Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VIỆT NAM 
CỦA TÔI TRONG 38 NĂM
Yumio SAKURAI
Ngày 17 tháng 9-2003 hai vị giáo sư Nhật Bản Yumio Sakurai và Furuta Motoo thuộc Đại học Quốc gia Tokyo, đã được trao bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại học Quốc gia Hà Nội vì những công trình nghiên cứu về Việt Nam của hai vị. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS Sakurai (viết bằng tiếng Việt) điểm lại quá trình nghiên cứu Việt Nam của các học giả Nhật Bản, và nói lên sự hợp tác khoa học giữa hai nước trong những năm gần đây.

Các thế hệ nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản

Trưóc thế hệ Tatsuro Yamamoto, chúng tôi không có chuyên gia Đông Nam Á học ở Nhật Bản.

GS Tatsuro Yamamoto (1910-2001) vốn là chuyên gia lịch sử Nam Hải Trung Quốc (Đông Hải Việt Nam). Sau đó, ông học tập với GS Georges Coedes ở Hà Nội giữa năm 1940 và 1942. Ông là người đầu tiên phát hiện ra di tích Vân Hải tức là cảng Vân Đảo ngày xưa. Ông bắt đầu sáng tạo khái niệm và phương pháp nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á. Công trình nhgiên cứu về Việt Nam của ông chủ yếu là Nghiên cứu lịch sử An Nam (xuất bản năm 1950), Lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc (1975). Ông áp dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cho nghiên cứu Việt Nam. Hồi đó, nghiên cứu Trung Quốc ở Nhật Bản có trình độ cao nhất trên thế giới về mặt phương pháp thực chứng (positivism) và phương pháp giải thích văn thư bằng tiếng Trung Quốc cổ. Chính vì vậy, trình độä nghiên cứu lịch sử Việt Nam phong kiến ở Nhật tiến bộ rất nhanh trước thời kỳ chiến tranh. Nhưng mặc dù chính phủ yêu cầu, ông không bao giờ tham gia và giúp đỡ chiến tranh xâm lược ở Đông Nam Á.

Trong dịp này, tôi xin giới thiệu tên các học giả Nhật đã góp phần cho phát triển nghiên cứu Việt Nam ở Nhật với ông Tatsuro Yamamoto :

-Matsumoto Nobuhiro, nhà dân tộc học, GS Đại học Keio, tác giả Văn hoá và dân tộc Đông Dương 1940, nghiên cứu trống đồng theo phân loại của Heger.

-Takeda Ryuji, nhà sử học, GS Đại học Keio, nghiên cứu chế độ khoa cử nhà Lê và nhà Nguyễn.

-Fujiwara Riichiro, nhà sử học, GS Đại học Phụ nữ Kyoto, nghiên cứu lịch sử Hội An, Phố Hiến và Hà Tiên.

-Makino Tastumi, nhà xã hội học, nghiên cứu chế độ gia đình Việt Nam.

-Niida Noboru, nhà luật học, nghiên cứu luật lệ nhà Lê.

Mọi người bắt đầu nghiên cứu Việt Nam dưới ảnh hưởng của chính sách nam tiến Nhật Bản trong những năm 1930 và tiếp tục sau chiến tranh. Đặc tính của thế hệ này là không có điều kiện học ở Việt Nam cho nên có kiến thức về tiếng Việt rất ít. Các ông nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và Trung Quốc.

Ông Yamamoto nhận huân chương Văn hoá tối cao từ Thiên Hoàng Nhật Bản năm 1998 và huân chương Hữu nghị từ Chính phủ Việt Nam năm 2003.

Thời kỳ bắt đầu nghiên cứu Việt Nam của tôi : 1964-1977

Ông Yamamoto lên lớp lịch sử Đông Nam Á ở Đại học Tokyo từ năm 1937 đến 1970. 33 năm. Chính vì vậy, ông đã bồi dưỡng rất nhiều học giả nghiên cứu khu vực này. Trong đó, tôi là một học trò cuối cùng.

Tôi sinh ra năm 1945 và vào Đại học Tokyo năm 1963 khi chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam bắt đầu. Tôi có nhiều quan tâm về kiểu kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Tôi đã viết bài luận về Việt Nam đầu tiên tên là Quan hệ cải cách ruộng đất của Ngô Đình Diệm năm 1958 Khởi nghĩa nông dân miền Nam Việt Nam năm 1964, lúc đó tôi 19 tuổi.

Nhưng chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu Việt Nam như hiện nay. Ví dụ Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo bắt đầu có bộ môn tiếng Việt năm 1967, sau khi tôi tốt nghiệp Đại học Tokyo. Tôi chưa bao giờ có cơ hội học tiếng Việt chính xác. Tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử Việt Nam trung đại với GS Yamamoto bằng tiếng Pháp và Trung Quốc. Chính vì vậy, tôi cho rằng tôi là học giả cuối cùng của thế hệ trước.

