Lúc bấy giờ, ngài Xá-lỵ-phất thấy trong thất ấy không có giường ghế chi
cả, liền nghĩ rằng: “Chư vị Bồ Tát và các đại đệ tử này rồi sẽ ngồi
đâu?”
Trưởng giả Duy-ma-cật biết được ý nghĩ ấy, bảo Xá-lỵ-phất rằng: “Thế
nào, nhân giả vì pháp mà đến hay vì chỗ ngồi mà đến?”
Xá-lỵ-phất nói: “Tôi vì pháp mà đến, chẳng phải vì chỗ ngồi.”
Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lỵ-phất! Người cầu pháp thì chẳng tham
tiếc cả thân mạng, huống chi là chỗ ngồi.
“Người cầu pháp thì chẳng cầu năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng
chẳng cầu nhập và giới, cũng chẳng cầu ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô
sắc giới.
“Thưa ngài Xá-lỵ-phất! Người cầu pháp chẳng chấp trước cầu Phật, chẳng
chấp trước cầu Pháp, cũng chẳng chấp trước cầu Tăng.
“Người cầu pháp không cầu thấy lẽ khổ, không cầu đoạn lẽ tập, cũng không
cầu sự chứng ngộ lẽ diệt, cũng không cầu tu tập lẽ đạo. Tại sao vậy?
Pháp không có hí luận. Nếu nói: ‘Đối với bốn chân lý, ta nên thấy khổ,
đoạn tập, chứng diệt, tu đạo’, thì đó chỉ là hí luận chứ chẳng phải cầu
pháp.
“Thưa ngài Xá-lỵ-phất! Pháp gọi là tịch diệt. Nếu hành lẽ sinh diệt, đó
là cầu sinh diệt chứ chẳng phải cầu pháp.
“Pháp gọi là không nhiễm. Nếu mình nhiễm pháp, cho đến nhiễm Niết-bàn,
đó là nhiễm trước chứ chẳng phải cầu pháp.
“Pháp không có chỗ hành. Nếu mình thực hành pháp, đó là chỗ hành chứ
chẳng phải cầu pháp.
“Pháp không có việc lấy bỏ. Nếu mình lấy pháp hoặc bỏ pháp, đó là việc
lấy bỏ chứ chẳng phải cầu pháp.
“Pháp không có xứ sở. Nếu mình chấp trước xứ sở, đó là trước xứ chứ
chẳng phải cầu pháp.
“Pháp, gọi là không có tướng. Nếu mình tùy theo tướng mà biết, đó là cầu
tướng chứ chẳng phải cầu pháp.
“Pháp là bất khả trụ, mình không y trụ nơi đó được. Nếu mình trụ nơi
pháp, đó là trụ pháp, chớ chẳng phải cầu pháp.
“Pháp không thể thấy, không thể nghe, không thể nhận biết. Nếu mình thi
hành những cách: thấy, nghe, nhận biết, đó là thấy, nghe, nhận biết chứ
chẳng phải cầu pháp.
“Pháp gọi là vô vi. Nếu mình hành hữu vi, đó là cầu hữu vi chứ chẳng
phải cầu pháp.
“Xá-lỵ-phất! Bởi vậy, nếu mình cầu pháp thì đối với tất cả các pháp, nên
không có chỗ cầu.”
Duy-ma-cật nói những lời ấy rồi, có năm trăm vị thiên tử đối với các
pháp được Pháp nhãn tịnh.
Lúc ấy, Trưởng giả Duy-ma-cật hỏi Văn-thù Sư-lỵ: “Nhân giả đã từng dạo
chơi vô số nước, có biết cõi Phật nào có những tòa sư tử đủ các công
đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết?”
Văn-thù Sư-lỵ đáp: “Cư sĩ, từ đây đi về phương đông, vượt qua số cõi
nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới tên là
Tu-di Tướng. Đức Phật cõi ấy hiện nay hiệu là Tu-di Đăng Vương, thân cao
đến tám mươi bốn ngàn do-tuần. Tòa sư tử của ngài cũng cao đến tám mươi
bốn ngàn do-tuần, nghiêm sức bậc nhất.”
Lúc ấy, trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông. Tức thời đức Phật
Tu-di Đăng Vương liền khiến cho ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng
nghiêm tịnh hiện đến thất của ngài Duy-ma-cật. Chư Bồ Tát, chư Phật, chư
đại đệ tử, Đế-thích, Phạm vương, bốn vị thiên vương từ trước tới nay
chưa từng thấy việc ấy. Cảnh thất này trở nên rộng lớn, chứa đựng được
ba mươi hai ngàn tòa sư tử, không có chướng ngại chi cả. Ở thành
Tỳ-da-ly, ở cõi Diêm-phù-đề và ở bốn cõi thiên hạ cũng không có sự dồn
ép chật chội, vẫn y nguyên như cũ.
