Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương X: Tơ trời ai dệt? »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương X: Tơ trời ai dệt?

Donate

(Lượt xem: 3.994)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương X: Tơ trời ai dệt?

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đoàn tùy tùng Chiêm Quốc từ Đại Việt đã về lại Kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành vào cuối mùa Xuân năm 1302 sau khi đã dâng lễ cầu hôn lên Vua Đại Việt Trần Anh Tông, người đã quyền huynh thế phụ nhận sính lễ của Chế Mân gồm ngà voi, trầm hương, ngọc báu, vàng bạc, trân châu, mã não v.v… Ngoài ra còn phải dùng châu Ô và châu Lý làm sính lễ như Thượng Tướng Trần Khắc Chung cũng như triều đình Anh Tông ra điều kiện, nên các quan bên Chiêm Thành cũng rất lo lắng là phải trình tâu với Chúa Thượng Chiêm Quốc như thế nào đây để Ngài hiểu cho nỗi lòng của kẻ làm trung gian giữa hai nước. Thật là thiên nan vạn nan. Khi vào trình tấu quốc thư của vua Đại Việt thì một vị Đại Thần trong đoàn đi cầu hôn thưa rằng:

- Muôn tâu Thánh thượng! Chúng Thần mới từ Đại Việt về lại cố hương. Kính chúc Thánh thượng vạn tuế vạn vạn tuế!

- Các ngươi hãy bình thân và hãy kể cho ta tỏ tường tự sự.

- Muôn tâu! Nhờ ân đức của Thánh thượng mà chúng thần suốt hai đoạn đường đi về bằng đường biển cả mấy tháng, nhưng không ai bị bịnh hoạn gì và tất cả những lễ vật đính hôn đã được Vua Anh Tông đại diện cho Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhận hết, nhưng có một điều kiện nữa.

- Điều gì ngươi hãy nói mau ra!

- Điều này thì chúng thần không thể quyết định mà phải trình tấu lên chúa Thượng cùng triều đình cũng như bá quan văn võ.

- Điều ấy như thế nào?

- Vua Anh Tông và các quan phụ chính của Đại Việt nói rằng: “Nếu vua Chiêm muốn sánh duyên cùng Công chúa Huyền Trân của Đại Việt như lời của Thượng Hoàng đã hứa vào mùa Thu năm 1301 khi sang thăm Chiêm Quốc và đã lưu lại đây 9 tháng như Thánh thượng đã lãm tường, thì phải dâng nạp châu Ô và châu Lý nữa, lúc ấy họ mới cho rước dâu về bổn quốc. Xin chúa Thượng hãy cho người đọc quốc thư.

- Việc này như thế nào? Trẫm xin hỏi ý kiến của các khanh.

Một vị quan văn đứng ra tâu:

- Muôn tâu Thánh thượng! Theo hạ quan nghĩ rằng Thánh thượng đã lập Hoàng hậu Tapasi, người Java lên làm Chánh cung rồi, lâu nay thiên hạ đã dị nghị, vì không lập người Chiêm Thành làm hoàng hậu, nay chỉ vì một lời hứa của Vua Trần Nhân Tông mà Bệ hạ lại đính hôn cùng một công chúa của Đại Việt nữa, thì hạ thần e rằng trong nước sẽ không yên qua những lời đàm tiếu.

- Vậy cách giải quyết của ngươi như thế nào?

- Theo kẻ hèn này thì Bệ hạ nên đình chỉ việc hôn nhân này là tốt nhất.

- Điều ấy ta chưa nghĩ đến. Dẫu sao đi nữa Thượng Hoàng đã xuất gia và đâu có ý tham cầu việc gì khi sang đây thăm bổn quốc và hứa gả Huyền Trân cho ta.

- Thưa đúng như vậy! Anh Tông và các quan của triều đình Đại Việt bày chuyện để có thêm tai mắt ở phương Nam này.

Một vị quan võ đứng ra thưa:

- Muôn tâu Thánh thượng! Theo chỗ hạ thần nhận xét thì việc Bệ hạ chọn Công chúa của nước nào để kết hôn, chuyện ấy không thành vấn đề. Tuy nhiên về vấn đề địa hình, địa thế của châu Ô và châu Lý rất quan trọng, nếu cắt hai châu này để dâng cho Đại Việt dùng làm sính lễ kết hôn thì hạ thần e không ổn.

- Ý của ngươi ra sao?

- Muôn tâu Thánh thượng! Tuy hai châu này núi non hiểm trở, đất đai khô cằn, rừng sâu nước độc, nhưng đối với thế quân sự thì thật là tuyệt mỹ, vì lẽ địch quân muốn xâm chiếm Chiêm Quốc của chúng ta phải đi bằng đường bộ hay đường thủy để đến cố đô Mỹ Sơn ở Trà Kiệu, sau đó mới tiến chiếm Đồ Bàn được.

- Nhưng đây là cuộc lương duyên hòa bình giữa hai nước mà!

- Vâng! Nhưng Thánh thượng há chẳng nghe người xưa nói rằng “Khi chiến tranh người ta hay nghĩ đến hòa bình và trong khi hòa bình thì người ta chuẩn bị cho chiến tranh” sao?

- Ngươi trình tấu có lý, nhưng ta không nghĩ như vậy!

- Tất cả giang sơn này là của Bệ hạ. Xin Bệ hạ hãy tự quyết định.

Một vị trung thần nữa đứng ra can Vua:

- Muôn tâu Thánh thượng! Theo chỗ ngu ý của hạ thần thì khi yêu, người ta không thể lấy thước nào để đo được cả. Ở đây Thánh thượng chưa thấy mặt Huyền Trân mà đã có ý sẵn sàng chấp nhận những điều kiện của Đại Việt yêu cầu, thì sau này nàng về, nương vào tài năng ăn nói, đêm ngày thỏ thẻ bên tai Thánh thượng, cả Chiêm Quốc này sẽ…

- Ngươi hãy im ngay! Những lời bàn như thế chưa làm cho Trẫm yên dạ được. Vả lại Thượng Hoàng đã gặp ta và thấy ta xứng đáng làm Phò Mã cho Ngài, chứ Đại Việt chẳng thiếu người tài giỏi hơn ta, tại sao Ngài lại không gả? Vả lại ta là nước yếu, Đại Việt đang thời kỳ phát triển. Nếu không có 500 chiến thuyền của Thượng Hoàng giúp đỡ, thì làm sao Chiêm Quốc của chúng ta có thể đánh lùi được quân Nguyên Mông. Nếu chỉ nghĩ về phương diện này thôi thì ta không tin rằng Thượng Hoàng gả con gái cho ta, lại có ý muốn ta dâng thêm đất đai để tạo thêm thanh thế cho mình. Vả lại Ngài đã xuất gia đầu Phật thì việc phú quý vinh hoa đối với Ngài đâu có ý nghĩa gì?

- Muôn tâu Thánh thượng! Đúng là như vậy nếu đây chỉ là ý kiến của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông; còn đây nào là Hưng Đạo Vương, một quân sư, một chủ tướng đã có mặt trong cả 4 triều vua của Nhà Trần; một Thượng Tướng Trần Khắc Chung đã có công lớn trong việc chống ngoại xâm của quân Mông Cổ; rồi Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi và cả Anh Tông cũng nghe lời tấu ấy là phải nên mới tấu trình quốc thư cho Bệ hạ đấy!

- Tuy nhiên ta vẫn chưa tin điều của các ngươi trình tấu là đúng.

- Xin Bệ hạ hãy cho bãi triều và chúng ta nên bàn thêm về việc này, kể cả quốc dân, vì chính họ cũng là những người cần quan tâm đến như người xưa đã quan niệm rằng:

Dân vi quý
Xã tắc thứ chi
Quân vi khinh

Nếu Bệ hạ cảm thấy mình là người hy sinh để lo cho dân cho nước thì cũng nên hỏi qua ý kiến của dân.

- Đa phần là những kẻ thất học thì ý kiến của họ liệu có ích gì?

- Muôn tâu Thánh thượng! Chính cũng nhờ những kẻ thất học ấy mà họ đã làm nền móng cho Chiêm Quốc này. Họ đã gồng mình đóng thuế cho kho bạc nhà nước bằng chính mồ hôi nước mắt của họ. Nếu không có họ, chúng ta sẽ…

- Nhưng quyền quyết định vẫn ở nơi ta!

- Đúng thế Bệ hạ, nhưng phàm là một bậc minh quân cần phải quan tâm đến mọi người và cũng nên nghe thêm ý kiến của họ vẫn tốt hơn!

- Trẫm cho bãi triều.

