Từ chuột sang trâu
Kính gửi: Quý khách hàng thân thương,
Tôi có thói quen viết thư cho người thân, cho bạn bè, cho khách hàng vào dịp đầu năm và cuối năm. Và hôm nay, năm Mậu Tý sắp qua, năm Kỷ Sửu đang đến, trong tiết trời se lạnh của ngày cuối đông, tôi ngồi yên tại nơi yên tĩnh, giữ hơi thở ra vào đều đặn, hít vào tâm trí nghĩ đến bao nhiêu gương mặt của khách hàng yêu mến, thở ra nghĩ đến những mỏi mệt và vất vả của khách hàng tan biến theo. Giữ chánh niệm trong từng phím gõ và đem tâm về với thân để tạo năng lượng của sự thật thà và tình yêu thương rộng mở, tôi chúc cho khách hàng an lạc và vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế này.
Năm nay tôi chọn chủ đề “Từ chuột sang trâu” để viết lá thư chia sẻ cuối năm, gửi đến quý khách hàng thay cho sự hiện diện của tôi và lời cám ơn chân thành từ Công ty Cổ Phần Titan.
Năm chuột đã qua
Đầu năm 2008 (Mậu Tý), tôi có viết bài về “Năm Mậu Tý lành hay dữ”. Trong bài viết đó, tôi dựa vào các yếu tố âm dương, ngũ hành, thiên can Mậu và địa chi Tý để nói về những biến cố sẽ xảy ra trong năm này. Hôm nay tôi ngồi lại kiểm tra thì thấy hoàn toàn chính xác. Các biến cố từ thiên tai, kinh tế, xã hội, chính trị và đặc biệt những ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến doanh nghiệp. Một năm đúng như tên gọi của nó - năm Chuột.
Ông bà ta ngày xưa có câu “Cháy nhà ra mặt chuột”. Năm Tý này có quá nhiều loài chuột, từ sự “ra mặt chuột” của Bernard Madoff, nhà ảo thuật tài chính đã làm biến mất 50 tỷ USD khiến cho bao nhiêu doanh nhân khác phải nhảy lầu, lao đầu vào xe lửa; cho đến con chuột Vedan nhảy ra từ đống bùn đen hôi thối, sau khi uống cạn dòng nước trong xanh của sông Thị Vải và thải ra hàng đống phân hôi thối đầy ô nhiễm, đến nỗi con cá, con bọ cũng chết chứ nói chi con chuột, cuối cùng nhảy lên bờ bị tóm cổ...
Trong đó, đáng kể hơn là con chuột sữa melanium đã chui vào bao nhiêu cơ thể em bé trên toàn thế giới này. Năm dương hỏa của mậu tý đã làm cháy biết bao nhiêu công ty, bao nhiêu căn nhà và lòi ra rất nhiều loại chuột, từ chuột bé, chuột đại, chuột nhắt, chuột cống, chuột xạ... nhiều đến thế. Tất cả đều phơi mặt, đều “lòi ra” phơi bày sau bao ngày chui rúc trong hang ổ.
Năm trâu đã đến
Chưa có một con vật nào xuất hiện nhiều trong thi ca hay văn học như con trâu, đến nỗi khi nói điều gì tồi tệ họ cũng tránh không chạm đến hình ảnh con vật thân thương này. Người ta nói “ngu như bò” chứ không nghe nói “ngu như trâu”. Liệu bức tranh toàn cầu năm 2009 mang hình ảnh con trâu không? Ảnh hưởng suy thoái kinh tế sẽ nhấn chìm biết bao doanh nghiệp xuống đám ruộng, và một năm 2009 tới đây các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phải “cày” hết sức.
Đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải đoàn kết hơn bao giờ hết, phải chia sẻ yêu thương hơn bao giờ hết. Như câu chuyện tôi kể dưới đây:
“Một đàn trâu gồm 10 con, lúc nào cũng quây quần chia sẻ với nhau từng cọng cỏ, thức ăn. Cả đàn đi đâu cũng có nhau, tạo thành một đàn mạnh mẽ, oai hùng với những cặp sừng nhọn hoắc. Nhà cọp rình mãi để vồ ăn thịt nhưng không thể làm gì được. Đến một hôm, sau một mùa mưa, các luống cỏ mọc lên xanh mướt, một anh trâu đực suy nghĩ, mình phải dậy sớm và lén đi một mình ăn những mảng cỏ xanh kia. Khi phát hiện, cả bầy không đồng tình và cho rằng ăn hỗn, từ đó có sự tranh giành và mặc ai nấy ăn riêng. Cọp được cơ hội, cứ dần dần vồ lấy từng con một.”
Năm Kỷ Sửu có can kỷ thuộc thổ, chi sửu cũng thuộc thổ, tức là có sự chan hoà giữa Thiên (trời) và Địa (đất), đó cũng là điều lành cho năm 2009, ít thiên tai hơn so với 2008. Năm Kỷ Sửu cũng là năm thuận lợi cho người mệnh hoả và tốt cho người mệnh thổ. Những ngành nghề thuộc hành hỏa và thổ năm nay cũng gặm được cỏ xanh, nhưng coi chừng có sâu bọ.
Cùng tắc biến, biến tắc thông
Từ các báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư, phòng Công nghiệp Việt nam (VCCI), hàng ngàn doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng không có khả năng duy trì và tiếp tục hoạt động. Các báo thì dùng từ “phá sản, giải thể”, tôi cho rằng không phù hợp.
Như khi ta thấy một doanh nghiệp không còn hoạt động, ta cho đó là doanh nghiệp đã chết. Cũng như khi thấy một bông hoa rụng xuống ta nói rằng hoa chết, một đám mây tan đi ta cho đó là mây chết... Nhưng chẳng có gì chết đi cả, mà chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Từ hoa chuyển sang thành rác, thành mùn, giúp cho cây xanh tốt, ra hoa; từ mây sang thành nước để vào trong tách trà ta đang cầm trên tay...
Chúng ta thường ưa thích thành công, sợ thất bại. Nhưng thành công và thất bại làm ra nhau, đẹp và xấu làm ra nhau; không có rác thì không có hoa, không có thất bại thì không có thành công. Hiểu được như vậy thì nỗi lo sợ của doanh nhân không còn nữa, chúng ta có thể vui với vợ, chơi với con và cưỡi lên lưng trâu mà thẳng tiến.
Chân thắng và chân ga
Hẳn trong các doanh nhân ai cũng đã từng lái xe hơi. Lúc cần tăng tốc, vượt lên phía trước, qua mặt các xe khác thì nhấn chân ga, còn khi nào dừng lại, giảm tốc độ thì đạp chân thắng. Nhưng khi tôi hỏi anh bạn: “chân thắng và chân ga, chân nào quan trọng hơn?” thì anh không trả lời được!
Không ai chạy xe mà không có chân thắng, mà không ai chạy xe không có chân ga, chân thắng và chân ga phải luôn tồn tại song hành. Khi chạy càng nhanh, ôm cua càng gấp thì chân thắng phải vững. Nếu chân ga đại diện cho sự tăng trưởng doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp thì chân thắng đại diện cho văn hóa doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp nhờ chân ga mạnh nên chạy rất nhanh, nhưng vì chân thắng yếu nên khi có chướng ngại bất ngờ hay ổ gà là lăn đùng ra, hết chạy... Những ổ gà, những chướng ngại rất nhỏ có khi cũng đủ làm cho doanh nghiệp chấn thương sọ não hay mất mạng, chỉ vì đã xem thường “chân thắng”.
Có những chuyện thường ngày nhưng rất đáng suy ngẫm như bứng cây bàng biển công cộng về trồng trong resort riêng của mình, bỏ tiền ra lên tận Tây Nguyên lùng sục cho được các ngôi nhà rông, mua hẳn một con gấu để về làm tiệc liên hoan cho công ty... Những chuyện như thế tạo hình ảnh đáng buồn về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân tại Việt Nam.
