Hai mặt của lợi nhuận
Nhiều người trong chúng ta, ai cũng đã và đang trực tiếp hay gián tiếp làm công việc “kinh doanh”. Từ “kinh doanh” được dịch sang tiếng Anh là business [ˈbɪznəs]. Chúng ta bắt gặp từ “kinh” rất nhiều trong tiếng Việt, như: kinh nghiệm, kinh lý, kinh tế...
Chữ kinh (經) trong kinh doanh có nghĩa ban đầu từ chữ Hán là “sửa lại cho đúng”, và kinh doanh là “sửa sang, chỉnh đốn”, nhưng ngày nay thường được hiểu trong tiếng Việt là hoạt động của các cá nhân hoặc tổ chức nhằm đạt được lợi nhuận qua các hoạt động mua bán, cung cấp dịch vụ.
Trong nền kinh tế, hễ nơi nào có nhu cầu là nơi đó có cung cấp, từ những sản phẩm hiện đại đắt tiền như máy bay, xe hơi... cho đến máy nghe nhạc IPOD hay nhỏ nhặt như lon Cocacola, những túi nilon ngoài chợ...
Không thể phủ nhận sự đóng góp những sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho đời sống loài người của các công ty, tập đoàn. Và chúng ta cũng dễ tìm thấy cụm từ “mục tiêu” trong các profile, trên website hay trong các buổi họp hội đồng quản trị. Lợi nhuận được đưa lên hàng đầu và họ cho đó là mục tiêu số 1, đó mới là con đường kinh doanh của họ, bất di bất dịch, không cần ngụy trang dưới bất kì hình thức hay dạng thức nào. Miễn sao trong báo cáo tài chính cuối năm có con số cao hơn, lợi nhuận tăng là tốt. Đó là cách duy nhất họ hướng về cho cổ đông, cho công ty.
Dù bạn học MBA tại những trường đại học danh giá nhất như Harvard, MIT, Princeton, George Washington, thì ở đâu họ cũng dạy cho các CEO cách kiếm ra tiền, cách tối đa hóa lợi nhuận.
Các nhà kinh tế không có thuật ngữ “ngụy nhu cầu”. Họ cho rằng “nhu cầu” nào cũng như nhau, miễn người sử dụng có tiền đáp ứng. Tuy nhiên ranh giới giữa “nhu cầu” và “ngụy nhu cầu” tuy rất gần nhau nhưng vẫn là khác biệt, vì một bên là không có không được (nhu cầu), và một bên là không có cũng được (ngụy nhu cầu).
Người ta thiếu nước sẽ chết chứ chẳng ai chết vì không có xe hơi. Nhìn vào nền kinh tế hiện nay, chúng ta sẽ thấy người ta đang bán cái “ngụy nhu cầu” nhiều hơn. Và tất nhiên, khi làm ra những thứ để bán đó, họ đã tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, thứ vốn mà ta đã thừa kế từ cha ông và có nhiệm vụ bảo vệ, giữ lại cho con cháu sau này.
Sau 20 năm phát triển, chúng ta có nhiều tiến bộ về khoa học. Đời sống kinh tế được cải thiện, các con số tăng trưởng, số doanh nghiệp nhiều hơn, khu công nghiệp nhiều hơn... Nhưng để nói rằng những thứ chúng ta có được là phát triển hay bị phát triển, điều đó cũng khó mà xác định được.
Kênh Ba Bò là một ví dụ điển hình, số lợi nhuận từ các khu công nghiệp và các doanh nghiệp không thấm vào đâu so với số tiền phải bỏ ra để khắc phục những hậu quả ô nhiễm của nó.
Chúng ta có thể làm một bài toán so sánh, tổng những thứ có được của Việt Nam sau 20 năm đổi mới và những thứ mất đi, từ kinh tế, tài nguyên, môi trường, văn hóa... Chúng ta có thể đặt hết lên bàn cân và sẽ thấy chúng nghiêng về phía nào.
