Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 2. Khúc giao hưởng nội tâm »»

Sống một đời vui
»» 2. Khúc giao hưởng nội tâm

Donate

(Lượt xem: 15.907)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 2. Khúc giao hưởng nội tâm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

“Nhiều bộ phận hợp lại tạo nên khái niệm về chiếc xe.”

Tương ưng bộ kinh (Samyuttanikāya)
Maria Montenegro dịch sang Anh ngữ

Một trong những bài học vỡ lòng của người Phật tử mà tôi đã học là mỗi một chúng sinh, có nghĩa là mỗi một sinh vật sẵn có sự nhận biết, dầu chỉ là cơ bản nhất, đều có thể được xác lập bởi ba khía cạnh, hay ba tính cách, là: thân, khẩu và ý.

Khái niệm “thân” tất nhiên là được dùng để chỉ cho phần thân thể vật lý đang hiện hữu của ta, vốn không ngừng thay đổi. Nó sinh ra, lớn lên, mang bệnh, già nua và cuối cùng là chết đi.

Khái niệm “khẩu” không chỉ riêng cho khả năng diễn đạt bằng lời nói, mà còn là tất cả những dấu hiệu khác nhau mà chúng ta dùng để giao tiếp, trao đổi, qua các hình thức âm thanh, ngôn từ, cử chỉ và nét mặt, thậm chí kể cả sự sản sinh các hoạt chất tương tác (pheromone), là những hợp chất hóa học được tiết ra bởi các loài động vật có vú và tạo ảnh hưởng một cách tinh tế đến cung cách ứng xử cũng như sự phát triển của các động vật khác trong cùng loài.

Cũng giống như thân, khẩu là một khía cạnh vô thường mà chúng ta trải nghiệm. Tất cả các thông điệp ta trao đổi với nhau qua ngôn từ hoặc các kiểu tín hiệu khác nữa đều đến và đi theo thời gian. Và khi thân này chết đi, khả năng của khẩu cũng mất theo.

Ý - hay thức, hoặc tâm thức - là khía cạnh khó mô tả hơn. Đó không phải là một “sự vật” mà ta có thể chỉ ra một cách dễ dàng như việc xác định thân hoặc khẩu. Dầu có nghiên cứu khía cạnh này của một con người sâu xa đến đâu đi chăng nữa, ta vẫn không thể thực sự xác định được vị trí của bất kỳ một vật thể nhất định nào để có thể gọi đó là tâm thức. Hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn, cuốn sách và bài viết đã được viết ra trong nỗ lực nhằm mô tả khía cạnh khó nắm bắt này của con người. Thế nhưng, bất chấp bao thời gian và công sức đã bỏ ra nhằm xác định tâm thức là gì và nằm ở đâu, vẫn không một người Phật tử nào, cũng như không một nhà khoa học phương Tây nào, đã có thể nói một cách dứt khoát rằng: “A ha! Tôi đã tìm được tâm thức! Nó nằm ở chỗ này trong cơ thể, nó có hình dáng như thế này và vận hành như thế này...”

Nói cho cùng thì sau nhiều thế kỷ khảo sát, người ta cũng chỉ có thể xác định rằng tâm không nằm ở một vị trí cụ thể nào, không có hình dáng, thể dạng, màu sắc hay bất kỳ tính chất cụ thể nào để ta có thể liên kết với những khía cạnh cơ bản khác [của cơ thể], chẳng hạn như vị trí của tim hay phổi, những nguyên lý tuần hoàn, và các vùng [trong não bộ] điều khiển những chức năng thiết yếu như sự trao đổi chất [trong cơ thể]. Sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu ta cho rằng một vật mơ hồ đến phát nản như tâm không hề tồn tại! Sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu ta xếp tâm thức vào cùng một phạm trù với những thứ được tưởng tượng ra như là ma quỷ, yêu tinh hay thần tiên!

Nhưng về mặt thực tiễn, bất kỳ ai cũng không thể chối bỏ sự tồn tại của tâm thức. Chúng ta suy nghĩ. Chúng ta cảm nhận. Ta nhận biết được mỗi khi lưng ta đau mỏi hay bàn chân tê cứng. Ta rõ biết là ta đang mệt mỏi hay tỉnh táo, vui sướng hay buồn khổ. Việc không thể xác định vị trí hay đưa ra định nghĩa chính xác về một hiện tượng không có nghĩa là hiện tượng ấy không tồn tại. Sự kiện đó chỉ thực sự nói lên mỗi một điều là, chúng ta vẫn chưa thu thập đủ thông tin để đưa ra được một mô thức hợp lý.

Để nêu lên một trường hợp tương đồng đơn giản, bạn có thể so sánh những kiến thức khoa học về tâm thức với sự thừa nhận của chính bạn đối với một sự việc thật đơn giản như là công năng của dòng điện. Việc bật công tắc đèn hay mở ti-vi lên không đòi hỏi phải có một kiến thức chi li về hệ thống mạch điện hay năng lượng điện từ. Nếu đèn không sáng, bạn thay bóng. Nếu ti-vi không hoạt động, bạn kiểm tra dây cáp hay kết nối [sóng] vệ tinh. Có thể bạn phải thay một bóng đèn bị cháy, hoặc siết chặt các mối nối dây dẫn giữa ti-vi và hộp cáp hay đĩa thu sóng vệ tinh, hoặc thay cầu chì bị đứt. Cùng lắm, bạn có thể phải gọi thợ đến sửa chữa. Nhưng đằng sau tất cả những việc làm ấy là một sự nhận hiểu, hay một niềm tin nền tảng, đó là [tin vào] công năng của dòng điện.

Đằng sau hoạt động của tâm thức cũng là một tình huống tương tự như thế. Khoa học hiện đại đã có thể xác định rất nhiều trong số các cấu trúc và tiến trình của tế bào góp phần tạo thành những hoạt động tri thức, tình cảm và cảm giác, vốn được chúng ta cho là phần chức năng tinh thần [của con người]. Nhưng khoa học vẫn chưa xác định được bất kỳ điều gì gần giống với những yếu tố cấu thành chính bản thân “tâm thức”. Trong thực tế, khi các nhà khoa học khảo sát hoạt động tinh thần [của con người] càng chính xác hơn thì họ lại càng tiến đến gần hơn với sự nhận hiểu của đạo Phật về tâm thức, [vốn xem tâm thức như] là một hiện tượng không ngừng biến chuyển thay vì là một thực thể cá biệt.

Những bản dịch kinh văn Phật giáo [sang Anh ngữ] ban đầu đã cố xác định tâm như một kiểu “vật thể” cá biệt hay “một cái gì đó” tồn tại vượt ngoài giới hạn những hiểu biết của khoa học đương thời. Thế nhưng, những bản dịch sai lạc ấy đã dựa trên những giả định của phương Tây thời đó, vốn cho rằng mọi kinh nghiệm [của con người] suy cho cùng hẳn đều phải có liên hệ với một khía cạnh nào đó trong chức năng vật lý [của cơ thể]. Những bản luận giải kinh điển gần đây hơn đã đưa ra một sự nhận hiểu rất gần hơn với khái niệm của khoa học hiện đại về “tâm thức”, [theo đó tâm được xem như] một kiểu hiện tượng biến chuyển không ngừng khởi sinh từ sự tương tác giữa các tập quán thần kinh với những yếu tố không thể dự đoán của kinh nghiệm tức thời.

Các Phật tử và những khoa học gia hiện đại cùng đồng ý với nhau rằng sự hiện hữu của tâm thức chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa tất cả chúng sinh hữu tình, hay hữu thức, với các sinh vật [vô tình] như cỏ cây, và tất nhiên là [càng khác biệt] với những thứ mà ta không nhất thiết phải xem là có sự sống, như sỏi đá, mảnh giấy bao kẹo hay những khối bê-tông...

