Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Giao Lưu Văn Hóa - Việt Nhật
và sự quan tâm của người Nhật với Văn Hóa Việt Nam
. Một tiếp cận đối sánh Nhật Bản - Việt Nam khái quát và cụ thể
. Đã có một cuộc chung sống hòa bình tốt đẹp giữa người Việt và người Nhật vào cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII
. Người Nhật tại Hội An thế kỉ 16-17
. Những văn vật ghi dấu quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Nhật tốt đẹp ở thời trung đại
. Những hình ảnh đẹp đẽ của đô thị Đại Việt tiếp đón và dung nạp người Nhật cách nay 300 năm
. Từ cuối thế kỉ XIX đến nay ngành Việt Nam học đã hình thành và liên tục phát triển tại Nhật Bản
. Từ năm 1970 đến nay, người Nhật Bản luôn luôn bày tỏ niềm ái mộ đối với văn học nghệ thuật Việt Nam
. Niềm ái mộ đặv biệt của khán giả Nhật Bản dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam
. Từ Dự án phục hồi Nhã nhạc cung đình Huế do sự đề xướng của Nhật Bản đến sự kiện UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Phụ Lục
1 - Hội An - Trong Bóng Râm Thời Gian - Lê Đức Dục
2 - Đôi Điều về Chùa Cầu Hội An - Nguyễn Phước Tương
3 - Một số dấu tích giao lưu văn hóa Nhật - Việt ở Hội An - Trần Văn An
4 - Tôi đã đến với Việt Nam như thế nào ? - Furuta MOTOO
5 - Quá trình nghiên cứu Việt Nam của tôi trong 38 năm  - Yumio SAKURAI
6 - Kiến trúc phố cổ Hội An Việt Nam - Akina MASUMOTO
7 - Hội An - Lê Văn Hảo
8 - Phố cổ Hội an ( thơ) - Quỳnh Chi
Do vị trí địa lí của mình,Việt Nam từ lâu nay đã là ngã ba đường nhân chủng và văn hóa của cả Đông Á và Nam Á, nhưng trong ba nền văn hóa lớn của châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, không hiểu sao ảnh hưởng của văn hóa văn minh Nhật Bản đối với Việt Nam không nhiều. Do khoảng cách địa lí ? Do sự có mặt khắp nơi của đạo Phật ? Do thế áp đảo của đạo Khổng, chữ Hán, mô hình chính trị đến từ phương Bắc ... ( trước đây ) đối với xã hội và văn hóa Việt Nam truyền thống ?

Thật ra giữa Nhật Bản và Việt Nam từ nhiều thế kỉ đã có nhiều mối quan hệ, nhiều điểm đối sánh rất đáng nêu ra. Ngày nay không phải Việt Nam không biết số lượng, chất lượng cao của văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh Nhật Bản ... qua các tài liệu Vô tuyến truyền hình rộng khắp, các sách báo và bách khoa toàn thư, các đại hội liên hoan, các Hội chợ quốc tế mà Việt Nam tham dự đều đặn, nhưng có lẽ cái hấp dẫn nhất đối với Việt Nam là sự giàu có quá lớn lao của cường quốc thế giới nầy qua hàng trăm địa chỉ kinh tế của Nhật Bản ngay trên đất nước chúng ta.

Nhưng bên cạnh các quan hệ kinh tế, cái quan trọng hơn có lẽ là các quan hệ văn hóa mà chúng ta cần tìm hiểu, để thấy rằng thật ra Việt Nam với Nhật Bản rất gần gũi nhau trong lãnh vực này.

Một tiếp cận đối sánh Nhật Bản - Việt Nam khái quát và cụ thể
Chỉ với khoảng 130 triệu dân ( hơn Việt Nam vỏn vẹn 50 triệu đầu người, so sánh chi với con số tỉ và hơn tỉ của Ấn Độ , Trung Quốc), sống trên một tổng diện tích 337.835 km2 ( chỉ hơn Việt Nam có vài ngàn km 2 ), lại bị chia cắt thành 4 hòn đảo lớn và hàng ngàn hòn đảo nhỏ bé ( trong khi Việt Nam là một nước kéo dài liền khoảnh, nếu không kể Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa), với những điều kiện thiên nhiên khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều ( núi lửa, động đất, sóng thần, đất đai khô cằn, kém phì nhiêu, v.v... ), Nhật Bản có một GDP cao tới 3,15 ngàn tỉ USD ( năm 2000) - trong lúc Việt Nam đứng thứ 130 khi khảo sát GDP bình quân đầu người ( năm 2002) ở 175 quốc gia. Thảo nào, cách nay vài tháng, khi đưa ra những con số chính thức trên đây, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà sinh học hàng đầu của Việt Nam, đã phải day dứt : " Cuối năm Quí Mùi (2003) tôi có mặt tại Nhật Bản. Những ngày tại xứ sở hoa anh đào, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự chênh lệch còn quá xa về trình độ khoa học, công nghệ, về quản lí trật tự xã hội và về mức sống giữa nhân dân Nhật Bản và nhân dân ta (...) Truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta có thua kém gì nhân dân Nhật Bản. Nhưng để phát huy được truyền thống ấy (...) có nhiều điểm chúng ta cần khiêm tốn học hỏi nhân dân xứ sở hoa anh đào " (1)

