Lúc ấy, trong thành lớn Tỳ-da-ly có một vị trưởng giả tên là Duy-ma-cật.
Ấy là người đã từng cúng dường vô lượng các đức Phật, trồng sâu căn
lành; được đức nhẫn vô sinh, biện tài vô ngại, du hí thần thông, nắm
được các phép tổng trì, đạt được pháp vô sở úy; hàng phục chúng ma, vỗ
về những kẻ oán hờn; đã vào được pháp môn sâu xa vi diệu, giỏi về phép
trí huệ, thông đạt phương tiện; thành tựu nguyện lớn, biết rõ chỗ xu
hướng trong tâm của mỗi chúng sinh, phân biệt được những căn tánh lanh
lợi hoặc chậm lụt. Đối với đạo Phật, từ lâu trong tâm ngài đã thuần
thục, chí quyết về Đại thừa. Mỗi khi làm việc chi, ngài đều khéo suy
xét, liệu lường. Ngài trụ nơi oai nghi của Phật, lòng dạ rộng lớn như
biển cả. Chư Phật khen ngợi, những đệ tử là Đế-thích và Phạm vương, chúa
cõi thế giới đều kính trọng ngài.
Vì muốn cứu độ chúng nhân nên ngài dùng phương tiện khéo cư ngụ tại
thành Tỳ-da-ly. Dùng tài sản nhiều không kể xiết, ngài nhiếp phục những
kẻ nghèo; dùng giới luật thanh tịnh, ngài nhiếp phục những kẻ phạm giới
cấm; dùng nhẫn nhục nhu hòa, ngài nhiếp phục những kẻ hay nóng giận;
dùng sức tinh tấn mạnh mẽ, ngài nhiếp phục những kẻ lười nhác, giải đãi;
dùng nhất tâm thiền tịnh, ngài nhiếp phục những kẻ tâm ý tán loạn; dùng
trí huệ chắc quyết, ngài nhiếp phục những kẻ vô trí.
Tuy là cư sĩ, nhưng ngài kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa-môn.
Tuy ở tại nhà, nhưng ngài chẳng vướng vào ba cõi. Thị hiện có vợ con,
nhưng ngài thường tu hạnh thanh tịnh. Thị hiện có quyến thuộc, nhưng
ngài thường thích rời xa. Tuy phục sức đồ quý báu nhưng ngài cốt dùng
các tướng tốt để trang nghiêm thân mình. Tuy vẫn ăn uống, nhưng ngài lấy
niềm vui hành thiền làm món ăn ngon. Nếu có đến nơi cờ bạc, ngài dùng
nơi đó để hóa độ người. Mặc dầu thọ học đạo khác, ngài chẳng chê bỏ
chánh tín. Tuy hiểu rành sách vở thế gian, nhưng ngài thường hâm mộ pháp
Phật.
Thấy ai ngài cũng kính nhường, lấy sự cúng dường làm trọng. Nắm giữ
Chánh pháp, ngài nhiếp phục được kẻ lớn người nhỏ. Trong mọi cuộc cộng
tác làm ăn, mặc dầu thu được những món lợi thế tục, nhưng ngài không lấy
đó làm vui. Dạo chơi nơi ngả tư đường, ngài thường giúp ích cho chúng
sinh. Dự vào việc chính trị, ngài cứu hộ tất cả nhân dân. Vào nơi giảng
luận, ngài đem Đại thừa mà dắt dẫn người nghe. Vào chốn học đường, ngài
khuyến dụ và khai hóa trẻ em. Vào chốn lầu xanh, ngài chỉ rõ chỗ tội lỗi
của sắc dục. Vào các quán rượu, ngài lập chí hướng thiện cho những người
ở đó.
Nếu ở tại nhóm trưởng giả, ngài được tôn trọng, bèn nói pháp cao trổi
cho họ nghe. Nếu ở tại nhóm cư sĩ, ngài được tôn trọng, bèn dứt mối tham
trước của họ. Nếu ở tại nhóm sát-lỵ, ngài được tôn trọng, bèn đem pháp
nhẫn nhục mà giáo hóa họ. Nếu ở tại nhóm bà-la-môn, ngài được tôn trọng,
bèn dứt trừ lòng ngã mạn của họ. Nếu ở tại nhóm đại thần, ngài được tôn
trọng, bèn đem phép chính trị mà chỉ dạy cho họ. Nếu ở tại nhóm vương
tử, ngài được tôn trọng, bèn chỉ cho họ nết trung nết hiếu. Nếu ở tại
nhóm nội quan, ngài được tôn trọng, bèn dạy bảo cho các cung nữ trở nên
chính trực. Nếu ở trong hàng dân dã, ngài được tôn trọng, liền khiến cho
phước lực của họ được hưng thạnh.
