Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 14. Cách thức, thời gian và nơi chốn hành trì »»

Sống một đời vui
»» 14. Cách thức, thời gian và nơi chốn hành trì

Donate

(Lượt xem: 13.815)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 14. Cách thức, thời gian và nơi chốn hành trì

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Một tín tâm thanh tịnh và dũng mãnh phải được kiến lập qua từng giai đoạn.

Ngài Tai Situ Rinpoche Đời thứ 12
Đôi nét về cuộc đời Đại sư Tilopa (Tilopa: Some Glimpses of His Life)
Ken Holmes dịch sang Anh ngữ

Nhiều người thường hỏi tôi: “Tại sao có quá nhiều phương pháp hành trì, và phương pháp nào thích hợp cho tôi?”

Nếu nhìn xung quanh, chắc chắn bạn sẽ thấy là không bao giờ có hai người hoàn toàn giống nhau về tính khí và khả năng. Có người rất giỏi về ngôn từ. Họ nhận hiểu thật dễ dàng những giáo pháp khẩu truyền và thoải mái trong việc giảng giải bằng lời nói với người khác. Một số người khác có năng khiếu dùng thị giác nhiều hơn. Họ nhận hiểu sự việc tốt nhất khi được trình bày bằng đồ hình, tranh ảnh. Một số khác nữa có một thính giác tinh nhạy hơn, và có những người có tị giác phát triển hơn. Có người có óc phân tích và những phương trình toán học rắc rối được họ diễn giải một cách dễ dàng. Người khác thì sẵn có “máu thi sĩ”, với năng khiếu tuyệt vời trong việc giải bày về thế giới cho chính mình và người khác qua những ẩn dụ, thí dụ.

HÃY CHỌN ĐIỀU GÌ CÓ HIỆU QUẢ VỚI BẠN

Lấy chánh niệm làm lính canh, và buông thư.

Ngài Gyalwa Yang Gonpa
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Những hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi những biện pháp xử trí khác nhau. Vì vậy, việc sẵn có được một số tùy chọn sẽ luôn là điều hữu ích. Nguyên tắc này có thể áp dụng gần như cho mọi khía cạnh trong cuộc đời. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ công việc hay riêng tư, đôi khi việc dành thì giờ để soạn thảo, xem lại và truyền đạt các ý tưởng của bạn qua điện thư là tốt hơn, nhưng có những lúc khác thì việc gọi điện thoại hay một cuộc gặp mặt trực tiếp lại có thể hiệu quả hơn.

Tương tự, đối với thiền quán thì phương pháp thích hợp nhất tùy thuộc rất nhiều vào tình huống cụ thể cũng như vào tính khí và khả năng của bạn. Chẳng hạn, nếu phải đương đầu với những cảm xúc như sự buồn bã, giận dữ, sợ hãi thì việc dùng áp dụng pháp tu tonglen đôi khi có thể là phương pháp tốt nhất. Nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là dùng chính cảm xúc ấy làm đối tượng quán niệm trong thiền shinay (thiền chỉ) lại hiệu nghiệm hơn. Thường thì cách tốt nhất để tìm ra phương pháp thích hợp nhất cho bạn chính là thông qua sự thử nghiệm và sửa chữa sai lầm.

Điểm chính yếu là nên chọn phương thức nào bạn thích nhất và tu tập theo phương thức ấy một thời gian. Nếu bạn là người thiên về “thị giác”, hãy chọn tập thiền quán sắc tướng khi bắt đầu tu tập định tâm. Nếu bạn là người nhạy cảm với các cảm giác của thân thể, hãy thử dùng phương thức quán chiếu luân chuyển khắp thân thể, hoặc chú tâm vào hơi thở. Nếu bạn là người thiên về khoa ăn nói, hãy thử thiền niệm thần chú. Bản thân phương pháp tự nó không quan trọng. Điều quan trọng là học cách an định tâm - sai khiến được nó thay vì để nó sai khiến bạn.

Tuy nhiên, vì tâm quá năng động nên rất dễ nhàm chán nếu chỉ dùng mỗi một phương thức. Sau một vài ngày, vài tuần hay vài tháng tu tập với một phương thức nhất định nào đó, bạn rất dễ phát sinh ý nghĩ: “Nữa! Lại phải ngồi thiền rồi!” Giả sử bạn bắt đầu bằng thiền quán sắc tướng. Lúc đầu, pháp tu tập này có vẻ rất hay ho, dễ chịu. Thế rồi một ngày, không biết vì sao bạn bỗng cảm thấy nhàm chán phương thức này. Bạn ghét luôn cả ý nghĩ thiền quán về sắc tướng. Không sao cả. Bạn không cần thiền quán niệm sắc tướng nữa. Bạn có thể thử một phương pháp khác, như thiền quán về âm thanh chẳng hạn.

