Hãy quan sát một cách tự nhiên bản chất của những gì đang sinh khởi.
KARMA CHAGMEY RINPOCHE
Sự kết hợp Đại thủ ấn và Đại viên mãn
(The Union of Mahamudra and Dzogchen)
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ
Đức Phật đã nhận biết rằng không thể có hai người hoàn toàn giống nhau, rằng mỗi người sinh ra với một sự kết hợp độc đáo những khả năng, phẩm chất và tính cách. Tuệ giác vĩ đại và lòng từ bi vô lượng của Ngài đã thể hiện qua việc thuyết dạy một số lượng giáo pháp khổng lồ để nhờ đó mà đủ mọi hạng người đều có thể tu tập đạt đến sự trực nghiệm bản chất chân thật của chính mình và hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.
Hầu hết giáo pháp của đức Phật đều được Ngài ứng cơ thuyết giảng tùy theo nhu cầu của những người có duyên may kề cận bên Ngài vào một thời điểm nhất định nào đó. Khả năng ứng đối một cách tự nhiên, chính xác và đúng đắn là một trong những biểu lộ của một bậc thầy giác ngộ, và khả năng ấy luôn được vận dụng hoàn hảo trong suốt thời gian vị thầy ấy còn tại thế. Tuy nhiên, sau khi đức Phật nhập diệt thì những vị đệ tử đầu tiên của Ngài đã phải tìm cách sắp xếp lại những giáo pháp được ứng cơ thuyết giảng như thế, theo cách sao cho có thể đem lại lợi ích cho những thế hệ về sau. May mắn thay, những vị đệ tử ban đầu của đức Phật rất giỏi trong việc sắp xếp phân loại, và các ngài đã phân chia các giáo pháp đa dạng về thiền tập của đức Phật ra làm hai phạm trù cơ bản: các phương pháp thiền có phân tích tư duy (thiền quán) và các phương pháp thiền không phân tích tư duy (thiền chỉ).
Thông thường thì các phương pháp thiền chỉ được dạy trước, vì đây là những phương tiện giúp tĩnh tâm. Khi tâm đã an tĩnh rồi, ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đơn thuần nhận biết những loại tư tưởng, cảm giác và cảm thọ khác nhau mà không bị chúng lôi cuốn.
Phương pháp thiền quán yêu cầu trực tiếp quán chiếu tâm ngay trong quá trình kinh nghiệm [đối tượng], và thường chỉ được dạy khi thiền sinh đã biết cách an trụ tâm đơn thuần trong trạng thái tự nhiên của nó. Hơn nữa, vì kinh nghiệm trực tiếp quán chiếu tâm thức là một kinh nghiệm có thể làm sinh khởi nhiều nghi vấn, nên phương pháp này tốt nhất nên được thực tập dưới sự giám sát của một vị minh sư có đủ kinh nghiệm và tuệ giác để hiểu được những nghi vấn đó và đưa ra những giải pháp thích ứng riêng cho từng đệ tử. Vì lý do đó, ở đây tôi muốn tập trung vào những phương pháp thực hành thiền chỉ, giúp an trụ và tĩnh tâm.
Trong tiếng Phạn, phương pháp thiền không phân tích tư duy được gọi là shamata. Tiếng Tây tạng gọi là shinay, được ghép bởi hai âm tiết: shi có nghĩa là “an bình” hay “yên tĩnh”, và nay có nghĩa là “trụ” hay “ở”. Trong tiếng Hán Việt thường dịch là “thiền chỉ”, nghĩa là đơn thuần để cho tâm dừng lại an trụ trong trạng thái tự nhiên của nó. Đây là một pháp thực hành cơ bản giúp chúng ta an trụ tâm trong một trạng thái tỉnh giác thư giãn, để bản chất của tâm có thể tự hiển lộ.
THIỀN KHÔNG ĐỐI TƯỢNG
Cắt đứt gốc rễ của tự tâm:
an trụ trong giác tính đơn thuần.
Ngài TILOPA
Hằng hà Đại thủ ấn
(Ganges Mahamudra)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ
Lần đầu tiên khi cha tôi dạy tôi an trụ tâm một cách tự nhiên “trong giác tính đơn thuần”, tôi đã không hiểu ngài muốn nói gì. Làm sao tôi có thể chỉ “an trụ” tâm mà không có gì để trụ vào?
May quá, cha tôi đã từng đi qua nhiều nơi trên thế giới, ngài đã gặp khá nhiều người và đã có dịp trò chuyện với họ về cuộc đời, về những khó khăn và những thành tựu của họ. Thật ra, đó là một trong những lợi điểm lớn khi mặc chiếc áo tu sĩ Phật giáo. Người ta có khuynh hướng nghĩ bạn là một người thông tuệ và quan trọng nên thường sẵn lòng cởi mở hơn và dễ dàng thổ lộ với bạn những chi tiết về cuộc đời họ.
