chúng tôi nói pháp độ thoát đặng vô lượng Bồ-Tát cùng chúng Thanh-văn".
Khi đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Các chúng Tỳ-kheo nầy!
Nay ta bảo các ông
Đều nên phải một lòng
Lóng nghe lời ta nói.
Đệ tử lớn của ta
Là ông Tu-Bồ-Đề
Rồi sẽ được làm Phật
Hiệu gọi là Danh-Tướng
Sẽ phải cúng vô số
Muôn ức các đức Phật
Theo hạnh của Phật làm
Lần lần đủ đạo lớn.
Thân rốt sau sẽ được
Ba mươi hai tướng tốt
Xinh lịch đẹp đẽ lắm
Dường như núi báu lớn
Trang nghiêm sạch thứ nhất
Chúng sanh nào được thấy
Không ai chẳng ưa mến
Phật ở trong cõi đó
Độ thoát vô lượng chúng.
Trong pháp hội của Phật
Các Bồ-Tát đông nhiều
Thảy đều bực lợi căn
Chuyển pháp luân bất thối.
Cõi nước đó thường dùng
Bồ-Tát để trang nghiêm
Các chúng Thanh-văn lớn
Chẳng có thể đếm kể
Đều được ba món minh
Đủ sáu thứ thần thông
Trụ tám pháp giải thoát
Có oai đức rất lớn.
Đức Phật đó nói pháp
Hiện ra vô lượng món
Pháp thần thông biến hóa
Chẳng thể nghĩ bàn được.
Các hàng trời, nhân dân
Số đông như hằng sa
Đều cùng nhau chấp tay
Lóng nghe lời Phật dạy.
Đức Phật đó sẽ thọ
Tuổi mười hai tiểu kiếp
Chánh pháp trụ lại đời
Đủ hai mươi tiểu kiếp
Tượng pháp trụ ở đời
Cũng hai mươi tiểu kiếp.
Lúc bấy giờ, đức Thế-Tôn lại bảo các chúng Tỳ-kheo : "Ta nay nói với các ông, ông đại Ca-Chiên-Diên này ở đời vị lai, dùng các đồ cúng mà cúng dường phụng thờ tám nghìn ức Phật cung kính tôn trọng. Sau khi các đức Phật diệt độ, ông đều dựng tháp miếu cao một nghìn do tuần, ngang rộng ngay bằng năm trăm do tuần, tháp miếu đó dùng bảy món báu vàng, bạc, lưu ly, xa-cừ, mã-não, trân châu và mai khôi hợp lại thành, cúng dường tháp miếu bằng các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan....
Sau thời kỳ đó sẽ lại cúng dường hai mươi muôn ức Phật cũng như trước, cúng dường các đức Phật đó rồi, đủ đạo Bồ-Tát sẽ được làm Phật hiệu: Diêm-Phù-Na-Đề-Kim-Quang Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế-Tôn.
Cõi đó bằng thẳng, đất bằng pha lê, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm bằng dây để giăng bên đường, hoa đẹp trải đất khắp nơi sạch sẽ. Người được thấy đều vui mừng, không có bốn đường dữ: Địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh và A-tu-la. Các trời cùng người rất đông, các chúng Thanh-văn và Bồ-Tát vô lượng muôn ức trang nghiêm nước đó. Đức Phật đó thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ hai mươi tiểu kiếp".
Lúc đó , Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Các chúng Tỳ-kheo này!
Đều nên một lòng nghe
Như lời của ta nói
Chơn thậät không khác lạ.
Ông Ca-Chiên-Diên này
Sau sẽ dùng các món
Đồ cúng dường tốt đẹp
Mà cúng dường các Phật
Các đức Phật diệt rồi
Dựng tháp bằng bảy báu
Cũng dùng hoa và hương
Để cúng dường xá-lợi.
Thân rốt sau của ông
Đặng trí huệ của Phật
Thành bậc Đẳng-chánh-giác
Cõi nước rất thanh tịnh
Độ thoát được vô lượng
Muôn ức hàng chúng sanh
Đều được mười phương khác
Thường đến kính cúng dường,
Ánh sáng của Phật đó
Không ai có thể hơn
Đức Phật đó hiệu là:
Diêm-Phù-Kim-Quang Phật
Bồ-Tát và Thanh-văn
Dứt tất cả hữu lậu
Đông vô lượng vô số
Trang nghiêm cõi nước đó.
Lúc bấy giờ, đức Thế-Tôn lại bảo trong đại chúng : "Ta nay nói với các ông, ông đại Mục-Kiền-Liên đây sẽ dùng các món đồ cúng, cúng dường tám nghìn các đức Phật, cung kính tôn trọng. Sau khi các đức Phật diệt độ đều dựng tháp miếu cao, một nghìn do tuần, ngang rộng thẳng bằng năm trăm do tuần, dùng bảy món báu: vàng bạc, mai khôi hợp lại thành. Đem các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu và tràng phan để cúng dường tháp.
Sau lúc ấy lại sẽ cúng dường, hai trăm muôn ức các đức Phật cũng như trước, rồi sẽ được thành Phật hiệu: Đa-Ma La-Bạt-Chiên-Đàn-Hương Như -Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự-trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế-Tôn.
Kiếp đó tên là Hỷ-Mãn, nước tên là Ý Lạc, cõi đó bằng thẳng, chất pha lê là đất, cây báu trang nghiêm, rải hoa trân châu khắp nơi sạch sẽ, người được thấy đều vui mừng. Các hàng trời người rất đông, Bồ-Tát và Thanh-văn số nhiều vô lượng, đức Phật đó thọ hai mươi bốn tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ bốn mươi hai tiểu kiếp".
Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Đệ tử của ta đây
Là đại Mục-Kiền-Liên
Bỏ thân người nầy rồi
Sẽ được gặp tám nghìn
Hai trăm muôn ức vị
Các đức Phật Thế-Tôn
Ông vì cầu Phật đạo
Nên cúng dường cung kính
Ở nơi các đức Phật
Thường tu trì phạm hạnh
Ở trong vô lượng kiếp
Phụng trì pháp của Phật.