Trong một khoảng thời gian, phương pháp mới này có vẻ rất tươi mát và thật là lý thú. Có thể bạn sẽ tự nghĩ: “Ái chà! Ta chưa bao giờ cảm thấy sáng suốt như thế này!” Rồi sau một thời gian, bạn sẽ dần dần cảm thấy nhàm chán phương pháp mới được chọn này. Điều này cũng không sao. Nếu bạn nhàm chán thiền quán về âm thanh, bạn có thể thử một phương thức mới, như thiền quán về mùi hương, hay quan sát các niệm tưởng, hay đặt sự chú ý của mình vào hơi thở.

Bây giờ, hẳn bạn đã rõ vì sao đức Phật chỉ dạy rất nhiều phương thức thiền quán khác nhau. Ngay cả khi chưa có những phát minh như đài truyền hình, internet, máy truyền thanh, máy đọc MP3 và điện thoại, đức Phật đã biết tâm thức con người hiếu động như thế nào, và nó cần được giải trí tiêu khiển tới mức nào! Vì thế, Ngài đã dạy cho chúng ta rất nhiều phương thức để đối trị bản chất hiếu động của tâm.

Bất kỳ bạn chọn phương thức nào, điều rất quan trọng là trong mỗi thời khóa thiền đều phải luân phiên thay đổi giữa sự chú tâm vào một đối tượng và hoàn toàn buông thư tâm trong thiền không đối tượng. Mục đích của đối tượng quán niệm là giúp ta đạt đến một mức độ định tâm nhất định đủ để ý thức được chính tâm thức mình trong khi nó đang nhận biết sự vật. Việc luân phiên định tâm trong thiền không đối tượng và thiền có đối tượng giúp bạn có cơ hội tiêu hóa, hấp thụ những gì vừa trải nghiệm. Khi xen kẽ hai lối hành trì, bất luận bạn đang ở trong tình trạng nào, đang đối phó với niệm tưởng và cảm xúc của chính mình hoặc với một con người, hay một hoàn cảnh tợ hồ như “bên ngoài”, bạn sẽ dần dần nhận biết được rằng bất kỳ điều gì đang diễn ra cũng đều có một mối tương quan mật thiết với chính sự tỉnh giác nhận biết của bạn.

NGẮN HẠN NHƯNG NHIỀU LẦN

Hãy tránh sự nỗ lực thái quá.

Ngài TILOPA
Hằng hà Đại thủ ấn (Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ )

Thiết lập thời khóa tu tập là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để cắt đứt cuộc chuyện gẫu từ lâu đời giữa các nơ-ron vốn đã tạo ra cảm nhận [sai lầm] về một “cái ta” độc lập hay tự nó tồn tại cùng với những gì “không phải ta” cũng tồn tại do tự tính vốn có hay hoàn toàn độc lập. Khi bạn xác định thời biểu cho việc thiền tập, bạn sẽ phát triển một thói quen có lợi, không những sẽ làm suy yếu đi những mô thức thần kinh cũ, mà còn thành công và hiệu nghiệm trong việc cấu tạo những mô thức mới cho phép bạn ý thức được sự tham gia của chính tâm thức bạn trong việc nhận biết [đối tượng] theo cách như thế nào.

Mặc dầu bạn có thể xếp thời khóa thiền tập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng theo như tôi đã học thì thời điểm tốt nhất để thiền tập là sáng sớm, ngay khi vừa thức dậy sau một đêm ngon giấc, vì lúc ấy tâm ta rất tươi sáng và thư giãn, trước khi bắt đầu mọi công việc hằng ngày. Việc dành thời gian thiền tập trước khi rời nhà đi làm, hay trước khi làm bất cứ công việc cần thiết nào, sẽ tạo ảnh hưởng tốt đến trọn ngày, và còn củng cố ý chí tu tập trong suốt ngày hôm ấy.

Tuy nhiên, đối với một số người, việc xếp thời khóa thiền tập vào đầu ngày là hoàn toàn không thể được, và nếu cố gắng sức để đưa việc thiền tập sáng sớm vào thời khóa biểu sẽ làm cho họ nghĩ rằng ngồi thiền là một khổ dịch! Nếu bạn thấy mình là người như thế, đừng ngại gì mà không chọn một lúc khác thuận lợi hơn, như giờ ăn trưa, sau bữa ăn chiều hay ngay trước khi đi ngủ chẳng hạn.

Không có những “quy luật” phải tuân theo trong việc thiền tập theo thời khóa. Nhưng có một chỉ dẫn rất thực tiễn mà cha tôi đã liên tục nhấn mạnh với tất cả đồ đệ của ngài theo cách rất dễ nhớ: “Ngắn hạn nhưng nhiều lần.”

