Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương XI: Công chúa vu quy »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương XI: Công chúa vu quy

Donate

(Lượt xem: 4.130)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương XI: Công chúa vu quy

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1306 Vua Trần Anh Tông cử Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài, Thượng Tướng Trần Khắc Chung cùng một vị Hòa Thượng cầm đầu phái đoàn của Đại Việt gồm nhiều quan quân hộ tống để tiễn đưa cô dâu Huyền Trân về Chiêm Thành.

Từ Thăng Long, thủ đô của nước Đại Việt ra đến bến sông Hồng Hà, quần chúng đứng dọc hai bên đường với cờ xí biểu ngữ chúc tụng Công chúa lên đường bình an và mong cho Công chúa thân yêu của nước Đại Việt được an vui hạnh phúc khi xuôi về Nam để kết duyên cùng vua Chiêm Thành nhằm thực hiện lời giao ước của Vua cha là Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (hiện là Giác Hoàng Thiền Sư). Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, Vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn, để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hy sinh vì nghĩa lớn của nàng Công chúa Đại Việt. Sứ Bộ sau đó đã dâng sính lễ trọng hậu là châu Ô và châu Lý (vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế ngày nay) và rước Công chúa vu quy về Vijaya (Bình Định ngày nay) và sau đó Công chúa được phong làm Hoàng hậu Paramecvari của xứ Chiêm Thành.

Một người con gái tuổi vừa đôi mươi xinh đẹp, thuộc dòng dõi vua chúa, trí thức và đức hạnh lại phải lìa xa gia đình tổ ấm cung son, rời bỏ quê hương yêu dấu, ngàn dặm lênh đênh trên sóng nước để về làm dâu nơi xứ lạ quê người. Lòng dạ nào mà chẳng bịn rịn lúc ra đi và chắc rằng Mẫu hậu của nàng cùng cung nữ đương triều đã tuôn rơi những giọt lệ thương cảm khi đôi gót son hồng chạm chân lên chiếc thuyền hướng về nơi viễn xứ. Ôi! biết nói gì đây cho hết nỗi yêu thương trìu mến của mọi người nơi chốn cung son cũng như bàn dân thiên hạ. Thế mới biết cái tình cảm thiêng liêng của con người là gì khi mà quả tim yêu thương từ ái đã chạm sát vào tâm can của một người, một lần đi chưa biết bao giờ trở lại. Chính nàng cũng đã nhiều lần lấy khăn lau nước mắt và quỳ lạy hai lạy sau cùng để từ tạ mẹ cha cùng với ơn nghĩa nghìn trùng của sơn hà xã tắc. Ngay cả Vua Anh Tông, một vị vua rất cứng rắn với Sứ thần khi trao đổi việc nước, nhưng cũng không thể không chạnh lòng cho em mình, một người con gái nước Đại Việt sắp sang Chiêm Quốc làm dâu mà trước đó chưa một lần được diện kiến với chồng tương lai.

Còn Công chúa thì tâm trạng như tơ vò không kém, vừa gạt lệ giã từ Mẫu hậu, người thân, giã từ quê hương và đồng bào ruột thịt và cũng nao nao trong dạ hướng về hình ảnh của một đấng quân vương chưa một lần gặp gỡ. Khung trời hạnh phúc xa xôi mờ ảo ấy chưa biết ra sao? Người vui kẻ buồn, người hờn kẻ trách, người oán kẻ than, người thích kẻ không. Do đó những thế hệ về sau này có một số tác giả hữu danh cũng như vô danh đã cảm thông với nỗi niềm của kiếp hoa trôi bèo giạt ấy, nên đã viết ra tâm sự Nam Bình được dân Thuận Hóa hát theo điệu Chiêm Thành như sau:

Nước non nghìn dặm ra đi
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Lý
Đắng cay vì đương độ xuân thì…
(Vô danh)

Cuộc lương duyên này có phải vì nợ nước, vì tình nhà hay vì lời ước hôn của Phụ hoàng thì nàng chẳng hiểu, nhưng dẫu sao đi nữa chỉ một thân gái dặm trường, lấy thân bồ liễu này để đổi hai châu Ô và châu Lý cho Đại Việt, nàng cũng rất hoan hỷ nhận lời để ra đi. Tuy nhiên miệng đời cũng còn lắm điều mai mỉa, mãi cho đến ngày nay dù cả hằng ngàn năm lịch sử đã trôi qua, nhưng những câu đã trở thành như ca dao, tục ngữ vẫn còn hiện hữu trong dân gian như:

“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”

Hay:

“Tiếc thay một đóa Trà My
Con ong con bướm tiếc gì cái hương”

Rõ ràng là thân phận của nàng đang độ thơm tho như cây quế, mà giữa rừng cây bạt ngàn ấy chỉ có một số cây quế cho hương thơm ngào ngạt tỏa khắp chung quanh. Thế mà thằng Mán, thằng Mường ở đây ý nói là dân mọi rợ, dân kém học thức, kém văn hóa như: Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao, Xiêm, v.v… vẫn có thể trèo lên cây quế ấy để thưởng thức mùi hương, thì quả là bạc phận cho cô gái ấy quá. Vả lại nàng là một Công chúa con vua, chứ đâu phải kẻ thường dân thiếu học vấn mà phải gả đi xa như vậy?

Hoa Trà My vốn là một trong những loài hoa khi nở có màu trắng, mang hương sắc của một loài hoa vương giả, thế nhưng những loài ong bướm tầm thường khi tìm hoa hút nhụy, chúng đâu có tiếc thương, dẫu cho đó là loại hoa nào. Quả thật một đời của hoa sánh với cuộc đời của người con gái chẳng khác xa là bao nhiêu. Nếu có chăng, người con gái là một loài hoa biết nói, còn những loài hoa khác tượng trưng cho một trong những loại thực vật bình thường trong các loài kỳ hoa dị thảo vốn được sinh sống tự nhiên nơi những núi đồi cô quạnh, hay chúng được trồng trọt chăm sóc nơi vườn ngự uyển của cung vua.

Hoặc cũng có những câu ca dao tiếc thương cho thân phận của nàng Công chúa ly hương này bằng cách tả chân xác thực như:

“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Cây cải và cây rau răm vốn là hai loại thực vật quen thuộc của con người. Chúng thường dùng để nấu canh, chiên, xào v.v… thậm chí còn thái nhỏ ra để làm gia vị cho món ăn đậm đà khi thưởng thức, nhưng chúng được dùng để ẩn dụ cho trường hợp người con gái được gả đến một nơi xa mù tịt, không biết đến bao giờ mới gặp lại. Trong khi đó người ở lại cũng phải hứng chịu những sự oan khiên, bị trách móc tại sao lại đem người để đổi lấy đất…Thế mới biết sự thị phi nhân ngã, việc tốt việc xấu, việc lành việc dữ v.v… trong dân gian, người ta không có khả năng đạo đạt đến cửu trùng đài, nơi Đức vua ngự trị, nên họ đã tự sáng tác ra những vần thơ để diễn tả nỗi lòng của họ, khi họ muốn bộc bạch ghi lại một chuyện gì đó quan trọng đối với con người, nước non và những tình huống đương thời.

Khi hoàng hôn buông xuống trên biển cả mênh mông, nàng càng nhớ lại lời dặn của Phụ hoàng trước khi làm dâu về Chiêm Quốc: “Những ngày tháng trước đây của năm 1301, nghĩa là chừng 5 năm, lúc ấy con mới hơn 14 tuổi, cái tuổi mới lớn, còn dại khờ, nhưng khi ta gặp Chế Mân, thấy y là một vị anh hùng của dân tộc, biết yêu thương nòi giống, rất lịch duyệt và nhân hậu, không phải là một hôn quân bạo chúa của xứ Chiêm Thành. Nên con hãy làm tròn bổn phận của một sứ giả hòa bình, đem lại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt-Chiêm. Đối với Chế Mân sau này sẽ là phu quân của con, con phải biết đạo tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy của người phụ nữ Á Đông và phải xứng đáng là một “mẫu nghi thiên hạ”. Càng suy nghĩ càng ghi sâu lời dạy của Phụ hoàng vào trong giấc ngủ bập bềnh trên sóng nước và nàng cố ghi nhớ lại từng câu, từng lời, từng chữ qua lời dặn của Phụ hoàng: “Chàng là một vị anh hùng của dân tộc.” Rồi tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền càng lúc càng lớn, khiến át đi cả tiếng thì thầm nho nhỏ chỉ đủ cho nàng nghe rằng: “Con là một Sứ giả của hòa bình.” Ồ hay quá! Nếu chàng là một anh hùng của dân tộc Chiêm Quốc, thì ta là một sứ giả hòa bình của Đại Việt. Ồ! kể ra cũng tương hợp, tương đồng đấy chứ! Chàng và nàng giống như trai anh hùng và gái thuyền quyên đang so tài đọ sức, dầu cho trong giấc mộng cũng đã hiện hình. Đây quả là một giấc mơ tuyệt đẹp trong chuyến xuôi Nam lần đầu như thế.