Các đức Phật diệt rồi
Xây tháp bằng bảy báu
Tháp vàng rất cao rộng
Dùng hoa hương kỹ nhạc
Để dùng dâng cúng dường
Tháp miếu các đức Phật.
Lần lần được đầy đủ
Đạo hạnh Bồ-Tát rồi
Ở nơi nước Ý-Lạc
Mà được thành quả Phật
Hiệu là Đa-Ma-La
Bạt-Chiên-Đàn-Hương-Phật.
Đức Phật đó thọ mạng
Hai mươi bốn tiểu kiếp
Thường vì hàng trời người
Mà diễn nói đạo Phật
Chúng Thanh-văn vô lượng
Như số cát sông Hằng
Đủ ba minh, sáu thông
Đều có oai đức lớn.
Bồ-Tát đông vô số
Chí bền lòng tinh tấn
Ở nơi trí huệ Phật
Đều không hề thối chuyển.
Sau khi Phật diệt độ
Chánh pháp sẽ trụ đời
Đủ bốn mươi tiểu kiếp
Tượng pháp cũng như thế.
Các đệ tử của ta
Bậc oai đức đầy đủ
Số đó năm trăm người
Ta đều sẽ thọ ký
Ở nơi đời vị lai
Đều được chứng thành Phật
Ta cùng với các ông
Đời trước kết nhân duyên
Ta nay sẽ thuật nói
Các ông khéo lóng nghe.
7. Phẩm Hóa Thành Dụ
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo : "Thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì a-tăng-kỳ kiếp đã qua, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu Đại-Thông Trí-Thắng Như -Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự -phu, Thiên-nhân-sư, Phật Thế-Tôn.
Nước đó tên là Hảo-Thành, kiếp tên Đại-Tướng. Các Tỳ-kheo ! Từ khi đức Phật đó diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng trong cõi tam-thiên đại-thiên, giả sử có người đem mài làm mực rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở phương đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lượt chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên. Ý các ông nghĩ sao? Các cõi nước đó hoặc thầy toán có thể biết được ngằn mé số đó chăng?"
- Thưa Thế-Tôn ! Không thể biết !
- Các Tỳ-kheo ! Những cõi nước của người đó đi qua hoặc có chấm mực hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một kiếp, từ đức Phật đó diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức a-tăng-kỳ kiếp. Ta dùng sức tri kiến của Như- Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay.
Bấy giờ , đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Ta nhớ đời quá khứ
Vô lượng vô biên kiếp
Có Phật Lưỡng-Túc-Tôn
Hiệu Đại-Thông Trí-Thắng
Như người dùng sức mài
Cõi tam-thiên đại-thiên
Hết tất cả địa chủng
Thảy đều làm thành mực
Quá hơn nghìn cõi nước
Bèn chấm mỗi điểm trần
Như thế lần lựa chấm
Hết các mực trần nầy.
Bao nhiêu cõi nước đó
Điểm cùng chẳng điểm thảy
Lại đều nghiền làm bụi
Một bụi làm một kiếp
Kiếp số lâu xa kia
Lại nhiều hơn số bụi
Phật đó diệt đến nay
Vô lượng kiếp như thế
Trí vô ngại của Phật
Biết Phật đó diệt độ
Và Thanh-văn Bồ-Tát
Như hiện nay thẩy diệt.
Các Tỳ-kheo nên biết.
Trí Phật tịnh vi diệu
Vô lậu và vô ngại
Suốt thấu vô lượng kiếp.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo : "Đức Đại-Thông Trí-Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp, đức Phật đó khi trước lúc ngồi đạo tràng phá ma rồi, sắp được đạo vô-thượng chánh-đẳng, chánh-giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước, như thế một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm đều không động mà các Phật pháp còn chẳng hiện ra trước.
Thuở đó, các vị trời Đao-Lợi ở dưới cội cây Bồ-đề đã trước vì đức Phật đó mà trải toà sư-tử cao một do tuần (7) , Phật ngồi nơi tòa nầy sẽ được đạo vô-thượng, chánh-đẳng, chánh-giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó các trời Phạm-Thiên-Vương rưới những hoa trời khắp bốn mươi do tuần, gió thơm lâu lâu thổi đến, thổi dẹp hoa héo rồi rưới hoa mới mãi như thế không ngớt mãn mười tiểu kiếp để cúng dường đức Phật, nhẫn đến khi Phật diệt độ thường rưới hoa nầy. Các trời Tứ-thiên-vương vì cúng dường Phật nên thường đánh trống trời. Ngoài ra các vị trời khác trỗi kỹ nhạc trời, mãn mười tiểu kiếp đến khi Phật diệt độ cũng lại như thế.
Các Tỳ-kheo! Đức Đại-Thông Trí-Thắng Phật quá mười tiểu kiếp các Phật pháp hiện ra trước thành đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Lúc Phật chưa xuất gia có mười sáu người con trai, người con cả tên Trí-Tích. Các người con đó đều có các món đồ chơi tốt đẹp báu lạ, nghe cha chứng đặng quả vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác đều bỏ đồ báu của mình đi đến chỗ Phật. Các người mẹ khóc lóc theo đưa".
Ông nội là vua Chuyển-luân-thánh-vương, cùng một trăm vị đại thần và trăm nghìn muôn ức nhân dân khác đều vây quanh nhau đi theo đến đạo tràng, mọi người đều đến gần gũi đức Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai để cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen. Khi đã đến nơi tất cả đem đầu mặt mình lạy chân Phật, đi vòng quanh đức Phật xong, đều chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, rồi nói kệ khen Phật :
Thế-Tôn oai đức lớn
Vì muốn độ chúng sanh
Trong vô lượng ức năm
Bèn mới được thành Phật
Các nguyện đã đầy đủ
Hay thay lành vô thượng
Thế-Tôn rất ít có
Một phen ngồi mười kiếp
Thân thể và tay chân
Yên tịnh không hề động
Tâm Phật thường lặng
Chưa từng có tán loạn
Trọn rốt ráo vắng bặt
An trụ pháp vô lậu
Ngày nay thấy Thế-Tôn
An ổn thành Phật đạo
Chúng con được lợi lành
Mừng rỡ rất vui đẹp.