Sau nhiều tháng ngày đắn đo suy nghĩ Vua Chế Mân đã cho triệu tập những bô lão khắp nơi trong nước về kinh đô Đồ Bàn để tham khảo ý kiến về vấn đề dâng châu Ô và châu Lý để làm lễ cưới Huyền Trân. Đa phần họ đều chống đối lại việc này, tuy họ là những người thấp cổ bé miệng về việc nước, nhưng trái lại chuyện lương duyên tan hợp của nam nữ yêu nhau, thành tựu cũng như tan vỡ thì ở nơi họ có thừa. Họ đã sống trên mảnh đất cằn cỗi này đã bao đời nay, họ đã thành tựu cũng như mất mát, họ đã đầu tắt mặt tối mới có cái ăn, cái mặc. Họ đã chịu đựng gian khổ để làm kẻ tiên phong chịu hy sinh thân mệnh khi quê hương bị chiến tranh tàn phá. Còn những ông vua bà chúa, quan cao lộc lớn làm sao có thể hiểu cho được nỗi khổ của họ đây. Nay có cơ hội vua cho triệu họ về Kinh đô Đồ Bàn, quả là một ý hay của một đấng minh quân vô tiền khoáng hậu vậy.

Trên đường đi về Kinh đô Đồ Bàn hai cụ già đã bàn tán với nhau là nên trình tấu những gì. Một cụ kể chuyện đời xưa cho cụ kia nghe. Chuyện rằng:

Trong làng nọ có ông cụ rất thông thạo luật lệ việc làng, việc nước. Nếu có vị quan nào đó được bổ đến địa phương này mà không đến trình diện cụ trước, thì cụ sẽ bài bác, hạch sách cũng như đày đọa vị quan kia phải bỏ địa phương đó mà đi thì cụ mới hả dạ. Có lần một vị quan được bổ nhiệm đến địa phương nọ, thay vì đến thăm cụ già kia thì ông quan ỷ mình là lớn, cao cả hơn dân, nên cho giấy triệu hồi cụ đến quan đường để trình diện gấp trong vòng một ngày đêm. Khi đến sảnh đường của quan thì cụ chỉ mặc một chiếc quần xà-lỏn bên trong và bên ngoài mặc chồng lên đó một chiếc áo gấm Chiêm Quốc, chân đi đôi guốc cũ mèm. Khi đến sảnh đường, lính gác cổng mới hỏi tại sao cụ ăn mặc như vậy mà dám đến gặp quan? Cụ thẳng thắn trả lời rằng: Thì trong thư triệu hồi quan bảo là phải đến gấp, nên tôi chưa kịp mặc quần dài vào.

Cụ kia nghe xong, tỏ ra đắc ý lắm. Cụ kể tiếp:

Nhưng chưa dừng ở đó đâu! Khi ông quan này bị đổi đi nơi khác thì cụ gánh lên sảnh đường một gánh phân heo hôi thúi nồng nặc để biếu quan trên và lính canh hỏi:

- Ông gánh phân lên đây để làm gì?

- Tôi muốn gặp quan lớn.

- Nhưng quan lớn không thể gặp cụ như vậy được.

- Thì hãy cho tôi vào, tôi sẽ trình thưa.

- Xin mời.

- Kính thưa quan lớn! Chúng tôi biết rằng quan lớn rất thích chơi hoa kiểng, mà phân heo này bón vào thì hoa sẽ tốt và cho ra hoa rất thơm, nên chúng tôi muốn biếu cho quan lớn một gánh phân để khi ra đi quan còn nhớ đến dân làng này.

Ông cụ kia hỏi: Cuối cùng thì vị quan to kia phải nhận gánh phân heo đó? Cụ kể thì hay đấy, vì cái lão luyện của những cụ già ở các làng là như vậy, nhưng nó đâu có liên quan gì đến chuyện ái tình cũng như ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cho Chúa Thượng cũng như Huyền Trân Công chúa đâu?

- Thì đành là vậy! Nhưng đó mới là chuyện mào đầu của những già làng. Nếu ai hống hách thì phải trả giá đắt cho cuộc sống; còn hôm nay nhân dịp chủ của Chiêm Quốc này muốn mời chúng ta đến đây để hiến kế, thì chúng ta phải làm sao ngăn chặn được mối duyên nợ kia, chứ đâu phải đi không rồi lại trở về không?

- Thưa cụ đúng là như vậy! Nhưng cái tình là cái chi chi. Từ khi có sự sống trên thế gian này thì mọi loài đã có đôi có lứa, rồi sinh sôi nảy nở. Làm người, làm thú, làm cá, làm chim… đâu có loại nào mà không có cặp có đôi, nay lại đi chia loan rẽ thúy!

- Cụ nói cũng phải, nhưng đây không phải là chuyện giản đơn chỉ của hai cặp nam nữ yêu nhau, mà là chuyện quốc gia đại sự, nếu chúng ta không can ngăn vua thì giang sơn này sẽ mất vào tay của Đại Việt, họ sẽ chẳng phải tốn một giọt máu nào mà vẫn có được Châu Ô, Châu Lý. Có thiệt hại chăng chỉ là mất một người con gái. Nhưng gái lớn lên phải lấy chồng, mà thân gái 12 bến nước, nay được Bệ hạ quan hoài, thì số nàng là số sung sướng chứ có sao đâu. Nhưng liệu ý kiến của chúng ta vua có chịu nghe không?

- Chuyện tình của chúng ta ngày xưa cũng vậy thôi! Có khi nào cha mẹ mình giải thích mà mình có thể chấp nhận đâu, bởi vì tình yêu nó làm cho con người ta u mê ám chướng, nhưng lúc đó ta nào có hiểu. Nay nàng con gái Đại Việt đang tuổi trăng tròn, lại do Thượng Hoàng Nhân Tông giới thiệu, làm sao chúa thượng không tin tưởng và cố công cầu hôn được. Theo Cụ thì như thế nào?

- Xem người lại nghĩ đến ta!

- Ừ! Thì đúng là vậy! Nhưng đây là việc nước mà!

- Nước, nhà, gia đình, xã hội, chồng vợ, tình yêu, sự thù hận, được, mất, hơn, thua, thông minh, ngu dốt, hạ tiện, cao sang… mấy ngàn đời nay nào có thay đổi gì?

- Vậy thì chúng ta nên bó tay?

- Theo cụ thì nên chọn giải pháp nào?

- Hãy để lúc đối mặt với Quân vương rồi hãy tính!

Các bô lão Chiêm Thành đã tập trung đầy đủ từ Bắc chí Nam, nhưng xem ra ruột gan của mỗi vị lại mỗi khác, khi bàn đến mối lương duyên này. Có Cụ còn bảo rằng: Hội nghị cùng ra sức chống quân Nguyên Mông còn dễ đi đến chỗ hòa để chiếm được sự thành công cũng như vẹn toàn lãnh thổ, còn ở đây thật ra là chuyện riêng của vua có liên quan gì đến đất nước. Thật là khó xử thay!

Bây giờ ngồi ngẫm lại chuyện đời, có cụ còn cho mình là dại thì làm sao có thể khuyên vua được trong trường hợp này. Có cụ lại thổ lộ chuyện tình của mình như sau:

- Cả hai ông bà thương nhau và ăn ở với nhau đã 50 năm rồi, nghĩa là bây giờ cả ông và bà đã gần 70 tuổi. Hai cụ hiểu nhau từng ý nghĩ, lời nói, biết hết những đặc điểm, thói quen của nhau và rất tâm đầu ý hợp. Nhưng một hôm cụ bà trước khi lâm chung đã yêu cầu cụ ông như sau:

- Mình ơi! Chúng ta đã sống bên nhau suốt cả một cuộc đời rồi, không có cái gì là không hiểu nhau, nhưng hôm nay tôi có điều muốn trình bày với mình, không biết mình có thông cảm cho chăng?

- Ồ! Thì chúng ta đã sống bên nhau trên dưới 50 năm rồi, chua ngọt, mặn đắng đều có nhau và chúng ta đã hiểu nhau hết rồi mà. Thôi bà cứ nói đi!

- Nguyên là trước khi tôi về làm vợ của mình thì tôi đã có người yêu. Nay trước khi nhắm mắt lìa đời, tôi muốn mình đi tìm giùm người yêu cũ của tôi lại đây thì tôi mới nhắm mắt được.

- Ông chồng già khi nghe đến đó thì bủn rủn chân tay, nhưng biết làm sao hơn đành hứa với cụ bà rằng, ông sẽ đi tìm người yêu cũ mà bà đã ấp ủ hình bóng suốt cả 50 năm nay, bây giờ mới thổ lộ cho cụ ông biết. Tuy có buồn, nhưng vì cụ ông rất thương bà nên đã cất công đi tìm kiếm người đàn ông của hơn 50 năm về trước cho cụ bà. Nhưng tiếc thay, sau khi ông cụ ra đi, chưa tìm ra được tông tích gì thì bà cụ ở nhà đã mất.