Về bản chất, tâm thức là khía cạnh quan trọng nhất của tất cả các loài chúng sinh hữu tình. Thậm chí một con giun đất cũng có tâm thức. Cứ cho là nó có thể không phức tạp như tâm thức của con người; thế nhưng, trong sự đơn sơ ấy cũng có thể có cái hay của nó. Tôi chưa bao giờ nghe nói có con giun đất nào thức trắng đêm lo lắng về thị trường chứng khoán!

Có một vấn đề khác mà những người Phật tử và hầu hết các nhà khoa học hiện đại cũng đồng ý với nhau: tâm là khía cạnh quan trọng nhất trong bản chất của một chúng sinh hữu tình. Trong một ý nghĩa thì tâm thức, hay ý, là chủ nhân điều khiển con rối, trong khi “thân” và những dạng giao tiếp khác tạo thành “khẩu” hoàn toàn chỉ là những con rối của nó.

Bạn có thể tự mình kiểm chứng lại quan niệm như trên về vai trò của tâm thức. Khi bạn đưa tay gãi mũi, cái gì đã nhận biết cảm giác ngứa? Liệu thân thể bạn có thể tự nó nhận biết cảm giác ngứa? Có phải thân thể tự điều khiển chính nó đưa tay lên gãi mũi? Thậm chí là thân thể liệu có khả năng phân biệt giữa cảm giác ngứa, bàn tay và cái mũi hay không? Hoặc có thể lấy thí dụ về sự khát nước. Nếu bạn khát nước thì chính tâm thức trước hết nhận ra sự khát, rồi cũng tâm thức thúc đẩy bạn xin một ly nước, và điều khiển tay bạn cầm lấy ly nước, đưa lên miệng, rồi sai khiến bạn uống vào. Và rồi cũng chính tâm thức ghi nhận sự thích thú khi một nhu cầu vật chất được thỏa mãn.

Cho dù chúng ta không thể nhìn thấy tâm, nhưng nó luôn hiện hữu trong trạng thái hoạt động. Nó là cội nguồn khả năng nhận biết của mỗi chúng ta, để phân biệt giữa một ngôi nhà với một cái cây, giữa mưa và tuyết, giữa bầu trời quang đãng với bầu trời mây phủ. Nhưng vì trong kinh nghiệm của ta, việc sẵn có một tâm thức là điều kiện quá ư cơ bản nên hầu hết chúng ta xem đó như một điều tất nhiên. Chúng ta không hề bận tâm tự hỏi xem cái gì đang suy nghĩ [những điều như:] “tôi muốn ăn cơm, tôi muốn đi, tôi muốn ngồi...” Chúng ta không tự hỏi: “Tâm ở trong hay ở ngoài thân? Liệu nó có khởi đầu từ đâu đó, tồn tại ở đâu đó, và chấm dứt ở đâu đó hay không? Liệu nó có hình dạng, màu sắc hay không? Thậm chí là liệu nó có thật tồn tại chăng, hay chỉ là sự hoạt động ngẫu nhiên của những tế bào não đã tích tập sự thúc đẩy của thói quen qua thời gian?” Nhưng nếu chúng ta muốn dứt trừ mọi sự đau đớn, khổ não, những kinh nghiệm khó chịu trong cuộc sống hằng ngày, và nếu ta muốn hiểu thấu trọn vẹn tầm quan trọng của việc có được một tâm thức, thì chúng ta phải cố gắng quan sát tâm thức và phân biệt những đặc điểm chính yếu của nó.

Tiến trình này thật ra rất đơn giản. Nó chỉ có vẻ như khó khăn lúc ban đầu, vì ta đã quá quen với việc nhìn ra thế giới “bên ngoài”, một thế giới dường như luôn đầy ắp những đối tượng và kinh nghiệm hấp dẫn. Khi quay nhìn lại tâm thức, ta thấy giống như đang cố nhìn ra sau gáy của mình mà không dùng đến gương soi.

Vậy bây giờ tôi xin đề nghị một bài kiểm tra đơn giản để chỉ ra sự bất ổn của việc cố nhìn tâm theo cách hiểu thông thường của chúng ta về sự vật. Đừng lo lắng. Các bạn chắc chắn sẽ vượt qua bài kiểm tra này, và cũng không [nghiêm túc đến độ bạn phải] dùng bút chì tiêu chuẩn số 2 để điền vào bất kỳ mẫu giấy thi nào.

Đề kiểm tra là thế này: Lần tới đây khi bạn ngồi vào bàn ăn trưa hoặc ăn tối, hãy tự hỏi: “Ai đang suy nghĩ rằng món ăn này ngon, hay không ngon lắm? Ai đang nhận biết là đang ăn?” Dường như câu trả lời lập tức rất hiển nhiên là: “Bộ não tôi.” Nhưng khi chúng ta quan sát bộ não từ góc độ của khoa học hiện đại, ta thấy rằng câu trả lời không hoàn toàn đơn giản đến như thế.

NHỮNG GÌ ĐANG DIỄN RA TRONG NÃO BỘ?

“Tất cả mọi pháp đều do tâm phóng chiếu.”

Đức Gyalwang Karmapa Đời thứ 3
Wishes of Mahamudra (Đại Thủ Ấn kỳ nguyện văn)
Maria Montenegro dịch sang Anh ngữ

Nếu tất cả những gì ta mong muốn chỉ là được sống hạnh phúc, tại sao ta cần phải hiểu biết, dù chỉ một chút gì đó, về não bộ? Tại sao ta không thể chỉ cần suy nghĩ những điều vui vẻ, tưởng tượng thân thể mình tràn ngập ánh sáng trắng, hoặc treo đầy tường nhà những bức tranh vô tư vui thú kiểu “thỏ con với cầu vồng” và không cần làm gì khác nữa? Vâng… cũng có thể.

Thật không may, một trong những chướng ngại lớn nhất mà chúng ta gặp phải khi cố gắng khảo sát tâm thức là một niềm tin đã ăn sâu và thường là một cách vô thức, rằng “tôi sinh ra đã là thế này và không thể làm gì để thay đổi khác đi”. Tôi đã trải qua chính cái cảm giác tiêu cực vô ích này suốt thời thơ ấu, và đã nhận ra nó rất thường xuyên khi tiếp xúc với mọi người trên khắp thế giới. Chúng ta thậm chí không hề suy nghĩ đến nó một cách có ý thức, nhưng cái ý tưởng rằng mình “không thể nào thay đổi được đầu óc” đã khóa chặt mọi toan tính nỗ lực của chúng ta.

Có nhiều người đã cố gắng tạo ra sự thay đổi bằng cách tự ám thị, cầu nguyện hay quán tưởng, nhưng rồi thú nhận với tôi là họ đã bỏ cuộc sau vài ba ngày hay vài ba tuần lễ, vì không thấy chút hiệu quả tức thì nào. Sau khi sự cầu nguyện và tự ám thị của họ không mang lại hiệu quả, họ bèn chối bỏ toàn bộ ý tưởng rèn luyện tâm, cho rằng đó chỉ là một mánh khóe quảng cáo để bán sách.

Một trong những điểm thú vị của việc thuyết giảng vòng quanh thế giới trong bộ áo nhà tu Phật giáo và với một danh xưng gây ấn tượng là những người thường không có thì giờ tiếp chuyện với một “phó thường dân” lại rất vui lòng nói chuyện với tôi, như thể tôi là một người quan trọng đáng được nể vì. Và trong những cuộc hội đàm với các khoa học gia trên thế giới, tôi đã kinh ngạc khi nhận thấy có một sự đồng thuận gần như phổ biến khắp trong giới khoa học, rằng cấu trúc của não bộ quả đúng là có cho phép thực hiện những thay đổi thực sự trong kinh nghiệm hằng ngày.