Chúng sanh thường đau khổ
Đui mù không Đạo-Sư
Chẳng biết đạo dứt khổ
Chẳng biết cầu giải thoát
Lâu ngày thêm nẻo ác
Giảm tổn các chúng trời
Từ tối vào nơi tối
Trọn chẳng nghe danh Phật.
Nay Phật được vô thượng
Đạo an ổn vô lậu
Chúng ta và trời người
Vì được lợi lớn tột
Cho nên đều cúi đầu
Quy mạng (8) đấng vô thượng.
Bấy giờ mười sáu vị vương tử nói kệ khen đức Phật rồi liền khuyến thỉnh đức Thế-Tôn chuyển pháp luân, đều thưa rằng : "Đức Thế-Tôn nói pháp được an ổn, thương xót làm lợi ích cho các trời và nhân dân". Lại nói kệ rằng:
Đức Phật không ai bằng
Trăm phước tự trang nghiêm
Được trí huệ vô thượng
Nguyện vì đời nói pháp
Độ thoát cho chúng con
Và các loài chúng sanh
Xin phân biệt chỉ bày
Cho được trí huệ Phật
Nếu chúng con cũng thành Phật
Chúng sanh cũng được thế
Thế-Tôn biết chúng sanh
Thâm tâm nghĩ tưởng gì
Cũng biết đạo chúng làm
Lại biết sức trí huệ
Muốn ưa và tu phước
Nghiệp gây tạo đời trước
Thế-Tôn biết cả rồi
Nên chuyển pháp vô thượng.
Phật bảo các Tỳ-kheo : "Lúc đức Đại-Thông Trí-Thắng Phật được quả vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, trong mười phương, mỗi phương đều năm trăm muôn ức các cõi nước Phật sáu điệu vang động. Trong các cõi nước đó chỗ tối tăm ánh sáng của nhật nguyệt không soi tới được mà đều sáng rỡ, trong đó chúng sanh đều được thấy nhau, đồng nói rằng : "Trong đây tại sao bỗng sanh ra chúng sanh?".
Lại trong các cõi đó cung điện của chư Thiên cho đến Phạm-Cung sáu điệu vang động, hào quang lớn soi cùng khắp đầy cõi nước, sáng hơn ánh sáng của trời".
Bấy giờ, phương Đông, năm trăm muôn ức các cõi nước, cung điện của trời Phạm-Thiên (9) ánh sáng soi chói gấp bội hơn ánh sáng thường ngày, các Phạm-Thiên-Vương đều tự nghĩ rằng : "Hôm nay cung điện sáng suốt từ xưa chưa từng có, vì nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này?". Lúc đó các vị Phạm-Thiên-Vương liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Trong chúng có một vị Phạm-Thiên-Vương lớn tên Cứu-Nhứt-Thiết vì các Phạm-chúng mà nói kệ rằng :
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt xưa chưa có
Đây là nhân duyên gì
Phải nên chung nhau tìm
Là trời đại đức sanh
Hay là Phật ra đời
Mà ánh sáng lớn này
Khắp soi cả mười phương.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước, các vị Phạm-Thiên-Vương cùng chung với cung điện (10) mỗi vị đều lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đi đến phương Tây suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai ngồi tòa sư-tử ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề, hàng chư Thiên, Long-vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn và phi nhơn v.v... cung kính vây quanh đức Phật chuyển pháp luân; tức thời các vị Phạm-Thiên-Vương đầu mặt lạy chân Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật.
Hoa của mấy ông rải nhóm như núi Diệu-Cao, cùng để cúng-dường cây Bồ-đề của Phật, cây Bồ-đề đó cao mười do-tuần. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đem cung điện dưng lên đức Phật mà thưa rằng : " Xin đức Phật đoái thương lợi ích cho chúng con, cung điện dâng cúng đây xin nhận ở."
Lúc đó, các vị Phạm-Thiên-Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Thế-Tôn rất ít có
Khó thể gặp gỡ được
Đủ vô lượng công đức
Hay cứu hộ tất cả
Thầy lớn của trời người
Thương xót ở trong đời
Mười phương các chúng sanh
Khắp đều nhờ lợi ích.
Chúng con từng theo đến
Năm trăm muôn ức nước
Bỏ vui thiền định sâu
Vì để cúng dường Phật
Chúng con phước đời trước
Cung điện rất tốt đẹp
Nay đem dưng Thế-Tôn
Cúi xin, thương nạp thọ.
Bấy giờ, các vị Phạm-Thiên-Vương nói kệ khen đức Phật rồi thưa rằng: "Cúi xin đức Thế-Tôn chuyển-pháp-luân, độ thoát chúng sanh mở đường Niết-bàn." Khi ấy, các vị Phạm-Thiên-Vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ rằng:
Thế-Hùng Lưỡng-Túc-Tôn
Cúi xin diễn nói pháp
Dùng sức từ bi lớn
Độ chúng sanh khổ não.
Lúc đó đức Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai lắng yên nhận lời đo.ù (11)
Lại nữa các Tỳ-kheo! Phương đông nam năm trăm muôn ức cõi nước các vị Phạm-Thiên-Vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hy hữu, liền cùng đến nhau chung bàn việc đó. Lúc ấy trong chúng đó có một vị Phạm-Thiên-Vương tên là Đại-Bi, vì các Phạm-chúng mà nói kệ rằng:
Việc đó nhân duyên gì
Mà hiện tướng như thế?
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt xưa chưa từng có
Là trời Đại-đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Chưa từng thấy tướng nầy
Nên chung một lòng cầu
Quá nghìn muôn ức cõi
Theo luồng sáng tìm đến
Phần nhiều Phật ra đời
Độ thoát khổ chúng sanh.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm-Thiên-Vương cùng chung với cung điện, lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đến phương Tây-Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại-ThôngTrí-Thắng Như-Lai ngồi tòa sư-tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề, các hàng chư Thiên, Long- vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn cùng phi-nhơn v.v... cung kính vây quanh, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển- pháp-luân.
