Lúc ấy, Xá-lỵ-phất tự nghĩ rằng: “Sắp đến giờ ăn trong ngày, các vị Bồ
Tát sẽ ăn gì đây?"
Bấy giờ, Duy-ma-cật biết ý nghĩ ấy, liền bảo rằng: “Phật có dạy tám môn
giải thoát, nhân giả đã vâng làm theo. Lẽ nào lại đem cái tâm muốn ăn mà
nghe pháp sao? Như ngài muốn ăn, xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến ngài
được món ăn chưa từng có.”
Liền đó, Duy-ma-cật nhập vào Tam-muội, dùng sức thần thông khiến cho đại
chúng nhìn thấy về hướng trên, cách đây nhiều cõi Phật liên tiếp nhau
như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một cõi nước tên là Chúng
Hương, hiện có đức Phật hiệu là Hương Tích ngự tại đó. Nước ấy có mùi
thơm bậc nhất đối với các mùi thơm của người ta và chư thiên ở các thế
giới chư Phật mười phương. Ở cõi ấy, không có tiếng Thanh văn và Bích
chi Phật. Chỉ có chúng đại Bồ Tát thanh tịnh mà thôi. Phật thuyết pháp
với các vị Đại Bồ Tát ấy. Khắp cõi ấy, mùi thơm tạo ra lầu gác. Người ta
đi trên đất bằng mùi thơm. Các cảnh hoa viên và vườn tược đều bằng mùi
thơm. Từ nơi thức ăn, mùi thơm bay tỏa ra khắp vô lượng thế giới mười
phương. Lúc ấy, Phật Hương Tích với chư Bồ Tát vừa ngồi lại với nhau sắp
thọ thực. Có những vị thiên tử, đồng một danh hiệu là Hương Nghiêm, thảy
đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cúng dường đức Phật ấy và
chư Bồ Tát. Đại chúng đều nhìn thấy như vậy.
Lúc ấy, Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ Tát rằng: “Các nhân giả! Vị nào có thể
đến chỗ đang dùng cơm của đức Phật ấy?”
Do sức oai thần của ngài Văn-thù Sư-lỵ, ai nấy đều lặng thinh.
Duy-ma-cật nói: “Đại chúng các vị ở đây, không có chi phải thẹn.”
Văn-thù Sư-lỵ nói: “Như Phật có dạy: Đừng khinh người chưa học.”
Lúc ấy, Duy-ma-cật chẳng rời khỏi chỗ ngồi, ngay ở trước đại chúng hóa
hiện ra một vị Bồ Tát, có đủ tướng chánh và tướng phụ sáng chói, oai
thần trổi thắng, che trùm chúng hội. Duy-ma-cật nói với vị hóa Bồ Tát
rằng: “Ông hãy đến phía cõi trên kia, cách đây những cõi Phật liên tiếp
nhau nhiều như số cát bốn mươi hai sông Hằng. Có một nước tên là Chúng
Hương. Đức Phật hiệu là Hương Tích, với chư Bồ Tát, vừa ngồi lại với
nhau sắp thọ thực. Khi ông đến đó rồi, nên nói theo như lời ta dặn đây:
‘Duy-ma-cật đảnh lễ sát chân Thế Tôn, cung kính vô lượng, hỏi thăm việc
ăn uống thức ngủ của ngài. Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn
chăng? Duy-ma-cật muốn được chút thức ăn thừa của Thế Tôn để làm Phật sự
tại thế giới Ta-bà, khiến những kẻ ưa pháp nhỏ ở cõi ấy được đạo lớn
rộng sâu. Người cũng làm cho danh tiếng của Như Lai được lan tràn khắp
nơi.”
Lúc ấy, ở trước đại chúng, vị hóa Bồ Tát liền vượt lên hướng trên. Ai
nấy đều nhìn thấy vị ấy ra đi. Khi đến cõi Chúng Hương, vị ấy đỉnh lễ
sát chân Phật. Kế đó, nghe tiếng vị ấy thưa rằng: “Duy-ma-cật đảnh lễ
sát chân Thế Tôn, cung kính vô lượng, hỏi thăm việc ăn uống thức ngủ của
ngài. Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng? Duy-ma-cật
muốn được chút thức ăn thừa của Thế Tôn để làm Phật sự tại thế giới
Ta-bà, khiến những kẻ ưa pháp nhỏ ở cõi ấy được đạo lớn rộng sâu. Người
cũng làm cho danh tiếng của Như Lai được lan tràn khắp nơi.”