Trong khi đó Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài, Thượng tướng Trần Khắc Chung cùng với một số vị quan tham vấn của triều đình Anh Tông họ có những buổi họp như cơ mật viện tại triều đình Anh Tông, nhằm thảo luận thống nhất cách đối đáp cũng như điều kiện hôn nhân giữa hai bên. Đây vốn không phải là sự mua bán, đổi chác, nhưng cuộc lương duyên này vốn dĩ đã có nhiều lời bàn ra tán vào ở trong triều đình của hai nước và cả trong dân gian nữa. Nên Cụ Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi hỏi rằng:

- Nếu họ thay đổi việc dâng đất thì sao?

- Họ đã có văn thư rồi. (Đoàn Nhữ Hài trả lời).

- Nhưng đó chỉ là một văn bản dâng đất, chưa có ấn dấu của cả đôi bên thì xem như việc này vẫn còn bỏ trống.

Thượng tướng Trần Khắc Chung góp ý: “Tôi đã mang theo cả giấy tờ dâng đất của Vua Chiêm và cả ấn dấu của Vua Anh Tông phê duyệt. Nay chỉ cần sau khi Huyền Trân lên đất liền, chúng ta sẽ trình lại việc hệ trọng này để Chế Mân hạ châu phê thì mới có giá trị.”

- Quả thật Thượng tướng đã quá chu đáo. (Đoàn Nhữ Hài nói thêm vào).

- Nhưng nếu họ chối từ việc nộp đất thì sao?

- Việc này ắt hẳn không có, vì đó là hôn ước của Thượng Hoàng. Làm vua há lại hí ngôn?

- Tuy nhiên việc dâng đất là do chúng ta, triều đình Đại Việt ép buộc chứ vua tôi Chế Mân chưa toàn tâm toàn ý mà.

- Đã đành là vậy! Nhưng Chế Mân quyết tâm cầu thân với Đại Việt, mà Huyền Trân Công chúa chính là sợi tơ vương buộc ràng giữa hai mối tình vương giả cũng như giữa hai đất nước của chúng ta, nên theo tôi nghĩ sẽ không có gì xảy ra cả.

- Còn Chánh hậu Tapasi của Chế Mân thì sao?

- Xưa nay các bậc quân vương đều thế cả. Vả lại Chánh hậu đã có con trai nối dõi tông đường rồi. Lo gì nỗi lo ấy cho nhọc sức.

- Nhưng đàn bà xưa nay vốn là…

- Đúng như vậy! Nhưng không có đàn bà cũng không được.

Chúng ta phải nương tựa vào nhau, tương kế tựu kế thì việc lớn mới thành.

Tất cả mọi người yên ổn về lại phòng ngủ của mình, trong khi đó Công chúa Huyền Trân cố dỗ dành giấc ngủ của mình thật sâu, nhưng không tài nào nhắm mắt được. Cứ mỗi lần vừa thiêm thiếp là tiếng sóng vỗ mạnh vào mạn thuyền, làm cho nàng phải chập chờn thức dậy nhiều lần trong đêm như thế. Sáng hôm sau và nhiều ngày như thế nữa, lúc mặt trời lên, khi hoàng hôn xuống, với cảnh trời nước bao la, trên trời những đóa bạch vân lững lờ trôi theo như lọng che chở cho thuyền vu quy; dưới nước những lượn sóng cuồn cuộn như từ thủy cung cũng động lòng với nỗi cô đơn trống vắng của một người con gái đang ly hương biệt xứ, ra đi mà không biết bao giờ mới được trở lại. Nơi nào không có gió xuôi Nam thì thuyền cập bến để lấy thêm lương thực, củi, nước v.v… sau đó giăng thuyền buồm để cho gió mang đi thân tâm của một nàng Công chúa đang độ xuân thì, trong lòng đang ngổn ngang không biết bao nhiêu là nỗi niềm tâm sự.

Trong khi đó tại Chiêm Quốc, Vua Chế Mân sai quan Ngự sử Chế Bồ Đài dẫn đầu một số quần thần, và những toán ngự lâm quân theo hộ giá nhà Vua đi đón rước cô dâu Huyền Trân cùng phái đoàn Đại Việt tại cảng Pat-Thinưng (Thị Nại thuộc Bình Định ngày nay). Quân vương cỡi con bạch mã, gươm đeo ngang lưng, ngồi trên yên ngựa nạm vàng, trông oai vệ làm sao và phía sau Ngài hàng chục con bạch tượng có kiệu cáng sẵn sàng, nhằm đến để nghinh tiếp Sứ thần của Đại Việt.

Sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả mênh mông, đoàn thuyền tiễn Công chúa vu quy của Đại Việt đã vào đến lãnh hải Vijaya (Bình Định) và tiến dần vào bến cảng Pat-Thinưng dưới sự hướng dẫn của đoàn Sứ Bộ Chiêm Thành. Cả hai bên đưa người sang sông và đón người đến đích, đều hoan hỷ vô cùng, vì ai ai cũng mong rằng mối tình Việt-Chiêm sẽ bền vững muôn đời qua cuộc lương duyên hy hữu này.

Công chúa Huyền Trân ngồi trong kiệu hoa cũng bồn chồn không ít, vì muốn sớm trông thấy mặt của Vua Chế Mân, nhưng cũng đang lo âu hồi hộp, nếu lỡ chẳng may gặp anh chàng xấu xí như trong chuyện tiền thân của Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa khi đi chọn vợ thì cũng khổ một đời cho nàng. Chuyện kể rằng:

“Trong một kiếp quá khứ nọ có một nhà giàu Bà La Môn chọn ngày kén rể cho con gái của mình. Sau khi khảo thí hết chàng trai này đến chàng trai khác, ông phú hộ chẳng hài lòng với một công tử nào cả. Vị này được văn thì không thạo võ. Kẻ rành võ nghệ thì không tinh tường văn chương thi phú. Cho nên ông bá hộ rất lo cho phận gái của con mình. Cuối cùng chỉ còn có hai người. Một người xấu xí và một người đẹp trai, mặt mày khôi ngô tuấn tú. Đầu tiên người xấu xí đến phiên ứng thí trước. Ông phú hộ ra câu hỏi nào, anh chàng này đều trả lời trót lọt, nàng con gái con ông phú hộ đứng phía trong màn cũng lấy làm lo, vì nếu chàng trả lời được hết tất cả những câu hỏi mà ông bá hộ đưa ra, thì chắc rằng, nàng sẽ khổ một đời hoa, nhưng may quá, khi chàng công tử xấu xí lướt qua rồi, đến phiên người cuối cùng được dự thí. Quả thật là “danh bất hư truyền”, khi ông phú hộ hỏi đến đâu, kẻ bạch diện thư sinh kia đều trả lời không sót một điểm nào, lại còn lễ phép lịch sự, gọi dạ bảo vâng, lễ độ vô cùng khiến cho ông phú hộ hài lòng và cuối cùng ông đã chọn người này làm chồng của con gái ông.”

Đây là câu chuyện tiền thân của Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa. Người xấu xí tài giỏi ấy chính là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa và người đẹp trai lanh lẹ ứng xử khi đối đáp là tiền thân Thái tử Tất Đạt Đa. Bởi vậy, dầu cho ở kiếp cuối cùng các vị đã thành người, sinh chung trong một hoàng tộc, làm anh em chú bác với nhau, nhưng những dư báo của đời trước vẫn còn, nên Đề Bà Đạt Đa lúc nào cũng là người đối nghịch với Đức Phật.

Ở đây may quá, cuộc lương duyên này, Chế Mân không có người thứ hai nào khác có thể xen vào trong lãnh vực tình yêu này cả, hơn nữa Chế Mân là người được Thượng Hoàng Nhân Tông cảm mến nên nàng cũng khá yên tâm.

Đoàn thuyền của Đại Việt vừa cập sát vào cầu bến cảng Pat-Thinưng thì Vua Chế Mân cùng đoàn quân binh, quần thần, toán ngự lâm quân và các nữ tỳ đã có mặt ở bến cảng rồi.

