Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 47. Sống Chung Rắn Hổ Mang »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 47. Sống Chung Rắn Hổ Mang

Donate

(Lượt xem: 3.649)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 47. Sống Chung Rắn Hổ Mang

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
(24) Đây là câu chuyện ngắn nói ra để lợi ích cho một vị đệ tử mới đến tu nhưng sắp quay về lại nước Anh. Mong rằng câu chuyện này sẽ giúp cho chị hiểu được giáo lý mà chị đã tu học ở chùa Wat Pah Pong này. Nói đơn giản hơn, đây là nói về cách tu tập để giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Để tu tập cách này, chị cần phải coi tất cả mọi hành vi khác nhau của tâm, tất cả mọi thứ chị thích hay không thích, là như nhau, giống như cách chị coi một con rắn hổ mang vậy. Rắn hổ mang là rất độc, độc đủ để giết chết ta khi nó cắn ta. Và ở đây, rắn được ví như những trạng thái tâm của chúng ta; trạng thái ta thích cũng là độc hại, trạng thái ta không thích cũng là độc hại. Chúng cản trở, không cho tâm được tự do và cản trở sự hiểu biết của chúng ta về sự thật (chân lý) mà Phật đã chỉ ra.

Do vậy, điều cần thiết là phải cố duy trì chánh niệm suốt ngày đêm. Dù chị đang làm gì, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, đang nói, hay đang làm gì, chị phải làm với sự chánh niệm. Khi chị có thể thiết lập sự chánh niệm, chị sẽ thấy có "sự hiểu biết rõ ràng" (sự tự tỉnh giác) khởi sinh cùng chánh niệm. Và hai điều kiện chánh niệm (sati) và sự hiểu biết rõ ràng (sampajanna) sẽ tạo ra trí tuệ. Như vậy, chánh niệm, sự hiểu biết rõ ràng và trí tuệ sẽ cùng làm việc với nhau, và chị sẽ trở thành người tỉnh thức suốt cả thời gian ngày và đêm.

Những giáo lý của Phật đã để lại cho chúng ta hôm nay không phải là những giáo lý chỉ để nghe hay để hiểu cho biết, cho có kiến thức. Mà đó là những giáo lý dùng để tu tập để thấy biết tâm của mình. Dù chúng ta đi đâu hay làm gì, chúng ta luôn có những giáo lý này. "Có những giáo lý này" hoặc "có được sự thật" có nghĩa là dù chúng ta làm gì hay nói gì, chúng ta làm và nói bằng suy nghĩ và quán xét, chúng ta nghĩ và quán xét với trí tuệ. Chúng ta nói rằng ai có sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng được kết hợp với nhau với trí tuệ, thì người đó đang gần với Phật.

Khi chị rời khỏi đây, chị nên thực tập để mang mọi thứ về lại trong tâm. Nhìn vào tâm bằng sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng và phát triển trí tuệ. Với ba điều kiện đó thì sẽ khởi sinh sự "buông bỏ". Chị sẽ nhìn thấy sự khởi sinh và biến mất liên tục của tất cả mọi hiện tượng.

Chị sẽ biết được sự khởi sinh và biến mất (sinh diệt) chính là hoạt động của tâm. Khi có thứ gì khởi sinh thì nó biến mất, và theo sau là thứ khác khởi sinh và biến mất. Theo Cách của Giáo Pháp chúng ta gọi sự khởi sinh và biến mất là sự sinh và chết, là sự sinh-diệt; và đó chính là mọi sự— mọi sự chỉ là vậy! Khi khổ khởi sinh, nó biến mất, và, khi khổ biến mất, nó lại khởi sinh (25). Chỉ có khổ khởi sinh và biến mất. Khi chị nhìn thấy điều đó nhiều lần, chị sẽ có khả năng biết rõ lẽ sinh diệt đó một cách thường trực; và, khi sự thấy biết là thường trực, chị sẽ thấy lẽ thật đó luôn luôn có mặt. Mọi thứ chỉ là sinh và diệt, đến và đi. Chẳng có gì được mang theo, chỉ là sự khởi sinh và biến mất—tất cả chỉ là vậy.

Kiểu thấy biết như vậy sẽ làm khởi sinh một cảm giác tĩnh lặng buông bỏ đối với thế giới. Khi đã có được cảm giác buông bỏ thì chẳng còn gì đáng để ta tham muốn nữa; vì sự thật chỉ có sự sinh diệt, một người được sinh ra để rồi chết đi mà thôi. Đó là lúc tâm đạt đến chỗ "buông bỏ", buông bỏ mọi thứ để chúng diễn ra theo đường lối tự nhiên của chúng. Mọi thứ khởi sinh và biến mất trong tâm chúng ta, và chúng ta biết rõ điều đó. Khi sướng khởi sinh, ta biết rõ; khi khổ khởi sinh, ta biết rõ. Sự biết rõ về sướng, biết rõ về khổ đích thực là gì thì có nghĩa là ta không nhận chúng là của ta. Với sướng và khổ, chúng ta biết rõ chúng, và không nhận chúng là của chúng ta. Khi chúng ta không còn nhận lấy sướng khổ, không còn dính chấp vào sướng khổ, chúng ta chỉ đơn thuần để mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng.

Vậy chúng ta nói rằng hành vi của tâm giống như rắn độc. Nếu chúng ta đừng đụng gì đến nó, nó sẽ tự nhiên đi theo cách của nó. Dù nó là rất độc hại nhưng ta không bị ảnh hưởng gì; nếu chúng ta không đến gần hay nắm bắt nó, thì nó không cắn ta. Rắn hổ mang sẽ đi theo cách của nó. Chúng ta cứ làm như vậy. Đó là cách khôn ngoan nếu bạn để yên nó. Cứ để yên với mọi thứ tốt. Cứ để yên với mọi thứ xấu— để yên với mọi sự theo cách tự nhiên của nó. Để yên với mọi sự thích hay không thích của chị, cũng như cách chị để yên không động gì đến rắn hổ mang.

Vậy, người khôn ngoan sẽ giữ thái độ như vậy đối với những trạng thái khác nhau khởi sinh trong tâm. Khi sự tốt khởi sinh, cứ để yên nó tốt, nhưng ta biết rõ về nó. Ta hiểu rõ bản chất (sinh diệt) của nó. Khi có sự không tốt khởi sinh, cứ để yên nó không tốt, ta để yên với bản chất (sinh diệt) của nó. Đừng nắm bắt, dính líu theo nó, vì chúng ta chẳng tham muốn gì. Ta không muốn tốt, không muốn xấu, không muốn thiện, không muốn ác. Ta cũng không muốn nặng, không muốn nhẹ, không tham muốn sướng, không tham muốn khổ. Theo cách như vậy, khi sự tham muốn của chúng ta đã tận hết, sự bình an sẽ được thiết lập vững chắc.

Khi chúng ta có được loại bình an như vậy được thiết lập, chúng ta có thể nương tựa vào đó. Chúng ta nói rằng sự bình an đó khởi sinh nhờ phá bỏ hết sự ngu mờ. Sự ngu mờ, ngu si, vô minh đã chấm dứt. Đức Phật gọi đó là sự đạt đến giác ngộ cuối cùng là "sự tắt ngấm", giống như cách ngọn lửa đã tắt ngấm. Ta đã dập tắt và làm nguội sạch lửa nóng. Đó là sự giác ngộ, niết-bàn. Niết-bàn được tìm thấy bên trong vòng luân hồi sinh tử samsãra. Giác ngộ và si mê (sinh tử) nằm trong cùng một chỗ, giác và mê cũng giống như nóng và lạnh. Mê nằm trong chỗ giác, giác có được từ chỗ mê. Khi đang mê, không có giác, khi có giác, mê không còn. Niết bàn và luân hồi sinh tử cũng vậy. Còn luân hồi sinh tử là không thấy Niết-bàn. Khi Niết-bàn thì không còn luân hồi sinh tử.

Chúng ta được khuyên dạy để chấm dứt vòng luân hồi sinh tử, làm dừng lại cái vòng quay bất tận si mê và vô minh. Việc chấm dứt vô minh là dập tắt ngọn lửa. Khi lửa bên ngoài được dập tắt, nơi đó trở thành mát nguội. Khi lửa bên trong của tham, sân, si đã bị thổi tắt, nơi đó trở nên mát dịu.

Đó là tính chất của sự giác ngộ; đó là sự tắt ngấm của lửa, là sự làm mát dịu nơi cháy nóng. Đó là sự bình an. Đó là sự chấm dứt vòng luân hồi sinh tử. Khi chị đạt đến sự giác ngộ, mọi sự diễn ra như vậy. Đó là sự chấm dứt mọi tham, sân, si quay cuồng điên đảo trong tâm trong bao nhiêu kiếp sinh tử. Chúng ta thường gọi đây là nơi hạnh phúc (an lạc) để mọi người nhắm đến như lý tưởng để tu tập đạt đến, nhưng thực ra trạng thái đó cao hơn, vượt xa trên chữ hạnh phúc an lạc đó. Nó vượt trên cả lạc và khổ. Đó là một sự bình an hoàn hảo.