Nhận xét chí lí của giáo sư Nguyễn Lân Dũng đầu năm 2004 này cần được bổ sung bằng ý kiến đánh giá của giáo sư Yoshiaki Ishizawa, giám đốc Viện Văn hóa Á châu Đại học Sophia, quyền trưởng đoàn đại biểu Nhật Bản tham dự Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An tổ chức tại TP Đà Nẵng tháng 3-1990: " Việt Nam với một lịch sử lâu đời và quang vinh, với một di sản và truyền thống văn hóa phong phú, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nền văn hóa của khu vực rộng lớn ở Đông Nam Á. Nhờ những đặc tính độc đáo và có ảnh hưởng sâu rộng đó, đất nước tuyệt vời của các quí vị đã thu hút được nhiều học giả và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới trong một thời gian dài " (2). Đến từ một trí thức Nhật có uy tín, ý kiến này phải được coi trọng.

Và có lẽ đã đến lúc cần đưa ra vài ví dụ cụ thể, vài trường hợp tiêu biểu để chứng minh rằng người Nhật Bản, hơn một lần, đã tỏ lòng ái mộ văn hóa văn minh Việt Nam.

Đã có một cuộc chung sống hòa bình tốt đẹp giữa người Việt và người Nhật vào cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII
Ngày 11-9-2003, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức tại Hà Nội hội thảo khoa học : " Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản : quá khứ, hiện tại và tương lai ", với sự có mặt của đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hattori Norio và đông đảo chuyên gia người Việt và người Nhật nghiên cứu so sánh văn hóa, lịch sử, kinh tế Việt- Nhật để thảo luận các vấn đề : quá trình quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong quá khứ, quan hệ giữa hai nước trong 30 năm gần đây (1974-2003), thực trạng của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay, triển vọng của mối quan hệ này trong tương lai (3).
Người Nhật tại Hội An thế kỉ 16-17
Qua cuộc hội thảo mới mẻ và bao quát này cũng như qua một số cuộc hội thảo và hội nghị khoa học trước đây, ví dụ Hội thảo quốc tế về Hội An tháng 3-1990 nêu trên hay Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội, tháng 7-1998, chúng ta thấy trong buổi hình thành và bước đầu phát đạt tại Đàng Trong nước Đại Việt vào cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII, Hội An của xứ Quảng ở phía nam Thuận Hóa đã là nơi hội tụ của cư dân của nhiều nơi trong nước mà cũng là nơi tụ hội của nhiều thuyền buôn và kiều dân nước ngoài, trong đó có đông đảo người Nhật Bản và người Trung Quốc. Họ đông (nhiều trăm ?, hàng ngàn ?) đến nỗi hồi kí của cố đạo người Ý Cristophoro Borri (và một số tài liệu ghi chép khác sau ông) xác nhận Hội An đầu thế kỉ XVII có một khu phố Nhật và một khu phố Khách (Hoa) : "Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố này là Faifo, một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có đến hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có thị trưởng riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, và người Nhật cũng vậy" (4).
Quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa giữa Đại Việt , ( Đàng Ngoài và nhất là Đàng Trong) với Nhật Bản được bắt đầu từ cuối thế kỉ XVI. Nhiều tàu buôn Nhật chở tới Hội An vàng, bạc, đồng, vũ khí... bán cho Đàng Trong và mua lại tơ tằm, gốm sứ, đường, san hô, ngà voi, trầm hương, kì nam... đưa về Nhật.

