HomeIndex

A-lại-da thức

阿 賴 耶 識; S: ālayavijñāna; dịch nghĩa là Tạng thức (藏 識).

Khái niệm quan trọng của Duy thức tông (s: vijñānavāda), một trong hai nhánh chính của Phật giáo Ðại thừa (s: mahāyāna). Trong trường phái này, A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng. Thức này chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần.

Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, qua đó người ta giải thích sự hiện hữu của »con người«, của »cá nhân«. Theo đó, các Chủng tử (s: bīja) của Nghiệp (s: karma; p: kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng. Các tư tưởng có tính riêng tư đó tác động trong mối liên hệ với Vô minh (s: avidyā) và Ngã (s: ātman) chấp làm cho mỗi người tưởng rằng có một con người đứng sau mọi hành động của mình. Tư tưởng đó lại gây tiếp các chủng tử của nghiệp, và nghiệp lại tiếp tục tạo tác. Vòng lẩn quẩn này chỉ được đối trị bằng quan điểm cho rằng, không hề có một thế giới độc lập ngoài Tâm. Theo đó thế giới chỉ là phản ánh của A-lại-da thức, con người chỉ thấy bóng dáng của chính tâm thức nó. A-lại-da thức thường được xem như là »sự thật cuối cùng«, có khi được gọi là Chân như (s: tathatā). Theo một quan điểm Phật giáo khác thì A-lại-da thức chỉ là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ (Pháp tướng tông).