Vậy, khi chị về nước, chị nhớ mang theo giáo lý này với chị và suy xét về nó một cách kỹ càng. Thời gian chị ở đây cũng không dễ dàng lắm và tôi cũng không có nhiều cơ hội để hướng dẫn cho chị, nhưng đó cũng là thời gian chị có thể học được việc tu tập đích thực của chúng ta có nghĩa là gì. Cầu mong cho sự tu tập của chị sẽ dẫn chị đến an lạc; cầu mong những lời này giúp chị lớn lên cùng chân lý. Cầu mong chị mau thoát khỏi khổ đau của vòng sinh tử.

----------------

(24) [Bài nói chuyện là những lời dạy cuối cùng thiền sư Ajahn Chah dành cho một nữ Phật tử lớn tuổi người Anh, bà đã đến tu học hai tháng (cuối năm 1978, đầu năm 1979) dưới sự dẫn dắt của thầy].

(25) [Khổ (dukkha) ở đây ìà bản chất bất toại nguyện của tất cả mọi pháp hữu vi, chứ không chỉ là sự khổ đối nghĩa vói sướng.]
 

48. Hiểu Được Cái Tâm Tự Nhiên (26)

Cách thực hành của chúng ta là nhìn sâu sát vào mọi sự thể và thấy chúng một cách rõ ràng. Chúng ta tu chuyên cần và kiên trì, chứ không vội vã hay cố ép. Nếu làm ngược lại thì sẽ chậm tiến, vấn dề là phải dần dần cảm giác bắt kịp cách tu của mình và hòa hợp với mọi thứ.

Đối với hầu hết chúng ta, khi chúng ta bắt đầu tu thì chẳng có gì ngoài sự mong cầu. Chúng ta bắt đầu tu tập vì mong muốn. Lúc đó, sự mong cầu của chúng ta là một sự mong muốn sai lạc. Thực vậy, đó là do ngu mờ. Đó là sự mong cầu cộng với sự hiểu biết sai lạc.

Ngược lại, khi sự mong cầu không đi kèm với sự hiểu biết sai lạc thì ta gọi đó là sự mong muốn bằng trí tuệ (panna) (27). Đó không phải là ngu mờ— đó là sự mong muốn vói một sự hiểu biết đúng đắn. Trong trường hợp này, chúng ta nói rằng đó là nhờ công đức ba-la-mật (pãramĩ) của mỗi người được tích lũy trong quá khứ. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như vậy. Một số người không muốn có sự mong cầu, hoặc họ cũng chẳng muốn không có sự mong cầu. Tuy nhiên, nếu không có sự mong cầu thì không có gì để tu tập.

Chúng ta có thể tự mình nhìn thấy điều này cho mình. Phật và các vị thánh đệ tử đã tu tập để diệt trừ những ô nhiễm của mình. Chúng ta cũng phải muốn tu tập và muốn diệt trừ những ô nhiễm của mình. Chúng ta phải mong cầu có được sự bình an của tâm và không muốn mình bị ngu mờ. Tuy nhiên, nếu sự mong cầu bị trộn lẫn với sự hiểu biết sai lạc (tà kiến), thì nó chỉ mang lại thêm khó khăn khó khổ cho chúng ta mà thôi.

Mọi người, kể cả Đức Phật, cũng bắt đầu tu như vậy, cũng bắt đầu tu bằng sự mong cầu— mong muốn có được sự bình an của tâm và mong muốn không bị ngu mờ, mong muốn không bị khổ. Hai cái mong muốn đó thực ra chỉ là một thứ. Nếu không hiểu biết đúng đắn, thì hai loại mong muốn đó, mong muốn không bị ngu mờ và mong muốn không bị khổ, chỉ là những loại ô nhiễm. Chúng chỉ là một cách mong muốn ngu si— đó là sự mong cầu không có trí tuệ.

Khi tu tập, chúng ta nhận thấy sự mong cầu này là sự tham đắm hoặc sự hành xác. Đây chính là chỗ xung khắc mà vị thầy của chúng ta, Đức Phật, cũng đã từng bị dính; đây là chỗ khó khăn, chỗ dính danh, tiến thoái lưỡng nan. Ban đầu, Phật đã tu theo nhiều cách tu để rồi chỉ kết thúc bằng hai cực đoan như vậy. Và thời bây giờ chúng ta cũng bị dính y như vậy. Chúng ta vẫn còn dính vào hai mặt đối đãi (nhị nguyên), cứ chạy theo hai cực đoan, và rốt cuộc chúng ta cứ trồi lên, sụt xuống, liên tục bị rớt ra khỏi con đường Đạo.

Tuy nhiên, đó là cách chúng ta phải trải qua lúc đầu tu tập. Chúng ta bắt đầu là những kẻ phàm tục, là những chúng sinh với đầy ô nhiễm bất thiện, với sự mong cầu không có trí tuệ đi kèm, với sự mong muốn mà không có sự hiểu biết đúng đắn. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) thì hai thứ mong cầu nói trên sẽ cản trở chúng ta. Cho dù mong cầu hay không mong cầu, đó cũng là dục vọng (tanhã). Nếu chúng ta không hiểu biết đúng về hai điều đó thì chúng ta sẽ không biết xử lý khi chúng khởi sinh. Chúng ta sẽ cảm thấy đi tới cũng sai mà đi lùi lại cũng sai, nhưng cũng không thể dừng lại. Chúng ta làm gì cũng thấy mình thêm mong muốn này nọ. Đó là do thiếu trí tuệ và do dục vọng.

Ngay chính chỗ này, chỗ mong cầu và không mong cầu này, mà chúng ta có thể hiểu được Giáo Pháp. Giáo Pháp mà chúng ta đang tìm kiếm đang có mặt ở ngay đây, nhưng chúng ta không nhìn thấy nó. Hơn nữa, chúng ta kiên nhẫn nỗ lực để dừng tham muốn. Chúng ta muốn mọi thứ phải như vầy, như vậy, và không được khác đi. Hoặc chúng ta muốn mọi thứ không được như vầy, không được như vậy, và phải như cách khác. Thực sự hai cách mong muốn đều như nhau. Chúng chỉ là hai mặt của sự đối đãi. (Chúng ta muốn tâm được bình an và muốn tâm không bị ngu mờ chỉ là cách 'muốn' như nhau; muốn được giải thoát và không muốn bị khổ là cách 'muốn' như nhau).

Có lẽ chúng ta không nhận ra rằng Phật và các vị thánh đệ tử cũng đã từng có loại mong muốn như vậy. Tuy nhiên, Phật hiểu rõ về sự mong cầu và không mong cầu. Phật hiểu được chúng chỉ là hành vi của tâm, chúng chỉ là những thứ chớp nháng, khởi sinh và biến mất. Những loại mong muốn đó diễn ra liên tục suốt thời gian. Khi có trí tuệ, chúng ta không nhận lầm mình với những sự mong muốn đó—chúng ta không bị dính mắc vào chúng. Dù đó là mong cầu hay không mong cầu, chúng ta chỉ đơn giản nhìn nó như vậy. về thực tại, nó chỉ là hành vi (hoạt động) của cái tâm tự nhiên mà thôi. Khi chúng ta nhìn sâu sát, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng rằng đó chỉ là cách tự nhiên của nó.

•Trí Tuệ của Trải Nghiệm Hàng Ngày

Ngay tại đây việc thực hành thiền quán sẽ dẫn chúng ta đến sự hiểu biết. Lấy ví dụ có một ngư dân đang kéo lưới có một con cá lớn trong đó. Các thầy nghĩ ông ta cảm thấy ra sao về việc kéo con cá lớn đó? Nếu ông ta sợ con cá chạy mất, ông ta vội vã kéo nhanh lưới, chụp nắm tùm lum thì con cá sẽ tuột mất khỏi lưới—ông ta đã quá vội.

Ngày xưa người ta khuyên dạy chúng ta phải làm mọi sự một cách từ từ, chậm mà chắc. Việc tu hành cũng vậy, chúng ta tu tập từ từ và đều đặn, chúng ta dần dần "cảm giác được cách tu" của mình như vậy, từ từ tiến bộ, không bị lạc mất bước đi. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy ta không muốn tu tập. Có thể chúng ta không muốn nhìn xem, hoặc không muốn biết, nhưng cứ nên kiên trì. Ta tiếp tục cảm nhận việc tu của mình. Đây là việc tu tập: nếu cảm thấy thích tu, thì ta tu tập và nếu không cảm thấy thích tu tập, thì ta vẫn cứ tu tập. Hứng hay không hứng chúng ta vẫn tu tập. Cứ kiên trì như vậy.

Nếu chúng ta nhiệt thành trong việc tu tập, sức mạnh của lòng tin thành tín đó sẽ tạo năng lượng cho việc ta đang làm. Nhưng ở giai đoạn này chúng ta vẫn chưa có trí tuệ. Dù cho nỗ lực hết sức, việc tu tập vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích. Có thể chúng ta còn phải tu tập một thời gian lâu và cảm giác rằng mình chẳng đi đến đâu, chẳng tìm thấy con đường Đạo. Ta cảm giác như mình không thể tìm thấy sự bình an và tĩnh lặng, hoặc như ta chưa được trang bị đầy đủ để tu hành. Hoặc ta cảm giác như con đường Đạo là điều không thể làm được nữa. Do vậy ta thoái chí và bỏ tu!