- Rồi sao nữa? Một người hỏi tới.

- Còn sao nữa! Thì chỉ còn lại cái nghiệp thức nó đi cùng với người chết mà thôi!

- Vì bà ấy vẫn chứa chấp hình ảnh của người yêu cũ trước khi lấy chồng và khi sắp về với Diêm chúa, dường như bà cũng không mấy quan tâm tới người chồng hiện tại mặc dầu đã sống chung với nhau cả 50 năm trên trần thế?

- Đúng vậy! Đây là cái nghiệp của bà ấy và kể cả của ông chồng nữa. Điều này Đức Phật đã dạy rõ ràng từ lâu rồi mà.

- Như vậy thì chuyện lương duyên của vua?

- Tơ trời ai dệt mà nên!

- Như vậy nghĩa là chúng ta phải chịu thiệt?

- Như cụ biết đấy! Xưa nay các vị vua của Trung Quốc đã mê sắc mà mất nước như chuyện của Đắc Kỷ và Vua Trụ? Chiêu Quân Cống Hồ đã mang lại cái lợi cho đất nước Trung Hoa, thì nay cái họa diệt vong của Chiêm Thành này chắc cũng không xa nếu Vua Chế Mân vẫn khăng khăng lấy Huyền Trân Công chúa!

- Có thể là vậy! Nhưng chúng ta phải làm gì đây?

- Còn làm gì nữa! Khi mà quê hương Chiêm Quốc đã đến thời mạt vận, sẽ có hai bà Hoàng hậu để vua đắm say mà cả hai đều không phải là người của Chiêm Thành. Mai này Huyền Trân có con cùng Thánh thượng, đứa bé sẽ là cháu ngoại của Nhân Tông.

- Chuyện ấy làm sao tránh khỏi.

- Ừ! Thôi thì chỉ mong cho Thánh thượng được cao minh, để cho dân chúng được nhờ và mảnh giang sơn này mãi mãi vẫn là của Chiêm Quốc.

Sau những lời trao đổi với nhau giữa các cụ như vậy về mối lương duyên giữa Vua Chế Mân và Huyền Trân Công chúa của xứ Đại Việt, một sáng mùa Xuân của năm 1303 các cụ đã được vào sân rồng để bệ kiến Quân vương.

Cuộc trưng cầu ý dân đã xong, nhưng tâm tư của Vua Chế Mân dường như có nỗi ám ảnh không tên hay hiện về trong đêm thanh cảnh vắng, nhất là khi ánh trăng thượng tuần xuyên suốt qua màn nhung của cung điện, hình ảnh ấy, tâm trạng này đã làm cho vua càng nhớ thương nhiều hơn nữa về bóng hình của một nàng Công chúa xứ Đại Việt đoan trang thùy mị. Mặc dầu nhà Vua chưa gặp nàng, nhưng qua sự giới thiệu của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và đoàn tùy tùng sau khi sang Đại Việt cầu hôn về lại bổn quốc, thì mọi người càng bàn tán xôn xao hơn nữa về nét đẹp đan thanh của nàng Công chúa tuổi mới 15 mà công, dung, ngôn, hạnh việc nào nàng cũng thông thạo. Đặc biệt là tiếng Chiêm Thành, vốn là một ngôn ngữ khó, có nguồn gốc giống như tiếng Sanskrit của Ấn Độ, nhưng nàng đã làu thông qua sự trao đổi của phái đoàn cũng như những thư từ qua lại giữa Chiêm Quốc và Đại Việt. Từ đó tiếng lành đồn xa, khiến cho Hoàng hậu Tapasi cũng phải phát ghen với người con gái mà nhà Vua đang thầm yêu trộm nhớ ấy. Nhiều đêm cả Vua và Hoàng hậu đều cùng nằm trên một ngự sàng, nhưng tâm tư của Vua dường như không còn tha thiết yêu thương gì mấy với người đang nằm đó, mà cứ trằn trọc tương tư người vợ chưa được cưới và mãi miên man trong những giấc mơ giữa đêm khuya vắng lặng:

Hậu ơi! Em có hay chăng là ta đang trông đợi hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ, hằng khắc để làm lễ thành hôn giữa một tân lang là Chúa Thượng và một tân giai nhân là con gái Hoàng Triều của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chăng? Hôn lễ của chúng ta sẽ có hàng trăm thớt voi đi trước để nghinh đón nàng. Điều này thể hiện uy quyền của một bậc Quân vương đang trị vì thiên hạ. Sau đó là hàng trăm con ngựa quý do quan quân cầm cờ xí để nghinh tiếp nàng. Nào là trầu, cau, hoa, quả, rượu hồng đào được đặt vào trong những mâm vàng nạm bạc hay mâm bạc nạm vàng. Có loan có phụng, có rồng, có cá gáy hóa long và có cả vị thần xe duyên cho đôi ta trở thành chồng vợ nữa. Rồi đón nàng về cung, ta phải để cho nàng ở một bên cung điện được trang hoàng lộng lẫy hơn Chánh cung Hoàng hậu, vì nàng còn trẻ và tài hoa lỗi lạc, nàng sẽ là Mẫu nghi thiên hạ trong nay mai và nàng sẽ là người tình muôn thuở của đấng Quân vương như ta đã hằng mong đợi. Sẽ không có quan văn hay quan võ nào, cũng như sẽ không có trung thần hay nịnh thần nào khuyên ta dừng lại cuộc hôn nhân này được. Bởi vì ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cho ta và nàng rồi, thì hai Châu Ô, Lý có sá gì đâu! Đó chỉ là những mảnh đất khô cằn của miền Bắc Chiêm Quốc, nơi ấy vốn xa xôi cách trở, nằm tận bên kia đèo Hải Vân, ai mà có thể bén mảng đến đó. Chỉ những ai không thiết tha cho mạng sống của mình nữa, thì mới mong đến đó để nộp thân cho hùm, beo, sư tử hay hổ báo. Do vậy, nếu ta có hy sinh hai địa phương này để cưới được nàng thì cũng chưa xứng đáng nữa. Vì nàng chính là cành vàng lá ngọc và không ai có thể trách ta được, khi một bậc quân vương đang có tình yêu được nhen nhúm trong lòng. Nhiều khi lại suy nghĩ mông lung, bâng quơ lo lắng rằng: Không biết nàng có chê ta già không? Hay nàng có khi nào nghĩ rằng ta là một bậc quân vương mà không biết chiều vợ chút nào. Bởi lẽ ta vụng về quá, không như những chàng trai trẻ khác, còn đẹp hơn ta nhiều, nhưng chắc rằng họ không có quyền bính trong tay như ta. Họ có thể mạnh khỏe hơn ta, nhưng sức mạnh ấy làm sao bằng uy quyền của một đấng Quân vương, khi ta muốn ai sống thì người ấy được sống và khi ta muốn ai chết, thì người ấy phải chết, nhưng biết đâu lại có những kẻ dùng thủ thuật để bắt cóc nàng chăng? Khi đó ta phải làm gì để chuộc nàng lại được? Ta hay nàng chết trước? Ai là người sẽ lo tang lễ cho ai? Ai sẽ là người lên giàn hỏa và ai sẽ là người phải chịu cư tang?...

Nhiều khi có những giấc mơ thật lạ lùng khiến cho Chế Mân phải suy nghĩ lan man trong nhiều ngày đêm liên tục như vậy. Vua biết rằng sự ghen tuông của Chánh hậu Tapasi sẽ là chuyện đương nhiên, nhưng bà cũng đã có con nối dõi dòng giống của ta, chắc sẽ không sao! Nhưng làm sao ai biết được khi hai người đàn bà ghen nhau để chiếm lấy quả tim của một Chúa thượng, thì lúc ấy ta sẽ đứng về phía nào? Đây sẽ là những điều khó thực hiện, khiến cho nhà Vua cứ trằn trọc mãi trong đêm khuya như thế và đôi khi trong giấc mơ hiện về, Hoàng thượng đã gọi tên Huyền Trân không biết bao nhiêu lần và thầm nghĩ: Không biết ngày xưa khi chưa gặp Chánh cung Hoàng hậu Tapasi, ta có vậy chăng? Mẫu hậu ta chẳng hề kể lại, còn bây giờ ngày cũng như đêm, lúc lâm triều cũng như khi ở tại hậu cung, tâm ta luôn rung động và chỉ hướng về một người con gái Đại Việt đoan trang, thùy mỵ, mà chính ta cũng chưa một lần được diễm phúc gặp gỡ, đổi trao một vài câu chuyện. Ta chỉ biết và nghe kể lại rằng: Nàng nói tiếng Chiêm rất giỏi. Vậy là ta không cần đến người thông dịch rồi. Vả lại tình yêu và trái tim khi những cung đàn hòa nhịp ở một cung bậc nào đó thì người ta không cần đến một ngôn ngữ nào nữa, ngoại trừ ngôn ngữ yêu thương là được rồi. Ta đã yêu nàng, đã mê nàng và đã bị nàng thôi miên rồi đó. Nếu không phải vậy thì làm sao mà ngày đêm ta cứ thương thầm nhớ trộm như vậy? Vả lại yêu đâu có tội lỗi gì? Ở đây ta đã được Phụ hoàng của nàng ưng thuận giới thiệu mà. Nếu có chăng chỉ về phía bên Hoàng triều của Chiêm Quốc, nhưng không sao ta đã có cách.