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Văn-thù Sư-lỵ: “Thỉnh nhân giả và chư Bồ Tát
thượng nhân cùng lên tòa sư tử ngồi. Quý ngài nên tự biến thân thể mình
cao lớn như các tòa sư tử ấy.”
Trong đại chúng, những vị Bồ Tát đắc thần thông liền tự biến thân hình
cao bốn mươi hai ngàn do-tuần và ngồi lên tòa sư tử. Còn những vị Bồ Tát
mới phát ý cùng các đại đệ tử đều không thể lên ngồi.
Lúc ấy, Duy-ma-cật bảo Xá-lỵ-phất: “Thỉnh ngài lên ngồi tòa sư tử.”
Xá-lỵ-phất đáp: “Cư sĩ! Tòa ấy cao rộng quá, tôi không thể lên ngồi.”
Duy-ma-cật nói: “Dạ, thưa ngài Xá-lỵ-phất! Ngài hãy lễ bái đức Như Lai
Tu-di Đăng Vương, rồi sẽ được ngồi.”
Lúc ấy, những vị Bồ Tát mới phát ý cùng các đại đệ tử liền lễ bái đức
Như Lai Tu-di Đăng Vương. Các vị liền được ngồi lên các tòa sư tử.
Xá-lỵ-phất nói: “Cư sĩ, thật là việc chưa từng có! Như cái thất nhỏ này
mà có thể chứa đựng các tòa sư tử cao rộng! Ở thành Tỳ-da-ly lại không
có chi trở ngại. Lại các thôn xóm thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề cùng
các cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần trong bốn cõi thiên hạ
cũng không bị sự dồn ép chật chội.”
Duy-ma-cật nói: “Dạ, thưa ngài Xá-lỵ-phất! Chư Phật và chư Bồ Tát có một
pháp môn giải thoát gọi là Không thể nghĩ bàn. Nếu một vị Bồ Tát trụ ở
pháp môn giải thoát ấy, người có thể đem núi Tu-di cao lớn mà đặt vào
trong một hạt cải, nhưng không có bên nào thêm hoặc bên nào bớt. Tướng
trạng núi chúa Tu-di vẫn y nguyên như cũ. Nhưng bốn vị thiên vương, chư
thiên ở cảnh trời Đao-lỵ chẳng có cảm giác, chẳng hay biết rằng mình
được đặt vào đó. Chỉ có người ứng hợp độ thế mới thấy núi Tu-di được đặt
vào trong hạt cải mà thôi. Đó gọi là pháp môn giải thoát Không thể nghĩ
bàn.
“Bồ Tát ấy lại đem hết nước bốn biển cả mà để vào trong một lỗ chân
lông, nhưng chẳng làm rối loạn những vật sống ở dưới nước, như cá, rùa,
nguyên, đà... Tuy nhiên, tánh chất trạng thái của biển cả vẫn y nguyên
như cũ. Các loài rồng, quỷ, thần, a-tu-la sống dưới biển cũng chẳng có
cảm giác, chẳng hay biết rằng mình bị nhét vào lỗ chân lông. Các chúng
sinh ấy cũng không bị một sự rối loạn nào do việc ấy.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Vị Bồ Tát trụ ở pháp môn giải thoát Không thể nghĩ
bàn, nắm lấy cõi thế giới tam thiên đại thiên như người thợ lò gốm cầm
cái bàn xoay, đặt cõi ấy trong lòng bàn tay phải, rồi ném ra khỏi các
cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Nhưng chúng sinh trong cõi ấy
chẳng cảm giác, chẳng hay biết rằng họ đi tới đâu. Rồi Bồ Tát đem cõi
thế giới ấy mà đặt lại chỗ cũ, tất cả chúng sinh trong cõi ấy cũng chẳng
có cái ý tưởng rằng đã đi và trở lại, và tướng trạng của thế giới ấy vẫn
y nguyên như cũ.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Hoặc có những chúng sinh muốn sống lâu ở thế gian
mới độ thoát được, Bồ Tát liền kéo bảy ngày ra làm một kiếp, khiến những
chúng sinh ấy bảo rằng đó là một kiếp. Hoặc có những chúng sinh chẳng
muốn sống lâu mới độ thoát được, Bồ Tát liền thâu ngắn một kiếp làm bảy
ngày, khiến những chúng sinh ấy bảo rằng đó là bảy ngày.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Vị Bồ Tát trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ
bàn, dùng việc nghiêm sức tất cả các cõi Phật mà tập trung lại một chỗ,
rồi chỉ cho chúng sinh xem. Lại nữa, Bồ Tát đặt chúng sinh trong tất cả
các cõi Phật vào lòng bàn tay phải của mình, bay đến mười phương, chỉ
khắp nơi cho tất cả xem, nhưng chẳng làm lay động xứ sở của họ.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Những đồ vật mà chúng sinh mười phương cúng dường
chư Phật, Bồ Tát khiến họ nhìn thấy đủ hết trong một lỗ chân lông. Lại
nữa, bao nhiêu những mặt trời, mặt trăng và tinh tú trong các cõi nước
mười phương, Bồ Tát khiến cho người ta nhìn thấy cả trong một lỗ chân
lông.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Bao nhiêu những luồng gió trong các thế giới mười
phương. Bồ Tát có thể hút cả vào miệng mình, nhưng thân mình không bị
tổn hại. Còn ở ngoài thời các cây cối cũng không bị hư gãy chi cả.