Trong khoảng 10 năm qua, tôi đã trực tiếp trò chuyện và từng được nghe qua rất nhiều ý tưởng thú vị từ các nhà thần kinh học, sinh vật học và tâm lý học. Trong số đó, có những điều bất đồng với những ý niệm tôi được dạy từ nhỏ, có những điều khác lại giúp khẳng định những gì tôi đã học, cho dù là từ một góc độ khác hơn. Bất kể là chúng tôi có đồng ý với nhau hay không, điều quý giá nhất mà tôi học được từ những cuộc trao đổi với các nhà khoa học này là, việc dành thời gian để nhận hiểu được dù chỉ một phần cấu trúc và chức năng của não bộ, cũng tạo ra một nền tảng vững chắc hơn cho việc nhận hiểu theo quan điểm khoa học về lý do tại sao và bằng cách nào mà những pháp môn tu tập người Phật tử như tôi được học lại thực sự mang đến kết quả.

Tôi đã tình cờ được nghe Tiến sĩ Y khoa Robert B. Livingston, người sáng lập và cũng là Khoa trưởng của Khoa Thần kinh học tại Đại học California ở San Diego, đưa ra một trong những hình tượng so sánh thú vị nhất về não bộ. Trong cuộc Hội thảo lần đầu tiên của Viện Tâm thức và Đời sống vào năm 1987, ông Livingston đã so sánh não bộ như “một khúc giao hưởng, được hòa âm tuyệt vời và phối hợp trình tấu rất tốt”. Ông giải thích, giống như một dàn nhạc giao hưởng, não bộ được cấu tạo bởi những nhóm “nhạc công” cùng phối hợp với nhau để tạo ra những kết quả cụ thể, chẳng hạn như những cử động, tư tưởng, cảm giác, ký ức và những cảm thọ vật lý. Tuy những kết quả ấy có vẻ hoàn toàn đơn giản, như khi bạn nhìn một người ngáp, chớp mắt, hắt hơi hay đưa một cánh tay lên, nhưng chỉ riêng số lượng các “nhạc công” đã tham gia vào những hành vi đơn giản đến như thế, và phạm vi tương tác giữa các thành phần ấy, cũng đủ để đã tạo ra một toàn cảnh phức tạp đáng kinh ngạc.

Để hiểu rõ hơn những điều Tiến sĩ Livingston nói, tôi đã phải nhờ người giúp đỡ để hiểu được thông tin trong hàng núi sách và tạp chí, cùng các tài liệu khác mà tôi nhận được trong những chuyến đi đầu tiên đến phương Tây. Rất nhiều trong số các tài liệu ấy lại cực kỳ chuyên ngành, và khi tôi cố gắng để nhận hiểu hết, tôi cảm nhận tự thân mình khởi sinh một lòng thương cảm lớn lao đối với các nhà khoa học tương lai và những sinh viên y khoa [sẽ làm việc trong ngành này].

May mắn thay, tôi đã có điều kiện trò chuyện rất lâu với những người thông thái hơn tôi trong các lãnh vực này. Họ đã chuyển dịch tất cả những thuật ngữ khoa học thành những từ ngữ thông thường mà tôi có thể hiểu được. Tôi hy vọng thời gian và công sức họ đã bỏ ra có thể đem lại lợi ích cho họ cũng giống như đã làm lợi ích cho tôi. Không những vốn từ tiếng Anh của tôi gia tăng cực kỳ nhanh chóng, mà tôi còn đạt được một sự hiểu biết về phương thức hoạt động của não bộ theo cách mà người bình dân cũng có thể nhận hiểu dễ dàng. Và khi sự nhận hiểu của tôi về những chi tiết cốt lõi [của vấn đề] đã được hoàn thiện, tôi nhận ra rõ rệt hơn rằng, đối với những ai không được lớn lên trong truyền thống Phật giáo, thì một nhận thức cơ bản về bản chất và vai trò của những “nhạc công” mà Tiến sĩ Livingston đã đề cập là điều kiện thiết yếu để có thể hiểu được lý do tại sao và bằng cách nào mà những pháp môn thiền định của Phật giáo lại thực sự mang lại hiệu quả xét riêng trên bình diện sinh lý.

Tôi cũng say mê học hỏi theo quan điểm khoa học để biết xem những gì đã xảy ra trong não bộ của chính tôi, khiến cho tôi từ một đứa bé mang chứng bệnh sợ sệt kinh niên đã trở thành một người có khả năng đi vòng quanh thế giới và ngồi trước hàng trăm người đến nghe mình thuyết giảng mà không có bất kỳ dấu hiệu sợ sệt nào. Tôi thực sự không thể giải thích được tại sao tôi lại quá tò mò muốn hiểu biết những nguyên nhân vật lý nằm sau những chuyển hóa [tâm thức] đã xảy ra sau nhiều năm thiền tập, trong khi có quá nhiều các bậc thầy hay huynh đệ đồng tu của tôi lại hài lòng với chỉ riêng sự chuyển hóa tâm thức thôi là đủ. Có lẽ kiếp trước tôi đã từng là thợ máy chăng?

Nhưng hãy trở lại với não bộ. Theo một cách nói căn bản rất “bình dân” thì hầu hết hoạt động của não bộ dường như phát sinh từ một lớp tế bào rất đặc biệt được gọi là nơ-ron. Nơ-ron là những tế bào rất giỏi giao tế: chúng thích tán gẫu. Trên một vài khía cạnh, chúng giống như những đứa học trò nghịch ngợm, không ngừng trao đổi các mẩu tin nhắn và thì thầm trò chuyện với nhau - chỉ khác là những câu chuyện bí mật giữa các nơ-ron chủ yếu là về những cảm thọ, cử động, giải quyết vấn đề, tạo ký ức, và phát sinh tư tưởng, cảm xúc.

Những tế bào lắm chuyện này trông rất giống những cái cây, có một thân cây gọi là a-xon (sợi trục), có những nhánh cây đưa ra để truyền và nhận thông tin qua lại với những nhánh khác, hay những tế bào thần kinh khác chạy dọc theo các cơ bắp và các lớp mô biểu bì, các cơ quan sinh tồn và cơ quan thụ cảm. Chúng truyền tin cho nhau qua những khoảng cách nhỏ xíu giữa những nhánh gần nhau nhất, gọi là xi-nap (synapse). Thông tin thực sự truyền đi qua những khoảng cách nhỏ này được truyền tải dưới dạng những phân tử hóa học gọi là chất dẫn truyền xung động thần kinh (neurotransmitter). Những chất dẫn truyền xung động thần kinh này tạo ra các xung điện có thể đo được nhờ một máy đo điện não đồ (EEG). Một số trong các chất dẫn truyền xung động thần kinh này ngày nay đã được rất nhiều người biết đến: chẳng hạn như chất serotonin có ảnh hưởng trong bệnh trầm cảm; dopamine là một hóa chất đi kèm theo với cảm thọ khoái lạc; và epinephrine, thường được biết nhiều hơn với tên adrénaline, là một hóa chất thường được [cơ thể] tạo ra để phản ứng với tình trạng căng thẳng (stress), lo âu và sợ hãi, nhưng cũng là thiết yếu cho sự chú ý và cảnh giác. Thuật ngữ khoa học được dùng để gọi sự truyền tải một tín hiệu hóa-điện từ nơ-ron này sang nơ-ron khác là “xung điện thế hoạt động” (acion potential), một thuật ngữ nghe chừng xa lạ đối với tôi, hẳn cũng giống như từ “tánh Không” nghe rất xa lạ với những ai chưa từng học Phật pháp.

