Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương II: Trông vời cố quốc »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương II: Trông vời cố quốc

Donate

(Lượt xem: 5.473)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương II: Trông vời cố quốc

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Một triều đại sụp đổ, thay ngôi đổi chủ mang theo không biết bao nhiêu là thay đổi. Từ tộc họ hoàng triều cho đến thi cử, xã hội v.v… tất cả đều phải không giống các triều đại đã đi trước đó. Ví dụ như có Đế hiệu, lăng tẩm riêng, sự truyền thừa nối ngôi cũng như vậy. Ngày xưa ông vua nào lên ngôi cũng mong mình trị vì thiên hạ lâu năm, nên bắt thần dân phải tung hô “vạn tuế”. Thế nhưng đâu có ông vua nào làm vua được trăm năm, đừng nói gì đến ngàn năm, vạn năm thì chắc chắn không bao giờ có. Nếu mấy ông vua này mà làm vua ở cõi Sắc giới hay Vô sắc giới thì có lẽ được. Vì ở đó con người có tuổi thọ lâu hơn tuổi thọ của con người ở thế giới Ta Bà này.

Ngày nay trên thế giới này còn rất ít nước theo chế độ Quân chủ, nếu có thì Vua và Hoàng hậu cũng chỉ đóng vai trò tượng trưng mà thôi, như các nước Nhật Bản, Anh Quốc, Thái Lan, Na Uy v.v… Họ cũng đều phải chấp nhận theo trào lưu tiến bộ của xã hội, không ai có quyền độc đoán phán quyết cả, mà người lãnh đạo xã hội ngày nay phải chịu sự kiểm soát phân quyền của 3 cơ quan. Đó là quyền Hành pháp do Tổng thống hay Thủ tướng nắm giữ, quyền Lập pháp do Lưỡng Viện Quốc Hội kiểm soát và quyền Tư pháp do Tòa Án Tối Cao của quốc gia nắm giữ theo Hiến pháp hiện hành của quốc gia đó. Ngày xưa, vua là trên hết, cho nên mới có câu:

“Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”

Nghĩa:

“Vua bảo bầy tôi chết, bầy tôi không chết thì bầy tôi không trung thành với vua.”

Tuy nhiên cái trung và cái hiếu ngày nay con người không phải chấp nhận một cách dễ dàng như ngày xưa nữa, mà tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật, dầu cho đó là vua chúa, hoàng hậu, thủ tướng, tổng thống, người giàu có hay kẻ nghèo hèn v.v… Tất cả đều được xét xử bình đẳng như nhau. Ngày xưa thì khác, tất cả đều bị chi phối bởi thế và lực, đồng tiền, thỏi vàng, địa vị… Đó chính là những chỗ lôi cuốn để người ta hướng đến và nghĩ về. Cho nên nói điều nhân nghĩa trong một xã hội quân chủ, thật là đắng cay muôn phần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những ông vua tốt biết thương dân như con đẻ của mình, nhất là những ông vua trong đời Trần, nhưng đó không phải là luật của nhà nước, mà là cái lòng thi ân bố đức của một bậc quân vương mà thôi.

Trong sự phế lập một triều đại ấy, có không biết bao nhiêu người vui, và đồng thời cũng có lắm kẻ buồn. Có người muốn tôn thờ vị chúa tể ấy, dòng tộc ấy lâu dài như có thể, nhưng nay thì có người ngoài len lỏi vào, tìm mọi cách để soán ngôi về cho thân tộc mình, nên có nhiều người muốn rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đến nơi khác yên ổn hơn, nơi đó không xảy ra chuyện “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn” hay “ngai vàng đẫm máu” nữa, mà nơi đó phải là chốn an vui để an cư lập nghiệp. Nhất là khi nhìn một hoàng hậu mới 8 tuổi, có cha đi xuất gia, kết hôn với một người khác tộc họ Trần cùng lứa tuổi ấy, rất nhiều người bất bình và ai trong hàng hoàng thân quốc thích cũng đều biết rằng: Đó là âm mưu của Trần Thủ Độ, nhưng ít người dám hở môi, vì sợ liên lụy đến bản thân của mình. An phận chờ thời vẫn hơn là có quan điểm đưa ra dưới ánh sáng lúc này cho mọi người cùng sẻ chia. Không khéo thì cái họa sẽ buộc vào thân của từng người, khiến cho phải chết chùm. Vì dưới cái nhìn của người chủ mới, ấy là những người phản chủ.

Vào năm 1226, nghĩa là sau 2 năm Chiêu Hoàng làm vua và chính thức nhường ngôi cho chồng, Trần Cảnh lên ngôi xưng là Trần Thái Tông. Tất cả đều do một tay của Thái sư Trần Thủ Độ đạo diễn, thật là tuyệt vời, không một giọt máu nào rơi giữa kinh thành Thăng Long, không một ai hở môi bàn tán về việc ấy. Chỉ riêng Hoàng tử Lý Long Tường sinh năm 1174 là con thứ 7 của Vua Lý Anh Tông (1138-1175) và bà Hiền Phi Lê Mỹ Nga, ông thấy bất ổn tứ bề. Vì trong khi dù đã cắt tóc đi tu nhưng Thượng Hoàng Lý Huệ Tông vẫn còn đó, Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng vẫn đang tại vị, nhưng Thủ Độ đã bắt tất cả con cháu của Nhà Lý nếu muốn tiếp tục sống thì phải đổi họ Lý ra họ Nguyễn từ năm 1225 và đày tất cả họ lên vùng núi non hiểm trở, sơn lam chướng khí. Và rồi đây biết đâu rằng Trần Thủ Độ sẽ còn xuất nhiều chiêu độc ác hơn nữa, ai có thể đoán trước được việc này? Do vậy Hoàng tử Lý Long Tường đã cùng với 6.000 người trong thân tộc Nhà Lý lên đường tìm nơi tỵ nạn trên 3 chiến thuyền. Sự ra đi của Hoàng tử Lý Long Tường vào thời điểm này là một mốc ngoặc lịch sử rất quan trọng đối với Nhà Trần. Lúc đi Hoàng tử đã mang theo cả vương miện, áo long bào và đặc biệt là thanh “Thượng Phương Bảo Kiếm”. Đây là những bảo vật của triều đình, ông quyết giữ lấy đem qua xứ khác, chứ không cho tân triều, tân vương sử dụng đến. Sau một tháng trời lênh đênh trên biển cả, lúc gió ngược, lúc gió xuôi, 3 chiến thuyền đã cập bến hải đảo Đài Loan.