Đầu thế kỉ XVII, thương nhân Nhật, do làm ăn phát đạt tại Hội An, đã mua 20 mẫu ruộng đất, xây dựng phố xá, buôn bán, làm ruộng, cưới vợ Việt, xây chùa (Tùng Bổn Tự), dựng bia, đúc chuông và tượng Phật. Trong khi người Nhật ở đầu đường phía mặt trời mọc của Hội An, thì người Tàu lập phố ở cuối đường phía mặt trời lặn thuộc làng Cẩm Phô và Thanh Hà. Từ phố Nhật lên chợ Cẩm Phô và phố Tàu phải qua một con khe nên người Nhật đã xây dựng một chiếc cầu gọi là Cầu Nhật Bản. Đây là thời kì cực thịnh của phố Nhật ở Hội An nên người phương Tây gọi Hội An là "Đô thị Nhật Bản" và ông thị trưởng đầu tiên của phố Nhật được chúa Nguyễn công nhận năm 1618 là một nhà buôn kiêm chủ tàu tên Furamoto Yashishiro. Có những thị trưởng Nhật có uy tín và ảnh hưởng lớn ở Đàng Trong. Thời kì Đàng Trong bài đạo Thiên Chúa gay gắt, giáo sĩ Alexandre de Rhodes được một thị trưởng Nhật tại Hội An che chở và can thiệp để chúa Nguyễn ban đặc ân cho De Rhodes không bị đàn áp (5).

Từ năm 1636 chính quyền Nhật Bản ban hành lệnh cấm xuất ngoại làm cho quan hệ buôn bán giữa Hội An và Nhật Bản sa sút dần và số người Nhật cũng giảm dần. Cùng lúc đó, số người Hoa vốn có mặt ở Hội An từ trước không ngừng tăng lên. Đến giữa thế kỉ XVII, người Hoa thay thế người Nhật và chiếm ưu thế. Đến cuối thế kỉ thì người Nhật gần như đã hết vai trò: họ chỉ còn lại khoảng 4 hay 5 gia đình. Thương trường dần dần chuyển sang tay người Hoa, họ tràn sang phố Nhật (6).

Từ thế kỉ XVIII, người Nhật vắng mặt ở Hội An, nhưng tại Nhật Bản họ vẫn còn giữ nhiều kỉ niệm, văn vật và sử liệu quí báu có thể giúp cho người Việt Nam hiểu rõ thêm lịch sử và văn hóa của mình.

Những văn vật ghi dấu quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Nhật tốt đẹp ở thời trung đại
Tàn phá của nội chiến Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn đã làm mất đi bao nhiêu chứng tích lịch sử và văn hóa của thời đại Đại Việt nhưng Nhật Bản vẫn còn tàng trữ nhiều văn kiện ngoại giao liên quan đến vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở các thế kỉ XVI - XVII - XVIII . Đó là các bộ sưu tập đồ sộ : Rekidai hôan (Lịch đại bảo án: Những tư liệu quí báu qua các đời) tập hợp các văn thư trao đổi giữa vương quốc Lưu Cầu của Nhật Bản với Trung Quốc, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á (từ 1424 đến 1867), trong đó có Đại Việt ; Gaiban Tsuusho (Ngoại phiên thông thư, văn thư trao đổi giữa Nhật Bản với 11 nước và hai khu vực, gồm 27 quyển : từ quyển 11 đến 14 nhan đề "An Nam quốc thư" gồm 56 bức thư trao đổi giữa chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng...) liên quan đến hoạt động các tàu Châu Ấn (Shuinsen) của Nhật Bản và quan hệ buôn bán Việt-Nhật ở Đàng Trong, Đàng Ngoài Đại Việt, qua đó người ta thấy chúa Trịnh, chúa Nguyễn tuy chống nhau nhưng đều mưu cầu thông giao với Nhật Bản và đều xưng mình là "An Nam quốc vương" với chính quyền Nhật (7).