Việc nhận biết hoạt động của các nơ-ron hẳn sẽ không đáng kể lắm đối với vấn đề khổ đau hay hạnh phúc, nếu như không có một vài chi tiết quan trọng [như sau đây]. Khi các nơ-ron kết nối với nhau, chúng hình thành một mối quan hệ gắn kết rất giống với tình bằng hữu thâm giao. Chúng rơi vào thói quen truyền qua lại cho nhau những tín hiệu cùng loại, cũng giống như những người bạn thân thiết có khuynh hướng luôn tán thành lẫn nhau trong sự phán đoán về người khác, về các sự kiện và kinh nghiệm. Mối quan hệ gắn kết này là nền tảng sinh lý học của rất nhiều trong số những điều mà chúng ta gọi là “thói quen tinh thần”, tức là những phản ứng theo kiểu “phản xạ đầu gối” của chúng ta đối với một số loại người, địa điểm hay sự vật.

Hãy lấy một thí dụ thật đơn giản, nếu khi còn rất nhỏ tôi đã từng bị một con chó làm cho sợ hãi, thì trong não bộ tôi sẽ hình thành một nhóm các nơ-ron truyền tin cho nhau, một mặt tương ứng với cảm giác sợ hãi của cơ thể, và mặt khác tương ứng với khái niệm “chó rất đáng sợ”. Sau đó, khi tôi nhìn thấy một con chó, cùng nhóm các nơ-ron đó sẽ khởi động việc “tán gẫu” với nhau giống như trước đó để nhắc nhở tôi là “chó rất đáng sợ”. Và cứ mỗi lần sự truyền tin này diễn ra, chúng sẽ tăng cường độ mạnh mẽ hơn và thuyết phục hơn, cho đến khi điều này trở thành một thói quen ăn sâu đến mức chỉ cần nghĩ tới chó thôi là tim tôi bắt đầu đập thình thịch và toàn thân toát mồ hôi [vì sợ].

Nhưng, giả sử có ngày nọ tôi đến thăm một người bạn có nuôi chó. Ban đầu, tôi có thể rất sợ khi gõ cửa và nghe tiếng chó sủa rồi con vật ấy nhẩy xổ ra ngoài để đánh hơi tôi. Nhưng sau một thời gian, con chó bắt đầu quen thuộc với tôi và chạy đến nằm dưới chân hay nhảy vào lòng tôi, thậm chí có thể là nó bắt đầu liếm vào người tôi một cách sung sướng và trìu mến cho đến nỗi tôi buộc phải đẩy nó ra xa.

Chuyện xảy ra trong não bộ con chó là, có một nhóm các nơ-ron truyền tin cho nhau tương ứng với mùi cơ thể của tôi cùng với tất cả những cảm giác cho nó biết là chủ nó mến tôi, tạo thành một mô thức có ý nghĩa tương đương như: “À, người này thật đáng mến!” Trong khi đó, trong não tôi thì một nhóm nơ-ron mới tương ứng với những cảm thọ dễ chịu của cơ thể lại bắt đầu truyền tin cho nhau, và tôi sẽ bắt đầu nghĩ: “À, coi vậy mà chó cũng dễ thương đấy chứ!” Mỗi lần tôi đến thăm bạn, mô thức mới này sẽ được củng cố và mô thức cũ sẽ yếu dần đi - cho đến cuối cùng thì tôi không còn sợ chó nữa.

Thuật ngữ của khoa Thần kinh học gọi khả năng thay thế các nhóm liên kết nơ-ron cũ bằng các nhóm mới là tính chất “có thể thay đổi” của não bộ. Người Tây Tạng gọi khả năng này là le-su-rung-wa, có thể dịch gần đúng sang Anh ngữ là “pliability”, nghĩa là “nhu nhuyễn”. Bạn có thể dùng chữ nào cũng được, chữ nào nghe cũng thông thái. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là, chỉ xét riêng trên bình diện tế bào, những kinh nghiệm được lặp lại nhiều lần có thể làm thay đổi cách hoạt động của não bộ. Đây chính là nguyên nhân ẩn tàng giải thích về phương thức mà những pháp môn đạo Phật đã sử dụng nhằm loại bỏ các thói quen tinh thần gây ra khổ đau.

NÃO BỘ: TUY BA MÀ MỘT

“Phật thân hiển lộ như Ba thân...”

GAMPOPA
Giải thoát trang nghiêm bảo man (The Jewel Ornament of Liberation)
Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche dịch sang Anh ngữ

Đến đây, hẳn đã quá rõ ràng là não bộ không phải một vật thể đơn thuần, và câu trả lời cho vấn đề “ai đang suy nghĩ rằng món ăn này ngon, hay không ngon lắm” tuy có vẻ như đơn giản nhưng lại không phải vậy. Ngay cả những hoạt động tương đối cơ bản như ăn uống, cũng đều cần đến sự trao đổi hàng ngàn tín hiệu điện-hóa chớp nhoáng và phối hợp chặt chẽ giữa hàng triệu tế bào trong não bộ cũng như trong toàn cơ thể. Tuy nhiên, còn một tầng bậc phức tạp khác nữa mà ta nhất thiết phải xem xét đến trước khi hoàn tất cuộc du ngoạn vòng quanh não bộ.

Hàng tỷ nơ-ron trong bộ não con người được phân chia thành 3 lớp dựa theo chức năng của chúng, và mỗi lớp như vậy đều đã phát triển qua hàng trăm ngàn năm khi các loài sinh vật tiến hóa và đạt đến những cơ chế [hoạt động não bộ] ngày càng tinh vi hơn để sinh tồn.

Lớp đầu tiên và lâu đời nhất, được gọi là cuống não (brain stem), là một nhóm tế bào hợp lại có dạng như bóng đèn, bắt đầu ngay bên trên đầu cột sống. Lớp này cũng thường được gọi là phần não bò sát, vì nó tương tự với toàn bộ não của nhiều loài bò sát. Nhiệm vụ chính của phần não bò sát là điều hòa những chức năng cơ bản và không chủ ý, như hô hấp, trao đổi chất, nhịp đập của tim và sự tuần hoàn. Nó cũng điều khiển những phản ứng thường được gọi là kiểu phản ứng “chạy hay chống”, hoặc “phản ứng giật mình”: một phản ứng tự động thúc đẩy ta phải nhận hiểu bất kỳ sự đối đầu hay sự kiện bất ngờ nào - chẳng hạn như một tiếng động lớn, một mùi ngửi thấy lạ, một con vật gì bò trên cánh tay, hay cái gì đó cuộn tròn trong một góc tối - đều như là một mối đe dọa tiềm tàng. Khi đó, hoàn toàn không có sự chủ ý, chất adrenaline tự nhiên bắt đầu truyền đi khắp cơ thể, làm nhịp tim tăng nhanh và các cơ bắp căng thẳng. Nếu mối đe dọa được ghi nhận là vượt quá khả năng chống lại, ta sẽ bỏ chạy. Nếu nghĩ mình có thể chiến thắng mối đe dọa đó, ta sẽ chống trả. Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng kiểu phản ứng tự động như vậy, [chọn lựa giữa chạy hay chống,] có ảnh hưởng lớn lao đến sự sinh tồn như thế nào.