Khi vị Hòa Thượng trong Phái đoàn Đại Việt cùng với các quần thần như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Thượng tướng Trần Khắc Chung, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài, bước lên bờ cảng thì quần thần và Ngự sử Chế Bồ Đài của Chiêm Thành đã đón chào thân mật, trong khi đó Vua Chế Mân từ trên kiệu cao oai dũng bước ra. Con người ấy trượng phu quá, cao lớn, mạnh mẽ, nước da ngâm ngâm mang dáng vóc phong sương oai hùng, tóc phía trước hơi dợn sóng. Đôi mắt sáng ngời, đậm chút đa tình kèm với vẻ tinh anh của một đấng quân vương khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi. Hôm nay nhà Vua sao mà đẹp thế! Mình mặc áo lụa thượng hạng màu trắng, cổ áo viền vàng, cả hai tay áo cũng đều viền như thế, song song thả dọc xuống tận đầu gối là hai hàng nút thắt bằng kim tuyến có cẩn vàng lấp lánh như hạt ma ni; trên đầu Chế Mân đội một vương miện có nạm ngọc pha lê, trông lóng lánh tỏa ánh sáng chiếu khắp cả một vùng gần đó; trên mình khoác một chiếc long bào hình chim Trĩ, chim Công rất quý giá và đài các, cao sang; chân mang hia màu đen có thêu hình con chim Garuda mỏ đỏ thắm.

Mới đảo mắt nhìn thoáng qua như thế thôi, nghe những người đứng chung quanh kiệu hoa đều tấm tắc khen nức nở, khiến cho Huyền Trân càng bồn chồn hơn nữa. Tim nàng càng đập mạnh hơn và mong sao những lễ nghi phiền phức này chóng qua mau để đôi loan phụng này cùng hòa lên một tiếng hót của cõi lòng. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng nàng vốn là “Kim chi ngọc diệp” của triều đình, nàng làm sao có thể vượt khỏi hàng rào lễ giáo về những lễ nghi cần có này được.

Huyền Trân Công chúa từ kiệu hoa, nàng vén màn nhìn ra ngoài, thấy Vua Chế Mân, đôi má nàng ửng hồng lên. Lên đường về Chiêm Quốc với sứ mạng làm vợ của một bậc quân vương đồng thời là sứ giả hòa bình giữa Chiêm Thành và Đại Việt, giờ đây nàng cảm thấy vui vì được làm vợ một vị quân vương. Nàng thầm cảm ơn Phụ hoàng đã khéo chọn cho mình một tấm chồng xứng đáng, một đấng anh hùng của gái thuyền quyên nữa. Huyền Trân e ấp thẹn thùng nhẹ nhàng bước ra khỏi kiệu hoa, khép nép nàng chắp hai tay trước ngực, cúi mình quỳ phục xuống chào, Vua Chế Mân vội vàng đến sát bên nàng, đưa hai tay nhẹ nhàng đỡ nàng đứng dậy. Họ như đôi trai tài gái sắc, mới gặp nhau lần đầu mà dường như đã quen thân nhau trong muôn vạn kiếp. Đúng là ông tơ bà nguyệt đã khéo xe nên mối lương duyên này.

Nàng nhỏ nhẹ cất tiếng nói bằng ngôn ngữ Champa khiến cho Chế Mân giật mình, vì chàng không tin rằng chỉ mới có mấy năm mà nàng học ngôn ngữ khó nổi tiếng này nhanh đến thế! Vua Chế Mân đăm đăm nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên không ít. Đưa mắt nhìn thoáng qua, thấy nàng phục sức theo mỹ thuật của Champa rất là điệu nghệ, mới trông như nàng là con gái của mẫu quốc tự ngàn xưa rồi. Đồng thời tiếng Champa của nàng rất thông thạo, đối đáp tài tình trôi chảy, khiến cho Chế Mân không khỏi tán thưởng thầm trong lòng và nghĩ: Rồi đây ta sẽ có một Hoàng hậu xứng đáng là “mẫu nghi thiên hạ”.

Nhà Vua nở nụ cười nhân hậu hỏi nàng có khỏe không cũng như đường xa vạn dặm, sóng nước trùng khơi có làm cho ngọc thể của nàng bị mỏi mệt chăng?

Công chúa Huyền Trân chắp hai tay lại, cúi đầu khẽ tâu: Muôn tâu Thánh thượng, thần thiếp và người trong đoàn thuyền đến từ Đại Việt, tất cả đều khỏe mạnh, chỉ có một vài vị không quen với sóng nước đại dương, nên hơi bị say sóng chút ít thôi. Đó là nhờ hồng ân Thánh thượng vậy.

Nghe nàng nói tiếng Champa chuẩn mực, phát âm đúng điệu, khiến cho Chế Mân đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhà Vua đâu có ngờ rằng Vua Anh Tông đã cho người dạy nàng tiếng Chiêm từ ba bốn năm nay. Trông vóc dáng, ngắm hình hài, rồi nghe tiếng nói, khiến cho Quân vương không tin vào tai mắt mình được đó là Huyền Trân, một Công chúa của Đại Việt, mà là một Paramecvari của Chiêm Thành tự thuở nào rồi! Nghĩ như vậy nên Vua Chế Mân khấp khởi mừng trong dạ, vì trong buổi lễ đại triều hay tham dự yến tiệc với quần thần bá quan văn võ mà nàng tận dụng được ngôn ngữ phía nhà chồng để tán dương, cổ vũ tinh thần hòa hợp giữa hai nước Việt-Chiêm thì còn có gì hơn nữa. Đây chính là hình ảnh đẹp nhất, mà người con gái Đại Việt lần đầu tiên mang đến tặng cho đấng quân vương không khách sáo, đãi bôi. Chàng mừng thầm trong bụng, vì khi nàng đã giỏi tiếng Champa như thế, thì những lễ nghi, tập quán của đương triều, chắc rằng nàng cũng đã học qua nhanh thôi và điều quan trọng là nàng phải biết cách xử sự khéo léo như thế nào để Chánh hậu Tapasi người Java không sợ mất ngôi Hoàng hậu và nhất là cái đẹp duyên dáng trẻ trung của nàng, không khiến cho bà Hoàng này phải lo âu và tìm cách này hay cách khác, tạo ra những nỗi khó khăn nhất định để cho nàng Công chúa Đại Việt sẽ nản chí, thúc thủ nơi chốn khuê trung của một nữ lưu đã xuất giá.

Khác hẳn với những gì như Vua Chế Mân đã nghĩ, nàng đã được Thầy về ngôn ngữ dạy tiếng Champa, đã được Mẫu hậu Khâm Từ dạy cho cách làm vợ chiều chồng như thế nào, biết nâng khăn sửa túi ra sao. Các nhà chuyên môn dạy cho nàng đủ cả các môn thuộc về công, dung, ngôn, hạnh, nên nàng hội nhập nơi đây một cách dễ dàng nhanh chóng.

Hai bên đường đi từ hải cảng Pat-Thinưng đến cửa thành Đồ Bàn dài độ 8 cây số, cờ xí được trang trí rợp trời và cửa nhà nào cũng chưng dọn sạch sẽ, bày hương án để tiếp đón nàng dâu trẻ trung đến từ Đại Việt. Vua Chế Mân nhẹ nhàng dìu Huyền Trân lên kiệu hoa đã chờ sẵn, có đến 10 ngự lâm quân mặc đồ Chiêm Quốc, với dáng điệu sẵn sàng để kiệu Quân vương và Công chúa hướng về thành Đồ Bàn (Vijaya). Một số kiệu khác dành cho đoàn đại biểu của Vua Trần Anh Tông, trong đó có cả Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Thượng Tướng Trần Khắc Chung, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài cũng như các quan của hai nước lững thững theo nhịp điệu của tiếng ngựa chạy, khiến cho ai nấy ở hai bên đường cũng cảm thấy nôn nao và mong sao trộm nhìn được hình hài của cô dâu đến từ Đại Việt. Thỉnh thoảng nàng vén bức màn lên để nhìn ra hai bên đường, thấy nhà cửa cũng tươm tất, gọn gàng, đường sá sạch sẽ dễ nhìn, người dân hiền lành nhưng nét mặt còn nhiều vẻ kham khổ.

Thành Đồ Bàn rộng mênh mông, tất cả đều xây bằng gạch nung màu đất đỏ, trông có vẻ dân dã, mộc mạc, chất phác, nhưng là một nền văn minh lâu đời đã bị ảnh hưởng bởi Ấn Độ giáo, nên ở đây đa phần người ta ăn chay, thỉnh thoảng lắm mới nghe người ta nói đến chuyện sát sanh hại vật để cúng tế thần linh. Nhìn chung quanh khuôn viên của triều đình rộng lớn tại thành Đồ Bàn này, nàng không cảm thấy mình bị cô đơn lạc lõng, mà còn trái lại với những ý nghĩ trước khi lễ vu qui này là khác nữa, vì ngoài những lầu son gác tía ra, còn có những hương liệu kỳ nam, trầm hương, cây quế v.v… đan xen với những loài hoa quý như hoa lan, hoa champa, chim ưng, chim yến, bạch tượng v.v… cùng cung tần mỹ nữ, gấm vóc lụa là v.v… đã nói lên được một sức sống đầy thi vị của một thế giới cung đình riêng biệt.