Thăng Long thuở ấy nhiều lắm cũng chưa đến 100.000 người sinh sống tại chốn kinh thành này, mà trong đó có đến 6.000 người rời bỏ quê hương của mình ra đi để “bài Trần phục Lý”, quả là một sự kiện không nhỏ, khiến cho bàn dân thiên hạ phải luận bàn. Để giúp cho 6.000 người đủ lương thực và nước uống cho một thời gian ra đi không biết ngày nào đến đích như vậy, thì chắc rằng Hoàng tử Lý Long Tường đã cho tùy tùng của mình chuẩn bị kỹ càng lắm mới khỏi bị chết đói trên hải trình vô định ấy. Khi tấp vào được hải đảo Đài Loan của năm 1226, quả thật không phải như bây giờ của gần 1.000 năm về sau. Tại đó chỉ có núi non và đồng trống, dân cư lại thưa thớt, mà Hoàng tử Lý Long Hiền, con của Lý Long Tường lại ốm nặng, nên 200 người phải ở lại đây để chăm sóc Hoàng tử, còn những người khác vẫn tiếp tục giong thuyền về hướng Bắc. “Một đi là không nhìn lại cố hương”. Đây có lẽ cũng là chủ đề để những người ra đi quyết tâm đối đầu với tử thần trên biển cả mênh mông vô định.

Bác sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ hiện đang sinh sống tại Pháp vốn là người giỏi về y học lẫn văn chương chữ nghĩa ngoại ngữ nên suốt trong nhiều năm qua ông đã cố về tận Triều Tiên, chốn ly hương của dòng tộc Nhà Lý, cũng như Đài Loan để truy nguyên nguồn cội và chính ông đã giới thiệu bộ ngoại sử độc đáo này cho người Việt ở trong và ngoài nước trong thời gian qua về một chuỗi bi hùng của lịch sử đã kinh qua gần 1.000 năm như thế. Người Việt đã có mặt tại nước ngoài qua các chính biến đau thương như vậy và đây chính là nguồn sử liệu dồi dào, đầy tính thuyết phục, đã chinh phục mọi người đều hướng về chính sử của nước nhà, chứ không phải là dã sử hay huyền sử hoặc ngụy sử.

Riêng cánh người Nhà Lý ở lại Đài Loan từ năm 1226 đến nay, họ đã sống chung cùng người bản địa và đến thế kỷ thứ 20, nghĩa là trải qua hơn 800 năm như vậy có một người hậu duệ của Nhà Lý tên là Lý Kính Huy đã lên làm Tổng Thống của Đài Loan. Đây là một niềm vui của dân tộc Việt. Tuy nhánh này ít người hơn và cũng không có người nào xuất sắc lắm ngoài Lý Kính Huy, nên phần sử liệu ở Đài Loan về gia tộc Nhà Lý chắc cần phải có thêm thời gian để truy tìm những tài liệu chính xác hơn, nhằm vinh danh dòng họ này đã làm nên lịch sử tại nước ngoài, khi mà những con người ấy đã sống xa ngàn dặm với cố quốc, nơi mà Tổ tiên mình đã được sinh ra và lớn lên tại đó.

Cuối cùng rồi bầu đoàn thê tử của Hoàng tử Lý Long Tường cũng đã đến tỉnh Hoàng Hải nằm bên bờ biển Cao Ly. Lúc ấy Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mộng thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lại. Do vậy nhà Vua đã cho chính quyền sở tại đón tiếp một cách ân cần và Vua đã đồng ý cho Hoàng tử Lý Long Tường cùng đoàn tùy tùng ở lại dung thân. Lúc ấy tên của Hoàng tử được phiên âm theo tiếng Đại Hàn là Yi Yong-Sang và sau cùng trở thành Hoa Sơn Tướng Quân - Hwa San Sang Gum của nước Cao Ly thời ấy. Ngày nay dòng dõi này vẫn còn sống tại Bắc Triều Tiên với tên gọi là Hoa Sơn Lý Thị. Ông ở đó lập trang trại dạy võ thuật, thi phú cho đoàn tùy tùng cũng như những người địa phương. Sử sách chép lại rằng “đôi khi số người theo học không dưới 1.000 người”.