Khi tôi mới bắt đầu giảng dạy, tôi thấy nhiều đệ tử lúc mới học thiền có khuynh hướng tự đặt cho mình những mục tiêu không thực tiễn. Họ nghĩ rằng, để tập thiền thì phải giữ tư thế hoàn hảo trong thời gian lâu nhất mà con người có thể chịu đựng được. Thế là họ ngồi đấy, tự giam mình trong thiền tập và tự áp chế mình phải đạt được trạng thái an tĩnh. Trong mấy giây đầu, phương pháp này dường như có hiệu quả: họ thực sự có đôi chút cảm giác an tĩnh. Nhưng tâm thức bao giờ cũng luôn vận động, không ngừng xử lý những tư tưởng mới, cảm thọ mới, cảm giác mới. Đó là việc của nó. Thiền tập là học cách vận dụng tâm thức trong trạng thái tự nhiên của nó, chứ không phải cố cưỡng bức tâm thức vào một kiểu khuôn khổ trói buộc cứng nhắc nào đó [mà cho là] của Phật giáo.

Khi ngồi xuống tập thiền một mạch hàng giờ liền, chúng ta nghĩ là mình đang chuyên cần. Nhưng sự chuyên cần thực sự không có nghĩa là tự ép buộc mình vượt quá những giới hạn tự nhiên. Chuyên cần thực sự có nghĩa là chỉ nỗ lực hết sức mình, thay vì chú tâm đến kết quả của những gì mà bạn đang cố đạt được. Thế có nghĩa là tìm một con đường trung dung thoải mái giữa sự quá buông thả và quá căng thẳng.

Trong kinh văn còn có một câu chuyện khác về một nhạc công chơi đàn si-ta lỗi lạc, và cũng là một vị đệ tử được dẫn dắt bởi chính đức Phật. Đức Phật thấy người đệ tử này đặc biệt khó hóa độ, vì tâm ông hoặc quá căng hoặc quá lơi lỏng. Khi quá căng thẳng không những ông không ngồi thiền được, mà còn không bao giờ nhớ được những câu kinh rất đơn giản mà đức Phật đã dạy cho ông. Khi để cho tâm quá buông thả, ông bỏ luôn cả việc hành trì và ngủ gục.

Cuối cùng đức Phật hỏi ông:
- Khi về nhà ông làm gì? Ông có chơi đàn không?

Người đệ tử đáp:
- Thưa có, con có chơi đàn.

- Ông chơi đàn giỏi không? Đức Phật hỏi.

Người nhạc công đáp:
- Thưa, thật ra con là người chơi đàn giỏi nhất nước.

Đức Phật hỏi:
- Vậy ông chơi như thế nào? Khi chơi nhạc, ông lên dây đàn như thế nào? Ông có làm cho dây đàn quá căng hoặc quá chùng không?

Vị đệ tử đáp:
- Thưa không. Nếu con lên dây quá căng, dây đàn sẽ phát ra âm thanh quá cao và sắc. Nếu không đủ độ căng thì dây đàn sẽ phát ra âm thanh quá trầm và đục. Thang âm chỉ đúng khi con đạt được điểm quân bình, nghĩa là không quá căng mà cũng không quá chùng.

Đức Phật mỉm cười và cùng người nhạc sĩ trao đổi một cái nhìn thâm trầm. Cuối cùng ngài nói:
- Khi thiền tập, ông cũng phải làm y hệt như thế.

Câu chuyện này nói lên tầm quan trọng của việc tránh căng thẳng quá đáng khi mới bắt đầu thiền tập. Xét theo sự bận rộn trong thời biểu của hầu hết mọi người thời nay, việc dành ra dù chỉ 15 phút mỗi ngày lúc mới bắt đầu ngồi thiền theo thời khóa đã là một sự bó buộc lớn lao. Cho dù bạn có chia ra thành 3 lần thiền tập với mỗi lần 5 phút hay 5 lần thiền tập với mỗi lần 3 phút thì cũng không thay đổi gì.

Nhất là lúc ban sơ, điều vô cùng thiết yếu là bạn dành bất kỳ khoảng thời gian nào có thể được để thiền tập mà không cố gắng quá mức. Lời khuyên tốt nhất của tôi là hãy tiếp cận thiền tập theo cách như người ta tiếp cận thể thao. Tập thể thao 15 phút tốt hơn là không tập. Chỉ dành 15 phút cho việc ngồi thiền đã tốt hơn là không dành phút nào cho việc ấy. Một số người cử được tạ 10 cân, trong khi người khác có thể cử 50 cân không chút khó khăn. Đừng nhấc 50 cân khi bạn chỉ đủ sức nhấc 10 cân, nếu không bạn sẽ quá gắng sức và rất có thể phải bỏ ngang. Và cũng giống như việc tập thể thao, khi thực hành thiền quán bạn hãy nỗ lực hết sức mình. Đừng vượt quá những giới hạn của chính bạn. Thiền không phải để tranh giải. 15 phút thư thái ngồi thiền của bạn rồi ra có thể lợi ích hơn so với nhiều giờ đồng hồ của những người cố gắng quá sức trong việc ngồi thiền cho thật lâu hơn. Trong thực tế, nguyên tắc tốt nhất là nên ngồi thiền ít hơn so với thời gian bạn nghĩ là mình có thể ngồi được. Nếu bạn nghĩ mình có thể thiền 4 phút thì ngừng lại ở 3 phút. Nếu bạn nghĩ có thể thiền trong 5 phút, thì ngừng lại ở 4 phút. Thực hành thiền như thế, bạn sẽ thấy mình hăm hở muốn ngồi thiền trở lại. Thay vì nghĩ rằng bạn đã đạt chỉ tiêu, hãy giữ ý muốn làm hơn thế nữa.