Thế thì tại sao vẫn còn có người dị nghị cho rằng Chiêm Thành là một nước vẫn còn man di, mọi rợ? Có phải như thế chăng? Hay đó chỉ là những lời đố kỵ, đồn đãi để làm nhủn chí của nàng Công chúa Đại Việt trước khi cất bước vu quy? Thật ra Huyền Trân tin vào lời của Phụ hoàng Trần Nhân Tông nhiều hơn là sự đồn đãi của thế gian. Xưa nay việc thương ghét vốn là một chuyện thường tình, nàng tin Phụ hoàng hơn những người ngoài, vì lẽ ai lại muốn đem con mình sinh ra gả cho những người kém văn hóa? Điều ấy ắt hẳn là không có rồi. Vả lại Phụ hoàng đã ở đây đến 9 tháng trời trong năm 1301, thì chắc rằng Phụ hoàng sẽ không lầm được. Người ta có thể tin hay không tin điều này, nhưng khi đến đây rồi, ta mới chứng kiến được đâu là sự thật và đâu là sự thị phi nhơn ngã của người đời.

Trong khi nàng suy nghĩ miên man như vậy, Quốc Vương Chế Mân khẽ bảo với Huyền Trân rằng: Nàng và các tỳ nữ Đại Việt sẽ được các cung nữ Chiêm Thành đưa vào hậu cung nghỉ ngơi để chờ ngày mai thiết triều sắc phong làm Hoàng hậu của Chiêm Quốc.

Đoàn thuyền đưa tiễn vu quy đến từ Đại Việt, Vua Chế Mân cũng đã cho an trú tại một nơi nghỉ riêng, gọi là “Thượng khách đường”, nơi ấy có đầy đủ những cung tần mỹ nữ phục dịch trong nhiều ngày, kể cả âm nhạc của Đại Việt cũng được trình tấu nơi đây để tạo nên sự khuây khỏa cho những người ly hương trong muôn vạn dặm. Những buổi tiệc tùng cũng được dọn ra hai loại khác nhau thuộc sơn hào hải vị của hai nước. Tuy văn hóa dân gian hay phong tục, thủy thổ của hai nước tương đối khác nhau, nhưng dần dà rồi đoàn người tiễn lễ vu quy đã quen dần với những món ăn, thức uống của Chiêm Quốc, khiến cho nhiều người muốn lưu lại lâu hơn nữa, nhưng phải đành cất bước quy cố hương sau một tháng cư ngụ tại thành Đồ Bàn này.

Bây giờ chỉ còn một mình Huyền Trân Công chúa đối diện với nỗi cô đơn khi hoàng hôn buông xuống, nhất là nhớ đến Mẫu hậu và Thượng Hoàng cũng như những cung nữ nơi Thiên Trường. Đôi khi nàng buột miệng than rằng:

- Tại sao chỉ có một mình Huyền Trân này gánh nặng với nợ của nước non, còn những bậc tu mi nam tử hay những nữ nhi hào kiệt khác, tại sao không thay thế chỗ đứng của nàng được, mà Phụ hoàng phải đặt ta vào đây?

Hỏi chỉ để mà hỏi vậy thôi! Chứ trong đầu của Huyền Trân cũng đã hiện ra không biết bao nhiêu là câu trả lời để điền vào chỗ trống cho hợp lý ấy.

- Có lẽ Phụ hoàng của ta muốn cho sự giao hảo giữa hai nước càng ngày càng gần gũi hơn và nhất là biên cương giữa hai nước không bị quấy nhiễu, để cho dân lành làm ăn sinh sống. Đây có thể là lòng từ bi của cha ta khi nghĩ đến muôn dân, mà hạnh ấy vẫn là một trong muôn hạnh của người thực hành Bồ Tát đạo, nên ta cuối cùng chỉ là một phương tiện để Phụ thân ta thực hành con đường Bồ Tát đạo ấy, nhằm lợi lạc cho nhân dân và triều đình bá quan văn võ. Nếu một thân gái này mà về đây tạo nên sự an bình cho hai dân tộc, thì ta đâu có ngại ngùng gì hy sinh phận liễu yếu thuyền quyên này để non sông bờ cõi của hai nước Việt-Chiêm không có ai còn phải hy sinh thân mệnh, tài sản của cải nữa cả, nhà nhà được an cư lạc nghiệp, ca khúc khải hoàn khi Xuân đến Thu sang. Nếu chỉ một thân gái này mà đánh đổi được ngần ấy việc thì tại sao ta lại buồn than cho một kiếp số hồng nhan? Nếu ta không lấy chồng ở nước Champa thì ta cũng phải lấy chồng ở Đại Việt. Lại biết đâu còn phải đi xa hơn nữa như Chiêu Quân Cống Hồ thì sao? Thân gái dặm trường 12 bến nước, trong nhờ đục chịu, biết có sao hơn. Vả lại mỗi con người sinh ra trong cõi đời này đều do một định nghiệp đã có sẵn từ trước, liệu ta có cưỡng lại được chăng?

Cuộc lương duyên này không là một sự đổi chác để phải đem con gái gả cho một đấng quân vương, mà là một hảo ý của cha ta khi thăm Chiêm Quốc lúc ta mới 14 tuổi. Sau khi đến tận nơi quê hương này, tận mắt nhìn thấy, quan sát nhiều phương diện cha ta đã khởi lên ý định gả ta cho Chế Mân. Còn việc đổi trao Châu Ô cùng Châu Lý là do anh ta cũng như những vị quân sư của triều đình, chứ Phụ hoàng của ta và ngay cả bản thân của ta đây nữa cũng chưa bao giờ có dụng ý như thế. Đành rằng bờ cõi phải được mở mang về phương Nam, nhưng nếu khiến người mất để ta được, làm như vậy sẽ không đúng với hạnh nguyện của một bậc Bồ Tát xuất gia hay tại gia khi thực hành Lục Ba La Mật. Nếu điều gì đó mà có lợi cho mình, hại cho người thì người thực hành hạnh Bồ Tát không nên phạm đến. Phụ hoàng hứa gả ta cho Chế Mân vì có cảm tình với người xứng đáng, cũng như muốn tạo nên sự giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp hầu góp sức chống giặc phương Bắc; còn ta là “cành vàng lá ngọc” của một chốn triều ca tại Đại Việt, nhưng nếu vì sự lợi lạc cho quốc gia, sơn hà xã tắc, thì ta cũng không tiếc gì tấm thân tứ đại này để hiến dâng cho một bậc Quân vương, người mà theo Phụ vương nghĩ đáng để cho ta nâng khăn sửa túi suốt cả một cuộc đời này.

Giữ đúng lời hứa với Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là Phụ hoàng của Huyền Trân lúc trước, nên Vua Chế Mân chính thức phong tước Hoàng hậu cho Công chúa Huyền Trân. Do đó tất cả các vị Lãnh chúa từ các lãnh địa Amaravati, Vijaya, Kâuthana và Panduranga đều có mặt từ hôm trước tại kinh đô Đồ Bàn như đã được dự định. Các vị Tăng Lữ của các Tôn Giáo, quần thần bá quan văn võ của triều đình đều tề tựu đông đủ. Đồng thời những quan phủ, quan huyện địa phương cũng như quần chúng nhân dân trăm họ gần thành Đồ Bàn đều tụ tập về đây để dự lễ phong tước Hoàng hậu cho được long trọng. Công chúa Huyền Trân đã được các cung nữ Chiêm Thành và viên quan đặc trách lễ tấn phong hướng dẫn Công chúa vào đại sảnh, sau khi Phái đoàn Đại Việt đã đến trước đó và ngồi vào vị trí đã định sẵn.

