Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch) »» Phẩm thứ bảy - Quán chúng sinh »»

Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)
»» Phẩm thứ bảy - Quán chúng sinh

Donate

(Lượt xem: 4.695)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch) - Phẩm thứ bảy - Quán chúng sinh

Font chữ:

Lúc ấy, Văn-thù Sư-lỵ hỏi Duy-ma-cật rằng: “Bồ Tát quán chúng sinh như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp: “Ví như một nhà ảo thuật nhìn thấy người ảo hóa của mình. Bồ Tát quán chúng sinh cũng như vậy đó.

“Như bậc trí giả nhìn thấy mặt trăng dưới nước, như người soi thấy mặt mình trong gương, như những dợn sóng tuôn ra khi trời nắng nóng, như tiếng vang dội khi mình hô lên, như đám mây trên trời, như bọt trên mặt nước, như bong bóng nổi, như sự bền chắc của cây chuối, như sự lâu dài của lằn chớp, như đại thứ năm, như ấm thứ sáu, như tình thức thứ bảy, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín. Bồ Tát quán chúng sinh như vậy đó.

“Như hình sắc của cõi Vô sắc, như hạt giống bị hỏng, như người đắc quả Tu-đà-hoàn chấp có cái thân, như người đắc quả A-na-hàm vào thai, như người đắc quả A-la-hán vướng ba độc: tham lam, sân hận, ngu si, như Bồ Tát đắc nhẫn mà tham lam, giận hờn, phạm giới. Như tập khí phiền não của Phật, như kẻ đui nhìn thấy hình sắc, như người vào phép Diệt tận định có hơi thở ra vô, như dấu chân chim trên không, như đứa con của người đàn bà vô sinh, như người ảo hóa vướng phiền não, như những vật thấy trong mộng sau khi thức dậy, như vị thánh diệt độ lại thọ sinh, như lửa không có khói. Bồ Tát quán chúng sinh như vậy đó.”

Văn-thù Sư-lỵ lại hỏi: “Nếu Bồ Tát làm phép quán như vậy thì người thực hành đức từ như thế nào?”

Duy-ma-cật đáp: “Bồ Tát quán như vậy rồi, tự nghĩ rằng: ‘Ta nên thuyết với chúng sinh pháp như thế này, tức là đức từ chân thật: Nhờ hành từ tịch diệt, nên không có chỗ sinh. Nhờ hành từ chẳng nóng nảy, nên không có phiền não. Nhờ hành từ bình đẳng, nên ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai đều bình đẳng. Nhờ hành từ không tranh chấp, nên không khởi ra việc cãi cọ. Nhờ hành từ duy nhất chẳng hai, nên căn trong và trần ngoài chẳng hiệp. Nhờ hành từ chẳng hoại, nên tất cánh tận diệt. Nhờ hành từ kiên cố, nên lòng không chê bỏ. Nhờ hành từ thanh tịnh, nên tính chất của pháp được trong sạch. Nhờ hành từ không bờ cõi, nên được như hư không. Nhờ hành từ A-la-hán, nên phá tan giặc phiền não trói buộc. Nhờ hành từ Bồ Tát, nên an ủi được chúng sinh. Nhờ hành từ Như Lai, nên được tướng chân như. Nhờ hành từ Phật, nên giác ngộ chúng sinh. Nhờ hành từ tự nhiên, nên không nhân đâu mà đắc. Nhờ hành từ Bồ-đề, nên được cái vị bình đẳng duy nhất. Nhờ hành từ không đẳng cấp, nên đoạn tuyệt các ái luyến. Nhờ hành từ đại bi, nên dắt dẫn chúng sinh bằng Đại thừa. Nhờ hành từ không chán ngán, nên quán lẽ không, lẽ vô ngã. Nhờ hành từ thí pháp, nên không tiếc mà để dành. Nhờ hành từ giữ giới, nên cải hóa kẻ hủy cấm. Nhờ hành từ nhẫn nhục, nên kiềm giữ kẻ khác và mình. Nhờ hành từ tinh tấn, nên gánh vác chúng sinh. Nhờ hành từ thiền định, nên chẳng thọ nhận mùi vị. Nhờ hành từ trí huệ, nên biết được thời cơ. Nhờ hành từ phương tiện, nên thị hiện tất cả. Nhờ hành từ không ẩn khuất, nên lòng dạ được ngay thẳng trong sạch. Nhờ hành từ tâm trí sâu vững, nên không có những hành động hỗn tạp. Nhờ hành từ không dối trá, nên không có việc hư giả. Nhờ hành từ an lạc, nên khiến được cái vui của Phật. Đức từ của Bồ Tát là như vậy đó.”