Có một cách khác nữa để giúp cho buổi thiền tập ngắn của bạn trôi qua thậm chí là mau hơn nữa. Đó là dành một ít thời gian để phát tâm Bồ-đề, tức là tâm nguyện cầu đạt đến một trình độ giác ngộ nào đó vì lợi ích cho chúng sinh. Đừng lo là tâm nguyện đó có mãnh liệt hay không, chỉ riêng sự phát tâm là đủ rồi, và sau một thời gian tu tập, hẳn là bạn sẽ nhận ra rằng sự phát tâm ấy mang một ý nghĩa thực sự quan trọng và sâu sắc đối với chính mình.

Sau một lúc phát khởi khuynh hướng cởi mở chân thành ấy, hãy để tâm buông thư một lúc trong trạng thái thiền không đối tượng. Điều này rất quan trọng, bất luận bạn đã chọn phương pháp nào cho một buổi thiền tập nào đó.

Giữa thời gian buông thư tâm và phát tâm Bồ-đề, ít nhất một phút đã trôi qua. Bây giờ, bạn có hơn một phút rưỡi để vận dụng bất kỳ phương pháp nào bạn đã chọn, cho dù là chú tâm vào một hình ảnh, một mùi hương, hay một âm thanh; quan sát niệm tưởng và cảm xúc của mình; hoặc là thực hành một dạng thiền quán từ bi nào đó. Sau đó, hãy an trụ tâm trong trạng thái thiền không đối tượng khoảng chừng nửa phút.

Cuối buổi thiền tập, bạn còn khoảng 30 giây để hồi hướng công đức. Có một câu hỏi được đặt ra với tôi rất nhiều lần trong những buổi thuyết giảng chung cũng như những buổi tham vấn riêng của các đệ tử tôi, đó là: “Tại sao phải mất công kết thúc bằng việc hồi hướng công đức?”

Hồi hướng công đức vào lúc kết thúc mọi buổi thiền tập là nguyện rằng bất kỳ sức mạnh tâm lý hay cảm xúc nào mà bạn đạt được nhờ sự tu tập đều sẽ được truyền đến người khác. Không những đây là một pháp thực hành từ bi ngắn ngủi nhưng tuyệt vời, mà nó còn là một phương thức vô cùng tinh tế để làm tan rã sự phân biệt giữa “ta” và “người”. Việc hồi hướng công đức cần khoảng 30 giây, dầu bạn tụng bằng tiếng Tây Tạng hay bằng ngôn ngữ của mình. Câu tụng bằng Tạng ngữ được tạm dịch như sau:

Nhờ vào năng lực tu tập,
Con nguyện cho tất cả chúng sinh,
Sau khi tích lũy sức mạnh và tuệ giác,
Thành tựu hai trạng thái trong sáng,
Vốn khởi sinh từ sức mạnh và tuệ giác.

Một số trường phái tư tưởng Tây Tạng - tôi thú nhận là không có một chứng minh khoa học nào cho điều này - cho rằng những sóng âm của tiếng tụng niệm lời nguyện này bằng Tạng ngữ đã vang vọng qua hằng bao nhiêu thế kỷ, nên nếu tụng câu này bằng Tạng ngữ thì năng lực sẽ được tăng cường nhờ sự nối kết với những sóng âm từ xa xưa. Vì nghĩ đến điều này nên tôi xin cống hiến một câu tụng theo âm tiếng Tây Tạng:

Gewa di yee eke wo kun
Sonam ye shay tsok dsok nay
Sonam ye shay lay jung wa
Tampa ku nyee top par shok

Dầu bạn chọn kết thúc buổi thiền tập của mình bằng cách tụng câu này trong tiếng Tây Tạng theo nghi thức hay với bản dịch ít trang trọng hơn của nó, vẫn có một lý do thực tiễn để kết thúc bằng câu tụng hồi hướng công đức. Công đức, tiếng Tạng là “sonam”, có nghĩa là “sức mạnh tinh thần”, hay “khả năng phát huy sức mạnh tinh thần”. Khi chúng ta làm điều gì tốt, chúng ta tự nhiên có khuynh hướng nghĩ rằng: “Tôi là người tốt quá chừng! Tôi vừa mới ngồi thiền. Tôi vừa phát nguyện cho tất cả chúng sinh ở mọi nơi đều được hạnh phúc chân thật và thoát khỏi khổ đau. Tôi sẽ được gì khi làm việc này? Cuộc đời của tôi sẽ thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn như thế nào? Tác dụng của việc này đối với tôi là gì?”