Khi ấy các vị Phạm-Thiên-Vương đầu mặt lạy chân Phật, đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu-Cao, cùng để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: "Xin Phật thương xót lợi ích cho chúng con, những cung điện dâng đây cúi xin nhận ở".
Lúc đó, các vị Phạm-Thiên-Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thánh Chúa vua trong trời
Tiếng Ca-lăng-tần-già
Thương xót hàng chúng sanh
Chúng con nay kính lễ.
Thế-Tôn rất ít có
Lâu xa một lần hiện
Một trăm tám mươi kiếp
Luống qua không có Phật
Ba đường dữ dẫy đầy
Các chúng trời giảm ít.
Nay Phật hiện ra đời
Làm mắt cho chúng sanh
Chỗ quy thú của đời
Cứu hộ cho tất cả
Là cha của chúng sanh
Thương xót làm lợi ích
Nhờ phước lành đời trước
Nay được gặp Thế-Tôn.
Khi đó, các vị Phạm-Thiên-Vương nói kệ khen Phật xong đều thưa rằng: "Cúi xin đức Thế-Tôn thương xót tất cả chuyển-pháp-luân cho, để độ thoát chúng sanh".
Lúc ấy, các vị Phạm-Thiên-Vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ khen rằng:
Đại-Thánh chuyển-pháp-luân
Chỉ bày các pháp tướng
Độ chúng sanh đau khổ
Khiến được rất vui mừng
Chúng sanh nghe pháp này
Được đạo hoặc sanh thiên
Các đường dữ giảm ít
Bậïc nhẫn thiện thêm nhiều.
Khi đó, đức Đại-Thông Trí-Thắng Phật lặng yên nhận lời.
Lại nữa các Tỳ-kheo! năm trăm muôn ức cõi nước ở phương Nam các vị đại Phạm-vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hy hữu liền đến cùng nhau chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng chói này? Trong chúng đó có một vị Phạm-Thiên-Vương lớn tên là Diệu-Pháp, vì hàng Phạm-chúng mà nói kệ rằng:
Các cung điện chúng ta
Quang minh rất oai diệu
Đây không phải không nhân
Tướng nầy phải tìm đó
Quá hơn trăm nghìn kiếp
Chưa từng thấy tướng nầy
Là trời đại đức sanh
Hay đức Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức Phạm-Thiên-Vương cùng cung điện chung, mỗi vị dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai ngồi tòa sư-tử nơi đạo tràng dưới cội cây Bồ-đề, hàng chư Thiên, Long-vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhơn và phi-nhơn v.v..., cung kính vây quanh, cùng thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển-pháp-luân.
Khi đó, các vị Phạm-Thiên-Vương đầu mặt lễ Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu-Cao và để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: "Xin đức Phật đoái thương lợi ích chúng con, cung điện của chúng con dâng đây cúi xin nạp xử". Bấy giờ, các vị đại Phạm-Thiên-Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thế-Tôn rất khó thấy
Bậâïc phá các phiền não
Hơn trăm ba mươi kiếp
Nay mới thấy một lần
Hàng chúng sanh đói khát
Nhờ mưa pháp đầy đủ
Xưa chỗ chưa từng thấy
Đấng vô lượng trí huệ
Như hoa Ưu-đàm-bát
Ngày nay mới gặp gỡ
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang được đẹp
Thế-Tôn đại từ mẫn
Cúi xin thương nhận ở.
Khi đó, các vị Phạm-Thiên-Vương nói kệ khen đức Phật rồi đều bạch rằng: "Cúi mong đức Thế-Tôn chuyển-pháp-luân làm cho tất cả thế gian các hàng Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Ba-la-môn đều được an ổn mà được độ thoát". Lúc ấy các vị Phạm-Thiên-Vương một lòng đồng tiếng nói kệ rằng:
Cúi mong Thiên-Nhân-Tôn
Chuyển-pháp-luân vô thượng
Đánh vang pháp cổ lớn
Mà thổi pháp loa lớn
Độ vô lượng chúng sanh
Chúng con đều quy thỉnh
Nên nói tiếng sâu xa.
Khi đó, đức Đại-Thông Trí-Thắng lặng yên nhận lời đó.
Phương Tây-Nam nhẫn đến phương dưới cũng lại như thế.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cỏi nước ở thượng phương, các vị đại Phạm-Thiên-Vương thảy đều tự thấy cung điện của mình ở ánh sáng chói rực từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hy hữu, liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng nầy? Lúc đó trong chúng có một vị đại Phạm-Thiên-Vương tên là Thi-Khí vì hàng Phạm-chúng mà nói kệ rằng:
Nay vì nhân duyên gì?
Cung điện của chúng ta
Ánh sáng oai đức từng có?
Tướng tốt như thế đó
Xưa chưa từng nghe thấy
Là trời Đại-đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm-Thiên-Vương cùng cung điện chung, mỗi vị đều dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương dưới suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại-Thông-Trí Như- Lai ngồi tòa sư-tử nơi đạo tràng dưới gốc Bồ-đề, hàng chư Thiên, Long-vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhơn và phi-nhơn v.v... cung kính vây quanh và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh đức Phật chuyển-pháp-luân.
Lúc đó, các vị Phạm-Thiên-Vương đầu mặt lạy Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời rải trên đức Phật. Hoa rải nhóm như núi Diệu-Cao và để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà bạch rằng: "Xin đoái thương lợi ích chúng con. Cung điện dâng đây cúi mong Phật nạp ở".
Lúc đó, các vị Phạm-Thiên-Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Hay thay! thấy các Phật
Đấng Thánh-Tôn cứu thế
Hay ở ngục tam giới
Cứu khỏi các chúng sanh
Thiên-Nhân-Tôn trí khắp
Thương xót loài quần manh
Hay khai môn cam lộ
Rộng độ cho tất cả.