Vua Chế Mân oai vệ với bộ long bào lộng lẫy. Đầu đội nón tai hoa, bụng đeo gươm báu, chói sáng chung quanh mình. Đôi hia nạm bạc lấp lánh như sao trời. Chỉ ngần ấy phục sức thôi, cũng đủ để thấy nhà Vua đường đường bệ vệ là dường nào. Khi Vua bước vào đại sảnh tất cả các quan văn võ đều đứng dậy để nghinh tiếp và sau đó làm lễ bái yết nhà Vua, đoạn Vua vẫy tay cho quần thần an tọa và ra lệnh cho các cung nữ cung tiến Hoàng hậu nhập cung an tọa bên cạnh Đức Vua. Nàng cũng quì gối thi lễ và nhà Vua bước đến bên nàng, nhẹ nhàng hai tay đỡ lấy Công chúa Huyền Trân đứng dậy và dìu nàng ngồi vào chiếc ghế dát vàng bên cạnh chiếc ngai vàng khảm ngọc dành cho Hoàng đế. Chế Mân truyền cho mọi người bình thân và tuyên bố:

- Trong không gian của Đại Sảnh cung đình Champa hôm nay, cũng nhân thời khắc vàng son lịch sử này, Công chúa Huyền Trân chính thức là Hoàng hậu của trẫm, ta phong tước Hoàng hậu cho nàng với tước hiệu là Hoàng hậu Paramecvari của Champa. Hoàng hậu Paramecvari là mẫu nghi của thiên hạ và cũng là nàng dâu của dân tộc và đất nước Champa này. Ta không ngại tài mình còn kém, đức mình còn mỏng, nên đã chấp nhận lời hôn ước này từ 5 năm về trước, khi Phụ hoàng Trần Nhân Tông có dịp đi thăm viếng nước này và hôm nay lời ước ấy đã hình thành, ta chính thức gọi nàng là Hoàng hậu của đời ta cũng như của nhân dân trăm họ đất nước Champa này. Ta mong rằng các khanh hiểu được ý ta trong cuộc lương duyên này là cốt làm sao cho tình hữu nghị giữa hai nước luôn được vững bền, biên cương bờ cõi của hai nước không còn lấn chiếm như xưa nữa. Đó là điều ta mãn nguyện vô cùng.

Sau khi Quốc Vương Chế Mân tuyên bố quyết định như vậy, cả Đại Sảnh đều rạng lên một không khí vui tươi khó tả. Nào tiếng vỗ tay chen lẫn với lời chúc tụng; nào lời ra tán vào; nào sự trầm trồ khen ngợi Công chúa lẫn với sự so sánh cùng Hoàng hậu Tapasi, vì cả hai người đều đến từ ngoại quốc, Quốc vương Chế Mân đã cầu thân cả Nam Dương và Đại Việt là một điều ít có một vị vua nào của Chiêm Thành xưa nay nghĩ đến.

Quốc Vương Chế Mân chỉ thị cho Viện Hàn Lâm viết tờ chiếu để nhà Vua đóng triện và sau đó ban hành bố cáo sự thể trọng đại này cho thần dân Chiêm Quốc khắp chốn, khắp nơi được tỏ tường.

Tiếp đến là lễ chúc mừng hôn lễ của đôi trai tài gái sắc. Đại Việt bây giờ đã có Phò Mã là người Champa và Chiêm Thành bây giờ đã có người dâu hiền là Huyền Trân Công chúa. Nào quà cáp, nào đờn ca, dạ yến, nào sơn hào hải vị được mang ra để đãi cho sự kiện trọng đại này. Sau đó đại diện của triều đình Đại Việt có Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài và Thượng Tướng Trần Khắc Chung tiến lên phía trước nâng ly chúc mừng mối lương duyên tốt đẹp giữa hai quốc gia láng giềng và có lời gởi gắm tân nương cho tân lang, vì lẽ đường xa nghìn trùng cách trở, không phải một sớm một chiều mà gặp lại được mẹ cha hay những người thân yêu ruột thịt. Bởi thân gái dặm trường, nên Thượng Tướng Trần Khắc Chung đã gởi gắm hết lời.

Tiệc cưới linh đình đã được mở ra tại chốn Hoàng Cung cho đôi Tân Lang và Tân Giai Nhân có cơ hội thi thố tài năng, sắc diện, nhằm giới thiệu cho bá quan văn võ triều đình biết rằng đất Chiêm Thành đã có một Hoàng hậu gốc Đại Việt lịch lãm và duyên dáng như thế. Mặt khác Chiêm Thành cũng muốn giới thiệu Quốc Vương của họ với những vị Sứ thần của Đại Việt là họ cũng có một chàng Phò Mã tương xứng vô cùng. Cả Vua Chế Mân (Jaya Simhavarman đệ tam) và Hoàng hậu Paramecvari (Huyền Trân Công chúa) đều cùng hòa điệu hát múa theo vũ khúc “Mia-Harung” mở màn cho buổi Đại Yến hôm nay. Ai ai cũng đưa mắt nhìn họ bằng nhiều cách trầm trồ thán phục khác nhau. Đầu tiên là các quan văn võ Chiêm Quốc bình phẩm về Hoàng hậu Paramecvari.

- Sao! Đại Việt có nàng Công chúa đẹp tươi như vậy lại về Chiêm Quốc làm dâu?

- Vì lẽ Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã ước hôn cách đây mấy năm, nên mối lương duyên hôm nay chỉ là kết quả của lời hứa lúc trước mà thôi.

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Vả lại nhập gia phải tùy tục, nhập giang phải tùy khúc là vậy.

- Tuy tuổi tác giữa Vua và Hoàng hậu có chênh lệch nhau khá nhiều, nhưng họ như mỗi người đều trẻ ra hơn nhiều tuổi.

- Vì Thượng Hoàng Trần Nhân Tông có cái nhìn thật là sâu sắc.

- Đó là cái phúc hay cái họa của Chiêm Thành?

Đó là những lời ca ngợi tán dương cũng như hoài nghi về mối lương duyên này, nhưng dù sao đi chăng nữa thì hình ảnh hai người ấy bên nhau, cùng hòa một nhịp với con tim rộn lửa yêu thương, thì chắc rằng họ sẽ mang lại hạnh phúc cho chính họ và ngay cả cho hai dân tộc Việt-Chiêm sau này, nếu họ có con cái nối dõi hoàng triều.

Buổi dạ yến còn tiếp diễn nữa cho đến khuya với những vũ nhạc cung đình của Champa liên hệ với những điệu vũ Tây Thiên Trúc cùng những điệu vũ của nữ thần nghệ thuật Sravastri và vũ điệu Thiên Thần Vũ Nữ Apsara cùng với những nhạc cụ cổ điển của dân tộc Chiêm như kèn Sarana, trống đôi Ginăng, hay trống chiếc cho một người xử dụng như Paranưng v.v… đã làm cho buổi dạ yến cung đình càng về khuya càng có nhiều ý nghĩa lung linh mầu nhiệm nhiều hơn. Cũng có những đoàn vũ công của triều đình Đại Việt đến để giúp vui đại yến hôm nay. Nội dung không ngoài những điệu múa “lục cúng” dâng hoa, đèn cũng như những điệu múa nhân gian khiến cho tâm tư của Hoàng hậu Paramecvari trong một giây phút nào đó đã chạnh lòng hướng về cố quốc xa xăm, nơi ấy đang còn Phụ hoàng và Mẫu hậu Khâm Từ ngày đêm đang trông ngóng về người con gái Út đã lấy chồng biệt xứ xa xăm. Tuy nhiên bên cạnh Hoàng hậu đã có một bậc Quân vương tài hoa phóng khoáng, khiến cho nàng cũng yên tâm mà trao thân gởi phận, không một chút ngại ngùng nào.- Cái gì rồi cũng sẽ qua đi và thời gian sẽ là một liều thuốc giá trị nhất để chữa lành những căn bịnh, dầu cho bịnh ấy có nan y đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Buổi dạ yến chấm dứt, Quân vương và Hoàng hậu trở về phòng riêng của mình và giờ đây hai người họ là một, hòa quyện vào nhau để chìm vào một thế giới của tục đế, nhằm ghi lại mối tình đầu của một bậc Quân vương và một Hoàng hậu không cùng ngôn ngữ và văn hóa, nhưng họ đã tâm đầu ý hợp với nhau khi nghe Thượng Hoàng Trần Nhân Tông báo tin ấy từ năm 1301. Trong 5 năm trường ấy đã có không biết bao nhiêu là nỗi nhớ niềm mong, khiến cho hai con tim của hai đầu xứ sở cứ phập phồng nghe ngóng, trông đợi để một ngày được hòa quyện vào nhau và nay chính là lúc phải thời.

Sau những ngày bên nhau, Hoàng hậu Paramecvari đã chính thức về ngự ở Tây cung, trong khi đó Hoàng hậu Tapasi vẫn ở bên Đông cung. Hoàng hậu Paramecvari không những bây giờ là một nhịp cầu nối liền tình đoàn kết của hai dân tộc Việt-Chiêm, mà còn là một người luôn gần gũi bên Đức Vua Jaya Simhavarman đệ tam, một người anh hùng của dân tộc Chiêm Thành. Vì lẽ Hoàng hậu đã giỏi tiếng Champa ở mọi lãnh vực, nên nàng càng ngày càng được Quân vương sủng ái hơn so với đệ nhất chánh cung Hoàng hậu Tapasi, vốn sinh trưởng tại Java, Indonesia, tuy sắc sảo, mặn mà, nhưng Paramecvari thì trẻ trung hơn cũng như lịch thiệp hơn qua phong cách của người con gái xuất thân từ Đại Việt.