Một điều rất có ý nghĩa đối với lịch sử văn hóa Việt Nam là các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho chúng ta biết : hiện nay trong các viện bảo tàng cũng như trong các bộ sưu tập của tư nhân Nhật Bản có nhiều đồ gốm sứ của Đại Việt được đưa vào Nhật Bản từ giữa nửa đầu thế kỉ XIV ( từ những năm 1330 thời Trần). Các chuyên gia gốm sứ Nhật Bản, như giáo sư Hasebe Gakuji thuộc Viện Bảo Tàng Quốc Gia Tokyo, thừa nhận vào thời ấy kĩ thuật sản xuất đồ gốm Nhật Bản còn kém xa so với đồ gốm sứ Đại Việt : "Nghe nói sứ men ngọc, sứ trắng rất nổi tiếng [ở Đại Việt] đã được sản xuất vào thế kỉ XI [đời Lý]. Còn ở Nhật Bản ở thế kỉ XIV-XV kĩ thuật quét lớp men nung ở nhiệt độ cao chỉ có ở vùng Seto tỉnh Aichi, còn ở nhiều nơi khác chỉ mới làm được loại gốm nung màu xám hoặc màu đỏ thẫm chưa có men. [...] Sứ [Đại Việt] thế kỉ XV-XVI được đưa nhiều vào Nhật Bản. [...] Sang thế kỉ XVII các tàu buôn đến [Đại Việt] mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một khối lượng lớn đồ gốm sứ Đại Việt. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản. Loại đồ sứ Đại Việt tiêu biểu là lọ hoa xanh có hình rồng, vật sở hữu của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại sứ nổi tiếng thứ hai là loại chén trà An Nam hồng hoa xanh lam có điểm thêm màu đỏ và xanh lục rất lộng lẫy, bên trong chén có vẽ chữ "thọ". [...] Vào khoảng thế kỉ XVII các gia đình thương nhân giàu có, các gia đình phái Trà đạo đều có giữ các đồ sứ [Đại Việt]" (8).

Những hình ảnh đẹp đẽ của đô thị Đại Việt tiếp đón và dung nạp người Nhật cách nay 300 năm
Nếu Samuel Baron, tác giả cuốn Một miêu tả về vương quốc Tonqueen, tức là Đàng Ngoài của Đại Việt (nguyên bản tiếng Anh), viết vào khoảng 1685, đã để lại cho chúng ta 5 bức vẽ của một (hay nhiều) họa sĩ người Việt vẽ các quan cảnh : Thăng Long cuối thế kỉ XVII ven sông Hồng, vua Lê ngự triều, chúa Trịnh thiết triều, cuộc thi đình, lễ Tế giao, thì một vài (hay nhiều) họa sĩ Nhật Bản đã cống hiến cho đời sau hai kiệt tác hội họa : tranh Vượt biển buôn bán thông thương với nước Giao Chỉ (Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ) và tranh Thác kiến Quan thế Âm.

Cả hai bức hiện tàng trữ tại chùa Jomyo ở thành phố Nagoya, một đô thị-cảng lớn với 2,5 triệu dân ở miền Trung Nhật Bản và được xem là hai báu vật quốc gia.

Tranh "Vượt biển..." là một bức tranh màu nước đồ sộ : cao 78 cm, dài 498 cm. Tranh bị mất một phần không rõ nhiều hay ít, phần còn lại cho thấy bốn cảnh quan : cảnh thuyền Châu Ấn rời Nagasaki đi Giao Chỉ và cập bến Hội An (Đàng Trong của Đại Việt), cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho một người hình như là chúa Nguyễn ; cảnh phố Nhật ở Hội An; cảnh trong đất liền có ngôi nhà lớn (hội quán ? ). Bức tranh này (dù bị mất một phần) vẫn có giá trị lớn về lịch sử và mỹ thuật vì nó miêu tả sinh động cảnh quan một đô thị cảng của Đại Việt với một phố Nhật đầu thế kỉ XVII.

Tranh "Thác kiến Quan thế âm" là bức tranh vẽ tượng Phật nổi tiếng, tương truyền đó là món quà của "An Nam quốc vương" tặng cho thuyền Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền đến Hội An. Điều đó cũng góp phần chứng minh cho sự thịnh hành của đạo Phật ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn (9).

Từ cuối thế kỉ XIX đến nay ngành Việt Nam học đã hình thành và liên tục phát triển tại Nhật Bản
Khởi đầu từ cuốn An Nam lịch sử đại cương của nhà sử học Hikita Toshiaki ( người đã khai thác triệt để bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn thế kỉ XIX và đã dịch ra tiếng Nhật bộ Đại Việt sử kí toàn thư của các sử quan triều Lê thế kỉ XVII) đến cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1845-1885 của nhà sử học Tsuboi Yoshiharu xuất bản lần đầu tại Paris rồi được dịch, xuất bản và tái bản ở Việt Nam (1990, 1992) được giới sử học và bạn đọc Việt Nam hoan nghênh, hàng chục công trình sử học về Việt Nam đã được xuất bản tại Nhật Bản. Từ sau khi bộ Từ điển chữ Nôm của Y. Takeuchi được xuất bản năm 1968 tại Tokyo , nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ thông tin của Nhật Bản đã tỏ lòng ưu ái đối với chữ Nôm của cha ông ta và một đóng góp lớn lao của họ là sự kiện Viện Mojikio của Nhật Bản đã thành công nghiên cứu chế tạo phần mềm chữ Nôm với khoảng 9.000 mã chữ và đã trân trọng tặng Viện Nghiên cứu Hán-Nôm của Việt Nam món quà văn hóa này vào năm 2000.