Lúc xưa vô lượng kiếp
Luống qua không có Phật
Khi Phật chưa ra đời
Mười phương thường mờ tối
Ba đường dữ thêm đông
A-tu-la cũng thạnh
Các chúng trời càng bớt
Chết nhiều đọa ác đạo
Chẳng theo Phật nghe pháp
Thường làm việc chẳng lành
Sắc, lực, cùng trí huệ
Các việc đều giảm ít
Vì tội nghiệp nhân duyên
Mất vui cùng tưởng vui
Trụ trong pháp tà kiến
Chẳng biết nghi tắc lành
Chẳng nhờ Phật hóa độ
Thường đọa trong ác đạo.
Phật là mắt của đời
Lâu xa mới hiện ra
Vì thương các chúng sanh
Nên hiện ở trong đời
Siêu việt thành chánh-giác
Chúng con rất mừng vui
Và tất cả chúng khác
Mừng khen chưa từng có
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang nên đẹp
Nay đem dâng Thế-Tôn
Cúi mong thương nhận ở
Nguyện đem công đức này
Khắp đến cho tất cả
Chúng con cùng chúng sanh
Đều đồng thành Phật đạo.
Khi đó, năm trăm muôn ức các vị Phạm-Thiên-Vương nói kệ khen đức Phật rồi, đều bạch Phật rằng: "Cúi mong đức Thế-Tôn chuyển-pháp-luân, nhiều chỗ an ổn, nhiều chỗ độ thoát". Lúc ấy các vị Phạm-thiên-vương đồng nói kệ rằng:
Thế-Tôn chuyển-pháp-luân
Đánh trống pháp cam lộ
Độ chúng sanh khổ não
Mở bày đường Niết-bàn
Cúi mong nhận lời con
Dùng tiếng vi diệu lớn
Thương xót mà nói bày
Pháp tu vô lượng kiếp.
Lúc bấy giờ, Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai nhận lời thỉnh của các Phạm-thiên-vương và mười sáu vị vương-tử tức thời ba phen chuyển-pháp-luân mười hai hành (12) hoặc là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc là Trời, Ma, Phạm và các thế gian khác đều không thể chuyển được, nói: Đây là khổ,đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ.
Và rộng nói pháp mười hai nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.
Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, tử, ưu bi, khổ não diệt.
Đức Phật ở trong đại chúng trời, người khi nói pháp đó có sáu trăm muôn ức na-do-tha người do vì không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát, đều được thiền định sâu mầu, ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát.
Lúc nói pháp lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, có nghìn muôn ức hằng-hà- sa na-do-tha chúng sanh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu tâm được giải thoát. Từ đây nhẫn sau các chúng Thanh-văn nhiều vô lượng vô biên, không thể tính kể được.
Bấy giờ mười sáu vị vương-tử đều là đồng tử mà xuất gia làm Sa-di, các căn thông lanh, trí huệ sáng láng, đã từng cúng dường trăm nghìn muôn ức các đức Phật, tịnh tu hạnh thanh tịnh, cầu đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, đều bạch cùng Phật rằng: "Thưa Thế-Tôn! Các vị Đại-đức Thanh-văn vô lượng nghìn muôn ức đây đã thành tựu xong, đức Thế-Tôn cũng nên vì chúng con nói pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, chúng con nghe xong đều đồng tu học Thế-Tôn! Chúng con có chí mong được tri kiến của Như Lai chỗ nghĩ tưởng trong thâm tâm, đức Phật tự chứng biết cho.
Lúc đó, tám muôn ức người trong chúng của Chuyển-luân-thánh-vương dắt đến thấy mười sáu vị vương-tử xuất gia, cũng tự cầu xuất gia, vua liền thuận cho.
Bấy giờ, đức Phật nhận lời thỉnh của Sa-di, qua hai muôn kiếp sau mới ở trong hàng bốn chúng nói kinh Đại-thừa tên là: "Diệu-Pháp Liên Hoa"là pháp giáo hoá Bồ-Tát được chư Phật hộ niệm. Đức Phật nói kinh đó xong, mười sáu vị Sa-di vì đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, đều đồng thọ thì đọc tụng thông thuộc. Lúc nói kinh đó, mười sáu vị Sa-di Bồ-Tát thảy đều tin thọ trong chúng Thanh-văn cũng có người tin hiểu. Ngoài ra nghìn muôn ức loại chúng sanh đều sanh lòng nghi lầm. Phật nói kinh đó suốt tám nghìn kiếp chưa từng thôi bỏ. Phật nói kinh đó xong liền vào tịnh thất trụ trong thiền định tám muôn bốn nghìn kiếp.
Bấy giờ, mười sáu vị Bồ-Tát Sa-di biết Phật nhập thất trụ trong thiền định vắng bặt, mỗi vị đều lên pháp tòa cũng trong tám muôn bốn nghìn kiếp vì bốn bộ chúng rộng nói phân biệt kinh Diệu-Pháp Liên Hoa.
Mỗi vị đều độ sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng hà-sa chúng sanh, chỉ dạy cho được lợi mừng, khiến phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đức Đại-Thông Trí-Thắng Phật qua tám muôn bốn nghìn kiếp sau từ tam-muội dậy, qua đến pháp tòa mà ngồi an lành, khắp bảo trong hàng đại chúng: "Mười sáu vị Bồ-Tát Sa-di này rất là ít có, các căn thông lẹ, trí huệ sáng láng, đã từng cúng dường vô lượng nghìn muôn ức số đức Phật, ở chỗ các đức Phật thường tu hạnh thanh tịnh, thọ trì trí của Phật để chỉ dạy chúng sanh làm cho vào trong đó. Các ông phải luôn luôn gần gũi mà cúng dường các vị ấy.
Vì sao? Nếu hàng Thanh-văn, Duyên-giác cùng các Bồ-Tát có thể tin kinh pháp của mười sáu vị Bồ-Tát Sa-di đó nói mà thọ trì không mất, thì người đó sẽ được đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác trí huệ của Như-Lai".