Ngay lúc này, chúng ta phải rất rất cẩn thận. Chúng ta phải dùng sự kiên nhẫn và sự chịu khó rất lớn. Giống như việc kéo một con cá lớn vậy—ta phải từ từ cảm nhận từng bước tu. Phải cẩn thận. Không cần phải kéo mạnh, làm mạnh hay cố sức, chỉ cần từ từ cảm nhận, không ngừng, để cuối cùng chúng ta có thể kéo được con cá lớn. Chúng ta cứ tu tập từ từ, đều đặn, kiên trì, rồi sẽ đến lúc ta đạt đến mọi thứ.

Đó là cách chúng ta quán niệm. Nếu chúng ta không có kiến thức hay học thức về những mặt lý thuyết của giáo lý, chúng ta cứ quán sát mọi sự theo trải nghiệm hàng ngày của ta. Chúng ta dùng kiến thức mà mình đã có được, kiến thức có được từ những kinh nghiệm hàng ngày. Loại kiến thức này là tự nhiên đối với tâm. Đúng thực ra, dù chúng ta có học về loại kiến thức này hay không, chúng ta đã có sẵn thực tại của tâm ngay tại đây rồi. Tâm là tâm cho dù chúng ta có học về nó hay chưa. Đó là lý tại sao chúng ta vẫn thường nói rằng dù Đức Phật có sinh ra trên thế gian này hay không thì mọi thứ vẫn diễn ra như chúng là. Mọi thứ đều có mặt theo lẽ tự nhiên của chúng. Lẽ tự nhiên là tất hữu, nó không thay đổi hay khác đi cho dù có Phật hay không có Phật khám phá ra nó. Đó chỉ là cách tự nhiên của tự nhiên, của mọi pháp. Lẽ thật này được gọi là chân lý, tức chân pháp (Sacca Dhamma). Tuy nhiên, nếu ta chúng ta không hiểu biết về chân pháp, thì chúng ta không thể nào chứng ngộ chân pháp.

Vậy chúng ta cứ quán niệm theo cách như vậy. Nếu chúng ta không giỏi về kinh điển, chúng ta cứ lấy tâm mình để học và đọc hiểu nó. Cứ quán niệm một cách liên tục [nguyên văn nói: cứ nói chuyện với bản thân mình] và sự hiểu biết về bản tính tự nhiên của tâm sẽ dần dần tăng lên. Đừng cố ép, đừng thúc ép thứ gì.

•Nỗ Lực Chuyên Cần

Cho đến khi nào chúng ta có khả năng dừng tâm lại, cho đến khi chúng ta đạt đến sự tĩnh lặng, tâm vẫn cứ tiếp diễn theo cách xưa nay của nó. Đó là lý do các sư thầy thường nói: "Cứ tu, cứ tiếp tục tu tập!" Có thể chúng ta nghĩ rằng: "Nếu ta chưa hiểu, làm sao ta tu được?" Nhưng nếu chúng ta không chịu tu tập một cách đúng đắn thì trí tuệ không khởi sinh (nên cũng chẳng hiểu biết gì về sự tu tập của mình sẽ đi đến đâu). Do vậy, chúng tôi vẫn cứ khuyên mọi người hãy tu tập và chuyên cần tu tập. Nếu chúng ta tu tập liên tục không ngừng, thì chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ về việc mình đang tu cái gì. Chúng ta bắt đầu xem xét về việc tu tập.

Chẳng có gì xảy ra nhanh chóng, nên lúc đầu tu tập chúng ta không thể thấy được ngay kết quả. Việc tu tập phải kiên trì và liên tục giống như người xưa cọ sát hai thanh tre khô cho đến khi tạo ra lửa vậy. Tôi thường dùng ví dụ đó để dạy về cách tu. Người xưa nhìn thấy lửa bên trong các thanh tre khô. Nhưng nếu người ấy cố sức, vội vã cọ sát các thanh tre, lửa không phát sinh nhanh. Rồi nếu người ấy ngừng tay, sau đó lại cọ sát lại, thì cũng không tạo ra lửa, bởi khi ngừng tay gián đoạn người ấy phải bắt đầu lại với hai thanh tre nguội lạnh, và tất cả bắt đầu lại từ số không. Người xưa phải rất kiên nhẫn, cọ sát liên tục các thanh tre khô, không ngừng, đều đặn, cho đến khi các thanh tre tích nhiệt và tạo ra lửa.

(Việc tu tập cũng vậy, nếu người tu vội vã, nôn nóng, thúc ép thì không tạo ra kết quả gì. Nếu người tu tu không chuyên cần, không liên tục, lúc tu lúc không, thì cũng chẳng tạo ra được kết quả gì. Chỉ có người tu chuyên cần, đều đặn, liên tục, không gián đoạn thì đến một lúc nào đó người ấy đạt đến kết quả, trí tuệ khởi sinh).

Ai cũng mong muốn có được lửa nhanh, nhưng “dục tốc bất đạt”. Loại kinh nghiệm này làm cho các thiền sinh nản chí tu tập, và do vậy họ cứ bất an thay đổi cách tu tập này sang cách tu tập khác. Và loại kinh nghiệm này cũng giống kinh nghiệm của chúng tôi. Ai cũng trải qua vậy. Tại sao? Tại vì chúng ta đều vẫn còn dính sâu trong những ô nhiễm. Phật ngày xưa cũng có những ô nhiễm, nhưng Phật có nhiều trí tuệ về chuyện này. Khi còn là những người phàm chưa giác ngộ, Phật và các vị A-la-hán thì cũng như chúng ta. Khi chúng ta còn là kẻ phàm phu thì chúng ta chưa nghĩ một cách đúng đắn. Do vậy, mỗi khi có tham muốn khởi sinh thì chúng ta không nhìn thấy nó, và khi không có tham muốn khởi sinh chúng ta cũng không nhìn thấy nó: Lúc thì chúng ta cảm thấy động vọng, lúc thì ta cảm thấy hài lòng. Khi chúng ta không có tham muốn, chúng ta có một kiểu hài lòng nhưng chúng ta cũng có một kiểu ngu mờ. Khi có tham muốn, nó có thể là sự hài lòng hoặc là sự ngu mờ. Tất cả cứ lẫn lộn qua lại như vậy.

•Hiểu Biết Mình và Hiểu Biết Người

Đức Phật dạy chúng ta quán xét về thân, ví dụ: tóc, lông, móng, răng, da... toàn bộ cơ thể. Hãy nhìn thử! Chúng ta được dạy phải xem xét điều tra ngay tại chỗ này. Nếu chúng ta không nhìn thấy một cách rõ ràng những bộ phận đó ngay trong thân của mình, thì ta cũng chẳng hiểu biết gì về người khác. Chúng ta nhìn thấy gì về người khác và bản thân mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu biết và nhìn thấy rõ ràng bản chất của thân ta, thì sự nghi ngờ và nghi vấn về người khác sẽ không còn. Điều này là bởi thân và tâm (sắc và danh, rupa và nama) của mọi người là tương tự như nhau, cùng một loại. Không cần phải đi xem xét, mổ xẻ người khác thì mới hiểu về họ, ta biết họ cũng giống như ta mà thôi, nếu ta hiểu biết rõ về bản thân ta. Nếu ta có loại hiểu biết như vậy, gánh nặng của ta sẽ vơi nhẹ đi. Không có loại hiểu biết này, tất cả mọi sự chúng ta làm đều làm cho gánh nặng càng thêm nặng. Không hiểu biết như vậy, ta cứ đi xăm soi, điều tra, xem xét về mọi người trên cả thế gian này để hiểu biết về họ. Điều đó quá khó làm. Rồi ta sẽ trở nên nản chí.

Giới Luật (Vinaya) nhà Phật cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta nhìn vào Giới Luật Tỳ kheo, chúng ta thấy quá khó để thực hiện. Chúng ta phải học từng giới luật, kiêng giữ từng giới luật, xem xét việc tu hành của chúng ta với từng giới luật. Nếu chúng ta cứ nghĩ như vậy, chúng ta sẽ la lên: "Ồ, không thể nào thực hiện được!" Khi chúng ta đọc từng điều luật được đánh số và ý nghĩa của chúng, nếu chúng ta cứ chạy theo suy nghĩ về chúng, chúng ta có thể cho rằng toàn bộ số lượng điều luật đó là vượt qua khả năng thực hiện của chúng ta. Mọi người ai cũng nghĩ vậy, khi nhìn số lượng các điều luật trong Giới Luật Tỳ kheo.

Kinh điển nói rằng chúng ta phải xem xét chính mình so với từng giới luật và tuân giữ theo chúng một cách nghiêm khắc. Chúng ta phải hiểu biết hết các giới luật và tuân giữ theo chúng một cách hoàn hảo. Điều này cũng giống như nói rằng để hiểu biết hết tất cả mọi người chúng ta phải đi xăm soi, xem xét, điều tra tuyệt đối từng người. Đây là một thái độ quá nặng nề. Và điều nặng nề này là do bởi chúng ta cứ 'y kinh diễn nghĩa'. Điều này giống như chúng ta học sách giáo khoa thì chúng ta phải làm theo y như nó. Một số thầy cô dạy theo cách như vậy—phải làm như sách vở đã ghi. Nhưng thực tế thì điều đó không thực hiện được là mấy. (28)

Thực là, nếu chúng ta học lý thuyết theo kiểu đó thì sự thực hành của chúng ta cũng chẳng đi đến đâu. Thực tế, lòng tin của chúng ta sẽ biến mất, lòng tin vào con đường Đạo cũng bị tiêu diệt. Điều này là do chúng ta chưa hiểu rõ. Khi nào ta có trí tuệ, ta sẽ nhìn thấy toàn bộ thế gian này thực sự cũng giống một người mà thôi. Tất cả mọi người đều giống nhau. Do vậy, chỉ cần quán xét và hiểu biết về thân và tâm mình. Khi đã hiểu biết về bản chất của thân và tâm mình, thì ta có thể hiểu biết về bản chất của thân và tâm của người khác. Và nhờ vậy, theo cách đó, gánh nặng về sự tu tập của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn.