Nhiều khi ta nằm mơ thấy phận gái thuyền quyên của nàng yếu thế quá, có chồng thì phải theo chồng, nhưng đường xa vạn dặm, quan san cách trở, đâu có ai cận kề để hỏi han chia sẻ, ngoại trừ mấy đứa nữ tỳ theo hầu hạ bên nàng. Phải chi có Mẫu hậu Khâm Từ ở đây thì đỡ cho nàng biết mấy. Đỡ nỗi nhớ thương cố quốc, đỡ cô đơn lạc lõng nơi hoàng cung lạnh giá này. Mặc dầu có ta luôn cận kề bên nàng mỗi khi việc triều chính nơi công đường không còn nữa, nhưng sao ta thấy nàng vẫn buồn vẫn tủi, không biết có phải vì ta vụng về khi ép liễu nài hoa chăng? Hay ta không xứng với nàng như những đôi trai tài gái sắc khác? Ta và nàng vẫn dạo chơi nơi vườn Thượng Uyển và giờ đây ngoài những bài hát dân ca, quan họ Bắc Ninh ra, nàng còn làm thơ và ca múa những vũ điệu của Chiêm Thành nữa. Quả là một nàng Công chúa lịch duyệt, xưa nay chưa có một đấng Quân vương nào diễm phúc bằng ta, nhưng ta nào ngăn được những cái nhìn xiên xéo, những lời nói mỉa mai của các cung nhân Chiêm Quốc khi biết rằng nàng chưa thuần thục những tục lệ của Chiêm Thành, mặc dầu nàng đã cố gắng rất nhiều rồi đấy chứ, nếu không thì đâu có được ngày hôm nay. Suy đi nghĩ lại nhiều lần trong giấc ngủ như vậy, có lúc cảm thấy an tâm, mà đôi khi cũng trở nên lo lắng. Vì lẽ cái an của nàng cũng sẽ là cái an của ta và cái nguy của nàng cũng sẽ là cái nguy của ta. Ta có thể mất nàng và ta cũng có thể mất nước, nếu ta không phải là một bậc minh quân, nhưng giờ đây bên ngoài nhân gian cũng như bên trong triều đình đang có rất nhiều người không ưa ta, nên đã trình lên tấu xuống không biết bao nhiêu là chuyện khó khăn cho việc cầu hôn này. Nhưng bây giờ ý ta đã định, không một ai, kể cả Hoàng hậu và triều thần có thể ngăn cản ta được cả.

Trải qua bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông của những năm 1304, 1305 cho đến mùa Hè năm 1306 là những ngày tháng đợi chờ dai dẳng khiến cho tâm tư của Chế Mân càng ngày càng đơn độc hơn, bởi vì chung quanh, hầu như chẳng có ai đồng cảm. Tuy nhiên vì quốc sự, vì sự an nguy của quốc gia, của sơn hà xã tắc, cho nên mọi người chỉ gượng tuân lệnh để cho nhà Vua vui với người đẹp trong tương lai. Họ đã thầm chấp nhận giải pháp đổi châu Ô, châu Lý để cưới Huyền Trân về Chiêm Quốc, nhưng khâm phục thì không, vì từ các vị bô lão cho đến các vị Đại Thần ở triều đình không ai là không bàn tán đến mối duyên nợ này. Họ chỉ biết thốt lên những lời như “duyên tiền định” hay “tơ trời ai dệt” để tự an ủi cho mình, khi một đấng quân vương bị tình riêng chi phối quá nhiều.

Còn Huyền Trân cũng không kém gì nỗi khổ của Chế Mân. Ngoài việc nàng phải học ngôn ngữ Chiêm Thành ra, nàng còn phải học tất cả những phong tục, tập quán, lễ giáo, cách phục sức v.v… làm sao đừng mất đi bản chất truyền thống của Đại Việt, mà còn phải hội nhập vào phong tục, tập quán của xứ Chiêm Thành nữa, nên nàng phải tất bật với nhiều việc phải làm trước khi theo chồng về xứ lạ. Một hôm Huyền Trân cùng các cung nữ được phép của Hoàng hậu Khâm Từ, đã lên tận núi Yên Tử để thăm chốn Thảo Am của Vua Trần Nhân Tông và Huyền Trân đã bộc bạch:

- Thảo nào người đời gọi là Ngọa Vân Am tức là “Am Mây Ngủ”; mây bay sát xuống sườn đồi, rồi bay tận lên không trung, trông đẹp mắt quá phải không Phụ hoàng?.. À! Dạ phải không Ngài? Nếu ngày sau con lớn lên, có thể vào đây để tu được không vậy?

Giác Hoàng Thiền sư mắt còn đăm chiêu nhìn khóm trúc bên ngoài hiên cửa am, Ngài dường như sực tỉnh và trả lời rằng:

- Ừ! Được thì được, nhưng con gái lớn lên phải lấy chồng chứ làm sao đi tu được?

- Con thấy Ngài cũng đã đi tu mà!

- Ừ! Thì vậy, nhưng sau khi đã yên bề gia thất cũng như những bổn phận đã làm tròn, thì đi tu cũng đâu có muộn màng gì.

- Nhưng tại sao Ngài lại gả con đi xa vậy?

- Ừ! Thì ta thấy Chế Mân là một anh hùng hào kiệt, là một đấng tu mi nam tử, là một Chúa Thượng của một nước có văn hóa hơn cả ngàn năm.

- Nhưng người ấy đã có Chánh cung Hoàng hậu?

- Có sao đâu! Con không nghe nói à! “Trai thì năm thê bảy thiếp, còn gái phải chính chuyên chỉ một chồng”?

- Vâng! Điều ấy con vẫn biết, nhưng giả sử con không lấy chồng về xứ lạ thì Ngài nghĩ sao?

- Đã là hôn ước và là lời hứa của một đấng chủ nhân thì không nên bội hứa.

- Thế nhưng con không biết gì cả về việc này.

- Đúng vậy! Thuở ấy vào mùa Xuân năm 1301 khi ta sang Chiêm Thành thăm viếng và nhân cơ hội ấy dạy Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cho nhân dân của hai nước, Chế Mân đã tiếp đãi ta trong 9 tháng trời và ta thấy con người ấy quá xứng đáng để ta gả con gái út của ta về Chiêm Quốc, nhằm trao đổi văn hóa cũng như học thuật giữa hai nước láng giềng với nhau.

- Đã đành là vậy! Nhưng con chưa muốn lấy chồng, mà con chỉ muốn đi tu thôi!

- Bộ con nghĩ đi xuất gia dễ lắm hả?

- Xin Ngài giảng nghĩa cho con rõ về hai chữ này.

- Để ta giảng giải cho con rõ.

Nói đơn giản thì phải nên nghĩ rằng: Xuất là ra. Gia là nhà. Ra khỏi nhà là đi xuất gia; còn con đi lấy chồng, gọi là xuất giá. Xuất giá có nghĩa là theo chồng; còn xuất gia thì phải theo Phật. Nhưng nếu nói cho đúng thì xuất gia phải hiểu qua 3 nghĩa như sau: Đó là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia.

Xuất thế tục gia tức là phải rời khỏi nhà thế tục như ông Cố của con đó! Nhưng nào có yên, bị Thái Sư Trần Thủ Độ gọi về, nếu không thì ông ta sẽ lập triều đình ngay tại núi Yên Tử này, nên Quốc Sư Phù Vân đã khuyên Ngài Thái Tông nên trở về lại với triều đình để chăm lo cho trăm họ. Còn ta bây giờ thì tự tại hơn, vì đã có anh con là Anh Tông lo đảm đương triều chính, nên ta đã cắt đứt được mối dây ràng buộc này để vui sống nơi cảnh núi rừng yên tịnh như trong bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú” mà ta đã diễn tả. Chắc con đã đọc qua?

Còn xuất phiền não gia tức là phải ra khỏi cái nhà phiền não sáng vui, chiều buồn, mai giận, mốt hờn, bữa kia lo âu sợ hãi không một chút an vui nào ngự trị được nơi tự tâm cả, nên Phật đã gọi đây là nhà phiền não. Tuy nhiên con người muốn ly trần không phải chỉ muốn dừng lại ở đó mà còn phải ra khỏi cả 3 cõi nữa kia. Đó là nhà của cõi dục, nhà của cõi sắc và nhà của cõi vô sắc nữa đấy!