Riêng về tín ngưỡng cả 3 người đều khác nhau, nhưng họ đã có chung được một niềm tin là xây dựng Chiêm Quốc trở nên hùng mạnh và kết thân với những dân tộc lân bang, nên tinh thần ấy đã cổ võ cho nhà Vua rất nhiều trong việc trị nước an dân.

Vua theo Ấn Độ giáo, Hoàng hậu Tapasi theo Hồi Giáo và Huyền Trân Công chúa theo Phật giáo. Khi người ta yêu thì người ta dễ tha thứ cho mọi việc, nhưng khi tình yêu không còn được mặn nồng nữa thì bao nhiêu việc lôi thôi lại hiện về. Bấy giờ con cái sẽ theo ai đây? Theo cha thì bỏ mẹ hoặc ngược lại theo mẹ thì phải bỏ cha. Hay là hòa đồng tôn giáo cho cả ba lãnh vực này? Cha theo đạo Ấn, Mẹ theo đạo Hồi và Đạo Phật? Đây là một dấu hỏi to tướng đã làm đau đầu nhức óc cho các nhà Tôn Giáo học xưa nay trên quả địa cầu này. Ngày xưa khi chế độ mẫu hệ còn tồn tại thì con cái trong gia đình do mẹ sắp đặt, kể cả vấn đề tín ngưỡng, đạo giáo. Còn ngày nay đa phần các quốc gia trên thế giới đều lấy họ Cha và ngay cả người con gái khi về nhà chồng cũng phải đổi họ của mình ra họ của nhà chồng để cho dễ phân biệt là người con gái ấy đã thuộc về tộc họ khác. Ngày nay thế giới văn minh hơn, để tránh vấn đề xung đột tôn giáo trong gia đình nên con cái khi sinh ra theo đạo của cha mình hay mẹ mình đều được cả, cho đến khi nào đứa trẻ hiểu biết lúc 18 tuổi hay 20 tuổi thì lúc ấy chúng có quyền chọn đạo để theo, dầu là đạo của cha hay đạo của mẹ đang theo đều tốt cả.

Quốc vương và Hoàng hậu Paramecvari tín ngưỡng có khác nhau ít nhiều, kẻ theo Ấn giáo, người phụng thờ Phật đạo. Vì đã xuất giá thì phải theo chồng đó là việc đương nhiên, nhưng trong tâm khảm của Hoàng hậu Paramecvari, bà luôn muốn chồng mình hướng về Đạo Phật để cho tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo sẽ lan tỏa khắp nhân gian, như Phụ hoàng của mình đã đem Kinh Thập Thiện vào nhân gian để giáo hóa, khiến cho dân chúng sống ở đâu cũng cảm thấy an bình, không sợ trộm cắp ngày cũng như đêm, không lo chiến chinh loạn lạc nữa.

Vương Quốc Chiêm Thành thuở ấy sau khi đã nộp sính lễ Châu Ô và Châu Lý để cưới Huyền Trân Công chúa rồi thì Chế Mân lúc bấy giờ chỉ còn ngự trị một dải giang san thu hẹp hơn từ bên này đèo Hải Vân chạy dài đến Phan Rang, Phan Rí. Miền Bắc đèo Hải Vân đã thuộc về lãnh địa của Đại Việt và Miền Nam của Phan Rí thuộc về nước Phù Nam. Họ có văn hóa, ngôn ngữ và phong tục riêng. Cho nên muốn giao hảo với những nước này phải có những vị Đại Thần hay Sứ giả đến trao đổi văn thư với nhau trước khi thực hiện một điều gì.

Quốc Vương và Hoàng hậu thường hay rời cung son đi đến khắp nơi trong đất nước để thăm viếng lương dân, đi đến đâu cũng được dân chúng tiếp đãi ân cần và luôn tri ân Quốc Vương cũng như Hoàng hậu của họ.

Đầu tiên họ đến Ngũ Hành Sơn để ra mắt Thần linh Champa. Vì đây là những núi đồi cùng những hang động thiên nhiên rất nổi tiếng. Từ vùng đất bằng phẳng gần mặt biển, tự dưng 5 quả núi lại nổi lên như những vừng mây xuất hiện giữa không trung, mang biểu tượng của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khiến cho ai lần đầu mới đến đây đều cúi đầu xuống để tạ ơn tạo hóa, vì đã bồi đắp cho quê hương này được hình thành như vậy. Tương truyền rằng Bồ Tát Quan Âm đã xuất hiện nơi đây và vì Tôn Ngộ Không không trả lời được những câu hỏi, nên Quan Âm đã hóa phép và dùng 5 ngón của một bàn tay nhốt Tôn Ngộ Không vào đó, sau này trở thành 5 hòn núi có tên gọi như trên và chờ cho đến khi nào Ngài Huyền Trang Tam Tạng đi Thiên Trúc để thỉnh kinh, dùng năng lực của mình gỡ lá bùa ra thì Tôn Ngộ Không mới thoát ra khỏi núi này được và theo Thầy tiếp tục đi Thiên Trúc để thỉnh kinh. Đây là những truyền thuyết dân gian của những dân tộc đến sau đó, chứ trên thực tế Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh từ năm 619 không đi ngang qua đất nước Đại Việt hay Chiêm Thành. Vả chăng đây là ý niệm tôn xưng những vẻ đẹp của phép Phật nhằm thăng hoa Phật giáo để niềm tin của người con Phật càng ngày càng được củng cố nhiều hơn.

Ngũ Hành Sơn này nơi có những vị Thần Linh của Champa ngự trị cũng không khác đỉnh thiên Yên Tử hay động Phong Nha là bao, nên khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ghé lại đây vào năm 1301 đã say đắm cảnh sắc nơi này và cũng đã làm những bài thơ ghi lại những cảm xúc khi đến đây. Nhưng rất tiếc là khi giặc Minh đến chiếm cứ Đại Việt lần thứ 3 vào năm 1418 thì văn thơ, sử sách của hai triều Lý, Trần họ đã mang về Kim Lăng ở Trung Quốc đốt sạch, khiến cho ngọn lửa cháy suốt đến 3 tháng dài mà vẫn chưa tắt, trong đó có tất cả những sách vở của tiền triều. Thật ra cái tội của người phương Bắc rất lớn đối với Đại Việt, nhưng đa phần các bậc Quân vương và triều thần của Đại Việt là những Phật tử thuần thành, hiểu sâu lý nhân quả, nên họ không gây thù chuốc oán với ai, chuyện quá khứ đã cho về quá khứ và họ chỉ luôn hướng đến tương lai để xây dựng một cuộc sống an lạc hạnh phúc hơn.

Thánh địa Mỹ Sơn gần Trà Kiệu thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay do vua Bhadravaman xây dựng từ cuối thế kỷ 4, đã trải dài qua nhiều thời gian năm tháng như thế, nhưng khi Chế Mân và Huyền Trân đến đây vào năm 1306 thì những chùa tháp cũng như lăng tẩm của các bậc quân vương tiên triều vẫn còn tồn tại. Họ đã đến đây và quỳ lạy dâng hương trước tượng thần Shiva, vốn là đấng toàn năng của Bà La Môn giáo, người đã tạo ra đất trời vạn vật. Họ khấn nguyện cho một vương quốc Chiêm Thành thịnh vượng, một quốc dân hùng mạnh để vượt thoát những đói nghèo và để ngăn chặn đạo quân hung hãn từ Trung Quốc, lúc họ muốn xâm chiếm Đại Việt và Chiêm Thành qua cả đường bộ lẫn đường thủy.

Kế tiếp nhà Vua và Hoàng hậu cũng đi thăm Phật Học Viện Đồng Dương của Phật giáo gần cây Tháp Bằng Ang. Đây là nơi mà Phụ hoàng Trần Nhân Tông đã dừng chân lại nhiều tháng của năm 1301 để trao đổi, học hỏi những khuynh hướng Phật giáo thuộc các truyền phái khác như Pali, Sanskrit và Kim Cang Thừa. Tu Viện này nằm ở tỉnh Quảng Nam (Indrapura) ngày nay, do vua Indravarman đệ nhị cho xây dựng hồi thế kỷ thứ 9. Đây là một Tu Viện của Phật giáo Đại Thừa nguy nga đồ sộ lớn nhất tại Đông Nam Á lúc bấy giờ và Tu Viện này có thể so sánh với Borobudur ở Yoyakarta tại Indonesia cùng thời. Tuy nhà Vua theo Ấn Giáo, nhưng Hoàng hậu Paramecvari (Huyền Trân) theo Phật giáo, nên khi du hành đến đây cả hai vị đều lễ Phật cũng như thăm hỏi những vị Sư đang lưu trú tại đây. Thời đó đã có nhiều vị Quốc Sư của các nước Nam Á xuất thân từ Tu Viện này. Nếu nhìn xa hơn một chút nữa thì vào thế kỷ 7 tại Ấn Độ, Đại Học Nalanda đã có hơn 10.000 sinh viên Tăng Ni tu học, thì hai trung tâm ở Quảng Nam (Indrapura) và ở Yoyakarta (Borobudur) cũng là hai trung tâm Phật giáo Đại Thừa phát triển thật là nổi bật. Nhưng cả 3 nơi này, nơi thì bị Hồi Giáo hiếu chiến cực đoan tiêu diệt, nơi thì bị chiến tranh tàn phá hoặc thiên tai hủy hoại, nên ngày nay nếu có ai đó muốn tìm đến những chốn lẫy lừng xưa của một thời dĩ vãng xa xôi, thì chỉ còn thấy những phế tích hoang tàn hoặc được trùng tu lại nhưng không còn cảnh quan như xưa.

