MIKE AUSTIN: Ngài nhìn thấy sự tiến hóa của nhân loại đang ở giai đoạn
nào? Chẳng hạn, nếu so sánh toàn thể nhân loại như sự phát triển của một
người, thì ngài cho rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ trẻ thơ, niên
thiếu hay trưởng thành?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Theo phần giáo lý chung của đạo Phật được ghi trong kinh
điển, thế giới này có những giai đoạn tốt hơn và có những giai đoạn
xấu hơn. Nay nếu bạn nói về thời gian của một kiếp, thì kỉ nguyên của
chúng ta vẫn còn là trẻ thơ; nhưng nếu xét trong một khoảng thời gian
ngắn hơn thì chúng ta đã già. Tôi sẽ giải thích điều này.
Theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, một đại kiếp gồm 80 trung kiếp, chia làm 4
nhóm 20 trung kiếp. Nhóm 20 trung kiếp thứ nhất là kiếp không. Kiếp
không là sự trống rỗng hoàn toàn khi thế giới hệ trước đó không còn tồn
tại. Sau đó là 20 trung kiếp của kiếp thành, tức là thời kỳ hình thành
của thế giới. Kế đến là 20 trung kiếp của kiếp trụ. Tiếp theo là 20
trung kiếp của kiếp hoại. Hiện nay chúng ta đang ở trong Kiếp trụ. Trong
khoảng 20 trung kiếp của kiếp trụ, chúng ta đang ở vào thời kỳ đầu của
kiếp giảm. Vì thế, khi kiếp này giảm, sẽ có 18 lần tăng và 18 lần giảm.
Rồi lại tiếp tục nhóm 20 trung kiếp sau đó.
Nay chúng ta đang ở trong lần giảm thứ nhất, đến mức mà tuổi thọ trung
bình của con người còn khoảng 100 tuổi. Trong ý nghĩa thời kỳ đầu của
kiếp giảm thì chúng ta đã qua lâu rồi, bởi vậy nên gọi là già. Nhưng với
ý nghĩa của 20 kiếp trụ thì chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu.
MIKE AUSTIN: Có phải quan điểm tổng quát này chỉ xuất phát từ kinh
điển?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy.
MIKE AUSTIN: Phải chăng đó là căn cứ duy nhất cho cách mô tả như thế
này về không gian và thời gian?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi cho là vậy. Có lẽ chỉ là dựa vào kinh điển. Nhưng
chẳng cần nói đến những khái niệm về “kiếp” này, ngay như việc giải
thích về một ngôi sao gần nhất theo khoa học cũng đã là khó khăn. Quả
thật là rất khó!
MIKE AUSTIN: Ngài muốn nói việc xác định vị trí hoặc mô tả hình thể?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Không, tôi muốn nói đến nguyên nhân hình thành thực sự
hay những điều tương tự... Điều tôi đang nói đến lại là một thế giới hệ
nằm trong cả nghìn tỉ thế giới, giống như giải thích về một thái dương
hệ.
MIKE AUSTIN: Vâng! Vậy xin được đi ngay vào vấn đề. Phật giáo quan niệm
như thế nào về nguồn gốc vũ trụ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Về mặt vật thể, đó chính là năng lượng. Còn xét về các
sinh vật hoặc con người sống trong đó thì nguồn lực tạo ra đời sống của
mỗi chúng sinh chính là nghiệp lực của những hành vi mà chúng sinh ấy đã
tích tạo. Nghiệp lực là nguyên nhân khiến chúng sinh phải tái sinh theo
hình thức nào đó.
MIKE AUSTIN: Hãy xem xét trước hết vấn đề vật chất. Vật chất vốn vô tri.
Cái gì là năng lượng khiến cho có các hiện tượng xuất hiện?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Về các yếu tố cấu thành vũ trụ, yếu tố ban đầu là gió
(phong đại), có nền tảng từ hư không. Rồi gió chuyển động, và dựa vào đó
mà hơi nóng xuất hiện (hỏa đại), rồi có hơi nước (thủy đại), rồi chất
rắn, chính là yếu tố đất (địa đại). Nếu bạn cần giải thích yếu tố gió
ban sơ tương tục từ cái gì, thì có lẽ nó có từ thời kỳ kiếp không của
thế giới hệ trước đó.
Dù sao đi nữa thì vũ trụ vẫn là vô cùng, vô hạn. Nếu bạn chỉ đề cập đến
một thế giới trong phạm vi của thế giới hệ gồm cả ngàn tỷ thế giới thì
có thể nói về một sự khởi nguyên. Còn như đề cập chung đến toàn thể vũ
trụ thì không thể được.
MIKE AUSTIN: Nhưng cái gì là nguyên nhân trực tiếp khởi đầu của hư
không; và sau đó là của yếu tố gió hay năng lượng mà ngài đề cập đến?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Nếu nói về nguyên nhân đến từ bên ngoài, thì như tôi đã
trình bày, đó là thời kỳ kiếp không của thế giới hệ trước đó.
MIKE AUSTIN: Năng lượng có thể tự nhiên sinh khởi từ hư không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều đó là tự nhiên, không phải do bịa đặt, nhưng đằng
sau đó còn có nghiệp lực.
MIKE AUSTIN: Nghiệp lực ấy là gì?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tất nhiên là cần phải giải thích về nghiệp. Nghiệp có
nghĩa là hành vi tạo tác. Chẳng hạn như tôi đang nói, đó là hành vi tạo
tác bằng lời nói (khẩu nghiệp). Khi tôi đưa bàn tay lên, đó là hành vi
tạo tác của thân (thân nghiệp). Còn có sự tạo tác bằng tâm ý (ý nghiệp),
đó là những trường hợp tạo tác mà không hề có bất cứ sự biểu hiện nào
của thân hay lời nói.