Phần lớn các loài bò sát thường có khuynh hướng đối đầu hơn là hợp tác, và chúng không có khả năng bẩm sinh nuôi dưỡng con cái. Sau khi đẻ trứng, thông thường nhất là con mẹ sẽ bỏ tổ mà đi. Khi trứng nở thành con, tuy được thừa hưởng những bản năng và đặc tính di truyền của nòi giống, nhưng cơ thể bò sát con hãy còn yếu đuối, vụng về. Tuy nhiên, chúng đã phải tự bảo vệ chính mình. Rất nhiều bò sát con không sống sót được sau chỉ vài ba giờ đầu tiên. Trong khi cố trườn đến nơi an toàn ở bất kỳ môi trường nào thích hợp nhất với chúng - chẳng hạn như loài rùa biển cố tìm ra biển - thì chúng đã bị giết và ăn thịt bởi các loài thú khác, và rất thường là chính đồng loại của chúng. Trong thực tế, bò sát con bị chính cha mẹ chúng giết chết cũng không phải là chuyện lạ, vì cha mẹ chúng không nhận biết con mồi chính là con đẻ của mình.

Với sự tiến hóa của những chủng loại mới trong các loài động vật có xương sống - như các loài chim và động vật có vú - một sự phát triển đáng kinh ngạc đã xảy ra trong cấu trúc của não bộ. Khác với anh em nhà họ bò sát, những con vật mới sinh của chủng loại này chưa phát triển đủ để tự lo cho mình và cần được cha mẹ chăm sóc. Để đáp ứng nhu cầu này - và để bảo đảm sự tồn tại của giống nòi - lớp thứ hai của não bộ dần dần phát triển. Lớp này có tên là “vùng hệ biên” hay viền não (limbic region), bao bọc quanh phần cuống não (brain stem) như một cái mũ chụp, bao gồm một loạt những loại kết nối nơ-ron theo chương trình được ấn định trước để kích thích, khơi dậy sự thôi thúc khuynh hướng nuôi dưỡng con, nghĩa là cung cấp thức ăn, bảo vệ và dạy cho chúng những kỹ năng sinh tồn thiết yếu thông qua sự chơi đùa và những luyện tập khác.

Những lộ trình thần kinh tinh vi hơn này cũng cung cấp cho các loài động vật mới khả năng nhận biết một loạt cảm xúc phong phú hơn là chỉ đơn thuần “chạy hay chống”. Thí dụ, động vật có vú không những có thể phân biệt tiếng kêu đặc trưng của con mình, mà còn có thể nghe ra những cảm xúc khác biệt trong đó, như nỗi đau đớn, vui thích, đói bụng v.v… Hơn thế nữa, vùng hệ biên còn cung cấp một khả năng rộng rãi hơn và tinh vi hơn để có thể “đọc hiểu” ý định của các động vật khác qua tư thế, cách thức di chuyển, vẻ mặt hay ánh mắt nhìn, và ngay cả qua những mùi hương tinh tế, hay các hoạt chất tương tác (pheromone). Và nhờ khả năng xử lý các loại tín hiệu đa dạng như thế nên các loài động vật có vú và chim chóc có thể thích ứng một cách linh hoạt hơn với sự thay đổi môi trường sống, chuẩn bị nền tảng cho sự học hỏi và ký ức.

Phần hệ biên (hay viền não) có những cấu trúc và khả năng rất nổi bật mà chúng ta sẽ khảo sát kỹ hơn ở phần sau, khi đề cập đến vai trò của cảm xúc. Tuy nhiên, có hai trong số những cấu trúc ấy cần được chú ý. Thứ nhất là vùng hồi hải mã (hippocampus), nằm trong thùy thái dương (temporal lobe), nghĩa là ngay đằng sau thái dương. (Thật ra, chúng ta có đến hai hồi hải mã, nằm ở hai bên của não.) Hồi hải mã là phần não thiết yếu trong việc tạo ký ức mới về những sự kiện đã trực tiếp trải nghiệm, cung cấp một bối cảnh có chiều không gian, tri thức và - ít nhất là trong trường hợp loài người - ngôn từ để đem lại ý nghĩa cho những phản ứng cảm xúc của chúng ta. Những ai bị chấn thương vật lý ở vùng não này sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ký ức mới. Họ có thể nhớ được tất cả những gì xảy ra trước khi vùng hồi hải mã bị chấn thương, nhưng sau thời điểm chấn thương thì dù gặp gỡ bất cứ ai hay xảy ra bất kỳ sự việc gì họ cũng quên đi ngay trong chốc lát. Vùng hồi hải mã cũng là một trong những vùng của não bị tác động trước nhất bởi bệnh Alzheimer, cũng như các bệnh tâm thần khác, như bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm nghiêm trọng hay bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder).

Phần thứ hai đáng chú ý trong vùng hệ biên (hay viền não) là hạch hạnh nhân hay a-mi-đan (amygdala), một cấu trúc tập hợp các nơ-ron, có dạng như quả hạnh nhân, nằm dưới đáy vùng hệ biên, ngay bên trên cuống não. Cũng giống như hồi hải mã, trong bộ não người có đến 2 hạch hạnh nhân: một ở bán cầu não phải và một ở bán cầu não trái. Hạch hạnh nhân có vai trò thiết yếu cả trong việc cảm nhận cảm xúc và tạo ký ức cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy rằng, khi hạch hạnh nhân bị hủy hoại hay cắt bỏ sẽ dẫn đến mất đi hầu như tất cả những khả năng phản ứng cảm xúc, bao gồm cả những phản xạ cơ bản nhất như sợ hãi hay cảm thông, đồng thời khả năng thiết lập hay nhận biết các mối quan hệ xã hội cũng mất luôn.

Chúng ta nên chú ý nhiều đến hoạt động của hạch hạnh nhân và hồi hải mã khi nỗ lực để xác định một khoa học thực hành về hạnh phúc. Vì hạch hạnh nhân kết nối với hệ thống thần kinh tự điều phối, một vùng trong cuống não (brain stem) có chức năng tự động điều phối các phản ứng của cơ bắp, nhịp tim và các tuyến hạch, và vùng dưới đồi (hypothalamus), một cấu trúc tập hợp các nơ-ron nằm dưới phần đáy vùng hệ biên (hay viền não) có chức năng tiết vào máu chất adrenaline và những nội tiết tố (hormone) khác, nên những ký ức cảm xúc mà hạch hạnh nhân tạo ra vô cùng mãnh liệt và có liên kết với những phản ứng sinh học và sinh-hóa học rất quan trọng.

Khi một sự kiện xảy ra kích thích một phản ứng sinh lý mạnh mẽ - chẳng hạn như làm tiết ra một lượng lớn adrenaline hay các nội tiết tố khác - vùng hồi hải mã sẽ gửi một tín hiệu xuống vùng cuống não (brain stem) và tín hiệu này sẽ được lưu trữ tại đây như một mô thức mẫu. Kết quả là nhiều người có khả năng nhớ lại chính xác họ đang ở đâu và chung quanh họ xảy ra những gì [vào lúc có một sự kiện quan trọng xảy ra], chẳng hạn như khi họ nghe nói đến hay chứng kiến những thảm nạn phi thuyền không gian, hay vụ ám sát Tổng thống Kennedy... Những mô thức cùng loại có thể được lưu trữ khi có những kinh nghiệm thiên về cá nhân hơn về một bản chất được xem là rất tốt hay rất xấu.