Vua Trần Nhân Tông ảnh hưởng mạnh bởi Thiền Tông qua sự truyền thừa của Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng khi đến đây Ngài đã có cái nhìn về Phật giáo Nam Phương một cách khác xa, nhất là trước khi Ngài xuôi Nam để giảng về Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cho dân chúng của Đại Việt cũng như Chiêm Thành. Khi Điều Ngự Giác Hoàng đến đây Ngài đã đi khất thực để hành hạnh đầu đà như các vị Sư Nam Tông, ngày ăn một bữa vào giờ Ngọ. Thượng Hoàng cũng đã tiếp xúc với hệ Sanskrit có sự truyền thừa trực tiếp từ Ấn Độ, đồng thời Mật Tông thời đó cũng đã rất thịnh hành, được đem ra dạy cho các Sinh viên Tăng tại đây, nên sau này Đại Việt ở vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 đã ảnh hưởng Kim Cang Thừa không ít, chắc rằng phải có sự liên hệ chặt chẽ nào đó từ Tu Viện Đồng Dương này, vì thuở ấy tại Trung Quốc, Kim Cang Thừa chưa có ảnh hưởng mạnh gì mấy đối với Phật giáo Đại Việt.

Càng nhìn cách kiến trúc cổ xưa của Tu Viện, Huyền Trân Công chúa càng khâm phục các vị Tiên đế của Chiêm Quốc, mặc dầu đa phần các vị vua ở đây đều theo đạo Bà La Môn, nhưng với Phật giáo họ đã hỗ trợ hết mình để kiến lập nên những trung tâm giáo dục đồ sộ như thế. Quả là điều đáng ngưỡng mộ biết bao và nàng thầm nhủ rằng: Từ nhỏ ta đã biết non thiêng Yên Tử, đã nghe được những câu Pháp Ngữ Thiền Tông từ Ông cậu Tuệ Trung Thượng Sĩ và nhất là Mẫu hậu của ta, tuy bà không liễu ngộ Thiền Tông như các bậc Tăng Sĩ, nhưng nhờ bà mà đã giúp cho các chùa viện được phục hưng hay xây dựng mới. Đó chính là những việc nơi hậu cung, khi nhà Vua về an nghỉ nơi Thăng Long hay Thiên Trường, chính những lúc này bà mới đề nghị Thượng Hoàng nên cúng dường trai tăng chùa nào, cho thêm ngân quỹ nơi nào còn thiếu hay giúp kinh phí để đào tạo chư Tăng Ni tu học. Đây chính là những hình ảnh khiến cho Hoàng hậu Paramecvari luôn gợi nhớ và quyết phải làm một việc gì đó khi lấy chồng về Chiêm Quốc này để báo ân Phụ hoàng và Mẫu hậu trong muôn một. Những sự suy nghĩ tính toán như vậy luôn hiện hữu trong tâm trí của Hoàng hậu Paramecvari và có lần bà đã đề nghị với Đức vua rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Thần thiếp được biết rằng, khi Đức Phật còn tại thế các vị Vua Tần Bà Sa La, Vua Ba Tư Nặc, A Xà Thế và nhất là Trưởng Giả Cấp Cô Độc cũng như đại thí chủ Ưu Bà Di Tỳ Xá Khư đã cúng dường Thiên Tăng hội nhiều lần trong năm hay ngay cả trong nhiều mùa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni, tại sao chúng ta không thể thực hiện được điều ấy?

- Việc ấy đâu có khó khăn gì. Có thể ngày mai đây chúng ta sẽ thực hiện để tạo phước cho con cái của chúng ta sau này. Khanh nghĩ sao?

- Muôn tâu Thánh thượng! Đó là hảo ý của Thánh quân, mà trong lòng của thần thiếp này cũng mãn nguyện vô cùng, vì hình như trong dạ sâu kín này đã có mầm mống và sự sống của một hài nhi do Thánh quân xuống phước.

- Ồ! Vậy sao? Sao Hậu không cho ta biết?

- Tiện thiếp dự định khi hồi cung sẽ báo cho Thánh thượng hay, nhưng nay nhân việc làm phước bố thí cúng dường này, thiếp xin trình báo với Quân vương để việc làm phước này có ý nghĩa hơn.

- Ta sẵn sàng nghe theo ý hậu.

Ngày hôm sau một đại lễ cúng dường Trai Tăng cho hơn 1.000 vị tại Tu Viện Đồng Dương do chính Đức vua Chế Mân và Hoàng hậu Paramecvari chủ trì dưới sự hướng dẫn của vị Viện Trưởng của Tu Viện. Lễ vật gồm 3 y, một bình bát, thuốc men cũng như cơm nước. Đây được gọi là “Tứ vật dụng” như thời Phật còn tại thế. Đầu tiên Hoàng hậu bước ra đảnh lễ Phật, đảnh lễ chư Tăng và dâng lời tác bạch.

- Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Già,

Hôm nay chúng con gồm Đức vua Jaya Simhavarman đệ tam và Hoàng hậu đương triều Paramecvari xuất thân từ Đại Việt, chúng con xin đê đầu đảnh lễ và dâng lời tác bạch.

Chúng con thiết nghĩ rằng việc lập nên Tu Viện là nhiệm vụ của cư sĩ nhằm hộ trì chánh pháp được hoằng truyền khắp nơi trong thiên hạ. Đồng thời người cư sĩ cũng có bổn phận hộ trì cho chư Tăng Ni tu học, nhằm làm chỗ nương tựa tinh thần cho chúng sanh, nên hôm nay nhân việc thân chinh đến phía Bắc Chiêm Quốc này, chúng con xin sắm sửa trai nghi đạm bạc dâng lên cúng dường Tăng Bảo. Kính mong Quý Ngài dùng lòng từ bi doãn nạp cho.

Đoạn vị Viện Trưởng Viện Đại Học Đồng Dương đáp lại:

- Trong Đại Luật Phật dạy rằng:

“Đạo do nhân tạo
Đạo tại Tăng hoằng
Tam Bảo hưng long
Tỳ Ni vi thủ”

Nghĩa:

“Đạo này do con người tạo ra
Đạo ấy được chư Tăng hoằng truyền
Phật Pháp có hưng long hay không
Tất cả đều do Tăng Ni lấy giới luật làm đầu.”

Cho nên hôm nay duyên lành đã đến, cả Thánh Quân và Hoàng hậu nhân chuyến công du ra miền Bắc của Chiêm Quốc này, lại còn có tâm lo hộ trì cho Phật Pháp, ủng hộ cho Tăng Ni tu học qua việc cúng dường hôm nay, quả là một việc làm đầy đủ ý nghĩa vô cùng cả tinh thần lẫn vật chất. Chúng tôi xin đại diện cho hiện tiền Tăng Ni chúng ở đây, thành tâm cầu nguyện chư Phật gia hộ cho Thánh Hoàng và Hoàng hậu thánh thể được an khang, luôn luôn giúp đỡ hộ trì chánh pháp, để giáo pháp của Đức Phật luôn mãi tồn tại hầu mang đến nhiều lợi lạc cho mọi người và mọi loài trong thế gian đầy khổ đau tục lụy này.

Sau khi nghe lời huấn từ ấy rồi, Hoàng hậu đứng lên lạy tạ ba lạy và Quốc Vương hướng lên Phật đài cúi đầu lễ tạ tam bái, sau đó chư Tăng tụng chú Đại Bi bằng tiếng Phạn, các lời cầu kinh bằng tiếng Pali và Chiêm Thành trước khi dùng bữa ngọ trai do Vua và Hoàng hậu dâng cúng.