Có lẽ những câu trên đây không hoàn toàn chính xác như những gì bạn nghĩ, nhưng rất có thể là bạn đã nghĩ những điều tương tự, đại loại như vậy.

Và thực sự là bạn đã làm một việc tốt.

Điều bất ổn duy nhất là, khi tự khen thưởng mình, bạn nhấn mạnh sự khác biệt giữa bạn và người khác. Những tư tưởng như “tôi vừa làm một việc thiện”, “tôi là một người tốt quá chừng” hay “cuộc đời tôi sẽ thay đổi”... sẽ tăng cường một cách vi tế ý nghĩ về bạn như là một thực thể cách biệt với chúng sinh khác, và ý nghĩ này, đến lượt nó, sẽ làm xói mòn lòng từ bi, cảm giác tự tin và an toàn đã có thể sinh khởi nhờ sự tu tập của bạn.

Bằng vào việc hồi hướng công đức tu tập - hay nói cách khác là sự chủ tâm khởi lên ý nguyện rằng, cho dù có ý thức được hay không thì mỗi người chúng ta đều có cùng một khát vọng an bình và mãn nguyện giống như tất cả chúng sinh hữu tình - bạn sẽ làm rã tan một cách rất vi tế tập quán nhận thức về bất kỳ sự khác biệt nào giữa tự thân chúng ta và người khác vốn được tạo thành bởi các nơ-ron.

THIỀN TẬP KHÔNG THEO THỜI KHÓA

Trong lúc làm việc, hãy nhớ nhận biết bản chất tinh túy của tâm.

Ngài Tulku Urgyen Rinpoche
Như thị - Quyển 1 (As It Is, Volume 1)
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Đôi khi ta không thể sắp xếp được thì giờ để ngồi thiền theo thời khóa mỗi ngày. Có thể bạn phải làm việc từ giờ này sang giờ khác để chuẩn bị một buổi họp vô cùng thiết yếu trong công ty, hay là bạn phải tham gia một sự kiện quan trọng, như một lễ cưới hay tiệc sinh nhật. Có khi bạn đã hứa làm một chuyện gì đó với các con, với người bạn đời hay với bạn bè. Có khi bạn cảm thấy mệt mỏi với tất cả những gì phải làm trong tuần nên chỉ muốn suốt ngày nằm trên giường hoặc xem TV thôi.

Việc bỏ qua một, hai ngày thiền tập theo thời khóa đã định có biến bạn thành một người xấu không? Không. Điều này có làm đảo ngược bất kỳ thay đổi nào bạn đã đạt được khi thiền tập theo thời khóa trước đó? Không. Liệu việc bỏ qua một, hai (hay ba) ngày thiền tập theo thời khóa có nghĩa là bạn phải bắt đầu lại từ đầu sự tu tập với tâm bất thuần? Cũng không.

Việc thiền tập theo thời khóa là rất tuyệt, vì 5, 10 hay 15 phút ngồi thiền mỗi ngày sẽ tạo điều kiện làm thay đổi cách nhìn của bạn. Nhưng hầu hết những đệ tử đầu tiên của đức Phật đều là những người làm ruộng, chăn cừu hay dân du mục. Trong lúc làm việc ruộng vườn hay chăm sóc gia súc và công việc gia đình, họ không có nhiều thì giờ để ngồi chỉnh tề, hai chân tréo lại, hai tay duỗi thẳng và mắt nhìn đúng hướng, dầu chỉ trong năm phút để thiền tập theo thời khóa. Thế nào cũng có tiếng gia súc kêu đâu đó, hay một đứa trẻ khóc, nếu không thì cũng là ai đó chạy xồng xộc vào lều để báo tin về một cơn mưa bất ngờ sắp đến sẽ làm hư hỏng lúa bắp [đang phơi]...

Đức Phật hiểu rõ những khó khăn ấy. Dầu người ta hay kể những câu chuyện truyền kỳ về sự đản sanh và thuở thiếu thời của ngài, miêu tả ngài như con trai của một bậc đế vương sang giàu và lớn lên trong cung vàng điện ngọc, nhưng thân thế ngài thật ra khiêm tốn hơn nhiều. Cha ngài chỉ là một trong nhiều vị thủ lĩnh của 16 bộ tộc cộng hòa, phải không ngừng tranh đấu để khỏi bị thôn tính bởi đế quốc Ấn Độ hùng cường. Mẹ ngài qua đời sau khi sinh ngài; cha ngài bắt ngài phải lấy vợ và sinh con thừa tự khi ngài chỉ là một thiếu niên. Ngài mất quyền thừa kế khi bỏ nhà ra đi để theo đuổi một cuộc sống có thể có ý nghĩa sâu sắc hơn là những kế hoạch chính trị hay quân sự.