Mọi người dân Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đang mong chờ vị tổng thống thứ 44 – ông Obama. Họ có quyền đặt niềm tin và hy vọng vào khẩu hiệu hấp dẫn “Yes, we can change”, một khẩu hiệu khôn khéo và đúng mục tiêu mà không chỉ dành riêng cho giới chính trị. Kể cả những nhà làm kinh tế cũng phải học hỏi cách Obama làm tiếp thị. Cùng với buổi nhậm chức hoành tráng chưa từng thấy, đã tiêu tốn hàng triệu dollar vào thời điểm mà người dân Mỹ phải luôn xem lại thùng rác mỗi ngày để xem có cái gì có thể dùng lại được hay không. Những đồng tiền này là của các nhà tài trợ và các cử tri đương thời, và dĩ nhiên, như mọi tổng thống khác, họ phải đặt ưu tiên, cũng như các công ty đặt cổ đông lên hàng đầu. Chẳng có ai đặt thế hệ tương lai lên hàng đầu cả!
Chúng ta khoan vội vui mừng bởi những đóng góp của các tập đoàn kinh tế, các công ty trong nước và ngoài nước. Khi tạo công ăn việc làm, đóng thuế nhà nước, doanh số tăng, lợi nhuận tăng, các doanh nghiệp được tặng thưởng bằng khen, danh hiệu, cúp vàng... Nhưng phía sau bức tường lợi nhuận đó, họ dựa vào cái gì? Cộng đồng, người tiêu dùng hay các tài nguyên, môi trường, văn hóa? Như Ray Anderson – CEO của Tập đoàn Interface Inc. – đã thú tội: “Một ngày nào đó, những người như tôi có thể bị tống vào tù.”
Hẳn những doanh nhân đáng kính ngày nay sẽ giật mình khi biết Anderson đang đứng đầu một tập đoàn nổi tiếng về sản xuất thảm, vải sợi, hóa chất và nội thất nền nhà, với doanh số hằng năm trung bình 1 tỷ USD.
Anderson kể lại câu chuyện lãng phí “không thể tưởng tượng nổi” của Interface Inc. Năm 1995, khi kiểm kê nguồn nguyên vật liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty, ban lãnh đạo kinh ngạc phát hiện họ đã bòn rút và xử lý 1.224 tỉ pound (1 pound = 453,6g) nguyên liệu từ nguồn vốn thiên nhiên của Trái đất, chỉ để sản xuất ra 802 triệu USD tổng giá trị sản phẩm!
Trong tổng số nguyên vật liệu này, có 800 triệu pound là những chất có nguồn gốc từ dầu hỏa, than đá, khí đốt – mà 2/3 của số lượng này không thể thay thế, không thể hồi phục, và bị dùng đến cạn kiệt. Riêng 1/3 còn lại được dùng để tạo ra năng lượng giúp xử lý 400 triệu pound nguyên liệu vô cơ khai thác trong lòng đất.
Đầu năm, các doanh nghiệp đều chuẩn bị kế hoạch và mục tiêu doanh số, mục tiêu lợi nhuận. Nhưng để cho những doanh số đó, lợi nhuận đó thật sự có ý nghĩa và bền vững, chúng phải được dựa trên một bức tường sạch.
Dẫu rằng tiền là máu của doanh nghiệp, không nên để nó trở thành linh hồn và chi phối tất cả.
Hai mặt của đồng vốn
Khi các nhà đầu tư sở hữu những đồng vốn, họ có quyền quyết định đầu tư. Khi quan sát một nhà đầu tư chứng khoán chẳng hạn, họ đọc qua cáo bạch các công ty, xem tình hình thị trường, mức độ tăng trưởng trong ngắn hạn, dài hạn và cuối cùng là quyết định đầu tư vào đâu để sinh lãi cao.
Trong cuốn The Divine Right of Capital (Quyền thiêng liêng của vốn) của Marjorie Kelly, bà nói rằng, trong hệ điều hành kinh tế hiện nay, quyền của vốn lấn lướt hết mọi thứ khác, quyền công nhân, quyền cộng đồng, thiên nhiên và các thế hệ tương lai – tất cả chỉ đứng sau đặc quyền tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn của vốn.
Rõ ràng các nhà đầu tư đang nhận về lợi nhuận với một trạng thái vô cảm, không cần biết những thứ họ đang cho vào miệng đó là thứ gì, nó có cần cho con cháu mai sau không, miễn là ăn được.