Sau khi thăm Indrapura (Quảng Nam) thì Đức vua và Hoàng hậu đã đến tận Châu Panduranga để thăm viếng dân lành tại đây. Tỉnh này nằm giữa Cà Ná và Vĩnh Hảo tức là ranh giới giữa Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay. Họ đã thăm vườn hoa nổi tiếng Mai Uyển gồm nhiều loại mai như: Bạch mai, Hoàng mai và Hồng mai. Mai Uyển này tọa lạc trên vùng đất giao thoa giữa núi rừng và biển cả. Một bên là màu xanh biển bao la bát ngát của biển Thái Bình Dương; một bên là màu xanh cây rừng trùng điệp của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Do vậy Mai Uyển có một cảnh quang thật là tuyệt vời. Gần vườn mai nhiều màu sắc này còn có con suối Vĩnh Hảo cho nước khoáng tươi mát ngọt ngào, mà mãi cho đến ngày nay con dân Đại Việt vẫn còn hưởng được những giọt nước trong lành ấy để bổ dưỡng châu thân. Quả là thiên nhiên đã có sự ưu đãi cho người dân tại đây.

Khi mùa Xuân đến hoa mai nhiều màu đã nở rộ, Chế Mân và Hoàng hậu thường đến nơi đây để thưởng lãm. Cây cỏ tại đây như hớn hở đón chào một bậc quân vương anh hùng và một mẫu nghi thiên hạ biết quan tâm thưởng thức nét đẹp của thiên nhiên, một cảnh quan mà đa phần do đất trời tạo hóa đã dựng nên. Nhưng tiếc thay sau mùa Xuân năm 1307 thì nơi đây không còn thấy bóng hình của Quân vương và Hoàng hậu nữa vì Vua Chế Mân đã băng hà vào tháng 5 năm đó, chỉ còn lại mỗi một mình Hoàng hậu nên bà cũng chẳng còn tâm tình nào mà ngoạn cảnh. Ngày nay nếu ai đó có đến vùng suối Vĩnh Hảo này để lấy nước hay tắm gội có thể sẽ chợt nhớ lại một chuyện tình đẹp như mơ khi xuân về tại Mai Uyển, nằm cạnh dòng suối mát này. Một mối tình vương giả, tuy không cùng chủng tộc, không đồng tuổi tác, nhưng lại rất ngọt ngào, âu yếm. Tiếc thay cuộc tình duyên ấy quá ngắn ngủi.

Ở cuối dãy đất nghèo nàn của Chiêm Quốc thuộc Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, Vua Chế Mân cũng như Hoàng hậu Paramecvari đã có những buổi phát chẩn cho dân nghèo, cũng như cứu xét những trường hợp oan uổng của dân lành lâu nay không thể kêu lên đến bậc cửu trùng được, vì lẽ các quan lại địa phương muốn ém nhẹm những vụ án bất công cũng như không muốn nơi mình cai trị mang tiếng xấu với muôn dân. Nên chuyến thăm dân cho biết sự tình này lần này, chính là cơ hội để người dân nơi đây bày tỏ oan tình và nhất là được chiêm ngưỡng dung nhan của Đức vua và Hoàng hậu đương triều. Ngoài việc nhận được sự trợ giúp thiết thực về vật chất của Đức vua ban cho, cũng như quan lại địa phương phải cho xuất kho lương thực để cứu đói ra, họ còn cảm nhận được lòng từ vô hạn của Hoàng hậu có gốc gác từ Đại Việt. Bà đã han hỏi những người già, người bệnh một cách tận tình, khiến cho nỗi đau thể xác của họ vơi đi rất nhiều, và niềm tin tưởng, ngưỡng mộ đấng Quân vương cũng như Hoàng hậu càng tăng lên gấp bội.

Khi trở lại Đồ Bàn hay lúc ngự du đây đó trên khắp xứ Chiêm Thành, Đức vua và Hoàng hậu vẫn luôn thể hiện tấm lòng vua dân như cá với nước ấy, nên bên trên được triều đình bá quan văn võ kính yêu, bên dưới thần dân của cả Đại Việt và Chiêm Quốc luôn được nghe tiếng “Quân vương Vạn tuế”. Đó là niềm vui của đất trời và vạn vật, lại thêm tin vui là Hoàng hậu đã mang thai nhiều tháng, nên con dân cả hai nước đều mong ngóng đợi chờ một bình minh ló dạng, để cho sự thân hữu giữa hai nước Đại Việt cũng như Chiêm Quốc càng ngày càng bền vững hơn xưa.

Nhưng bất hạnh thay, không phải chỉ riêng cho Hoàng hậu Paramecvari mà còn cho cả hai triều đình của Chiêm Quốc lẫn Đại Việt, là Quốc Vương Chế Mân đã băng hà vào tháng 5 năm 1307 nhằm năm Hưng Long thứ 15 của Đại Việt đời Vua Trần Anh Tông. Cả triều đình Champa vô cùng đau buồn trước sự băng hà của Đức Vua anh hùng của họ. Còn Đại Việt khi đón nhận tin này, chẳng khác nào “sét đánh ngang tai” cho mối giao hảo giữa hai nước đã được tốt đẹp lâu nay, bây giờ chẳng biết làm sao hơn là thông báo tin này đến Điều Ngự Giác Hoàng, Vua Trần Anh Tông và cả triều đình Đại Việt biết. Riêng Huyền Trân Công chúa đã khóc hết nước mắt cho một bậc Quân vương tài hoa bạc mệnh và nỗi niềm của một mệnh phụ phu nhân mới ngoài 20 tuổi đã quấn vành khăn tang để thờ chồng và còn nữa, trong mình bà vẫn còn giọt máu của Quân vương sắp đến thời kỳ khai hoa nở nhụy. Quả là một sự mất mát vô cùng to lớn cho cả hai dân tộc, mà trời cao có thấu hiểu hết nỗi khổ của bà trong hiện tại không?

Lý do nào khiến cho Vua Chế Mân băng hà thì cho đến nay vẫn là một dấu ấn lịch sử, mà chưa có ai giải thích được, ngoại trừ những cung tần có mặt gần đó lúc Đức vua ban ân từ cho giai nhân, ngoài ra tất cả đều là “thâm cung bí sử”, vì chuyện của Vua, của triều đình lâu nay vốn là chuyện của cung cấm, hầu như không ai được biết đến và nếu có biết đi chăng nữa thì cũng chẳng có ai muốn mang họa vào thân mà công bố sự thật để làm gì, nhất là những ông vua không phải chỉ “năm thê bảy thiếp” như người trần kẻ tục, mà ngược lại trong dân gian ai có con gái đẹp đều muốn tiến cung để gia đình và thân tộc mình có một chỗ đứng trong xã hội và đâu có ai biết được rằng những người đẹp bị nhốt lãnh cung ấy suốt cả một cuộc đời, chưa chắc gì đã lọt vào được mắt của quân vương, cho nên ở Việt Nam có tác phẩm “Cung Oán Ngâm Khúc” được ra đời cũng chính vì để diễn tả tâm sự của những người con gái như vậy.

Lâu nay dân tộc Champa vốn theo Ấn Giáo, nên sau khi băng hà, kể cả quốc vương cũng sẽ được chuẩn bị một lễ trà tỳ, nhưng đương nhiên là phải tổ chức lễ nghi thật xứng đáng với ngôi vị Đế vương của Người; trong khi đó người dân chỉ cần có củi đốt thi thể và người thân hiện diện để tiễn đưa là đủ rồi. Các quan trong Bộ Lễ, Bộ Công và các Bộ khác của triều đình đã họp lại cùng Cơ Mật Viện để hội luận trong nhiều ngày nhằm chuẩn bị cho một đại tang của một dân tộc và từ đó một Ban Tang Lễ đã được hình thành. Đầu tiên là Ban Tôn Giáo gồm có các vị Hòa Thượng chức sắc bên Phật giáo, Bà La Môn Giáo, Hồi Giáo đã được cung thỉnh vào ngôi vị chứng minh. Còn Bộ Lễ được hình thành như là một Ban Tang Lễ quy mô rộng lớn cho cả nước. Các vị quan đầu tỉnh đều phải cung tựu về thành Đồ Bàn để chuẩn bị cho một đại tang của một dân tộc.

Nhìn những đám mây đen nghịt trên bầu trời phủ xuống hoàng cung trong tháng 5 năm 1307 ấy, lòng người ai ai cũng bần thần xót dạ, khi nghĩ về một đấng Quân vương vốn là một bậc anh hùng của dân tộc; một Hoàng thượng tài hoa, luôn luôn bên cạnh triều đình và quốc dân trăm họ, thương dân như con ruột của mình; một người chồng mẫu mực biết lo cho chánh hậu và các thứ phi. Nay người ấy đã mất đi, không biết lỗi ấy sẽ quy về ai, nhưng trước mắt, đây là sự bất hạnh rất lớn lao cho cả hai triều đình của Đại Việt và Chiêm Quốc, cũng không ai biết được Hoàng hậu Tapasi và Hoàng hậu Paramecvari đang tính toán gì trước một nỗi đau to lớn như vậy?


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Công đức phóng sinh


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Về mái chùa xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.222.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...