Năm 1253 quân Mông Cổ đánh chiếm Triều Tiên và Hooàng tử Lý Long Tường đã lãnh đạo quân dân của mình mang theo, cùng với nghĩa quân địa phương trong vòng 5 tháng đánh trả lại quân Mông Cổ và sau khi thành công dẹp được giặc Nguyên Mông, Vua Cao Tông của Triều Tiên đã phong cho Hoàng tử Lý Long Tường là Hoa Sơn Tướng Quân. Thời kỳ này quân Mông Cổ rất mạnh, đạo quân của Thành Cát Tư Hãn hay của Hốt Tất Liệt, Ô Mã Nhi, Toa Đô đi đến đâu là những nơi ấy trở thành bình địa. Khi tấn công Đại Hàn, quân Nguyên Mông cũng đã tấn công Nhật Bản và năm 1258, đời Vua Trần Thái Tông, quân Mông Cổ cũng đã tiến chiếm Đại Việt. Hầu như tất cả các nước ở Á Châu đều bị vó ngựa của quân Mông Cổ lướt qua, nhưng cuối cùng, chủ nghĩa dân tộc đã bùng lên một cách mạnh mẽ tại Nhật Bản, Đại Hàn cũng như Đại Việt khiến cho quân Nguyên Mông đã trở về lại Trung Quốc không phải với những chiến công hiển hách, mà là tơi tả chiến bào, người ngựa đã thấm mệt, cũng như cái nhuệ khí đi đánh chiếm các nước lân bang không còn mạnh như lúc xua quân ra trận nữa. Tại Triều Tiên sau khi thắng trận, Hoàng tử Lý Long Tường bây giờ được nhà Vua và triều thần nể vì, trọng dụng. Họ không còn xem ông là người của Đại Việt nữa, mà là con cháu của Triều Tiên.

Khi còn ở Hoa Sơn, hằng ngày ông hay lên trên đỉnh núi, đưa mắt đăm chiêu nhìn về cố quốc. Ông hồi tưởng lại “một thời oanh liệt nay còn đâu” và ông cũng mừng là cả 6.000 người theo ông không bị cái họa diệt vong do Trần Thủ Độ đã chủ trương sau đó. Ông lắng nghe tiếng hải triều vọng lại, nhưng nào ai có thể giải được nỗi sầu vong quốc cho ông. Bây giờ mặc dầu được Vua Cao Tông quý mến, nhưng dẫu sao đi nữa, đó không phải là những tình cảm ruột thịt như tại quê hương mình. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, dẫu cho người Triều Tiên so ra với người Đại Việt thì chỉ là người dưng nước lã, nhưng họ đã cho mình và gia quyến nương thân, lại còn cất nhắc lên đến bậc Tướng quân của triều đình Vua Cao Tông, thì người dưng nước lã ấy còn quý hơn cả tình người ở cuối Lý đầu Trần mà Trần Thủ Độ đã chủ trương đối với những người sa cơ lỡ vận.

Ông ngồi trên đỉnh Hoa Sơn này để tự nhủ với lòng mình về chữ trung với vua, hiếu dưỡng với cha mẹ, phải có công với nước… những việc ấy sao bây giờ xa vời quá. Ngôi vua của Nhà Lý đã rơi vào tay Nhà Trần. Thân phụ Lý Anh Tông, đường huynh Lý Cao Tông bây giờ đâu còn nữa, họ là những người vang bóng một thời. Công việc cai dân trị nước của họ cũng giống như thủy triều lên xuống hai lần mỗi ngày, vào buổi sớm mai khi mặt trời chưa ló dạng và khi hoàng hôn xuống, để báo hiệu một đêm dài tăm tối với những đêm không có bóng trăng soi. Tâm sự ấy, nỗi nhớ nhung này, ai biết cho đây và trong đầu ông luôn đặt câu hỏi: Khi nào thì ta có thể quay lại cố hương? Và có phải ta là người bỏ nước ra đi đầu tiên chăng? Ta có bị người đời chê trách là bỏ sơn hà xã tắc của mình, lo đi phụng sự cho một quốc gia ngoại tộc? Hay họ đồng cảm với mình khi “ăn cây nào phải rào cây đó?”

Thời gian đầu cả đoàn 6.000 người ấy sống quanh quẩn bên nhau tại Hoa Sơn và trao đổi với nhau bằng Việt ngữ, nhưng khi muốn liên lạc với những người địa phương thì phải dùng giấy bút để làm trung gian, cũng may là Đại Hàn, Nhật Bản và Đại Việt lúc đó dùng chữ viết bằng Hán văn nên khi viết ra cũng giống nhau, chỉ khi phát âm thì khác hẳn, khi nói ra không ai hiểu ai cả. Người Việt phát âm bằng Việt ngữ, người Đại Hàn phát âm bằng Hàn ngữ. Tên Đại Hàn là do người ngoại quốc đặt cho thôi, vì nước này nằm cạnh nước Nga và Trung Quốc ở miền băng giá nên gọi là Đại Hàn; còn tiếng gọi chính của quê hương này là Triều Tiên quốc. Khí hậu, phong thổ, ngôn ngữ chưa rành, nhưng xét ra tình người thì dễ nắm bắt được qua cái nhìn, cái cười hay cái nhún vai v.v… Chỉ ngần ấy động tác cũng đã đủ làm cho người xa xứ rõ biết tâm tư của họ đối với mình như thế nào rồi.

Có ai xa quê thì mới thấy nỗi nhớ quê là khôn nguôi, không có bút mực nào có thể tả hết được nỗi nhớ thương về cố quốc khi ánh trăng thượng tuần vừa ló dạng trên đỉnh Hoa Sơn. Ở đây khí hậu khắc nghiệt nên trên đỉnh này đa phần là đá, cây ít, không cao như núi Yên Tử hay dãy Trường Sơn tại Đại Việt, trăng càng lên cao thì nỗi nhớ về cố quốc lại càng dâng cao hơn trong tâm tưởng. Ông thường ngồi đây và tĩnh lặng, trải qua nhiều năm tháng như thế để chiêm nghiệm về cuộc sống của những kẻ ly hương, rời xa cố quốc. Khi ông chết, người địa phương đã cho khắc 3 chữ Hán “Vọng Quốc Đàn” trên một tảng đá to, để ghi lại dấu tích của người xưa đã một thời như thế, và nếu ai đó ngày nay có đến Triều Tiên, tìm đến đỉnh núi Hoa Sơn thì hãy cố gắng tìm lại chốn này, sẽ thấy tấm bia ấy vẫn còn tồn tại, nơi người xưa đã hướng về cố quốc trong những lúc nhớ quê. Cuối cùng rồi ông cũng phải ra đi và thi hài của ông vẫn còn chôn tại Bàn Môn Điếm.