Vì những ký ức như thế và mô thức tương ứng với chúng là quá mạnh mẽ nên chúng có thể dễ dàng bị kích hoạt bởi những biến cố về sau nếu có sự tương đồng nào đó - đôi khi là rất ít - so với ký ức ban đầu. Loại phản ứng mãnh liệt từ ký ức này hiển nhiên mang lại lợi ích quan trọng cho sự sống còn trước những hoàn cảnh đe dọa tính mạng. Nó cho phép nhận biết và tránh dùng các thức ăn đã từng gây bệnh cho ta, hay tránh đối đầu với những con thú - hoặc ngay cả những con người - đặc biệt hung dữ; nhưng đồng thời nó cũng có thể che lấp hoặc làm lệch lạc đi nhận thức về những kinh nghiệm thông thường hơn. Thí dụ, những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ hay những người lớn khác la mắng, quở trách, thì khi trưởng thành rồi có thể cảm thấy một nỗi sợ hãi, oán giận hay những cảm xúc khó chịu khác một cách mạnh mẽ thái quá khi tiếp xúc với những nhân vật có quyền thế. Những phản ứng lệch lạc này thường là kết quả của một phương thức liên kết không chính xác mà vùng hạch hạnh nhân đã dựa vào để kích hoạt một phản ứng từ ký ức. Một yếu tố nổi bật trong hoàn cảnh hiện tại tương tợ với một yếu tố trong kinh nghiệm quá khứ có thể khơi dậy toàn bộ những suy tưởng, cảm xúc cùng với những phản ứng cơ bắp hay sản sinh nội tiết tố, vốn đã được lưu trữ kèm theo với kinh nghiệm quá khứ đó.

Những hoạt động của vùng hệ biên - hay đôi khi cũng được gọi là “vùng não cảm xúc” - được quân bình một phần rất lớn nhờ vào lớp não thứ ba, là lớp não phát triển gần đây nhất: lớp vỏ não mới (neocortex). Lớp não này là đặc trưng ở động vật có vú, cung cấp khả năng lý luận, hình thành khái niệm, lập kế hoạch và điều chỉnh các phản ứng cảm xúc. Mặc dù lớp não này khá mỏng ở hầu hết các loài động vật có vú, nhưng nếu bạn có dịp chứng kiến một con mèo đang tìm cách mở cánh cửa tủ hay một con chó cố gắng làm xoay tay nắm cửa, đó là bạn đã bắt quả tang hoạt động của lớp vỏ não mới nơi một con vật.

Ở loài người và những động vật tiến hóa bậc cao, lớp vỏ não mới đã phát triển thành một cấu trúc lớn hơn và phức tạp hơn nhiều. Hầu hết chúng ta khi nghĩ tới bộ não thì thường chính là cấu trúc này, với nhiều đường lồi lõm và các nếp gấp, hiện ra trong tâm trí ta. Trong thực tế, nếu không có những đường lồi lõm và các nếp gấp này, chúng ta sẽ không thể hình dung ra não bộ, bởi chính lớp vỏ não mới (neocortex) to lớn này đã giúp ta có khả năng tưởng tượng cũng như sáng tạo, nhận hiểu và sử dụng các biểu tượng. Cũng chính lớp vỏ não này đã cho chúng ta khả năng sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, toán học, âm nhạc và nghệ thuật. Lớp vỏ não mới của chúng ta chính là trung tâm của những hoạt động lý trí, bao gồm việc giải quyết vấn đề, phân tích, phán đoán, kiểm soát các phản xạ, cũng như khả năng tổ chức thông tin, học hỏi từ kinh nghiệm và sai lầm trong quá khứ, cho đến khả năng cảm thông với người khác.

Chỉ riêng việc nhận biết rằng bộ não người được cấu tạo bởi ba lớp khác nhau như trên, tự nó đã thật đáng kinh ngạc. Nhưng kỳ diệu hơn nữa là, bất kể chúng ta có tự thấy mình là tiến bộ hay có trình độ cao đến như thế nào đi chăng nữa, thì việc khởi sinh chỉ mỗi một ý tưởng duy nhất thôi cũng đã cần đến một loạt những tương tác phức tạp giữa cả ba lớp não ấy: phần cuống não (brain stem), phần hệ biên hay viền não (limbic region) và lớp vỏ não mới (neocortex). Hơn thế nữa, có vẻ như mỗi một ý tưởng, cảm thọ hay kinh nghiệm đều liên quan đến một loạt tương tác [đặc thù], thường liên quan đến những vùng não không bị kích hoạt bởi những loại ý tưởng khác.

NGƯỜI NHẠC TRƯỞNG VẮNG MẶT

“Tâm thức không nằm trong đầu ta.”

Từng bước tiến tới Khoa học tương tức (Steps to a Science of Inter-Being)
Francisco J. Varela
Trích từ sách “The Psychology of Awakening” (Tâm lý học của sự tỉnh thức) do S. Bachelor, G. Claxton và G. Watson biên tập

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa giải tỏa được một thắc mắc. Nếu não bộ là một khúc nhạc giao hưởng như Tiến sĩ Levingston đã nói, thì lẽ nào lại không có một người nhạc trưởng? Lẽ nào lại không có một tế bào hay cơ quan cụ thể nào đó mà ta có thể xác định được, đã chỉ huy tất cả mọi việc? Chắc chắn là chúng ta đều cảm thấy như có một cái gì như thế. Hay ít nhất thì ta cũng đã chỉ đến cái ấy khi nói những câu như “tâm tôi vẫn chưa quyết định”, “tâm tôi hoàn toàn trống rỗng”, hay “nhất định là tôi đã không lưu tâm”...

Khi nói chuyện với các nhà thần kinh học, sinh vật học và tâm lý học, tôi được biết rằng khoa học hiện đại từ lâu đã cố gắng truy tìm tông tích một “người nhạc trưởng” như thế. Họ đã đầu tư rất nhiều nỗ lực trong niềm hy vọng sẽ phát hiện ra một tế bào hay nhóm tế bào nào đó giữ chức năng điều khiển các cảm thọ, nhận thức, tư tưởng và các loại hoạt động tâm thần khác. Nhưng cho đến nay, dù đã dùng đến kỹ thuật tinh vi nhất hiện có, họ vẫn không tìm được bằng chứng nào về sự hiện diện của “người nhạc trưởng” đó. Không một vùng não riêng lẻ nào - không một “chủ thể” bé xíu nào - có thể được xem là có chức năng điều phối sự thông tin giao tiếp giữa các “nhạc công” nơ-ron.

Vì thế các nhà thần kinh học hiện đại đã từ bỏ việc đi tìm một “nhạc trưởng” để quay sang khám phá các nguyên lý và cơ chế đã giúp cho hàng tỷ nơ-ron trải đều trong khắp não bộ có thể phối hợp hoạt động với nhau một cách hài hòa, mà không cần đến một người chỉ huy trung tâm nào. Cung cách ứng xử “đồng bộ” hay “phân đều” như vậy có thể so sánh với sự phối hợp ứng biến của một ban nhạc Jazz. Khi các nhạc sĩ chơi nhạc Jazz “ứng tấu”, mỗi người trong nhóm có thể chơi một dòng nhạc hơi khác, nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn linh hoạt cùng chơi với nhau một cách hài hòa.

Ý niệm định vị một “cái tôi” trong não bộ phần lớn dựa trên những ảnh hưởng của khoa vật lý học cổ điển, vốn có truyền thống chú trọng vào việc nghiên cứu các định luật chi phối những đối tượng có vị trí xác định. Dựa trên quan điểm truyền thống này, nếu tâm thức có một tác động - chẳng hạn như đối với cảm xúc - thì nó hẳn phải được xác định vị trí ở đâu đó. Thế nhưng, toàn bộ quan niệm về các thực thể rắn chắc đã trở nên đáng ngờ trong khuôn khổ của vật lý hiện đại. Mỗi khi có ai đó xác định được một yếu tố vật chất nhỏ nhất có thể hình dung được, thì lại có người khác phát hiện ra rằng yếu tố đó thật ra được cấu thành từ những phần tử còn nhỏ hơn thế nữa. Với mỗi một tiến bộ mới, việc xác định chắc chắn bất kỳ yếu tố vật chất cơ bản nào đó lại càng trở nên khó khăn hơn.