Để minh họa việc an trụ tâm, cha tôi hay dùng một thí dụ mà ông đã học được từ một nhân viên trong khách sạn. Người này luôn cảm thấy vui mừng khi đến giờ tan việc, vì công việc của ông là phải đứng suốt 8 tiếng đồng hồ sau quầy tiếp khách, làm thủ tục cho khách nhận phòng và trả phòng, nghe họ than phiền về phòng ốc và không ngừng tranh cãi về số tiền ghi trên hóa đơn. Sau ca làm việc của mình, người nhân viên ấy hoàn toàn kiệt sức và không muốn làm gì khác hơn là về nhà ngâm mình trong bồn tắm thật lâu, thật thư thích. Tắm xong, ông sẽ lên giường nằm nghỉ, thở ra một hơi dài và chỉ thư giãn mà thôi. Mấy tiếng đồng hồ sau đó là của ông: không phải mặc đồng phục đứng sau quầy, không phải nghe những lời phàn nàn, và không phải dán mắt vào màn hình máy vi tính để xác nhận phòng đã được đặt trước hay tìm phòng còn trống.
Đó là phương pháp an trụ tâm trong thiền shinay không đối tượng: như thể bạn vừa mới kết thúc một ngày dài làm việc. Chỉ việc buông xả và thư giãn. Bạn không cần phải ngăn chặn bất cứ tư tưởng, cảm xúc hay cảm thọ nào khi chúng sinh khởi, mà cũng không cần chạy theo chúng. Chỉ an trú trong hiện tại rộng mở, đơn giản để cho bất cứ điều gì đang xảy ra cứ xảy ra. Thiền không đối tượng không có nghĩa là buông thả tâm phiêu lãng không mục đích trong ảo tưởng, kỷ niệm hay mơ mộng. Vẫn có sự hiện diện của ý thức ở một mức độ có thể miêu tả một cách không chính xác lắm như là một trung tâm tỉnh giác. Bạn có thể là không chú tâm đến bất kỳ sự việc cụ thể nào, nhưng bạn vẫn tỉnh giác, vẫn hiện diện cùng với những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây.
Khi chúng ta thiền trong trạng thái không đối tượng này, thật ra là chúng ta đang an trụ tâm trong sự trong sáng tự nhiên của nó, hoàn toàn không lưu tâm đến sự đi qua của những tư tưởng và cảm xúc. Trạng thái trong sáng tự nhiên này - hoàn toàn vượt ngoài sự nắm bắt nhị nguyên [vốn phân biệt] chủ thể và đối tượng - luôn có mặt cho ta, cũng như hư không luôn có mặt. Trong một ý nghĩa nào đó, thiền không đối tượng cũng giống như chấp nhận rằng cho dù có bao nhiêu mây và sương mù che phủ bầu trời, mình vẫn nhận biết rằng bầu trời tự thân nó không hề thay đổi, ngay cả lúc bị che phủ. Nếu bạn đã từng đi máy bay, bạn hẳn đã chứng kiến là ở bên trên những tầng mây, màn sương hay mưa bão, bầu trời vẫn luôn luôn rộng mở và trong sáng. Quang cảnh ấy trông rất bình thường. Cũng tương tự như thế, tánh Phật luôn rộng mở và trong sáng ngay cả khi bị những tư tưởng và cảm xúc ngăn che. Cho dù có vẻ như rất bình thường, nhưng tất cả các phẩm tính như sự trong sáng, tánh Không và tâm từ bi đều được hàm chứa trong trạng thái ấy.
Tu tập thiền không đối tượng là phương pháp căn bản nhất để an trụ tâm thức. Bạn không cần phải theo dõi những tư tưởng hay cảm xúc - tôi sẽ đề cập đến những pháp thực tập này sau - và bạn cũng không cần ngăn chặn chúng. Bạn không cần làm gì khác hơn là an trụ tâm trong sự tỉnh giác về những hoạt động bình thường của tâm một cách hồn nhiên trẻ thơ: “Ồ, nhìn xem có bao nhiêu tư tưởng, cảm thọ và cảm xúc đang đi ngang qua sự nhận biết của tôi ngay bây giờ đây này!”
Trong một ý nghĩa nào đó, thực hành thiền không đối tượng cũng giống như nhìn vào không gian bao la thay vì chú ý vào những thiên hà, sao trời hay hành tinh đang vận chuyển trong không gian ấy. Tư tưởng, cảm xúc và cảm giác đến và đi trong sự ý thức của chúng ta, giống như thiên hà, tinh tú và hành tinh đến và đi trong không gian. Giống như không gian không hề được xác định bởi những thiên thể di chuyển trong ấy, tâm tỉnh giác cũng không hề được xác định hay giới hạn bởi các tư tưởng, cảm xúc và cảm giác v.v… mà tâm ấy nhận biết. Sự tỉnh giác chỉ đơn thuần hiện hữu, thế thôi. Và thực hành thiền không đối tượng chỉ là an trụ trong sự có mặt như thật của tâm tỉnh giác. Có người thấy phương pháp thiền tập này rất dễ dàng, nhưng cũng có người thấy tập thiền như thế rất khó khăn. Điều này tùy thuộc vào tính khí của mỗi người hơn là năng lực hay tài nghệ.