Ông đã trở về với Tổ tiên của Lý triều, ông đã cống hiến công mình để dẹp loạn cho quê hương thứ 2 khi ông tá túc tại Bắc Triều Tiên và có lẽ ông cũng đã không nghĩ rằng sau này sẽ có người tìm tòi lại lịch sử này và ông cũng chẳng hay chẳng biết là cách hàng mấy trăm năm sau, dòng dõi của ông đã tìm cách trở về lại quê xưa để thăm cố quốc và lăng tẩm của tiền nhân.

Ở ngoại quốc, người có công đi Trung Quốc và Triều Tiên để tìm tòi và phát hiện những sự liên quan ấy là Bác sĩ Cư sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ. Theo thống kê dân số của Triều Tiên và Đại Hàn, hiện những hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường ở cả hai miền đất nước vào thế kỷ thứ 21 này còn sót lại độ 600 người. Ngày ra đi vào năm 1226 có đến 6.000 người, mà ngày nay trải qua hơn 900 năm lịch sử, chỉ còn lại 600 người. Có lẽ một số người đã thay họ đổi tên để khỏi liên lụy về một quá khứ như thế và có nhiều người đã quy tiên, nên con cháu hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường ngày nay ở Triều Tiên chỉ còn một số người ít ỏi như vậy.

Tuy nhiên vào ngày 6 tháng 11 năm 1958 khi viếng thăm chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thuở ấy, Lý Thừa Vãn đương kim Tổng Thống Nam Hàn đã tuyên bố rằng: “Tổ tiên ông là người Việt Nam.” Nam Bắc Triều Tiên chia đôi năm 1953 và năm 1958 ông làm đến chức Tổng Thống của Nam Hàn, một vị trí, một đẳng cấp ngang hàng với Ngô Đình Diệm lúc đương thời. Thuở ấy ông cũng có ý muốn đi thăm những lăng tẩm của Nhà Lý tại Bắc Ninh, Ninh Bình, nhưng miền Bắc thuộc chế độ Cộng sản, như Bắc Triều Tiên, nên ông đã không thực hiện được ước nguyện này. Mãi cho đến sau năm 1975, Việt Nam đã thống nhất hai miền Nam Bắc và từ dạo đó đến nay có rất nhiều người Triều Tiên và người Đại Hàn đã trở lại Việt Nam, rồi đi ra đến Bắc Ninh, Ninh Bình để viếng thăm lăng tẩm các Vua Nhà Lý. Quả thật câu tục ngữ giữa Đông Tây xưa nay vẫn giống nhau là:

- Lá rụng về cội

- Ẩm thủy tư nguyên

- Der Apfel fällt nicht weit vom Stamm (Trái táo rụng không xa khỏi gốc táo).

Theo Bác sĩ Trần Đại Sỹ thì Lý Tống Vân là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường và Lý Xương Căn là hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ, đồng thời cũng là đời thứ 26, nếu kể từ Hoàng tử Lý Long Tường. Năm 1994 ông này qua Việt Nam đã tìm đến Từ Đường của họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái kiến Tổ Tiên và năm 1977 khi từ Việt Nam trở lại Hàn Quốc, ông sinh con trai và đặt tên cho con là Lý Việt Quốc. Cũng lại có người bảo rằng ông này sau đó đã nhập lại quốc tịch Việt Nam.

Thế giới này ở đâu cũng có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như sau năm 1975 có rất nhiều sinh viên và kiều bào Việt Nam sống tại Đức. Sau khi học hành đỗ đạt, họ không muốn trở lại quê cũ của mình, nên xin tỵ nạn hay nhập quốc tịch tại quốc gia này. Việc đầu tiên của chuyện xin vào quốc tịch sở tại là ngôn ngữ, tiếp đó nếu đã nhận được giấy đồng ý cho nhập tịch của Sở Ngoại Kiều rồi thì phải tìm cách từ bỏ quốc tịch nơi mình sinh ra, để chỉ còn một quốc tịch duy nhất mà minh đang sinh sống tại xứ họ. Thật sự ra vấn đề này cũng rất hay là không có lý do gì để mình đứng một chân bên này và một chân bên kia nữa, nhưng cũng có cái dở là bị ngăn cách bởi cội nguồn. Cho nên có người vẫn giữ song tịch để sau này giả sử nếu nước nhà có sự đổi thay thì họ có thể sẽ tái nhập tịch trở lại, như trường hợp của ông Lý Xương Căn là một ví dụ điển hình.

Một Lý Long Tường, một Lý Thừa Vãn, một Lý Kính Huy và còn nhiều nhiều hơn như thế nữa của hơn 3 triệu người Việt Nam hiện đang định cư trên thế giới này, trong đó có hơn 600 người Việt mang dòng họ Lý có quốc tịch Đại Hàn và Triều Tiên, ngày nay đã làm nên lịch sử. Họ ra đi không phải vì miếng cơm manh áo, mà vì hai chữ Tự Do cũng như chính kiến khác nhau. Họ sống nơi xứ người không phải lánh nặng tìm nhẹ, mà để giương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ của Tổ Quốc và dầu cho có thay tên đổi họ như thế nào đi chăng nữa, thì gốc gác của họ vẫn có xuất xứ là Việt Nam.