Trước đó, tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội (ngày 15-17/1998) giáo sư Furuta Motoo, của Đại học Tokyo, đã đọc bản báo cáo : Tại sao ở Nhật Bản có nhiều nhà Việt Nam học ? Nhìn lại quá trình phát triển Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Việt Nam cho chúng ta biết :

Hội nghiên cứu Đông phương học lớn nhất của Nhật Bản là Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Lịch Sử Đông Nam Á với trên 400 hội viên trong đó có 86 người nghiên cứu Inđônêxia, 67 người nghiên cứu Thái Lan và 65 người nghiên cứu Việt Nam. Như vậy Việt Nam học đã chiếm vị trí thứ 3 trong nghành nghiên cứu Đông Nam Á ở Nhật Bản; còn Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Việt Nam (thành lập năm 1987) nay đã có hơn 100 hội viên. Giáo sư Furuta Motoo cho rằng Việt Nam là một nước có nền văn hóa rất gần gũi đối với người Nhật Bản ; từ rất sớm ngành sử học Nhật Bản đã quan tâm đến lịch sử Việt Nam : những điều đó trở thành thế mạnh của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản (10).

Từ năm 1970 đến nay, người Nhật Bản luôn luôn bày tỏ niềm ái mộ đối với văn học nghệ thuật Việt Nam
Năm 1970 có lẽ là một thời điểm quan trọng đánh dấu sự quan tâm và ái mộ mà người Nhật Bản liên tục dành cho văn học nghệ thuật Việt Nam: lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam do giáo sư Nguyễn Hữu Ba dẫn đầu đã biểu diễn ca múa nhạc cung đình Hueá trên sân khấu lớn của Expo Quốc tế Osaka 70 và đã được hoan nghênh.

Trước hết hãy nói đến sự quan tâm của Nhật Bản đối với văn học Việt Nam. Trước khi làm quen với văn học Việt Nam hiện đại, người Nhật đã biết đến văn học Việt Nam truyền thống qua những tác phẩm và kiệt tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu ... qua các bản dịch tiếng Nhật ra đời trước 1945. Cũng tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất ( Hà Nội 1998 ), nhà nghiên cứu Izumi Takahashi thuộc cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo, trong bài tham luận rất dài gồm nhiều số lượng thống kê nhan đề Các tác phẩm Văn học hiện đại của Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở Nhật Bản, sau khi khẳng định rằng văn hóa truyền thống Việt Nam, với tính tự trọng dân tộc, tính nhân bản và tính cộng đồng cao, chứa đựng nhiều điểm tương tự với văn hóa Nhật Bản và văn học là nhịp cầu văn hóa nối liền hai dân tộc, đã cho biết là việc dịch thuật văn học hiện đại ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh tại Nhật Bản ở hai thời kì : 1965 - 75 và từ sau 1992 đến ngày nay. Theo những thống kê mà Takahashi đã thực hiện, trong thời gian từ 1962 đến 1997 tại Nhật Bản đã được dịch và xuất bản tổng cộng 131 tác phẩm (truyện dài, truyện ngắn, thơ, kịch...) của 114 lượt tác giả Việt Nam. So với các nước khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, phải chăng đây là bằng chứng về lòng ưu ái và quí trọng hiển nhiên của bạn đọc và giới văn hóa Nhật Bản đối với văn học và văn hóa Việt Nam ? (11).

Niềm ái mộ đặc biệt của khán giả Nhật Bản dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam
Sau khi đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam được tiếp đón nồng nhiệt tại Expo Quốc tế Osaka 70, nhất là từ sau 1975, nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam: chèo, ca trù, quan họ, múa rối nước, nhạc cung đình, nhạc cổ điển Việt Nam... đã được mời sang biểu diễn tại Nhật Bản. Qua dư luận phản ánh trên báo chí, hay trên diễn đàn các hội thảo, hội nghị khoa học, người ta thấy nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã được người Nhật Bản đón nhận với niềm ái mộ đặc biệt. Sau đây là một vài kỉ niệm và chứng tích văn hóa khó quên.

