Khai tổ: Bồ Tát Thế Thân vào thế kỷ 5 ở Ấn Độ
Huyền
Trang truyền sang Trung Hoa vào thế kỷ 7.
Đạo
Chiêu (Dơshơ) và Huyền Phảng (Genbơ) truyền sang Nhật vào các năm 660 và
734.
Giáo lý căn bản: Duy thức luận của Bồ Tát Thế Thân.
Thành
Duy thức luận của Đàm-ma-ba-la.
Tông chỉ: Chỉ có thức là thật có và hàm chứa tất cả, vạn vật mà chúng ta
nhận biết đều chỉ là sự biểu hiện của thức, cho nên xét về bản chất đều
là không thật.
LỊCH SỬ
Giáo pháp thời đức Phật đã có giảng rõ nghĩa trung đạo, Duy thức là giáo
lý cốt yếu của Pháp tướng tông. Khoảng 900 năm sau, Bồ Tát Vô Trước
ra đời, xiển dương giáo lý Đại thừa. Ngài là anh trai của Bồ
Tát Thế Thân, cũng chính là người đã giúp Bồ Tát Thế Thân từ bỏ con
đường Tiểu thừa để quay sang tu tập và truyền bá Đại thừa. Tương truyền
ngài Vô Trước đã được Bồ Tát Di-lặc từ cung trời Đâu-suất hiện
xuống dạy cho 5 bộ luận là:
1. Du-già sư địa luận.
2. Phân biệt Du-già luận.
3. Đại thừa trang nghiêm kinh luận.
4. Biện trung biên luận.
5. Kim cang bát-nhã ba-la-mật kinh luận.
Tại một giảng đường lớn thuộc xứ A-du-đà (Ayodhya), ngài Vô Trước đã học
và giảng 5 bộ luận này suốt trong một tháng. Ban đêm ngài học với Bồ Tát
Di-lặc, ban ngày ngài mang những điều đã học giảng lại cho rất nhiều
người nghe. Nhờ vậy đã nhanh chóng phổ biến được một cách rộng rãi những
nội dung sâu sắc của các bộ luận này, và chính từ đó Pháp tướng tông
được hình thành.
Người em trai của ngài Vô Trước là Bồ Tát Thế Thân sau khi quay sang tu
tập theo Đại thừa cũng trở thành một bậc danh tăng lỗi lạc, biên soạn
rất nhiều bộ luận Đại thừa. Trong số đó, có bộ Duy thức luận được biên
soạn cuối cùng, là bộ luận sâu sắc và tóm thâu hết thảy những ý nghĩa
tinh túy nhất của học thuyết Duy thức. Sau khi được dịch sang chữ Hán,
bộ luận này đã trở thành bộ luận chính của Pháp tướng tông ở Trung Hoa.
Có rất nhiều luận sư giảng giải về bộ luận này, nhưng trong số đó nổi
bật nhất là ngài Đàm-ma-ba-la, người Ấn Độ nhưng thường được người Trung
Hoa biết đến với tên gọi Hộ Pháp. Chính phần giảng giải của ngài về sau
đã được ngài Huyền Trang dịch sang chữ Hán thành quyển Thành Duy thức
luận.
Đệ tử của Đàm-ma-ba-la, là Thi-la-bả-đà-la), người Trung Hoa gọi là Giới
Hiền Luật sư, vốn là người nghiên cứu am tường các kinh luận của Bồ Tát
Vô Trước và Thế Thân, là một trong các học giả nổi tiếng nhất của Ấn Độ
vào thế kỷ 6 – 7. Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ đã gặp được ngài Giới
Hiền tại tu viện Nlanda ở xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) thuộc miền Trung Ấn,
nơi nổi tiếng là “trường đại học Phật giáo” của thời đó. Chính từ nơi
Giới Hiền Luật sư mà ngài Huyền Trang đã học tập được rất nhiều điều về
kinh luận và giáo lý.
Sau khi mang theo rất nhiều kinh văn bằng Phạn văn trở về Trung Hoa vào
năm 645, ngài Huyền Trang được vua Đường Thái Tông thỉnh đến ở chùa
Hoằng Phước nơi kinh đô Trường An để chuyên việc dịch kinh điển từ Phạn
văn sang Hán văn. Ngài đã thực hiện công việc phiên dịch trong suốt 19
năm. Trong thời gian ấy, ngài cũng truyền bá rộng rãi học thuyết của
Pháp tướng tông.
Một trong các đệ tử lớn của ngài là Khuy Cơ có soạn một trăm bài giảng
luận về Kinh và Luận, được người đương thời tôn xưng là Từ Ân Đại sư, vì
ngài ở chùa Từ Ân. Và vì Pháp tướng tông phát khởi từ chùa Từ Ân, do
công truyền bá của Từ Ân Đại sư, nên người ta cũng gọi tông này là Từ Ân
tông. Từ Ân Đại sư sau khi được nghe những lời giảng giải của thày là
Huyền Trang đã ghi chép lại và sau đó soạn lại thành sách.
Sau Khuy Cơ, đệ tử của ngài là Huệ Chiểu cũng có công lớn trong việc
tiếp tục truyền bá Pháp tướng tông ở Trung Hoa.
Pháp tướng tông về sau có nhiều lần được truyền sang Nhật Bản. Trong đó
có hai lần đáng quan tâm nhất. Lần thứ nhất là khi có một vị tăng Nhật
Bản tên Doshơ sang Trung Hoa học đạo với ngài Huyền Trang. Ông là bạn
đồng môn và có quan hệ giao du rất thân thiết với ngài Khuy Cơ, được
người Trung Hoa gọi là Đạo Chiêu. Năm 653, ông theo đường biển đến Trung
Hoa. Ngoài việc theo học với ngài Huyền Trang, ông còn theo học Thiền
học với ngài Huệ Mãn. Năm 660, ông trở về nước Nhật và truyền bá học
thuyết của Pháp tướng tông ở miền Nam, vì ông là người xứ Asuka thuộc
miền Nam nước Nhật.
Đầu thế kỷ 8, vào năm 717, một người Nhật khác là Genbơ dẫn theo một số
tăng sĩ Nhật Bản khác sang Trung Hoa theo học với đệ tử của ngài Huệ
Chiểu là Trí Chu. Ông có tư chất thông minh, học lực uyên bác, được vua
Đường Huyền Tông rất khâm phục, ban cho áo cà-sa màu đỏ, là một biểu
hiện rất tôn kính. Năm 734, ông trở về Nhật Bản, truyền bá học thuyết
Pháp tướng tông ở kinh đô Nại Lương (Nara) và các vùng thuộc miền Bắc
nước Nhật.
Hiện nay, Pháp tướng tông vẫn còn hưng thịnh ở Nhật và có nhiều bậc cao
đồ thông minh tài trí. Pháp tướng tông hiện có hơn 40 ngôi chùa, 700 vị
tăng sĩ, khoảng 1.000 cư sĩ và hơn 10.000 tín đồ thường xuyên đến tham
học.
[36]