Đức Phật đã dạy phải tự mình dạy và hướng dẫn chính mình—không ai có thể làm điều đó cho ta. Khi ta quán xét và hiểu biết về bản chất sự sống của chính mình, thì ta có thể hiểu biết bản chất của tất cả mọi sự sống khác. Mọi người thực sự là như nhau. Chúng ta đều được 'tạo ra' như nhau và cùng một 'loại'—chỉ khác nhau một chút bóng dáng. Cũng giống như nhiều thứ thuốc giảm đau, thực ra có cùng dược chất, ví dụ chất paracetamol, chúng chỉ khác nhau về tên gọi, nhãn hiệu, hình dáng viên thuốc. Thực ra chúng chẳng khác nhau.

Các thầy sẽ thấy rằng cách nhìn này sẽ càng ngày càng dễ hơn khi các thầy biết quy về một mối để quán xét. Chúng tôi gọi điều này là "cảm giác được cách tu của mình" ("bắt" được cách tu), và đó là cách chúng ta bắt đầu tu tập. Chúng ta sẽ trở nên thiện thạo tu tập như vậy. Chúng ta cứ tu, liên tục tu cho đến khi nào sự hiểu biết này khởi sinh, và khi sự hiểu biết này khởi sinh, chúng ta có thể nhìn thấy hiện thực một cách rõ ràng.

• Lý Thuyết và Thực Hành

Do vậy, chúng ta tiếp tục thực hành cho đến khi chúng ta có một cảm giác về điều đó. Sau một thời gian, tùy thuộc vào những căn cơ và khả năng của mỗi người, một loại hiểu biết mới sẽ khởi sinh. Điều này chúng ta gọi là sự điều tra về mọi sự, sự điều tra các pháp (trạch pháp, dhamma-vicaya), và đây là một trong bảy yếu tố giúp giác ngộ (thất giác chi) khởi sinh trong tâm. Điều tra pháp là một yếu tố trong bảy yếu tố đó. Các yếu tố khác là: chánh niệm, năng lực tinh tấn, hoan hỷ, tĩnh lặng, chánh định và buông xả.

Nếu chúng ta học về bảy yếu tố giúp giác ngộ thì chúng ta biết kinh sách viết gì nói gì, nhưng chúng ta không thể nào thấy được những yếu tố giác ngộ đích thực là gì. Những yếu tố giác ngộ đích thực khởi sinh ở trong tâm. Do vậy, Phật đã chỉ cho chúng ta tất cả những giáo lý khác nhau. Tất cả các bậc giác ngộ đều dạy con đường thoát khỏi khổ và những lời dạy của họ đã được ghi chép lại được gọi là những giáo lý. Và những giáo lý đó được rút ra từ việc thực hành, nhưng sau khi được ghi chép lại thì chúng chỉ là sách vở.

Những yếu tố giác ngộ đích thực đã biến mất bởi chúng ta không biết về chúng bên trong chúng ta, chúng ta không nhìn thấy chúng bên trong tâm chúng ta. Nếu chúng có khởi sinh thì khởi sinh từ việc tu tập, thực hành. Mà nếu chúng khởi sinh từ việc tu tập thì chúng là những yếu tố dẫn đến giác ngộ Giáo Pháp và chúng ta có thể coi sự khởi sinh đích thực của chúng là dấu hiệu xác định việc tu tập của chúng ta là đang đúng hướng. Nếu chúng ta tu tập không đúng đắn, những yếu tố giác ngộ đó chẳng bao giờ khởi sinh.

Nếu chúng ta tu tập đúng đắn, thì chúng ta có thể nhìn thấy Giáo Pháp. Do vậy, chúng tôi nói rằng cứ tu, cứ tu tập liên tục, và dần dần "cảm giác được cách tu của mình" thông qua sự tìm hiểu, điều tra các pháp. Ta cảm giác được việc tu tập của mình bằng việc trạch pháp liên tục. Tìm hiểu, suy xét, quán xét liên tục ngay chỗ này, trong thân tâm này, đừng nghĩ sẽ tìm thấy gì ở nơi khác.

Một trong những đệ tử thâm niên của tôi đã từng học tiếng Pali ở một chùa trước khi đến đây tu. Thầy ấy đã không học giỏi tiếng Pali ở chùa đó nên thầy ấy nghĩ rằng chỉ có những người ngồi thiền mới có thể nhìn thấy và hiểu biết mọi pháp, do vậy thầy ấy đến đây tu thiền theo cách ở đây. Thầy ấy đến chùa Wat Pah Pong này với ý định ngồi thiền để sau đó có khả năng dịch các kinh điển Pali. Thầy ấy nghĩ như vậy. Tôi giải thích cách tu tập ở đây là vậy, nhưng thầy ấy hiểu lầm ý tôi hoàn toàn. Thầy ấy nghĩ rằng ngồi thiền là dễ dàng và sẽ nhìn thấy mọi pháp một cách rõ ràng.

Nếu chúng ta nói về sự hiểu biết Giáo Pháp thì các tăng ni học giáo lý và các tăng ni thực hành đều dùng những ngôn từ giống nhau. Nhưng sự hiểu biết thực sự từ việc học giáo lý kinh điển và từ việc tu tập thực hành không phải là giống nhau, cái thứ hai là sâu sắc hơn. Đó là sự hiểu biết từ việc tu tập thực hành, nó sâu sắc hơn sự hiểu biết từ giáo lý. Sự hiểu biết từ việc tu hành dẫn đến sự từ bỏ, sự buông bỏ. Chúng ta đeo đuổi việc tu tập cho đến khi đạt đến sự buông bỏ hoàn toàn—khi nào còn chưa đạt đến đó, chúng ta vẫn kiên trì quán xét, quán niệm, thiền quán như vậy. Nếu tham, sân và ghét khởi sinh trong tâm, chúng ta không làm ngơ với chứng. Chúng ta không rời bỏ chúng mà đón nhận chúng, rồi điều tra quán xét xem nó khởi sinh cách nào và khởi sinh từ đâu. Nếu những trạng thái đó đã có trong tâm từ trước, thì chúng ta sẽ điều tra quán xét coi chúng làm khó chúng ta ra sao. Chúng ta nhìn thấy chúng một cách rõ ràng và hiểu rõ những khó khăn mà chúng ta tự gây ra cho chính mình khi chúng ta cứ chạy theo và tin theo những trạng thái đó. (Chúng ta làm khổ mình vì chạy theo những trạng thái vui, buồn, tham, sân, ghét, chán đó). Loại hiểu biết và nhìn thấy như vậy để đi đến buông bỏ không thể tìm thấy ở đâu khác hay ở bên ngoài, mà ngay bên trong cái chân tâm này của chúng ta.

Vì chỗ này mà những người giỏi giáo lý và những người tu tập thường hiểu lầm nhau. Thường thì người đề cao giáo lý hay nói theo kiểu: "Những tăng ni chỉ chuyên thiền tập là chỉ tu theo thiển ý của mình. Họ không có căn bản giáo lý". Thực là, theo một ý nghĩa, hai việc tu học giáo lý và tu tập thực hành chính xác là một. Chỉ giống như hai mặt của bàn tay mình mà thôi. Nếu lật bàn tay lên thì có vẻ như mu bàn tay không có; nếu úp bàn tay thì có vẻ như lòng bàn tay không có. Thực ra, mu bàn tay không biến mất, nó chỉ bị che khuất bên dưới bàn tay. Nhưng khi chúng ta nói chúng ta không nhìn thấy nó, điều đó không có nghĩa là nó không có hay biến mất, nó chỉ nằm khuất bên dưới mà ta không nhìn thấy. Khi trở bàn tay lại, thì điều tương tự cũng xảy ra với lòng bàn tay; ta chỉ nhìn thấy mu bàn tay, và tưởng rằng lòng bàn tay không có hay biến mất; thực ra lòng bàn tay chỉ bị che khuất bên dưới mà thôi.

Chúng ta nên ghi nhớ trong tâm điều này khi chúng ta suy xét về sự tu tập của mình. Nếu chúng ta nghĩ sự tu tập của mình "không có" hay "biến mất", chúng ta sẽ từ bỏ thực hành và chuyển sang tu học theo giáo lý để mong có kết quả. Nhưng dù các thầy có tu học về Giáo Pháp đến đâu, thì các thầy cũng chẳng hiểu biết gì, bởi các thầy sẽ không hiểu biết đúng theo sự thật. Nếu chúng ta thực sự hiểu biết bản chất đích thực của Giáo Pháp, thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đạt đến sự buông bỏ. Cốt lõi ở đây là sự buông bỏ, sự phá bỏ những kiến chấp và dính mắc (upãdãna), không còn dính mắc, không còn chấp thủ nữa; hoặc nếu còn ít nhiều dính mắc thì nó sẽ càng ngày càng ít đi, ít đi, phai biến đi. Đó là sự khác biệt giữa hai cách tu học giáo lý và cách tu tập giáo lý. (Một cái là học giáo lý để mong hiểu biết Giáo Pháp; một cái là thực hành Giáo Pháp để tự tâm hiểu biết Giáo Pháp. Sự hiểu biết thứ hai nếu có được là sự hiểu biết dẫn đến sự buông bỏ).