Mùa xuân 1995, Nhật Bản mời giáo sư Hà Văn Cầu, nguyên giám đốc Nhà Hát chèo Việt Nam, cùng một số nhà nghiên cứu chèo và Đoàn chèo tỉnh Thái Bình, sang biểu diễn và sau đó tham dự cuộc Hội thảo khoa học về chèo do phía Nhật Bản tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Đông Nam Á ở Tokyo. Sau khi đoàn chèo Thái Bình biểu diễn 4 đêm (không đêm nào còn vé) đã diễn ra cuộc Hội thảo qui tụ hơn 200 nhà nghiên cứu Nhật Bản quan tâm đến nghệ thuật chèo. Giáo sư Hà Văn Cầu trình bày bản tham luận "Giới thiệu thêm về nghệ thuật chèo ". Sau khi nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản trình bày về chèo, đến lượt các nhà nghiên cứu và nghệ nhân chèo Việt Nam được mời trả lời rất nhiều câu hỏi từ phía Nhật Bản: Quả thừu lựu được nhắc đến trong một vở chèo là quả gì ? Tên khoa học của nó ? Thế nào là học chèo theo lối "truyền nghề" ? Trong chèo, thế nào là hát nóinói hát ? Có điệu chèo nào khi vui cũng hát, khi buồn cũng hát không ? Chèo hiện nay có phản ánh những vấn đề đương đại không ?... Đoàn Việt Nam đã trả lời suôn sẻ nhưng thú thật cũng đã toát mồ hôi hột! Kỉ niệm sâu sắc nhất của giáo sư Hà Văn Cầu về chuyến đi năm 1995 ấy là "thái độ khiêm nhường, ham học hỏi và đặc biệt trân trọng văn hóa các dân tộc khác của người Nhật" (12).

Từ Dự án phục hồi Nhã nhạc cung đình Huế do sự đề xướng của Nhật Bản đến sự kiện UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Mùa xuân 1994, UNESCO và Việt Nam đã tổ chức tại Thành phố Huế một cuộc tọa đàm quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tham dự cuộc tọa đàm này có bà Noriko Aikawa, giám đốc Vụ văn hóa phi vật thể của UNESCO, và hai giáo sư âm nhạc học Tokumaru Yoshihiko và Yamakuti Osamu. Trong khi hội thảo có trình diễn nhã nhạc cung đình Huế. Sau khi xem các nghệ nhân lúc đó đã trên 70 tuổi mà còn giữ được truyền thống nhạc cung đình, các nhà văn hóa Nhật Bản đã ưu ái đưa ra một Kế hoạch phục hồi âm nhạc cung đình Việt Nam . Ngay sau đó họ lại biến kế hoạch này thành một Dự án phục hồi Nhã nhạc với sự tham dự của đại diện bốn nước có truyền thống nhạc cung đình : Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Phía Nhật Bản chịu trách nhiệm tài trợ cho dự án: Cơ quan văn hóa Arion Edo mời đoàn nghệ thuật ca múa nhạc cung đình sang biểu diễn tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK thu âm, ghi hình và phát lại chương trình biểu diễn trên sóng cho toàn dân Nhật xem ; quĩ Toyota Foundation tài trợ cho đoàn nghiên cứu nhạc học và chuyên viên kĩ thuật Nhật Bản đến Huế thu âm ghi hình Nhã nhạc cung đình làm thành một Hồ sơ nghe nhìn đồ sộ tàng trữ tại hai đại học Tokyo và Osaka ; quĩ Japan Foundation tài trợ cho lớp Đại học Nhã nhạc cung đình Huế (1997-2000). Sau Hội thảo quốc tế về Nhã nhạc cung đình lần đầu tiên tổ chức tại Huế (8-2002), bà Noriko Aikawa và giáo sư Trần Văn Khê, với sự hỗ trợ của các giáo sư Nhật Bản, Đại Hàn, đã giúp phía Việt Nam chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế trình UNESCO. Kết quả là ngày 7-11-2003, tại Paris, nhà văn hóa Nhật Bản Koichiro Matsura tổng giám đốc UNESCO đã tuyên bố: Nhã nhạc cung đình Huế, cùng với 27 kiệt tác của 27 nước, được tuyên dương là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (13).

Sáu năm trước đó (1997), khi giới thiệu quyển Âm nhạc cung đình triều Nguyễn của nhà nhạc học trẻ Trần Kiều Lại Thủy , giáo sư Trần Văn Khê đã nhấn mạnh : " Đến nay chưa có quyển sách nào bằng tiếng Việt viết về đề tài này. Tôi rất mong công trình của Trần Kiều Lại Thủy được in ra để cho các nhà nghiên cứu âm nhạc có dịp đọc và bổ sung về một loại nhạc được các nhà nhạc học Nhật Bản đánh giá cao, rất độc đáo của dân tộc Việt Nam ... ) (14).

