Đúng như tên gọi với ý nghĩa là một “kho báu”, bộ luận A-tỳ-đạt-ma
Câu-xá quả đúng là một kho báu vô giá về mặt tinh thần. Những ai đã có
được nó, tất sẽ không còn tham đắm vào những thứ gọi là báu vật của thế
tục nữa. Người hiểu rõ được giáo lý Câu-xá tông sẽ nhận ra được chính
thân xác của mình cũng là hư dối, giả hợp, nên chẳng đáng để mê đắm,
chiều lụy theo nó. Khi hiểu thấu được về bản ngã, người ta sẽ tỉnh ngộ,
không còn mê lầm trong những giả dối của cuộc đời, không còn đau khổ,
phiền lụy, than tiếc gì nữa. Bấy giờ, dầu cho ở đời có gặp bao nhiêu sự
thành bại đi nữa, cũng có thể đạt đến sự an nhiên tự tại. Giàu không
tham, nghèo không sợ, hoạn nạn không dễ làm cho nao núng trong lòng. Tâm
trí đạt đến chỗ giải thoát, như bông hoa tự nhiên hé nở, khoe sắc tỏa
hương mà không chút ô nhiễm bởi bụi trần bao quanh.
Triết học Câu-xá tông cho rằng các pháp (dharma) là yếu tố chính của mọi
sự hiện hữu. Việc thừa nhận sự tồn tại của các pháp cũng là theo với
giáo lý của Nhất thiết hữu bộ trước đây. Tuy nhiên, Câu-xá luận thừa
nhận sự tồn tại của các pháp mà không nhận sự chân thật của các tướng do
chúng tạo ra, bởi các tướng đó đều vô thường, luôn luôn biến chuyển và
hoại diệt. Từ nhận thức đó, không thể nào tìm được một bản ngã chân thật
trong các pháp, vì ngay chính thân xác này cũng chỉ là giả hợp, vô
thường. Người ta sở dĩ không ngừng tạo ra các nghiệp thiện ác trôi lăn
trong luân hồi chỉ là vì mê chấp vào sự hiện hữu của các pháp, trong khi
chúng chỉ là hư dối.
Như một vầng sáng đom đóm trong đêm tối, có thể ví như cái gọi là “bản
ngã”. Vầng sáng ấy thật ra là gì? Ấy là một đoàn đom đóm tụ lại, nếu
tách ra thì không còn vầng sáng ấy nữa. Song người ta nhìn thấy được nó
như một vật thể rõ ràng, nên gọi là “vầng đom đóm”. Nhưng chỉ là tên
gọi, sự giả hợp mà thôi, không có sự chân thật trong đó. Lại cũng như
một bầy ong làm tổ trên cây. Tụ họp lại đầy đủ thì gọi là tổ ong, nhưng
tách ra thì từng yếu tố đều không phải là tổ ong! Cũng như thế, thân thể
và trí óc được hợp lại bởi nhiều yếu tố, và được nhận lầm cho là “bản
ngã”, mà kỳ thật chỉ là sự giả hợp. Khi sự kết hợp không còn nữa thì cái
gọi là “bản ngã” ấy cũng chẳng còn.
Trong kinh Na-tiên Tỳ-kheo, có một đoạn đối thoại giữa tỳ-kheo Na-tiên
với vua Di-lan-đà về bản ngã, thể hiện khá rõ ý nghĩa này:
Na-tiên hỏi vua rằng: “Đại vương gọi tên chiếc xe, thật ra đâu mới là
xe? Cái trục xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Trục xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy vành bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Vành bánh xe cũng chẳng phải là xe?”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy nan bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Nan bánh xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Bánh xe cũng chẳng phải là xe.”
[8]
Na-tiên hỏi: “Vậy càng xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Càng xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy cái ách
[9] có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Ách chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Chỗ ngồi có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ ngồi chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi tiếp: “Chỗ gác chân có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ gác chân chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy mui xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Mui xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy hợp đủ tất cả các món ấy lại là xe chăng?”