Tại Triều Tiên có một dòng thứ 2 của họ Lý nữa. Đó là Lý Dương Côn, con nuôi của Vua Lý Nhân Tông, đã đến Triều Tiên vào khoảng năm 1127 (gần 100 năm trước Lý Long Tường sang Cao Ly tỵ nạn). Như vậy cũng có thể nói Lý Dương Côn là người Việt Nam đầu tiên ra đi tỵ nạn chính trị chăng? Thuở ấy ông làm đến chức Đô Đốc Thủy Quân nên đã dùng thuyền ra đi tỵ nạn để tránh bị giết trong việc tranh giành ngôi báu thuở bấy giờ. Ông là Đô Đốc nên chắc rằng khi ra đi, không phải chỉ một mình, mà trên thuyền phải có thêm nhiều người nữa, nhưng dòng này thì không đông người và ít nổi tiếng như dòng của Lý Long Tường. Ngày nay tại Triều Tiên gọi dòng này là dòng Lý Tinh Thiện.

Lâu nay sử sách ở trong nước cũng chỉ chú mục theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục v.v… nhưng những sử này cũng ít đề cập đến những người đã bỏ nước ra đi và đã làm nên công trạng cho Đại Việt, cũng như những ảnh hưởng to lớn của các vị vua Phật tử, đã dùng căn bản đạo đức nào để dạy cho dân an và nước lạc, cũng như công lao của họ như thế nào trong các Hội Nghị Bình Than và Hội Nghị Diên Hồng để kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới cái nhìn của Phật giáo thời ấy cũng như thời nay?

Một Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một Vua Trần Nhân Tông, một Huyền Trân Công chúa v.v…, dưới nhãn quan của Phật giáo thuở bấy giờ và ngay cả bây giờ cũng đã có nhiều người hay nhiều sử gia lãng quên hay cố tình lãng quên, chỉ vì khi một triều đại nào đó cầm quyền ngả theo Nho, Phật, Lão hay Thiên Chúa thì chỉ tô bồi đạo giáo của mình mà quên đi những chiến công hiển hách một thời. Nếu không có Phật giáo và những công thần vĩ đại ấy thì làm sao gìn giữ và phát triển được nước Việt cho đến ngày nay.

Xưa nay sử sách từng ghi lại có những cuộc ra đi vĩ đại chỉ để trốn một bậc hôn quân bạo chúa, hay trốn một triều đại thối nát, hay vẫn còn luyến tiếc chế độ xưa như người nhà Minh đã bài Thanh như thế nào vào đầu thế kỷ 17. Họ ra đi cũng chỉ vì không muốn ngai vàng của nhà Minh mất vào tay của nhà Thanh từ năm 1640. Thuở ấy Việt Nam chúng ta bị chia đôi đất nước tại sông Gianh. Đàng Ngoài thuộc sự cai trị của Vua Lê Chúa Trịnh. Đàng Trong từ sông Gianh trở vào thuộc sự cai trị bình định của Chúa Nguyễn Hoàng. Lúc ấy cửa biển Hội An vốn đã phồn thịnh. Những tàu buôn của Âu Châu, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản thường xuyên cập bến cửa biển Hội An để trao đổi nhiên liệu và vải vóc lụa là. Trong khi đó Đàng Ngoài thì không thuận lợi như thế. Đến năm 1640 khi nhà Thanh nổi lên chiếm đoạt vương vị của nhà Minh thì những người bài Thanh đành phải bỏ nước ra đi. Họ đến Hội An và Bình Định cũng như đến Hà Tiên thì có Mạc Cửu. Họ an cư lạc nghiệp tại Việt Nam từ đó đến nay. Trong khi ở Đàng Ngoài thì không được những ưu thế như vậy, vì Vua Lê Chúa Trịnh bị lệ thuộc phương Bắc, trong khi đó Chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong thì không phải bận tâm về việc này.

Đây cũng có thể nói là lần đầu tiên Việt Nam chúng ta nhận người tỵ nạn Trung Hoa chăng? Họ đến Hội An và xây dựng nhà cửa, phố xá bên sông Hoài. Chữ Hoài này có nghĩa là hoài cổ, hoài cố hương, nhớ quê xưa như Lý Long Tường đã ngồi nơi “Vọng Quốc Đàn” để nhớ về cố quốc. Vả chăng quê cha đất Tổ là trên hết, dầu cho người ta đi đến đâu, làm đến ông gì, bà gì đi nữa thì có ngày cũng phải ngoảnh mặt lại để nhìn cái bản lai diện mục của mình để tạ lỗi với tiền nhân, tổ tiên, cha mẹ. Họ là những người sinh ra mình, nhưng mình chưa một lần đền đáp được ân sâu nghĩa nặng ấy! Đây là cái ân nặng nghìn cân, không ai trong chúng ta có thể trả được, như Đức Phật vẫn thường dạy trong kinh Tạp A Hàm như vậy. Kinh Vu Lan hay kinh Báo Ân Phụ Mẫu cũng đã dựa theo những mẩu chuyện xưa thời Đức Phật mà tạo ra những lời kinh, nhằm xưng tán công cha nghĩa mẹ ở đời này cũng như bao nhiêu đời trong quá khứ lẫn vị lai.