Tháng 12-2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam lại xuất bản tập Kỷ yếu Hội thảo quốc tế âm nhạc cung đình Huế (260 trang), và đoàn đại biểu Nhật Bản, qua tiếng nói của các nhà văn hóa, nhà nhạc học ưu tú (bà Noriko Aikawa, giáo sư Yoshiaki Ishizawa, Oshio Satomi) lại có dịp bày tỏ lòng ưu ái và lòng quí trọng di sản văn hóa Việt Nam.

Quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Nhật đẹp đẽ quá Đúng như lời giáo sư Yoshiaki Tokumaru đã nói cách nay 14 năm khi ông tham dự Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An: " Mặc dù có thể đã có những sự kiện đáng buồn trong lịch sử quan hệ Nhật - Việt, nhưng cũng đã có những sự trao đổi mang tính chất hòa bình và xây dựng (...) (15). Và có lẽ còn hơn thế nữa: Sau khi người Nhật đã dừng chân chiêm ngưỡng và góp phần thúc nở đóa hoa Nhã nhạc cung đình Việt trong vườn ngự của Văn minh Nhân loại, trong mấy năm gấn đây, quan hệ giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt-Nhật đã ghi thêm nhiều nét son tươi thắm . Trong khi nhiều nữ du khách Nhật Bản tung tăng trong chiếc áo dài duyên dáng trên đường phố Sài Gòn, thì Festival Văn Hóa - Du Lịch Việt Nam được tổ chức tại nhiều thành phố Nhật ( 2001) . Để đáp lễ nhau, Nhật Bản gửi đoàn nghệ thuật Nhật Bản Kuna Uka tham dự biểu diễn tại Festival Huế 2002, bên cạnh các đoàn nghệ thuật của Lào, Campuchia, Đại Hàn, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pháp, trong mùa xuân 2002. Cuối năm 2003, ngành thời trang Việt Nam đã cử hành một "Cuộc hiến dâng ở Đền Thiêng" : tại ngôi đền cổ Kiyomizu ở cố đô Kyoto, trước 100 vị khách tiếng tăm của Nhật và hàng ngàn du khách quốc tế nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã để cho 60 thiếu nữ Việt và Nhật trình diễn 60 bộ trang phục kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt Nam và văn hoá Nhật Bản. Chị Minh Hạnh đã nói : " Tôi cảm thấy rất vinh dự vì mình là người Việt đầu tiên biểu diễn thời trang tại một ngôi đền được người Nhật Bản tôn kính. Điều này thể hiện người Nhật rất yêu quí Việt Nam. Xuất phát từ tình cảm trân trọng này tôi đã lấy ý tưởng từ đường nét của tà áo dài truyền thống của Việt Nam và chiếc áo kimono cùng những hoa văn truyền thống của Nhật để tạo nên bộ sưu tập mang tên "Trở lại thiên đường" .

Mùa xuân 2004, Liên hoan văn hóa Nghệ thuật Dân gian Việt Nam được tổ chức tại Công viên Thống Nhất, trước Dinh Độc Lập cũ tại Sài Gòn, gồm năm khu : Khu Văn hóa lễ hội, Khu Trò chơi dân gian, Khu Sài Gòn - TP HCM "Hòn ngọc tỏa sáng", Khu triển lãm nhạc cụ và trang phục VN, Khu ẩm thực dân gian. Bảy đoàn nghệ thuật châu Á đã tham dự Liên hoan Folklore lớn này: đó là đoàn nghệ thuật dân gian Nhật Bản bên cạnh các đoàn của Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc ( từ 27 đến 30 tháng 4 ).