“Lại nữa, vào thuở kiếp tận, các thế giới mười phương bị nạn cháy thiêu,
Bồ Tát nuốt tất cả các đám lửa vào bụng mình, lửa vẫn cháy như cũ, nhưng
mình chẳng bị hại gì.
“Lại nữa, Bồ Tát đi xuống phương dưới, trải qua các cõi Phật nhiều như
số cát sông Hằng, nắm lấy một cõi Phật, rồi trải qua vô số thế giới
nhiều như số cát sông Hằng mà đem cõi Phật ấy lên hướng trên, cũng như
người ta ghim một lá táo nơi mũi cây kim mà dở lên vậy. Thế mà chẳng có
chi rối loạn cả.
“Lại nữa, Xá-lỵ-phất! Vị Bồ Tát trụ ở phép giải thoát Bất Không thể nghĩ
bàn này có thể dùng sức thần thông mà hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân
Bích chi Phật, hoặc hiện thân Thanh văn La-hán, hoặc hiện thân Đế-thích,
hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Thế chủ, hoặc hiện thân Chuyển
luân Thánh vương.
“Lại nữa, bao nhiêu âm thanh trong các thế giới mười phương, tiếng lớn,
tiếng vừa hoặc tiếng nhỏ, Bồ Tát có thể biến tất cả thành tiếng của
Phật, diễn ra những tiếng: vô thường, khổ, không, vô ngã. Và bao nhiêu
pháp mà chư Phật mười phương giảng thuyết, Bồ Tát khiến cho tất cả chúng
sinh đều được nghe.
“Xá-lỵ-phất! Nay tôi nói sơ qua những sức thần của phép giải thoát Không
thể nghĩ bàn của Bồ Tát. Nếu tôi thuyết rộng thì dù trọn kiếp cũng không
thể hết.”
Lúc ấy, nghe thuyết pháp môn giải thoát Không thể nghĩ bàn của Bồ Tát,
Đại Ca-diếp khen là chưa từng có, và bảo Xá-lỵ-phất rằng: “Tỷ như một
người kia hiện ra nhiều hình sắc trước mắt một kẻ mù, nhưng kẻ mù ấy nào
có thấy được gì! Cũng vậy đó, tất cả các Thanh văn, nghe được pháp môn
giải thoát Không thể nghĩ bàn này, đều không thể hiểu rõ. Hàng trí giả
nghe được pháp môn này, ai mà chẳng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề? Tại sao chúng ta lại đoạn tuyệt căn cội của mình đối với Đại
thừa, khiến tự mình như hạt giống hư hỏng? Tất cả các Thanh văn, khi
nghe pháp môn giải thoát Không thể nghĩ bàn này rồi, đều nên kêu khóc,
tiếng chấn động cõi thế giới tam thiên đại thiên! Tất cả chư Bồ Tát nên
vui mừng lớn, đội đầu thọ lãnh pháp này! Nếu vị nào tin và hiểu pháp môn
giải thoát Bất khả tư nghị này, thì tất cả chúng ma không làm gì được
mình!”
Đại Ca-diếp nói lời ấy rồi, ba mươi hai ngàn vị thiên tử đều phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Ca-diếp rằng: “Nhân giả, trong vô lượng vô số
thế giới mười phương, những người làm ma vương, đa số là những Bồ Tát
trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ bàn. Vì dùng sức phương tiện để
giáo hóa chúng sinh, nên các ngài hiện làm Ma vương.
“Lại nữa, Ca-diếp! Trong vô lượng chư Bồ Tát mười phương, hoặc có những
người theo xin những món như tay chân, lỗ tai, lỗ mũi, đầu, mắt, tủy
não, máu thịt, da xương, xóm làng, thành ấp, vợ con, tôi tớ, voi ngựa,
xe cộ, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu,
ngọc ngà, áo quần, thức ăn vật uống. Những người xin ấy, đa số là những
Bồ Tát trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ bàn, dùng sức phương tiện
đến thử thách, khiến cho người tu thêm kiên cố. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát
trụ ở phép giải thoát Không thể nghĩ bàn, nhờ có sức oai thần nên mới
thi hành được những sự bức bách, chỉ cho chúng sinh việc khó khăn như
vậy. Kẻ phàm phu yếu ớt, không có thế lực, không thể bức bách Bồ Tát như
vậy. Tỷ như sự giẫm đạp của con voi chúa chẳng phải sức con lừa
chịu nổi. Đó gọi là cánh cửa phương tiện trí huệ của Bồ Tát trụ ở phép
giải thoát Không thể nghĩ bàn.