Thế nào là cõi dục? Vì cõi này cái gì cũng muốn cả. Kẻ muốn ăn ngon, người muốn ngủ nhiều. Kẻ muốn sắc đẹp, người lại muốn giàu sang; lại cũng có lắm kẻ tham danh, tham tiền, tham tình nữa. Vì nhu cầu của cuộc sống người ta cần thứ này thứ kia ….nhưng điều quan trọng là mình phải biết đủ, chứ chờ đủ thì bao giờ mới đủ được. Luôn luôn ta phải làm chủ nó chứ đừng để nó làm chủ mình. Mình chính là chủ nhân ông của các hành động của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, còn cảnh vật bên ngoài chỉ là bị động mà thôi. Nếu tâm ta bảo dừng mà sự ham muốn nó chưa dừng, tức là ta chưa làm chủ được mình vậy. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” như lời Đức Phật dạy là đúng đắn nhất.

Còn cõi sắc tuy có đời sống dài lâu và sắc đẹp hơn cõi dục này, nhưng nếu chỉ mê sắc hay âm thanh tại đó, không chịu tu hành như câu chuyện của ông Nan Đà, anh em họ với Đức Phật thì khi hết phước rồi, con người cũng phải bị đọa xuống làm người trở lại. Do vậy việc ra khỏi cõi sắc vẫn là điều cần thiết mà Đức Phật đã dạy tự ngàn xưa.

Cõi vô sắc thì nơi đây không còn hình tướng nữa nhưng con người hay chư Thiên ở cõi ấy vẫn còn tánh dục. Họ lấy nhau và sinh sản qua sự tiếp xúc bằng mắt hay bằng ý, chứ không bằng thân thể, nên ở đây sự thể hiện của ý dục rõ hơn là hành động. Nhưng dầu sống ở đây cả ngàn tuổi thọ đi nữa, khi ngũ suy tướng hiện ra rồi, nhiều lúc Đế Thích còn phải bị đọa lạc xuống làm con lạc đà nữa, cũng khổ thân vô cùng. Con hãy ráng mà nghe và lưu tâm hành thiện. Do vậy những người xuất gia phải cố thoát ly ra khỏi những cảnh khổ này. Cho nên khi một người chứng đạo, họ thường hay nói rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập. Việc gì cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta sẽ không còn tái sanh nữa.”

- Xin vâng! Con đã hiểu ý nghĩa của hai chữ xuất gia rồi ạ! Khi con còn nhỏ, ở phủ Thiên Trường, Ông cậu Tuệ Trung và Mẫu hậu của con có một lần trong bữa tiệc, Ông cậu bảo “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát”. Ý ấy ra sao? Kính xin Phụ hoàng giải thích cho con rõ.

- À Ngài ấy kỳ lắm và sau này Ngài cũng là Thầy điểm đạo khai tâm cho ta đấy con. Những pháp mà Ngài ấy nói, ta đã lãnh hội được, nên người đời gọi ta là người “đắc pháp” từ Ngài là vậy. Từ đó người đời gọi ta là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhưng trên thực tế, ta chỉ là một con người, như bài “Cư Trần Lạc Đạo” mà con đã rõ đấy.

Nguyên là người xuất gia bên Đại Thừa luôn luôn dùng chay, vì tôn trọng tất cả những sinh mạng của chúng sanh nên không ăn thịt chúng và nhất là những người thọ Bồ Tát giới, ngoài việc làm lợi lạc cho quần sanh ra, người thực hành hạnh Bồ Tát cần phải giữ giới hạnh thanh tịnh của “Đạo Tục Thông Hành giới” này. Trong một giới nhẹ của 48 giới nói rằng: “Tất cả nam tử là Cha ta, tất cả nữ nhơn là Mẹ ta. Ta không ăn thịt của chúng sanh, vì ta không muốn ăn thịt của cha ta và mẹ ta.” Giới này thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài, nên người thọ giới đa phần phát nguyện ăn chay trường là vậy. Mà điều này cũng phải thôi! Như con thấy đó, trong những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật thuộc Jataka (Túc sanh) bên Nam Truyền hay Bản Sanh Kinh thuộc Bản Duyên bên Bắc Truyền (Đại Thừa) có kể lại những câu chuyện nhiều đời về tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài còn ở nơi địa ngục A Tỳ đã thấy chúng sanh khổ mà phát tâm Bồ-đề, hầu cứu lấy chúng sanh nếu Ngài đạt được đạo giác ngộ giải thoát. Lúc Ngài làm con cá, lúc làm con khỉ, lúc làm con hổ, lúc làm con voi, lúc làm con chim Oanh vũ, lúc làm con rắn thần, con ngựa v.v… Vậy thì chúng ta phải hiểu rằng, qua bao nhiêu đời trong vòng sanh tử như vậy chúng ta đã là cha mẹ, anh em huynh đệ chú bác với nhau rồi, tại sao ta lại ăn thịt lẫn nhau? Cho nên khi Mẹ con thấy Ông cậu con trong bữa tiệc, Ông ta rất thoải mái không để tâm câu nệ gì cả, chay mặn chẳng quan tâm, Ông ngồi ăn thoải mái, cho nên Mẹ con mới hỏi rằng: Theo em biết thì Anh tu Phật để sẽ thành Phật, tại sao anh lại không phân biệt như vậy? Ông cậu Tuệ Trung mới trả lời rằng: Anh không phải là Phật. Phật không phải là anh. Anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em không thấy sao! Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao! Câu đối đáp ấy giữa hai người là vậy. Chính khi ấy ta nghe còn không hiểu làm sao mà con hiểu được. Con hãy nghe tiếp câu chuyện này chắc con sẽ hiểu.

Có một vị Tăng Sĩ trẻ có việc phải đi đò để qua sông. Trên đò có rất nhiều người và đặc biệt cô lái đò rất trẻ, đẹp hơn những người khác. Vị Tăng sĩ này cứ nhìn chăm chăm mãi cô ta, mắt không ngừng nghỉ. Khi xuống đò, cô ta thâu mỗi người một đồng, riêng vị Tăng sĩ cô ta đòi đến hai đồng. Vị Tăng sĩ bảo rằng: “Tôi đi tu làm gì có nhiều tiền, lẽ ra cô phải miễn cho tôi mới đúng chứ! Làm sao lại còn lấy gấp đôi người ta vậy?” Cô ta trả lời rằng: Vì những người khác không quan sát và nhìn lén tôi như Thầy đã làm, nên Thầy phải trả thêm lệ phí ấy. Vị Tăng sĩ lặng lẽ rút ví ra trả cho cô ta hai đồng. Lúc trở về vị Tăng sĩ ấy cũng qua đò và gặp lại cô gái trẻ đẹp ấy đang lái đò. Mọi người cũng qua sông, trong đó có cả vị Tăng sĩ kia và lần này vị Tăng sĩ quyết định nhắm mắt suốt cả một hành trình qua con sông rộng, nước chảy xiết kia, nhưng khi qua bên kia bờ sông rồi, cô ta đòi vị Thầy kia phải trả đến bốn đồng, nghĩa là gấp đôi cả lần trước trong khi mọi người vẫn chỉ trả một quan tiền thôi. Bấy giờ vị Tăng sĩ ấy mới bảo rằng: “Cô này thật là kỳ quặc, lần trước tôi còn nhìn cô, cô bảo tôi trả gấp đôi, việc ấy tôi đã làm. Còn bây giờ tôi nhắm cả hai mắt, tôi đâu có nhìn cô mà cô bảo như vậy? Nhưng cô ta bảo rằng: Vâng! Lần này Thầy không nhìn tôi bằng hai con mắt nữa, mà Thầy đã nhìn tôi trong tâm của Thầy. Mặc dầu mắt Thầy không thấy tôi, nhưng trong tâm Thầy đã ghi đậm bóng hình tôi, do vậy xin Thầy hãy trả gấp đôi lần trước để được xuống thuyền. Vị Tăng sĩ ấy đành phải làm theo.

Mười năm sau đã trôi qua nhanh chóng, cứ mỗi năm 365 ngày như vậy, vị Sư kia đã chín muồi với công án tiền đò kia và người lái đò năm xửa năm xưa, nay cũng đã già rồi. Lần này khi qua đò năm cũ, vẫn cô lái đò và vẫn vị Sư ấy. Mắt Sư không nhắm khi sang sông và đặc biệt là khi xuống thuyền rồi, người lái đò cũng không đòi tiền đò của Sư nữa. Con thấy câu chuyện Thiền như thế có hay không? Nếu con hiểu được câu chuyện này, ắt con sẽ hiểu rõ những hành động của Ông cậu Tuệ Trung đã làm trong buổi tiệc năm xưa vậy.