Trong thuyết nhu cầu của Maslow có 5 tầng và mở rộng ra 3 tầng:
- Tầng Cognitive: nhu cầu về nhận thức, hiểu biết,
- Tầng Aesthetic: nhu cầu về thẩm mỹ - có sự yên bình, ham muốn hiểu biết về những gì thuộc nội tại,
- Tầng Self-transcendence: nhu cầu về tự tôn bản ngã - một trạng thái siêu vị kỷ hướng đến trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, hòa hợp bác ái.
(theo Wikipedia)
Riêng tôi đề xuất một tầng nữa là tầng tự do thoát khỏi mọi thụ hưởng, như thái tử Tất Đạt Đa hay vua Trần Nhân Tông đã từng làm được.
Phát triển bền vững
Suy cho cùng, không có cái gì để lấy đi khi ta không tạo ra nó, từ bất động sản, tự nhiên, dầu khí... Trong chuỗi phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đã gặp rất nhiều xung đột, từ xung đột văn hóa, xung đột các giá trị, xung đột ngôn ngữ, và càng ngày các doanh nghiệp càng phải nghĩ đến việc phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp cần định vị lại thương hiệu của mình bằng những khác biệt mà họ tạo ra được cho cuộc sống, bằng những thành tựu tiếp thị gần gũi với giá trị và nếp sống của khách hàng, và bằng lề lối kinh doanh cẩn trọng, có trách nhiệm đối với cộng đồng.
Lý thuyết quản trị kinh doanh có thể đem lại hiệu quả là làm tăng doanh số, nhưng người lãnh đạo thật sự tài năng sẽ quyết định chiếc thang doanh số ấy có đang dựa vào đúng bức tường cần thiết hay không. Bức tường nên dựa vào phải là cộng đồng và người tiêu dùng. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều nhấn mạnh đến hiệu quả kinh doanh ngắn hạn mà không cần biết rằng những lợi nhuận ngắn hạn này sẽ xóa sổ lợi ích dài hạn của toàn thể cộng đồng.
Các thương hiệu hàng đầu như Cocacola ở bang Kerala (Ấn Độ) phải đóng cửa vĩnh viễn khi họ đánh đổi 2,6 lít nước để sản xuất ra 1 lít Coca-Cola, và tập đoàn này đã sử dụng 278 tỉ lít nước hằng năm, tương đương với số lượng nước sạch đủ dùng cho toàn thế giới trong vòng 10 ngày, để sản xuất ra nước ngọt bán cho giới thượng lưu nhà giàu. Trong khi đó theo báo cáo của Unicef thì phụ nữ và trẻ em châu Phi phải bỏ ra 40 tỉ giờ hằng năm để tìm kiếm nước sạch!
Chúng ta không vội mừng và vỗ tay hoan hô hay bị ru ngủ từ các chương trình xã hội hay khẩu hiệu mỹ miều của các tập đoàn, để lấp liếm sự phá hoại môi trường khủng khiếp của họ như: “The power of human energy” (của Chevron) hay “A growing alternative” (của BP) hay “Cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam” (của Honda).
Để thật sự là bền vững, các công ty cần phải triệt để cân nhắc lại khái niệm kinh doanh của mình, từ thói quen khai thác cạn kiệt sang ý thức tái sinh trạng thái nguồn nguyên vật liệu, và cuối cùng là trả lại nguyên trạng như ban đầu.
Chia sẻ toàn cầu
Thương hiệu Công ty cổ phần Titan không phải của riêng tôi hay của riêng bất kỳ ai! Nó là một mắt xích nhỏ trong chuỗi mắt xích tạo dựng giá trị cho cộng đồng Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và thế giới nói chung. Thương hiệu công ty của quý vị, sản phẩm của quý vị cũng nằm trong chuỗi giá trị đó. Khó khăn của quý vị, thành công của quý vị cũng là khó khăn và thành công của Titan. Trách nhiệm của quý vị, cũng là trách nhiệm của tôi. Quan hệ của công ty và khách hàng là quan hệ tương tức, không có công ty thì không có khách hàng và ngược lại.
Đây là cái nhìn vô phân biệt trí, cái nhìn tân tiến để tiến tới một cộng đồng kinh doanh tốt, một môi trường kinh doanh tốt. Và đó cũng là mục tiêu tiến tới xã hội hạnh phúc, an lạc.