Nhưng trong quá trình đó, tôi có may mắn đọc hai quyển sách tên là Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ do Pierre Gourou viết. Tôi có quan tâm về quan hệ giữa chế độ công điền trong làng xã Việt Nam và nông thôn xã hội chủ nghĩa hoá ở miền Bắc trong thời gian đầu những năm 1960. GS Yamamoto giới thiệu nhiều bài luận về chế độ công điền như Vũ Văn Hiền và nhiều tài liệu ở EFEO Paris. Ông gửi nhiều microfilm của văn thư nhà Lê và Nguyễn cho tôi từ 1965 đến 1967. Tôi đã viết bài luận tốt nghiệp khoa sử Đại học Tokyo tên là Nghiên cứu chế độ công điền trong thời kỳ nhà Lê. Kết quả so sánh giữa hai giai đoạn về chế độ công điền Hồng Đức và Vĩnh Thành tức là năm 1711 trên phân tích tài liệu văn thư nhà Lê như các nhà Cấu Sai và Hội điển Lê triều và các địa bạ tổng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản gồm có làng Bách Cốc, là chế độ công điền vốn là chế độ ruộng đất sở hữu của nhà nước theo kết quả khai thác vùng trũng đồng bằng sông Hồng như Nam Định và Thái Bình, nhưng trong giai đoạn thế kỷ 17 và 18.

Nhưng thời kỳ đó tôi chưa biết tên của GS Phan Huy Lê, Nguyễn Đức Nghinh v v... Những năm 1967, 68 và 69 chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt. Chúng tôi là thanh niên Nhật Bản cùng đấu tranh chống chính phủ Nhật Bản và Mỹ để ủng hộ Việt Nam. Nhiều sinh viên chiếm lĩnh trường đại học và hàng ngày đấu tranh chống cảnh sát Nhật. Tôi không có may mắn trong thời kỳ đó. GS Yamamoto là trưởng khoa Nhân văn, tôi là một người lãnh đạo mặt trận sinh viên, tôi và GS đối lập nhau trên mặt chính trị. Nhưng trên mặt khoa học, GS ủng hộ tôi rất nhiều. Trong thời gian đó, tôi dịch và xuất bản một quyển sách do Georges Coedes viết , tên là Các dân tộc bán đảo Đông Dương xuất bản năm 1969, có lời giới thiệu của GS Yamamoto, mặc dù thời gian này tôi đã thôi học rồi.

Năm 1971, tôi làm nghiên cứu sinh một lần nữa, nhưng lúc đó, GS đã về hưu rồi. Tôi tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi chưa có tài liệu Việt Nam về chiến tranh chống Mỹ. Chính vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu phong trào Cần Vương năm 1885 ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

Năm 1972, tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Tokyo. Cho đến năm 1976, theo đề nghị của GS Yamamoto, tôi còn tiếp tục nghiên cứu lịch sử chế độ công điền. Đồng thời, tôi bắt đầu nghiên cứu chế độ xã là một đơn vị hành chính địa phương dưới thời Lê sơ. Tôi kiểm tra tất cả tên của làng xã trên văn thư nhà Lê và Nguyễn và so sánh tên thời kỳ Pháp. Tôi phát biểu kết quả năm 1975 là tổng số xã và thôn (thôn hành chính) được chính phủ quyết định trong thời kỳ Hồng Đức, sau đó thay đổi rất ít. Cho nên, nông dân phải xây dựng đơn vị xã hội theo phát triển dân số và khai thác là đơn vị làng và xóm. Tôi nhấn mạnh về quá trình hình thành đơn vị xã hội trong địa phương có cấu thành hai tầng tức là chế độ xã thôn và chế độ làng xóm. Nhưng kiểu tổ chức trong làng xã trên thực tế rất phức tạp theo điều kiện xã hội và lịch sử khác.

Tôi còn tiếp tục nghiên cứu địa bạ tổng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, năm 1805. Điểm tập trung chủ yếu là nghiên cứu chế độ điền phu cảnh và kỳ tại. Kết luận của tôi là hình thái sở hữu ruộng đất tư nhân có nhiều loại. Theo sự phân tích của tôi thì có loại xã Đông Mỹ (làng Mỹ Trung hiện nay), loại thôn Bách Cốc, loại thôn Tiểu Cốc, loại điền này chưa thay đổi vì ruộng tư điền biến theo nguyên tắc phong tục xã hội và tình hình kinh tế nhưng công điền theo quy luật xã hội ổn định.

Trong thời kỳ đó, tôi có may mắn đọc nhiều bài luận của học giả Việt Nam. Tôi mới biết tên của GS Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Nguyễn Đức Nghinh và Vũ Huy Phúc v.v...

Và năm 1975, tôi có may mắn lớn sang Hà Nội mấy ngày theo đoàn du lịch Đảng Cộng Sản Nhật Bản. Tôi đi thăm HTX Trần Phú, được nhìn thấy làng Việt Nam đầu tiên đối với tôi.