Vua đáp: “Dù hợp đủ tất cả các món ấy lại cũng không phải là xe.”
[10]
Na-tiên hỏi: “Giả sử như không hợp tất cả các món ấy lại, vậy là xe
chăng?”
Vua đáp: “Không hợp các món ấy lại, cũng không phải là xe.”
[11]
Na-tiên hỏi: “Vậy âm thanh phát ra là xe đó chăng?”
[12]
Vua đáp: “Âm thanh cũng chẳng phải là xe.”
Na-tiên liền hỏi: “Nói như vậy thì thật ra đâu mới là xe?”
Vua lặng thinh không đáp được.
Đại đức Na-tiên bấy giờ mới thong thả nói: “Kinh Phật dạy rằng, nếu hợp
tất cả các yếu tố ấy lại mà làm xe,
[13] người ta
sẽ có cái vật được gọi là xe. Con người cũng vậy. Như hòa hợp tất cả các
yếu tố đầu, mặt, tai, mũi, lưỡi, cổ, gáy, vai, tay chân, xương, thịt,
nội tạng, nhan sắc, âm thanh, tiếng vọng, hơi thở ra vào, cảm thọ khổ
vui, phân biệt thiện ác... sẽ hình thành một thực thể được gọi là con
người.
[14]
Cũng như thế, giáo lý Câu-xá tông dạy rằng không có con người thật sự và
không có cái gọi là cuộc đời. Tất cả chỉ là sự giả hợp của các pháp, và
tông này chia tất cả ra làm bảy mươi lăm pháp, cùng giả hiệp thành ra
những hình tượng, sự kiện mà ta gọi là con người, là cuộc đời.
Vì thế không nên chấp lấy tên gọi, vì chúng chỉ là những khái niệm để
chỉ vào sự hiện hữu tạm thời của sự vật. Không thể tìm thấy bản chất
chân thật, trường tồn trong những tên gọi của sự vật.
Mặt khác, cái “bản ngã” giả hợp lại chính là cội nguồn của mọi sự đau
khổ. Vì người ta chấp lấy cái giả hợp ấy mà cho là chân thật, mà sanh
khởi nên sự tham đắm, tranh giành lẫn nhau từ lúc sinh ra cho đến khi
nhắm mắt, tạo tác không biết bao nhiêu là ác nghiệp chất chồng... Nếu
hiểu ra được cái “bản ngã” ấy là không chân thật, thì con người không
còn bị lôi kéo bởi tham dục, ái luyến, cũng không chấp lấy sự được mất,
hơn thua... Và từ đó dễ dàng an tịnh nội tâm và đạt đến sự an lạc, giải
thoát. Ngay cả khi đối mặt với đau khổ thì cũng nhận chân được sự đau
khổ ấy vốn chỉ là giả hợp không thật có, nên tâm ý vẫn thản nhiên an
định mà không hề bị chi phối.
Các pháp hợp thành “bản ngã” được phân chia ra khá chi tiết trong
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận. Tất cả là bảy mươi lăm pháp. Trong đó, có bảy
mươi hai pháp thuộc về hữu vi và ba pháp được xem là thuộc về vô vi.
Bảy mươi hai pháp hữu vi được chia làm 4 nhóm là:
– 11 pháp thuộc sắc (rupas)
– 1 pháp thuộc về thức
– 46 pháp thuộc về tâm sở
– 14 pháp không thuộc tâm cũng không thuộc vật
Ba pháp vô vi là:
– Trạch diệt (Pratisamdikhy-nirodha)
– Phi trạch diệt (Apratisamkhy-nirodha)
– Hư không (ka)
Trong các pháp được kể ra, lại hàm chứa cả nhân, duyên và kết quả. Khi
nắm vững được những điều này, người tu tập có thể tự mình tìm thấy
phương cách thích hợp để đạt đến sự giải thoát rốt ráo.