Do những hành vi tạo tác này mà dẫn đến những hậu quả tức thời và lâu
dài. Chẳng hạn như cuộc nói chuyện của chúng ta tạo ra được một bầu
không khí giao tiếp nơi đây, và đó là kết quả tức thì. Tuy nhiên, cuộc
nói chuyện của chúng ta cũng đồng thời khơi dậy một sức mạnh tinh thần,
hoặc tạo ra một ấn tượng trong sự tương tục của tâm thức. Do những dấu
ấn này mà sẽ có thêm những hành vi thiện, ác và không thiện không ác (vô
ký), rất lâu sau khi những hành vi tạo tác ban đầu đã chấm dứt.
Do đó mà có các nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp không thiện không ác.
Lại có một trạng thái dừng chờ - khi hành vi tạo tác đã dừng hẳn - và
trạng thái này tồn tại trong dòng tâm thức tương tục. Trạng thái dừng
chờ này là một sự tĩnh tại có tác động - một sự vắng bặt có hàm chứa tác
nhân. Đó là một năng lực khi hành vi tạo tác không đơn thuần là hoàn
toàn dừng hẳn mà vẫn còn có khả năng tạo ra những kết quả trong tương
lai. Những trạng thái dừng chờ này có khả năng tự phục hoạt từng sát-na
cho đến khi kết quả được hình thành. Khi hội đủ những điều kiện thích
hợp (duyên), nó sẽ chín muồi, tạo ra quả. Cho dù trải qua thời gian lâu
dài hay ngắn ngủi cũng không khác gì nhau. Thậm chí có thể là qua hàng
tỷ kiếp. Nếu con người không nương nhờ vào một phương tiện để hóa giải
tiềm lực này - chẳng hạn như sám hối và phát nguyện không làm những việc
ác - thì nghiệp lực này vẫn tồn tại.
MIKE AUSTIN: Nghiệp lực tồn tại ở đâu?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Trong dòng tương tục của tâm thức. Có hai cơ cở để giải
thích cho sự tồn tại của nghiệp lực. Một là dòng tương tục của tâm thức
vốn mang tính tạm thời. Và hai là cái ‘tôi’, cái bản ngã tương đối của
một con người, vốn mang tính tương tục.
MIKE AUSTIN: Chưa cần phải đi sâu vào chi tiết như vậy, nhưng hãy trở
lại với chủ đề ban đầu, sự khác biệt cơ bản nhất giữa tâm và vật là gì?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vật tức là sắc thể; còn tâm chỉ thuần là sự chiếu tri.
MIKE AUSTIN: Cái gì đã tạo thành tâm này?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Về mặt căn nguyên của tâm, có một nguyên nhân chính yếu
cũng như hợp thể các duyên - năng duyên và sở duyên. Sở duyên - đối
tượng được nhận biết - có thể là một hình sắc vật thể; nhưng hình sắc
vật thể không thể là nguyên nhân chính yếu tạo ra một tâm, mà đó phải là
một cái gì tự nó có được sự chiếu tri. Chẳng hạn, khi tôi nhìn vào cái
máy ghi âm, nhãn thức của tôi có đối tượng sở duyên là chiếc máy ghi âm,
còn năng duyên - cái tạo ra khả năng nhìn thấy màu sắc và hình dáng - là
thị lực của mắt, nhưng nguyên nhân chính yếu (cũng gọi là điều kiện dẫn
khởi) tạo thành một thực thể có sự chiếu tri phải là một sát-na có trước
sự chiếu tri ấy, một sát-na trước đó của thức tâm.
MIKE AUSTIN: Cái gì là căn nguyên tạo thành thực thể chiếu tri ấy? Phải
chăng cũng là do ngẫu nhiên? Căn nguyên ấy xuất phát từ đâu?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Theo như những gì nói trên thì không có sự khởi đầu của
tâm.
MIKE AUSTIN: Không có sự khởi đầu của tâm?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vâng, và cũng không có sự kết thúc. Với những thức tâm
riêng biệt nào đó thì có sự khởi đầu và kết thúc, nhưng xét riêng yếu tố
thuần túy chiếu tri này thì không có sự khởi đầu hay kết thúc. Với một
số dạng tâm thức, có trường hợp không có sự khởi đầu nhưng có sự kết
thúc. Chẳng hạn như cảm xúc đau khổ. Cuối cùng khi bạn loại bỏ được một
cảm xúc gây đau khổ nào đó, chẳng hạn như sự ghen tức, thì sự tương tục
của tâm thức đau khổ ấy sẽ chấm dứt. Bản chất của tâm như thế chính ở
chỗ nó là một thực thể có khả năng chiếu tri. Đúng không? Chẳng có gì
khác hơn.
MIKE AUSTIN: Ngài chấp nhận cho rằng điều đó chỉ là bản chất tự nhiên?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có bốn hình thức khảo sát hiện tượng. Một là dựa vào sự
tương thuộc, chẳng hạn như quan sát khói tương thuộc với lửa. Hai là lưu
tâm đến những chức năng của sự vật. Ba là dựa vào suy luận, chứng minh
đúng hoặc sai. Bốn là sự nhận thức bản chất của hiện tượng đúng như
thực.
Chẳng hạn, việc chúng ta mong muốn được hạnh phúc là bản chất tự nhiên.
Chẳng có gì khác cần phải khám phá thêm. Bây giờ, nói về nguyên nhân tạo
thành vũ trụ thì hoặc là bạn phải chấp nhận có một đấng sáng tạo, hoặc
phải chấp nhận là vũ trụ không có sự khởi đầu. Chẳng còn cách nào khác;
chẳng còn khả năng nào nữa cả.