Khi chúng ta nói về học, chúng ta có thể hiểu nôm na như vầy: mắt là một đề tài để học, tai là một đề tài để học— mọi thứ là đề tài để học. Chúng ta có thể biết hình sắc là như vầy và như vậy, nhưng chúng ta vẫn dính mắc vào sắc và không biết đường thoát ra. Chúng ta có thể phân biệt âm thanh, nhưng chúng ta vẫn dính mắc vào nó (hay, dở, ồn, êm dịu...). Những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những chạm xúc và những tâm tưởng đều là cái bẫy bắt dính tất cả chúng sinh vào chúng.

Điều tra, suy xét về những thứ đó là cách tu tập Giáo Pháp của chúng ta ở đây. Khi có một cảm giác (thọ) khởi sinh, chúng ta dùng sự hiểu biết để trân trọng nó. Nếu chúng ta có tu học giáo lý bài bản, chúng ta sẽ lập tức chuyển tâm qua nó và nhìn xem nó khởi sinh ra sao, từ đâu, rồi trở thành cái gì, như vầy, như vậy...vân vân. Còn nếu chúng ta không học giáo lý bài bản, thì chúng ta cứ để cho cái tâm tự nhiên xử lý với cảm thọ đó. Chỗ này là Giáo Pháp của chúng ta. Nếu chúng ta có trí tuệ, chúng ta có thể xem xét cái tâm tự nhiên này của chúng ta và dùng nó như một đối tượng để học. Đó cũng là một cách như nhau. Cái tâm tự nhiên của chúng ta là lý thuyết. Phật đã dạy chúng ta đón nhận tất cả mọi ý nghĩ và cảm thọ khởi sinh và điều tra suy xét về chúng. Dùng cái thực tại của cái tâm tự nhiên của chúng ta làm lý thuyết. Chúng ta dựa vào thực tại đó.

(Tâm tự nhiên xử lý theo cách của nó khi nó có một ý nghĩ hay cảm thọ. Ta cứ nhìn theo nó, lấy cái tâm tự nhiên đó để làm đề mục quán xét (thiền quán), chúng ta cứ khách quan quan sát cái tâm tự nhiên đó hành vi theo cách tự nhiên của nó).

•Thiền Minh Sát (Vipassanã)

Nếu chúng ta có lòng tin thì dù chúng ta có học hiểu về giáo lý hay không, điều đó không thành vấn đề. Nếu cái tâm tin tưởng của chúng ta dẫn dắt chúng ta đến việc tu hành, dẫn dắt chúng ta thường xuyên tu dưỡng năng lực tinh tấn và tính kiên nhẫn, thì có học giáo lý hay không không là vấn đề. Chúng ta có sự chánh niệm là nền tảng cho việc tu tập của mình. Chúng ta chánh niệm vào tất cả mọi tư thế của thân, dù đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm. Và nếu có sự chánh niệm (satĩ) thì sẽ luôn có sự hiểu biết rõ ràng (sampaịanũa, tự tỉnh giác) đi theo nó. Sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng sẽ cùng khởi sinh với nhau. Tuy nhiên, chúng khởi sinh rất nhanh, chúng ta khó mà nói chúng là riêng nhau. Nhưng, khi nào có mặt sự chánh niệm, thì khi đó có mặt sự hiểu biết rõ ràng.

Khi tâm chúng ta vững vàng và ổn định, sự chánh niệm sẽ có mặt nhanh chóng và dễ dàng, và lúc đó cũng là lúc chúng ta có trí tuệ. Mặc dù vậy, đôi lúc trí tuệ khống có đủ hoặc không khởi sinh đúng lúc. Nhiều lúc có mặt sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng, nhưng chỉ riêng hai thứ đó thì không đủ để kiểm soát tình huống. Thông thường, nếu sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng là một nền tảng của tâm, thì trí tuệ sẽ có mặt ở đó để trợ giúp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tu dưỡng trí tuệ đó một cách đều đặn, liên tục bằng phương cách thiền minh sát. Về thực hành là, bất kỳ sự gì khởi sinh trong tâm có thể là đối tượng của chánh niệm và của sự hiểu biết rõ ràng. Nhưng chúng ta phải nhìn thấy đúng theo lẽ thật Vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Lẽ thực về vô-thường là căn bản, là cơ sở của các lẽ thực kia. Khổ là chỉ về bản tính bất toại nguyện của mọi sự sống. Và vô-ngã có nghĩa là không có một bản ngã, không có một tự tính bên trong tất cả mọi hiện tượng và sự thể của sự sống. Chúng ta nhìn thấy đơn giản chỉ là một cảm nhận khởi sinh, rằng nó không có cái bản ngã hay tự tính nào trong đó, nó hiện lên rồi biến mất, nó khởi sinh và biến diệt theo cách tự nhiên của nó. (Chẳng có ai điều khiển cái sự khởi sinh và biến mất đó). Tất cả chỉ là vậy, sinh diệt, sinh diệt! Một số người còn ngu mờ, không có trí tuệ sẽ lỡ mất cơ hội đó, họ không biết tận dụng cái cảm nhận sinh diệt đó để phát huy trí tuệ hiểu biết về lẽ sinh-diệt của mọi sự sống.

Nếu trí tuệ có mặt thì chắc chắn sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng đang có mặt ngay đó với nó. Tuy nhiên, trong thời gian tu tập ban đầu trí tuệ có thể không rõ rệt, không có mặt rõ ràng. Do đó, sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng chưa thể bắt kịp từng đối tượng, nhưng rồi trí tuệ sẽ có mặt để trợ giúp. Trí tuệ có thể nhìn thấy chất lượng của sự chánh niệm đang có ở đó (mạnh hay yếu) và nhìn thấy loại cảm thọ nào đã khởi sinh (sướng hay khổ, tham hay sân, thiện hay bất thiện, mạnh hay yếu...). Hoặc là, nói theo cách chung nhất, dù sự chánh niệm đang có mặt ở đó hoặc cảm thọ đang khởi sinh đó là thuộc loại gì, thì tất cả chúng đều là Giáo Pháp.

Phật đã dùng cách tu thiền minh sát làm nền tảng của mình. Phật nhìn ra rằng chính sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng đều là không chắc chắn và không ổn định. Mọi thứ đều không ổn định, nhưng chúng ta cứ muốn mọi thứ ổn định và trường tồn cho nên chúng ta khổ. Chúng ta cứ muốn mọi sự như theo ý mình, rồi chúng ta phải bị khổ bởi mọi sự đâu diễn ra theo ý của mình, chúng diễn ra theo đường lối tự nhiên của chúng. Đó là do tác động của cái tâm chưa trong sạch, tác động của cái tâm chưa có trí tuệ.

Khi tu tập, chúng ta thường hay bị dính vào cái ý 'muốn việc tu được dễ dàng', muốn sự tu tập phải theo ý muốn hay mong cầu của mình. Chúng ta không cần đi đâu xa để hiểu được thái độ mong muốn kiểu này. Chỉ cần nhìn vào thân này! Đó có phải là cách chúng ta muốn nó như vậy không? Một phút ta muốn nó như vầy, phút sau ta muốn nó như kia. Nhưng, chúng ta có bao giờ có được nó như ý muốn của ta không? Bản chất của thân và tâm của chúng ta cũng như vậy, nó chẳng bao giờ theo ý ai. Đơn giản, nó diễn ra theo lẽ tự nhiên của nó.

Điểm này trong tu tập rất dễ bị bỏ quên. Thói thường, bất cứ thứ gì ta cảm thấy không hòa hợp với ta, ta từ đẩy nó đi; bất cứ thứ gì không làm vui lòng chúng ta, chúng ta chối bỏ nó, kháng cự với nó. Chúng ta không chịu dừng (tâm) lại để suy nghĩ rằng cách mình thích hay không thích về mọi sự thể là thực sự đúng đắn hay không! Chúng ta cứ nghĩ (chấp thủ, tà kiến, ngu mờ) rằng thứ gì không hòa hợp với ta (không làm mình sướng, vui, dễ chịu) là sai, xấu, dở; và thứ gì hòa hợp với ta (làm ta sướng, vui, dễ chịu) thì là đúng, tốt, hay.