Những vị Bồ Tát ở cõi Chúng Hương thấy vị hóa Bồ Tát ấy đều khen rằng là
chưa từng có. Các vị ấy liền hỏi Phật Hương Tích rằng: “Vị thượng nhân
này từ đâu đến đây? Thế giới Ta-bà ở tại nơi nào? Sao gọi là những kẻ ưa
pháp nhỏ?”
Phật bảo các vị ấy rằng: “Về phía bên dưới, cách đây những cõi Phật liên
tiếp nhau nhiều như số cát bốn mươi hai sông Hằng, có một thế giới tên
là Ta-bà. Đức Phật ở đó hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Hiện nay, ngài trụ tại
cõi thế xấu xa có năm sự ô trược, diễn bày đạo giáo độ những chúng sinh
ưa pháp nhỏ. Ở thế giới ấy, có một vị Bồ Tát tên là Duy-ma-cật, trụ ở
phép giải thoát Không thể nghĩ bàn, đang thuyết pháp với các vị Bồ Tát
khác. Vậy nên người sai vị hóa Bồ Tát này đến đây, xưng dương danh hiệu
ta, xưng tán cõi này, khiến cho chư Bồ Tát ở cõi kia được tăng thêm công
đức.”
Các vị Bồ Tát ở cõi Chúng Hương thưa hỏi Phật Hương Tích rằng: “Vị ấy
như thế nào mà có thể tạo nên vị hóa Bồ Tát này, có đức lực chẳng sợ và
thần túc như vậy?”
Phật đáp: “Rất lớn. Vị ấy sai những vị hóa Bồ Tát đi khắp cả mười
phương, làm những Phật sự có lợi ích cho chúng sinh.”
Liền đó, Đức Như Lai Hương Tích lấy cái bát ở cõi Chúng Hương, đơm đầy
cơm thơm, trao cho vị hóa Bồ Tát. Lúc ấy, chín triệu vị Bồ Tát ở cõi kia
đồng nói rằng: “Chúng con muốn đi đến thế giới Ta-bà, cúng dường đức
Phật Thích-ca Mâu-ni. Chúng con cũng muốn viếng thăm Duy-ma-cật và đại
chúng Bồ Tát.”
Phật Hương Tích nói: “Có thể đi được, nhưng các ông nên kiềm giữ mùi
thơm nơi thân, đừng để cho chúng sinh cõi kia khởi tâm lầm lạc tham
trước. Lại nữa, các ông nên xả bỏ hình thể đang có của mình, đừng để
những người cầu đạo Bồ Tát ở cõi Ta-bà kia sinh lòng xấu hổ. Lại nữa,
đối với họ các ông đừng có lòng khinh chê mà tạo ra tư tưởng trở ngại.
Tại sao vậy? Các cõi nước mười phương đều như hư không. Chư Phật vì muốn
giáo hóa những kẻ ưa pháp nhỏ, cho nên chẳng hiện cõi tịnh độ của mình
một cách trọn vẹn.”
Lúc ấy, vị hóa Bồ Tát nhận lấy bát cơm, cùng với chín triệu vị Bồ Tát
cùng nương oai thần của Phật và sức của Duy-ma-cật, bỗng nhiên biến mất
khỏi thế giới kia. Trong phút chốc, các vị đến chỗ Duy-ma-cật.
Lúc ấy, Duy-ma-cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử, nghiêm trang đẹp đẽ
như các tòa trước đó. Các vị Bồ Tát đều ngồi lên những tòa sư tử ấy.
Bấy giờ, vị hóa Bồ Tát trao cho Duy-ma-cật cái bát đựng đầy cơm thơm.
Mùi thơm của cơm bay khắp thành Tỳ-da-ly và cõi thế giới tam thiên đại
thiên.
Lúc ấy, những người trong hạng bà-la-môn cho tới những người trong hạng
cư sĩ ở thành Tỳ-da-ly, nghe mùi thơm ấy, lấy làm khoái lạc thân thể và
tâm ý, thảy đều khen là việc chưa từng có.
Lúc ấy, có vị trưởng giả chủ tên là Nguyệt Cái, dẫn theo tám mươi bốn
ngàn người cùng đến, vào nhà Duy-ma-cật. Thấy trong thất có rất nhiều vị
Bồ Tát với nhiều tòa sư tử cao, rộng nghiêm trang tốt đẹp, họ rất vui
vẻ, lễ kính đại chúng Bồ Tát và các vị đại đệ tử, rồi lui lại đứng sang
một bên.
Các vị thần đất đai, thần hư không cùng các vị thiên tiên cõi Dục giới
và Sắc giới, nghe mùi thơm ấy, cũng đều hiện đến, vào nhà Duy-ma-cật.