Về mặt lý thuyết, ngay cả khi ta có thể phân chia não bộ thành những phần nhỏ hơn rồi nhỏ hơn nữa... cho tới mức độ của một hạ nguyên tử (subatom) nhỏ nhất, làm sao ta có thể xác định chắc chắn được chỉ một phần duy nhất trong những phần nhỏ nhất ấy là tâm thức? Vì mỗi một tế bào đều được cấu tạo từ nhiều phân tử nhỏ hơn, và mỗi một phân tử ấy lại được cấu tạo từ những phân tử thậm chí còn nhỏ hơn thế nữa, làm sao có thể nhận biết được phân tử nào trong số đó đã tạo thành tâm thức?

Chính ở điểm này mà có lẽ Phật giáo có khả năng cống hiến một cách nhìn mới mẻ, một cách nhìn rất có thể sẽ thiết lập nền tảng cho những khuynh hướng mới trong nghiên cứu khoa học.

Trong thuật ngữ Phật giáo Tây Tạng, từ “sem” được dùng để chỉ tâm thức, có thể dịch sang Anh ngữ là “that which knows” - nghĩa là “cái nhận biết” (năng tri). Từ ngữ đơn giản này có thể giúp chúng ta hiểu rằng, cách nhìn của Phật giáo về tâm thức nghiêng về khả năng nhận biết và tư duy kinh nghiệm của chúng ta nhiều hơn là đối tượng cụ thể [của sự nhận biết] (sở tri). Dầu đức Phật có dạy rằng bộ não là chỗ y cứ vật chất của tâm, Ngài cũng đã cẩn thận chỉ rõ rằng tâm thức tự nó không phải là một cái gì có thể nhìn thấy, sờ mó hay thậm chí là định nghĩa được bằng ngôn từ. Cũng giống như nhãn căn vật lý (con mắt) không phải là cái thấy, nhĩ căn vật lý (lỗ tai) không phải là cái nghe, não bộ cũng không phải là tâm thức.

Một trong những bài học đầu tiên mà cha tôi đã dạy là, Phật giáo không nhìn tâm thức như một thực thể riêng lẻ, mà là một kinh nghiệm tiến triển, hiển lộ không ngừng. Tôi vẫn còn nhớ là thoạt tiên tư tưởng này đối với tôi lạ lùng như thế nào, khi ngồi trong phòng học tại tu viện của cha tôi ở Nepal, xung quanh là đồ đệ của ngài đến từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi quá đông, chen nhau trong căn phòng nhỏ xíu, chật đến nỗi gần như không có chỗ di chuyển. Nhưng qua khung cửa sổ, tôi có thể thấy một khung cảnh trải rộng mênh mông của những dãy núi và rừng rậm. Và cha tôi ngồi đó, rất an nhiên tự tại, không hề quan tâm đến cái nóng bức vì quá đông người, và nói rằng những gì mà chúng ta nghĩ đến như là tự thể cá biệt của riêng mình - “tâm của tôi”, “thân thể của tôi”, “cái ngã của tôi” - thật ra chỉ là một ảo tưởng được tạo thành bởi dòng chảy không ngừng của những tư tưởng, cảm xúc, cảm thọ và nhận thức.

Tôi không biết có phải hoàn toàn do năng lực của kinh nghiệm tự thân cha tôi khi ông thuyết giảng, hay do sự tương phản vật lý giữa cảm giác chen chúc trên một băng ghế với các đồ đệ khác và cảnh không gian bát ngát mở rộng bên ngoài cửa sổ, hay là nhờ vào cả hai, nhưng ngay trong thời khắc đó có một cái gì - như theo cách nói của người phương Tây - hoàn toàn “được kích hoạt”. Tôi đã có một kinh nghiệm giải thoát khi phân biệt được giữa sự suy nghĩ theo những cách như tâm thức “của tôi” hay tự thể “của tôi” với khả năng chỉ đơn thuần trải nghiệm sự hiện hữu bao la khoảng khoát như khung cảnh trải rộng của những dãy núi và bầu trời bên ngoài cửa sổ.

Về sau, khi đến phương Tây, tôi được nghe một số nhà tâm lý học so sánh kinh nghiệm về “tâm thức” hay “tự thể” với việc xem phim ảnh. Họ giải thích rằng, khi chúng ta xem một cuốn phim, có vẻ như chúng ta kinh nghiệm được một chuỗi liên tục các âm thanh và chuyển động khi những khung hình riêng rẽ đi qua máy chiếu phim. Tuy nhiên, kinh nghiệm này sẽ khác đi rất đáng kể nếu chúng ta có cơ hội xem cuốn phim ấy qua từng khung hình một.

Đó chính là phương thức mà cha tôi bắt đầu dạy tôi quán chiếu tâm. Nếu tôi quan sát kỹ từng tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ đang đi qua tâm thức, ảo giác về một cái tôi hạn hẹp sẽ tan rã, và thay vào đó là một tri giác tĩnh lặng, rộng mở và thanh thản hơn rất nhiều. Và điều tôi học được từ các nhà khoa học khác là, vì kinh nghiệm làm thay đổi cấu trúc nơ-ron của bộ não, nên khi quán chiếu tâm theo cách này, chúng ta có thể làm thay đổi câu chuyện gẫu của các tế bào đã duy trì kinh nghiệm của ta về “bản ngã”.

CHÁNH NIỆM

“Liên tục quán chiếu sâu vào tâm thức, vốn không thể quán chiếu, ý nghĩa chân thật sẽ hiển lộ sinh động, đúng thật như đang hiện hữu.”

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ ba
Karmapa Chứng đạo ca: Liễu nghĩa Đại thủ ấn kỳ nguyện văn (Song of Karmapa: The Aspiration of the Mahamudra of True Meaning)
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Điểm then chốt - hay phương thức tu tập của Phật giáo - nằm ở chỗ là học biết cách buông xả hoàn toàn trong sự nhận biết đơn thuần các tư tưởng, cảm giác và nhận thức khi chúng sinh khởi. Trong truyền thống Phật giáo, sự nhận biết nhẹ nhàng như thế được gọi là “chánh niệm”. Và, khi đã hiện hữu thì chánh niệm lại buông xả hoàn toàn trong bản thể trong sáng của tâm. Giống như trong thí dụ về con chó đã nói trước đây, giả sử như tôi chỉ nhận biết các tư tưởng, nhận thức và cảm thọ theo thói quen mà không bị lôi cuốn theo chúng, thì sức mạnh chi phối của chúng đối với tôi sẽ bắt đầu yếu ớt dần đi. Tôi sẽ trải nghiệm sự sinh khởi và mất đi của chúng chỉ như sự vận hành tự nhiên của tâm thức không hơn không kém, cũng giống như những đợt sóng nhấp nhô một cách tự nhiên trên mặt hồ hay đại dương. Và cuối cùng, tôi nhận ra được rằng, đây chính là những gì đã xảy ra khi tôi ngồi một mình trong phòng nhập thất, cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi đã làm tôi khổ sở trong suốt thời thơ ấu. Chỉ riêng việc quán chiếu những gì đang diễn ra trong tâm thức đã thực sự làm thay đổi những diễn biến trong ấy.