Bản thân mình, tôi đã rời cố quốc Việt Nam từ năm 1972 đến năm 2017 là đúng 45 năm, nghĩa là gần nửa thế kỷ rồi. Trong nửa thế kỷ ấy tôi đã làm gì cho chính mình, cho tha nhân và cho người bản xứ, chắc quý vị đã rõ, nhưng trong tâm khảm của chính tôi, ở bất cứ một bài viết hay bài giảng nào cũng bàng bạc nỗi nhớ quê hương trong muôn thuở, không bút mực nào có thể tả hết được. Nếu viết thành văn, tả thành thơ, sắp thành núi… thì tình cảm đối với quê hương vẫn không phai mờ, khi nhớ về cội nguồn và quê cha đất Tổ xa xôi trong muôn vạn dặm đất trời ấy. Ai biết được nỗi xót xa này? Phải làm thân phận xa quê như Hoàng tử Lý Long Tường, Lý Dương Côn, Lý Thừa Vãn, Lý Kính Huy v.v… hay cả hàng trăm hàng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi vì nhiều lý do khác nhau, thì lúc ấy mới rõ được cội nguồn, vì sao lại như thế? Rõ ràng là do duyên sanh như Đức Phật thường dạy. Cái này sanh nên cái khác sanh, cái này diệt nên cái khác diệt. Cái này không có thì cái kia sẽ không có v.v… Đâu có ai nghĩ rằng khi sinh ra, chính mình phải rời xa Tổ quốc để mưu sinh đâu? Dầu cho xứ đó có vàng nhiều như Hoa Kỳ, Úc Châu hay Canada đi chăng nữa, thì đó chỉ là nơi mà cần phải đến, làm xong nhiệm vụ rồi lại về, chứ đâu có ai nghĩ là mình sẽ ở mãi lại một nơi cố định nào, ngoài nơi chôn nhau cắt rốn của mình?

Ra đi không phải để trốn tránh trách nhiệm của tiền nhân hay chạy khỏi một âm mưu thôn tính nào đó đối với cá nhân mình, mà mỗi người ra đi khỏi nước đều mang theo trong tâm khảm, trên đôi vai một nghĩa vụ, một ân tình, một nỗi niềm… khi phải sống xa đất mẹ. Ngày nay người ta đặt ra lắm danh từ để gọi những người ra đi như thế, nhưng đâu có ngờ rằng, khi hỏi lại cho kỹ cũng có rất ít người muốn bỏ nước ra đi. Ra đi lấy chồng xa xứ qua tận nước Chiêm Thành như trường hợp của Huyền Trân Công chúa, con Vua Trần Nhân Tông cũng là một nhân duyên, một nghĩa vụ. Hay ra đi như Ngọc Vạn Công chúa, con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên về làm dâu Cao Miên cũng mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nếu không có hai vị Công chúa của Đại Việt hay hai Hoàng hậu của Chiêm Quốc và Cao Miên thì chúng ta sẽ đã chẳng có châu Ô, châu Lý và Sài Gòn, Gia Định ngày nay. Họ là những tấm gương tuyệt thế giai nhân, anh hùng dân tộc đã đem thân gái dặm trường mở mang thêm bờ cõi của Đại Việt về phía Nam. Nếu không như vậy thì chúng ta không có được một giang sơn gấm vóc có hình cong như chữ S ngày hôm nay.

Nhìn miền Nam của Đại Hàn vào những năm 1967, 1968, rồi nhìn Đại Hàn ngày hôm nay của năm 2017 so sánh với quê hương Việt Nam của chúng ta, quả là đáng xấu hổ vô song. Vì lẽ nó cách xa nhau một trời một vực. Lý do đơn giản là Việt Nam bị tụt hậu so với các nước láng giềng, chỉ vì không đi đúng lòng dân, hay nói gần hơn giữa Bắc và Nam Hàn cũng như vậy. Khi con người có Tự do thì mọi khía cạnh về Tôn giáo, Văn hóa, Chính trị, Giáo dục, Kinh tế v.v… sẽ được thăng hoa. Nếu không là vậy xã hội sẽ đi thụt lùi, chứ không thể tiến bộ được. Thuở xa xưa của năm 1226 chắc có lẽ Triều Tiên hay Cao Ly cũng không phát triển được gì nhiều. Vì đây là ảnh hưởng dây chuyền của các quốc gia quân chủ thời bấy giờ tại Á Châu. Tuy nhiên Phật giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong vấn đề cai dân trị nước của các đấng Quân vương. Nếu thế kỷ thứ 13 ấy tại Nhật Bản không có những bậc Đại Sư như Nichiren Shonin (Nhựt Liên Thánh Nhơn), Dogen Zenshi (Đạo Nguyên Thiền sư) v.v… hay Việt Nam không có Phù Vân Quốc Sư, Điều Ngự Giác Hoàng hoặc Đại Hàn không có những bậc Chân Tăng thạc đức thì không thể giữ gìn bờ cõi nước non của mình được, mà dưới trận cuồng phong vũ bão của quân Nguyên Mông xâm chiếm đến đâu, thì các dân tộc kia phải đầu hàng đến đó rồi. Thế cờ đã đổi ngược, Mông Cổ phải quay về Trung Quốc để dưỡng binh và họ đã 3 lần chính thức đánh chiếm Đại Việt trong những năm 1258, 1285 và 1287, nhưng tất cả đều đại bại. Đó chẳng qua vì quân Nguyên Mông đã chẳng lượng được sức mình và coi thường thế nước lòng dân, trong đó Phật giáo giữ một vai trò quan trọng.