Phật bảo các Tỳ-kheo: "Mười sáu vị Bồ-Tát đó thường ưa nói kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa nầy. Sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng-hà-sa chúng sanh của mỗi vị Bồ-Tát hóa độ đó đời đời sanh ra đều cùng Bồ-Tát ở chung, theo nghe pháp với Bồ-Tát thảy đều tin hiểu. Nhờ nhân duyên đó mà được gặp bốn muôn ức các đức Phật Thế-Tôn đến nay vẫn chẳng ngớt.
Các Tỳ-kheo! Ta nói với các ông mười sáu vị Sa-di đệ tử của đức Phật kia nay đều chứng được đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, hiện đang nói pháp trong cõi nước ở mười phương có vô lượng trăm nghìn muôn ức Bồ-Tát Thanh-văn để làm quyến thuộc.
Hai vị Sa-di làm Phật ở phương Đông: Vị thứ nhất tên là A-Súc ở nước Hoa-Hỷ, vị thứ hai tên là Tu-Di-Đỉnh.
Hai vị làm Phật ở phương Đông-Nam: Vị thứ nhứt tên là Sư-Tử-Âm, vị thứ hai tên là Sư-Tử-Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Nam: Vị thứ nhứt tên là Hư-Không-Trụ, vị thứ hai tên làThường-Diệt.
Hai vị làm Phật ở phương Tây-Nam: Vị thứ nhứt tên là Đế-Tướng, vị thứ hai tên là Phạm-Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Tây: Vị thứ nhứt tên là A-Di-Đà, vị thứ hai tên là Độ-Nhứt-Thiết Thế-Gian Khổ-Não.
Hai vị làm Phật ở phương Tây-Bắc: Vị thứ nhứt tên là Đa-Ma-La-Bạt Chiên-Đàn-Hương Thần Thông, vị thứ hai tên là Tu-Di-Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Bắc: Vị thứ nhứt tên là Vân-Tự-Tại, vị thứ hai tên là Vân-Tự-Tại-Vương.
Một vị làm Phật ở phương Đông-Bắc hiệu Hoại-Nhứt-Thiết Thế-Gian Bố-Úy.
Vị thứ mười sáu, chính ta là Thích-Ca Mâu-Ni Phật ở cõi nước Ta-bà thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Các Tỳ-kheo! Lúc chúng ta làm Sa-di mỗi người giáo hóa vô lượng trăm nghìn muôn ức hằng-hà-sa chúng sanh vì đạo vô-thượng chánh-đẳng, chánh-giác theo ta nghe pháp. Những chúng sanh đó đến nay có người trụ bậc Thanh-văn, ta thường giáo hóa pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Những bọn người này đáng dùng pháp đó mà lần vào Phật đạo.
Vì sao? Vì trí huệ của Như-Lai khó tin khó hiểu, vô lượng hằng-ha- sa chúng sanh bị hóa độ trong thuở đó chính là bọn ông, các Tỳ-kheo, và sau khi ta diệt độ các đệ tử Thanh-văn trong đời vị lai. Sau khi ta diệt độ, lại có đệ tử không nghe kinh này, không biết không hay hạnh của Bồ-Tát, tự ở nơi công đức của mình được tưởng cho là diệt độ sẽ nhập Niết-bàn.
Ta ở nơi nước khác làm Phật lại có tên khác. Người đó dầu sanh lòng tưởng là diệt độ nhập Niết-bàn, nhưng ở nơi cõi kia cầu trí huệ của Phật, được nghe kinh này, chỉ do Phật thừa mà được diệt độ lại không có thừa nào khác, trừ các đức Như-Lai phương tiện nói pháp.
Các Tỳ-kheo! Nếu đức Như-Lai tự biết giờ Niết-bàn sắp đến, chúng lại thanh tịnh lòng tin hiểu bền chắc, rõ thấu pháp không, sâu vào thiền định, bèn nhóm các Bồ-Tát và chúng Thanh-văn mà vì nói kinh nầy. Trong đời không có hai thừa mà được diệt độ, chỉ có một Phật thừa được diệt độ thôi.
Các Tỳ-kheo nên rõ! Đức Như-Lai phương tiện sâu vào tánh chúng sanh, biết chí nó ưa pháp nhỏ, rất ham nơi năm món dục vì hạng người này mà nói Niết-bàn, người đó nếu nghe thời liền tin nhận.
Thí dụ đường hiểm nhiều nạn dữ, dài năm trăm do tuần. Chốn ghê sợ hoang vắng không người. Nếu chúng đông muốn đi qua con đường nầy đến chỗ trân bửu, có một vị Đạo-Sư thông minh sáng suốt khéo biết rõ tướng thông bít của con đường hiểm, dắt chúng nhân muốn vượt qua nạn đó. Chúng nhân được dắt đi giữa đường lười mỏi bạch đạo sư rằng: "Chúng con mệt nhọc lại thêm sợ sệt chẳng có thể đi nữa, đường trước còn xa nay muốn lui về".
Vị Đạo-Sư nhiều sức phương tiện mà tự nghĩ rằng: Bọn này đáng thương, làm sao cam bỏ trân bảo lớn mà muốn lui về. Nghĩ thế rồi dùng sức phương tiện ở giữa đường hiểm quá ba trăm do tuần, hóa làm một cái thành mà bảo chúng nhân rằng: " Các người chớ sợ, đừng lui về, nay thành lớn nầy có thể dừng ở trong đó tùy ý muốn làm gì thì làm, nếu vào thành nầy sẽ rất được an ổn, nếu có thể lại thẳng đến chỗ châu báu đi cũng được".
Bấy giờ, chúng mỏi mệt rất vui mừng khen chưa từng có, chúng ta hôm nay khỏi được đường dữ rất được an ổn. Đó rồi chúng nhân thẳng vào hóa thành sanh lòng tưởng cho rằng đã được độ rất an ổn.
Lúc ấy Đạo-Sư biết chúng nhơn đó đã được nghỉ ngơi không còn mỏi mệt, liền diệt hóa thành bảo chúng nhơn rằng: "Các người nên đi tới, chỗ châu báu ở gần đây, thành lớn trước đó là của ta biến hóa ra để nghỉ ngơi thôi".