Chính đây là nơi dục vọng khởi sinh. Mỗi khi chúng ta nhận kích thích thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, thì một cảm thọ thích hay không thích khởi sinh. Điều này cho thấy tâm còn đầy những dính mắc. Do vậy, Phật đã chỉ dạy cho chúng ta về lẽ "vô thường". Phật chỉ cho chúng ta cách quán xét về mọi sự thể và hiện tượng. Nếu chúng ta cứ chấp thủ vào một thứ gì là thường hằng bất biến, thì điều đó chỉ làm chúng ta khổ mà thôi, (bởi vì làm gì có thứ gì thường hằng bất biến trên thế gian này). Chẳng có lý do gì chúng ta cứ mong muốn có mọi thứ như theo ý của chúng ta; chẳng có lý do gì chúng ta phải nhìn nhận mọi sự thể theo ý thích hay không thích của chúng ta. (Mọi sự thể thì đang ở ngoài tự nhiên, chúng đang ở trong trạng thái biến đổi tự nhiên của chúng, nhưng chúng ta cứ bắt chúng lại, và nhận lầm chúng theo ý thích hay không thích của ta, theo dục vọng của chúng ta. Điều đó là sai với bản chất tự nhiên thực sự của chúng). Bắt mọi sự hay nhìn nhận mọi thứ theo ý của ta là điều không thể. Chúng ta đâu có cái 'quyền' đó hay 'năng lực' đó. Dù chúng ta có thích thứ gì theo ý mình, thì nó vẫn diễn ra theo cách tự nhiên của nó. Dù ta có ghét thứ gì, nó vẫn là nó, nó vẫn có mặt và biến đổi theo đường lối tự nhiên của nó như tự bao giờ. Cứ tham muốn, mong muốn, mong cầu, dục vọng theo kiểu như vậy thì không phải là cách để giải thoát khỏi khổ.

Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy cách cái tâm ngu mờ hiểu biết theo một cách, và cách cái tâm không còn ngu mờ hiểu biết theo cách khác. Khi cái tâm có trí tuệ đón nhận một cảm nhận, ví dụ, nó sẽ nhìn thấy đó là thứ không đáng để dính chấp, không đáng để nắm giữ và không đáng để nhận lấy đó là cảm nhận 'của ta'. Cách này cho thấy trí tuệ có mặt. Nếu không có trí tuệ, chúng ta chỉ đơn thuần chạy theo sự ngu mờ của mình, (cứ chạy theo những cảm nhận đó và nhận lầm chúng là 'mình'). Sự ngu mờ đó là không nhìn thấy bản chất 'vô thường, khổ và vô ngã' (của cái cảm nhận đó). Ngu mờ là cứ coi những thứ mình thích là tốt và đúng; coi những thứ mình ghét là xấu và bậy. Cách như vậy chẳng bao giờ đạt đến Giáo Pháp—trí tuệ chẳng bao giờ khởi sinh. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy rõ sự ngu mờ của chúng ta thì trí tuệ khởi sinh.

Đức Phật đã thiết lập vững chắc trong tâm cách tu tập thiền minh sát và dùng nó để điều tra quán xét tất cả những nhận thức khác nhau của tâm. Bất cứ thứ gì khởi sinh trong tâm, Phật điều tra quán xét như vầy: ngay cả khi ta thích nó, nó cũng là không chắc chắn. Nó là khổ, bởi mọi thứ đều luôn luôn khởi sinh và biến mất không theo tác động của tâm. Tất cả mọi thứ đều không phải là ta, không phải của ta, không thuộc về ta. Phật đã dạy chúng ta nhìn xem chúng đúng như chúng là. Đó là nguyên lý và nguyên tắc của thiền minh sát.

Sau đó chúng ta hiểu rằng ta không thể làm gì để tạo ra những trạng thái tâm theo ý muốn của ta. Cả trạng thái tốt và trạng thái xấu đều xảy đến. Có thứ hữu ích, có thứ không. Nếu chúng ta không hiểu biết một cách đúng đắn về mọi thứ thì chúng ta không thể nào phán đoán một cách đúng đắn. Do vậy, ta cứ chạy theo dục vọng hoặc trốn chạy vì dục vọng.

Có lúc ta thấy vui, có lúc ta thấy buồn, nhưng điều đó là tự nhiên. Có lúc chúng ta thấy hài lòng, có lúc chúng ta thấy thất vọng. Cái gì ta thích ta chấp nó là tốt, và thứ gì ta không thích ta chấp nó là xấu. Cứ như vậy thì chúng ta càng ngày càng tự cách xa với Giáo Pháp. Khi có điều gì xảy đến, ta không thể hiểu ra hay nhận ra Giáo Pháp, và do vậy chúng ta cứ mãi ngu mờ về mọi thứ. Tham muốn càng tăng bởi tâm chúng ta chẳng có gì ngoài sự ngu mờ.

Đây là cách chúng ta bàn về cái tâm. Không cần phải đi đâu xa mới hiểu được. Đơn giản chúng ta nhìn vào tâm và thấy nó không phải là một thứ thường hằng, ổn định, nhất quán. Chúng ta thấy nó là vô thường, và do đó là khổ và bất toại nguyện, không phải là một 'cái gì' cố định (như kiểu một linh hồn như mọi người vẫn lầm tưởng). Nếu cứ tu tập theo phương pháp này, chúng ta gọi đó là phương pháp minh sát (có nghĩa là nhìn thấy mọi sự thể một cách rõ ràng, minh mẫn, thấu suốt). Đó là vipassanã, là thiền minh sát. Nói nôm na hon, đó là nhận biết những gì có mặt trong tâm ta, và bằng cách nhận biết từng thứ có mặt trong tâm như vậy, chúng ta phát triển trí tuệ.

•Thiền Định (Samatha)

Cách tu tập thiền định của chúng ta là như vầy: chúng ta thiết lập sự tu tập "sự chánh niệm vào hơi-thở vào ra" trở thành một nền tảng hay một phương tiện để kiểm soát tâm. Bằng cách đặt tâm chú tâm theo luồng hơi thở, thì tâm sẽ nó sẽ trở nên vững vấhg, tĩnh lặng và tĩnh tại (mạnh mẽ, yên lặng và bất động). Cách tu tập làm cho tâm được tĩnh lặng như vậy được gọi là thiền định (samatha). Điều cần thỉết là phải thực tập nhiều cách tu tập này, bởi tâm này luôn đây sự động vọng và bất an. Nó rất là ngu mờ và lầm lẫn. Rất khó nói tâm đã ngu mờ và động vọng như vậy đã bao nhiêu năm hay bao nhiêu kiếp sống. Nếu chúng ta ngồi xuống và quán sát chúng ta sẽ thấy có cả đống thứ làm cho tâm không bình an và tĩnh lặng, cả đống thứ làm cho tâm lầm lẫn và ngu mờ!

Vì lẽ này, Phật đã dạy chúng ta phải tìm một đề mục thiền phù hợp với căn cơ của mình, tìm một cách tu tập phù hợp với tính khí của mình. Ví dụ, việc ngồi quán sát liên tục về những bộ phận của thân này: tóc, lông, móng, răng và da, là một cách làm cho tâm rất tĩnh lặng. Tâm có thể rất bình an với cách tu tập này. Nếu việc quán niệm về năm bộ phận đầu tiên đó của tâm giúp tâm được bình lặng, thì năm bộ phận đó hẳn là những đối tượng phù hợp cho việc quán niệm đối với căn cơ của ta. Cái gì phù hợp theo cách như vậy thì chúng ta có thể coi đó là cách tu tập của mình và dùng nó để chinh phục những ô nhiễm trong tâm. (Nếu làm cho tâm được bình lặng và bất động, thì trước nhất ta có thể khống chế những ô nhiễm không còn khởi sinh trong tâm. Đó là giá trị của thiền định).

Một ví dụ khác, theo kinh mà Phật đã chỉ dạy, đó là cách quán niệm hay quán tưởng về sự chết. Đối với những ai còn quá nặng tham, sân, si, khó ở, khó chịu với mọi thứ và mọi người, người đó nên lấy đề tài cái chết làm đề mục để thiền. Chúng ta đi đến hiểu biết mọi ngưòi đều phải chết, dù ai giàu hay nghèo, dù ai tốt hay xấu. Tất cả mọi người đều phải chết! Tu tập cách đó giúp hiểu biết về lẽ thực này sẽ giúp khởi sinh sự chán bỏ, sự không còn tham chấp vào cuộc đời này nữa. (Không còn bảo vệ cái 'ta' và chiến đấu bằng mọi giá cho cái 'ta' đoản mệnh này nữa). Càng tu tập (thiền quán) về lẽ thực này, tâm càng được tĩnh lặng. Đó là nhờ có cách tu tập phù hợp và đúng đắn. Nếu cách thiền định (đối tượng, đề mục thiền) không phù hợp với căn cơ của chúng ta, thì nó sẽ không tạo ra thái độ chán bỏ hay từ bỏ. (Ví dụ thiền về sự chết mà người thiền vẫn không "thấm nhuần" lẽ thực về cái chết thì làm sao người ấy chịu buông bỏ tham, sân, si hoặc chịu chán bỏ cái 'ta' và những cái 'của ta'). Nếu đối tượng thiền là đúng phù hợp với ta thì sự chán bỏ sẽ khởi sinh thường xuyên, không mấy khó khăn, và chúng ta sẽ luôn suy nghĩ và thấm nhuần về sự chán bỏ đó.

Về chỗ này, ta có thể nhìn thấy trong sự sống hàng ngày. Khi những Phật tử tại gia mang đồ ăn đến chùa cúng dường cho các tăng, chúng tôi nếm tất cả các món để biết những món nào chúng tôi thích. Và sau đó chúng tôi biết món nào phù hợp nhất với khẩu vị của chúng tôi. Ví dụ thế này, chúng tôi chọn những món chúng tôi thích, và sau đó chúng tôi chọn ra món nào là thích hợp nhất. Lúc đó chúng tôi không cần đụng đến những món còn lại (chẳng hạn, để nguyên cho người khác ăn, vì những món đó có thể rất phù hợp với khẩu vị của người khác).