Văn-thù Sư-lỵ lại hỏi: “Sao gọi là bi?”

Đáp rằng: “Bồ Tát tạo được bao nhiêu công đức đều chia sẻ hết thảy với tất cả chúng sinh.”

“Sao gọi là hỷ?”

Đáp rằng: “Bồ Tát làm lợi ích chúng sinh thì vui vẻ không hối tiếc.”

“Sao gọi là xả?”

Đáp rằng: “Bồ Tát làm những việc lợi ích phước đức mà không hề hy vọng nhận được phước báo.”

Văn-thù Sư-lỵ lại hỏi: “Ở chốn sinh tử có những điều ghê sợ, Bồ Tát nên nương vào đâu?”

Duy-ma-cật đáp: “Đối với những điều đáng sợ ở chốn sinh tử, Bồ Tát nên nương vào sức công đức của Như Lai.”

Văn-thù Sư-lỵ lại hỏi: “Bồ Tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, nên trụ vào đâu?”

Đáp rằng: “Bồ Tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, nên trụ ở việc độ thoát tất cả chúng sinh.”

Lại hỏi: “Muốn độ thoát chúng sinh, nên trừ bỏ những gì?”

Đáp rằng: “Muốn độ thoát chúng sinh, nên trừ bỏ những phiền não của mình.”

Lại hỏi: “Muốn trừ bỏ phiền não, nên làm việc gì?”

Đáp rằng: “Nên thực hành chánh niệm.”

Lại hỏi: “Thực hành chánh niệm như thế nào?”

Đáp rằng: “Nên thực hành lẽ chẳng sinh chẳng diệt.”

Lại hỏi: “Pháp nào chẳng sinh? Pháp nào chẳng diệt?”

Đáp rằng: “Pháp bất thiện chẳng sinh. Pháp thiện chẳng diệt.”

Lại hỏi: “Pháp thiện và pháp bất thiện lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Cái thân là gốc.”

Lại hỏi: “Thân lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Tham dục là gốc.”

Lại hỏi: “Tham dục lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Phân biệt hư vọng là gốc.”

Lại hỏi: “Phân biệt hư vọng lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Tư tưởng điên đảo là gốc.”

Lại hỏi: “Tư tưởng điên đảo lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Không có chỗ trụ là gốc.”

Lại hỏi: “Không có chỗ trụ lấy chi làm gốc?”

Đáp rằng: “Không có chỗ trụ thì không có gốc.

“Văn-thù Sư-lỵ, do nơi gốc là không có chỗ trụ mà tạo ra tất cả các pháp.”

Lúc ấy, nơi thất của Duy-ma-cật có một vị thiên nữ, thấy chư thiên và mọi người nghe thuyết pháp, bèn hiện hình ra, dùng hoa trời rảy lên cúng dường chư Bồ Tát và các đại đệ tử. Những đóa hoa chạm đến chư Bồ Tát rồi đều rơi xuống hết, nhưng chạm đến các vị đại đệ tử thì dính chắc vào người chẳng rơi. Tất cả các vị đại đệ tử đều dùng sức thần mà gỡ hoa ra, nhưng chẳng thể gỡ được.