Các Tỳ-kheo! Đức Như-Lai cũng lại như thế, nay vì các ông mà làm vị đại Đạo-Sư, biết các đường dữ sanh tử phiền não hiểm nạn dài xa nên vượt qua. Nếu như chúng sanh chỉ nghe một Phật thừa thời chẳng muốn thấy Phật, chẳng muốn gần gũi, mà nghĩ thế nầy: "Đạo Phật dài xa lâu ngày chịu cần khổ mới có thể được thành". Phật biết tâm chúng đó khiếp nhược hạ liệt, dùng sức phương tiện mà ở giữa đường vì để ngơi nghỉ nên nói hai món Niết-bàn. (13)
Nếu chúng sanh trụ nơi hai bực, đức Như-Lai bấy giờ liền bèn vì nói:" Chỗ tu của các ông chưa xong, bâïc của các ông ở gần với huệ của Phật. Phải quan sát suy lường Niết-bàn đã được đó chẳng phải chân thật vậy. Chỉ là sức phương tiện của Như-Lai, ở nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba. Như vị Đạo-Sư kia vì cho mọi người ngơi nghỉ mà hóa thành lớn, đã biết nghĩ xong mà bảo đó rằng: " Chỗ châu báu ở gần, thành nầy không phải thật, của ta biến hóa làm ra đó thôi".
Lúc đó đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Đại-Thông Trí-Thắng Phật
Mười kiếp ngồi đạo tràng
Phật Pháp chẳng hiện tiền
Chẳng được thành Phật đạo
Các trời, thần, Long-vương
Chúng A-tu-la thảy
Thường rưới các hoa trời
Để cúng dường Phật đó
Chư thiên đánh trống trời
Và trổi các kỹ nhạc
Gió thơm thổi hoa héo
Lại mưa hoa tốt mới
Quá mười tiểu kiếp rồi
Mới được thành Phật đạo
Các trời cùng người đời
Lòng đều sanh hớn hở.
Mười sáu người con Phật
Đều cùng quyến thuộc mình
Nghìn muôn ức vây quanh
Chung đi đến chỗ Phật
Đầu mặt lạy chân Phật
Thỉnh Phật chuyển-pháp-luân
"Đấng Thánh-Sư mưa pháp
Lợi con và tất cả
Thế-Tôn rất khó gặp
Lâu xa một lần hiện
Vì giác ngộ quần sanh
Mà chấn động tất cả".
Các thế giới phương Đông
Năm trăm muôn ức cõi
Phạm cung điện sáng chói
Từ xưa chưa từng có
Phạm-vương thấy tướng này
Liền đến chỗ Phật ở
Rải hoa để cúng dường
Và dâng cung điện lên
Thỉnh Phật chuyển-pháp-luân
Nói kệ khen ngợi Phật
Phật biết chưa đến giờ
Nhận thỉnh yên lặng ngồi
Ba phương cùng bốn phía
Trên, dưới cũng như thế
Rưới hoa dâng cung điện
Thỉnh Phật chuyển-pháp-luân
"Thế-Tôn rất khó gặp
Nguyện vì bổn từ bi
Rộng mở cửa cam-lộ
Chuyển-pháp-luân vô-thượng. "
Thế-Tôn huệ vô thượng
Nhân chúng nhơn kia thỉnh
Vì nói các món pháp
Bốn đế, mười hai duyên
Vô minh đến lão tử
Đều từ sanh duyên hữu
Những quá hoạn như thế
Các ông phải nên biết
Tuyên nói pháp đó rồi
Sáu trăm muôn ức cai (14)
Được hết các ngằn khổ
Đều thành A-la-hán.
Thời nói pháp thứ hai
Ngàn vạn hằng sa chúng
Ở các pháp chẳng thọ
Cũng được A-la-hán,
Từ sau đây được đạo
Số đông đến vô lượng
Muôn ức kiếp tính kể
Không thể đặng ngằn mé.
Bấy giờ mười sáu vị
Xuất gia làm Sa-di
Đều đồng thỉnh Phật kia
Diễn nói pháp Đại thừa:
" Chúng con cùng quyến thuộc
Đều sẽ thành Phật đạo
Nguyện được như Thế-Tôn
Tuệ nhãn sạch thứ nhứt."
Phật biết lòng đồng tử
Chỗ làm của đời trước
Dùng vô lượng nhân duyên
Cùng các món thí dụ
Nói sáu Ba-la-mật
Và các việc thần thông,
Phân biệt pháp chân thật
Đạo của Bồ-Tát làm
Nói kinh Pháp-Hoa nầy
Kệ nhiều như hằng sa.
Phật kia nói kinh rồi
Vào tịnh thất nhập định
Tám vạn bốn ngàn kiếp
Một lòng ngồi một chỗ.
Các vị Sa-di đó
Biết Phật chưa xuất thiền
Vì vô lượng chúng nói
Huệ vô thượng của Phật
Mỗi vị ngồi pháp tòa
Nói kinh Đại-thừa này
Sau khi Phật yên lặng
Tuyên bày giúp giáo hóa.
Mỗi vị Sa-di thảy
Số chúng sanh mình độ
Có sáu trăm muôn ức
Hằng-ha-sa các chúng.
Sau khi Phật diệt độ
Các người nghe pháp đó
Ở các nơi cõi Phật
Thường cùng thầy sanh chung.
Mười sáu Sa-di đó
Đầy đủ tu Phật đạo
Nay hiện ở mười phương
Đều được thành Chánh-giác
Người nghe pháp thuở đó
Đều ở chỗ các Phật
Có người trụ Thanh-văn
Lần dạy cho Phật đạo.
Ta ở số mười sáu
Từng vì các ngươi nói
Cho nên dùng phương tiện
Dẫn dắt đến huệ Phật
Do bản nhân duyên đó
Nay nói kinh Pháp Hoa
Khiến ngươi vào Phật đạo
Dè dặt chớ kinh sợ.
20. Thí như đường hiểm dữ
Xa vắng nhiều thú độc
Và lại không cỏ nước
Chốn mọi người ghê sợ
Vô số nghìn muôn chúng
Muốn qua đường hiểm này
Đường đó rất xa vời
Trải năm trăm do tuần.