Những chỉ dẫn hành thiền như trên rất đơn giản. Trong những buổi thiền tập theo thời khóa thì tốt nhất là cố hết khả năng mình để áp dụng đúng theo thế ngồi 7 điểm. Nếu bạn không thể áp dụng một tư thế theo đúng nghi thức - chẳng hạn khi đang lái xe hay đang đi trên đường phố - thì chỉ cần giữ cột sống thật thẳng và các phần còn lại của thân thể thật thư giãn, thăng bằng. Sau đó để cho tâm thức buông thư trong trạng thái ý thức đơn thuần về hiện tại.
Điều không thể tránh được là đủ loại tư tưởng, cảm thọ và cảm giác sẽ đi qua tâm thức của bạn. Điều này là rất bình thường, vì bạn chưa từng tu tập an trụ tâm. Giống như khi tập tạ, ban đầu bạn chỉ có thể nhấc vài ký lô vài lần thì cơ bắp đã rã rời. Nhưng nếu kiên trì, dần dần bạn sẽ thấy mình có thể nhấc những quả tạ nặng hơn và có thể nhấc như thế nhiều lần hơn.
Tương tự, học tập thiền là một tiến trình tuần tự. Khởi đầu, mỗi lần thiền tập bạn chỉ có thể ngồi yên một vài giây là các tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ đã đua nhau nổi lên trên bề mặt tâm thức. Chỉ dẫn căn bản vào lúc này là không chạy theo những tư tưởng và cảm xúc, mà chỉ đơn thuần nhận biết tất cả những gì đang đi ngang qua sự nhận biết của mình, không thêm không bớt. Bất luận điều gì đi ngang qua tâm thức, đừng chú tâm vào đó và cũng đừng tìm cách ngăn chặn. Chỉ quan sát chúng, khi chúng đến và đi.
Một khi bạn bắt đầu chạy theo một tư tưởng là bạn đã bị cắt đứt với những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây, và bạn sẽ bắt đầu nghĩ đến đủ loại ảo cảnh, phán đoán, kỷ niệm hoặc những câu chuyện không liên quan gì đến thực tế trong hiện tại. Càng để cho mình bị cuốn hút bởi những tư tưởng tản mạn, bạn càng dễ đi lạc xa cái không gian khoảng khoát của giây phút này.
Mục đích của thiền quán không đối tượng là chậm rãi và tuần tự buông bỏ thói quen này để an trụ trong trạng thái ý thức về hiện tại - rộng mở đón nhận tất cả những điều có thể xảy ra ngay bây giờ. Đừng tự chỉ trích hay phê phán khi thấy mình đang bị cuốn theo các tư tưởng. Chính sự phát hiện mình đang sống lại một sự việc xảy ra trong quá khứ hay đang phóng chiếu về tương lai đã đủ để đưa bạn về hiện tại và tăng cường chủ ý thực hành thiền quán. Khi bạn dấn thân vào sự thực tập thiền, chính cái chủ ý muốn thực tập thiền mới là yếu tố quyết định.
Việc tiến dần từng bước một cũng quan trọng không kém. Cha tôi đã cẩn thận căn dặn tất cả các học viên mới của ngài, kể cả tôi, rằng cách tiếp cận hữu hiệu nhất ban đầu là an trụ tâm trong một khoảng thời gian rất ngắn và làm như thế nhiều lần mỗi ngày. Ngài nói, nếu không làm thế thì sẽ có nguy cơ cảm thấy nhàm chán hay thất vọng với sự tiến triển của mình, và cuối cùng sẽ từ bỏ mọi nỗ lực. Kinh văn xưa dạy rằng: “Từng giọt, từng giọt nhỏ, rồi bát nước sẽ đầy.”
Vì vậy, khi mới bắt đầu đừng đặt cho mình một mục tiêu quá cao như ngồi thiền một mạch 20 phút. Thay vào đó, hãy nhắm đến chừng một phút, thậm chí nửa phút - tận dụng những giây phút ngắn ngủi khi bạn đã sẵn sàng hoặc ngay cả mong muốn [thực hành] chỉ để nghỉ xả hơi giữa công việc quay cuồng hằng ngày và quan sát tâm thức thay vì nghĩ ngợi mông lung. Thực hành như thế, “từng giọt, từng giọt nhỏ”, bạn sẽ dần dần thoát khỏi những giới hạn tâm thần và cảm xúc vốn là căn nguyên của sự mệt mỏi, thất vọng, giận dữ và tuyệt vọng; để rồi khám phá ngay trong bản thân mình một suối nguồn vô hạn của sự trong sáng, trí tuệ, tinh tấn, an bình và từ bi.