Những nhà đầu tư vào Cocacola phải hiểu rằng, để có lợi nhuận từ một lon Coca, họ phải đánh đổi 2,6 lít nước, những cổ phiếu từ các công ty khai thác dầu khí, các công ty sản xuất thuốc lá, sản xuất rượu, xe hơi... Hay khi các nhà đầu tư của Vedan nhận về những cổ tức, thì họ phải hiểu rằng những gói bột ngọt đó đã giết chết con sông Thị Vải trong trẻo ngày nào, và rồi đây trong ngôn ngữ tiếng Việt, có lẽ chúng ta phải xóa đi hai chữ “dòng sông” để các thế hệ sau này không phải chất vấn.
Nói như cựu tổng thống Ấn Độ – Tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam: “Vài chục năm nữa thôi, rất nhiều các con sông, đầm lầy, suối nước, cũng như nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm không thể hồi phục. Số còn lại khô cạn hoàn toàn. Khu vực xung quanh nơi chúng tôi ở đã biến thành sa mạc nóng bỏng bát ngát. Các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, ung thư da và chứng rối loạn đường tiểu đang trở thành nguyên nhân chính gây chết người.”
Vậy có gì khác biệt giữa đầu tư đúng và chọn đúng đầu tư? Đầu tư đúng là đầu tư một cách khôn ngoan, bền vững, mang tính nhân văn cao. Và đó cũng là điều thiêng liêng của đồng vốn, vì lẽ ra nó phải được đặt vào đúng nơi đúng chỗ. Đó không phải là hô hào, mà là cách duy nhất để chúng ta tự cứu mình, cứu nhân loại.
Khi cầm đồng vốn trong tay, chúng ta phải nghĩ đến những điều thiêng liêng. Một trong những điều thiêng liêng nhất là giữ gìn những quà tặng của thiên nhiên. Về mặt đạo đức , đó là những tặng phẩm chúng ta cùng thừa hưởng và phải trao lại, không suy suyển, cho các thế hệ tương lai. Về mặt kinh tế, đó là vốn liếng không thể thay thế được và vô giá. Việc bảo vệ những tài sản chung này phải được ưu tiên hơn những tư lợi phù du khác.
Tài sản và mưu cầu hạnh phúc
Chúng ta cũng biết rằng, Thomas Jefferson – tổng thống thứ ba của Mỹ – đã đổi quyền được sở hữu tài sản trong ba quyền của Locke (quyền được sống, được tự do và được sở hữu tài sản) thành được mưu cầu hạnh phúc. Đó là vì ông cho rằng, tài sản tự thân không phải là mục đích, mà chỉ là một phương tiện để vươn tới mục đích là hạnh phúc.
Rất nhiều doanh nghiệp đã đi lối trên con đường mục tiêu kinh doanh của mình. Một trong những nguyên nhân căn bản của sự thất bại đó là vọng niệm sai lầm. Trong suốt hơi thở đều đặn của doanh nghiệp, khi một niệm khởi lên, nếu chúng ta không trực tiếp nhận diện nó là tốt hay xấu, đôi lúc nó nấp sau lớp vỏ ngụy trang bởi lợi nhuận, bởi địa vị, bởi danh tiếng. Chúng ta nuôi dưỡng nó và để nó phát khởi, đến một lúc nào đó chúng ta mất quyền điều khiển.
Lẽ ra nó phải được tiêu diệt ngay từ đầu. Đầu tiên là môi trường phát khởi, tình hình khó khăn. Môi trường tạo điều kiện, rồi dựa vào luật pháp lỏng lẻo, luồn lách, Vedan đã dựng lên một hệ thống giả dối để qua mặt chính quyền, qua mặt cấp quản lí nhà nước, xả nước thải ra sông Thị Vải. Và cái chết của thương hiệu Vedan bắt đầu từ một vọng niệm sai lầm. Rất nhiều cái chết của doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều bắt đầu tương tự như thế.
Đầu năm ai cũng có những lời chúc tốt đẹp, lời cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp. Những cành mai đầu xuân biểu hiện cho sự thanh cao trong sạch, đến nỗi Cao Bá Quát phải cúi đầu: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, nhất sinh đê thủ bái mai hoa.” (Mười năm giao du trong thiên hạ để tìm cho ra thanh kiếm xưa – người tri kỷ, một đời chỉ biết cúi đầu dưới hoa mai.” Thế kỷ 21 hướng đến một nền kinh tế sạch, lợi nhuận sạch, doanh số sạch và tôi tin rằng kinh doanh không chỉ là tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm, dịch vụ, mà đó là lý do để chúng ta kiến tạo một niềm tin vững bền.