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với Xá-lỵ-phất và các vị đại Thanh văn: “Các nhân
giả hãy dùng món cơm cam-lộ của Như Lai, do lòng đại bi hun đúc mà
thành. Đừng đem tâm ý hạn hẹp mà ăn cơm này, e chẳng tiêu được.”
Có vị Thanh văn lấy làm lạ, nghĩ rằng cơm ấy ít thế, làm sao đủ cho đại
chúng mỗi người đều có ăn.
Vị Hóa Bồ Tát nói: “Đừng lấy cái đức nhỏ, trí nhỏ của hàng Thanh văn mà
cân lường phước huệ vô lượng của Như Lai. Bốn biển còn có thể cạn, nhưng
cơm này không thể hết. Giả như tất cả người ta đều ăn cơm này, vò thành
từng viên lớn như núi Tu-di, mãi đến trọn một kiếp, còn chẳng hết cơm
thay! Tại sao vậy? Là vì thức ăn thừa của bậc có đầy đủ công đức, vô tận
giới, định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến chẳng bao giờ có
thể hết được.”
Lúc ấy, cơm từ trong bát lấy ra làm no bụng tất cả đại chúng mà vẫn
không hết. Những vị Bồ Tát, Thanh văn, trời, người đã ăn món cơm ấy,
thân thể đều trở nên an ổn, khoái lạc, cũng như tất cả các vị Bồ Tát hết
thảy các cõi nước Lạc Trang Nghiêm vậy. Lại nữa, từ những lỗ chân lông
của các vị đều phát ra mùi thơm vi diệu, cũng như mùi thơm cây cối ở cõi
nước Chúng Hương.
Lúc ấy, Duy-ma-cật hỏi chư Bồ Tát nước Chúng Hương rằng: “Đức Như Lai
Hương Tích thuyết pháp bằng cách nào?”
Chư Bồ Tát ấy đáp: “Đức Như Lai ở cõi chúng tôi chẳng thuyết pháp bằng
văn tự. Ngài chỉ dùng các mùi thơm, làm cho chư thiên và người ta đắc
nhập luật hạnh. Bồ Tát mỗi vị đều ngồi nơi cội cây thơm, nghe mùi thơm
vi diệu kia, liền thành tựu hết thảy các phép Tam-muội Đức tạng. Được
các phép Tam-muội ấy rồi thì hết thảy những công đức của hàng Bồ Tát đều
tự nhiên đầy đủ.”
Chư Bồ Tát lại hỏi Duy-ma-cật: “Hiện nay, đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni
thuyết pháp bằng cách nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Ở cõi này, chúng sinh cang cường khó dạy. Cho nên Phật
nói với họ những lời cang cường đặng điều phục họ. Như nói: Như thế này
là địa ngục, như thế này là súc sinh, như thế này là ngạ quỷ. Như thế
này là chỗ khó tu, như thế này là chỗ mà kẻ ngu sinh ra. Như thế này là
hạnh tà ác của thân, như thế này là quả báo hạnh tà ác của thân. Như thế
này là hạnh tà ác của miệng, như thế này là quả báo hạnh tà ác của
miệng. Như thế này là hạnh tà ác của ý, như thế này là quả báo hạnh tà
ác của ý. Như thế này là sát sinh, như thế này là quả báo của sát sinh.
Như thế này là chẳng cho mà lấy, như thế này là quả báo của việc chẳng
cho mà lấy. Như thế này là tà dâm, như thế này là quả báo của việc tà
dâm. Như thế này là nói dối, như thế này là quả báo của việc nói dối.
Như thế này là nói hai lưỡi, như thế này là quả báo của việc nói hai
lưỡi. Như thế này là nói lời độc ác, như thế này là quả báo của việc nói
lời độc ác. Như thế này là nói lời vô nghĩa, như thế này là quả báo của
việc nói lời vô nghĩa. Như thế này là tham lam, như thế này là quả báo
của sự tham lam. Như thế này là sân hận, như thế này là quả báo của sự
sân hận. Như thế này là tà kiến, như thế này là quả báo của tà kiến. Như
thế này là keo lận, như thế này là quả báo của keo lận. Như thế này là
phá giới, như thế này là quả báo của việc phá giới. Như thế này là sân
nhuế, như thế này là quả báo của sân nhuế. Như thế này là giải đãi, như
thế này là quả báo của giải đãi. Như thế này là loạn ý, như thế này là
quả báo của loạn ý. Như thế này là ngu si, như thế này là quả báo ngu
si. Như thế này là kết giới, như thế này là giữ giới, như thế này là
phạm giới. Như thế này là nên làm, như thế này là không nên làm. Như thế
này là chướng ngại, như thế này là không chướng ngại. Như thế này là
phạm tội, như thế này là lìa tội. Như thế này là trong sạch, như thế này
là dơ nhớp. Như thế này là phiền não, như thế này là không có phiền não.