Vì vậy, khi nói về đức Phật, chúng ta nói về một người đã hiểu rằng cuộc đời không luôn mang đến cơ hội hay sự nhàn rỗi để thiền theo thời khóa. Một trong những món quà lớn nhất mà ngài đã ban tặng nhân loại là dạy rằng: Chúng ta có thể thiền tập mọi lúc, mọi nơi. Thật ra, đưa thiền vào cuộc sống hằng ngày là một trong những mục đích chính của việc tu tập Phật pháp. Bất kỳ hoạt động nào trong ngày cũng có thể được dùng như một cơ hội để thiền quán. Bạn có thể quan sát niệm tưởng của mình trong suốt cả ngày khi đang làm việc và thỉnh thoảng chú tâm vào những kinh nghiệm như mùi hương, vị nếm, hình sắc hay âm thanh, hay chỉ đơn giản an trụ tâm một vài giây trên kinh nghiệm tuyệt vời là ý thức những gì đang đi ngang qua tâm bạn.

Tuy nhiên, khi thiền tập không theo thời khóa, điều quan trọng là phải đặt ra cho chính mình một mục tiêu - chẳng hạn như 25 lần thiền tập trong một ngày, mỗi lần không kéo dài quá một hay hai phút. Ghi nhớ số lần hành trì trong ngày cũng rất lợi ích. Các tu sĩ và dân du mục ở các nước chậm phát triển thường dùng xâu chuỗi để tính. Nhưng ở phương Tây người ta có rất nhiều phương thức: dùng máy tính bỏ túi, thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA) và ngay cả những chiếc máy đếm nhỏ dùng trong các cửa hàng thực phẩm. Bạn cũng có thể theo dõi số lần hành trì đơn giản bằng cách ghi vào một cuốn sổ tay. Mục đích chính ở đây là đếm hết số lần hành trì không theo thời khóa để bạn có thể so sánh với mục tiêu đã đề ra. Chẳng hạn như khi bạn đang thiền tập không đối tượng, hãy đếm một. Rồi khi bạn thất niệm và bắt đầu trở lại, hãy đếm hai...

Một trong những lợi ích lớn lao của việc tổ chức thiền tập theo cách này là sự thuận tiện và linh hoạt. Bạn có thể hành trì bất cứ ở đâu - trên bãi biển, trong rạp hát, sở làm, tiệm ăn, trên xe buýt hay xe điện ngầm, hay trong lớp học - miễn là bạn luôn nhớ rằng, ý định thiền tập của bạn chính là thiền. Bất luận là bạn đánh giá như thế nào về sự tu tập của mình, điểm chính yếu là luôn nhận biết về những lần bạn có ý định thực tập. Khi phải chống chọi với sự miễn cưỡng không muốn ngồi thiền, hãy nhớ đến câu chuyện về con bò già vừa đi vừa tiểu tiện suốt trong ngày. Nghĩ như thế cũng đủ làm cho bạn mỉm cười và nhớ lại rằng, việc tập thiền cũng dễ dàng và cần thiết giống như là tiểu tiện.

Một khi bạn đã thấy thoải mái với mỗi ngày 25 lần thiền tập ngắn ngủi không theo thời khóa, bạn có thể đưa mục tiêu lên đến 50 lần, rồi dần dần đến 100 lần. Điểm chính yếu là lập ra một kế hoạch, nếu không bạn sẽ hoàn toàn quên hẳn việc thiền tập. Những giây phút trong ngày bạn dành ra cho mình để buông thư hay chú tâm sẽ giúp cho bạn ổn định tâm, để cuối cùng khi bạn có được cơ hội thiền tập theo thời khóa, bạn sẽ không cảm thấy như ngồi xuống dùng cơm với một người xa lạ. Bạn sẽ thấy những niệm tưởng, cảm giác và nhận thức của mình quen thuộc hơn nhiều, như những người bạn thân mà bạn có thể ngồi chơi và trò chuyện chân thành.

Còn có một vài điểm lợi ích khác trong việc tu tập không theo thời khóa. Trước hết, khi bạn hòa nhập việc tu tập với đời sống hằng ngày, bạn sẽ tránh được việc rơi vào trường hợp khi ngồi thiền trong thời khóa thì rất an tĩnh nhưng khi đi làm ở văn phòng thì trở nên căng thẳng hay giận dữ. Thứ hai, và điểm này có thể quan trọng hơn, là khi thiền tập không theo thời khóa trong đời sống hằng ngày, bạn sẽ dần dần trừ bỏ được quan niệm sai lầm rất phổ biến là phải có một nơi tuyệt đối yên tĩnh mới thiền tập được.