Giữa tháng 4-2004, các cơ quan truyền thông VN đưa tin : Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao đã quyết định hỗ trợ và Saigontourist cùng Vietnam Airlines đã quyết định tài trợ cho một đoàn điện ảnh Nhật Bản thuộc hãng phim truyền hình Asahi đến Việt Nam thực hiện, từ 18-4 đến 18-5, bộ phim truyền hình dài 10 tập (tổng cộng 300 phút) mang tên Việt Nam Mến Yêu . Ông Masao Omadaka, giám đốc sản xuát phim, cho biết : Truyện phim xoay quanh hành trình của cô Yuko - do diễn viên Nishida nổi tiếng đóng - đến VN tìm người yêu Việt của anh trai mình. Trong thời gian rong ruổi trên các cung đường từ TP. HCM đến Tiền Giang, Mũi Né, Hội An, Huế, Hà Nội, Bắc Ninh... Yuko và các bạn người Nhật của cô sẽ khám phá những nét hấp dẫn của thiên nhiên, phong cảnh, sự độc đáo của nền văn hóa lâu đời, sức hấp dẫn của nền ẩm thực cùng sự hồn nhiên , đôn hậu, thân thiện của người Việt. Nhà điện ảnh Masao Omadaka nhấn mạnh : " Việt Nam Mến Yêu (10 tập) có lẽ là phim truyền hình dài hơi nhất của Nhật quay tại VN nhằm quảng bá văn hóa du lịch VN với công chúng Nhật. Phim sẽ được công chiếu vào " giờ vàng " tại Nhật: các buổi trưa thứ bảy hàng tuần từ tháng 10 đến đến tháng 12-2004 trên các kênh truyền hình Asahi, NHK, ... Đối với du khách Nhật, đặc biệt giới trẻ, VN đang trở thành điểm đến hấp dẫn ... Tôi tin chắc hàng năm sẽ có hàng triệu du khách Nhật đến Việt Nam ... (16)

Nói như nhà thơ Malherbe thời Phục Hưng Pháp : "Et les fruits passeront la promesse des fleurs" (Rồi trái sẽ vượt xa lời hoa hẹn nguyền).

Lê Văn Hảo
(Paris, tháng 5-2004)
Chú thích và tham khảo
(1) Nguyễn Lân Dũng, Kinh nghiệm Nhật Bản, tập san Kiến Thức Ngày Nay, thành phố Hồ Chí Minh, số Xuân Tết 2004, tr. 26-29.

(2) Yoshiaki Ishizawa,Phát biểu bế mạc, Đô thị cổ Hội An, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế , Đà Nẵng, 22/23-3-1990, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991, tr. 381.

(3) Thu Hằng, Thông tin về Hội thảo khoa học : Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản : Quá khứ, hiện tại và tương lai, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, Hà Nội, số 6-2003.

(4) Critophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 92.

(5) Vũ Ninh Giang, Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An ; Đỗ Bang, Quan hệ và phương thức buôn bán giữa Hội An với trong nước, Đô thị cổ Hội An, Kỉ yếu Hội thảo , sách đã dẫn, tr. 205-215, 231-245.

(6) Phan Huy Lê, Hội An : lịch sử và hiện trạng , Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo, sách đã dẫn, tr. 23-24.

(7) Vĩnh Sính (giới thiệu và chú giải), Một văn thư vương quốc Lưu Cầu gởi sang Việt Nam vào đầu thế kỉ XVI, tập san Diễn Đàn, Paris, số 127, tháng 3-2003, tr. 29-32 ; Kunie Kawamoto, Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban Tsuusho (Ngoại Phiên Thông Thư), Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo , sách đã dẫn, tr. 169-178.

(8) Hasebe Gakuji, Tìm hiểu mối quan hệ Nhật-Việt qua đồ gốm, sứ, Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo , sách đã dẫn, tr. 81-83.

(9) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Lối xưa xe ngựa, tập I và II, Nxb An Tiêm, Paris.

Oguro Sadao, Về bức tranh Giao Chỉ quốc Mậu dịch độ hải đồ, Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo , sách đã dẫn, tr. 193-200.

(10) Furata Motoo, Tại sao ở Nhật Bản có nhiều nhà Việt Nam học ? , Việt Nam học, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội 15/17-7-1998, tập I, tr. 204-205.

(11) Izumi Takahashi, Các tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở Nhật Bản, Việt Nam học, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, sách đã dẫn, tập II, tr. 428-444.

(12) Trần Chính, Trò chuyện với giáo sư Hà Văn Cầu: Chèo ta đi Nhật, báo Nhân Dân, Hà Nội, số 12 (320), ngày 19-3-1995, tr. 9, 15.

(13) Lê Văn : Năm 2003, Việt Nam hai lần được vinh danh : Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Nhã Nhạc Cung đình Huế, di sản của nhân loại , Chim Việt Canh Nam, báo Online, số 16 18 - 05 - 2004

(14) Trần Kiều Lại Thủy, Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1997, Lời giới thiệu của giáo sư Trần Văn Khê tr. 5-6.

(15) Yoshiaki Ishizawa, Hội An và cư dân Nhật trước đây, Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo .... Sđd, tr. 30.

(16) Chúng tôi yêu Việt Nam, Ông Masao Omakada trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Tiến Đạt, T.s. Tuổi Trẻ Chủ Nhật (TP.HCM) số 17-05 ra ngày 2-5-2004, tr. 26.



Trở Về  ]