Bấy giờ một Đạo-Sư
Nhớ dai có trí huệ
Sáng suốt lòng quyết định
Đường hiểm cứu các nạn
Mọi người đều mệt mỏi
Mà bạch Đạo-Sư rằng:
"Chúng con nay mỏi mệt
Nơi đây muốn trở về".
Đạo-Sư nghĩ thế này:
Bọn này rất đáng thương
Làm sao muốn lui về
Cam mất trân bảo lớn?
Liền lại nghĩ phương tiện
Nên bày sức thần thông
Hóa làm thành quách lớn
Các nhà cửa trang nghiêm
Bốn bề có vườn rừng
Sông ngòi và ao tắm
Cửa lớn lầu gác cao
Trai, gái đều đông vầy.
Hóa ra thành đó rồi
An ủi chúng:" Chớ sợ
Các ngươi vào thành này
Đều được vừa chỗ muốn".
Mọi người đã vào thành
Lòng đều rất vui mừng
Đều sanh tưởng an ổn
Tự nói đã được độ.
Đạo-Sư biết nghỉ xong
Nhóm chúng mà bảo rằng:
"Các ngươi nên đi nữa
Đây là hóa thành thôi
Thấy các ngươi mỏi mệt
Giữa đường muốn lui về
Nên dùng sức phương tiện
Ta hóa làm thành này
Các ngươi gắng tinh tấn
Nên đồng đến chỗ báu.
21. Ta cũng lại như vậy
Đạo-Sư của tất cả
Thấy những người cầu đạo
Giữa đường mà lười bỏ
Không thể vượt đường dữ
Sanh tử đầy phiền não
Nên dùng sức phương tiện
Vì nghỉ nói Niết-bàn.
Rằng các ngươi khổ diệt
Chỗ làm đều đã xong
Đã biết đến Niết-bàn
Đều chứng A-la-hán
Giờ mới nhóm đại chúng
Vì nói pháp chân thật
Sức phương tiện các Phật
Phân biệt nói ba thừa
Chỉ có một Phật thừa
Vì nghỉ nên nói hai ( 15)
Vì các ngươi nói thật
Các ngươi chưa phải diệt,
Vì nhứt-thiết-trí Phật
Nên phát tinh tấn mạnh
Ngươi chứng nhứt-thiết-trí
Mười lực các Phật Pháp
Đủ băm hai tướng tốt
Mới là chân thật diệt,
Các Phật là Đạo-Sư
Vì nghỉ nói Niết-bàn
Đã biết ngơi nghỉ rồi
Dẫn vào nơi huệ Phật.
KINH DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA
Quyển Thứ Ba



THÍCH NGHĨA:
1. Đây tức là "nhứt-thiết chủng-trí" trí của Phật, rõ thấu rành suốt ba thuở mười phương tất cả thế-gian và xuất-thế-gian.
2. Chổ về đến, tức là cội nguồn.
3. Lòng tưởng mong, suy nghĩ; mong cầu v.v...
4.
Một thái dương-hệ gọi là 1 tiểu thế giới,
1.000 tiểu thế-giới là 1 tiểu thiên thế-giới,
1.000 tiểu thiên là 1 trung-thiên,
1.000 trung-thiên là đại-thiên thế-giới.
Vậy đại-thiên thế-giới là ba lần nhân ngàn ( 1 T-G x 1000 x 1000 x 1000), nên gọi tam-thiên đại-thiên thế-giới, gồm có 1.000.000.000 thế-giới, là số thế-giới của cõi Ta-bà thuộc quyền giáo hóa của đức Thích-Ca.
5. LƯỠNG: Phước đức và trí huệ 2 món. TÚC là đầy đủ.
6. Thành trì do thần thông biến hóa ra, để dụ huyền giáo hóa của Phật.
7. Có 3 hạng do tuần: 1) 40 dậm Tàu, 2) 60 dậm, 3) 80 dậm.
8. Đem thân mạng về nương, nghĩa là chữ "Nam-mô" tiếng Phạm.
9. Cõi dục trên người có 6 cõi trời:
1.- Trời Tứ-Thiên-Vương;
2.- Trời Đao-Lợi ( vua là Đế-Thích hay Thích-Đề-Hoàn-Nhơn)
3.- Trời Dạ-Ma;
4.- Trời Đâu-Xuất;
5.- Trời Hóa-Lạc;
6.- Trời Tha-Hóa-Tự-Tại, trên cõi dục có cõi Sắc, cõi Sắc có bốn thiền (sơ-thiền, nhị-thiền, tam-thiền, tứ-thiền), 18 cõi Trời.
Trong Sơ-thiền có 3 cõi:
1.- Trời Phạm-chúng
2.- Phạm-Vương. Phạm-Thiên-Vương là vua Trời Sơ-thiền.
3.- Đại-Phạm Thiên-Vương là vua Trời Tứ-thiền.
10. Có phước lành lớn nên cảm báo có cung điện tuỳ thân nhỏ lớn như ý.
11. Theo nghi biểu của Phật, ai thưa thỉnh việc chi nếu nín thinh là chịu.
12. Ba lần TỨ-ĐẾ thành 12.
1.- Đây là khổ, đây là Tập, đây là Diệt, đây là Đạo.
2.- Khổ nên biết, Tập nên dứt, Diệt nên chứng, Đạo nên tu.
3.- Khổ biết rồi, Tập dứt rồi, Diệt chứng rồi, Đạo tu rồi.
13.
1.- Thanh-văn Niết-bàn.
2.- Duyên-giác Niết-bàn.
14. Một trăm triệu (1000.000.000) gọi là "cai".
15. Thanh-văn-thừa, Duyên-giác-thừa.
Các danh từ: Vô-lượng, vô-biên, a-tăng-kỳ, vô-số, na-do-tha, hằng-hà-sa, bất-khả tư-nghì, bất-khả-xưng, bất-khả-thuyết, v.v... đều là những số lớn trên số muôn ức.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.68.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập