Khai tổ: Ngài Đạo Xước vào thế kỷ 6, ngài Thiện Đạo vào thế kỷ 7.
Nguyên
Không Đại sư (tức Pháp Nhiên Thượng nhân) truyền sang Nhật vào thế kỷ
12.
Giáo lý căn bản: Kinh A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng
Thọ, và bộ Vãng sinh Tịnh độ luận của Bồ Tát Thế Thân.
Tông chỉ: Nhờ sự nhất tâm khi niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà và tha lực
tiếp dẫn của đức Phật, người niệm Phật khi lâm chung sẽ được vãng sinh
về cõi Cực lạc phương Tây, nhờ đó có thể dễ dàng tiếp tục tiến tu cho
đến khi đạt được sự giải thoát rốt ráo.
LỊCH SỬ
A. Lược sử: Những kinh sách thuộc về giáo lý của Tịnh độ tông đã được
chuyển dịch sang Hán văn từ rất sớm. Vào năm 185, một tăng sĩ người Ấn
Độ là Khang Tăng Khải đã đến Trung Hoa và dịch kinh Vô Lượng Thọ, 2
quyển. Đây là một trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông.
Đến năm 401, ngài Cưu-ma-la-thập đến Trung Hoa và sau đó tiến hành việc
dịch kinh điển sang Hán văn kể từ năm 403. Trong số các kinh ngài dịch,
có kinh A-di-đà, sau cũng trở thành kinh căn bản của Tịnh độ tông.
Khoảng năm 424 thì có một vị tăng sĩ Ấn Độ khác là ngài
Cương-lương-gia-xá đến Trung Hoa. Vị này đã dịch sang Hán văn kinh Quán
Vô Lượng Thọ, bộ kinh căn bản thứ ba của Tịnh độ tông.
Như vậy, cho đến đầu thế kỷ 5 thì tại Trung Hoa đã có đủ bản dịch Hán
văn 3 bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông. Tuy nhiên, phải đợi đến ngài Đạo
Xước (562-645) thì niềm tin vào thuyết Tịnh độ mới bắt đầu phát triển.
Rồi sự phát triển này được củng cố và hoàn chỉnh bởi ngài Thiện Đạo
(613-681) mới trở thành một tông phái độc lập. Vì thế, người ta thường
xem ngài Thiện Đạo như là vị tổ sư khai sáng Tịnh độ tông. Ngài có soạn
bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ, chỉ rõ những quan điểm sai lầm xưa
nay về thuyết Tịnh độ, đồng thời giảng rõ những ý nghĩa chân chánh,
khuyến khích người tu Tịnh độ.
Tiếp theo sau đó, tông này liên tục được truyền nối cho đến ngài Thiếu
Khang, người đã thành lập Tịnh độ Đạo tràng ở Mục Châu, thuộc tỉnh Triết
Giang và làm cho Tịnh độ tông trở nên rất hưng thịnh. Ngài Thiếu Khang
có trước tác bộ Tịnh độ quần nghi luận, giảng rõ những chỗ tinh yếu
trong giáo pháp Tịnh độ. Ngài mất năm 805 nhưng không rõ đã sinh vào năm
nào.
Tịnh độ tông phát triển rất nhanh chóng và lan rộng ra khắp nơi. Tuy
nhiên, cũng chính vì sự phát triển lan rộng này mà đến sau thế kỷ 9 thì
Tịnh độ tông hầu như không còn tồn tại như một tông phái độc lập nữa, mà
đã thâm nhập, hòa trộn vào những tông phái khác. Đặc biệt là chủ trương
Thiền tịnh song tu vẫn còn được thịnh hành cho đến tận ngày nay.
B. Tịnh độ tông truyền sang Nhật Bản: Tịnh độ tông lần đầu tiên được
truyền sang Nhật Bản bởi một vị tăng sĩ người Nhật tên là Ryonin, từ
trước năm 1124. Khi ấy, tông này lấy tên Yuzu Nembutsu. Ngài Ryonin tự
mình nêu gương niệm Phật mỗi ngày đến hơn 60.000 lần, và khuyến khích
mọi người làm theo. Tuy nhiên, khi ấy phần giáo lý của Tịnh độ tông chưa
được truyền rộng rãi ở Nhật, và số môn đồ tin theo ngài chưa được đông
đảo lắm.
Người tiếp theo sau đó truyền bá Tịnh độ tông ở Nhật là ngài Nguyên
Không, và chính ngài mới thật sự sáng lập được một Tịnh độ tông với số
môn đồ rất đông. Ngài còn được tôn xưng một số danh hiệu khác như Pháp
Nhiên Thượng nhân, Cát Thủy Đại sư, Cát Thủy Thánh nhân và Hắc Cốc
Thượng nhân.
Đại sư tên tiếng Nhật là Hơnen, nhưng người Trung Hoa thường biết ngài
hơn với tên gọi Nguyên Không. Ngài sinh ngày 7 tháng 4 năm 1133 trong
một gia đình quan chức ở tỉnh Mimasaka. Năm ngài vừa lên 8 tuổi (1141)
thì cha ngài đã bị kẻ cướp giết hại. Trước khi chết ông có để lại lời di
ngôn khuyên ngài xuất gia học đạo. Ngay năm sau đó, ngài xuống tóc xuất
gia với ngài Quán Giác ở một ngôi chùa trong cùng tỉnh.
Năm 15 tuổi, ngài lên núi Tỉ-duệ theo các ngài Nguyên Quang, Hoàng Viên
học tập giáo lý Thiên Thai tông. Tháng 9 năm 1151, ngài rời chỗ Hoàng
Viên, đến Hắc Cốc tham học với ngài Duệ Không. Sau đó, ngài tiếp tục
tham học với nhiều bậc danh sư đương thời, tinh thông giáo lý của hết
thảy các tông phái. Chẳng hạn, ngài đến chùa Hưng Phước học với ngài
Tạng Tuấn, bậc thầy của Pháp tướng tông; đến chùa Đề Hồ học với Khoan
Nhã, là bậc danh sư của Tam luận tông; đến Trung Xuyên học với ngài Thật
Phạm thuộc Chân ngôn tông; đến chùa Nhân Hòa học với ngài Khánh Nhã, bậc
thầy của Hoa nghiêm tông...
Nhưng đến năm 1175 ngài mới có dịp đọc qua những trước tác của ngài
Thiện Đạo, người đã khai sáng Tịnh độ tông ở Trung Hoa. Ngài rất tâm đắc
với những gì được ngài Thiện Đạo giảng giải, và kết luận rằng giáo lý
Tịnh độ tông là thích hợp nhất trong thời kỳ mạt pháp, khi mà căn lành
của con người đã sa sút, trí tuệ cạn cợt.
Từ đó ngài liền dời đến ở núi Cát Thủy, hoằng truyền giáo lý Tịnh độ,
hết lòng khuyên người niệm Phật cầu vãng sinh. Công cuộc hoằng pháp của
ngài đã nhanh chóng thiết lập được nền móng vững chắc cho Tịnh độ tông
tại Nhật Bản. Về sau, hoàng hậu đương triều có thỉnh ngài vào cung
truyền giới.
Cách truyền pháp của ngài phá bỏ truyền thống phân biệt giai cấp đã có
từ xa xưa trong xã hội. Đối với người đến cầu đạo, ngài không phân biệt
giàu, nghèo, sang, hèn, hết thảy đều đối xử như nhau, đều khuyên họ cùng
tham gia việc niệm Phật và đoan chắc là chỉ cần hết lòng niệm Phật thì
bất cứ ai cũng sẽ được vãng sinh về cõi Phật. Nhờ vậy, pháp môn niệm
Phật của ngài không bao lâu đã lan rộng trong khắp mọi tầng lớp xã hội.
Tịnh độ tông trở nên cực kỳ hưng thịnh.
Sự hưng thịnh của Tịnh độ tông cũng không khỏi khơi dậy lòng ganh ghét
của một số kẻ xấu. Bọn chúng dâng sớ tấu lên triều đình, nói rằng Tịnh
độ tông dạy người hủy báng giới luật, cần phải bị cấm chỉ không cho hoạt
động. Khi ấy lại có hai môn đồ của ngài là An Lạc và Trụ Liên cùng sáng
lập Biệt Thời Niệm Phật Hội ở Lộc Cốc, có người cung nữ của thượng hoàng
gặp việc ức chế, chán lìa trần thế, tự tìm đến Biệt Thời Niệm Phật Hội
xuống tóc xuất gia. Những kẻ ganh ghét ngài nhân dịp đó liền sàm
tấu lên thượng hoàng rằng môn đồ của Pháp Nhiên khuyến dụ cung nữ xuất
gia. Thượng hoàng nổi giận, hạ lệnh xử An Lạc và Trụ Liên tội chết, và
đày Pháp Nhiên ra một vùng biên giới, nay thuộc huyện Cao Tri.
Khi ấy là vào tháng 2 năm 1207, ngài đã được 74 tuổi nhưng vẫn nói với
môn đồ rằng đây là một cơ hội tốt để truyền đạo ở những vùng hoang vu
nơi biên giới. Ngài chịu lưu đày qua 10 tháng thì có lệnh xá miễn vào
tháng 12 cùng năm ấy, nhưng không cho phép ngài về kinh. Ngài liền đến ở
chùa Thắng Vĩ thuộc phủ Đại Phản, tiếp tục truyền dạy pháp môn niệm
Phật.
Năm 1211, triều đình ban lệnh ân xá, cho phép ngài về kinh đô. Ngài đến
ở một thiền phòng ở núi Đại Cốc. Sang năm sau, vào ngày 25 tháng giêng,
ngài nằm ngay ngắn quay đầu về phương bắc, mặt hướng về phương tây, niệm
danh hiệu Phật A-di-đà rồi an nhiên thị tịch, thọ 79 tuổi.
Sau đó, thiên hoàng Nhật Bản truy phong cho ngài các danh hiệu như Viên
Quang Đại sư, Đông Tiệm Đại sư, Huệ Thành Đại sư, Hoằng Giác Đại sư, và
Từ Giáo Đại sư.