Việc tu tập thiền định bằng cách chú tâm vào hơi-thở vào và ra là ví dụ về một loại thiền phù hợp cho hầu hết tất cả chúng ta. (Giống như cơm là món chính phù hợp cho hầu hết mọi người vậy, bên cạnh những món khác nhau phù hợp cho mỗi người khác nhau). Dường như khi chúng ta cứ tu nhiều cách tu khác nhau, chúng ta không cảm thấy tốt. Nhưng khi chúng ta ngồi xuống và quan sát hơi-thở chúng ta cảm thấy tốt, chúng ta có thể nhìn thấy hơi thở một cách rõ ràng. Không cần phải đi tìm ở đâu xa, chúng ta có thể dùng cái gần gũi nhất của ta, và cách đó chắc là tốt nhất. Chỉ cần quan sát hơi-thở. Nó đi vào, đi ra—chúng ta cứ quan sát nó. Chúng ta cứ liên tục quan sát hơi thở đi vào đi ra trong một thời gian thì tâm sẽ từ từ lắng lặng xuống. Những hành vi khác của tâm vẫn còn khởi sinh, nhưng chúng ta cảm thấy chúng ở xa. Giống như chúng ta đã sống cách xa khỏi chúng và không còn cảm thấy gần với chúng nữa. Chúng ta không còn tiếp xúc mạnh với chúng nữa, hoặc có lẽ không còn tiếp xúc với chúng nữa.

Khi chúng ta đã "bắt" được cách tu tập chánh niệm về hơi-thở như vậy, sự tu tập sẽ trở nên dễ dàng. Nếu chúng ta tiếp tục tu tập phương pháp này chúng ta sẽ đạt được những trải nghiệm và trở nên thiện thạo trong việc hiểu biết bản chất của hơi-thở. Chúng ta biết được hơi thở dài và hơi thở ngắn là gì.

Theo một cách nhìn khác, chúng ta có thể nói về hơi thở như thức ăn. Khi đang ngồi hoặc đang đi, chúng ta thở; khi đang ngủ, chúng ta thở; khi đang thức, chúng ta thở. Nếu chúng ta không thở, ta chết. Người ta thường chỉ nghĩ về những thứ thức ăn khác, nếu không ăn trong vài giờ, vài ngày, chưa chắc chúng ta phải chết. Nhưng nếu chúng ta không thở trong một chốc lát, hay trong năm mười phút, chúng ta chết ngay. Hãy thử đi! Vậy "thức ăn hơi-thở" mới là quan trọng nhất.

Người bắt đầu chú tâm đến hơi thở, bắt đầu tu tập chánh niệm vào hơi thở sẽ có được sự hiểu biết đó. Kiến thức có được từ sự tu tập này đúng thực là rất hay. Nếu chúng ta không quán xét theo (chánh niệm) về hơi thở, chúng ta sẽ không biết được hơi thở là một loại thức ăn quan trọng nhất, thực là, chúng ta phải "ăn" dưỡng khí liên tục liên tục, và không ngừng... thở vào, thở ra suốt mọi thời gian. Thêm nữa, ta nhận ra rằng khi chúng ta càng tu tập chánh niệm về hơi thở, ta càng thu được nhiều lợi lạc từ việc tu tập đó, và hơi thở càng lúc càng trở nên tế nhị. Hơi thở càng trở nên vi tế đến nỗi ta cứ nghĩ là ta ngừng thở, hoặc như hơi thở đã ngừng lại. Thực ra, hơi thở đi qua các lỗ chân lông trên da. Điều này chúng ta gọi là "sự thở vi tế". Khi tâm ta đã hoàn toàn tĩnh lặng, hơi thở bình thường sẽ 'ngừng' thở theo cách như vậy. Chúng ta không cần phải sợ hay hốt hoảng về điều này. Nếu hơi thở không còn thì ta nên làm gì? Chỉ cần nhận biết nó như vậy! Nhận biết rõ sự không còn hơi thở, chỉ cần làm vậy. Đây là cách tu tập đúng đắn.

Ở đây chúng ta đang nói về phương pháp thiền định (samatha), cách tu để tạo ra sự tĩnh lặng của tâm, đó là sự định tâm. Nếu đối tượng thiền ta chọn là đứng đắn và phù hợp, nó sẽ dẫn chúng ta đến loại trải nghiệm như vậy. Đây là bước khởi đầu, nhưng tu tập như vậy cũng đủ để chúng ta tu tiến suốt con đường, hoặc ít nhất cũng đạt đến chỗ chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng và tiếp tục tu tập với một lòng tin tưởng về phương pháp tu tập này. Nếu chúng ta tiếp tục quán niệm theo phương pháp này, năng lượng sẽ sản sinh trong ta. Giống như nước trong lu. Chúng ta tiếp tục đổ nước vào và giữ nước đầy. Nỗ lực tu tập hằng ngày theo cách như vậy, đừng để nước bị lưng hay vơi cạn trong lu. Cứ luôn luôn quay lại tu tập. Chúng ta sẽ thấy rất tốt lành và bình an.

Sự bình an có được từ sự nhất-điểm của tâm. Tuy nhiên, trạng thái nhất-điểm này của tâm cũng rất nhiêu khê, rắc rối, bởi chúng ta không muốn những trạng thái tâm khác xen vào quấy nhiễu ta. Thực ra, trạng thái khác của tâm cũng xảy đến, mà bản thân nó cũng có thể là trạng thái nhất-điểm của tâm. Cũng giống như khi ta nhìn những đàn ông và phụ nữ khắp nơi, nhưng chúng ta không có cùng cảm giác mà chúng ta có đối với cha và mẹ mình. Thực là, mọi người đàn ông đều giống như cha mình và mọi người phụ nữ cũng giống như mẹ mình, nhưng do ta không cảm giác về họ như cảm giác về cha và về mẹ mình. Chúng ta cảm giác cha mẹ quan trọng hơn, vì cha mẹ có giá trị với ta nhiều hơn mọi người.

Ta nên có cách nhìn khách quan và công bằng hơn đối với trạng thái nhất-điểm của tâm. Giống như cách chúng ta nên nhìn mọi người với cảm giác giống như cha mẹ mình. Tất cả mọi hành vi khởi sinh thì chúng ta trân trọng như nhau, mọi trạng thái tâm đều được coi như nhau. Chúng ta không ngừng xem xét từng mỗi trạng thái, xem xét từng cái một cách 'vô tư', đơn giản chúng ta nhận biết sự có mặt của chúng và đừng nên thiên vị trạng thái nào.

•Tháo Gỡ Nút Thắt

Khi sự tu tập thiền định của chúng ta đạt đến sự tĩnh lặng, tâm sẽ được trong sáng và sáng tỏ. Hoạt động của tâm sẽ dần dần ít đi. Những nhận thức khác nhau của tâm (tâm tưởng) sẽ trở nên ít đi. Lúc này khởi sinh sự bình an và hạnh phúc lớn lao, nhưng chúng ta có thể bị dính mắc (tham đắm) vào niềm hỷ lạc đó. Chúng ta nên quán niệm rằng trạng thái hỷ lạc đó cũng là không chắc chắn. Hỷ lạc là không chắc chắn và vô thường, bất hạnh và khổ đau cũng là không chắc chắn và vô thường: chúng ta cũng nên quán niệm như vậy. Chúng ta hiểu biết rõ tất cả mọi cảm thọ khác nhau đều không tồn tại lâu và không đáng để chúng ta bám chấp vào chúng. Chúng ta nhìn thấy mọi thứ theo cách như vậy, bởi vì cách đó là trí tuệ. Chúng ta hiểu biết mọi sự theo cách như vậy đúng theo bản chất sinh-diệt tự nhiên của chúng.

Nếu chúng ta có được loại hiểu biết như vậy thì điều đó giống như nắm chắc một đầu dây thừng tạo nên nút thắt. Nếu ta kéo ra đúng hướng, nút thắt sẽ lỏng ra, bung ra và bị tháo ra. Không còn bị thắt rối thắt chặt ở đó nữa. Điều này cũng giúp hiểu ra rằng mọi thứ không phải nhất thiết luôn luôn là vầy, là vậy. Trước đó, chúng ta cứ nghĩ mọi thứ luôn luôn là như vậy, nên chúng ta cứ chấp cứng như vậy, và do đó cứ như càng ngày càng siết chặt thêm nút thắt, càng thêm khó gỡ. Những nút thắt là sự dính mắc và khổ ở trên đời. Sống theo kiểu bị dính mắc ràng buộc như vậy là khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải tháo gỡ nút thắt để bớt bị siết chặt, bớt bị khổ đau. Tại sao chúng ta cần phải tháo lỏng nút thắt? Bởi vì nó bị thắt chặt! Nếu chúng ta không thắt chặt, không bị dính chặt vào chúng, chúng ta có thể tháo gỡ và tự do khỏi chúng. Mọi trạng thái đều là vô thường và có thể được thay đổi. Không phải các nút thắt là bế tắc, là bó tay, là khổ mãi mãi.

Chúng ta dùng giáo lý về vô thường làm căn bản tu hành. Chúng ta nhìn thấy sướng và khổ đều không cố định, luôn luôn thay đổi. Chúng ta thấy chúng không phải là thứ ổn định để chúng ta bám giữ. Tuyệt đối không có gì là thường hằng cả. Với loại hiểu biết này, chúng ta dần dần không còn tin vào (hay chạy theo) những trạng thái và những cảm thọ khác nhau xảy đến trong tâm. Sự hiểu sai lầm (tà kiến) cũng sẽ dần dần giảm bớt tương ứng với mức độ bớt tin của chúng ta. Điều này giống với ý nghĩa của việc tháo gỡ nút thắt. Nó sẽ càng lúc càng nới lỏng ra. Sự dính mắc, ràng buộc, chấp thủ, tà kiến sẽ dần dần được gỡ bỏ.

• Sự Chán Bỏ

Khi ta đi đến nhìn thấy tính 'vô thường, khổ và vô ngã' bên trong ta, trong tấm thân và tâm này, trong thế giới này, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy một loại chán-bỏ khởi sinh trong tâm. Nó không phải là sự chán bỏ chán chường thông thường, không phải là sự chán nhìn, chán ăn, chán làm... mang tính tiêu cực theo nghĩa thông thường. Những cái chán đó không phải là sự chán bỏ thực sự, vì trong đó vẫn còn cả đống dính mắc và ràng buộc và tham chấp, vì trong đó người chán vẫn chưa hiểu biết gì về những lẽ thực của sự sống. Trong những cái chán thông thường, chúng ta vẫn còn tức giận, ghét bỏ, sân, si và vẫn còn dính chấp vào những thứ làm chúng ta khổ sở và chán chường.

Loại chán-bỏ mà Đức Phật đã nói là một tình trạng chán-bỏ không có sân giận, tham chấp hay tham dục gì trong đó. Sự chán-bỏ đó khởi sinh từ việc nhìn thấy mọi sự thể và mọi sự sống đều là vô thường. Khi cảm giác dễ chịu khởi sinh, chúng ta nhìn thấy và biết nó không tồn tại lâu. Đó là sự chán bỏ ta có được. Đó là sự chán-bỏ, sự từ bỏ (nibbidã), sự không còn mê chấp vào thứ gì trên thế gian. Điều đó có nghĩa là không còn dính líu với dục vọng và si mê nữa. Chúng ta nhìn thấy chẳng có thứ gì đáng để tham muốn nữa. Dù mọi sự có làm ta vui hay buồn, có làm ta sướng hay khổ, có diễn ra theo ý ta hay không... điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ta, vì chúng ta không nhận chúng là gì của 'ta' cả. Chúng ta chẳng coi chúng là một chút giá trị nào. Đó chỉ là những thứ vô thường, có rồi mất, đến đi, sinh diệt, phù du, tạm bợ, bất toại nguyện.

Tu tập theo hướng tâm như vậy không tạo ra lý do để mọi thứ gây khó khổ cho chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy khổ đau và đã nhìn thấy sự chạy theo (dính chấp) những trạng thái tâm không thể nào tạo ra niềm hạnh phúc đích thực nào. Cách đó chỉ tạo ra sự dính mắc và ràng buộc và tham đắm vào những thứ hạnh phúc và bất hạnh, sướng và khổ, và dính chấp theo sự thích và không thích vốn là nguồn gốc của mọi Sự khổ. (Còn dính chấp là còn khổ). Khi chúng ta còn chấp nê đối đãi như vậy, chúng ta không có được một thái độ bình-tâm và buông-xả đối với mọi sự. Ta cứ dính líu, thích trạng thái này, ghét trạng thái kia; tham chỗ này, sân chỗ kia. Nếu chúng ta cứ thích và không thích thì hạnh phúc và bất hạnh cũng đều là khổ. Đây là loại gông cùm tạo ra khổ đau. Đức Phật dạy bất cứ thứ gì bản thân nó là bất toại nguyện thì sẽ gây khó khổ cho chúng ta.

•Tứ Diệu Đế

Chúng ta đã từng nghe giáo lý của Phật là hiểu biết về khổ và hiểu biết nguyên nhân tạo ra khổ. Và thêm nữa, chúng ta hiểu biết về sự tự do khỏi khổ và con đường dẫn đến sự tự do đó. Phật dạy chúng ta chỉ cần biết về bốn điều này. Khi chúng ta hiểu biết về bốn điều này, chúng ta sẽ có thể nhận biết khổ đau khi nó khởi sinh và biết rõ về nguyên nhân của nó. Chúng ta biết khổ không phải tự dưng mà có! Khi chúng ta muốn giải thoát khỏi khổ đau thì chúng ta phải trừ diệt nguyên nhân gây ra khổ.

Vì sao chúng ta có cảm giác khổ, cảm giác bất toại nguyện? Chúng ta sẽ nhìn thấy: sở dĩ chúng ta khổ là do chúng ta còn dính mắc vào đủ loại sự thích và không thích liên tục liên tục. Chúng ta đi đến hiểu biết rằng chúng ta bị khổ là do những hành động (nghiệp) của chúng ta. Chúng ta khổ vì chúng ta gán này gán nọ, gán giá trị vào những thứ vô thường và vô giá trị. Do vậy chúng ta nói: Biết về khổ, biết về nguyên nhân khổ, biết về sự thoát khổ, và biết về con đường Đạo dẫn đến sự thoát khổ. Khi chúng ta hiểu biết về khổ, chúng ta tiếp tục tháo gỡ nút thắt. Nhung chúng ta phải nhớ tháo gỡ nó bằng cách kéo ra theo hướng đúng đắn. Nói cách khác, chúng ta phải biết rõ đó là cách mọi sự có mặt, biết cách của nút thắt thì mới gỡ được nút thắt. Sự dính chấp, ràng buộc, tà kiến sẽ bị phá bỏ. Đây là cách tu tập để chấm dứt mọi sự khổ của chúng ta.

Biết (sự thật) về khổ, biết nguyên nhân (nguồn gốc) khổ, biết về sự tự do (giải thoát) khỏi khổ, và biết về con đường (đạo) dẫn đến chấm dứt khổ. Đây là con đường đạo (magga). Con đường chánh đạo là có tám phần hữu quan với nhau: hiểu biết đúng đắn (chánh kiến), suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), lời nói đúng đắn (chánh ngữ)/ hành động đúng đắn (chánh nghiệp), công việc nghề nghiệp đúng đắn (chánh mạng), tu tập sự chú tâm tỉnh giác đúng đắn (chánh niệm), và tu tập sự định tâm đúng đắn (chánh định). Khi chúng ta có cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) về mọi sự vật và hiện tượng thì ta có được con đường (đạo). (Chánh kiến đi đầu trong chánh đạo. Tà kiến thì đi hoài trong tà đạo và vòng luân hồi sinh tử). Những phần trong Bát Chánh Đạo có thể dẫn đến chấm dứt mọi sự khổ và sinh tử luân hồi. Tám phần đó dẫn chúng ta đạt đến đức hạnh (giới), sự định tâm (định) và sự hiểu biết minh sát, trí tuệ (tuệ). Tám phần đó tạo thành ba mảng của con đường đạo, đó là giới-định-tuệ (sĩla, samãdhi, pannã).

Chúng ta phải hiểu biết một cách rõ ràng về bốn điều. Ta phải muốn hiểu biết rõ. Ta phải muốn nhìn thấy bốn điều sự thật đó bằng thực-tại. Khi chúng ta nhìn thấy bốn sự thật đó trong thực-tại đúng là chân lý không thể chối cãi được, ta gọi bốn chân lý đó là Chân Pháp (Sacca Dhamma). Dù chúng ta có nhìn vào trong, nhìn trước, nhìn trái, hay nhìn phải, tất cả những gì ta nhìn thấy luôn là Chân Pháp. Có nghĩa là chúng ta chỉ nhìn thấy mọi sự đúng thực như chúng là, nhìn thấy mọi sự diễn ra theo cách tự nhiên của chúng. Đối với ai đã đạt đến Giáo Pháp (Dhamma), ai đã thực sự hiểu biết Giáo Pháp, thì dù người đó có đi đâu, mọi sự sẽ đều là Giáo Pháp.

-------------

(26) [Đây là bài nói chuyện không chính thức sau giờ tụng kinh buổi chiều giữa kỳ an cư Kiết Hạ năm 1978, nói cho một nhóm Tỳ kheo vừa mói thọ giới].

(27) [Trí tuệ (panna, Bát-nhã) mang ý nghĩ sâu rộng hon là loại trí tuệ hay trí thức thông thường, đó là sự nhìn thấy thấu suốt (minh sát) vào Giáo Pháp. Mặc dù có lúc được dùng vói ý nghĩa đôi chút khác nhau, nhưng ý nghĩa chung là sự hiểu biết tăng dần về Giáo Pháp được tích lũy thông qua quá trình tu tập đến một mức trí tuệ minh sát thâm sâu và giác ngộ.]

Panna: Trí tuệ minh sát; trí tuệ nhìn thấy chân lý, lẽ thật của sự sống; trí tuệ để giác ngộ; trí tuệ giác ngộ, trí tuệ bát-nhã (HV).

(28) [Trong lần giảng khác về chỗ này, thiền sư Ajahn Chah nói rằng: Nếu chúng ta biết phòng hộ tâm của mình thì coi như chúng ta đã tự tuân giữ tất cả số lượng các giới luật].


    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Về mái chùa xưa


Phật Giáo Yếu Lược

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.254.103 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...