Ngày nay nếu ai đó đến chiêm bái chùa Hải Ấn (Heiin Sa), nơi lưu giữ hàng nghìn mộc bản được khắc Đại Tạng Kinh lên đó, mãi cho đến ngày nay vẫn còn, khiến cho thế giới phải khâm phục và tuyên dương công đức của người xưa, bằng cách xếp ngôi chùa Hải Ấn và những mộc bản kinh văn này thuộc về “Di sản văn hóa thế giới”. Nếu không có Phật giáo và những bậc quân vương biết thực hành Bồ Tát hạnh thì quê hương Đại Việt, Cao Ly hay Nhật Bản không còn tồn tại giá trị lịch sử được như ngày hôm nay. Chùa Bukkoku Sa (Phật Quốc tự) hay Tondo Sa (Thông Độ tự) v.v… là những gia tài văn hóa khó tìm đâu ra được trên thế giới, vẫn còn tồn tại cả ngàn năm như Nam Hàn ngày nay. Mãi cho đến bây giờ Bắc Hàn vẫn còn đóng khung, khép kín theo chủ nghĩa Cộng sản, nên ít ai được tự do lui tới, nghiên cứu về đền đài cung điện cũ của những vua chúa thời xa xưa hay những chùa viện đã xây dựng từ cả hơn 1.000 năm trước, kể từ thế kỷ thứ 6, thứ 7 đến nay. Khi Phật giáo từ Trung Quốc mới được truyền sang Đại Hàn ở vào giai đoạn ban đầu kia và chắc rằng trong 25 hay 26 đời Lý đã tồn tại ở Nam Bắc Hàn có lẽ cũng đã có nhiều vị xuất gia hay xây dựng chùa viện tại đó. Đây là một dấu hỏi to lớn còn bỏ trống. Mong rằng có cơ hội, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm.

Cũng giống như trường hợp Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ra ngoại quốc (Cao Miên và Thái Lan) trong thời gian Nguyễn Huệ lên làm vua từ năm 1786 đến năm 1792. Chỉ trong vòng 6 năm ngắn ngủi ấy, nhưng trước đó quân của chúa Nguyễn cũng như quân của Tây Sơn đã đọ sức quá nhiều lần. Cuối cùng Nguyễn Ánh thua và phải cùng gia nhân quyến thuộc chạy qua Thái Lan để tỵ nạn. Trong thời gian ở Thái Lan, Chúa Nguyễn Ánh cũng đã hỗ trợ cho Phật giáo và quốc gia Thái Lan không ít, khi giúp vua Rama Đệ nhị đánh thắng giặc Miến Điện đã quấy phá biên thùy Thái Lan vào thuở ấy. Bây giờ 18 đến 20 ngôi chùa Việt Nam được thành lập trên đất Thái vẫn còn đây và ở đó đã gởi hồn dân tộc của những người con xa quê hương Tổ Quốc, khi nhớ đến và nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mặc dầu ngày nay trong những ngôi chùa này không còn bóng dáng một Sư Tăng Việt Nam nào nữa cả, thế nhưng sự truyền thừa của Phật giáo Bắc Tông chay tịnh trong cuộc sống tu hành cũng như hai thời công phu bái sám sáng chiều bằng tiếng Việt Nam ở đây vẫn còn gìn giữ. Đó là cái hồn của Dân Tộc Việt tại xứ người vậy.

Từ đó chúng ta có cái nhìn lùi lại với thời gian quá khứ xa xưa của Hoàng tử Lý Long Tường cùng 6.000 người ra đi tỵ nạn đến Đài Loan và Đại Hàn, không lẽ họ không tạo dựng được một ngôi chùa nào cả hay đã chẳng có một vị chân tu nào khả kính, khiến cho chúng ta phải có những thắc mắc thật không phải nhỏ trong đầu óc của mỗi người. Vì lẽ bắt đầu triều Lý năm 1010 là Ngài Lý Công Uẩn, tức là Lý Thái Tổ, người xuất thân từ cửa chùa, lại là con nuôi của Quốc Sư Vạn Hạnh và là học trò của Thiền sư Lý Khánh Vân. Suốt một triều đại hơn 200 năm lịch sử ấy đã có Lý Huệ Tông sau khi nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng vào năm 1224, ông vào Chùa Bút Tháp rồi Chùa Chân Giáo để xuất gia và chính khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào năm 1226 cũng là năm ông bị bức tử và Hoàng tử Lý Long Tường cũng đã bỏ quê hương Đại Việt ra đi. Chắc rằng hình ảnh của những ngôi chùa, những ngọn tháp cao chót vót như Chùa Bút Tháp hay những chùa viện khác tại Bắc Ninh sẽ không thể trong một sớm một chiều mà Hoàng tử Lý Long Tường lại quên đi đời sống tinh thần của các Tiên đế triều Lý được. Vậy chúng ta phải có bổn phận truy nguyên về giai đoạn lịch sử này để cho con cháu Đại Việt được thơm lây. Nó không phải chỉ có thời điểm của năm 1253 Hoàng tử Lý Long Tường đã lập công với vua Cao Tông Đại Hàn, đánh thắng được giặc Nguyên Mông, mà gia tộc Nhà Lý đó cho đến ngày nay năm 2017 vẫn còn tồn tại ở Nam Bắc Đại Hàn qua 25, 26 thế hệ như vậy. Quả là một dòng lịch sử, một chuỗi sự kiện thật là bất khả tư nghì.

Từ năm 1792 đến năm 1802, trong 10 năm trời ấy gọi là nhà Nguyễn trung hưng. Gia Long Nguyễn Ánh và bầu đoàn thê tử đã trở về lại Việt Nam, trú ngụ trên đất Gia Định, Sài Gòn ngày nay. Những ngôi chùa Khải Tường, Từ Ân hay Đại Giác ở Biên Hòa đều là những cơ sở tạm thời của Chúa Nguyễn trước khi an dân, trị quốc và xưng vương vào năm 1802 với đế hiệu là Gia Long. Nếu những ông vua này không cậy nhờ nơi Phật giáo, thì thử hỏi nhân dân có tin cậy mình không? Vì Phật giáo là bóng cây đại thọ, che chở cả hồn dân tộc Việt, chứ không phải chỉ che chở cho Hoàng gia mà thôi.

