摩 訶 悉 達 ; S: mahāsiddha; dịch nghĩa là Ðại thành tựu giả;
Danh hiệu chỉ những vị tu khổ hạnh, đã đạt cốt tủy của giáo pháp Tan-tra của Phật giáo (Vô thượng du-già) một cách siêu việt. Người ta nhắc đến nhiều nhất 84 vị Ma-ha Tất-đạt của thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 12 tại Ấn Ðộ, là những vị tu học khác hẳn truyền thống tu tập ở các Tinh xá (s, p: vihāra) của Ðại thừa. Ðó là những vị nam nữ, thuộc tầng lớp xã hội khác nhau, là những người đã để lại cho Phật giáo Bắc Ấn Ðộ và Tây Tạng một ảnh hưởng quyết định.
Tất-đạt (s: siddha) là các vị đã đạt thần thông, thần thông này được gọi là Tất-địa (s: siddhi). Người Xuất gia hay Cư sĩ đều có thể đạt Tất-địa. Trong thời đức Phật còn tại thế, người ta đã thừa nhận trong quá trình tu tập, hành giả có thể đạt thần thông nhất định, nhưng các thần thông đó đều vô ích, không đáng quan tâm. Chính đức Phật cũng không cho phép đệ tử mình thi triển thần thông, trừ khi cần phải thi triển vì mục đích giáo hóa. Thế nhưng Mật tông, nhất là truyền thống Tan-tra có khuynh hướng khuyến khích việc thi triển thần thông, xem nó như một trong những Phương tiện thiện xảo để giáo hóa. Vì thế phần lớn các vị Tất-đạt hay xiển dương thần thông như bay trên không, đi dưới nước, xuyên qua tường hay kéo dài thọ mệnh. Các vị đạt một ít thần thông nhất định được gọi là Tất-đạt, các vị đạt được nhiều thần thông được gọi là Ma-ha Tất-đạt. Người ta kể ra khoảng 34 thần thông khác nhau. Các vị đạt Tất-địa không nhất thiết là đã giải thoát. Trong sách vở truyền lại, ít có vị nào được ghi là »nhập Niết-bàn«. Phần lớn được gọi là »đi vào cõi của Không hành nữ«, được hiểu là nơi không còn tái sinh, tiếp tục tu học để giải thoát hoàn toàn.
Chuyện về 84 vị Ma-ha Tất-đạt do Abhayadatta Śrī, một cao tăng Ấn Ðộ ghi lại trong thế kỉ 11,12 trong một tập dưới tựa Lịch sử của 84 Tất-đạt (s: caturraśīti-siddha-pravṛtti, bản dịch của Keith Dowman và H.-W. Schumann). Truyền thống Tây Tạng cũng có những tập nói về chư vị nhưng có khác đôi chút. Trong quyển sách này, sự tích các vị là dựa vào tập của Abhayadatta. Ða số 84 vị này đều sống trong khoảng từ thế kỉ thứ 8 đến 12 và truyền thừa cho nhau. Các vị thường có rất nhiều tên khác nhau, phần lớn dựa vào tính chất đắc đạo hay nghề nghiệp các vị đó. Các câu chuyện truyền lại với những thần thông khác nhau có thể được thêm bớt, nhưng người ta cho rằng tất cả các vị đó đều là những nhân vật lịch sử, đã sống thật trên trái đất này.
Ngày nay người ta còn tìm thấy tiểu sử của 84 vị Ma-ha Tất-đạt trong kinh sách Tây Tạng như Cha-tra-ba (s: catrapa), người hành khất; Kan-ta-li-pa (s: kantalipa), thợ may và Kum-ba-ri-pa (s: kumbharipa), thợ gốm. Người ta cũng phải kể các vị như nhà vua In-đra-bu-ti (s: indrabhūti) và người em gái La-kha Min-ka-ra (s: lakṣmīṅkarā) cũng như Luận sư San-ti-pa (s: śāntipa). Ðời sống các vị đó khác nhau rất nhiều nhưng tất cả đều có chung một điều là các vị đều phải trải qua một cơn khủng hoảng trong đời, gặp một lời khai thị của một vị Ðạo sư và biến khủng hoảng đó thành đạo giải thoát. Các vị thường có thái độ khó hiểu và ưa dùng nghịch lí để diễn tả cái không thể lĩnh hội được của sự thật vô thượng. Trong tiểu sử của vị Ma-ha Tất-đạt Tan-tê-pa (s: taṅtepa), người ta thấy sự hòa nhập giữa một cuộc đời tối tăm nhất và sự giác ngộ cao cả. Ông là người đánh bạc, phá tan gia sản và chỉ nhờ câu khai thị – thế giới thật ra cũng trống rỗng như túi tiền của mình – ông đạt giác ngộ và thực hiện Niết-bàn.
Các bài kệ ca tụng Chân như, trong đây được tạm dịch là chứng đạo kệ (s: dohā; Hán âm là Ðạo-bả, 道 把) của các vị Ma-ha Tất-đạt thường rất thi vị và kích thích sức tưởng tượng. Tại Tây Tạng, truyền thống ca hát đó được Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) và Drug-pa Kun-leg tiếp nối. Bài ca sau đây của người thợ rèn Sa-ra-ha, một trong những vị Ma-ha Tất-đạt danh tiếng nhất, để lại ấn tượng khó quên: »Ai thấu hiểu rằng, đầu đuôi chẳng có tâm thức nào cả, người đó đã thực hiện tâm Phật ba đời.«