- Bạch Ngài! Nhưng con cũng chưa hiểu tại sao Ông cậu lại bảo: Anh không phải là Phật, Phật chẳng phải là anh. Anh không muốn thành Phật và Phật chẳng muốn thành Anh là ý nghĩa gì vậy?

- Câu này con có thể đặt lại như sau: Chúng sanh không phải là Phật. Phật không phải là chúng sanh. Chúng sanh không muốn thành Phật và Phật không muốn thành chúng sanh. Tại sao? Vì trong chúng sanh đã có Phật và trong Phật đã có chúng sanh rồi. Khi có chúng sanh thì đã có Phật tánh rồi, với Phật tánh ấy, người tu hành có thể tu để thành Phật, chứ đi tìm Phật ở ngoài để làm gì? Người tu hành ngộ đạo là vậy. Tức là ngộ cái chân lý vốn có sẵn nơi tự tâm, chứ không phải từ ngoài mang đến. Tất cả những gì ở bên ngoài, đều là những thứ phụ, còn bên trong mới là chính. Những gì ở bên ngoài đều là những hình tướng và bị vô thường, sanh diệt chi phối, còn ở bên trong nó mới miên viễn tồn tại. Vậy thì hành động của Ông cậu là “tu như không tu, hành như chẳng hành và chứng mà như không chứng” là vậy. Hay nói cách khác là “ăn nhưng không ăn, không ăn mà ăn”. Ăn chỉ là một động từ nhai lại và thức ăn ấy biến thành gì là do cái tâm của mình điều khiển nó, chứ không phải thức ăn tạo thành. Cái đạo nó nằm chỗ này đây! Do vậy có nhiều người ăn không tiêu, nó cũng giống như người tu tập, thực hành giáo lý của Đức Phật, nghe Pháp Phật, nhưng không chịu xay nhuyễn những lời Phật dạy ra tiêu thụ, làm chất cam lồ để tự tiêu hóa cho thân tâm mình và làm ích lợi cho đời sau, thì liệu rằng: Việc học hỏi giáo lý ấy có ích lợi gì cho mình và cho tha nhân? Còn câu: Phật không muốn thành Anh và Anh không muốn thành Phật”, câu này cao siêu lắm đấy con à! Vậy Anh là gì và Phật là gì? Anh là Anh, vì Anh chưa thành Phật, nhưng Phật không phải chỉ cầu mà thành, mà phải tu mới thành Phật được. Còn Phật đâu có cần thành Anh làm gì? Vì bao đời qua, Phật như Anh, làm từ thân người đến thân trời, thân súc sanh rồi, sau đó mới thành Phật. Do vậy Ngài đâu có cần Anh mà thành Anh để làm gì nữa? Tất cả đều là những ẩn ngữ của Đạo Thiền, mà ta đã suy niệm lâu nay. Con hãy chiêm nghiệm về những điều này, chứ không cần phải tra vấn. Trước sau gì rồi con cũng sẽ hiểu như câu chuyện của vị Sư và người con gái lái đò kia thôi! Rồi một ngày con sẽ rõ!

Còn “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát”. Hai câu này có tư tưởng Bát Nhã, phải dùng đến trí tuệ mới biện giải được. Như con thấy đó, trong Pháp Hội Hoa Nghiêm hai Ngài Văn Thù và Phổ Hiền luôn là hai vị trợ thủ đắc lực của Đức Thế Tôn. Một vị chuyên về Trí Tuệ và vị kia chuyên về Đại Hạnh. Có lẽ con đã nghe qua về hai bài kệ tán dương hai Ngài này rồi? Đó là:

“Tam Thế Như Lai chi đạo sư
Bi nguyện quảng đại nan tư nghì
Vô biên sát hải chư quốc độ
Đương lai Phổ Kiến hiện Thế Tôn”

Nghĩa:

Là Thầy của ba đời chư Phật
Lòng từ to lớn khó nghĩ bàn
Rộng sâu tất cả những quốc độ
Tương lai thành Phật hiệu Phổ Kiến.

Ngài, được Đức Thích Tôn gọi là Trưởng Tử. Vì lẽ Ngài nắm trọn giáo lý Đại Thừa nơi bi nguyện của mình và trong quá khứ không biết bao nhiêu đời, Ngài đã là Thầy của chư vị Phật, còn trong đời này chỉ hóa hiện làm thân Trưởng Tử để phò trì Đức Thế Tôn mà thôi. Trong khi đó Ngài Phổ Hiền được xưng tán rằng:

“Lục nha bạch tượng vi bảo tọa
Chư độ vạn hạnh tác tần thân
Hoa Tạng thế giới xưng Trưởng Tử
Thập phương sát độ hiện toàn thân”

Nghĩa:

Voi trắng sáu ngà, ngồi trên ấy
Muôn hạnh, sáu độ dùng hiện thân
Thế giới Hoa Tạng là Trưởng Tử
Mười phương quốc độ hiện toàn thân.

Cả hai Ngài đều có những hạnh nguyện lớn của các vị Bồ Tát mà đã là Bồ Tát có nghĩa là các Ngài chưa muốn thành Phật. Chỉ khi nào tất cả chúng sanh thành Phật rồi thì các Ngài mới vào Niết Bàn. Cho nên trí tuệ với giải thoát nó không “đồng thời” với nhau, khi nào cái này xong thì cái khác nó sẽ hiện ra vậy. Bồ Tát không cầu giải thoát cho chính mình mà mong cho tất cả chúng sanh còn giải thoát sanh tử trước cả chính mình nữa, nên những lời nguyện của chư vị Bồ Tát nó to lớn như vậy đó! Vừa rồi Anh con là Anh Tông đã thọ giới Bồ Tát này nơi Chùa Bút Tháp dưới sự chứng minh của ta cũng nằm trong ý nghĩa này.

Nhưng này con, khi con về làm dâu Chiêm Quốc, con cũng phải quan tâm đến nền Đạo tại xứ này nữa. Họ vốn là những người theo Ấn Độ giáo, tuy không loại bỏ Đức Phật ra ngoài tín ngưỡng của họ, nhưng họ sắp chung Đức Phật với những vị Thần Shivas của họ. Con hãy cố gắng làm sao hành trì Pháp Đại Thừa để cho chồng con của con thấy đó mà theo, phải giống như Công chúa Văn Thành đời Nhà Đường ở Trung Hoa sang Tây Tạng lấy chồng, đã làm cho chồng mình tin theo đạo Phật, thì ở đây, con cũng phải có bổn phận như vậy. Tuy nhiên khi ta thăm Chiêm Quốc vào năm 1301 trong vòng 9 tháng trường ở đó, Chế Mân đã cho người đưa ta đến thăm Viện Phật Học Đồng Dương ở Kinh đô cũ Mỹ Sơn rất đồ sộ. Nếu so với Đại Học Nalanda của Ấn Độ thì không bằng, nhưng tại đây đã đào tạo được những vị Sư uy tín cho Phật giáo của cả hai truyền thống chính là Nam và Bắc truyền, đồng thời cũng có cả Kim Cang Thừa nữa. Cho nên việc chay mặn như Ông cậu con quan niệm là đúng, khi con đứng trên quan điểm bất nhị của Phật giáo để làm sao cho Phật giáo được phát triển là quý hóa lắm rồi.

- Bạch Ngài! Con vẫn chưa rõ ý lắm!

- Có gì đâu! Chư Tăng Nam Tông thì dùng tam tịnh nhục, nghĩa là đi khất thực, người ta cúng những gì thì mình phải nhận những thứ ấy, không được chối từ. Ba loại thịt được nhận là: Khi con vật ấy chết, mình không nghe thấy tiếng kêu la đau đớn của nó. Thịt ấy không mong cầu để được ăn và cuối cùng là ăn để mà ăn, chứ không phải ăn vì miếng ngon vật lạ kia. Đây gọi là 3 loại thịt thanh tịnh. Vậy thì Ông cậu con tuy tu theo Bắc Tông mà đã hành xử theo cách Nam Tông trong trường hợp này chắc cũng chẳng phải là sai pháp của Phật đâu. Trong khi đó thì truyền thống của Kim Cang Thừa dùng chay mặn cũng không sao cả. Dĩ nhiên Đại Thừa theo tinh thần của Trung Hoa thì đều dùng chay hoàn toàn, nhưng cũng tùy theo từng quốc độ như Đức Phật đã dạy chúng Tăng trong kinh “Di Giáo” trước khi Ngài thị tịch Niết Bàn rằng: “Những giới luật nào không cần thiết thì hãy bỏ bớt đi để cho hợp với phong thổ và địa phương mà Đạo Phật được truyền đến.”