Câu hò:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Đây có thể là tâm trạng của những cô gái mới lớn, rồi xuất giá theo chồng. Mỗi lần có chuyện không vui thì hay ra ngõ sau để nhìn về quê mẹ. Nơi đó có ai thấu cho nỗi đoạn trường của kẻ xuất giá tùng phu chăng? Còn ở đây, tâm sự như của Hoàng tử Lý Long Tường hay của Chúa Nguyễn Phúc Ánh thì:

… Trông vời cố quốc biết đâu là nhà...

Không phải chỉ có nhà cửa của mình, lăng miếu của Tiên đế, mà còn cả một quê hương xa thẳm trong muôn trùng… tất cả đều để lại sau lưng để cho những người đương quyền chi phối. Bây giờ thì sức mạnh đã quy vào kẻ có quyền rồi, còn những người sức yếu, thế cô chỉ ở vậy để chờ thời, một là quy cố hương trong vinh quang chiến thắng như Vua Gia Long, hay bôn tẩu nơi xứ người để tìm chỗ nương thân mà giữ tròn tiết tháo của mình như Hoàng tử Lý Long Tường đã hơn 900 năm qua vẫn chỉ một lòng với quê hương Đại Việt này. Hay gần đây hơn kể từ năm 1975 đến nay đã có hơn 3 triệu người bỏ nước ra đi, chỉ vì hai chữ Tự Do và có người đã quay về, nhưng cũng có rất nhiều người xin chọn nơi này làm quê hương, chứ không trở lại quê mẹ khi Việt Nam chưa thay ngôi đổi chủ.

Dân tộc nào cũng có nội loạn và ngoại xâm. Không có quốc gia nào luôn bình an muôn thuở, vì con người luôn bị tham, sân, si chi phối và vì tự mình không làm chủ được mình nên mới như vậy. Nếu biết rằng: Tất cả đều vô thường và bị vô thường chi phối, ngay cả ngai vàng hay quyền cao tước trọng đi chăng nữa, vào một sớm mai khi thức giấc, hai chân còn chưa xỏ vào đôi dép đang nằm ở đầu giường ấy được, thì chấp chặt làm chi những danh vọng hão huyền ấy. Do vậy nên mới có nhiều ông vua đi xuất gia học đạo. Ngay cả Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa cũng thế thôi. Vốn là một Đông Cung Thái tử, có thể nối nghiệp trị vì, đứng đầu cả thiên hạ như Vua Tịnh Phạn hằng mong ước, nhưng ngai vàng và tất cả quyền uy, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan cũng chỉ là nguyên nhân của mọi sự khổ đau về sau này, nên Ngài đã từ bỏ tất cả. Muốn dẹp cái khổ của sanh, già, bệnh, chết đi thì phải biết tư duy như thế này. Đây không phải là tôi, đây không phải là của tôi và đây không phải là bản ngã của tôi. Người nào trên từ vua chúa, dưới cho đến thứ dân mà hiểu được nguyên lý này tức là hiểu Đạo và Đạo học Tam Pháp Ấn ấy vẫn luôn có giá trị cho đến muôn đời, dẫu cho con người có chết đi, sống lại trong nhiều năm tháng, cũng không bao giờ thay đổi được.

Lịch sử đã trôi qua, sự lặp lại không bao giờ giống như xưa nữa. Nếu có ôn cố tri tân về những bài học lịch sử như thế, không phải để luyến tiếc một thời đã qua, mà để chiêm nghiệm về cuộc thế vô thường. Ngay cả ngai vàng mà Vua Trần Thái Tông còn xem như “đôi dép bỏ” thì hà cớ gì mà người đời sau vì cái lợi nhất thời mà mắc bẫy lẫn nhau để tru di tam tộc người khác cho mình được sống? Cuối cùng cũng chỉ là tham vọng của cá nhân mà thôi! Nó cũng giống như Đào Cam Mộc ở triều Lý, Trần Thủ Độ của triều Trần, Nguyễn Trãi của triều hậu Lê v.v… Tất cả đều như thế và tất cả đều sẽ không còn gì ngoại trừ những việc thị phi, nhân ngã của miệng thế. Ví như Trần Thủ Độ, ông ta được gì? Dẫu cho có tiếng là một công thần, được làm đến chức Thái Sư, nhưng đến năm 1264 khi ông 71 tuổi, ông cũng phải trút hơi thở cuối cùng để trở về với cát bụi mà thôi. Ông được truy phong là Thượng Phụ Thái Sư Trung Vũ Đại Vương. Thế nhưng nhiều đời sau và mãi cho đến giờ này tiếng xấu mà ông đã tạo đối với con cháu Nhà Lý đâu có mất được. Không biết khi xa quê, lúc lên Vọng Quốc Đàn để hướng nhìn về cố quốc, lòng của Hoàng tử Lý Long Tường có bao giờ quên được thái độ của Thái sư Trần Thủ Độ?

Một người ra đi, rời xa cố quốc ngậm đắng nuốt cay khi Đông đến Thu về. Thế nhưng 1.000 năm sau Hoàng Tộc Nhà Lý ấy đã có người khôi phục lại, vẫn còn được nhắc nhở nhiều lần qua sách vở và truyền thông ở trong cũng như ngoài nước. Quả là điều lịch duyệt vô cùng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.128.174 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...