Ngay lúc này bạn cũng có thể nếm trải sự giải thoát như thế trong bản thể trong sáng, thông qua một bài tập đơn giản. Chỉ cần ngồi thẳng lưng, hít thở bình thường, và để cho mình nhận biết hơi thở ra vào. Khi bạn thư giãn trong sự đơn thuần nhận biết từng hơi thở ra vào, rất có thể bạn sẽ bắt đầu để ý thấy hàng trăm tư tưởng đi qua trong tâm. Một số tư tưởng dễ dàng buông bỏ, nhưng một số khác có thể dẫn dắt bạn vào con đường mênh mông kéo dài của những tư tưởng liên quan khác. Khi bạn nhận ra mình đang chạy đuổi theo một tư tưởng, chỉ đơn giản là tự quay về chú tâm vào hơi thở. Làm như thế trong khoảng một phút.

Ban đầu, bạn có thể kinh ngạc trước số lượng và sự đa dạng của những tư tưởng đang ào ạt trôi qua dưới sự nhận biết của bạn, như một ngọn thác cuồn cuộn đổ xuống dốc đá thẳng đứng. Một kinh nghiệm như thế không phải là dấu hiệu của sự thất bại. Đó là dấu hiệu của sự thành công. Bạn đã bắt đầu nhận ra được những tư tưởng vẫn thường đi qua tâm thức bạn nhiều như thế nào mà thậm chí không hề có sự nhận biết của bạn.

Bạn cũng có thể tự thấy mình vướng mắc và đi theo một dòng tư tưởng, đến mức quên hết tất cả mọi thứ khác. Rồi đột nhiên bạn chợt nhớ rằng, chủ đích của bài tập là chỉ thuần túy theo dõi tư tưởng mà thôi. Thay vì tự trừng phạt hay chê trách chính mình, bạn chỉ cần quay về chú tâm vào hơi thở.

Nếu tiếp tục duy trì sự luyện tập như thế, bạn sẽ thấy rằng, cho dù những tư tưởng và cảm xúc [liên tục] sinh khởi và mất đi, nhưng bản thể trong sáng của tâm không bao giờ thay đổi hay gián đoạn. Hãy xét một thí dụ, trong một chuyến đi Novia Scotia, tôi đã viếng thăm một nơi nhập thất tọa lạc ngay bên bờ biển. Hôm tôi đến, thời tiết thật lý tưởng: Bầu trời không một áng mây và mặt biển xanh trong thăm thẳm, nhìn thật thích mắt. Thế nhưng, khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, mặt biển lại trông giống như một thứ nước canh đặc, đen kịt như bùn. Tôi tự hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với mặt biển? Mới hôm qua mặt nước thật xanh trong, hôm nay lại đột nhiên trở nên dơ bẩn?” Tôi đi dọc bờ biển và không thấy được bất kỳ nguyên nhân rõ rệt nào của sự thay đổi. Không hề có chút bùn đất nào trong nước hay dọc theo bãi biển. Thế rồi tôi ngước nhìn lên bầu trời và thấy những đám mây xám xịt phủ dày khắp nơi. Tôi hiểu ra rằng, chính màu mây trời đã làm thay đổi màu nước đại dương. Khi nhìn thật kỹ, tôi thấy mặt nước tự nó vẫn sạch và trong vắt.

Trên nhiều phương diện, tâm thức cũng giống như mặt biển ấy. “Màu sắc” thay đổi theo từng ngày, từng giờ, phản chiếu các tư tưởng, cảm xúc v.v… trôi ngang qua “bên trên” tâm thức, có thể nói như vậy. Nhưng tự thân tâm thức, cũng giống như đại dương, không bao giờ thay đổi: Tâm luôn luôn thanh tịnh và trong sáng, bất luận nó đang phản chiếu những gì.

Thực hành chánh niệm ban đầu có vẻ khó khăn, nhưng vấn đề không phải là bạn ngay tức thời thành công như thế nào. Những gì có vẻ như không thể làm được vào lúc này rồi sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đã trải qua sự thực hành. Bất kỳ điều gì bạn cũng có thể dần dần trở nên quen thuộc cả. Hãy nghĩ xem, biết bao điều khó chịu mà bạn đã chấp nhận thật bình thường, như nhích đi từng chút một trong những lúc kẹt xe, hay đối phó với một người bà con hoặc đồng nghiệp khó chịu... Tu tập chánh niệm là một tiến trình dần dần thiết lập những liên kết nơ-ron mới và ngăn chặn những câu chuyện gẫu cũ. Tiến trình này đòi hỏi sự kiên trì tiến lên từng bước nhỏ, và tu tập trong từng khoảng thời gian rất ngắn.

Ngạn ngữ Tây Tạng có câu rằng: “Nếu hấp tấp đi, bạn sẽ không đến được Lhasa. Hãy đi thong thả, bạn sẽ tới đích.” Câu này bắt nguồn từ thời kỳ những người dân miền đông Tây Tạng thường đi hành hương về Lhasa, vùng trung tâm của cả nước. Những người hành hương muốn đến nơi mau chóng thường cố đi nhanh hết sức mình, nhưng chính vì cái tốc độ [quá sức] mà họ đã tự áp đặt cho mình, họ thường trở nên mệt mỏi hoặc ngã bệnh và buộc phải quay trở về. Tuy nhiên, những người chọn đi với tốc độ thật thoải mái, đóng trại nghỉ ban đêm, cùng vui với những người bạn đồng hành, rồi hôm sau lại tiếp tục đi, thật ra lại đến được Lhasa nhanh chóng hơn.

Sự quyết tâm hành trì sẽ mang đến kinh nghiệm. Bất kể khi ta đang ở đâu, làm gì, chúng ta chỉ cần nhận biết các ý tưởng, cảm xúc và nhận thức như những điều tự nhiên. Không chối bỏ cũng không chấp nhận, chúng ta chỉ đơn giản nhận biết kinh nghiệm ấy rồi buông bỏ. Nếu tiếp tục duy trì được như thế, cuối cùng ta sẽ nhận ra là mình có khả năng xoay sở được trong những tình huống mà trước kia ta đã từng thấy là đau đớn, đáng sợ hay buồn khổ. Chúng ta sẽ nhận ra nơi mình một cảm giác tự tin không hề bắt nguồn từ sự kiêu căng, ngạo mạn. Chúng ta sẽ nhận biết được rằng mình luôn được che chở, luôn luôn bình an, và luôn luôn thoải mái như đang ở nhà mình.

Hãy nhớ lại bài kiểm tra nhỏ mà tôi đã đề nghị các bạn thử làm, về việc tự hỏi mình khi ngồi vào bàn ăn: “Ai đang suy nghĩ rằng món ăn này ngon, hay không ngon lắm? Ai đang nhận biết là đang ăn?” Lúc trước dường như rất dễ trả lời. Nhưng bây giờ thì không còn dễ nữa, phải không?

Tuy thế, tôi vẫn muốn bạn hãy thử lại lần nữa trong bữa ăn sắp tới. Nếu những câu trả lời đến với bạn lúc này thật rối rắm và mâu thuẫn, thế cũng tốt! Tôi đã được học rằng, sự rối rắm là bước khởi đầu của sự hiểu biết, là giai đoạn đầu tiên của việc xóa bỏ những câu chuyện cũ giữa các nơ-ron đã từng trói chặt bạn vào chính những khái niệm cụ thể về việc bạn là ai và bạn có khả năng làm được những gì.

Nói một cách khác, sự rối rắm là bước đầu tiên trên con đường hướng đến hạnh phúc chân thật.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc là điều có thật


Em Là Vì Sao Sáng


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Nguyên lý duyên khởi

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.148.125 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...