Xưa nay chưa ai tìm được một nơi như thế cả. Ở đâu cũng có sự xáo động. Dầu cho bạn có trèo lên tận đỉnh núi, ban đầu bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm trong sự im lặng tương đối trên ấy so với với những ồn ào của thành phố hay trong công sở. Nhưng khi tâm bạn lắng xuống, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu nghe được những tiếng động nhỏ như tiếng dế kêu, tiếng gió thổi qua lá cây, tiếng chim muông hay những con thú nhỏ sột soạt đâu đó, hay tiếng nước róc rách giữa các hốc đá, và sự yên lặng tuyệt đối mà bạn tìm kiếm bỗng nhiên bị gián đoạn.

Thậm chí nếu bạn cố ngồi thiền trong nhà, cửa đóng then cài, chắc chắn cũng sẽ có những điều khiến bạn phân tâm: cảm giác ngứa ngáy, đau lưng, muốn nuốt nước bọt, tiếng nhỏ giọt từ vòi nước, tiếng đồng hồ tíc tắc, hay tiếng chân ai đi ở tầng trên. Dù bạn đi đâu đi chăng nữa, cũng luôn có sự xáo động. Lợi ích lớn nhất của việc thiền tập không theo thời khóa nằm ở chỗ là, bạn sẽ học được cách đối phó với những xáo động ấy, bất kể chúng đến dưới hình thức nào và khó chịu đến đâu.

MỌI LÚC, MỌI NƠI

Hãy kết hợp tất cả những gì bạn gặp với thiền tập.

Jamgon Kongtrul
Giác tỉnh đại đạo (The Great Path of Awakening)
Ken McLeod dịch sang Anh ngữ

Với những suy nghĩ như trên, hãy xem xét một vài phương cách giúp bạn thiền tập trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí vận dụng những gì thông thường có vẻ như xáo động thành những trợ duyên cho việc an trụ tâm. Trong các bản văn xưa gọi đó là: “sống bình thường là đạo”.

Chỉ đơn giản bước đi trên đường phố cũng có thể là một cơ hội tuyệt vời để phát triển chánh niệm. Đã bao lần bạn thấy mình bắt đầu một việc gì đó, như hướng đến tiệm thực phẩm hoặc đi bộ đến nhà hàng dùng cơm trưa, và rồi thấy mình đến nơi mà không biết mình đã đi đến như thế nào? Đó là một thí dụ điển hình của việc thả lỏng cho “con khỉ điên” chạy lung tung, bày đặt đủ trò xáo trộn, không những không cho bạn thể nghiệm sự trọn vẹn của giây phút hiện tại, mà còn cướp đi của bạn cơ hội chú tâm và thực tập chánh niệm. Cơ hội tu tập ở đây là hãy quyết định tỉnh giác hướng sự chú tâm của mình đến sự vật chung quanh. Hãy nhìn tòa nhà mà bạn đi ngang, nhìn những người khác đi trên lề, dòng xe cộ trên đường và hàng cây dọc con đường bạn đi. Khi bạn chú tâm vào những gì bạn nhìn thấy, con khỉ điên sẽ thuần lại. Tâm bạn trở nên bớt xáo động, và bạn sẽ bắt đầu cảm thấy an tĩnh.

Bạn cũng có thể chú tâm đến cảm thọ của thân thể khi đang đi, đến cảm giác của đôi chân đang bước, của bàn chân chạm mặt đất, của nhịp thở và nhịp tim đập. Phương thức này cũng hiệu quả ngay cả khi bạn đang vội, và thực sự là một phương pháp tuyệt vời để đối trị với sự nôn nao nóng nảy thường đi kèm với sự hối hả gấp gáp. Bạn có thể bước nhanh mà vẫn chú ý đến cảm giác của thân thể hoặc đến những con người, nơi chốn hay sự vật trên đường bạn đi qua. Chỉ cần tự nghĩ rằng: “Bây giờ tôi đang đi trên đường… bây giờ tôi thấy một tòa nhà… một người mặc áo thun và quần jeans… Bây giờ bàn chân trái tôi đang chạm đất… Bây giờ bàn chân phải tôi đang chạm đất…”

Khi bạn hướng sự tỉnh giác nhận biết vào mọi hoạt động của mình, những xáo động và âu lo sẽ giảm dần và tâm bạn trở nên an bình, thư giãn hơn. Và khi bạn thực sự đến nơi rồi, bạn sẽ ở trong một tâm trạng thư thái, cởi mở hơn để giải quyết phần tiếp theo của những việc phải làm.