Lúc ấy, thiên nữ hỏi Xá-lỵ-phất: “Tại sao ông gỡ hoa?”

Đáp rằng: “Cài hoa này chẳng đúng theo pháp, nên tôi gỡ bỏ.”

Thiên nữ nói: “Đừng bảo rằng hoa này chẳng đúng theo pháp. Hoa này vốn không có chỗ phân biệt, tự ngài khởi lên tư tưởng phân biệt. Người xuất gia theo Phật mà có tư tưởng phân biệt là không đúng như pháp. Nếu không có chỗ phân biệt, đó là đúng với pháp. Hãy nhìn các vị Bồ Tát kia, hoa chẳng dính vào thân, là vì các ngài đã đoạn tuyệt tất cả những tư tưởng phân biệt. Tỷ như người ta đương cơn sợ sệt, thời loài phi nhân dễ bề làm hại. Cũng như vậy, vị đệ tử nào sợ sệt cuộc sinh tử, thời hình sắc, âm thanh, hương vị, cảm xúc, sẽ dễ bề làm hại. Tự mình lìa khỏi sợ sệt, tất cả năm dục chẳng làm gì mình được. Phiền não trói buộc chưa hết thì hoa kia còn dính mắc vào thân. Như phiền não trói buộc đã hết, hoa ấy chẳng dính được vào.”

Xá-lỵ-phất hỏi: “Thiên nữ ở thất này đã bao lâu rồi?”

Đáp rằng: “Tôi ở trong thất này cũng lâu như thời gian ông được giải thoát.”

Xá-lỵ-phất nói: “Ở đây lâu vậy sao?”

Thiên nữ hỏi lại: “Ông được giải thoát cũng lâu lắm rồi sao?”

Xá-lỵ-phất lặng thinh chẳng đáp.

Thiên nữ hỏi: “Bậc kỳ cựu đại trí, sao lại lặng thinh?”

Đáp rằng: “Giải thoát đó, không thể dùng lời nói mà giải bày. Cho nên đối với việc ấy, tôi chẳng biết phải nói thế nào.”

Thiên nữ nói: “Ngôn ngữ, văn tự đều là tướng của giải thoát. Tại sao vậy? Giải thoát ấy là: chẳng ở bên trong, chẳng ở bên ngoài, chẳng ở khoảng giữa của hai bên. Văn tự cũng chẳng ở bên trong, chẳng ở bên ngoài, chẳng ở khoảng giữa của hai bên.

“Xá-lỵ-phất! Chớ nên lìa văn tự mà nói giải thoát. Tại sao vậy? Tất cả các pháp đều là tướng của giải thoát.”

Xá-lỵ-phất hỏi: “Chẳng phải là nhờ lìa dâm, nộ, si mà được giải thoát sao?”

Thiên nữ nói: “Với những kẻ có lòng kiêu mạn, Phật dạy rằng: lìa dâm, nộ, si là giải thoát. Những ai không có lòng kiêu mạn, Phật dạy rằng: tánh của dâm, nộ, si là giải thoát.”

Xá-lỵ-phất nói: “Lành thay, lành thay! Thiên nữ, cô đắc quả chi, nhờ chứng bậc gì mà biện luận như thế?

Thiên nữ nói: “Tôi không có chỗ đắc, không có chỗ chứng, nên biện luận như thế. Tại sao vậy? Nếu có chỗ đắc, có chỗ chứng, thời đối với Phật pháp là kẻ tăng thượng mạn.”

Xá-lỵ-phất hỏi thiên nữ: “Đối với ba thừa, chí cô cầu thừa nào?”

Thiên nữ nói: “Nếu cần đem pháp Thanh văn mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi làm Thanh văn. Nếu cần đem pháp nhân duyên mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi làm Bích-chi Phật. Nếu cần đem pháp đại bi mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi thực hành Đại thừa.