Bên trên là tinh thần nhập thế và xuất thế của Đạo Phật, con hãy gắng mà thực hành, vì lẽ những bậc mẫu nghi của thiên hạ, đứng phía sau các bậc quân vương cũng quan trọng lắm đấy! Ví như Mẹ của con, Khâm Từ Hoàng hậu, sinh ra trong một gia đình lễ giáo, lấy Phật giáo làm đầu, lại có ông anh ruột đi xuất gia, cho nên sau những buổi lâm triều mà ta phải ngự, thì ở hậu cung Mẹ của con chỉ bàn với ta những chuyện từ thiện, xây cất chùa chiền, giúp người, cứu vật, chứ ít nói những chuyện không đâu chẳng lợi lạc gì cho người khác. Cho nên đây cũng là cơ hội để con làm tròn bổn phận là con gái của Đại Việt được gả đi lấy chồng nơi xứ lạ và chính con sẽ là gạch nối liền giữa hai nước Đại Việt cùng Chiêm Quốc, vì ta biết rằng Chế Mân là một đấng anh hùng, mày râu nam tử, sẽ thương con cho đến hết tận cả cuộc đời và con phải sống cho thật là xứng đáng với cương vị của mình là một “mẫu nghi của thiên hạ” tại Chiêm Quốc. Ngoài ra con còn là một Phật tử thuần thành của đạo Phật, cho nên con phải đem Tam Quy, Ngũ Giới ra thực hiện cũng như truyền lại cho các cung nhơn nghe, nhằm thực hiện theo giới luật của Phật chế để cho đất nước được thanh bình an lạc và khắp nơi đều hạnh phúc an vui, tức là con đã thực hành phần lớn Kinh Thập Thiện mà ta đã dày công huấn dục cho dân Đại Việt cũng như dân Chiêm Thành trong suốt những năm tháng qua. Như vậy ta mãn nguyện lắm rồi!

- Nhưng thưa Ngài! Tại sao Ngài lại hứa gả con về Chiêm Quốc như vậy? Cuộc lương duyên này có ý gì chăng? Và duyên trời này ai dệt nên tơ ấy?

- Thật ra ta rất quý Chế Mân, y là một anh hùng dân tộc, thực hành cái dũng của Thánh nhân, một vị vua rất được tôn sùng tại Chiêm Quốc. Trong suốt 9 tháng ở đó, ta đã chứng kiến tất cả những điều này. Ta ngắm xem đền đài cung điện nguy nga của họ ở Mỹ Sơn hay ở Đồ Bàn và Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí, đâu đâu cũng là nơi có văn hiến rõ ràng, văn hóa rất cao, suốt từ thế kỷ thứ 4 đến nay họ không bị Hán hóa, chứng tỏ rằng dân tộc họ được độc lập. Còn quê hương Đại Việt của ta như con thấy đó, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến nay đã bao phen bị quân phương Bắc tàn hại dân lành và xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Cả 1.000 năm chứ đâu phải ít. Cho đến khi Ngô Quyền đứng lên khởi nghĩa vào năm 938 lúc ấy nước ta mới lấy lại được nền tự chủ cho nước nhà, còn họ thì không bị 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, do đó Chiêm Quốc được phát triển về mọi mặt, cho nên tất cả các phương diện như quân sự, dân sự, thương mại, ngoại giao đều hơn hẳn nước ta. Vì vậy ta nghĩ rằng con gái út của ta về làm vợ của một ông vua như vậy cũng quá xứng đáng đi chứ. Tuy rằng ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác nhau, nhưng ta biết con gái của ta rất thông minh, tài giỏi, chỉ mới hơn hai, ba năm nay thôi mà tiếng nước Chiêm đã nói rành rẽ lắm rồi và ngay cả phong tục tập quán nữa. Do vậy con hãy ra đi và hoàn thành những sứ mệnh cho Đại Việt như bên trên ta đã nói. Ta không vì một mục đích gì khác ngoài việc có cảm tình với Chế Mân mà gả con đi xa, và sau này khi ta đã lên Yên Tử để tịnh tu thiền tọa thì nghe đâu khi phái đoàn cầu hôn của Chiêm Quốc qua đây, ngoài việc dâng sính lễ vàng bạc, ngọc ngà châu báu, trầm hương ra, anh con là Anh Tông cùng với Thượng Tướng Trần Khắc Chung, Quốc Trượng Hưng Đạo Vương và kể cả Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài nữa cũng đều có ý là nếu Chế Mân muốn cưới được con thì phải dâng thêm Châu Ô và Châu Lý nữa. Đây thật ra không phải ý của ta, và nghe đâu sau khi phái đoàn đính hôn về lại Đồ Bàn, họ đã đem việc quốc sự này ra để thảo luận với các quan văn võ triều đình cũng như các vị bô lão Chiêm Quốc thì đều bị tất cả chống đối. Thế nhưng Chế Mân đã yêu con thật sự mặc dầu đã có Chánh hậu Tapasi người Java rồi, nhưng có lẽ qua cuộc sống 9 tháng của ta tại Chiêm Quốc, cũng như lời ước hôn của ta, Chế Mân không nghi ngờ gì cả nên mới đi đến quyết định đơn phương như vậy. Nhưng dẫu sao khi làm phận gái thuyền quyên, có nghĩa là khi người con gái lớn lên thì phải có chồng, theo chồng và phụng sự cơ nghiệp cho nhà chồng, mà nay con đã 16, 17 tuổi rồi, chứ còn nhỏ dại gì nữa, nên việc lấy chồng là chuyện đương nhiên thôi. Nếu ta không gả con cho nơi này thì cũng gả cho nơi khác, con hãy nhớ điều này.

Đã gọi là chuyện lương duyên thì do ông tơ bà nguyệt xe hai sợi chỉ tình và duyên mà gắn kết lại với nhau. Khi nào còn hương lửa mặn nồng thì dây tơ ấy sẽ vấn vương cuộn chặt hai người cùng tâm đầu ý hợp lại. Khi duyên không còn và nợ không thiếu nữa, thì gọi là hết duyên hay là không nợ, như con thấy ta và mẹ của con đó. Cũng có những người đồng chơn nhập đạo, nghĩa là một đời sống thanh tịnh từ nhỏ tại cửa chùa và suốt cả một cuộc đời không bị nhiễm trần, nên gọi là một Đồng Tử hay Đồng Nữ; còn những người đã “nửa đời hương phấn” hay “nửa kiếp giang hồ” rồi mà dám gác kiếm, từ bỏ mọi ràng buộc của thế gian để đi xuất gia thì Phật cũng đâu có cấm. Con thấy đó, biết bao nhiêu bậc tu hành như thế đã có từ thời Đức Phật rồi. Phật là một đấng đại từ, đại bi, đại trí, đại đức nên đã chỉ bày hết mọi cách tu học, mọi con đường dẫn đến sự giải thoát sanh tử, nếu có ai thực hành được trọn vẹn giáo lý này thì họ sẽ được giải thoát khỏi bến mê, còn ai không thực hành thì đó là chuyện của họ chứ không phải là chuyện của Phật. Cho nên ta thấy tại sao Đạo Phật có rất nhiều Phật và nhiều vị Bồ Tát, trong khi đó những Đạo khác thì không có nhiều vị giáo chủ hay các vị Thánh như bên Đạo Phật là do từ lý này mà ra. Khi con đã hiểu nhân duyên là gì thì con sẽ hiểu được Đạo Phật, vì Đức Phật hay dạy rằng: “Ai hiểu được pháp thì người ấy sẽ hiểu được Phật và ai hiểu được Phật thì người ấy sẽ hiểu được pháp.” Vậy lương duyên hay nhân duyên của con với Chiêm Quốc, với Chế Mân là như vậy! Con hãy chấp nhận nó như những gì nó đã là.

- Mô Phật! Con xin vâng! Nhưng con còn mấy điều muốn trình thưa với Ngài trước khi con về Chiêm Quốc nữa. Kính mong Ngài hoan hỷ cho.

- Con cứ giải bày.

- Nếu sau này con cũng muốn xuất gia đầu Phật thì sao?