Bạn cũng có thể thực tập giống như thế trong lúc lái xe, hay trong những công việc hằng ngày lúc ở nhà hay trong công sở, đơn giản chỉ bằng cách hướng sự chú ý đến những đối tượng trong tầm mắt, hoặc dùng âm thanh để quán chiếu. Ngay cả những việc đơn giản như nấu bếp hay ăn cơm cũng là những cơ hội để tu tập. Khi đang thái rau chẳng hạn, bạn có thể hướng sự chú tâm đến hình dạng hay màu sắc của mỗi đoạn rau được thái ra, hay đến tiếng nước sôi trong nồi canh. Khi ăn, hãy để ý đến hương vị của thức ăn. Để thay đổi, bạn cũng có thể thực tập thiền không đối tượng trong bất kỳ tình huống nào, và để cho tâm thức buông thư một cách đơn giản và rộng mở khi làm bất cứ việc gì, không tham cầu mà cũng không khó chịu.

Thậm chí trong giấc ngủ hay giấc mơ bạn cũng có thể thực hành thiền được. Khi bắt đầu ngủ, bạn có thể hoặc an trụ tâm trong trạng thái thiền không đối tượng, hoặc nhẹ nhàng chú ý đến cảm giác buồn ngủ. Bạn cũng có thể biến giấc mơ thành kinh nghiệm thiền quán bằng cách thầm lặp đi lặp lại lúc sắp ngủ: “Tôi sẽ nhận biết những giấc mơ của tôi... Tôi sẽ nhận biết những giấc mơ của tôi... Tôi sẽ nhận biết những giấc mơ của tôi...”

KẾT LUẬN

Khi bạn bắt đầu cảm thấy hoàn toàn cô độc, đó là khi bạn bắt đầu tự cứu được mình, tự tạo ra sự an vui tự tại.

Chogyam Trungpa
Trò chơi huyễn tưởng (Illusion’s Game)

Thiền tập không phải là một sự tu tập có cùng khuôn thước thích hợp cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân biểu hiện một sự kết hợp độc đáo về tính khí, nền tảng giáo dưỡng và khả năng. Đức Phật đã nhận biết điều này nên truyền dạy rất nhiều phương pháp khác nhau để giúp chúng sinh thuộc mọi tầng lớp và trong mọi hoàn cảnh đều có thể nhận biết bản thể của tâm thức mình và sự giải thoát chân thật lìa khỏi ba độc: tham, sân, si. Một số trong những phương pháp này có thể có vẻ như rất đời thường, nhưng thật ra chúng biểu thị tinh túy của sự tu tập Phật pháp.

Cốt lõi giáo pháp của đức Phật là, trong khi sự tu tập hành trì theo thời khóa có thể giúp chúng ta phát triển sự trực nghiệm về tánh Không, trí tuệ và từ bi, nhưng những kinh nghiệm như thế lại chẳng có ý nghĩa gì nếu như ta không thể vận dụng chúng vào mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Bởi vì chính trong khi đối diện với những thách thức của cuộc sống hằng ngày mà ta mới có thể thực sự đo lường được mức phát triển sự trầm tĩnh, tuệ giác và tâm từ bi của mình.

Tuy vậy, đức Phật khuyến khích chúng ta hãy tự mình thử nghiệm các giáo pháp. Trong một quyển kinh, Ngài đã thúc giục các đệ tử hãy thử nghiệm những giáo pháp của Ngài qua việc hạ thủ công phu thay vì chấp nhận chỉ hoàn toàn qua những giá trị bề ngoài:

“Như người ta phải nung, cắt và mài đập để thử vàng,
Cũng thế, một tỳ-kheo có trí tuệ sẽ khảo sát giáo pháp của ta.
Hãy khảo sát kỹ càng giáo pháp của ta,
Đừng chấp nhận chỉ bằng vào lòng tin.”

Cũng trên tinh thần đó, tôi đề nghị quý vị hãy tự mình thử nghiệm giáo pháp xem có hiệu quả đối với mình hay không. Một vài pháp tu có thể là hữu ích với quý vị, nhưng một số khác có thể không hiệu quả. Một số trong quý vị có thể sẽ tức thời cảm thấy thích thú đối với một hay một vài phương thức, trong khi những phương thức khác đòi hỏi phải hành trì nhiều hơn một chút. Thậm chí một số người trong quý vị có thể thấy rằng việc thực hành thiền quán không đem lại chút lợi ích nào cho mình cả. Điều này cũng không sao cả. Điều quan trọng nhất là phải tìm thấy và hành trì theo một pháp tu nào có thể làm sinh khởi một cảm giác an tịnh, trong sáng, tự tin và an bình. Nếu làm được như thế, bạn sẽ làm lợi ích không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả mọi người quanh bạn nữa. Và đó cũng là mục đích của tất cả những thực hành khoa học cũng như tâm linh, phải không? Đó là tạo ra một thế giới an toàn hơn, hài hòa hơn, một thế giới tốt đẹp, không những cho chính mình mà còn cho những thế hệ mai sau.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.233.69 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...