Nếu ở tại cảnh Phạm thiên, ngài được các vị Phạm thiên tôn trọng, liền
giáo hóa các vị này về pháp trí huệ thắng diệu. Nếu ở tại cảnh trời
Đế-thích, ngài được chư thiên cảnh trời Đế-thích tôn trọng, liền thị
hiện cuộc vô thường bại hoại. Nếu ở cảnh trời Hộ thế, ngài được bốn vị
Thiên vương Hộ thế tôn trọng, liền phò hộ chúng sinh.
Trưởng giả Duy-ma-cật dùng vô số các phương tiện như vậy mà giúp ích cho
chúng sinh. Người cũng dùng phương tiện hiện ra thân mình có bệnh. Vì
người đang bệnh, nên các hàng quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ,
bà-la-môn cùng các vương tử quan thuộc, vô số ngàn người đều đến thăm
hỏi bệnh người.
Với những người đến thăm ấy, Duy-ma-cật nhân việc thân có bệnh mà thuyết
pháp rộng rãi với họ:
“Các nhân giả! Thân này là không thường tồn, không có sức mạnh, không
bền chắc. Nó là vật mau hư hoại, không thể tin vào nó được. Nó là khổ,
là não, các bệnh đều tụ tập vào nó.
“Các nhân giả! Như cái thân này đây, bậc minh trí không nương cậy vào nó
được. Thân này như bọt đọng mà người ta không thể sờ nắm. Thân này như
bọt nổi, không tồn tại lâu dài. Thân này như nháng lửa, nó do sự khát
khao ái dục mà sinh ra. Thân này như cây chuối, bên trong chẳng bền chắc
gì. Thân này như món đồ ảo thuật, do nơi sự xáo trộn mà khởi ra. Thân
này như chiêm bao, thấy nó là hư vọng chẳng thật. Thân này như cái bóng,
nó theo nghiệp duyên mà hiện ra. Thân này như tiếng dội, nó phụ thuộc
các nhân duyên. Thân này như mây nổi, trong phút chốc đã biến mất. Thân
này như tia chớp, chẳng ở yên một phút nào!
“Thân này không chủ, cũng như đất. Thân này không phải ta, cũng như lửa.
Thân này không sống lâu, cũng như gió. Thân này không phải người, cũng
như nước. Thân này chẳng thật, nó lấy bốn đại: đất, nước, lửa, gió làm
nhà. Thân này là trống không, nó lìa ta và vật của ta. Thân này không
biết chi hết; nó như cỏ, cây, gạch, sỏi. Thân này không làm gì hết, nó
bị sức gió chuyển dời. Thân này là bất tịnh, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu
xa. Thân này là hư ngụy, dẫu nó có tạm dùng những việc tắm, rửa, ăn mặc,
nhưng rồi nó cũng mòn dứt mà thôi! Thân này là tai hại, mang lấy một
trăm lẻ một bệnh não. Thân này như gò đất, giếng nước, nó bị cái già
hiếp bức. Thân này không kiên định, có ngày phải chết. Thân này như rắn
độc, như kẻ cướp oán thù, như xóm nhà không người, các ấm, nhập, giới
phối hợp mà làm thành cái thân.
“Các nhân giả! Thân này đáng lo, đáng chán, mà nên ưa thích thân Phật.
Tại sao vậy? Thân Phật tức là Pháp thân, do vô lượng cúng dường trí huệ
mà sinh ra; do các pháp: giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri
kiến mà sinh ra; do những đức từ, bi, hỷ, xả mà sinh ra; do các
ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ
mà sinh ra; do phương tiện mà sinh ra; do sáu thần thông mà sinh ra; do
ba minh(3) mà sinh ra; do ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà sinh ra; do chỉ
quán mà sinh ra; do mười sức, bốn vô sở úy,3 mười tám pháp bất cộng mà
sinh ra; do việc cắt đứt tất cả các pháp chẳng lành, nhóm họp tất cả các
pháp lành mà sinh ra; do chân thật mà sinh ra; do chẳng phóng dật mà
sinh ra. Do vô lượng pháp thanh tịnh như vậy mà thân Như Lai sinh ra.
“Các nhân giả! Muốn được thân Phật dứt hết các bệnh của chúng sinh, nên
phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
Trưởng giả Duy-ma-cật thuyết pháp như vậy với những người thăm bệnh,
khiến cho vô số ngàn người đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.