Năm 1976, Nhà xuất bản Yamakawa đề nghị tôi viết một quyển sách về lịch sử hiện đại Việt Nam, chắc là theo đề nghị của GS Yamamoto. Mặc dù tôi chưa có kiến thức về Việt Nam hiện đại, tôi đồng ý vì tôi nghĩ rằng đó là cơ hội tốt cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện nay. Đầu năm 1977, tôi xuất bản một quyển sách tên là Lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó là kết quả nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 19 đến năm 1975. Quyển sách này còn được nhiều sinh viên học về Việt Nam đọc lần đầu tiên sau 28 năm.

Thời kỳ nghiên cứu Khu vực học

Năm 1977, tôi có may mắn làm cán bộ nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đạihọc Kyoto. Trước đây, phần lớn các nhà sử học không quan tâm đến Khu vực học, người ta cho rằng trình độ khoa học Khu vực học chưa cao và mục đích Khu vực học là thu thập thông tin cho đế quốc Mỹ. Nhiều thầy của tôi không đồng ý cho tôi học Khu vực học, trừ GS Yamamoto. Nhưng tôi là một chuyên gia về làng xã Việt Nam, nếu không có kinh nghiệm quan sát tình hình xã hội làng xã thì không thể có sáng kiến được. Tôi mong muốn học tập phương pháp điều tra nông thôn ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á.

Khi bắt đầu làm việc ở Trung tâm này, tôi rất ngạc nhiên là phần lớn các nhà nghiên cứu Đông Nam Á là học giả khoa học tự nhiên, như khoa học nông nghiệp và sinh thái học, nhưng có kiến thức rất phong phú về sinh hoạt của người nông dân trên thực tế. Tôi mới biết là nếu không có kiến thức khoa học nông nghiệp, nghiên cứu chế độ ruộng đất không phát triển được, nếu không có trí thức về thuỷ lợi học, không hiểu vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân được. Hơn nữa, nếu không có kinh nghiệm điều tra trực tiếp ở nông thôn thì không nhận được kiến thức chính. Tôi bắt đầu học tập phương pháp điều tra nông thôn theo các nhà nông nghiệp và sinh thái học. Tôi tham gia nhiều công trình điều tra ở Thái Lan, Indonesia rất nhiều lần và Miến Điện, Ấn Độ, Iraq, Iran, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc v.v ... Đặc biệt tôi sống ở Thái Lan một năm, Indonesia một năm. Tôi đã phát biểu nhiều bài luận về nông nghiệp các khu vực, như nông thôn Thái và Indonesia, tình hình thuỷ lợi Nam Ấn Độ, biên soạn và xuất bản Lịch sử nông nghiệp Nam Trung Quốc.

Đồng thời tôi còn tiếp tục nghiên cứu Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu khí hậu châu Á, tôi viết những bài về Thiên tai nông nghiệp trong thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn, để phân tích nguyên nhân của sự xuất hiện nông dân đi lang thang và quan hệ chế độ sở hữu ruộng đất, địa hình và điều kiện nông nghiệp.

Tôi tiếp tục nghiên cứu chế độ ruộng đất công trên cơ sở tri thức nông nghiệp, như nghiên cứu chế độ lương điền. Nhưng nghiên cứu chủ yếu về Việt Nam là nghiên cứu lịch sử khai thác đồng bằng sông Hồng như thế nào. Tôi đã phát biểu về kỹ thuật lạc điền là không phải tưới nước theo thuỷ triều mà là làm ruộng thiên nhiên ven biển phổ biến trong khu vực Đông Nam Á.

Tôi đã nghiên cứu về tình hình nông nghiệp trong thời kỳ Bắc thuộc, thế kỷ 10 , thời đại nhà Lý và nhà Trần. Khoa Nông nghiệp Đại học Tokyo cấp cho tôi bằng tiến sĩ nông học năm 1992.

Nhưng điều không may mắn nhất là chúng tôi chưa có điều kiện sang Việt Nam để nghiên cứu. Chúng tôi bị cô lập hoàn toàn.

Năm 1985, tôi có may mắn làm việc ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản và đi làm ở Sứ quán Nhật tại Hà Nội. Nhưng tình hình Hà Nội năm 1985 và 1986 rất lạnh nhạt đối với người Nhật. Chỉ có một ít người Việt như GS Lê Văn Sáng và ông Nguyễn Văn Cự ở Ban hợp tác quốc tế có quan hệ với tôi. Theo sự ủng hộ của hai ông, tôi được gặp những giáo sư như Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Đào Thế Tuấn, Chử Văn Tần và Trần Quốc Vượng. Sau khi về nước, năm 1987, tôi mời bốn học giả Việt Nam sang Kyoto và Tokyo để tổ chức hội thảo nghiên cứu việc trồng lúa sơ khai Nhật Bản và Việt Nam. Đó là lần đầu tiên học giả Nhật Bản có cơ hội thảo luận với học giả Việt Nam.

Cho đến nay, việc hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã phát triển đến mức nào thì chúng ta đã biết rồi. Mong rằng hành trình nghiên cứu của tôi sẽ đóng góp phần nào cho sự phát triển của nghiên cứu Việt Nam đối với các bạn trẻ Nhật Bản trong tương lai.



Trở Về  ]