Như thế này là tà đạo, như thế này là chánh đạo. Như thế này là hữu vi,
như thế này là vô vi. Như thế này là thế gian, như thế này là Niết-bàn.
“Bởi họ là những kẻ khó dạy, tâm họ như loài khỉ vượn, cho nên Phật phải
dùng biết bao phương cách mà chế ngự tâm họ, rồi mới điều phục được họ!
Tỷ như con voi, con ngựa ác nghịch chẳng chịu điều phục, người ta phải
gia tăng những sự trừng trị đau đớn độc hại, cho đến buốt thấu tận
xương, sau đó chúng nó mới chịu điều phục. Những chúng sinh cang cường
khó dạy lại cũng như vậy. Cho nên Phật phải dùng tất cả những lời khổ
thiết mới có thể khiến họ vào luật.”
Chư Bồ Tát ấy nghe như vậy rồi đều khen rằng: “Chưa từng có vậy! Như đức
Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Phật, ngài che khuất cái sức tự tại vô lượng của
mình, cho đến chỉ dùng pháp nhỏ đối với kẻ thích nghe, mà độ thoát chúng
sinh. Còn chư Bồ Tát đây cũng lao nhọc khiêm nhường lắm, các ngài đem
lòng đại bi vô lượng mà sinh nơi cõi Phật này.”
Duy-ma-cật nói: “Chư Bồ Tát ở cõi này có lòng đại bi bền vững đối với
các chúng sinh, đúng như lời quý vị vừa nói. Tuy nhiên, những ai ở cõi
này một đời mà làm việc nhiêu ích cho chúng sinh, còn hơn ở cõi khác
trong trăm ngàn kiếp mà làm điều thiện. Tại sao vậy? Ở thế giới Ta-bà
này có mười việc thiện mà ở những cõi tịnh độ không có.
“Những gì là mười? Dùng bố thí mà nhiếp phục kẻ bần cùng. Dùng tịnh giới
mà nhiếp phục kẻ hủy cấm. Dùng nhẫn nhục mà nhiếp phục kẻ giận hờn. Dùng
tinh tấn mà nhiếp phục kẻ biếng nhác. Dùng thiền định mà nhiếp phục kẻ
loạn ý. Dùng trí huệ mà nhiếp phục kẻ ngu si. Nói lẽ trừ nạn mà độ khỏi
tám nạn. Dùng pháp Đại thừa mà độ kẻ ưa thích Tiểu thừa. Dùng các thiện
căn cứu tế những kẻ không có đức. Thường dùng bốn pháp thâu nhiếp mà
giúp cho chúng sinh được thành tựu. Đó là mười việc.”
Chư Bồ Tát ấy hỏi: “Ở thế giới này, Bồ Tát thành tựu bao nhiêu pháp, đức
hạnh mới được không tỳ vết, sinh về tịnh độ?”
Duy-ma-cật nói: “Ở thế giới này, Bồ Tát thành tựu tám pháp, đức hạnh mới
được không tỳ vết, sinh về tịnh độ.
“Những gì là tám? Làm lợi ích cho chúng sinh mà chẳng mong báo đáp. Chịu
các khổ não thay cho tất cả chúng sinh, đem những công đức do mình tạo
ra mà thí hết cho chúng sinh. Đem lòng bình đẳng mà thương yêu các chúng
sinh, khiêm cung hạ mình một cách vô ngại, xem các vị Bồ Tát cũng như
Phật, những kinh mà mình chưa nghe, thời muốn nghe mà chẳng sanh nghi.
Chẳng chung cùng với hàng Thanh văn mà làm việc trái ngược. Chẳng ganh
ghét những kẻ khác khi họ được cúng dường. Không lấy phần lợi nhiều về
mình, trong việc ấy nên điều phục tâm. Thường xét lỗi mình, chẳng nói
lỗi người. Hằng quyết một lòng cầu các công đức. Đó là tám pháp.
Ở trong đại chúng, khi Duy-ma-cật và Văn-thù Sư-lỵ thuyết xong các pháp
ấy, trăm ngàn chư thiên và người ta đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề, mười ngàn vị Bồ Tát đắc Vô sinh pháp nhẫn.