T: drugpa kunleg ['brug-pa kun-legs], 1455-1570, nghĩa là »Con rồng tốt bụng«;
Một trong những »Cuồng Thánh« nổi tiếng nhất Tây Tạng. Sư trước học theo dòng Drug-pa trong tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa), sau đó lại thích du phương tùy duyên giáo hóa.
Sư được xem là hiện thân của hai vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) Sa-ra-ha và Sa-va-ri-pa (s: śavaripa). Sư có công lớn trong việc truyền Phật pháp đến nước Bhutan và nổi danh trong quần chúng vì sự »mê« gái và rượu bia. Sư để lại nhiều bài hát thổ lộ điều nhận thức chân lí trực tiếp của mình, có thể so sánh được với những bài kệ của những vị Thiền sư Trung Quốc – ví như:
Tên ta là rồng điên, Drug-pa Kun-leg
Ta không phải du tăng xin ăn, xin áo
Ta đã xuất gia hành hương
Một cuộc hành hương bất tận.
Sư là biểu tượng đặc sắc nhất của những vị Ma-ha Tất-đạt với nhiều gương mặt khác nhau, nếu không nói là nghịch nhau. Mặt nạ cuồng điên tạo điều kiện sinh sống, hoằng hóa tự do tự tại, vượt qua tất cả những luân lí trói buộc của thế gian. Và chính vì những hành động điên rồ này mà Sư đã chinh phục được nhiều người ở những tầng cấp xã hội khác, những người không thể thuyết phục được bằng những lời thuyết pháp bình thường. Sư tự hát:
Vũ sư trong dòng ảo ảnh bất diệt
Người có uy quyền, ... Vị anh hùng...
Du-già sư nhỏ bé... Tiên tri
Du-già sư, người đã nếm Nhất vị
Ðó chỉ là một vài mặt nạ ta mang.
Câu chuyện sau thường được nhắc lại và qua đó người ta có thể lường được phong cách »cuồng« nhưng siêu việt của Sư:
Một ngày nọ, có một bà cụ già tay cầm một bức Thăng-ka vào một tu viện cầu mong vị viện chủ ban phép lành cho bức ảnh này – một tục lệ phổ biến tại Tây Tạng, gần giống như việc Khai nhãn một tượng Phật hoặc Bồ Tát tại Ðông, Ðông nam á. Bức tranh của bà lão trình bày vị Hộ Thần Hê-ru-ka và được cuốn tròn để dễ cầm tay. Vừa đi đến tu viện – vốn nằm trên một ngọn đồi – bà lão tự nghĩ »Viện chủ là một người tài cao đức rộng, nhưng sư đệ của ông lại là một người phiêu bồng, không bằng một phần của viện chủ.« Vừa mới phát ý nghĩ này thì Drug-pa Kun-leg xuất hiện trước mặt bà như một bóng ma, hỏi bà muốn gì và bảo rằng: »Sư huynh của ta ngồi như một lĩnh chúa với đám tùy tòng, ngoài sự việc này ra thì chẳng có gì đáng xem trên ấy cả.« Chần chừ giây lâu, bà lão đành phải trình bày nguyện vọng của mình và mở bức tranh cho Sư xem. Sư hỏi với một giọng ngớ ngẩn: »Bức tranh này mà Bà muốn ban phép à?« Bà thưa: »Tất nhiên là con muốn« nhưng chưa kịp nói thêm thì Sư đã vạch quần, tiểu tiện vào bức tranh và bảo: »Những người như ta thì ban phép lành cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây.« Nói xong, Sư biến mất một cách đột ngột như lúc xuất hiện. Gặp viện chủ, bà lão trình lại sự việc trên và chỉ nhận được một tràng cười to. Viện chủ bảo bà cứ mở bức tranh ra xem và lạ thay, bức tranh lúc này đã được phủ một lớp bụi vàng óng ánh. Viện chủ tươi cười bảo: »Hê-ru-ka đã tự mình ban phép cho bức tranh, bà không cần tôi nữa đâu.«