“Xá-lỵ-phất! Như người vào rừng chiêm-bặc, chỉ ngửi thấy mùi hoa chiêm-bặc mà thôi chứ chẳng ngửi thấy mùi thơm nào khác. Cũng vậy, người vào thất này chỉ nghe hương thơm công đức Phật mà thôi, chứ chẳng thích nghe hương thơm công đức của Thanh văn và Bích chi Phật.

“Xá-lỵ-phất! Những vị như Đế-thích, Phạm vương, Bốn thiên vương, chư thiên, rồng, quỷ thần, khi vào thất này nghe vị thượng nhân đây giảng thuyết chánh pháp, thảy đều ưa thích hương thơm công đức Phật, đều phát tâm cầu quả Phật và lui ra.

“Xá-lỵ-phất! Tôi ở tại thất này đã được mười hai năm, chẳng hề nghe thuyết diễn pháp Thanh văn và pháp Bích chi Phật, chỉ nghe thuyết Đại thừa đại bi của Bồ Tát và pháp chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật.

“Xá-lỵ-phất! Trong thất này thường hiện ra tám pháp chưa từng có và khó được. Tám pháp đó là gì?

“Thất này thường dùng hào quang vàng ròng mà soi sáng, ban ngày cũng như ban đêm, chẳng dùng ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Đó là pháp thứ nhất chưa từng có và khó được.

“Thất này, khi người ta vào chẳng bị các cấu nhơ làm rối loạn. Đó là pháp thứ hai chưa từng có và khó được.

“Thất này thường có Đế-thích, Phạm vương, bốn Thiên vương, chư Bồ Tát các phương khác hội đến chẳng dứt. Đó là pháp thứ ba chưa từng có và khó được.

“Thất này là nơi thường thuyết diễn sáu ba-la-mật, là những pháp chẳng thối chuyển. Đó là pháp thứ tư chưa từng có và khó được.

“Thất này là nơi thường trỗi âm nhạc bậc nhất của chư thiên và nhân loại, từ nơi dây đàn phổ ra tiếng ca ngâm, diễn vô lượng pháp hóa. Đó là pháp thứ năm chưa từng có và khó được.

“Thất này có bốn kho tàng lớn, chứa đầy các của quý, chu cấp những kẻ bần cùng, cứu tế những người thiếu hụt, ai cầu thì được, dùng không hết. Đó là pháp thứ sáu chưa từng có và khó được.

“Tại thất này, Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật A-di-đà, Phật A-súc, Phật Bảo Đức, Phật Bảo Viêm, Phật Bảo Nguyệt, Phật Bảo Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hưởng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành... vô lượng chư Phật mười phương như vậy đều hiện đến khi vị thượng nhân đây niệm tưởng các ngài. Các ngài thuyết rộng pháp tạng bí yếu của chư Phật. Thuyết xong, bèn trở về. Đó là pháp thứ bảy chưa từng có và khó được.

“Trong thất này, cung điện nghiêm sức của tất cả chư thiên, các cõi tịnh độ của chư Phật đều hiện vào. Đó là pháp thứ tám chưa từng có và khó được.

“Xá-lỵ-phất! Trong thất này, thường hiện ra tám pháp chưa từng có ấy. Ai là người đã thấy việc chẳng thể nghĩ bàn như vậy mà lại còn ưa thích pháp Thanh văn?”

Xá-lỵ-phất hỏi: “Sao cô chẳng chuyển thân nữ làm thân nam?”

Thiên nữ nói: “Từ mười hai năm nay, tôi vẫn cầu cái tướng người nữ mà chẳng được. Tại sao nên chuyển? Tỷ như một nhà ảo thuật hóa ra một ảo nữ. Nếu có người hỏi nhà ảo thuật ấy rằng: ‘Sao ông chẳng chuyển cái thân nữ này đi?’ Người ấy có đặt câu hỏi một cách chánh đáng không?”

Xá-lỵ-phất nói: “Không. Việc ảo hóa không có tướng nhất định, lấy gì để chuyển?”

