HomeIndex

Phương tiện

方 便 ; S, P: upāya; J: háben; thường được gọi là »Phương tiện thiện xảo« (善 巧 方 便 ; s: upāyakauśalya);

Có nhiều khía cạnh:

1. Phương tiện của Bồ Tát nhằm giúp chúng sinh giải thoát, với nhiều cách thức khác nhau, từ giáo hóa đơn giản cho đến những thần thông siêu nhiên. Phương pháp này được xem là một trong những hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ) mà Bồ Tát hoàn thành trong cấp thứ 7 của Bồ Tát thập địa (Thập địa).

2. Phương tiện trong cách trình bày giáo pháp. Nhiều trường phái Phật giáo (Hoa nghiêm, Thiên Thai) cho rằng chính đức Phật lịch sử đã áp dụng phương tiện này rồi, khi Ngài tùy căn cơ từng người mà giảng dạy. Ðặc biệt Ngài đã trình bày giáo lí Tiểu thừa trong giai đoạn một, rồi lúc cuối đời mới giảng pháp Ðại thừa đầy đủ hơn, đặc biệt trong kinh Diệu pháp liên hoa.

Phương tiện được xem là khía cạnh hoạt động của cái Tuyệt đối trong thế giới tương đối của hiện tượng, hiện thành lòng Từ (s, p: maitrī). Phương tiện là khía cạnh ngược của trí Bát-nhã (s: prajñā). Nếu Bát-nhã tượng trưng cho thể tính duy nhất của vạn sự thì phương tiện tượng trưng cho chính cái thiên hình vạn trạng. Trong cách nhìn của bậc giác ngộ thì với con mắt Bát-nhã (Huệ nhãn), Phật hay Bồ Tát không thấy có chúng sinh đau khổ, vì không có gì hiện hữu ngoài Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân). Còn nếu các Ngài nhìn với con mắt của lòng Từ (s: maitrī) thì khắp nơi đều là Khổ, Khổ do chấp trước vào sắc tướng. Muốn cứu độ chúng sinh thoát khổ, các Ngài dùng mọi phương tiện giúp chúng sinh đạt Niết-bàn, vốn xuất phát từ lòng Từ vô lượng của Pháp thân.