Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Furuta MOTOO |
Nhân
dịp GS Furuta Motoo cùng với GS Yumio Sakurai được Đại học
Quốc gia Hà Nội trao bằng Tiến sĩ Danh dự ngày 17-9-2003 tại
Hà Nội, giáo sư đã có bài phát biểu sau đây nói lên bước
đường đến với Việt Nam học của mình (Đầu đề do Xưa
& Nay đặt)
...Hôm nay, tôi rất vui mừng và vinh dự nhận được bằng Tiến sĩ Danh dự cao quý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2003 là năm kỷ niệm 30 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam. Cá nhân tôi cũng bắt đầu nghiên cứu Việt Nam cách đây khoảng 30 năm, đi sau GS. Sakurai một bước. Khi đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra rất ác liệt và vấn đề Việt Nam đang là tiêu điểm trên vũ đài chính trị quốc tế. Khi đó, tôi đang là sinh viên đại học và tôi cho rằng " Việt Nam là trung tâm của thế giới " nên nếu hiểu được Việt Nam thì có thể hiểu được thế giới dễ dàng hơn và tôi đã chọn Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình. Từ đó đến nay, hơn 30 năm qua, tôi nghiên cứu Việt Nam theo phương pháp " nghiên cứu thế giới lấy Việt Nam làm trung tâm ". Năm 1995, tôi xuất bản một cuốn sách với nhan đề Việt Nam trong lịch sử thế giới. Đây là cuốn sách tổng kết cách nhìn lịch sử Việt Nam của tôi. Trong cuốn sách này, dựa vào phương pháp vừa xem xét Việt Nam trong dòng lịch sử của thế giới nhân loại, vừa phân tích người Việt Nam tự xác định vị trí của mình trong thế giới như thế nào ở từng thời kỳ lịch sử, tôi đã mạnh dạn trình bày các bước phát triển lịch sử của Việt Nam cho đến hiện nay. Đối với một nhà nghiên cứu Việt Nam học có ý niệm " Việt Nam là trung tâm của thế giới "như tôi thì không có gì vinh dự bằng việc được nhận bằng Tiến sĩ của Việt Nam. Thời thanh niên, nhờ có cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, tôi đã gặp được Việt Nam. Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng đây là một điều may mắn lớn của cuộc đời mình. Trong cuộc đời nghiên cứu Việt Nam, tôi còn có một may mắn khác nữa, đó là việc tôi đã sớm có quan hệ với Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, tức là nền tảng của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Từ năm 1973, khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản , Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cử giáo viên dạy tiếng Việt sang Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Tokyo. Thầy giáo đầu tiên từ Hà Nội sang là thầy Nguyễn Cao Đàm. Từ năm 1974 đến năm 1976, tôi được thầy Nguyễn Cao Đàm dạy dỗ 3 năm liền. Sau đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều về lịch sử và xã hội Việt Nam từ các giáo sư khác của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội như GS Phan Huy Lê. Có thể nói, tôi là " sản phẩm đào tạo " của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đối với một " sản phẩm đào tạo " như tôi, không có vinh dự nào lớn hơn là được nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một nhà Việt Nam học làm việc ở Trường Đại học Quốc gia Tokyo, tôi có nguyện vọng trở thành chiếc cầu nhỏ nối liền giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tokyo. Trong mấy năm gần đây, mối quan hệ giữa hai trường đại học chúng ta đã phát triển khá mạnh. Năm 1999, hai trường chúng ta đã chính thức ký văn bản hợp tác và cùng nhau thành lập Văn phòng liên lạc Chương trình hợp tác nghiên cứu giữa hai trường. Từ đó đến nay, cùng với Trrường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) và Trường Đại học Seoul (Hàn Quốc), mỗi năm một lần, hai trường chúng ta đã tổ chức " Diễn đàn bốn trường đại học Đông Á " và tiến hành trao đổi ý kiến về những vấn đề chung liên quan đến giáo dục đại học. Năm 2001, khi " Diễn đàn bốn trường đại học Đông Á " lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hoá Tổng hợp thuộc Đại học Quốc gia Tokyo và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký văn bản trao đổi lưu học sinh ngắn hạn. Tôi rất vui vì mình đã góp được một phần nhỏ vào quá trình phát triển hợp tác giữa hai trường. Như tôi đã trình bày trong Hội thảo khoa học về Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản : Những vấn đề lịch sử và hiện tại do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, Đại học Quốc gia Tokyo chúng tôi đang hướng mạnh về Châu Á. Tháng 3 năm nay, Hội đồng Giám hiệu Đại học Quốc gia Tokyo đã thông qua " Hiến chương Đại học Quốc gia Tokyo " một văn bản quan trọng. Trong lời mở đầu của " Hiến chương ", vị trí quốc tế của Đại học Quốc gia Tokyo được khẳng định là " Đại học Quốc gia Tokyo luôn luôn tự thấy rằng mình là một trường đại học Nhật Bản nằm ở khu vực châu Á, phát huy những thành quả nghiên cứu khoa học đặc sắc của Nhật Bản, trường phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với khu vực châu Á, xúc tiến giao lưu với tất cả các khu vực trên thế giới ". Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Đại học Quốc gia Tokyo hướng mạnh về châu Á. " Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây " là mục tiêu cơ bản của Nhật Bản cận đại từ thời Minh Trị. Đại học Quốc gia Tokyo đã là cơ sở phục vụ mục tiêu cơ bản này. Đại học Quốc gia Tokyo được xây dựng theo mô hình phương Tây và sứ mệnh cơ bản của Trường là giới thiệu khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây cho Nhật Bản. Vì vậy, Đại học Quốc gia Tokyo có tính chất " hướng về phương Tây " rất mạnh. Với lịch sử như vậy, việc hướng về châu Á là một đổi thay rất lớn đối với Đại học Quốc gia Tokyo. Chính vì vậy, đối với Đại học Quốc gia Tokyo, Đại học Quốc gia Hà Nội là một đối tác rất quan trọng. Tôi cho rằng, nếu so với tiềm năng to lớn của mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội thì những thành tựu mà chúng ta đã đạt được vẫn còn rất nhỏ bé. Nhân dịp tôi vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi xin hứa với các vị rằng, cùng với GS Sakurai, tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai đại học chúng ta. |
[ Trở Về ]