Thiên nữ nói: “Tất cả các pháp lại cũng như vậy, không có tướng nhất định. Sao ngài lại hỏi việc chẳng chuyển thân nữ?”

Tức thời, thiên nữ dùng sức thần thông biến Xá-lỵ-phất ra hình thiên nữ, còn thiên nữ lại hóa thân giống như Xá-lỵ-phất, rồi hỏi rằng: “Tại sao ngài chẳng chuyển thân nữ?”

Xá-lỵ-phất khi ấy mang hình dáng thiên nữ, đáp rằng: “Nay tôi chẳng biết chuyển biến thế nào mà lại thành thân nữ?”

Thiên nữ nói: “Xá-lỵ-phất! Nếu ngài có thể chuyển thân nữ ấy, thì tất cả người nữ cũng sẽ chuyển được thân của họ. Như Xá-lỵ-phất chẳng phải người nữ mà hiện ra thân nữ, tất cả người nữ lại cũng như vậy. Tuy hiện làm thân nữ, nhưng chẳng phải là nữ. Vậy nên Phật có dạy: Tất cả các pháp chẳng phải nam, chẳng phải nữ.”

Tức thời, thiên nữ thâu lại sức thần, Xá-lỵ-phất trở lại hình dáng cũ.

Thiên nữ hỏi Xá-lỵ-phất: “Sắc tướng thân nữ hiện giờ tại đâu?”

Xá-lỵ-phất đáp: “Sắc tướng thân nữ chẳng phải tại, chẳng phải chẳng tại.”

Thiên nữ nói: “Tất cả các pháp cũng như vậy, đều chẳng phải tại, chẳng phải chẳng tại. Chẳng phải tại, chẳng phải chẳng tại, đó là thuyết của Phật vậy.”

Xá-lỵ-phất hỏi thiên nữ: “Khi thác ở chốn này, cô sẽ sinh về đâu?”

Thiên nữ đáp: “Phật hóa sinh như thế nào, tôi cũng sinh ra như thế ấy.”

Xá-lỵ-phất nói: “Phật hóa sinh, chẳng phải thác rồi sinh.”

Thiên nữ nói: “Chúng sinh cũng vậy, đều chẳng phải thác rồi sinh.”

Xá-lỵ-phất hỏi thiên nữ: “Bao lâu nữa cô sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?”

Thiên nữ đáp: “Như ngài Xá-lỵ-phất trở lại làm kẻ phàm phu, khi ấy tôi sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Xá-lỵ-phất nói: “Tôi làm kẻ phàm phu, không thể có việc ấy.”

Thiên nữ nói: “Tôi đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không thể có. Tại sao vậy? Bồ-đề không có chỗ trụ, nên không có người chứng đắc.”

Xá-lỵ-phất nói: “Hiện nay, chư Phật đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chư Phật đã đắc quả và chư Phật sẽ đắc quả nhiều như số cát sông Hằng. Những việc như vậy thì bảo sao?”

Thiên nữ đáp: “Thảy đều do văn tự thế tục ghi chép, nên nói có ba đời, chứ chẳng phải Bồ-đề lại có quá khứ, vị lai, hiện tại.”

Thiên nữ hỏi: “Xá-lỵ-phất! Ông có đắc quả A-la-hán chăng?”

Đáp: “Vì không có chỗ đắc cho nên đắc.”

Thiên nữ nói: “Chư Phật, Bồ Tát lại cũng như vậy. Vì các ngài không có chỗ đắc cho nên đắc.”

Lúc ấy, Duy-ma-cật bảo Xá-lỵ-phất: “Vị thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật, đã thực hiện được những cuộc dạo chơi thần thông của Bồ Tát, sở nguyện đầy đủ, được đức nhẫn vô sinh, trụ ở địa vị chẳng thối chuyển. Vì bổn nguyện nên tùy ý mà hiện thân nữ để giáo hóa chúng sinh.”


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gõ cửa thiền


Sống đẹp giữa dòng đời


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.140.78 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...