- Việc này cũng do nhân duyên thôi! Con đọc lịch sử Đông, Tây, kim cổ chắc con đã hiểu rõ điều này. Từ xưa nay đã có không biết bao nhiêu ông vua bên Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn, Thái Lan, Nhật Bản v.v… và ngay cả nhiều hoàng hậu và các công chúa của các triều đình này đều bỏ ngôi vị đế vương sau một thời gian cầm quyền để xuất gia học đạo, nhằm thăng hoa tinh thần Phật học cho cuộc sống thế trần và đã thành công viên mãn với tinh thần Bồ Tát ấy, chứ lâu nay ta chưa bao giờ thấy một bậc chân tu từ bỏ sự giác ngộ giải thoát của mình để đi vào con đường chuyển luân vương cả. Vì đây chính là mối tơ vò mà ta đã thoát khỏi như con đã biết từ năm 1294 rồi đó. Lúc ấy con mới 9, 10 tuổi nhưng với cái tuổi ấy con đã chứng kiến ta với Mẹ con giữa nỗi chia ly ngậm ngùi là gì rồi. Bây giờ tới phiên con xuất giá chưa đi mà đã lo cho con đường xuất gia trong mai hậu thì Phật cũng không cấm, nhưng phải được sự đồng ý của chồng, con và nhất là phải tìm một vị Sư chân chánh để nương vào đức hạnh của Ngài mà cầu sự tế độ. Nhưng thôi việc ấy hãy khoan bàn trong lúc này. Con còn việc gì để hỏi nữa không?

- Bạch Ngài! Việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải của người con gái Đại Việt thì sao?

- Những nghề nghiệp như trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm, cấy lúa trồng khoai v.v… vốn là những nghề nghiệp của nhà nông mà hằng cả bao đời trước ông bà Tổ tiên ta đã truyền lại, cho nên con cháu cứ theo đó mà canh tác để nuôi thân cũng như phát triển. Ngay cả Thiên Hoàng của Nhật Bản, ở trong nội thành của nhà Vua, các vua thường chừa nhiều thửa ruộng để trồng trọt và mỗi năm khi làm lễ hạ điền để bắt đầu canh tác, thì vua cũng xuống ruộng này trong nội thành, chứ không cần phải đi đâu xa cả. Chiêm Thành vốn là một xứ nông nghiệp như Đại Việt của chúng ta, họ cũng trồng lúa khô và lúa nước, vẫn trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm v.v… nhưng họ không giống ta ít nhiều phương diện, vì họ ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ. Con hãy nhớ kỹ điều này, nhất là văn hóa của Bà La Môn giáo, họ thường phân chia giai cấp, còn Phật giáo mình thì không, vì Đức Phật có dạy rằng: “Không có sự phân biệt giữa tôn giáo và giai cấp trong khi máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn” con à. Chỉ riêng một việc nuôi tằm, dệt lụa thì con nên nghe đây.

Trong Bồ Tát giới Phật có dạy rằng: Chỉ những người lớn tuổi, vì thân thể yếu gầy hay khó chống lạnh vào mùa Đông, thì có thể dùng lụa là gấm vóc để mặc vào. Nếu còn trẻ mà dùng y phục lụa là để trang sức hay thể hiện sự giàu sang thì sẽ làm tổn hại đến lòng từ bi đấy. Do vậy nếu chồng con có khuếch trương nghề này nhiều thì con nên can ngăn và cũng không nên tham gia vào. Đó là tấm lòng từ bi của Bồ Tát đối với Đời và với con người, con phải thực hiện cho thật là trọn vẹn. Như vậy mới là một người Phật tử chơn chánh. Con đã quy y Tam Bảo rồi, đã thọ Ngũ giới thì con nên thể hiện điều này qua những lời mà ta đã dặn, còn công dung ngôn hạnh thì đã có Mẹ con chỉ bảo rồi.

Riêng đối với các nô tỳ, họ vốn cũng là con người nhưng không may sinh vào nhà nghèo khó, nên thân nữ lưu ấy phải đi hầu hạ những người quyền thế hơn mình. Do vậy con cũng không nên đối xử tệ bạc với họ, dầu cho họ là người Việt hay người Chiêm. Tất cả ai ai cũng có Phật tánh hết. Hãy trân quý họ và hãy xem họ là những kẻ đồng hành với mình, hay cao hơn nữa, con phải xem họ là những người dẫn đạo trên con đường hành Bồ Tát hạnh của mình, vì nếu không có họ thì mình hành Bồ Tát hạnh với ai. Họ không phải là phương tiện cho mình sai xử, mà họ chính là phương tiện cho mình đạt đến mục đích. Cho nên mình cần họ, chứ không phải họ cần mình. Khi nào con suy nghĩ và hành trì như vậy thì Phật sẽ ngự trị trong tâm con. Con sẽ không bao giờ cô đơn cả. Cho dù ta và Mẫu hậu của con không có mặt thường xuyên bên con như ở Đại Việt này đi nữa nhưng khi làm những việc công đức và tạo ra những phước báu cho thế gian như thế, thì đâu có công đức nào hơn nữa, và chính những điều này tuy không gian và hoàn cảnh con có xa ta thật nhiều đó, nhưng tấm lòng và tâm niệm kia, con vẫn ở bên ta. Ta bây giờ không còn cầu gì cho riêng mình cả, mà chỉ mong sao cho Phật Pháp được truyền lưu mãi mãi ở nhân gian này và đấy chính là niềm an lạc của ta vậy. Khi con người không còn sự khổ đau nữa, thì dẫu cho có bị trôi lăn trong bao nhiêu kiếp luân hồi, tâm họ vẫn an nhiên tự tại là vậy. Ta tu, chính mình an đã đành, nhưng điều quan trọng là hướng dẫn làm sao cho người khác cũng thực hành được cái an lạc này và họ đem áp dụng vào đời sống của họ, thì chính đó mới là sự thành tựu trong việc độ sanh. Ta bây giờ tuổi cũng đã lớn rồi, chưa biết sẽ theo Phật ngày nào đây. Ngày con vu quy cũng sắp đến, vì bên Chế Mân đã cho biết chính thức là vào tháng 6 năm 1306 họ sẽ cho Phái đoàn qua đón dâu. Dĩ nhiên là Anh Tông, anh ruột của con cùng với triều đình sẽ lo việc này. Riêng ta, ta vẫn ở yên nơi Yên Tử, và biết đâu, khi nào cái duyên vợ chồng của con với Chế Mân đã mãn thì “Ngọa Vân Am” này chính là chốn Tổ của con, nơi đây con sẽ được nương nhờ cửa Phật và lúc ấy con sẽ gặp ta thường xuyên hơn vào những lúc tham thiền nhập định cũng như lúc nhàn nhã nơi chốn núi đồi này.

- Kính bạch, tất cả những lời căn dặn của Ngài, con đã rõ. Con sẽ “y giáo phụng hành” và kể từ đây con sẽ không còn cô thân lẻ bóng nữa, và dầu cho con đang sống ở đây hay có mặt nơi Chiêm Quốc, thì ở đâu cũng là quê hương của con và tất cả những nơi ấy đều có những hình bóng nhân từ của Ngài và Mẫu hậu. Con xin lạy từ tạ Ngài 3 lạy trước khi xuất giá tùng phu. Bởi con biết rằng ngày con ra đi đường xa ngàn dặm, chưa biết lúc nào quay lại cố hương, nên 3 lạy này để tạ từ cho công ơn sanh thành dưỡng dục của Ngài. Còn Mẫu hậu, khi về cung và trước ngày xuất giá theo chồng, con sẽ thực hiện lễ nghi này nơi triều ca có bá quan văn võ. Con cũng sẽ đi thăm lăng tẩm của Tiên Đế. Từ Ngài Thái Tổ cho đến Ngài Thái Tông và Thánh Tông. Nếu không có những bậc tiên hiền này gầy dựng nên nghiệp đế của họ Trần, thì Huyền Trân Công chúa này cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ trong kiếp hồng trần này mà thôi.

Ngoài ra ân giáo dưỡng của Mẹ Cha và Thầy Tổ cao xa và rộng sâu hơn cả trời biển nữa, cho nên suốt cả một đời này hay muôn kiếp về sau con sẽ mãi mãi ghi ơn tạc dạ nơi tấm lòng son này. Ngày mai chưa biết sẽ ra sao, nhưng con tin rằng: Nếu hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt và đây chính là cái nhân, mà cũng là cái quả nữa, con tin tưởng mãnh liệt về điều này. Bây giờ mọi vật đã đổi thay! Nhưng con tin vào nghiệp quả của mình không đến nỗi tệ, để con có thể làm được một cái gì đó cho quê hương Đại Việt.

Sau ân đức sanh thành rồi Thầy Tổ, huynh đệ và cuối cùng là chúng sanh đồng loại. Đây là tinh thần tứ trọng ân mà Ngài đã dạy cho con từ thuở nhỏ. Nếu con không làm được những điều này, quả con là đứa con bất hiếu. Dầu là nữ hay nam, chữ hiếu phải làm đầu. Con nghĩ rằng con sẽ thực hiện được những điều trên và con luôn cầu nguyện Bồ Tát Quan Thế Âm luôn gia hộ cho con có đầy đủ tâm lực cũng như nguyện lực để đi vào đời và nếu có khó khăn nào thì con sẽ được Ngài che chở, độ trì cho. Con xin bái biệt tạ từ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Học đạo trong đời


Nắng mới bên thềm xuân


Cho là nhận

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.80.39 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...